Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Chỉ Bày Chân Tâm

04/04/201320:29(Xem: 4443)
Kinh Chỉ Bày Chân Tâm

KINH TỤNG HẰNG NGÀY

TỔNG HỢP 49 KINH CĂN BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ
biên soạn

---o0o---

KINH CHỈ BÀY CHƠN TÂM

Thứ ba mươi bảy

Lúc bấy giờ, tại Tịnh Xá Kỳ Hoàn, nhằm ngày mãn hạ, tự tứ của chúng tăng, Đức Phật nhân sự kiện Đại đức A-nan-đa bị nạn Ma-đăng-già suýt mất giới thể, đã ân cần khai thị Đại đức A-nan-đa và đại chúng về chơn tâm thường trú. O

-A-nan-đa ! Ông nên biết, hết thảy chúng sanh vô thỉ đến nay sống chết tương tục đều do không biết “chân tâm thường trú, thể tánh tịnh minh”, hàng ngày chỉ dùng các vọng tưởng, nên bị trôi dạt theo dòng sanh tử tiếp nối từ vô kiếp. O

A-nan-đa ! Như lời ông nói: Do tâm và con mắt mà có sự ưa muốn, nhưng nếu không biết tâm và con mắt ở đâu thì không thể hàng phục trần lao, ví như ông vua một nước bị giặc xâm lăng phát binh đánh dẹp thì binh ấy cần phải biết giặc ở chỗ nào mới mong dẹp được. Hiện nay ông còn mắc phải luân hồi là lỗi tại tâm và con mắt của ông. Vậy ông phải chính chắn tìm xem tâm và con mắt của ông hiện ở chỗ nào. O

***

1- PHÁ CHẤP “TÂM Ở TRONG THÂN”

Đại đức A-nan-đa thưa: Bạch Thế Tôn! Không riêng gì con mà tất cả mọi người trên thế gian đều cho cái tâm hiểu biết ở trong thân, còn con mắt thì ở trên mặt.

Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông nói rằng tâm hiểu biết ở trong thân là không có lý. A-nan-đa! Nay Như Lai hỏi ông: Phỏng có chúng sanh nào ngồi trong giảng đường nầy mà không thấy, không biết Như Lai và đại chúng mà lại thấy biết mọi vật bên ngoài giảng đường không ? O

- Bạch Thế Tôn! Không thể có sự việc như thế được. Nếu ngồi trong giảng đường, trước hết phải thấy biết trong giảng đường rồi sau nhìn ra cửa mới thấy biết cảnh vật bên ngoài.

- Thật vậy, Nầy A-nan-đa! Ở trong giảng đường, trước hết phải thấy bên trong, nhìn ra cửa mới thấy biết hoa lá vườn rừng, sự vật bên ngoài. Nhưng theo lời ông nói: Cái tâm hiểu biết ở trong thân thể lẽ ra khi người bị bệnh thổ huyết, cái tâm phải biết gốc bệnh xuất huyết do tỳ, phế hay viêm loét dạ dày. Nầy A-nan-đa! Mọi người trên thế gian không một ai biết được gốc bệnh của mình như vậy.

Nầy A-nan-đa! Người ngồi trong giảng đường mà không thấy biết Như Lai và đại chúng, lại thấy biết mọi thứ bên ngoài đã vô lý thì cái tâm hiểu biết ở trong thân mà không hiểu biết thương tật của tâm can phế thận, lại biết rõ hết trần cảnh bên ngoài, hai việc này đều vô lý như nhau!

Thế cho nên ông nói “tâm ở trong thân” là không đúng lý. O

***

2. PHÁ CHẤP “TÂM Ở NGOÀI THÂN”

Đại đức A-nan-đa thưa: Bạch Thế Tôn! Vừa nghe lời Phật dạy, con nghĩ ra rằng: Tâm con thiệt ở ngoài thân. Bởi vì tất cả mọi người không ai thấy biết bên trong thân, ví như ngọn đèn để ở ngoài phòng thì chỉ sáng bên ngoài mà không thể sáng bên trong phòng được. Bạch Thế Tôn! Nghĩa này thật quá rõ ràng, chắc không còn lầm nữa !

Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Vừa rồi Như Lai và đại chúng cùng đi khất thực trong thành Thất-la-phiệt, nay đã về rừng Kỳ-đà. Vậy ông hãy xem trong các hàng Tỳ-kheo, khi một người ăn, các người khác có no không ? O

- Bạch Thế Tôn! Không. Dù các Tỳ-kheo là A-la-hán, nhưng thân thể khác nhau, không thể người này ăn mà người khác no được.

- Cũng vậy, A-nan-đa! Nếu cái tâm hiểu biết của ông ở ngoài thân và tâm riêng cách, tất cả không dính líu gì nhau. Vậy cái gì tâm biết thì thân không thể biết, cái gì thân biết thì tâm không thể biết. Thế mà, Nầy A-nan-đa! Khi Như Lai đưa tay lên cho ông xem, mắt ông vừa thấy thì tâm ông liền biết. Thân tâm biết cùng một lúc với nhau, thì sao bảo là tâm ở ngoài thân cho được.

Vậy nên biết rằng: Ông nói tâm hiểu biết ở ngoài thân, hẳn là không phải vậy. O

***

3- PHÁ CHẤP “TÂM NÚP SAU CON MẮT”

Đại đức A-nan-đa thưa: Bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy: Vì không biết bên trong cho nên tâm không phải ở trong thân, vì thân tâm cùng biết nên không phải tâm ở ngoài thân. Nay con suy nghĩ: Cái tâm hiểu biết đã không biết bên trong mà lại nhận biết rõ vật bên ngoài, vậy là nó núp sau con mắt, ví như người lấy chén thủy tinh úp vào hai con mắt, con mắt dù có vật úp vào, nhưng không làm ngăn ngại sự thấy. Và vì tâm núp sau con mắt nên khi mắt thấy thì tâm liền phân biệt. Sở dĩ tâm không biết tạng phủ trong thân, vì nó không ở trong thân, nhưng tâm lại nhận biết cảnh vật bên ngoài, vì nó ở trên cái mặt. O

Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông nên nhớ rằng: Con mắt núp sau chén thủy tinh như lời ông nói, thì khi trông thấy núi sông cảnh vật, đồng thời cũng trông thấy chén thủy tinh. Nếu tâm núp sau con mắt thì khi nhận thấy núi sông cảnh vật lúc đó cũng phải nhận thấy con mắt. Nầy A-nan-đa! Thực tế không phải vậy, khi ông nhận thấy núi sông cảnh vật, tâm ông không nhận biết được con mắt của ông.

Do đó, biết rằng: Ông nói cái tâm núp sau con mắt, như con mắt núp sau chén thủy tinh là không hợp lý. O

***

4- PHÁ CHẤP “NHẮM MẮT THẤY TỐI LÀ TÂM THẤY TRONG THÂN”

Đại đức A-nan-đa thưa: Bạch Thế Tôn! Giờ đây con suy nghĩ thế nầy: Thân thể con người trong có ngũ tạng, lục phủ, ngoài có thất khiếu, cửu huyệt. Tạng phủ có tánh che ngăn nên tối, khiếu huyệt có tánh rỗng không nên sáng. Nay con xin thưa với Phật rằng: Nhắm mắt thấy tối, con gọi là tâm thấy biết bên trong thân; mở mắt thấy sáng, gọi là tâm thấy biết bên ngoài. O

Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Đã gọi là thấy thì cái bị thấy phải “đối” ở trước mắt. Không “đối” ở trước mắt thì cái nghĩa thấy không còn.

Nếu cái tối đã đối trước mắt mà cứ cho là thấy biết trong thân, vậy khi ở trong phòng tối, không có ánh sáng, bấy giờ cái gì có ở trong phòng tối ấy đều là tạng phủ của ông cả hay sao ?

Vả lại khi nhắm mắt thấy tối, ông cho là thấy bên trong thân, vậy khi mở mắt thấy sáng, sao ông không thấy cái mặt ?

Đã không thấy mặt thì không thể nói là con mắt đối vào trong mà thấy. Còn như thấy được mặt thì cái tâm và con mắt ắt đã lơ lửng giữa hư không rồi, còn tương quan gì đến ông nữa ?

