Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Nói Kinh Con Người Do Dục Sanh

05/04/201315:01(Xem: 7742)
Phật Nói Kinh Con Người Do Dục Sanh

Phật Nói Kinh Con Người Do Dục Sanh

Việt dịch: Thích Chánh Lạc và Tâm Hạnh

Nguồn: Hán dịch: Đời Hậu Hán, Sa Môn An Thế Cao, người nước An Tức

Nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại nước Câu Loại, ở vùng Pháp Trị của nước Câu Loại. Bấy giờ Hiền giả A Nan một mình tĩnh tọa ở một nơi thanh vắng, khởi lên ý nghĩ như vầy: “Thật chưa từng có! Chính ý này là nguồn gốc của sự vi diệu, sanh tử cũng vi diệu, nhưng trong sự vi diệu ấy lại phân minh dễ thấy”.

Rồi hiền giả A Nan, đêm đã qua, liền đến chỗ đức Phật, đến rồi lạy dưới chân Ngài, đứng qua một bên và bạch rằng:

–Bạch Thế Tôn, con ở một mình tại nơi thanh vắng tĩnh tọa, khởi lên ý nghĩ như vầy: Thật chưa từng có! Chính ý này là nguồn gốc của sự vi diệu, sanh tử cũng vi diệu, nhưng trong sự vi diệu ấy lại phân minh dễ thấy.

Đức Phật bảo:

–Này A Nan, chớ có nói nó là phân minh dễ biết dễ thấy. Nó rất sâu xa vi diệu. Này A Nan, từ gốc hữu mà có sanh tử. Này A Nan, đối với nguồn gốc của nhân duyên sanh tử này, nếu không biết, không thấy, không hiểu, không thọ trì, mới khiến cho thế gian, rối loạn như khung cửi, huyên náo qua lại, từ đời này qua đời sau, từ đời sau đến đời này, chịu khổ ở thế gian, khiến cho họ không thể lìa khỏi thế gian. Nhân duyên như vậy, này A Nan, nên biết là thâm sâu vi diệu, và rõ biết về nguồn gốc của sanh tử cũng rất vi diệu.

Nếu hỏi: –Có nhân duyên của lão tử không?

Hỏi như vậy, nên đáp: - Có nhân duyên.

- Này A Nan, nhân duyên của lão tử là gì ?

Nên đáp:- Đó là sanh.

Nếu hỏi: - Sanh có nhân duyên không?

Hỏi vậy liền đáp: - Có nhân duyên.

- Nhân duyên của sanh là gì?

-Vì có hữu nên có sanh.

Nếu hỏi: - Hữu có nhân duyên không?

Liền đáp: - Hữu có nhân duyên.

- Nhân duyên của hữu là gì ?

Đáp rằng: - Thọ là nhân duyên của hữu.

Nếu hỏi: - Có nhân duyên của thọ không?

Liền đáp: - Có nhân duyên của thọ.

- Nhân duyên của thọ là gì ?

Đáp rằng: - Tìm cầu ái là nhân duyên của thọ.

Như vậy, này A Nan, từ tìm cầu ái nhân duyên có thọ, từ thọ nhân duyên có hữu, từ hữu nhân duyên có sanh, từ sanh nhân duyên có lão tử, ưu bi khổ, không vừa ý, áo não sanh ra. Như vậy là đầy đủ khối khổ ấm to lớn, từ đó tập khởi.

Này A Nan, sanh nhân duyên là lão tử, cho nên nói rằng:

–Do cái này có nên cái kia có, này A Nan, từ đó rõ ràng, sanh nhân duyên là lão tử.

Này A Nan, nếu không có sanh cũng không có các chủng loại như cá và loài cá, chim và loài chim, muỗi và loài muỗi, rồng và loài rồng, thần và loài thần, quỷ và loài quỷ, người và loài người, các thứ chủng loại. Nếu như không có cái Hữu, cũng sẽ không có cái Sanh. Này A Nan, tất cả đều không có Sanh, vậy có Lão Tử không?

A Nan bạch đức Phật: -Thưa không.

Đức Phật liền bảo tôn giả A Nan:

–Từ nhân duyên ấy nên biết, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ nhân duyên của Lão tử là Sanh. Này A Nan, nhân duyên của Sanh là Lão tử.

Nếu hỏi: - Sanh có nhân duyên không?

Nên đáp: - Sanh có nhân duyên.

