Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Thủ Lăng Nghiêm (HT Tuyên Hóa giảng thuật)

20/01/202417:50(Xem: 5864)
Kinh Thủ Lăng Nghiêm (HT Tuyên Hóa giảng thuật)


kinh thu lang nghiem-ht tuyen hoa-01
KINH  ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT NHƠN 
TU CHỨNG LIỄU NGHĨA  CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH  THỦ LĂNG NGHIÊM
Sa-môn Bát-thích Mật-đế người Trung Thiên Trúc dịch vào đời Đường.
Sa-môn Di-già Thích-ca, người nước Ô Trành dịch ngữ. Sa-môn Hoài Địch, chùa Nam Lâu, núi La Phù, chứng minh bản dịch.
Đệ tử Phòng Dung, thọ Bồ-tát giới, hiệu Thanh Hà,  chức Tiền Chánh Nghị Đại Phu đồng Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự bút thọ (nhuận bút). 
TUYÊN HÓA Thượng Nhân,  Vạn Phật Thánh Thành, Bắc Mỹ châu (Hoa Kỳ) lược giảng.
Đệ tử thọ Bồ-tát giới Phương Quả Ngộ ghi chép.
Tỳ Kheo Thích Nhuận Châu, Tịnh Thất Từ Nghiêm Đại Tòng Lâm dịch 

***




Trích “Giải Thích Tổng Quát Đề Kinh”:

“Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhơn Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ-tát Vạn Hạnh Thủ-lăng-nghiêm” là tên của bộ kinh này. ĐẠI nghĩa là to lớn. Đề cập đến bốn khía cạnh lớn lao của kinh:

1-Nguyên nhân (nhân)
2- Nghĩa lý (lý).
3- Tu tập hành trì (hạnh).
4 - Kết quả (quả).

Nguyên nhân lớn lao chính là mật nhân. Nhân này hoàn toàn khác với những nguyên nhân bình thường mà hàng phàm phu không thể nào hiểu được, hàng ngoại đạo không thể nào hiểu được, và hàng Nhị thừa, Thanh văn, Duyên giác chưa giác ngộ được. Cho nên nguyên nhân ra đời của bộ kinh này rất lớn. Nghĩa lý siêu việt của kinh to lớn chính là liễu nghĩa. Đây là chỗ rốt ráo của người tu đạo, dẫn đến sự chứng ngộ. Hạnh tu tập to lớn vì bao gồm vô số công hạnh của hàng bồ-tát. Kết quả to lớn là đại định Thủ-lăng-nghiêm, Do bốn phương diện này nên đề kinh được mở đầu bằng tiếng Hán là Đại; nghĩa là to lớn, siêu việt.

PHẬT: tiếng Phạn là Buddha. Phiên âm sang tiếng Trung Hoa là Phật-đà-da, gọi tắt là Phật. Nhiều người cứ nghĩ rằng chữ Phật là tiếng Hán chuyển ngữ, phát xuất từ chữ Buddha, nhưng thực ra đó chỉ là âm đầu của toàn bộ tiếng phiên âm từ chữ Buddha mà thôi. Buddha nghĩa là giác ngộ, tỉnh thức. Có ba hình thức giác ngộ: tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Đức Phật là người tự mình giác ngộ. Trạng thái giác ngộ ấy khác xa với trạng thái hiện thời của người phàm phu, là kẻ chưa được giác ngộ. Tự mình giác ngộ chưa đủ, mà còn phải giúp cho kẻ khác được giác ngộ. Việc giác ngộ người khác có nghĩa là tìm một phương pháp để giúp cho họ được giác ngộ.

Giữa tự giác và giúp cho người khác được giác ngộ phải trải qua rất nhiều giai đoạn và có nhiều trình độ khác nhau. Giác ngộ có hai trường hợp: đại ngộ và tiểu ngộ. Tiểu ngộ là giác ngộ chưa được hoàn toàn. Đại ngộ là giác ngộ hoàn toàn. Đức Phật đã tự tu tập và giác ngộ hoàn toàn và Ngài còn giúp cho người khác được giác ngộ. Đức Phật là người đã có đầy đủ ba phương diện giác ngộ nên Ngài được gọi là người có vạn đức trang nghiêm.
“Tam giác viên, vạn đức bị.”

