Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 4

23/09/201114:48(Xem: 6187)
Phần 4

BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Thánh Hà Tây
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hiền

Phần 4

Xin xem kinh văn: “vô vô minh diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận, vô khổ tập diệt đạo”.Đoạn này là nói lên sự thiện xảo trong cách dạy học của Thế Tôn. Bốn câu phía trước là nói mười hai nhân duyên. Câu sau cùng là nói tứ đế. Mười hai nhân duyên và tứ đế trong Phật pháp được xem là giáo nghĩa căn bản nhất. Nó đã nói rõ vũ trụ nhân sinh, cũng chính là chân tướng sự thật của sáu cõi luân hồi. Theo mười hai nhân duyên mà nói, nó tổng cộngcó mười hai điều, nói rõ nhân quả ba đời. Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyênxúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử. Mười hai điều này tuần hoàn không ngừng. Cho nên liền đó đã hình thành nên sự thật luân hồi ba đời. Cũng có thể nói là hiện tượng, tạo nên hiện tượng này. Trong mười hai điều này, hai điều phía trước là thuộc về đời quá khứ. Vô minh là duyên, hànhlà nhân, hành chính là hành nghiệp. Vì có nhân duyên của đời quá khứ, nên mới có quả báo của đời nay. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, năm điều này là quả báo hiện tại.

Vô minh mà trong mười hai nhân duyên đã nói, chúng ta phải đặc biệt chú ý, vì vô minh nói ở đây không phải là căn bản vô minh như trong kinhđại thừa đã nói, mà là nói ngọn cành vô minh, nên nó không phải là căn bản. Phá được căn bản vô minh rồi thì liền thành Phật ngay. Cho nên trong mười hai nhân duyên, tuy vô minh đã phá rồi, cũng chỉ có thể đoạn kiến tư phiền não, chứng quả báo Bích Chi Phật của tiểu thừa. Điểm này phải nhận thức cho rõ ràng.

Vì vô minh, vô minh là mê hoặc, cho nên mới đi tạo nghiệp, cũng chínhlà nói, do chúng ta có tư tưởng kiến giải sai lầm, nên mới có hành vi sai lầm. Đã tạo nghiệp thì sau đó nhất định có quả báo, cái này chính làhoặc nghiệp khổ. Khổ là chỉ khổ báo. Quả báo thứ nhất là đến đầu thai, cũng chính là cái thức thứ ba trong mười hai nhân duyên. Thức là nói thần thức, người Trung Quốc chúng ta thường gọi là linh hồn, họ đến đầu thai. Từ đó cho thấy, nhân duyên đích thực để họ đến đầu thai là vô minhvà hành, cha mẹ là thuộc về tăng thượng duyên. Điều này trong kinh điểnthường nói tứ duyên sanh pháp, gồm thân nhân duyên, sở duyên duyên, vô gián duyên, tăng thượng duyên. Ba loại phía trước đều thuộc về phần mìnhtự có, cho nên duyên của cha mẹ bên ngoài là thuộc về tăng thượng duyên. Đương nhiên việc đi đầu thai tìm kiếm cha mẹ cũng không phải chuyện ngẫu nhiên. Phật nói cho chúng ta rất rõ ràng, duyên cha con có bốn loại là: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ, bốn loại lớn này. Nếu như đời quá khứ không có cái duyên này thì họ dứt khoát sẽ không sanh vào một nhà, quyết định sẽ không quen biết nhau. Phàm là sanh vào một nhà, phàm là quen biết nhau đều là bốn loại duyên này, chẳng qua chỉ là sự thân sơ của bốn loại duyên này khác biệt không đều nhau mà thôi.

