Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần VI - Phật Giáo Trong Sinh Hoạt Văn Hóa

23/04/201319:14(Xem: 10479)
Phần VI - Phật Giáo Trong Sinh Hoạt Văn Hóa
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Phần VI - Phật Giáo Trong Sinh Hoạt Văn Hóa Phật Giáo Trong Sinh Hoạt Văn Hóa Tại Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh

Võ Đình Cường
Nguồn: Võ Đình Cường


Văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong quá trình phát triển của lịch sử, định hình cho sự hiện hữu của con người. Sự hiện hữu này tùy thuộc vào hoàn cảnh chung quanh và vào chính thể cách, tư duy, tình cảm của một cộng đồng con người ở một địa phương. Do đó, trong cái chung của một nền văn hóa loài người, có những nền văn hóa mang tính riêng biệt để có thể gọi là văn hóa của làng xã, quận huyện, đô thị, quốc gia, khu vực địa lý v.v... Vì văn hóa định hình cho sự hiện hữu con người, thể hiện sự hiện hữu ấy nên văn hóa còn mang tính hướng dẫn và dự phóng cho sinh hoạt của tương lai. Phật giáo (PG) cũng như nhiều tôn giáo lớn khác của loài người, đã được thể hiện trong sinh hoạt tại những nơi mà tôn giáo của Từ bi và Trí tuệ này đâm chồi và nẩy nở, tức là, đã dự phần làm nên văn hóa và định hình cho nếp sống của cộng đồng.

Các chúa Nguyễn từ đầu thế kỷ XVII, khi mở mang bờ cõi phía Nam, trong nỗ lực xây dựng một thế lực, một bờ cõi chống với nhà Trịnh, đã tìm cách phát triển PG để có thể xây dựng một nền văn hóa vững mạnh, hậu thuẫn cho chính trị và định hình cho sự phát triển quốc gia. Việc cho xây cất chùa Linh Mụ tại Huế (1601) khi mới chân ướt chân ráo đến Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng đã đặt cơ sở cho việc thực hiện ý định ấy. Chúa Nguyễn Phúc Chu trùng tu, xây dựng thêm cho chùa Linh Mụ, việc mời các Thiền sư Nguyên Thiều, Thạch Liêm... từ Trung Hoa sang cũng là một nỗ lực xây dựng văn hóa Phật giáo.

Năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Kỉnh vào Nam chia đất Đông Phố, lập huyện Phước Long, dinh Trấn Biên (thuộc tỉnh Đồng Nai ngày nay), lập huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (thuộc Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh ngày nay) thì PG cũng theo các đoàn di dân mà phát triển tại vùng đất này. Bấy giờ ở Đồng Nai đã có nhiều chùa Phật và hai chùa đã được chúa sắc tứ. Cũng chẳng bao lâu, tại Phiên Trấn, PG phát triển nhanh chóng. Ngôi chùa cổ nhất thành phố chúng ta hiện nay còn tồn tại là chùa Giác Lâm, được xây dựng năm 1744 đời chúa Nguyễn Phúc Khoát là một bằng chứng cho sự hiện diện và đóng góp của văn hóa PG từ khi thành phố được thiết lập.

Mỗi ngôi chùa là một trung tâm sinh hoạt văn hóa. Từ việc thực hiện nghi lễ, việc huấn luyện nếp sống tâm linh hiền thiện, đến việc giáo dục, nghiên cứu, biên soạn kinh sách, phát hành các pháp khí như tranh tượng, sách báo PG ở chùa, tất cả đã làm phong phú các sinh hoạt văn hóa của thành phố.

Từ đầu thế kỷ XX, phong trào chấn hưng PG tại Sài Gòn-Gia Định đã đóng góp tích cực cho việc phát triển văn hóa của thành phố. Việc phiên dịch kinh sách ra chữ quốc ngữ, việc thành lập Thích học đường, Phật học Thư xã, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, xuất bản tạp chí Từ Bi Âm... là những bằng chứng hùng hồn cho sự đóng góp văn hóa của PG.