(Khi ba phương diện giác ngộ đã được viên mãn thì có đầy đủ muôn vạn công đức trang nghiêm, nên được gọi là Phật).

Có người tự hỏi tại sao ta lại tin vào Đức Phật. Do vì chính chúng ta xưa nay vốn là phật rồi. Chẳng qua hiện nay chúng ta bị mê mờ, không thể chứng được quả vị Phật. Do đâu mà nói chúng sinh xưa nay vốn là phật? Chính là do Đức Phật đã từng nói: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh.. nhưng chỉ do vọng tưởng, chấp trước nên không thể chứng đắc được”. Vọng tưởng đã đưa con người chúng ta từ Đông sang Tây, rồi đưa từ Nam sang Bắc; đưa ta từ dưới đất lên trên trời; vọng tưởng ấy bỗng chốc đưa ta lên thiên đàng, bỗng chốc đưa ta xuống địa ngục. Nó đưa ta đến những nơi bất khả tư nghĩ và không thể suy lường được. Quý vị có biết mình có khởi lên bao nhiêu vọng tưởng trong một ngày không? Nếu quý vị biết thì mình trở thành bồ-tát. Còn nếu không biết thì mình vẫn là phàm phu.

Con người trở nên chấp trước vào sự sở hữu, thường xuyên lập nên sự phân biệt về “tôi” và “cái của tôi.” Họ không thể dẹp sang một bên sự sở hữu những của cải vật chất hay sự hưởng thụ thú vui tinh thần. “Đó là máy bay của tôi”, “Đây là chiếc xe của tôi, bạn biết không nó thuộc về model mới nhất.” Bất luận khi người ta sở hữu một vật gì, thì đều bị dính mắc vào vật ấy. Đàn ông có sự dính mắc của đàn ông, phụ nữ có sự chấp trước của phụ nữ. Người lương thiện có sự chấp trước của người lương thiện. Kẻ xấu ác có sự chìm đắm của kẻ xấu ác.

Bất luận những chấp trước ấy thuộc loại gì người ta cũng khó lòng xả bỏ được nó. Họ chiếm đoạt rồi níu giữ, kiến trì bám riết lấy nó. Càng lúc càng trở nên cố chấp hơn. Tiến trình này vô tận vô biên. Những khoái lạc như thức ăn ngon, nhà cửa tiện nghi, những món giải trí hấp dẫn và những thứ thường được xem như là lợi nhuận. Những thứ này không bền vững trường cửu như nó đang hiện hữu. Mặc dù quý vị chưa nhận ra điều ấy. Nhưng đó chỉ là sự tham đắm dục lạc làm chướng ngại việc chứng đạt Phật tánh của quý vị mà thôi. Nên Đức Phật đã dạy: “Chỉ vì vọng tưởng, chấp trước mà chúng sinh không thể nhận ra được Phật tánh”.

Trong kinh Thủ-lăng-nghiêm, Đức Phật dạy: “Cuồng tâm đốn yết, yết tức bồ-đề”. Nghĩa là: “Khi tâm cuồng chợt dừng hẳn thì ngay lúc ấy là giác ngộ”. Tâm cuồng được giải thích là tâm ích kỷ giả dối, là tâm ưa thích địa vị trong xã hội, là tâm đầy dẫy những hy vọng hão huyền vô ích, là tâm khinh thường người khác nên không nhìn thấy được những thành quả và sự thông minh của họ. Ngay cả như có người được xem tương tự như loài bát quái cũng sẽ tự cho mình là đẹp lắm. Nên những loại cố chấp lớn lao này sẽ không sinh khởi nữa khi tâm cuồng si kia dừng hẳn. Chỗ dừng đó chính là bồ-đề. Bồ-đề là gì? Là giác ngộ được đạo, là khai ngộ. Từ đây, việc thành Phật không còn xa nữa. Nếu quý vị có thể làm cho tâm cuồng của mình dừng bặt, nghĩa là quý vị đã có công phu rất tốt rồi…










 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]