- Nhân duyên của Sanh là gì ?

Nên đáp: - Nhân duyên của Sanh là Hữu.

Này A Nan, từ nhân duyên này mà biết, mạng sống từ đó mà có, nhân duyên của Hữu là Sanh. Này A Nan, nếu nhân duyên của Hữu mà không có làm gì có chủng loại như cá và loài cá, chim và loài chim, muỗi và loài muỗi, rồng và loài rồng, thần và loài thần, quỷ và loài quỷ, người và loài người, các thứ chủng loại. Vậy nên có Hữu hay không có Hữu? Nếu không có Hữu là không có gì hết. Này A Nan, tất cả đều không có Hữu, vậy có Sanh chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Cho nên, này A Nan, từ đó phát sanh, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ đó làm nhân duyên, Sanh nhờ Hữu mà có. Này A Nan, nhân duyên của Hữu là Sanh.

Nếu hỏi: - Có nhân duyên của Hữu không?

Nên đáp: - Có.

-Cái gì là nhân duyên của Hữu?

Nên đáp: -Thọ là nhân duyên của Hữu. Như vậy rõ ràng nhân duyên của Thọ là Hữu. Này A Nan, giả sử nhân duyên của Thọ mà không có, cũng không có Thọ Hữu. Này A Nan, tất cả không có Thọ, vậy có Hữu chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Này A Nan, như vậy từ đó phát sanh, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ nhân duyên này khiến cho có Thọ. Này A Nan, nhân duyên của Thọ là Hữu. Này A Nan, nhân duyên của Hữu là Thọ. Nhân duyên của Hữu, này A Nan, chính là Thọ. Vấn đáp như vậy. Do nhân duyên gì có Thọ?

Nên đáp:

-Ái làm nhân duyên cho Thọ. Này A Nan, từ nhân duyên này nên biết, nhân duyên của Ái là Thọ. Này A Nan, nếu không có Ái thì cũng không có Thọ, cũng không có cái đang Thọ. Này A Nan, tất cả nếu không có Ái vậy có Thọ chăng? Có cái danh từ Thọ chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Như vậy, này A Nan, từ đó phát sanh, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ nhân duyên này, nhân duyên của Ái là Thọ. Này A Nan, nhân duyên của Ái chính là Thọ. Như vậy, này A Nan, do nhân duyên Ái mà có mong cầu, do nhân duyên cầu mà có lợi, do nhân duyên lợi mà có mưu kế, do nhân duyên mưu kế mà có lạc dục, do nhân duyên lạc dục mà có cầu mong, có nhân duyên Ái ở trước mới không muốn xả bỏ, keo kiết, vì nhân duyên không xả bỏ, keo kiết mới có gia đình, vì nhân duyên có gia đình mới có bảo thủ, do thủ làm căn bản, này A Nan, liền có dao gậy, vì có dao gậy liền có tranh giành, ngôn ngữ trên dưới, lừa dối, xâm đoạt, nhiều lời hai lưỡi, lắm điều sai trái, đưa đến toàn pháp tệ ác.

Này A Nan, nếu từ gốc đã không có, thì cũng không có cái để ôm giữ, cũng không có ôm giữ. Này A Nan, tất cả đều không có ôm giữ, thì có dao gậy, vì có dao gậy liền có tranh giành, ngôn ngữ trên dưới, lừa dối, xâm đoạt, nhiều lời hai lưỡi, lắm điều sai trái, đưa đến toàn pháp tệ ác đó không?

A Nan thưa: - Dạ không.

Như vậy, này A Nan, từ đó phát sanh, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ nhân duyên đó mà liền có dao gậy, vì có dao gậy liền có tranh giành, ngôn ngữ trên dưới, lừa dối, xâm đoạt, nhiều lời hai lưỡi, lắm điều sai trái, đưa đến toàn pháp tệ ác. Vì thế cho nên, này A Nan từ sự ôm giữ liền có đao gậy, tranh giành, ngôn ngữ trên dưới, lừa dối, xâm đoạt, nhiều lời hai lưỡi, lắm điều sai trái, đưa đến toàn pháp tệ ác Như vậy, chỉ toàn là khổ, từ ngũ ấm tập khởi tạo ra.

