Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Thế gian quan của Phật Giáo

24/03/201110:44(Xem: 9065)
2. Thế gian quan của Phật Giáo

KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC
Hán dịch: Đại Sư An Thế Cao
Giảng: Đại sư Tịnh Vân
Việt dịch: Thích Minh Quang

Bài 2: Thế gian quan của Phật Giáo

Phiên Âm:

Đệ nhất giác ngộ: Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sinh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ, tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu; như thị quán sát, tiệm ly sinh tử.

Dịch Nghĩa:

Điều giác ngộ thứ nhất: Thế gian vốn vô thường, cõi nước rất mong manh, bốn đại lại khổ không, năm ấm là vô ngã, luôn sinh diệt biến đổi, giả dối không có chủ, tâm là nguồn việc ác, thân là rừng nghiệp tội; nếu quán sát như thế, lần lần lìa sinh tử.

Giảng giải:

Đây là điều giác ngộ thứ nhất mà người tu học Bồ tát đạo, lo việc liễu sinh thoát tư cần phải có.

Đoạn Kinh văn này có thể nói đã chỉ tổng quát thế gian quan của Phật giáo. Kinh văn nói: Thế gian vô thường, cõi nước mong manh là vô thường quán; bốn đại khổ không là khổ không quán; ngũ ấm vô nga là vô ngã quán; tâm là nguồn ác, thân là rừng tội là bất tịnh quán.

Trước hết tôi xin giảng về thế gian vô thường quán. Thế gian là chỉ thời gian và không gian. Thế là thời gian ba đời: Quá khứ, hiện tại, vị lai; gian là không gian mười phương: Đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, phương trên, phương dưới.

Thế gian cũng đồng nghĩa với vũ tru. Thời gian từ xưa đến nay gọi là vũ; không gian bốn phương trên dưới gọi là tru. Chúng ta sống trong không gian vô cùng và thời gian vô tận tất phải có nhận thức về thế gian. Trong phật giáo, thế gian không phải chỉ là hiện tượng trong thế giới tự nhiên, mà tất cả vũ trụ và nhân sinh đều gọi chung là thế gian. Vũ trụ quốc độ mà chúng sinh nương tựa gọi là khí thế gian; sắc thân của chúng sinh do hoặc nghiệp tạo thành phải chịu sinh tử là hữu tình thế gian.

Anh thấy chăng?
Hoàng hà nước tự trời cao
Xuôi ra biển cả chẳng bao giờ về.
Anh thấy chăng?
Cha soi kính tóc bạc phơ
Sớm tơ tối tuyết, ngẫn ngơ chợt buồn!
(Tương Tiến Tửu – Lý Bạch)

Vì chúng ta không biết thế gian vô thường, nên đã sinh ra nhận thức sai lầm, cho rằng mọi sự vật là thật có, rồi khởi tâm tham luyến, chấp trước. Song cuối cùng nhìn lại, có mấy ai thắng vượt được vô thường?

Kinh Kim Cang nói:
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng
Như sương sớm, điện chớp
Nên quán chiếu như vậy.

Đại Trí Độ Luận cũng nói:
Thế gian biết mấy vô thường!
Bóng trăng, thân chuối, giả nương hợp thành.
Phước dù đến tận trời xanh
Gió vô thường đến, hóa thành hư vô!

Phú quí vinh hoa trong đời khác chi giấc mộng giữa đêm. Ngay như tấm thân mà ta mỗi ngày tắm rửa, quí tiếc, rốt cuộc sống được bao năm? Hoàn cảnh, thân thể, tâm lý đều đang hoạt động, đang thay đổi từng phút từng giây, không ngừng lưu chuyển. Ruộng dâu ngày xưa nay đã trở thành biển cả; biển cả bây giờ rồi sẽ hóa ra ruộng dâu ở tương lai! Cho nên tục ngữ bảo: Bãi bể nương dâu là vậy. Như thế, trong thế gian này có cái gì là trường cửu? Có cái gì là chân thật đâu? Nếu bảo thế gian có cái gì chân thật, thì đó chính là vô thường! Tất cả đều vô thường, huyễn hóa, như áng mây trôi giữa trời cao, như bọt nước trên đầu ngọn sóng, như bóng hoa ảnh hiện trong gương, như ánh trăng long lanh trên nước!