Những đặc trưng của văn hóa PG cần được nghiên cứu sâu hơn trong suốt 300 năm lịch sử thành phố ta qua cách kiến trúc chùa, nghệ thuật đúc chuông, tượng, tranh vẽ, âm nhạc, đặc biệt trong thể cách tụng đọc kinh kệ, trong cung cách thực hiện nghi lễ, trong sinh hoạt hội đoàn Phật tử trong sách vở, báo chí, kịch nghệ, phim ảnh PG tại thành phố ta. Theo với đà phát triển, nền giáo dục PG từ tiểu, trung, đại học cũng phát triển, góp phần làm phong phú, đa dạng cho sinh hoạt văn hóa nước nhà. Nhân đây, chúng tôi xin bày tỏ niềm mong ước của mình là làm sao giới PG thành phố ta nỗ lực nghiên cứu sâu hơn về những đóng góp văn hóa của PG cho thành phố. Cụ thể là chúng ta cần những bổ sung tiếp cho cuốn Lịch sử Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh mà tôi đã có dịp được đọc bản thảo.

Sau ngày giải phóng đất nước, năm 1981, Giáo hội PG Việt Nam được thành lập, PG thành phố ta đã nhanh chóng vươn lên, góp phần hữu hiệu cho việc xây dựng và phát triển thành phố. Qua đó, những hoạt động văn hóa của PG thành phố đã chứng tỏ được sức phát triển của hoạt động PG không những tại địa phương mà còn tiêu biểu cho văn hóa PG cả nước. Gần 100 trong khoảng 1.000 ngôi chùa tiêu biểu cho bộ mặt PG tại thành phố đã và đang được trùng tu, tôn tạo. Kinh sách PG in ấn càng lúc càng nhiều, Thành hội PG đều đặn cho in ấn và phát hành năm bảy chục đầu sách, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội cũng đóng góp vào việc nghiên cứu Phật học và con số trên mười đầu sách được thực hiện hàng năm cũng là những đóng góp đáng kể. Tuần báo Giác Ngộ, nguyệt san Giác Ngộ, Tập Văn của Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội được phát hành rộng rãi trong và ngoài nước. Các cuộc hội thảo do PG thành phố tổ chức đã thu hút được nhiều giáo sư, học giả từ nhiều giới trên khắp cả nước và kể cả một số ở nước ngoài. Các băng từ các bài thuyết giảng Phật pháp, phim ảnh PG, tranh tượng và nhiều pháp khí khác được sản xuất tại thành phố cũng được quần chúng hoan hỷ đón nhận.

Một dấu hiệu đầy khích lệ đáng ghi nhận là các giáo sư, học giả và giới văn nghệ sĩ thành phố ta càng lúc càng thể hiện tình cảm và thiện chí đóng góp đối với PG. Các cuộc lễ lạc, hội thảo, các bài nghiên cứu, sáng tác PG cũng như những công trình xây dựng văn hóa đều có sự tham gia của lực lượng quan trọng này.

Hoạt động văn hóa của PG thành phố hiện nay là những kế thừa của Phật sự mà 300 năm qua PG đã đóng góp cho thành phố. Chúng ta có điều kiện để vươn lên, để mở rộng các sinh hoạt văn hóa của mình. Đó là quyết tâm vì Đạo pháp và Dân tộc, là sự ủng hộ của giới trí thức và của đông đảo quần chúng Phật tử, sự giúp đỡ tận tình của Nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng còn nhiều khó khăn cần vượt qua, trong đó nổi bật cả về mặt chủ quan và khách quan là việc tổ chức và hành chánh. Thành hội PG cần có thêm nhân sự chuyên môn và điều hành hành chánh trong các sinh hoạt văn hóa. Trong lúc đó, dù Nhàâ nước vẫn lưu tâm giúp đỡ Thành hội, nhưng những thủ tục hành chánh đối với sinh hoạt văn hóa PG còn rườm rà, phứác tạp. Ví dụ, các giấy phép tổ chức hội thảo, giấy phép in ấn sách vở, tài liệu PG, thủ tục phát hành các băng từ về Phật học và văn nghệ PG, thủ tục nhận sách vở báo chí Phật học từ nước ngoài cũng như từ trong nước gởi đi v.v... tất cả đã gây trở ngại nhiều cho các hoạt động văn hóa PG.

Mong sao, PG thành phố ta tiến hành tốt đẹp việc thực hiện lý tưởng vì Đạo vì Đời, trong đó, việc xây dựng và phát triển văn hóa của nước nhà có sự đóng góp tích cực của PG, tạo nên một bản sắc văn hóa dân tộc, định hình cho một bản chất, một lối sống tâm linh đẹp đẽ, phong phú của người Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567