Do nhân duyên gia đình mà có ôm giữ cho nên mới nói như vậy, theo đó mà biết, này A Nan, do nhân duyên gia đình nên có ôm giữ. Nếu không có nhân duyên gia đình liền không có Thọ, vậy nhân duyên gì mà có gia đình? Tất cả nhân duyên gia đình đã không có, vậy có gia đình, có dao gậy, tranh giành, ngôn ngữ trên dưới, lừa dối, xâm đoạt, nhiều lời hai lưỡi, nhiều sự sai trái đưa đến toàn pháp tệ ác chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Như vậy, này A Nan, từ đó phát sanh, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ nhân duyên đó khiến cho có ôm giữ. Vì có ôm giữ cho nên mới có gia đình, này A Nan, khiến cho có ôm giữ, vì do nhân duyên khó xả bỏ, tham lam mới có gia đình. Do nhân duyên này mới có như vậy, phải theo nhân duyên này mà biết. Này A Nan, vì nhân duyên khó xả tham lam nên có gia đình. Này A Nan, nếu sự khó xả bỏ, tham lam mà không có, cũng không có thọ, đã không có thọ, vậy có tham lam khó xả bỏ chăng? Này A Nan, tất cả tham lam khó xả bỏ đã không có vậy có gia đình chăng?

A Nan bạch Phật rằng: - Dạ không có.

Như vậy, này A Nan, từ đó phát sanh, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ nhân duyên này mà khiến cho có gia đình, tham lam, khó xả bỏ, cho nên này A Nan, khiến cho có gia đình. Do nhân duyên thọ ở trước, này A Nan, khiến cho có tham lam, khó xả bỏ cho nên mới nói như vậy, cũng do nhân duyên này mà có cái này? Như vậy, nên từ nhân duyên này, này A Nan, có thể hiểu, từ đó phát sanh ra thọ, do thọ này mà tham lam khó xả. Này A Nan, nếu sự phát sanh ra thọ mà không có, thì đâu có thọ, cũng do nhân duyên gì mà có Thọ ở trước? Tất cả, này A Nan, không có phát sanh ra Thọ, vậy có sự tham lam khó xả bỏ chăng?

A Nan bạch Phật: - Dạ không.

Như vậy, này A Nan, từ đó phát sanh, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ nhân duyên này khiến cho có tham lam, khó xả bỏ, phát sanh ra chấp thọ, đồng thời cũng phát sanh ra nhân duyên hữu. Cho nên, này A Nan, do Thọ nên có tham lam, khó xả bỏ. Này A Nan, do nhân duyên dục tham, khiến cho hữu phát sanh cho nên mới nói như vậy, này A Nan, nên từ nhân duyên này mà biết, từ nhân duyên dục tham khiến cho phát sanh. Này A Nan, nếu dục tham không có, đã không có nhân duyên, vậy nhân duyên nào sẽ có dục tham? Này A Nan, tất cả dục tham đã không có, vậy có hữu phát sanh chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Như vậy, này A Nan, từ đó phát sanh, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ nhân duyên này khiến phát sanh có tham dục. Cho nên, này A Nan, từ dục tham khiến cho hữu phát sanh, từ phát sanh khiến có dục tham cho nên mới nói nên theo nhân duyên này mà biết, từ phát sanh khiến có dục tham. Này A Nan, nếu không có hữu phát sanh, cũng không có phát sanh tất cả. Này A Nan, tất cả không có phát sanh vậy có tham dục chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Như vậy, này A Nan, từ đó mà có, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, do nhân duyên này, tham dục làm hữu, phát sanh nhân duyên khiến có tham dục. Từ lợi, này A Nan, khiến cho phát sanh, từ đó mà nói, phải nên từ nhân duyên đó mà biết, vì do nhân duyên lợi khiến cho phát sanh. Này A Nan, nếu không có lợi, cũng không có cầu, do nhân duyên gì mà có cầu? Này A Nan, tất cả đã không có lợi vậy có phát sanh chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Như vậy, này A Nan, từ đó mà có, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ nhân duyên này cho nên phát sanh tài lợi, do lợi nên phát sanh cầu, từ nhân duyên cầu cho nên khiến cho có lợi, cho nên nói là từ nhân duyên nên biết, từ nhân duyên cầu khiến cho có lợi. Này A Nan, tất cả đã không có cầu, vậy thấy lợi chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Này A Nan! Như vậy, từ đó mà có, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ nhân duyên đó mà có lợi, mà có tìm cầu. Này A Nan, vì có tìm cầu cho nên khiến cho có lợi, do ái nên khiến cho có tìm cầu. Cho nên nói, theo đó mà biết, khiến cho có ái cầu. Này A Nan, nếu không có ái cũng không có tìm cầu, cũng không có nhân duyên cầu, cũng không có ái. Này A Nan, tất cả ái không có, vậy có tìm cầu chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Như vậy, này A Nan, từ đó mà có, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ nhân duyên đó mà có ái, vì có ái cho nên khiến cho có tìm cầu, vì có tìm cầu cho nên khiến cho có ái. Này A Nan, dục ái cũng như hữu ái, cả hai đều là tướng tham của thống (thọ). Có thống làm nhân duyên, này A Nan, vậy có hữu không?