Thế gian đã vô thường, thì cõi nước mong manh (nguy thúy) là điều tất nhiên không cần nói nữa. Cõi nước không an gọi là nguy, chẳng thật gọi là thúy. Không nói chi xa, chỉ xem động đất ở Đài Loan và Nhật Bản cũng đủ thấy. Mỗi lần động đất có biết bao tài sản bị tổn thất, sinh mạng bị tử vong! Cõi nước như vậy, chẳng phải mong manh là gì?

Ở trên đã giảng rõ thế gian vô thường quán rồi, giờ lại giải thích tiếp tứ đại khổ không quán. Chúng ta thường nghe người không thông hiểu Phật Pháp cũng biết nói câu tứ đại giai không. Chẳng qua tứ đại giai không ở đây nói, không phải như người ta thường hiểu lầm, cho rằng tứ đại là tửu, sắc, tài, khí và tứ đại giai không là không tham luyến tửu, sắc, tài, khí. Thực ra, tứ đại khổ không mà đức Phật ở đây, là thuyết minh về bản chất của hiện tượng nhân sinh và thế giới.

Nói tứ đại là chỉ bốn nguyên tố tổ hợp thành vật thể. Nhỏ từ cánh hoa cọng cỏ, lớn đến thế giới, nhân sinh, không một thứ nào là không do bốn nguyên tố này kết hợp tạo thành. Bốn nguyên tố là đất, nước, lửa, gió (địa, thủy, hỏa, phong). Đất là chất mang tính chất rắn chắc, nước là chất mang tính ẩm ướt, lửa là chất mang tính ấm nóng, gió chất mang tính lưu động. Tất cả hiện tượng trong vũ trụ không có thứ nào là không do bốn chất này hợp thành. Ví dụ lấy con người nói, lông, tóc, móng, răng, thịt, da, gân, xương… mang tính rắn chắc là địa đại; đàm, dãi, nước tiểu… mang tính ẩm ướt là thủy đại; nhiệt độ trong người mang tính ấm nóng là hỏa đại; hơi thở ra vào mang tính lưu động là phong đại.

Người ta sống là do bốn đại hòa hợp. Nếu bốn đại không điều hòa sẽ sinh ra bệnh, bốn đại phân tán sẽ đưa đến tử vong. Người đã như vậy, hoa cỏ cũng như vậy. Như một cây hoa cần phải có đất để lấy chất dinh dưỡng (địa đại), cần có nước tưới thích nghi (thủy đại), cần có ánh nắng của mặt trời sưởi ấm (hỏa đại), cần có không khí lưu động (phong đại) mới mọc lên tươi tốt và đơm hoa kết nụ. Thiếu một trong bốn điều kiện này, hoa không thể nào sống được.

Thân tứ đại hòa hợp của con người sao lại nói là khổ không? Nhà triết học Lão Đam (Lão tử) nói: "Ta sở dĩ có tai hoạn lớn là do ta có thân; nếu ta không có thân, làm gì có tai hoạn!" Thân thể chúng ta chỉ là chỗ tích tụ của các khổ. Trong tâm thì có các khổ phiền não: tham, sân, si; trên thân thì có các khổ: già, bệnh, chết; ở gia đình thì khổ vì lo ăn lo mặc, ân ái xa lìa; ngoài xã hội lại khổ do đấu tranh phải trái, oán thù gặp gỡ; còn hoàn cảnh lại khổ vì bão lụt, động đất, chiến tranh. Khổ cứ luôn đeo đẳng, khống chế chúng ta. Thật đúng là chúng sinh đang sống trong biển khổ!

Có một số người mới học Phật Pháp, nghe nói đến chữ khổ, liền cho học Phật chính là học chịu đựng đau khổ, không chịu đựng được khổ, thì không thể nào học Phật! Thực ra, đây là cách nói hoàn toàn sai lầm. Phật giáo là một tôn giáo an lạc hạnh phúc. Chúng ta vì muốn lìa khổ được vui, nên mới tu học Phật Pháp. Người tu học Phật Pháp trước hết phải nhận thức đúng đắn về khổ. Ý thức được khổ mới biết tìm cầu an lạc. Nếu như sống trong khổ mà không cho là khổ, hoặc sống trong khổ mà lại cho là vui, thì người như thế làm sao chịu tu học Phật Pháp?

