Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kiến Trúc Các Ngôi Chùa Xưa Và Nay

23/04/201317:44(Xem: 12723)
Kiến Trúc Các Ngôi Chùa Xưa Và Nay
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Kiến Trúc Các Ngôi Chùa Xưa Và Nay

Nguyễn Quảng Tuân
Nguồn: Nguyễn Quảng Tuân


Vùng đất Sài Gòn được kể như đã hình thành từ năm 1698, sau khi Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào tổ chức việc quản lý hành chính vì lúc này dân vào định cư cũng đã khá đông.

Ngoài lớp người Việt này còn có một số người Hoa gồm cả những quan quân nhà Minh không chịu thuần phục nhà Mãn Thanh cũng tới xin định cư.

Các người mới định cư này đều không tránh khỏi tâm trạng của những kẻ lưu dân, xa nơi quê cha đất tổ. Họ đều nhớ đến làng cũ, nhớ đến mồ mả của ông cha nên ai cũng muốn cầu xin sự phù hộ của đức Phật từ bi để được mạnh khỏe, yên ổn làm ăn.

Người Hoa thì lập ra các hội quán và các miếu thờ Quan Đế, thờ Thiên Hậu. Người Việt thì lập ra các đình, chùa thờ Phật, thờ thần.

Truyền rằng, hồi đó, đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, vào khoảng năm 1747, Tổ Phật Ý đã từ miền Trung vào Nam truyền bá đạo Phật. Khi vào tới vùng đất Sài Gòn, thuộc huyện Tân Bình, xã Minh Hương, Tổ trụ lại ở làng Tân Lộc và đã lập một thảo am để thờ Phật.

Năm Nhâm Thân (1752), Tổ Phật Ý đã cho sửa am thành một ngôi chùa gồm chánh điện và nhà hậu tổ đặt tên là Từ Ân tự, ngụ ý nhờ được ân huệ của đức Từ Bi mà dựng được nơi thờ tự và truyền bá đạo pháp.

Đồng thời với việc thiết lập chùa Từ Ân (1) còn có chùa Khải Tường (2). Hai ngôi chùa này được kể là hai ngôi già lam cổ nhất ở vùng đất Sài Gòn, nhưng đều đã bị phá hủy vì chiến cuộc, thời chống quân Pháp xâm lược, nên ngày nay chúng ta không còn được biết kiến trúc hồi đó ra sao.

Nếu kể thêm các ngôi chùa cổ thì chùa Kim Chương cũng là một danh lam mà Trịnh Hoài Đức đã nói đến trong quyển "Gia Định thành thông chí" như sau:

"Chùa ở phía Tây Nam trấn hơn bốn dặm, về phía Bắc quan lộ. Ở giữa là Phật điện, trước sau có Đông-Tây đường, sơn môn, phương trượng, kinh thất hương viện và phạn đường, chạm trổ sơn then thếp vàng, đẹp đẽ nguy nga...".

Trong bản đồ Gia Định-Sài Gòn-Bến Nghé do Trần Văn Học vẽ năm 1815, chúng ta thấy có ghi rõ địa điểm chùa Kim Chương và chùa Cây Mai.

Chùa Cây Mai (Mai Khâu tự) cũng được Trịnh Hoài Đức nói đến trong Gia Định thành thông chí:

"Gò Cây Mai ở cách phía nam trấn độ 30 dặm, ở đây có nhiều cây nam mai, cành lá rườm rà... Trên gò có ngôi chùa Ân Tông... quanh chân gò có hào nước bao bọåc. Chiều mát, các thiếu nữ chèo thuyền hái sen. Gặp những giai tiết lại có những văn nhân thi sĩ lên ngâm vịnh tại nơi đầu gò, dưới gốc cây mai... Thật là một thắng cảnh cho người du lãm".

Các ngôi chùa cổ ấy, cũng như các ngôi chùa Pháp Vũ, Phước Hải, Phước Hưng, Kim Tiên, Gia Điền, chỉ còn được nhắc lại trong sách sử chứ đến nay đã không còn để lại một vết tích nào, ngoại trừ pho tượng Phật của chùa Khải Tường còn được lưu giữ và hiện được trưng bày ở Viện Bảo tàng Lịch sử (số 2, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) và tấm hoành QUỐC BẢO KHẢI TƯỜNG TỰ còn được lưu giữ và hiện được treo ở chánh điện chùa Sắc tứ Từ Ân (về sau đã được xây cất lại ở đường Tân Hóa, quận 6).