Nếu hỏi vậy, liền đáp: -Có.

-Cái gì làm nhân duyên của Hữu?

Đáp: -Cánh (xúc) là nhân duyên của Hữu. Từ nhân duyên đó, này A Nan, cũng nên biết Cánh (xúc) nhân duyên là Thống (thọ). Này A Nan, nếu mắt không tiếp xúc, cũng không có cái đang tiếp xúc, thì mắt không thể tiếp xúc được. Này A Nan, tất cả mắt đã không tiếp xúc, vậy có mắt tiếp xúc không? Cũng có sự kiện mắt làm nhân duyên để phát sanh không? Là lạc, là khổ, cũng không lạc, không khổ chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Như vậy, này A Nan, từ đó mà có, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ nhân duyên đó khiến cho con mắt Cánh Thống (xúc thọ). Này A Nan, con mắt nhân duyên Cánh (xúc), khiến cho con mắt biết Thống; lỗ tai, mũi, lưỡi, thân cũng như vậy. Tâm không Cánh (xúc), này A Nan, cũng không có cái đang Cánh (xúc), cũng không có Cánh nhân duyên khiến cho tâm Cánh. Tất cả, này A Nan, tâm không có cánh, vậy nên có cái tâm cánh vào nhân duyên khiến cho có Thống chăng? Khiến cho có khổ chăng? Khiến cho có không khổ, không lạc chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Như vậy, này A Nan, đó là Hữu, đó là căn bản, đó là tập khởi, đó là nhân duyên Thống (thọ) khiến cho có Cánh (xúc). Này A Nan, tâm cánh nhân duyên khiến cho có Thống.

Nếu hỏi: –Có nhân duyên Cánh không?

Đáp là: –Có.

-Những gì là nhân duyên của cánh?

Đáp là: -Nhân duyên danh tự (danh sắc).

Này A Nan, theo đó có thể biết khiến cho từ nhân duyên của danh tự là Cánh. Nếu theo chỗ đó mà có, cũng theo chỗ mà thọ, khiến cho Danh thân hợp lại mà hữu. Này A Nan, nếu tùy theo chỗ mà thọ có, cũng tùy theo chỗ mà thọ không có, vậy có cánh có danh tự (danh sắc) chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Này A Nan, nếu theo chỗ mà có, cũng theo chỗ thọ mà không có, khiến cho danh thân có hay không? Vậy nên có đối cánh không?

A Nan thưa: - Dạ không.

Này A Nan, tất cả danh tự cũng như sắc thân không có, vậy có cánh chăng? Vậy từ đó mà có cánh chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Như vậy, này A Nan, từ đó phát sanh, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ đó làm nhân duyên, từ đó cánh này khiến cho có danh tự. Này A Nan, nhân duyên danh tự khiến cho có cánh. Này A Nan, giả sử hỏi:

–Có nhân duyên danh tự này chăng?

Liền đáp: -Có.

-Nhân duyên của danh tự là gì ?

-Đó là nhân duyên thức. Từ nhân duyên đó, này A Nan, phải hiểu rõ, nhân duyên của thức là danh tự. Này A Nan, nếu thức mà không vào trong bụng mẹ, vậy danh sắc này có theo tinh để thọ thai không?

A Nan thưa: - Dạ không.

Này A Nan, nếu thức đã ở trong bụng mẹ mà không lưu trú, vậy có danh tự chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Này A Nan, Thức là căn bản. Nếu trẻ trai hay trẻ gái đã hư, đã chết, khiến cho không có hình dạng, vậy có danh tự khiến cho nó lớn lên, khiến cho nó đầy đủ chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Này A Nan, như vậy, từ đó phát sanh, từ đó làm căn bản, từ đó tập khởi, từ nhân duyên này danh tự do Thức. Này A Nan, do nhân duyên Thức mà có danh tự.