Đã đến đầu thai rồi, khi đầu thai, trong khoảng một đến hai tuần thi chẳng nói lên gì cả. Họ đến đầu thai rồi, cho nên đặt cho họ một cái tênlà danh sắc. Danh là nói họ có tinh thần, là họ đang sống. Còn sắc là họ có vật chất. Vật chất đây chính là lấy tinh cha, huyết mẹ làm thân thể của mình. Cái thần thức này nhập vào tế bào, hợp chung với tế bào này thành một thể, nhưng vẫn chưa có hình dạng của người trưởng thành. Vào lúc này danh từ của Phật học gọi là danh sắc, còn trong pháp thế gian gọi là phôi thai. Sau đó dần dần lớn lên trong bụng mẹ, thành hình dạng của con người, thì gọi đó là lục nhập hay thai nhi. Người thế gian chúng ta gọi đó là thai nhi, còn trong thập nhị nhân duyên gọi là lục nhập, tức là họ đã có thể biện biệt. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, những cái này đều đã hình thành rồi. Xúc đây là chào đời, ra đời từ trong bụngmẹ, tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài. Cho nên bắt đầu từ lúc chào đời đó mãi đến suốt cả đời này, đều tiếp xúc với xã hội. Từ lúc em bé chào đời cho đến khi nó lên hai - ba tuổi, nó chỉ có xúc, vẫn chưa có thọ. Nhưng hiện nay chúng ta thường nói trẻ con bây giờ thật thông minh, khi còn rất nhỏ nó đã có thọ rồi, tức là có cảm thọ khổ lạc, sầu thích. Hay nói cách khác, nó đã mất đi sự hồn nhiên ngay trong lúc chỉ có xúc mà không có thọ. Chúng ta quan sát trẻ con, trẻ con khoảng mấy tháng, nó chỉ có xúc mà không có thọ. Quan sát từ đâu vậy? Là từ động tác của nó, từ sự biểu cảm của nó mà quan sát. Ví dụ lúc ăn uống, trẻ con ăn uống, nó ăn rất vui vẻ, nó sẽ cười toe toét, ngay cả phân của nó, nó cũng ăn, khi ăn nó cũng cười toe toét. Cái này chính là nói nó chỉ có xúc mà không có thọ. Khi nó có cảm thọ khổ lạc, sầu thích rồi, thì nó sẽ có tâmphân biệt, nó liền có chấp trước, nó sẽ hiểu được cái nào là sạch sẽ, cái nào là dơ bẩn, nó sẽ có thủ xả, sở dĩ vậy là vì nó đã có thọ.

Trong thời đại nông nghiệp trước đây, khi khoa học kỹ thuật chưa pháttriển như hiện nay, trẻ con ở nông thôn thường thường đến bảy – tám tuổi, thậm chí đến 10 tuổi, vẫn còn giữ được nét ngây thơ hồn nhiên, cũng tức là nói nó vẫn chưa có ái thủ hữu. Nó có xúc, có thọ, nhưng vẫn chưa có loại tham ái này, chưa có phân biệt, chấp trước, thuần một nét thơ ngây hồn nhiên. Cũng chính là như chúng ta thường nói chưa hiểu đượcthế thái nhân tình, trong quan niệm sống của nó mọi thứ đều là tốt đẹp.Nhưng hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển rồi, trẻ con vừa mới chào đời liền bị đặt ở trước màn hình ti vi, nên trẻ con một vài tuổi đã có thể nghe ngóng thăm dò. Chúng ta thường cho đó là thông minh hơn người trước đây, nhưng thực tế mà nói, nó rất đáng thương, vì thời gian tuổi thơ lãng mạn hồn nhiên của nó quá ngắn ngủi, chỉ có thời gian hơn một năm. Đến lúc nó biết nghe ngóng thăm dò, thì sự hồn nhiên của nó đã mất,mất hết rồi, nó đã có ái, đã có thủ rồi.