Ngày nay, muốn tìm hiểu về kiến trúc các ngôi chùa cổ, chúng ta chỉ còn căn cứ vào một số những ngôi chùa còn tồn được như sau:

Chùa Giác LâmQuận Tân Bình
Chùa Giác ViênQuận 11
Chùa Giác SanhQuận 11
Chùa Từ ÂnQuận 6
Chùa Tập PhướcQuận Bình Thạnh
Chùa Trường ThọQuận Gò Vấp
Chùa Phụng SơnQuận 1
Chùa Huệ LâmQuận 8
Chùa Gò (Phụng Sơn)Quận 11
Chùa Huê NghiêmHuyện Thủ Đức
Chùa Phước TườngHuyện Thủ Đức
Chùa Hội SơnHuyện Thủ Đức
Chùa Linh SơnHuyện Củ Chi
Chùa Long ThạnhHuyện Bình Chánh

Nhưng trong số các ngôi chùa kể trên cũng có những ngôi chùa đã được sửa lại, không còn giữ nguyên dạng ban đầu nữa. Ngoài ra có những ngôi chùa cổ như chùa Linh Sơn ở quận 1, chùa Long Huê ở quận Gò Vấp, chùa Long Nhiễu ở huyện Thủ Đức... đã xây cất lại hoàn toàn nên chỉ còn cái danh là chùa cổ, chứ về mặt kiến trúc thì phải coi là chùa mới.

Vậy, căn cứ vào những nhận định trên, chúng tôi xin trình bày vắn tắt về một số chùa cổ và chùa mới ở thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin tạm lấy mốc thời gian là năm 1900 để phân định chùa cổ và chùa mới.

Nếu những ngôi chùa nào được lập trước năm đó, dù đã được trùng tu nhưng còn giữ được khung gỗ truyền thống thì được coi là chùa cổ.

Nếu những ngôi chùa nào được lập sau năm đó, mà dù có làm theo khung gỗ cổ truyền vẫn được coi là chùa mới.


NHỮNG NGÔI CHÙA CỔ

Trước hết phải kể đến chùa Giác Lâm. Ngôi chùa này đã được Trịnh Hoài Đức nói đến trong quyển Gia Định thành thông chí:

"Ở trên gò Cẩm Sơn, cách phía Tây lũy Bán Bích ba dặm, đột khởi một gò đất hình tròn... rộng ba dặm, cây cao như rừng, hoa nở như gấm, sáng chiều mây khói quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà có nhã thú.

Mùa Xuân năm Giáp Tý (1744) đời chúa Thế Tông (Nguyễn Phúc Khoát) năm thứ 7, người xã Minh Hương là Lý Thụy Long, quyên góp xây dựng nhà chùa trang nghiêm, cửãa thiền u tịch...".

Hồi ấy, khi mới xây xong chùa, cư sĩ Lý Thụy Long có đến chùa Từ Ân xin với Tổ Phật Ý cho một đệ tử về trụ trì chùa của mình. Tổ Phật Ý đã cử Thầy Viên Quang về trụ trì. Nếu kể từ đời trụ trì thứ nhất ấy đến nay thù chùa Giác Lâm đã trải qua 10 đời trụ trì và chùa cũng được gọi là tổ đình của dòng Lâm Tế ở miền Nam. Chùa đã được trùng tu lớn hai lần:

Lần thứ nhất từ 1799 đến 1804.
Lần thứ hai từ 1906 đến 1909.

Xưa kia xung quanh chùa còn vắng vẻ, chưa có nhà ở của dân chúng lấn chiếm vào khuôn viên chùa như hiện nay, nên cảnh chùa thật u tịch, đúng như câu đối ở chánh điện đã diễn tả:

Tự cổ Tăng nhàn thường dẫn yên hà vi bạn lữ;
Sơn thâm thế cách chỉ bằng thảo mộc ký xuân thu.

Diễn nôm:
Chùa cổ sư nhàn, sẵn khói ráng kết duyên bầu bạn.
Non sâu đời khất, nhờ có cỏ hoa ghi dấu tháng năm.

Hoặc:
Dưỡng tính vô như thiền cảnh tỉnh;
Minh tâm phương giác pháp môn thâm.