Vậy nên biết rằng: Nhắm mắt thấy tối là thấy trong thân, chỉ là một ngụy thuyết không thành lập được. O

***

5- PHÁ CHẤP “SỰ SUY NGHĨ HỢP VỚI CHỖ NÀO THÌ TÂM LIỀN CÓ Ở CHỖ ĐÓ”

Đại đức A-nan-đa thưa: Bạch Thế Tôn! Con thường nghe Phật dạy bốn chúng rằng: tâm sanh nên các pháp sanh, các pháp sanh nên tâm sanh. Nay con suy nghĩ thì sự suy nghĩ đó là tâm của con. Nó hợp với chỗ nào, tâm liền ở chỗ đó, nó không ở trong, ở ngoài hay ở chặng giữa. O

Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông cho sự suy nghĩ là tâm, sự suy nghĩ hợp chỗ nào, tâm liền ở chỗ đó. Nay Như Lai hỏi ông: Cái tâm có suy nghĩ hòa hợp sinh ra, vậy nó có tự thể hay không? Nếu nó không tự thể thì không thể hợp được với cái gì. Cũng như giới thứ 19 và trần thứ 7 thì làm gì có chuyện hợp nhau? Bảo rằng nó có tự thể, vậy ông thử thí nghiệm: Lấy tay gãi vai, rồi để ý xem cái tâm “ biết đã ngứa từ trong thân ông ra hay từ bên ngoài chạy vào? Nếu từ trong thân ra thì nó phải biết ngũ tạng lục phủ trong thân ông, nếu từ ngoài vào thì trước hết nó phải thấy biết cái mặt.

Vả lại, tự thể ấy là một hay là nhiều? Nó khắp thân hay chẳng khắp thân? O

Nếu tự thể có một, khi lấy tay gãi một chỗ, lẽ ra khắp mình đều đã ngứa. Nếu biết đã ngứa khắp mình thì lại không còn biết gãi chỗ nào! Còn như nhiều tự thể thì hóa ra của nhiều người, còn biết tự thể nào là thể của ông ?

Bảo rằng tự thể khắp mình thì không còn biết được chỗ gãi...

Bảo rằng không khắp mình, tại sao khi đầu chạm xà nhà, dưới chân đạp đinh lại cùng một lúc biết đau?

Do vậy bảo rằng: Sự suy nghĩ hợp chỗ nào, tâm ở chỗ đó là không có lý. O

***

6- PHÁ CHẤP “TÂM Ở CHẶNG GIỮA”

Đại đức A-nan-đa thưa: Bạch Thế Tôn! Con nhớ lại có lần nghe Phật dạy Bồ-tát Văn-thù về nghĩa thật tướng: Rằng tâm không ở trong cũng không ở ngoài. Nay con suy nghĩ: Nếu tâm ở trong thân sao lại không biết bên trong, tâm ở ngoài thân sao thân tâm đồng biết. Tâm không biết bên trong nên không thể nói tâm ở ngoài thân. Do lẽ đó, con nghĩ rằng: Tâm ở chặng giữa. O

Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông nói chặng giữa, thật khó nêu một chặng giữa nhất định. Giữa thân hay giữa cảnh? Nếu giữa thân thì đồng như tâm ở trong thân. Bảo rằng giữa cảnh thì làm sao nêu cái giữa ra được? Ví như có người lấy một cành cây cắm nêu làm một chỗ giữa, nhưng giữa thế nào được? Nếu người đứng ở phương Đông thì thấy cây nêu ở phía Tây; đứng ở phương Nam lại thấy cây nêu thuộc phía Bắc. Cái giữa đã lẫn lộn như thế, thì cái tâm ở chặng giữa rắc rối bời rời, làm thế nào nhận biết được sự vật cho chính xác? O

Đại đức A-nan-đa thưa: Con nói chặng giữa là giữa nhãn căn và sắc trần, nhãn thức sanh ra ở chặng giữa ấy.

Phật bảo: Nếu tâm ông ở giữa nhãn căn và sắc trần, vậy cái tâm ở giữa ấy có gồm cả hai hay không gồm cả hai? Nếu gồm cả hai thì vật và tâm xen lộn lẫn nhau, còn biết cái gì là tâm, cái gì là vật? Và đã lộn lạo với nhau thì không có cái giữa. Còn như không gồm cả hai bên thì là một. Đã là một bên thì cái chặng giữa ông định đặt nó vào đâu ?