Ái thủ là duyên, hữu chính là nhân, đây là đời hiện tại lại đang tạo nhân. Khi thọ quả báo, từ lúc đầu thai cho đến thọ, là đều thuộc về quả báo. Quả báo, Phật cũng đã nói rất rõ ràng với chúng ta là có hai loại quả báo. Một loại gọi là dẫn nghiệp, là dẫn đường chúng ta đến nơi nào để đầu thai. Như chúng ta đến cõi người, Phật nói là chắc chắn trong đờiquá khứ có tu ngũ giới, thập thiện, do đó cái nhân duyên này dẫn đường cho chúng ta được sanh về cõi người. Nhưng cùng là người như nhau, mà cảnh ngộ trong một đời của mỗi người không giống nhau, đây là thuộc về một loại quả báo khác gọi là mãn nghiệp. Kinh luận duy thức phân tích vôcùng cặn kẽ.

Có ái thì có thủ xả, có thủ xả thì có được mất, vì cái được mất này bạn lại tạo nghiệp, thế là khi thọ mạng đời này hết rồi, lại có quả báo của đời sau. Đời sau lại đi đầu thai, việc đầu thai này chính là thức, danh sắc, lục nhập, xúc. Thọ chính là lão tử. Cho nên mười hai nhân duyên đã nói rõ cho chúng ta nhân quả ba đời. Tại sao bị luân hồi không dứt? Chúng ta từ đây nhận ra rồi. Nếu thuận theo thứ tự này tức là phàm phu, vĩnh viễn trôi lăn trong sáu cõi mà không có cơ hội thoát ra. Phải làm thế nào mới thoát khỏi sáu cõi luân hồi đây? Là nhất định phải giác ngộ. Hay nói cách khác, đi thuận theo cái thứ tự này là mê hoặc, đi ngược lại là giác ngộ. Đi ngược lại gọi là cửa hoàn diệt. Phật dạy chúngta phát hiện ra vấn đề, tìm ra vấn đề, tại sao chúng ta có già chết? Vìchúng ta có sanh, có sanh thì có tử. Tại sao chúng ta có sanh? Vì có nghiệp, có hành nghiệp. Tại sao có hành nghiệp vậy? Vì có thủ xả. Tại sao có thủ xả vậy? Vì có yêu ghét. Cứ từng lớp từng lớp đuổi theo nhau như vậy. Như vậy là cái nguyên nhân này chúng ta hiểu rõ rồi, nhìn thấy chân tướng sự thật rồi. Vậy phải làm thế nào giải quyết vấn đề đây?

Phật nói với chúng ta, trong mười hai nhân duyên này, nếu như có một cái bị đoạn dứt, thì hiện tượng luân hồi này sẽ không còn nữa, liền ra khỏi sanh tử thôi, vĩnh viễn thoát khỏi. Trong mười hai điều này có quá khứ, có vị lai, là do sức công phu của chúng ta chưa đạt được, điều chúng ta có thể làm chỉ có trong đời này. Trong đời này, năm điều trước là thuộc về quả báo, quả báo chỉ có thể chấp nhận, chứ không thể chối bỏ. Thế thì thật sự có thể hạ thủ công phu chỉ còn lại có ba điều thôi, đó chính là ái, thủ, hữu. Ba chữ này chỉ cần dứt được một chữ thì sáu cõi luân hồi được giải quyết.