Biết khổ chính là cánh cửa bước vào đạo.

Thuở xưa, có đôi vợ chồng sống trong một ngôi làng xa xôi hẻo lánh. Hai người cực khổ làm ăn, dành dụm tài sản rất nhiều, nhưng tuy lớn tuổi mà vẫn hiếm muộn. Họ đi cầu cúng mọi nơi, xin Phật trời ban cho đứa con, mà mãi vẫn không được như nguyện. Hai vợ chồng già tha thiết muốn biết rõ nguyên nhân vì sao mình hiếm muộn, nhưng không biết hỏi ai, vì trong làng không có người đạo hạnh. Ngày kia, có một vị mới xuất gia đi du phương ghé ngang. Hai vợ chồng vừa trông thấy liền mừng rỡ, mời vị ấy về nhà để cúng dường. Thọ trai xong, hai người mới thỉnh vị xuất gia thuyết Pháp, khai thị về nguyên nhân không có con. Vị này vì mới xuất gia, chưa biết thuyết Pháp, nên rất bối rối không biết nói như thế nào mới phải. Vợ chồng ấy thành tâm thành ý quỳ trước ghế, phủ phục sát đất không ngước đầu lên. Vị xuất gia thấy vậy trong ruột nóng như thiêu, nghĩ rằng mình là người xuất gia không lẽ lại bảo là không hiểu Phật Pháp, không biết thuyết Pháp hay sao? Lúc ấy vị đó mới cảm thấy làm người xuất gia quả thật rất khó, bất giác buột miệng thốt lên: Quả thật là khó!

Hai vợ chồng quỳ dưới đất nghe câu ấy, thấy nói trúng tâm trạng của mình. Họ cảm thấy câu khai thị này thật là danh ngôn chí lý, cả hai người cầu xin chút con mà làm cách nào cũng không cầu được, quả thật là khó! Hai người vô cùng cảm động vội dập đầu lễ bái không ngừng!

Ngồi ở trên thấy đôi vợ chồng đó chí thành như thế, vị này càng thêm bối rối, tiến thoái lưỡng nan, thấp thỏm như ngồi trên bàn chông, mồ hôi ướt đầm cả người, buột miệng than rằng: Quả thật là khổ!

Câu này vừa thốt ra, cả hai vợ chồng như nghe được tiếng chuông thức tỉnh, thấy rõ chân lý. Mình cao tuổi như thế này mà ngay một đứa con cũng không có, quả thật là kho?! Cuộc đời quả thật là khổ! Hai vợ chồng xúc động sâu xa, vừa quỳ vừa khóc, nước mắt đầm đìa. Vị mới xuất gia thấy vậy không biết tính sao, ba mươi sáu kế, rút lui là thượng sách!

Hai vợ chồng khóc lóc hồi lâu, lại lắng nghe chờ khai thị tiếp nhưng không thấy nói gì, vội ngước lên nhìn thì vị xuất gia ấy đã đi mất tự bao giờ! Hai người cho rằng đây chính là Phật Bồ tát thị hiện, chỉ cho họ biết cuộc đời là đau khổ. Từ đó họ trở nên ngưòi Phật tử thuần thành, tin sâu Phật Pháp, tinh tấn tu học, cuối cùng được giải thoát khỏi não phiền.

Cho nên, ý thức được khổ mới biết cầu giải thoát; khổ cũng chính là tăng thượng duyên cho người học đạo.

Sao lại nói: Bốn đại khổ không? Trong thế gian, từ thân thể con người cho đến mọi vật đều do tứ đại hợp thành. Vì nó do nhân duyên hoà hợp, nên giả tạm, như huyễn, không chân thật. Trong cái hư giả ấy, con người lại phải chịu hành hạ bởi tám thứ khổ: Sinh, già, bệnh, chết, ân ái chia lìa, oán thù gặp gỡ, ước muốn không thành, thân tâm đều kho? Cho nên nói: Bốn đại khổ không là vậy.