Này A Nan, có nhân duyên của Thức không?

Nếu hỏi vậy, liền đáp: –Có.

-Do nhân duyên gì có Thức?

-Do nhân duyên danh tự mà có Thức. Nên theo nhân duyên này mà biết phân biệt, nhân duyên của danh tự là Thức. Này A Nan, nếu Thức không được danh tự dựa vào, vì Thức đã không được dựa vào, vậy có được sự hổ trợ, mà có sanh, lão, khổ tập có thể hiện hữu chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Như vậy, này A Nan, từ đó đưa đến, từ căn bản đó, từ đó tập khởi, từ nhân duyên này, do Thức có danh tự, do nhân duyên danh tự có Thức. Đừng nói danh, đừng nói xứ, đình chỉ nguồn gốc tranh giành hiện tại, phải theo trí tuệ, chớ có thọ. Này A Nan, có bao nhiêu nhân duyên chấp rằng thống (thọ) chính là thân?

A Nan thưa:

–Pháp này vốn từ Phật, pháp này gốc ở Phật, Phật là chỗ các pháp hướng về, mong đức Phật nói cho, nhờ theo Phật nghe dạy, nghe xong thọ trì, hiểu rõ mà được lợi ích.

Đức Phật dạy:

–Hãy lắng nghe, này A Nan, lành thay! lành thay. Hãy thọ trì và nhớ nghĩ, đức Phật sẽ dạy.

Hiền giả A Nan thưa:

–Xin vâng, con xin theo Phật để nghe.

Đức Phật liền dạy:

–Hoặc giả, này A Nan, nếu có thấy thống này là thân, hoặc có thấy thống này, chấp chẳng phải là thân, chỉ vì thân có cánh thống pháp, thấy chính là thân, hoặc thân này là thống, thấy không phải thân, cũng không phải là thống pháp, thấy thống pháp, chấp không phải là thân, chỉ vì thấy thân này là thân. Này A Nan, hoặc là ngay thống này chấp là thân nên đối với vấn đề đó mà nói như vầy: “Này hiền giả, thống (thọ) này có ba loại, có lạc thống, có khổ thống, có bất khổ bất lạc thống. Này hiền giả, đối với ba thống này, thấy thống nào là thân?”. Này A Nan, khi lạc thống, lúc đó hai thống kia đã diệt, vậy là khổ, bất lạc, cũng không khổ, lúc đó chỉ là lạc cánh (xúc). Này A Nan, lạc thống là vô thường, lúc khổ đã diệt, này A Nan, lạc thống đã diệt, lìa thân, không ở trong thân. Như vậy, ngay lúc đó, này A Nan, lúc khổ thống có mặt, bấy giờ hai thống đã diệt, vậy là lạc hay khổ? Lúc đó chỉ là cánh khổ thống. Này A Nan, khổ thống là phi thường, là pháp khổ tận. Này A Nan, lúc khổ thống đã hết, thân không còn cánh biết nữa, lúc đó, này A Nan, cũng không khổ, cũng không lạc, không cánh là thống. Bấy giờ hai thống đã diệt, vậy thống cũng tức là khổ, chỉ vì lúc đó không khổ, không lạc, cánh là thống. Này A Nan, không khổ không lạc, thống pháp là phi thường, khổ tận, không khổ, không lạc, này A Nan, khi thống đã diệt, vậy lẽ đáng là không có thân? Tự nó chấp trước. Này A Nan, hoặc có kẻ hành đạo đối với thống là pháp phi thường, cho đó là thân. Này A Nan, hoặc có người hành đạo, buông lung lạc thống, buồn bực khổ thống, tự thấy là thân. Như vậy, này A Nan, nhân duyên thống không nên cho đó là thân, thấy đó là thân. Này A Nan, hoặc chấp thấy không thống là thân, chỉ là pháp cánh thống là thân chăng?

Liền đáp lại:

–Này hiền giả, nếu không có thống cánh, cũng không thấy cái bị cánh, vậy cần có nó chăng? Lúc đó, này A Nan, Tỳ kheo thấy không thống chấp chẳng phải là thân, vậy nên xem pháp là cánh thống này cũng là thân chăng?