Trong kinh Phật nói cho chúng ta rất rõ ràng, nghiệp nhân sinh tử trong sáu cõi là do ái, gọi là “ái bất trọng bất sanh Ta Bà, niệm bất nhất bất sanh Tịnh Độ”. Cái ái này chính là tham ái, tham ái năm dục sáutrần, tham ái danh vọng lợi dưỡng. Đây chính là nghiệp nhân căn bản củasanh tử luân hồi. Người nào có thể thực sự thấy rõ, thực sự buông xả thì họ sẽ thoát khỏi sáu cõi, sẽ vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, đây là người thượng thượng căn. Nếu như không đoạn dứt được chỗ này, thì đoạn dứt ở thủ cũng được, thủ chính là thủ xả. Chúng ta thực sự có thể không thủ, không xả đối với tất cả pháp. Không xả là chấp nhận, là tiêu nghiệp. Không thủ thì ta không tạo nghiệp nữa. Cái này gọi là: “tùy duyên tiêu nghiệp cũ, không tạo thêm họa mới”. Đây cũng là cách thoát ra. Còn như đoạn dứt từ hữu, đó chính là điều mà không phải phàm phu có thể làm được, chỉ có đại thánh nhân, chư Phật Bồ Tát ứng hóa ở thế gian,các ngài hào quang hồng trần với tất cả chúng sanh, nhìn bề ngoài thì không thấy khác, nhưng thực tế thì khác hẳn nhau. Như người Trung Quốc chúng ta ai ai cũng đều biết Phật sống Tế Công. Sự hành trì của Phật sống Tế Công không câu nệ tiểu tiết, trong con mắt của người bình thườngchúng ta nhìn thấy dường như ngài không giữ thanh quy, không giữ giới luật, dường như ái thủ ngài thảy đều có đủ, nhưng sự thật thì tâm ngài thanh tịnh không nhiễm chút bụi trần. Điều này chỉ có bậc thánh mới có thể làm được, phàm phu chúng ta chớ học theo. Cho nên đoạn từ hữu, đó làcông phu chân thật thượng thượng thừa.

Người phàm bình thường như chúng ta, chỉ có thể hạ công phu trên hai điều là thủ và ái này thôi. Điều này nói thì nghe dễ, nhưng làm thì tương đối khó. Khó ở chỗ nào vậy? Cái ái, thủ, hữu này là tập khí của chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay. Chúng ta hôm nay mới nghe Phật pháp, hiểu được chân tướng sự thật này, nhưng cảnh giới hiện ra thì tập khí xấu của chúng ta lại phát tác ngay. Nhìn thấy cảnh thuận thì tâm tham áitự nhiên nó khởi lên liền. Gặp cảnh nghịch thì tâm chán ghét lại khởi lên rồi. Đây chính là vừa đi thuận theo ái-thủ-hữu, vừa ở đó tạo nghiệp luân hồi rồi. Cho nên cổ đức thường hay dạy chúng ta phải tự nhắc nhở mình, thường nói là: “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Cái gì là niệm vậy? Là những ý niệm ái - thủ - hữu này, những ý niệm tham-sân-si-mạn, ý niệm tự tư tự lợi. Các ý niệm này chắc chắn có, ý niệm chắc chắn sẽ khởi lên, vì nó là tập khí từ vô lượng kiếp đến nay, điều quan trọng là giác ngộ. Giác ngộ của Tịnh Độ chính là một câu Phật hiệu. Khi các ý niệm này khởi lên thì lập tức chuyển nó thành A Di Đà Phật. Dùng một câu A Di Đà Phật thay thế cho tất cả mọi ý niệm, vậy là đúng rồi.

Tứ đế là nói khổ, tập, diệt, đạo. Bốn chữ này cũng là nói hai tầng nhân quả. Khổ là quả báo phải chịu hiện tại. Tập là nghiệp nhân đã tập kết trong đời quá khứ. Diệt là quả báo của người tu hành chứng đắc sau này. Đạo là nhân duyên tu học hiện tại. Cho nên khổ tập diệt đạo là hai tầng nhân quả của thế xuất thế gian. Hay nói đơn giản, khổ được gọi là đế, đế chính là sự thật, quả thật như vậy, nó không phải là hư vọng. Phật nói với chúng ta tam giới đều khổ. Trong kinh luận thông thường haynói ba khổ, tám khổ. Ở đây chúng ta cũng không cần phải nói tỉ mỉ nữa. Người mới học, nghe nói như vậy thường hay phản đối, cho rằng chuyện vuicủa thế gian cũng rất nhiều, tại sao Phật nói là khổ chứ? Đây đích thựclà chân tướng mà Phật đã nhìn thấy. Cái mà chúng sanh nhìn thấy là tướng huyễn. Tại sao thấy như vậy? Vì chuyện vui của thế gian sẽ biến thành khổ. Cái này gọi là “lạc cực sinh bi”. Chuyện khổ của thế gian chắc chắn sẽ không biến thành vui, khổ sẽ không biến thành vui là sự thật, nhưng vui sẽ biến thành khổ. Từ đó cho thấy vui là giả, vui không phải thật. Những điều này trong bài giảng của chúng tôi cũng đã nói rất nhiều rồi.