Câu Năm ấm vô nga là vô ngã quán trong Phật giáo. Năm ấm là gì? Năm ấm chính là đại danh từ của cái ta (ngã). Năm ấm gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ta là một hợp thể giữa vật chất và tinh thần. Trong Phật Pháp, vật chất là sắc; tinh thần là thọ, tưởng, hành, thức.

Sắc có nghĩa biến ngại (??). Đây là nói tất cả vật thể hữu hình đều biến đổi vô thường và có sự chướng ngại. Giữa vạn vật, cái này với cái kia nếu tính chất hợp nhau thì có chiều hướng kết hợp lại; còn như tính chất trái nghịch nhau sẽ có chiều hướng tan rã. Kết hợp là tạo thành, tan rã là hoại diệt.

Thọ có nghĩa lãnh nạp (??). Cảm giác khổ đau là khổ thọ, cảm giác vui sướng là lạc tho; khi không đau khổ, không vui sướng gọi là bất khổ bất lạc thọ.

Tưởng có nghĩa nắm bắt hình tượng (??). Phan duyên ngoại cảnh, nhớ việc đã qua, mơ tưởng tương lai đều gọi là tưởng.

Hành có nghĩa tạo tác (??). Do nắm bắt hình tướng mà có hành động tạo tác, có khi làm thiện, có khi làm ác. Đây là sức mạnh của hành.

Thức có nghĩa phân biệt rõ ràng (??). Như mắt có thể phân biệt rõ các màu xanh, vàng, trắng, đen; tai có thể phân biệt rõ âm thanh hay dở; mũi có thể phân biệt rõ các mùi thơm hôi; lưỡi có thể phân biệt rõ các vị chua, ngọt, cay, đắng; thân có thể phân biệt rõ cảm giác nóng, lạnh, cứng, mềm.

Sắc thân do nghiệp báo hình thành của chúng ta sinh rồi lại tử, tử rồi lại sinh, chính là cái ngã ngũ ấm này. Ấm có nghĩa là che ngăn (??). Ý nói năm ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức ngăn che Phật tánh chân như là bản lai diện mục của chúng ta. Chúng sinh sở dĩ trầm luân trong biển khổ, là do mê lầm chấp trước, cho rằng cái ngã ngũ ấm này là thật có.

Năm ấm vô nga chính cùng một ý với Tâm Kinh Bát Nhã nói: "Bồ tát Quán Tự Tại khi thực hành Bát Nhã Ba La Mật thâm sâu, sáng soi thấy năm uẩn, đều cùng một tánh không, vượt qua vòng khổ ách". Năm uẩn cũng chính là năm ấm. Quán chiếu thấy được năm uẩn đều không, là thể nhận được năm ấm vô ngã.

Hiện nay thân ngũ ấm hòa hợp của chúng ta rõ ràng là chân thật. Thân này hành động tự do, muốn làm gì thì làm, cảm thọ khổ vui cũng hết sức cụ thể, vậy tại sao lại nói là năm ấm vô nga?

Thì ra, cái ngã năm ấm xét kỹ lại chẳng qua là do nhân duyên tạm thời hòa hợp, không thể thường tồn, không có tự thể, cho nên nói vô ngã.

Vừa nghe nói đến không có cái ta (vô nga), người ta nói chung đều giật mình lo sợ! Hai chữ vô nga như tiếng bom nguyên tử phát nổ, phá tan tình kiến ngã chấp của chúng sinh, không còn lưu lại chút dấu vết! Cho nên, người ta đối với lý vô ngã Đại thừa này, làm sao mà không e sợ? Thực ra, nếu chúng ta không thể quán chiếu thấy được cái ngã năm ấm là không, thì không sao hiển lộ được cái ngã chân thật của Phật tánh. Hư vọng đã dứt trừ, cái chân thật tự nhiên sẽ hiển hiện, như mây mù tan hết, mới thấy được cảnh trời xanh trong sáng.

Ngươi học đạo lâu năm do không thể quán chiếu thấy được năm ấm vô ngã, nên không cách nào giải thoát, vẫn bị giam cầm trong thế gian hư giả!