Vì vậy, biết rằng: Ông nói tâm ở chặng giữa là một điều không hợp lý. O

***

7. PHÁ CHẤP “TÂM LÀ CÁI KHÔNG DÍNH DÁNG VÀO ĐÂU CẢ”

Đại đức A-nan-đa thưa: Bạch Thế Tôn! Con nhớ trước đây có lần Phật chuyển pháp luân cùng bốn đại đệ tử: Mục-kiền-liên,Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na và Xá-lợi-phất, khi đó Phật dạy: Cái tâm tánh hiểu biết không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa và không chỗ trụ, tất cả không dính dáng. Bạch Thế Tôn! Nay con lấy cái không dính dáng ấy gọi là tâm có được không ? O

Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông nói cái tâm hiểu biết của ông không dính dáng, vậy Như Lai hỏi ông: Biển cả, đất liền, núi rừng, hoa, cỏ...nói chung mọi sự vật hiện tượng trên thế gian mà ông cho là không dính dáng, chúng có hay là không có? Nếu chúng là không, thì ông khỏi đề cập: Rằng dính dáng hay không dính dáng. Bởi vì có ai dính với chuyện lông rùa sừng thỏ bao giờ! Nếu đã có cái “không dính dáng” thì không thể nói sự vật hiện tượng là không. Đã không phải không thì có tướng. Đã có tướng thì có dính dáng, làm sao không dính dáng được ? O

Bấy giờ, từ tôn nhan Đức Thế Tôn tỏa ra vô số hào quang và thế giới sáu điệu vang động. Đại chúng đều thấy rõ vô số hành tinh ở mười phương và chúng Bồ-tát ở các hành tinh ấy chấp tay nguyện nghe pháp yếu.

Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Rằng tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, điên đảo nhiều cách, giống nghiệp tự nhiên gắn bó với nhau như chùm nho chen chúc trái. Những người tu hành không thành vô thượng Bồ-đề mà lại thành ngoại đạo, chư Thiên, Ma Vương hoặc Thanh Văn, Duyên Giác đều do không biết hai thứ căn bản, cho nên tu tập sai lầm, chẳng khác nào nấu cát mong được thành cơm, dù trải qua nhiều kiếp như vi trần, rốt cuộc cũng không kết quả. O

Những gì là hai thứ căn bản ?

Một là căn bản sanh tử vô thỉ. Như ông hiện nay và tất cả chúng sanh cũng thế, hằng ngày sử dụng cái tâm phan duyên mà lầm cho là tự tánh của chính mình.

Hai là căn bản Bồ-đề Niết-bàn vô thỉ. Như ông hiện nay, cái tánh thanh tịnh bản minh vốn có, nó nhậm vận tùy duyên, nhưng ông và tất cả chúng sanh lại bỏ sót mất đi, cho nên khi cả ngày sống trong tánh thanh tịnh bản minh mà không hay, không biết. Đành oan uổng lặn lội trong lục đạo chuyển luân! O

Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông muốn biết đường tu Xa-ma-tha để ra khỏi sống chết, ông hãy trả lời Như Lai. Phật liền đưa cánh tay co năm ngón bảo A-nan-đa rằng: Ông có thấy gì không ?

Đại đức A-nan-đa thưa: Con thấy Như Lai đưa cánh tay và co ngón tay lại thành cái nắm tay, nó phản ánh tác động vào tâm và con mắt của con. Con và đại chúng đều do con mắt mà thấy.

Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông trả lời Như Lai rằng: Như Lai co ngón tay làm thành nắm tay, phản ánh tác động vào tâm và con mắt của ông. Con mắt của ông thì thấy việc đó tất nhiên. Còn ông lấy cái gì làm tâm để nhận biết cái nắm tay của Như Lai ? O

Bạch Thế Tôn: Như Lai gạn hỏi tâm con, con dùng tâm suy nghĩ để trả lời Phật thì rõ cái suy nghĩ ấy là tâm con vậy.

Phật bảo: Sai rồi, Nầy A-nan-đa! Cái suy nghĩ ấy không phải là tâm của ông.

