Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Nhất

02/04/201110:17(Xem: 8354)
2. Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Nhất

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI
SURAMGAMA SUTRA
Lê Sỹ Minh Tùng
Cuốn Một

Chương Thứ Ba

Phật Chỉ Tâm Lần Thứ Nhất

Đức Phật bảo A Nan :


- Có gì khác nhau giữa màu đen tối mà người mù thấy được và màu tối đen mà người sáng mắt nhìn thấy khi họ ở trong phòng tối?


- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy.


Phật bảo :


- A Nan! Nếu người mù chỉ thấy được màu tối đen khi bỗng dưng được sáng mắt lại nên thấy được đủ loại sắc tướng. Ông gọi đó là do mắt thấy. Và khi người ở trong phòng tối kia, chỉ thấy phía trước hoàn toàn màu đen, bỗng dưng thấy được mọi vật nhờ có đèn sáng, lẽ ra nên gọi là đèn sáng đúng hơn. Nếu cái thấy do đèn thì đèn có được cái thấy, và nếu là đèn thấy thì quan hệ gì đến ông? Thế nên phải biết, đèn làm cho ta thấy rõ được mọi vật, còn cái thấy là do ở mắt, chớ không phải đèn. Khi mắt nhận rõ các vật thể thì “tánh thấy” đó chính là tâm, chớ không phải là mắt.


Sau khi Phật chỉ sự khác nhau giữa cái tánh thấy và sự thấy của mắt thì bây giờ ông A Nan lại lý luận rằng người mù thấy tối đen thì cái tối đen đâu phải cái thấy. Phật lại dạy tiếp nếu cho rằng người mù chỉ thấy tối đen không phải là cái thấy, còn người sáng mắt ngồi ở trong một căn phòng kín tối đen thì người sáng mắt cũng chỉ thấy một màu đen có khác gì người mù đâu. Vậy nếu người mù và người sáng mắt cùng ngồi trong căn phòng kín tối đen thì cái thấy của họ có khác gì nhau. Phật lại dạy tiếp rằng nếu người mù bỗng dưng được sáng thì ông A Nan gọi cái thấy đó là do mắt thấy. Nhưng nếu cùng lý luận như vậy thì người sáng sáng mắt ngồi trong căn phòng kín tối đen bỗng dưng có đèn sáng nên thấy được mọi vật thì cái thấy bây giờ là do đèn chớ đâu phải do mắt. Điều này là sai.
Vậy mắt thấy hay tâm thấy?


Nếu nói rằng mắt thấy thì sai lầm, thiển cận mà cho rằng không phải con mắt thấy lại càng sai. Còn nếu nói rằng tâm thấy thì tâm thấy là cái tâm nào? Kinh Phật dạy rằng : ”Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc” nghĩa là tâm quá khứ đã diệt, tâm hiện tại quay cuồng, tâm tương lai chưa đến. Vậy lấy cái tâm nào để thấy?


Ngày xưa ngài Huệ Khả quỳ trước cửa chùa ba năm ròng rã để cầu pháp với Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Thấy Huệ Khả có lòng, Tổ hỏi :


- Ông đến đây cầu gì?


Huệ Khả đáp :


- Con cầu pháp để tâm được an.


Tổ hỏi :


- Ông đem tâm đến đây ta an cho.


Huệ Khả tìm kiếm mãi mà không thấy được tâm vì tâm biến hiện theo thời gian, không dừng trụ thì làm sao lấy ra được. Tâm là ý niệm, là vọng tưởng nên thay đổi không ngừng. Mỗi sát na có tới 900 ý niệm tức là 900 cái tâm thì biết cái tâm nào mà lấy. Khi chúng sinh dứt trừ hết vọng niệm thì chơn tâm hiện bày, Phật tánh biểu lộ thì tự họ sẽ có an vui tự tại. Ngược lại, nếu tâm mình chất đầy vọng tưởng, chạy theo tham đắm lợi danh mà về chùa nhờ các sư cầu an thì làm sao mà an cho được. Một người ăn mặn khát nước mà muốn người khác uống nước dùm thì làm sao hết khát được. Muốn tâm an thì chính mình phải diệt trừ bớt vọng niệm, lo tu tâm dưỡng tánh, biết sống tri túc thiểu dục thì tâm sẽ được an. Kinh Lăng Nghiêm giúp chúng sinh loại trừ mọi tà kiến để có cuộc sống thanh thản, an nhàn và tự tại.
Khi Phật nói tâm thấy là ý Ngài muốn dạy A Nan về bát thức tâm vương trong duy thức luận. Đó là tám thức có công năng thù thắng, cũng như ông vua có oai quyền thế lực, thống trị thiên hạ nên gọi là “tâm vương”:


