KINH TỤNG HẰNG NGÀY
TỔNG HỢP 49 KINH CĂN BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG
Tỳ-kheo Thích Nhật Từ
biên soạn
---o0o---
KINH DỤ NGÔN BỌT NƯỚC
Thứ hai mươi chín
Lúc bấy giờ, Thế Tôn an trụ,
Ởbên sông Ấn Độ: Hằng hà
Sóng đùa bọt nước tung ra,
Phật kêu đệ tử ra mà quán soi. O
***
Hãy chuyên chú nhìn rồi quán sát,
Lấy lý nhìn bọt nước rỗng không,
Bọt không có lõi bên trong,
Làm sao có lõi giữa lòng bọt kia.
Này Tỳ-kheo cũng như thế đấy,
Phàm những gì “sắc” thấy xưa nay,
Đã qua, hiện tại, vị lai,
Nhuyễn thô, xấu tốt, trong ngoài, gần xa.O
Hãy chuyên chú để mà quán sát,
Lấy lý nhìn thấy “sắc” trống không,
“Sắc” nào có lõi bên trong,
Làm sao có lõi giữa lòng “sắc” kia.
Này tỳ-kheo cũng như ví dụ,
Vào mùa thu mưa dội ở ngoài,
Mưa to bong bóng nổi đầy,
Hiện rồi biến mất trong vài sát-na.O
Hãy chuyên chú để mà quán sát,
Lấy lý nhìn, bong bóng trống không,
Bóng nào có lõi bên trong,
Làm sao có lõi giữa lòng bóng kia.O
***
Này Tỳ-kheo cũng như thế đấy,
Phàm những gì “thọ” thấy xưa nay,
Đã qua, hiện tại, vị lai,
Nhuyễn thô, xấu tốt, trong ngoài, gần xa.
Hãy chuyên chú để mà quán sát,
Lấy lý nhìn thấy “thọ”trống không,
“Thọ” nào có lõi bên trong,
Làm sao có lõi giữa lòng “thọ” kia.O
Này Tỳ-kheo cũng như ví dụ,
Vào mùa hè đến độ giữa trưa,
Giờ này đứng bóng đang mùa,
Ráng trời một khoảng mới vừa hiện lên.
Hãy lấy lý mà nhìn, quán sát
Chuyên chú nhìn, thấy chúng rỗng không,
Ráng nào có lõi bên trong,
Làm sao có lõi giữa lòng ráng kia.O
***
Này Tỳ-kheo cũng như thế đấy,
Phàm những gì “tưởng” thấy xưa nay
“Tưởng” nào có lõi bên trong,
Làm sao có lõi trong lòng “tưởng” kia. O
Này Tỳ-kheo ví như có kẻ,
Đi ra rừng để kiếm lõi cây,
Người này thấy cụm chuối dầy,
Thân cao mọc thẳng ra tay chặt liền.
Rồi vội vã đến bên lột vỏ,
Vỏ hết rồi, tìm lõi được sao ?
Mọi người chuyên chú nhìn vào,
Lấy lý quán sát chuối nào lõi đâu.
Chúng hiện rõ bấy lâu trống rỗng,
Làm sao mà có lõi ở đây,
Rõ ràng thân chuối phơi bày,
Không hề có lõi ở ngay trong lòng.
Thân chuối lộ rỗng không đâu lõi,
Làm sao mà có lõi bên trong,
Rõ ràng trong ruột rỗng không,
Làm sao có lõi giữa lòng chuối kia. O
***
Này Tỳ-kheo cũng như vậy đấy,
Phàm những gì “hành” thấy xưa nay,
“Hành” nào có lõi bên trong,
Làm sao có lõi giữa lòng “hành” kia. O
Này Tỳ-kheo như trò ảo thuật,
Của những người làm xiếc chuyên môn,
Bày trò những ngón tinh khôn,
Nếu nhìn chuyên chú tỏ tường ngay thôi.
Hãy lấy lý rạch ròi quán sát,
Mọi người nhìn thấy chúng trống không,
Trò này không thật bên trong,
Làm sao có lõi trong lòng “trò” kia.O
***
Này Tỳ-kheo cũng như thế đấy,
Phàm những gì “thức” thấy xưa nay
“Thức” nào có lõi bên trong,
Làm sao có lõi trong lòng “thức” kia.
Đã thấy vậy, Tỳ-kheo nên biết,
Thánh Đa Văn đệ tử chán nhàm,
Của “sắc, thọ, tưởng, thức, hành”
Cũng nhờ nhàm chán tự mình lìa tham.
Bởi lìa tham dễ dàng giải thoát,
Hết buộc ràng, chánh trí khởi lên:
“Ta vừa giải thoát đảo điên,
Không còn chìm đắm triền miên luân hồi.
Vị này biết rõ thế rồi,
Thế Tôn cũng giảng nơi nơinhư vầy: O
***
“Sắc” như bọt nước tan ngay,
“Thọ” như bong bóng nước ngoài mưa rơi.
“Tưởng” thì ví tựa ráng trời,
“Hành” như thân chuối khắp nơi mọi vùng.
“Thức” như ảo thuật vô chừng,
Chư Phật và các thánh nhân trên đời.
Đều cùng giảng nói vậy thôi,
Rõ ràng “ vô ngã” tự nơi thân mình.
Như vầy chuyên chú mà nhìn,
Lý chơn quán sát tận tình chiếu soi.
Dựa vào lý quán rạch ròi,
Rõ ràng các pháp tánh thời trống không. O
Khởi đầu hãy tự quán thân,
Những gì Đại Trí vẫn thường thuyết như:
Khi nào ba pháp tiêu trừ,
Bấy giờ thấy “sắc” bị từ bỏ đi.
Thân giả hợp có ra chi,
Không còn hơi ấm, “thọ” lìa “thức” tan.
Bị quăng nằm đó ai màng,
Làm mồi cấu xé cho đàn chim muông.
Sắc thân luân chuyển vô thường,
Ngu si ảo hoá khôn lường tinh ranh.
Như là những kẻ sát sanh,
Lõi cây không thấy quẩn quanh tìm hoài.O
***
Quán soi các uẩn như vầy,
Tỳ-kheo tinh tấn đêm ngày không lơi.
Phải luôn tỉnh giác từng thời,
Tư duy chánh niệm không rời thân tâm.
Bỏ đi tất cả buộc ràng,
Để làm chỗ tựa bình an đi vào.
Sống như “chữa lửa cháy đầu,”
An vui tịch tịnh, ngõ hầu chứng nên.O
Nam Mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
--- o0o ---
Chân thành cảm ơn Thầy Nhật Từ đã gởi tặng bản Kinh điện tử này
( Quang Duc Website 04/2002)
--- o0o ---
Trình bày : Nguyên Hân- Nguyên Phúc