A Nan thưa rằng: - Dạ không.

Như vậy, này A Nan, do nhân duyên này cũng không thể nào chấp thống là thân, cũng không thể khiến cho hoàn toàn không có chấp thống nào là thân, chỉ là thân cánh (xúc) thống. Này A Nan, vì không chấp thống là thân, cũng không thấy thống này chẳng phải là thân, cũng không có thân cánh thống, đối với thống pháp cũng không thấy, không chấp là thân. Chỉ vì chấp ngã nên bất giác cho là thân này chính là thân. Có thể đáp: “Này hiền giả, tất cả sự chấp thân, không cánh thống, vậy có thân không?”.

Bấy giờ, này Tỳ kheo, không có thống là thân, thân cũng không có cánh thống, thống pháp cũng không phải là thân, có thân chỉ vì không biết thân mà thôi. Quán thân như vậy, vậy có thân chăng?

A Nan thưa: - Dạ không.

Này A Nan, nhân duyên như vậy, không nên cho rằng không có thống là thân, cũng không phải thân là cánh, cũng không phải pháp là thân, cũng không phải không biết thân là thân. Này A Nan, như vậy tất cả thống đã là thân, thống kiến thấy là thân. Này A Nan, có bao nhiêu nhân duyên hoặc là hành đạo, không cho thống là thân, vậy thấy hay không thấy thân?

A Nan thưa:

–Pháp này vốn do Phật dạy, nói ra cũng do Phật, cúi mong Phật thuyết cho, khi Phật dạy rồi, đệ tử sẽ thọ trì, làm cho lời dạy đó được hiểu rõ, lợi ích.

Đức Phật bảo tôn giả A Nan:

–Hãy lắng nghe, thọ trì rồi nhớ mãi những điều đã thọ trì, ta sẽ nói cho.

Như vậy hiền giả A Nan theo Phật để nghe pháp. Đức Phật liền dạy:

-Này A Nan, có Tỳ kheo không cho thống là thân, cũng không thấy thống là thân, cũng không phải thân cánh, cũng không phải thống pháp chấp là thân, cũng không thấy thân kiến là thân, cũng không cho hữu là thân, cũng không theo cái kiến này thấy là thân, rồi thấy như vậy không trở lại thế gian, khiến cho không còn thọ thế gian nên không còn trở lại thế gian nữa, liền không còn ưu sầu nên không ưu sầu nữa, liền được vô vi thoát khổ và tự biết rằng: “Ta đã chấm dứt sanh, lão, bệnh, tử, ưu sầu, việc cần làm đã hoàn mãn, việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại thế gian nữa”. Do đó, này A Nan, hoặc kẻ hành đạo không chấp thống là thân, tự mình siêng năng tu tập, cũng không thấy kiến là thân. Này A Nan, có mấy nhân duyên mà kẻ hành đạo lấy sắc làm thân?

Tôn giả A Nan thưa:

Pháp vốn do Phật dạy, từ Ngài mà lưu xuất, cúi mong Ngài nói cho. Khi Ngài nói rồi, đệ tử thọ trì, khiến cho lời dạy ấy được hiểu rõ, lợi ích.

Đức Phật bảo tôn giả A Nan:

–Hãy lắng nghe, thọ trì, khéo nhớ nghĩ, ta sẽ nói cho.

Như vậy hiền giả A Nan theo Phật nghe pháp. Đức Phật liền dạy:

-Này A Nan, hoặc có người hành đạo cho sắc nhỏ hẹp là thân. Này A Nan, hoặc có người hành đạo cho không phải sắc nhỏ hẹp là thân, sắc không có hạnlượng hành là thân, chỉ cho nhỏ hẹp không có sắc hành là thân. Này A Nan, hoặc có người hành đạo cũng không cho là sắc nhỏ hẹp, cũng không cho là sắc không có hạn lượng, cũng không phải cho là không có sắc nhỏ hẹp là thân.

Này A Nan, hoặc có người hành đạo cũng không cho là sắc nhỏ hẹp, cũng không cho sắc không có hạn lượng, cũng không cho là không có sắc nhỏ hẹp là thân, chỉ cho không phải sắc không hạn lượng là thân.