Điều quan trọng là chúng ta nhất định phải hiểu là tại sao phải đến đầu thai? Tại sao phải đến làm người? Tại sao bị luân chuyển trong sáu cõi? Đây mới là vấn đề quan trọng đích thực. Phật quán sát rất thấu triệt, quán sát rất cặn kẽ. Phật nói với chúng ta, nguyên nhân đích thựcchính là thù nghiệp của thân tâm. Thù là báo đền, nghiệp chính là nhữngnghiệp đã tạo ra trong quá khứ. Thiện nghiệp thì thân tâm chúng ta đượcphước báo, được hưởng thụ; ác nghiệp thì chắc chắn chiêu cảm quả khổ, đây mới là chân tướng sự thật chơn chánh. Người thế gian không hiểu đượcchân tướng sự thật, nhìn thấy người ta hưởng vui còn mình chịu khổ, bèncho rằng cái xã hội này không công bằng! Ông trời không công bằng! Thượng đế không công bằng! Phật Bồ Tát không công bằng! Oán trời trách người. Vậy có giải quyết được vấn đề hay không? Không thể. Không những không giải quyết được vấn đề, mà lại tạo nghiệp càng nặng thêm. Hay nói cách khác, hiện tại họ đã quá sức khổ, nhưng tương lai còn phải khổ hơn nữa. Đây là họ đang tiếp tục tạo ác nghiệp không dứt. Ác nghiệp tuyệt đối sẽ không được quả thiện, đây là chân lý. Chúng ta nhất định phải tinchắc không nghi ngờ. Biết được chân tướng sự thật này, thì chúng ta phải cải thiện đời sống của chính mình, cải thiện vận mệnh của chính chúng ta. Điều này không khó. Chúng ta chỉ cần hạ công phu trên nhân, chúng ta đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức. Thế là đời sống chúng ta, môi trường của chúng ta nhất định sẽ ngày càng tốt hơn, sẽ ngày một mỹ mãn hơn, sẽ ngày càng hạnh phúc hơn. Nhưng đây vẫn chưa phải là sự giác ngộ triệt để. Tại sao vậy? Vì chưa thể ra khỏi sáu cõi luân hồi. Dù cho đời nay hay đời sau đều tu đại phước báo, chúng ta cũng không cách gì bảo đảm đời đời kiếp kiếp sẽ không tạo ác nghiệp. Nếu như tạo ác nghiệp,phước hưởng hết rồi thì quả báo của ác chắc chắn sẽ hiện ra. Cho nên đây không phải là con đường giải quyết căn bản. Giải quyết căn bản nhất định phải thoát khỏi luân hồi, đó là nhất định phải biết tu đạo chứng quả. Cái quả này tức là diệt. Diệt cái gì vậy? Diệt phiền não, diệt vọngtưởng, diệt chấp trước, diệt lục đạo luân hồi. Đạo lý này chúng ta không thể không hiểu rõ, không thể không thông suốt.