1) Nhãn thức : Cái biết của mắt, vì thức này nương Nhãn căn, khởi ra tác dụng phân biệt về sắc trần.


2) Nhĩ thức : Cái biết của lỗ tai, vì thức này nương Nhĩ căn khởi ra tác dụng phân biệt về thanh trần.


3) Tỷ thức : Cái biết của mũi, vì thức này nương tỷ căn khởi ra tác dụng về hương trần.


4) Thiệt thức : Cái biết của lưỡi, vì thức này nương tựa Thiệt căn khởi ra tác dụng phân biệt vị trần.

5) Thân thức : Cái biết của thân, vì thức này nương Thân căn khởi ra tác dụng phân biệt xúc trần. Trong tám thức tâm vương thì năm thức này ở bên ngoài và trước, nên cũng gọi là “Tiền ngũ thức”.

6) Ý thức : Cái biết của ý, nương tựa Ý căn khởi tác dụng phân biệt Pháp trần.Trong tám thức duy có thức thứ sáu này rất lanh lẹ và khôn ngoan hơn hết vì con người có suy nghĩ làm việc lành, thức này đứng đầu; còn tính toán tạo việc ác thì nó cũng hơn cả.


7) Mạt-na-thức : Thức này có công năng truyền các pháp hiện hành vào Tàng thức và tổng đưa các pháp chủng tử khởi ra hiện hành.


8) A-lại-da thức : Thức này có công năng chứa đựng chủng tử của các pháp


Dựa theo Duy Thức học, Tiền ngũ thức và nhãn thức tác động là một. Khi tiền ngũ thức tiếp xúc với ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc) thì chỉ thông qua “hiện lượng”. Hiện lượng là sự lượng biết còn trong đệ nhất sát na chớ chưa chuyển qua thành ý thức phân biệt. Sự tiếp thu tiền cảnh của tiền ngũ thức cũng giống như sự tiếp thu âm thanh và hình ảnh của một chiếc máy quay phim. Hình ảnh, cảnh giới, âm thanh bên ngoài thế nào thì chiếc máy ghi nhận y như vậy, không thêm không bớt. Cái thấu kính chỉ cho hình ảnh, âm thanh, màu sắc bên ngoài xuyên vào, nhưng muốn ghi lại những hiện tượng trên thì máy quay phim cần phải có phim, có memory stick để lưu giữ. Do đó khi nói mắt thấy thật ra mắt chỉ tiếp thu làm tỏ rõ các vật sắc cũng như cái thấu kính, mà thấy biết cần phải có ý thức tâm vương cộng vào. Vì thế ông A Nan cho rằng mắt thấy thì bị Phật quở là đúng rồi.


Một thí dụ khác là con mắt của con người ví như bóng đèn điện, còn cái thấy của họ giống như dòng điện. Khi bóng đèn hư ví như người mù thì đèn không cháy, chớ không phải dòng điện mất hay bị cúp điện. Đến khi thay bóng mới ví như người mù được sáng mắt thì đèn cháy trở lại. Dù bóng đèn hư hay mới thì dòng điện lúc nào cũng có trong dây điện. Tánh thấy cũng vậy, cho dù con người có mắt hay bị mù thì tánh thấy lúc nào cũng ở với họ. Chỉ khác là sáng mắt thì thấy màu sắc huy hoàng, còn mù thì chỉ thấy toàn màu đen.


Do đó cái thấy của mắt chỉ là hiện lượng cho nên con mắt là phương tiện tỏ rõ sự vật, mà “tánh thấy biết” mới là bản tâm của chính mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]