Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý Nghĩa Đề Kinh Kim Cang

31/10/201015:49(Xem: 8479)
Ý Nghĩa Đề Kinh Kim Cang

Ý NGHĨA ĐỀ KINH KIM CANG

Thích Tuệ Sỹ

Kinh Kim cang là một trong những bảnkinh quan trọng và sớm nhất trong kinh điển Phật giáo Đại thừa. Ở đây, chúng tasẽ trình bày ý nghĩa của đề kinh Kim cang từ nguyên gốc tiếng Phạn và từđược dịch sang tiếng Hán. Đề kinh Kim cang gồm hai phần. Tên tiếng Phạnlà Vajrachedikā Prajñāpāramitā, trong đó phần đầu là tính từ phẩm định cho từtheo sau. Prajñāpāramitā phiên âm tiếng Hán là Bát-nhã Ba-la-mật-đa, nó có khảnăng cắt chém như kim cang, hay chính xác: như sấm sét (búa thiên lôi).

Hiện nay có hai bản dịch phổ biến:một là Kim cang Bát-nhã ba-la-mật do ngài La-thập dịch sang Hán; hai làKim cang năng đoạn Bát-nhã ba-la-mật đa của Ngài Huyền Trang dịch. Trongđề kinh của ngài La-thập, từ chedika: (sự) cắt chém, bị lược bỏ. Theo đây cóthể hiểu, cắt chém là công dụng của kim cang, không cần đến phẩm định từ, nhưdao để cắt, chỉ cần nói dao là đủ. Tuy nhiên, trong một ý nghĩa khác, sự cắtchém của kim cang cần được lưu ý; và sự lưu ý này sẽ được đề cập sau.

Trước hết, chúng ta giải thích ýnghĩa của từ prañāpāramitā tức Bát-nhã ba-la-mật-đa. Từ Bát-nhãba-la-mật-đa được hiểu theo hai phương diện, phương diện tư tưởng và phươngdiện văn học.

Về phương diện văn học, đó là hệthống kinh điển được phát triển sau khi Phật nhập Niết-bàn. Có thể bắtđầu từ những phiến đoạn kệ tụng, như Bảo đức tạng Bát-nhã (Ratnaguṇa), vốn là thể thơ tiệnlợi cho việc truyền khẩu từ thầy sang trò, phát triển dần theo thời gian và địa lý cho đếnkhi thành một bộ phận văn học rất đồ sộ. Bộ lớn nhất, dài nhất,trước hết phải kể là Bách thiên tụng (Śatasāhasrikā), kế đến là bộ 25,000bài tụng: Nhị vạn ngũ thiên tụng (Pañcaviṃśatikā), rồi bộ Bát thiên tụng (Aṣṭasāhasrikā). Đó là babộ chính đồ sộ, tập hợp thành một đại tòng thơ, trong đó ngài HuyềnTrang dịch Hán gồm 600 quyển, hình thành bộ Bát-nhã đồ sộ nhất trongvăn học Phật giáo.

Trong nền văn học Đại thừa, khinói đến Bát-nhã ba-la-mật-đa là nói đến bộ tòng thơ vĩ đại này. Với kíchthước dài tương đương 600 quyển bản Hán, vì quá dài, nên nhu cầu khi truyềntụng cần phải ngắn gọn lại cho phù hợp dung lượng của ký ức, và cũng cầncó hệ thống cô đọng cho vừa tầm bắt nắm của tư tưởng. Chúng ta có, chẳng hạnnhư Văn-thù Bát-nhã gồm 700 tụng (Saptaśatikā: Mañjuśrīparivartā), đến Kimcang chỉ còn 300 tụng (Triṃśatikā),rồi đến Tâm Kinh (Hṛdayasūtra)thì ngắn gọn vô cùng.