Này A Nan, hoặc có người hành đạo cho sắc nhỏ hẹp là thân, hiện tại, này A Nan, có người hành đạo cho rằng: sắc nhỏ hẹp là thân, khi thân hoại mạng chung nhận thấy có một ảnh tượng (ngã) của thân như vậy, quan niệm hai yếu tố (sắc nhỏ hẹp là thân và ảnh tượng của thân) như vậy là không đúng, từ quan điểm đó đưa đến suy nghĩ như vậy. Này A Nan, có người hành đạo cho sắc nhỏ hẹp là thân, rồi tự mình có quan niệm như vậy, này A Nan, có người hành đạo cho sắc nhỏ hẹp là thân, cho nên bị trói buộc sai sử.

Này A Nan, hoặc có người hành đạo không cho sắc nhỏ hẹp là thân, chỉ cho sắc không có hạn lượng là thân, hiện tại, này A Nan, hoặc có người hành đạo cho sắc không có hạn lượng là thân, khi thân hoại mạng chung nhận thấy có ảnh tượng (ngã) của thân như vậy, quan niệm hai yếu tố (sắc không có hạn lượng là thân và ảnh tượng của thân) như vậy là không đúng, từ quan điểm đó đưa đến suy nghĩ như vậy. Này A Nan, hoặc có người hành đạo, chấp thân là sắc không có hạn lượng. Cũng vậy, này A Nan, hoặc có người hành đạo cho sắc không có hạn lượng là thân rồi bị trói buộc sai sử.

Này A Nan, hoặc có người hành đạo cho rằng chẳng phải sắc nhỏ hẹp, cũng chẳng phải sắc không có hạn lượng, chỉ chấp vào sắc nhỏ hẹp là thân. Hiện tại, này A Nan, hoặc có người hành đạo cho rằng không phải sắc nhỏ hẹp là thân, khi thân hoại mạng chung rồi, nhận thấy có ảnh tượng (ngã) của thân. Hai quan điểm trên như vậy là không đúng, từ quan điểm đó đưa đến suy nghĩ như vậy. Này A Nan, hoặc có người hành đạo cho rằng không phải sắc nhỏ hẹp tự chấp là thân. Cũng vậy, này A Nan, hoặc có người hành đạo cho rằng không phải sắc nhỏ hẹp là thân rồi bị trói buộc sai sử.

Này A Nan, hoặc có người hành đạo cho rằng cũng không phải sắc nhỏ hẹp, cũng không phải sắc không có hạn lượng, cũng không phải không có sắc nhỏ hẹp, cũng không phải không có sắc không có hạn lượng, bị đọa làm thân. Hiện tại, này A Nan, hoặc có người hành đạo cho rằng cũng không phải sắc nhỏ hẹp, cũng không phải là sắc không có hạn lượng, cũng không phải là không có sắc nhỏ hẹp, cũng không phải không có sắc không có hạn lượng, chấp là thân, khi thân hoại mạng chung, nhận thấy có ảnh tượng (ngã) của thân. Hai quan điểm trên như vậy là không đúng, từ quan điểm đó đưa đến suy nghĩ như vậy. Này A Nan, hoặc có người hành đạo không phải sắc không có hạn lượng tự chấp làm thân, cũng vậy, này A Nan, hoặc có người hành đạo mà chấp như vậy, chẳng phải sắc bị trói buộc sai sử.

Cũng vậy, này A Nan, hoặc có người hành đạo tự mình có những quan điểm đưa đến chấp trước về thân, vậy thân có mấy nhân duyên, này A Nan, ngườihành đạo cho rằng sắc không phải là những yếu tố tác thành thân?

Tôn giả A Nan thưa:

–Pháp này vốn do Phật dạy, cũng từ Phật mà lưu xuất, mong Phật nói cho, khi Ngài nói rồi, đệ tử sẽ thọ trì, khiến cho lời nói ấy được hiểu rõ và lợi ích.

Đức Phật bảo tôn giả A Nan:

–Hãy lắng nghe, thọ trì kỹ, nhớ mãi, ta sẽ nói cho.

Như vậy hiền giả A Nan theo Phật để nghe pháp. Đức Phật dạy:

-Này A Nan, có người hành đạo, hoặc không cho rằng sắc là thân, hoặc có các chủ trương về sắc là thân, cũng không cho sắc không có hạn lượng, cũng không cho sắc nhỏ hẹp, có các chủ trương sắc không có hạn lượng là thân. Này A Nan, kẻ hành đạo không cho sắc nhỏ hẹp là thân, cũng không chấp là thân. Hiện tại, này A Nan, kẻ hành đạo không cho sắc nhỏ hẹp là thân, cũng không cho sự đọa xuống là thân, sau khi thân hoại mạng chung lại không thấy có ảnh tượng (ngã) của thân này. Hai quan điểm (sắc là ... và thấy ảnh tượng của thân) là không đúng.