Trong dáng vẻ kinh ngạc, Đại đức A-nan-đa đứng dậy chấp tay thưa:

- Bạch Thế Tôn! Cái suy nghĩ ấy không phải tâm con thì gọi nó là cái gì ?

Phật bảo: Đó là cái tưởng tượng tướng hư vọng của tiền trần. Chính cái đó làm mê lầm chân tánh của ông. Từ vô thỉ đến nay, ông nhận tên giặc ấy là con, bỏ mất tâm tánh bản lai thường trú nên phải chịu luân hồi. O

Đại đức A-nan-đa thưa: Con là em của Phật, vì tâm thương kính Phật nên mới xuất gia. Con cúng dường các Đức Phật mười phương, phụng sự thiện tri thức, phát tâm đại dũng mãnh, làm tất cả pháp sự khó làm, đều dùng cái tâm ấy. Nay Phật phát minh cái suy nghĩ đó không phải là tâm, thì con thành ra không có tâm, vậy con cũng như gỗ, như đất? Bởi vì, ngoài cái suy nghĩ nhận biết ấy ra, con không còn có gì nữa! Sao Như Lai lại bảo cái đó không phải là tâm? Con kinh sợ quá! Và cả đại chúng ở đây không ai là không hoang mang dao động! Xin Phật rủ lòng từ chỉ dạy cho chúng con những điều chưa liễu ngộ ! O

Bấy giờ Thế Tôn rời toà sư tử, xoa đầu Đại đức A-nan-đa và bảo:

Nầy A-nan-đa! Như -Lai thường nói: Các pháp sanh ra duy tâm biến hiện. Tâm là cái thể của tất cả thế giới vi trần, của mọi nguyên nhân và kết quả.

Nầy A-nan-đa tất cả hiện tượng có trong thế giới, lớn như biển cả, núi cao; nhỏ như lá cây, ngọn cỏ... gạn xét căn nguyên đều có thể tánh. Cả đến hư không cũng có tên và dáng mạo; huống chi cái tâm sáng suốt nhiệm mầu thanh tịnh, thể tánh của sự vật mà tự mình không thể có tánh sao ? O

Nếu ông quả quyết cho cái tính hay biết, cái suy nghĩ phân biệt là tâm của ông thì cái tâm ấy rời sắc, thanh, hương, vị, xúc ra, nó còn phải tính độc lập riêng của nó tồn tại. Hiện giờ ông đang nghe Như Lai nói pháp, đó là nhân tiếng mà có phân biệt. Nếu không tiếng thì sự phân biệt của ông không còn. Giả sử diệt hết cái thấy, nghe, ngửi, thấy, nếm, xúc, biết, chỉ nắm giữ cái u nhàn lặng lẽ bên trong, thì đó cũng là sự phân biệt bóng dáng pháp trần mà thôi. O

Nầy A-nan-đa, chẳng phải Như Lai bảo ông phủ nhận cái tính tư duy phân biệt ấy không phải là tâm, nhưng ông phải chín chắn suy nghĩ: Rời tiền trần mà vẫn có cái biết thì đó mới thật là tâm của ông. Còn nếu tính biết rời tiền trần không còn tự thể hiện thì nó chỉ là sự phân biệt bóng dáng tiền trần. Tiền trần không phải thường còn, khi thay đổi diệt mất đi rồi thì cái tâm nương tiền trần ấy cũng đồng như lông rùa rừng thỏ. Thế thì pháp thân của ông cũng thành đoạn diệt, còn gì mà tu chứng vô sanh pháp nhẫn ! O

***

Đại đức A-nan-đa và đại chúng chưa nhận rõ thế nào là chơn tâm thường trú, lòng còn bối rối ngẩn ngơ. 

Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Trong thế gian những người tu học tuy đã được chín thứ thiền định, nhưng không diệt hết được mê lầm chỉ thành A-la-hán đều do lầm chấp cái vọng tưởng tử sanh là chân thật. Thế nên , ông nay tuy học rộng nghe nhiều mà không thành chánh quả. O

Đại đức A-nan-đa khóc lóc bạch Phật: Từ khi con phát tâm theo Phật xuất gia, thường ỷ lại tình thương của Phật, tự nghĩ rằng rồi đây Thế Tôn sẽ ban cho thiền định, chia sớt đạo quả cho. Giờ đây mới biết: Thân tâm không ai có thể thay thế cho ai. Từ lâu con đã bỏ mất bản tâm của con rồi. Thân tuy xuất gia mà tâm chưa vào đạo. Như đứa con hoang cùng khổ, bỏ cha bỏ nhà ra đi. Ngày nay mới biết, tuy được nghe Phật Pháp nhiều mà không tu hành thì chẳng khác gì người nói ăn mà không ăn, rốt cuộc không thể nào no được. O

Kính bạch Thế Tôn! Chúng con hiện nay còn bị hai chướng buộc ràng, do vì không biết tâm tánh vắng lặng thường nhiên, xin Thế Tôn thương xót kẻ nghèo cùng rách rưới, chỉ bày cho cái tâm nhiệm mầu, sáng suốt và khai mở con mắt đạo cho chúng con!

Đức Phật hỏi: Nầy A-nan-đa! Trước ông trả lời: rằng ông thấy cái nắm tay của Như Lai vậy cái nắm tay do đâu mà có? Và ông lấy cái gì để thấy ? O

- Bạch Thế Tôn! Cái nắm tay có là do bàn tay Phật co các ngón tay lại. Con thấy nắm tay của Phật là do con mắt của con.

Phật bảo: Nếu không có bàn tay thì không có nắm tay. Nếu không có con mắt hay mắt bị đui thì không có thấy. Hai sự việc đó có giống nhau chăng ? O

- Bạch Thế Tôn: Đúng vậy. Nếu không có bàn tay thì không có nắm tay; nếu không có con mắt thì không có cái thấy.

Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông nói như vậy là không đúng. Không có bàn tay thì tuyệt nhiên không có nắm tay, chứ không có con mắt, không phải hoàn toàn không thấy. Ông thử hỏi người đui xem họ có thấy gì không? Chắc hẳn họ sẽ trả lời với ông: Rằng họ thấy tối đen trước mắt. Lấy nghĩa đó mà suy nghĩ tiền trần tự tối, chứ cái tánh thấy nào có hao kém gì ? O

- Bạch Thế Tôn! Những người đui trước mắt chỉ thấy tối đen, sao gọi rằng thấy?

Phật bảo: Dù thấy tối đen cũng vẫn là thấy còn thấy sáng hay thấy tối là do tiền trần sáng tối, tánh thấy vẫn y nhiên. Nếu vì tối mà cho là không thấy, vậy thì khi người ta ngồi trong nhà tối không thấy gì hết, chỉ thấy trước mắt tối đen, bỗng nhiên được đèn sáng thấy rõ các vật, chẳng lẽ ông bảo đó là cái đèn thấy hay sao? Vậy nên suy biết: đèn làm tỏ rõ các vật, nhưng thấy như vậy là mắt chứ không phải đèn. Mắt làm tỏ các sắc, nhưng thấy là tâm, chứ không phải là mắt.O

Bấy giờ, Đức Thế Tôn giơ cánh tay mềm mại lên, bảo Đại đức A-nan-đa và đại chúng: Sau khi thành đạo, lần đầu tiên ở Vườn Nai, Như Lai có dạy cho nhóm năm anh em Kiều-trần-như rằng tất cả các chúng sanh không thành Vô thượng Bồ-đề và A-la-hán do vì phiền não khách trần làm mê hoặc. Thuở đó các ông do đâu mà tỏ ngộ, hiện nay được thành chánh quả? O

Đại đức Kiều-trần-như đứng dậy thưa: Bạch Thế Tôn! Nay con đã già ở trong đại chúng, con được cái tên “A-nhã” là do lúc đó con tỏ ngộ được ý nghĩa hai chữ “khách trần” là người đi đường, khi cần, họ vào quán trọ thuê phòng hoặc ở, hoặc ngủ, hoặc ăn. Ăn ngủ xong xếp hành lý lên đường, không ở luôn được, còn người chủ thì ở vĩnh viễn không phải đi đâu nữa. Từ suy nghĩ đó, con hiểu ra rằng khách có đến, đi; còn chủ thì ở luôn không đi đâu hết. O

Về nghĩa chữ “trần” thì vào lúc mặt trời mới lên ánh sáng xuyên vào các khe hở, lỗ thủng của mái nhà nhìn theo làn ánh sáng trong khoảng hư không yên lặng ấy, con thấy vô số bụi trần li ti loạn động, cuồn cuộn tuôn bay. Do đó con nhận ra được nghĩa chữ trần: trần thì lay động, còn hư không thì yên lặng tuyệt nhiên! O

Phật bảo: Đúng vậy.