Nội dung giáo nghĩa được phô diễnrõ ràng trong kinh Kim cang. Ở đây, chúng ta tóm tắt đại ý của Tâm kinh để cókhái niệm cơ bản về ý nghĩa thực tiễn của Bát-nhã Ba-la-mật. Tâm kinh, như đượcgiới thiệu bởi chính kinh văn, tiếng Phạn gọi là mantra, nghĩa đen là “công cụtư duy”, Hán dịch thông dụng là “thần chú”. Bát-nhã Ba-la-mật cũng được gọi làmahāvidyā: nền minh triết phổ quát, bao trùm tất cả, được cô đọng và hàm chứatrong đây; mà Hán dịch là “đại minh chú.” Theo ý nghĩa này, kinh văn chỉ nêu rahàng loạt phủ định, và kết thúc bằng câu gate gate paragate parasaṅgate bodhi svāha. Ngữđiệu của câu thần chú này chính là công cụ hướng dẫn tư duy vượt qua những bế tắctư tưởng, mà đó cũng chính là những bế tắc trong đời sống thường nhật, và nhờđó mà vượt qua những tai họa hiểm nghèo.

Nay nói qua về tư tưởngBát-nhã. Bát-nhã hay prajñā, là trí tuệ, là nhận thức phán đoán các giátrị, theo các cấp từ thường nghiệm cho đến siêu nghiệm. Bình tĩnh và sáng suốt,đó là định và tuệ trong nhận thức thường nghiệm. Trong Phật học, đó là phầnthứ ba của quá trình tu tập hay phát triển; chúng ta có Giới-Định-Tuệ. Nhậnthức đạt được do quá trình phát triển giới và định là năng lực rọi sáng bản chấtcủa tồn tại. Như Tâm kinh nói: “Chiếu kiến năm uẩn đều không, vượt qua mọi áchnạn.” Trong các loại định, để hỗ trợ cho trí tuệ soi thấu bản chất chân thực củatồn tại, xóa tan bức màn vô minh, đập vỡ lớp vỏ tự ngã, định này được gọi làKim cang dụ định (vajropama-samādhi), vì kiên cố như kim cang, hay khả năng cắtchém như uy lực của sấm sét.

Ba-la-mật-đa, tiếng Phạn pāramitā,Hán dịch là đáo bỉ ngạn: đến bờ bên kia; hoặc cũng dịch là chí cực, nghĩalà, hoàn hảo hay toàn thiện tuyệt đối. Tại sao là hoàn hảo? Có hai nghĩa.Thứ nhất là sự đạt đến mức toàn thiện. Theo nghĩa này, Hán dịch làđáo bỉ ngạn, qua đến bờ bên kia, là bờ giải thoát sanh tử, bằng trítuệ bát-nhã. Nghĩa thứ hai là sự hoàn hảo của trí tuệ bát-nhã,tức là đạt đến nhận thức chân thật tuyệt đối. Đó là sự hợp nhấthoàn hảo của bi và trí.

Kinh Kim cang thuộc về văn họcBát-nhã, trong kinh điển Đại thừa, giáo nghĩa của kinh được giảng cho cáchàng Bồ-tát. Không giống các kinh điển Đại thừa khác, vị chủ giảng phần nhiềulà các Bồ-tát thuộc hàng Pháp thân Đại sĩ; trong các kinh điển thuộc văn họcBát-nhã sơ kỳ, giáo nghĩa trong đây được diễn giải bởi các Thanh văn, các Đại đệtử, cho các hàng Bồ-tát, bao gồm loài người và loài trời. Điều này rất có ýnghĩa, theo đó kinh điển Bát-nhã chứa đựng các giáo nghĩa mở rộng cho hàng đệ tửtại gia.

Văn học Bát-nhã là một phầncủa nền văn học nguyên thủy hơn, đó là văn học Jātaka mà nội dung chuyểntải sự thực hành các ba-la-mật của Bồ-tát. Đó là những câu chuyện tiền thâncủa đức Phật, trong nhiều kiếp do chứng kiến những thống khổ của chúng màphát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo.

Từ sau Phật nhập Niết-bànkhoảng 100 năm trở đi, giáo pháp của Ngài được truyền bá rộng rãivào quần chúng, trong một giai đoạn mà người dân thích nghe đạo đượckể bằng câu chuyện. Các vị Tỳ-kheo hoằng pháp đã khéo léo đưa nội dunggiáo lý vốn cao siêu vào trong những sinh hoạt thường nhật, tập thành những mẫuchuyện Jātaka, tiền thân của đức Phật, một nhân cách tuyệt vời với những phẩmtính cao thượng như từ bi, trí tuệ, kham nhẫn, tinh tấn; luôn luôn sống và hànhđộng vì an lạc của mọi loài chúng sinh.