Vào triều Tống, Thiền sư Phật Ấn ở núi Kim Sơn khi giảng Kinh trên Pháp tòa, tứ chúng nghe chật cả Pháp đường thì có cư sĩ Tô Đông Pha làm quan Đại Học Sĩ vừa đến nghe Pháp. Thiền sư liền dùng cơ ngữ nhà Thiền nói với ông:

- Nơi đây không có chỗ ngồi của Học sĩ!

Tô Đông Pha cũng là một vị tham thiền học Phật lâu năm, nghe qua liền dùng thiền ngữ đáp lại:

- Sao không mượn tạm thân tứ đại của thiền sư làm tòa ngồi?

- Này Học sĩ, ông đã muốn lấy thân tứ đại của lão tăng làm tòa, lão tăng có câu hỏi này, ông nếu đáp được, thì sẽ đem thân cho ông ngồi. Còn như ông không đáp được, xin đem đai ngọc để lại chỗ này làm vật trấn sơn môn.

- Được, được, xin Ngài cứ hỏi!

- Phật Pháp nói: Bốn đại vốn không, năm ấm vô ngã. Vậy xin hỏi Học sĩ lấy cái gì làm tòa?

Học sĩ Tô Đông Pha Kinh luận nằm lòng, thế mà bị Thiền sư hỏi một câu này cũng đành ngậm miệng, không biết làm sao đối đáp. Mãi đến ngày nay, Chùa Giang Thiên ở núi Kim Sơn vẫn còn lưu giữ đai ngọc của Tô Đông Pha, trở thành vật cổ giá trị liên thành hiếm có!

Kinh này nói năm ấm vô ngã, cách giải thích tốt nhất vẫn là lấy văn của Kinh này để giải thích. Vì sao nói năm ấm vô ngã? Đó là do sinh diệt biến đổi, giả dối vô chủ.

Ở trên chúng tôi đã giảng qua thân người do nhân duyên hòa hợp gọi là sinh, nhân duyên ly tán gọi là diệt, thân tâm loài hữu tình thay đổi không ngừng, khi này khi khác. Cái ta ngũ uẩn này thực ra là giả dối không thật, không có tự do, không thể tự tại, không có chủ tể (vô chủ).

Đã giảng qua thế gian vô thường quán, tứ đại khổ không quán, ngũ ấm vô ngã quán, sau hết tất nhiên sẽ giảng đến bất tịnh quán, tức câu: Tâm là nguồn ác, thân là rừng tội.

Lương tâm! Lương tâm! Tuy mọi người lớn tiếng kêu gọi làm người phải có lương tâm, nhưng rốt cuộc kẻ thiếu lương tâm vẫn nhan nhản trong xã hội!

Thân phạm tội gian dâm, tay phạm tôi trộm cướp, miệng phạm tội ác khẩu đều do tâm sai sử, tâm làm chủ! Những tội ác đau thương đến cùng cực, như tạt acid phá hủy nhan sắc người mình từng thương yêu; giết hại bạn thân lâu năm rồi phân thây, xóa mất dấu vết…, đều không phải bắt nguồn từ tâm của con người hay sao?

Con người vì lòng ích kỷ cá nhân nên bản tính quang minh bị che mất. Lòng ích kỷ cá nhân quá nặng thì đâu còn kể gì đến đạo nghĩa, nhân tình, chuyện hại người lợi mình nào cũng dám làm cả. Trên đời này, từ việc nhỏ như thị phi, nhân ngã trong gia đình, cho đến việc lớn như đấu tranh trong xã hội và chiến tranh giữa các quốc gia, đều do tâm tự tư tự lợi này mà ra cả.

Xã hội hiện nay đề xướng việc phát minh khoa học, khích lệ sự tiến bộ nghệ thuật, đều không ngoài mục đích đem lại an lạc hạnh phúc cho nhân sinh. Nhưng đây vẫn là biện pháp tương đối, tạm thời, vì khoa học, nghệ thuật không thể hoàn toàn ngăn được nhân loại phạm tội. Vì vậy, sau khoa học và nghệ thuật, phải cần phát dương Phật Pháp là phương pháp trị tận gốc khổ đau, giúp con người khai mở lương tri, chấm dứt nguồn tâm tự tư tạo tội, khiến tâm không còn phan duyên nơi cảnh huyễn. Được như vậy, xã hội sẽ an ninh, thế giới sẽ hòa bình và nhân loại mới được hạnh phúc chân thật!