Trong bốn điều này, điều quan trọng nhất hiện nay là tu đạo. Đạo là con đường, là con đường thoát khỏi sanh tử luân hồi. Trong kinh luận Phật đã nói cho chúng ta rất nhiều phương pháp tu hành, mỗi một phương pháp tu hành đều là con đường thoát khỏi luân hồi, gọi là tám vạn bốn ngàn pháp môn. Pháp là phương pháp, môn là bí quyết. Lại nói trong vô lượng pháp môn, có thể thấy bí quyết phương pháp quả thật là nhiều vô số. Bí quyết phương pháp nhiều như vậy thì phương pháp nào, con đường nào là thích hợp nhất đối với chúng ta? Đây là yếu lĩnh mà chúng ta cần phải lựa chọn. Không phải có sự khác biệt về phương pháp, mà do căn tánhcủa mỗi người chúng ta khác nhau. Đây cũng chính là nói sự mê ngộ của chúng ta không giống nhau, tập khí của chúng ta, mức độ nhiễm ô của chúng ta không giống nhau. Nếu như dùng pháp môn không thích hợp với sự tu học của mình, mình miễn cưỡng làm theo, thì sẽ hao phí thời gian và tinh lực quý báu mà không thu được hiệu quả, vậy thì vô cùng đáng tiếc. Do đó chọn lựa pháp môn, nhất định phải căn cứ vào căn tánh của mình, căn cứ vào trình độ của mình, căn cứ vào hoàn cảnh sinh hoạt hiện tại của mình, mà chọn pháp môn nào có lợi đối với chúng ta thì chúng ta tu học, hạ thủ công phu sẽ dễ dàng.

Bát Nhã là pháp môn rất hay. Chúng ta gặp được pháp duyên thù thắng, gặp được thiện tri thức, đạo hữu đồng tu tốt, đối với kinh luận Bát Nhã có thể có sự hiểu biết tương đối. Nhưng cổ đức thường nói: “lý tuy đốn ngộ, sự phải tiệm trừ”. Có giải ngộ, đạo lý đã hiểu rõ, đã thông suốt, nhưng tập khí xấu của mình mỗi mỗi đều vẫn tồn tại, đều chưa có biện pháp đoạn trừ. Hay nói cách khác, trong sinh hoạt thường ngày, từng giâytừng phút có thể khảo nghiệm lại chính mình. Thí dụ tài, sắc, danh, thực, thùy bày ra trước mắt chúng ta, chúng ta thấy sắc, nghe âm thanh có còn động tâm hay không? Tuy chúng ta hiểu rõ “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, chúng ta khẳng định đây là sự thật, nhưng khi những cảnh tượng huyễn này bày ra trước mắt chúng ta có động tâm không? Nếu như vẫncòn có mảy may tâm yêu ghét, thuận theo ý của mình liền khởi ý niệm tham ái, không hợp ý của mình liền khởi ý niệm chán ghét, vậy thì không thể ra khỏi tam giới, vẫn cứ đọa lạc trong luân hồi như cũ. Từ đây cho thấy, phương pháp tu hành này khó lắm, khó thực sự. Chư Phật Bồ Tát rất thông suốt, rất hiểu rõ về việc này, cho nên đã mở ra cho chúng ta một con đường gọi là môn dư đại đạo, quảng độ chúng sanh, đó chính là đại pháp môn niệm Phật mang theo nghiệp vãng sanh, bất thoái thành Phật, vì đoạn phiền não quả thật là quá khó khăn. Chỉ có lời nói này của Tịnh tông nhất định phải khắc ghi trong lòng, phải hiểu thật thông suốt, hiểuthật rõ ràng. Đây tức là nói, tất cả mọi pháp môn đều phải đoạn phiền não mới có thể thoát khỏi luân hồi, chỉ có pháp môn niệm Phật là không cần phải đoạn phiền não, chỉ cần điều phục được phiền não là được. Điều phục dễ dàng hơn đoạn rất nhiều.

Không chỉ chư Phật dạy người sơ học, dạy chúng ta chọn pháp môn này, mà ngay như trong kinh Hoa Nghiêm, Văn Thù, Phổ Hiền dạy bảo 41 vị pháp thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng, cũng áp dụng pháp môn niệm Phật vãng sanh này. Từ đó cho thấy, chọn pháp môn này mới là sự lựa chọn trí tuệ chân chánh, hơn nữa không phải trí tuệ bình thường mà là đại trí tuệthượng thượng thừa. Như nhân vật thượng thủ Văn Thù, Phổ Hiền đây, trí tuệ tuyệt đỉnh, họ đã chọn pháp môn này trong vô lượng pháp môn. Họ tự mình thành tựu rồi, hơn nữa còn khuyến khích tất cả những đạo hữu đồng tu có duyên, mong muốn đại chúng khắp nơi trong một đời này thành tựu viên mãn Phật đạo vô thượng.