Đoạn, Phật đưa tay lên, co năm ngón tay lại rồi mở ra và hỏi:

- Nầy A-nan-đa! Ông thấy gì ?

- Con thấy bàn tay Phật nắm lại rồi mở ra.

- Ông thấy tay Như -Lai có nắm, có mở hay cái thấy của ông có nắm, có mở ?

- Bạch Thế Tôn ! Tay Phật có nắm, có mở, chứ cái thấy của con làm sao có nắm mở được!

- Cái gì động? Cái gì tĩnh ?

- Bạch Thế Tôn! Bàn tay của Phật không yên, chứ cái thấy của con còn không có tĩnh thì làm chi có động !

Phật bảo: Đúng vậy. Bấy giờ Phật dùng tay phát ra một luồng ánh sáng, chiếu qua phía bên phải Đại đức A-nan-đa. Đại đức A-nan-đa quay nhìn qua bên phải. Phật lại phát qua phía trái, Đại đức A-nan-đa quay nhìn qua phía trái. O

- Nầy A-nan-đa! Hôm nay vì sao đầu ông động lay qua lại như thế ?

- Bạch Thế Tôn! Con vì thấy hào quang của Phật phóng to ra bên phải và bên trái của con. Đầu con lay động bởi ngó theo hào quang của Phật.

- Đầu ông lay động quay bên phải bên trái. Vậy cái đầu ông động mà cái thấy của ông có động chăng ? O

- Bạch Thế Tôn! Đầu con tự lay động, chứ cái thấy còn không biết nó ở chỗ nào thì lấy gì mà lay động !

Phật bảo: Đúng vậy. Bấy giờ, Phật bảo Đại đức A-nan-đa và đại chúng: Rằng mọi người ai cũng có thể nhận biết: Không ở luôn là khách, chủ thì vĩnh viễn không đi đâu. Bụi trần thì lay động còn hư không yên lặng tuyệt nhiên. Có nắm có mở là tay, cái thấy thì không có nắm mở. Quay qua quay lại là đầu, tánh thấy thì không hề xoay chuyển. O

Vậy mà, các ông hiện nay lấy cái động làm thân, cái động làm tâm, lấy cái động làm cảnh, bỏ mất đi tâm tánh chơn thường, bất động, yên lặng nó thường ở luôn với mình. Hằng ngày làm những việc trái ngược, nhận vật làm thân, nhận vọng tưởng làm tâm, xoay vần trong đó, tự nhận lấy sự trôi lăn trong sáu đường! O

***

Đại đức A-nan-đa và chúng hội nghe Phật khai thị, thân tâm thơ thới, nhận biết mình bấy lâu nay lầm nhận sự phân biệt bóng dáng tiền trần làm tâm mà quên mất chơn tâm thường trú. Được Phật khai ngộ, chúng hội như em bé thiếu sữa, bỗng gặp được mẹ hiền, đồng chấp tay lạy Phật tạ ơn về sự tỏ ngộ tính chân vọng, hư thật của thân và tâm cũng như hai tánh sanh diệt và không sanh diệt. Tất cả hoan hỷ, an lạc trong chánh pháp giải thoát. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO.