Cái mà người đời yêu quý nhất là thân thể xinh đẹp, quan tâm nhất là tài sản dồi dào. Nhưng đến phút cuối của cuộc đời, thân thể, tài sản tất cả đều không mang theo được! Khi còn sống, thứ mà người ta ít quan tâm nhất đó là tâm, nhưng đến khi giả biệt cuộc đời, chỉ có nó mới đi theo chúng ta!

Người vì thân bận rộn nhọc nhằn thì nhiều, người vì tâm mà thanh tịnh tu niệm lại ít! Thảo nào thế gian có biết bao nhiêu điều lầm lỗi thiếu sót! Thân thể, tài sản không phải là của chúng ta, tâm mới là ông chủ của mình!

Kinh Hoa Nghiêm nói:

Tâm như họa sĩ khéo
Vẽ thế giới muôn màu
Cảnh ngũ ấm thế gian
Không pháp nào chẳng tạo.

Lại nói:

Nên quán tánh pháp giới
Tất cả do tâm tạo.

Tâm là nguồn ác, nhưng tâm cũng là nguồn thiện! Thiện hay ác chỉ trong một niệm của chúng ta mà thôi. Vì tâm dễ tạo ác, nên thân hữu vi do tâm tạo nghiệp chiêu cảm ra này cũng giống như một thùng rác, chứa đầy đồ nhơ uế! Giả sử đổi ác làm thiện, tuy có thân thể, ngay đó đã thanh tịnh giải thoát.

Ai có thể quán tưởng, phản tỉnh, quán sát những đạo lý trên, thì sẽ lần lần lìa được biển khổ sinh tử! Nên Kinh văn trong phần tiểu kết ở điều giác ngộ thứ nhất nói: Nếu quán sát như thế, lần lần lìa sinh tư.

Ở trên đã giảng qua điều giác ngộ thứ nhất trong Kinh Bát Đại Nhân Giác. Nay tóm yếu nghĩa lý của điều giác ngộ này lại như sau: Người gánh vác sự nghiệp lớn, học Bồ tát đạo, liễu sinh thoát tử, rộng độ chúng sinh, trước hết cần phải giác ngộ: Nhân sinh và vũ trụ vốn vô thường, thế gian nơi đâu cũng bất an chẳng thật. Cái ta do nhân duyên tứ đại, ngũ ấm hòa hợp này chính thật là khổ, không, vô ngã, sinh diệt, biến đổi, giả dối, không có chủ tể. Vọng tâm chấp trước là cội nguồn của tội ác; sắc thân huyễn hiện là nơi chốn của nghiệp tội. Ai có thể hiểu được đạo lý này, thường thường tư duy quán xét, sẽ lần lần thoát khỏi đau khổ, phiền não của sinh tử luân hồi.

Dịch Thơ:

Điều thứ nhất tâm luôn giác biết
Cõi thế gian quả thiệt vô thường
Đổi dời sinh tử tang thương
Cõi nước tuy lớn cũng dường mỏng manh!
Thân tứ đại sinh thành tử hoại
Già bệnh đeo khổ ải, giả không
Hòa hợp năm ấm lửa vòng
Chỉ là ảo ảnh, ngã không thể tìm.
Thế mới biết thế gian hư huyễn
Diệt lại sinh biến chuyển vô thường
Chúng sinh mê đấm chấp nương
Vô ngã chấp ngã vào đường khổ đau.
Tâm là cội nguồn bao nghiệp ác
Thân nghe theo tạo tác tội khiên
Xuống lên sinh tử triền miên
Tội kia đầy dẫy như miền rừng hoang.
Người con Phật phải toan quán sát
Đạo lý này bao quát đường tu
Đó là thiền quán công phu
Dứt mê, chuyển nghiệp, khỏi tù tử sinh.

Điều giác ngộ thứ nhất, được thuyết minh qua biểu đồ ở trang sau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]