Đoạn kinh văn này của bản kinh, phần trước nói với chúng ta: “vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận”. Đây chính là nói rõ những pháp mà Phật đã nói đây, cũng là thuộc về pháp do nhân duyên sanh. Do chúng sanh mê nên Phật mới phương tiện nói. Nếu chúng sanh không mê, thì làm gì có mười hai nhân duyên chứ? Cho nên những pháp này cũng không phải thật, nó không có thực tánh, không có tự tánh. Mười hai nhân duyên đã như thế, thì tứ đế cũng không ngoại lệ. Ở chỗ này cần phải nói đơn giản cùng quí vị là, Phật nói các pháp tại sao lại nói ngũ uẩn, rồi lại nói 12 xứ, rồi lại nói 18 giới? Kỳ thực Phật không những không nói một pháp cố định nào cả, mà chỗ rốt ráo chân thật thì Phật không có pháp để nói. Cũng giống như một người thầy thuốc, thầythuốc có phương thuốc hay không? Không có. Thầy thuốc làm gì có phương thuốc, nhưng bệnh nhân đến khám bệnh với họ, thì họ sẽ ra toa thuốc cho bệnh nhân, không có bệnh nhân thì họ cũng không có phương thuốc. Phật vìchúng sanh nói pháp cũng là như vậy. Những chúng sanh nào ở trong hai phương diện sắc pháp và tâm pháp, họ mê sắc pháp nhẹ, mê tâm pháp nặng, thì Phật bèn nói ngũ uẩn cho họ. Vì họ mê sắc pháp nhẹ, nên nói lướt quasắc pháp thật đơn giản cho họ. Họ mê tâm pháp nặng, cho nên trong tâm pháp vạch ra cặn kẽ thọ tưởng hành thức cho họ. Cho nên ngũ uẩn là phương thuốc kê ra đối với loại chúng sanh này.

Còn thập nhị xứ thì sao? Là hoàn toàn ngược lại với phần trước. Nhữngchúng sanh này mê nặng về sắc pháp, mê tâm pháp nhẹ. Cho nên trong thậpnhị xứ lục căn, nhãn-nhĩ-tỷ-thiệt-thân phần trước đều thuộc về sắc pháp. Lục trần, tức sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp cũng là sắc pháp. Bạn thấy sắc pháp nói đến mười một điều, còn tâm pháp chỉ có một điều, ý cănlà tâm pháp. Chỗ mê của loại người này hoàn toàn tương phản với loại người trước. Một bên mê sắc nặng, mê tâm nhẹ, còn một bên mê tâm nặng, mê sắc nhẹ, cho nên pháp Phật nói sẽ không giống nhau.

Còn có một dạng người, mê sắc tâm đều nặng cả, thế là Phật bèn nói thập bát giới cho họ. Trong mười tám giới thì sáu thức là tâm pháp, trong sáu căn thì ý căn là tâm pháp, năm căn còn lại là sắc pháp, sáu trần là sắc pháp. Như vậy là trong 18 pháp, thì tâm pháp nói bảy cái, còn sắc pháp thì nói 11 cái. Đây là dạng người đối với sắc tâm đều mê, Phật bèn nói loại pháp này. Có thể thấy được Phật nói pháp là ứng cơ mà nói, rất linh hoạt, không có nói pháp cố định nào cả. Từ chỗ này chúng ta thật sự có thể thể hội được, không chỉ là không có nói pháp cố định nào cả, mà quả thực không có pháp để nói. Cho nên trong Tâm Kinh nói vớichúng ta, không có mười hai nhân duyên lưu chuyển, cũng không có mười hai nhân duyên hoàn diệt, cũng không có tứ đế, pháp thế gian và xuất thếgian tất cả đều không, chư pháp không tướng.

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hiền
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]