Diễn nôm:
Dưỡng tính gì hơn thiền cảnh tỉnh;
Minh tâm mới thấy pháp môn sâu.

Các câu đối ở chùa Giác Lâm hầu hết được khắc liền trên cột rất công phu. Cả chùa có 98 cột dựng chạy dọc từ ngoài vào trong, chia thành ba lớp nhà nên có người cho là xây theo kiểu chữ (tam), nhưng không hẳn đúng vì các chùa xây theo hình chữ "tam" như chùa Tây Phương, chùa Kim Liên đều có ba dãy nằm theo chiều ngang: chùa thượng 5 gian, chùa trung 3 gian và chùa hạ 5 gian.

Chùa Giác Lâm tuy còn bộ cột gỗ cổ truyền nhưng tường bao quanh đã được xây cất lại. Mặt tiền chính điện cũng không còn lớp cửa bức bàn mà đã được xây gạch với bốn cửa sổ và hai cửa đi như ở các tư gia (có gắn chống song sắt). Nền nhà trong chánh điện cũng đã được lát gạch hoa.

Nói chung, kiến trúc chùa Giác Lâm tuy bên ngoài có sửa đổi nhiều so với lúc ban đầu, nhưng vẫn xứng đáng là ngôi chùa cổ tiêu biểu nhất ở thành phố Hồ Chí Minh nên Bộ Văn hóa đã xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia ngày 16-11-1988.

Các chùa cổ khác như chùa Giác Viên, chùa Huê Nghiêm, chùa Phước Tường, chùa Hội Sơn... đều đã sửa chữa mặt tiền nên đã mang phần nào nét hiện đại, nhất là chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức.

Riêng chùa Gò (Phụng Sơn tự) tọa lạc tại số 1408 đường Ba Tháng Hai, quận 11, tuy được khai sơn từ đầu thế kỷ XIX, nhưng lúc ban đầu chỉ là một thảo lư, mãi đến năm 1904 mới được xây cất lại. Kiến trúc hiện nay được khánh thành năm 1915. Cổng tam quan ngoài đường mới được xây năm 1997. Nếu căn cứ vào bộ cột kèo cổ truyền bằng gỗ thì chùa Gò được coi là ngôi chùa cổ, nhưng thực ra kiến trúc ấy cũng mới được tạo dựng vào đầu thế kỷ 20 do công của Hòa thượng Tuệ Minh. Thời ấy chùa này còn chưa có đường chạy qua nên cả khu vực còn rất hoang vắng. Chung quanh gò còn có bàu sen rộng ở phía sau và phía trước có hào nước bao bộc. Nay khuôn viên chùa đã bị lấn chiếm : hào nước bị rác rưởi lấp cạn và bàu sen bị thu hẹp lại bởi các căn nhà mọc lên quanh bờ.

Cảnh trí chùa đã mất đi nhiều vẻ đẹp thiên nhiên nên cần được tôn tạo để xứng đáng là một danh lam đã được xếp hạng Di tích Văn hóa bậc quốc gia.

Chúng tôi chỉ nói qua như vậy về mấy ngôi chùa cổ ở thành phố Hồ Chí Minh, vì nếu đi vào chi tiết của từng chùa thì phạm vi hạn hẹp của một bài thuyết trình không cho phép được trình bày thêm.


NHỮNG NGÔI CHÙA MỚI

Như đã nói ở trên, chúng tôi chỉ kể là chùa mới những ngôi chùa được lập từ sau năm 1900 dù cho có được tạo dựng bằng khung gỗ cổ truyền với cột kèo rui mè... như chùa Giác Huê ở huyện Hóc Môn hoặc chùa Giác Nguyên ở Bến Vân Đồn, quận 4.

Các ngôi chùa mới, nhất là các ngôi chùa ở ngoại thành, thường có cảnh trí thiên nhiên đẹp đẽ nên thích hợp cho sự tu hành hơn là ở trong nội thành ồn ào và chật hẹp về khuôn viên. Chính vì lẽ này mà giữ thế kỷ thứ XX đến nay, phong trào xây chùa theo kiểu mới, có lầu, có hội trường dùng vật liệu hiện đại như xi-măng cốt thép, gạch hoa, chấn song sắt, cửa kính mái ngói Tây hoặc mái đúc bằng bê tông... trở nên thịnh hành.