--- o0o ---
Chân thành cảm ơn Thầy Nhật Từ đã gởi tặng bản Kinh điện tử này
( Quang Duc Website 04/2002)
--- o0o ---
Trình bày : Nguyên Hân- Nguyên Phúc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/09/2010(Xem: 8499)
Trong Đạo Phật, lòng từ bi được đưa lên hàng đầu. vì thương tưởng đến loài chúng sanh bị đói khát, đau khổ mà đức Phật và chư Tổ đã dạy phương Pháp bố thí cho loài Ngạ quỷ, súc sanh...
15/09/2010(Xem: 4115)
Đấng Pháp vương vô thượng, Ba cõi chẳng ai bằng, Thầy dạy khắp trời người, Cha lành chung bốn loài. Quy y tròn một niệm, Dứt sạch nghiệp ba kỳ, Xưng dương cùng tán thán, Ức kiếp không cùng tận.
13/09/2010(Xem: 3959)
Quán đảnh đã được định nghĩa một cách khái quát là “hành động hay nghi thức ban ý nghĩa tôn giáo (thánh phước) cho những đồ vật, nơi chốn, hoặc con người; thường bằng năng lực và sự thánh thiện” (Bowker, tr. 234). Trong Phật giáo, quán đảnh đã được miêu tả như một nghi thức biến đổi một pho tượng hoặc một ngôi tháp từ một vật thể thế tục thành tinh tủy của một đức Phật (Bentor 1997).
09/09/2010(Xem: 17671)
5 bài kệ hô canh ngồi Thiền được áp dụng vào mùa An Cư, Kiết Hạ hằng năm của của Chư Tăng, hoặc trong trường hợp khai Đại Giới Đàn của xưa và nay.
08/09/2010(Xem: 5633)
Lễ nghi trong Phật giáo là bày tỏ lòng thành kính đối với các đấng thành kính. Họ là thầy tổ, là ông bà, cha mẹ và tất cả những người thân, kẻ sơ đã qua đời.
07/09/2010(Xem: 6304)
Khi cúng thì chủ gia đình phải bầy đồ lễ cùng với hoa quả theo nguyên-tắc “đông bình tây quả,” rượu, và nước. Sau đó, phải đốt đèn (đèn dầu, đèn cầy, hay đèn điện), thắp nhang, đánh chuông, khấn, và cúng trước rồi những người trong gia đình theo thứ tự trên dưới cúng sau. Nhang (hương) đèn để mời và chuông để thỉnh tổ tiên. Khi cúng thì phải chắp tay đưa lên ngang trán khấn. Khấn là lời trình với tổ tiên về ngày cúng liên quan đến tên người quá cố, ngày tháng năm ta và tây, tên địa phương mình ở, tên mình và tên những người trong gia đình, lý do cúng và lời cầu nguyên, v.v.. Riêng tên người quá cố ta phải khấn rõ nhỏ. Sau khi khấn rồi, tuỳ theo địa vị của người cúng và người quá cố mà vái hay lạy. Nếu bố cúng con thì chỉ vái bốn vái mà thôi. Nếu con cháu cúng tổ tiên thì phải lạy bốn lạy. Chúng ta cần hiểu cho rõ về ý nghĩa của Cúng, Khấn, Vái, và Lạy.
31/08/2010(Xem: 8098)
Trước cửa Phật lập đàn phổ thí, Cho trọn đều quân lợi âm dương, Quang minh tỏ khắp mười phương, Kính dâng một nén tâm hương ngạt ngào. Cơn mưa tuệ dồi dào tưới khắp, Bóng mây từ che rợp mọi nơi, Lọt đâu dưới đất trên trời, Từ bi tế độ muôn đời viên thông. Trên đức Phật rất công rất chính, Dạy cho đời luyện tính tu tâm, Thương người đọa kiếp tối tăm, Giáo Hội chỉ dẫn khỏi lầm khỏi mê.
27/08/2010(Xem: 46626)
Đi thuyết linh nhiều nơi, thấy nhiều trường hợp oan gia trái chủ hiển bày rất rõ nét, cần phải giải trừ để có một đời sống an lạc. Rất nhiều Phật tử, thấy tâm tư không an khi nhìn lại đời sống đã gây nên tội lỗi oan trái muốn giải trừ, mà chưa có nhận thức đúng đắn.
05/08/2010(Xem: 4512)
Thiết dĩ, thể tánh hư hàm, bí thảo điêu tàn du vị tử, Thiền cơ diệu ngộ, đàm hoa lạc khứ hữu dư hương. Xuất một tự như, Khứ lai vô ngại. Cung duy - Tôn sư: Đạo phong trác thế, Giới đức siêu trần.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]