Những phẩm tính ấy là những thiệncăn công đức được tích lũy nhiều đời nhiều kiếp để cứu cánh thành tựu chánhgiác. Trong truyền thống phương Bắc, các phẩm tính ấy là sáu ba-la-mật. Trongtruyền thống phương Nam, trong kinh tạng Pāli, các phẩm tính ấy là mười ba-la-mật.

Tuy cả hai truyền thống đều bắt đầubằng Bố thí ba-la-mật (P. dāna-pāramī), nhưng Phật giáo phương Nam thiên trọngvề xuất ly hay xuất gia (P. nekkhamma-pāramī); trong khi truyền thống phương Bắclấy Bố thí ba-la-mật làm nền tảng từ đó phát triển lên thành các ba-la-mậtkhác. Trong các truyện tiền thân Bắc truyền, Bồ-tát luôn luôn hiện thân làm cưsỹ tại gia. Hành bố thí là phước nghiệp sự của người tại gia được đức Phật giảngdạy nhiều nơi trong các kinh điển A-hàm hay Nikāya. Mặc dù trong hệ kinh điểnnày đức Phật cũng kể nhiều chuyện tiền thân của chính Ngài, đã nhiều lần xuấtgia tu đạo, nhưng sự hành đạo khi ấy chưa đạt đến cứu cánh. Bố thí là một phầntrong pháp môn Lục niệm được dạy cho Phật tử tại gia. Người xuất gia không đượcphép có tư hữu, vì vậy không có phương tiện để hành bố thí như người tại gia.

Vả lại, trong giáo nghĩa sơ kỳ,việc bố thí chỉ mang lại phước cho đời sau chứ không giúp cho việcgiải thoát sinh tử. Tuy nhiên, theo Đại thừa, chính bố thí dẫn đếngiải thoát và có thể đến Đại Bồ-đề.

Từ truyện kể về tiền thân củađức Phật, qua đó để thành tựu Phật quả cần phải thành tựu sáuba-la-mật, văn học Jātaka được mở rộng đã trở thành nội dung thực tiễn củagiáo nghĩa Bát-nhã. Nhưng làm thế nào để thành tựu Bát-nhã nầy? Sựdiễn giải đã kéo dài với dung lượng tương đương 600 quyển Hán, năm nầytháng kia, thời nầy sang thời khác,dần dà được thu ngắn lại cho gọn trong vài trăm chữ để dễ thực hành,cuối cùng mấy trăm chữ nầy dồn lại còn một dòng: gate gate paragateparasaṅgatebodhi svāha.

Nói tóm lại, ba-la-mật là đáobỉ ngạn hay chí cực. Một từ Phạn với hai từ Hán dịch khác nhau, đây là do nhậnthức khác nhau về ngữ pháp cấu tạo từ. Chúng ta không đề cập vấn đề ngữ pháp Phạnở đây.

Pāramitā, theo nghĩa chí cực, làsự thực hành đạt đến mức tối thượng, tuyệt đối. Người tu tập cần phảithành tựu viên mãn sáu đức tính tuyệt đối, bắt đầu với bố thí như là sựthể hiện thực tiễn của từ bi; trên cơ sở đó tu tập và phát triển lần lượt chođến sau cùng là trí tuệ. Bi và trí song hành với nhau để tiến đếngiải thoát. Vì thế văn học đồ sộ của Bát-nhã được đúc kết lại, vừanghĩa vừa văn, thích hợp cho một hạng căn cơ nhất định để hiểu và hành; đó làkinh Kim cang.

Tiếng Phạn vajra, phổ thông dịch làkim cang, đó chỉ mới nhấn mạnh đến tính chất cứng rắn nhưng chưa nói hết uylực của nó như sấm sét. Vajra cũng được dịch là kim cang xử: chày kim cang.Trong huyền thoại Ấn Độ, kim cang xử là vũ khí của Indra tức là ThiênĐế Thích.