Người ta còn cho bắt đèn điện, đèn nê-ông, đèn màu hào quang trên bàn thờ Phật thay cho những ngọn đèn dầu mù mờ...

Có người thắc mắc, xây chùa theo kiến trúc mới thì không còn giữ được vẻ đẹp truyền thống của dân tộc nữa, nhưng vấn đề cũng không hẳn đơn giản như vậy.

Xưa kia, dân chúng còn ở thưa thớt, đất đai rộng rãi nên chùa không cần phải xây cho có qui mô như hiện nay gồm đủ cả lầu gác, hội trường và giảng đường với các tiện nghi công cộng.

Đáng kể nhất, về mặt kiến trúc, là chùa Giác Hải ở đường Hùng Vương, phường 12, quận 6, đã được xây như một ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo. Chùa được khánh thành vào năm Canh Dần (1820) như có ghi ở mặt tiền.

Bên trong, chánh điện là một căn phòng rộng có trần khá cao, nền nhà lát gạch bóng láng. Hai bên tường, mỗi bên có 8 cửa sổ, phía trên có cửa gương hình tròn. Có 10 cột xi măng tròn chia chánh điện thành 3 gian theo chiều dọc. Cuối gian giữa kê bàn thờ Phật. Ở đây không có một tấm bao lam, một bức hoành phi hay một câu đối nào.

Đây có thể là trong thời kỳ Pháp thuộc các công trình kiến trúc đều do các kiến trúc sư người Pháp vẽ. Điều này chúng ta cũng thấy phần nào ảnh hưởng của kiến trúc Pháp qua các ngôi chùa cổ được trùng tu như đã nói ở phần trên.

Về sau, khi chế độ bảo hộ bị chấm dứt, chúng ta thấy các kiến trúc sư Việt Nam đã có sự dung hòa hơn nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây phương.

Trong quyển Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Phi Hoanh đã có nhận xét:

"Ngôi chùa Xá Lợi ở Bà Huyện Thanh Quan tuy chưa đạt phong cách dân tộc và nghệ thuật kiến trúc như chùa Vĩnh Nghiêm nhưng cũng cho thấy kiến trúc sư biết áp dụng kỹ thuật kiến thiết nhà thờ Thiên Chúa ở Tây Âu vào việc xây dựng phần chánh điện".

Điều nhận xét này cũng có phần đúng vì chánh điện chỉ thờ có một pho tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ở giữa có hai hàng cột ngăn làm ba gian theo chiều dọc. Ngọn tháp ở trước chùa cũng được dùng để treo quả hồng chung chứ không dùng để thờ Phật.

Kiến trúc này do hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh vẽ họa đồ và đã do hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hà Tố Thuận trông coi việc xây cất.

Chùa Xá Lợi được khởi công ngày 5-8-1956 và khánh thành vào ba ngày 2,3,4 tháng 5 năm 1958, đã mở đầu cho kiểu kiến trúc "chùa hội trường".

Nhưng phải đợi đến khi có chùa Vĩnh Nghiêm thì nghệ thuật kiến trúc mới mang nặng dấu ấn dân tộc.

Chính Nguyễn Phi Hoanh trong quyển Mỹ thuật Việt Nam cũng đã có nhận xét:

"Chùa Vĩnh Nghiêm đánh dấu một thành công ít có của nghệ thuật kiến trúc tôn giáo ta. Ngôi tháp bên ngoài nhắc nhở những tháp vĩ đại nay không còn, của đời Lý mà sử sách đã tả tỉ mỉ cái nguy nga đẹp đẽ như tháp Bảo Thiên, tháp Chương Sơn ở Ngô Xá v.v...".

Chùa Vĩnh Nghiêm được khởi công năm 1964 và hoàn thành năm 1971 do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng vẽ kiểu với sự cộng tác của hai kiến trúc sư Lê Tấn Chuyên và Cổ Văn Hậu. Chùa có một tầng trệt và một tầng lầu.

Tầng trệt có giảng đường, văn phòng và Tăng phòng v.v..

Tầng lầu có Phật điện là một tòa vũ nguy nga kiến trúc theo kiểu chữ I (công) gồm có ba nếp: bái điện, bản điện và Địa Tạng đường.

Các mái chùa đều uốn cong ở đầu góc, có hình đầu phượng trang trí.

Chùa Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa có kiến trúc đẹp đẽ nguy nga, nhưng tiếc rằng khuôn viên lại không được rộng rãi và vị trí lại ở trên một con đường đông xe cộ, ồn ào náo nhiệt, không thích hợp với cảnh thiền vốn cần sự yên tĩnh.

Chúng tôi rất tiếc không thể giới thiệu chi tiết hơn về ba ngôi chùa nói trên vì còn có rất nhiều các ngôi chùa khác cũng rất đặc biệt về mặt kiến trúc như Ngọc Hoàng điện, chùa Trường Thạnh, chùa Lâm Tế (quận 1), chùa Phước Hòa, chùa Kỳ Viên (quận 3), chùa Kim Liên, chùa Giác Nguyên (quận 4), chùa Vạn Phật (quận 5), Hưng Minh tự, chùa Tuyền Lâm, chùa Nam Phổ Đà (quận 6), chùa Pháp Quang (quận 8), chùa Ấn Quang (quận 10), chùa Sùng Đức, chùa Linh Quang, chùa Huê Lâm (quận 11), chùa Pháp Hoa, chua Đại Giác, Thanh Minh thiền viện (quận Phú Nhuận), chùa Phổ Đà, chùa Dược Sư, tịnh xá Trung Tâm (quận Bình Thạnh), chùa Phật Bảo (quận Tân Bình), Quảng Hương Già Lam (quận Gò Vấp), tu viện Quảng Đức, Nam Thiên Nhất Trụ (huyện Thủ Đức), chùa Huệ Nghiêm (huyện Bình Chánh) v.v.. mà chúng tôi chưa đề cập đến được, vì phạm vi hạn hẹp của bàn tham luận không cho phép chúng tôi được nói rộng hơn nữa.

Chúng tôi chỉ xin nói thêm rằng, nếu xét về mặt kiến trúc thì mỗi chùa có một vẻ đẹp riêng, không chùa nào giống hẳn chùa nào. Đến cổng tam quan các chùa cũng vậy, có chùa xây thật nguy nga như cổng tam quan chùa Gò (Phụng Sơn tự), chùa Huê Nghiêm, thiền viện Vạn Hạnh, chùa Lâm Tế, chùa Pháp Hoa, Quảng Hương Già Lam...; có chùa lại xây cổng tam quan thật giản dị như chùa Giác Lâm, chùa Phước Hòa, Nam Thiên Nhất Trụ v.v.. Những dù lớn hay nhỏ, cổng tam quan cũng phải phù hợp với khuôn viên của ngôi chùa. Nếu khuôn viên nhỏ quá, sân trước ngắn quá mà xây cổng tam quan như chùa Lâm Tế (quận 1) thì cổng tam quan sẽ che lấp cả ngôi chùa, không còn gì là vẻ mỹ quan nữa.

Ở các chùa mới, chánh điện thường được thiết trí ở tầng lầu, phong quang và rộng rãi. Mái chùa đều không có uốn cong ở các đầu góc như chùa Vĩnh Nghiêm.

Tháp chùa thì có nhiều hình loại khác nhau, đáng kể hơn cả là tháp chùa Xá Lợi và tháp chùa Vĩnh Nghiêm. Tháp mộ cũng rất đa dạng và cũng có nhiều kiểu xây đắp công phu như các tháp Tổ chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên... hoặc giản dị như các tháp mộ ở chùa Hội Sơn, chùa Long Thạnh...

Cho nên, ở thành phố Hồ Chí Minh, mới có 300 năm lịch sử, chỉ còn có mấy ngôi chùa cổ thì chúng ta - nhất là các vị trụ trì các ngôi chùa ấy - phải bảo tồn lấy các kiến trúc xưa, không nên vì cái đẹp hào nhoáng bề ngoài mà hiện đại hóa đi.

Chúng tôi lại cũng yêu cầu các cấp chính quyền lưu tâm đến các ngôi chùa đã được xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia, hãy có biện pháp hữu hiệu giải tỏa các phần đất bị lấn chiếm để cho cảnh quan các chùa ấy được tôn nghiêm đúng với chủ trương của Nhà nước và cũng để làm cho thành phố được mỹ quan hơn nhân dịp kỷ niệm 300 năm lịch sử.




CHÚ THÍCH
(1) Địa chỉ ban đầu ở đường Võ Văn Tần, ngày nay khoảng góc Lê Quí Đôn - Võ Văn Tần.
(2) Khoảng khu Chợ Đũi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567