Khởi thủy, tổ tiên người Ấn đượcnói là người A-lị-nhã cư trú trong vùng biển Caspina, phía Bắc Iraq ngày nay.Theo dòng lịch sử, họ lần hồi tràn xuống phía Nam, ngang qua Iraq; một bộ phậntiến về phía Tây; bộ phận khác tiến về phía Đông, cuối cùng định cư trong lưu vựcNgũ Hà, Ấn Độ. Hệ thống các thần linh và vũ trụ luận cũng biến thiên theo bướcchân của người A-lị-nhã. Với sự định cư và sự phát triển của nông nghiệp, thầnIndra trong số vạn thần cổ đại dần chiếm vai trò quan trọng, trở thành Chúa tểcủa chư thiên. Cái chày kim cang hay kim cang xử trong tay là vũ khí lợi hại đểdiệt trừ ma quỷ, bảo vệ hạ giới. Đến thời đức Phật, thần Indra bị thaythế bởi thần Brahmā, khi câu hỏi về nguồn gốc thế giới được nêu lên. Tuynhiên, trong kinh Phật, thần Indra vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự quảnlãnh các thiên thần, bảo vệ hạ giới, và ông được gọi là Thiên Đế Thích: vua củachư thiên, có họ là Thích-ca; nói theo tiếng Phạn: śakro devānām indraḥ, cũng thường phiên âmlà Thích Đề-hoàn Nhân. Khi Phật xuất hiện, ông cùng chư thiên thuộc hạ trởthành các vị hộ pháp.

Từ vajra mang ý nghĩa là lưỡitầm sét, hay kim cang xử, xuất hiện nhiều đoạn trong kinh văn nguyênthủy như các A-hàm, Nikāya. Trong đó,vajra là vũ khí bảo vệ chân lý được cụ thể hóa qua thần Vajrapāṇi, Kim Cang Thủ. Kimcang được dùng để ví dụ cho loại định kiên cố, gọi là kim cang dụ định, có uy lựcdiệt trừ ngã chấp và vi tế vô minh để chứng đắc quả A-la-hán, hay Chánh đẳnggiác. Kim cang dụ định nầy cũng chính là Kim cang Bát-nhã.

Kinh nói, Bồ-tát hành đạo, để đạt đếncứu cánh, cần phải loại trừ ý niệm về tự ngã. Nhưng tự ngã ấy bị bọc trong lớpvỏ vô minh, trừ phi có định lực kim cang và trí tuệ như kim cang mới loại trừđược nó.

Tôi là ai? Ta là cái gì? Ta tồn tạihay không tồn tại? Câu hỏi ấy đã là sự thách thức các hệ thống tư duy triết họcvà tôn giáo Ấn Độ. Không có câu trả lời thỏa đáng, hóa ra đời sống này chỉ là mộttrường túy sinh mộng tử: sống như người say rượu, không biết sống để làm gì; vàchết như người đang chiêm bao, không biết tại sao chết, từ đâu đến và đi vềđâu.

Trong các kinh điển nguyên thủy, đứcPhật không đưa ra một câu trả lời xác định. Thế nhưng, điều được tin tưởng là tấtcả giáo pháp của Phật đều hướng đến diệt trừ tự ngã. Tôi đang tồn tại, đó là mộthiện thực, đồng thời cũng là một ảo ảnh. Đau khổ là sự thực. Cái tôi đang đaukhổ ấy lại là ảo ảnh. Cái ta ảo ảnh được bọc trong vỏ trứng vô minh, nó được địnhhình bằng vọng tưởng thành thân thể ta, linh hồn ta, sở hữu của ta, tài sản củata, cho đến núi sông này là của ta, tài sản này là của ta, ta là tài sản này;sông núi này là của ta, ta là sông núi này. Cho nên, khi tán gia bại sản, khisông núi sụp đổ, cái ta vọng tưởng cũng sụp đổ, cho nên có kẻ trầm mình xuốngsông, hoặc treo cổ trên cành. Vì thế, khi nghe nói cái ta này là ảo ảnh, làkhông thực; người nghe có thể kinh hoàng, như nghe sét đánh ngang tai. Tiếngsét đó là từ Kim cang bát-nhã. Duy có điều, mọi người đều mù, chỉ thấy bóng tối;mọi người đều điếc, chỉ nghe tiếng vo ve. Làm sao có thể thấy cái ta chỉ là ảo ảnh?Làm sao nghe được tiếng sấm từ kinh Kim cang?

Với những ai có mắt để thấy, có taiđể nghe, kinh Kim cang sẽ chỉ đường để đối diện với ảo ảnh của cái tôi, và chỉcách vận dụng kim cang xử đập vỡ vỏ trứng vô minh bao bọc tự ngã.

Theo tập san Pháp Luân 58

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]