Cũng vậy, này A Nan, kẻ hành đạo cho rằng không phải sắc nhỏ hẹp là thân, cũng không chấp là thân. Cũng vậy, này A Nan, kẻ hành đạo cho rằng không phải sắc nhỏ hẹp là thân không bị trói buộc.

Này A Nan, hoặc có người hành đạo không cho sắc không có hạn lượng là thân, cũng không cho sắc là thân; hiện tại, này A Nan, kẻ hành đạo không cho sắc không có hạn lượng là thân, cũng không chấp đó là thân, khi thân hoại mạng chung, khiến cho không còn thấy lại ảnh tượng của thân tướng nữa. Đó chẳng phải là như vậy, như vậy là chẳng có cái đó. Cũng vậy, này A Nan, kẻ hành đạo không cho sắc không có hạn lượng là thân, cũng không rơi vào chấp thân. Như vậy A Nan, đồng như vậy hoặc kẻ hành đạo cho rằng không phải sắc không có hạn lượng là thân không bị trói buộc.

Này A Nan, hoặc kẻ hành đạo không cho rằng không phải sắc nhỏ hẹp là thân, cũng không rơi vào chấp thân. Hiện tại, này A Nan, kẻ hành đạo cho rằng không phải sắc nhỏ hẹp là thân, cũng không rơi vào chấp thân, sau khi thân hoại mạng chung rồi, khiến cho không còn thấy lại hình tượng của thân tướng nữa. Đó chẳng phải như vậy, đối như vậy, như vậy chính là chẳng có vậy. Cũng vậy, này A Nan, kẻ hành đạo không cho rằng chẳng phải sắc nhỏ hẹp là thân, cũng không rơi vào chấp thân. Như vậy, này A Nan, người hành đạo như vậy không cho không phải sắc nhỏ hẹp khiến cho không trói buộc.

Này A Nan, hoặc là kẻ hành đạo không cho không phải sắc không có hạn lượng là thân, cũng không rơi vào sự chấp thân này. Hiện tại, này A Nan, kẻ hành đạo không cho rằng, này A Nan, không phải sắc là thân, cũng không có chấp là thành thân, sau khi thân hoại mạng chung, thân như vậy khiến cho không còn thấy cái chấp này nữa, không cho là đối như vậy, như vậy là không đúng.

Cũng vậy, này A Nan, kẻ hành đạo không cho rằng không phải sắc không có hạn lượng là thân, cũng không rơi vào sự chấp đó là thân. Cũng vậy, này A Nan, kẻ hành đạo không cho là không phải sắc không có hạn lượng, cũng khiến cho thân bị trói buộc.

Cũng vậy, hoặc có kẻ hành đạo không cho không phải sắc không có hạn lượng là thân, cũng chẳng thành thân, cũng không rơi vào sự chấp đó là thân. Này A Nan, cũng có bảy chỗ khiến cho thức được an trú, cũng có hai thọ hành được giải thoát.

Đối với loài có sắc khiến cho có chúng sanh nhiều thân, nhiều tư tưởng, hoặc ở cõi người hay ở cõi trời. Đó là chỗ an trú thứ nhất của thức.

Đối với loài có sắc khiến cho có chúng sanh một thân nhưng nhiều tư tưởng, có cõi trời tên là Phạm thiên, ở đó được trường thọ. Đó là chỗ trú xứ thứ hai của thức.

Đối với loài có sắc khiến cho có chúng sanh một thân mà nhiều tư tưởng, gọi là trời Minh Thinh. Đó là chỗ trú xứ thứ ba của thức.

Đối với loài có sắc khiến cho có chúng sanh một thân một tư tưởng, gọi là trời Biến Tịnh. Đó là chỗ trú xứ thứ tư của thức.

Đối với loài không có sắc khiến cho có chúng sanh, tất cả từ sắc tướng vượt qua nhiều tướng diệt, là không hạn lượng không huệ ý chỉ, gọi là trời Không Huệ Hành (Không Vô Biên Xứ thiên). Đó là chỗ đình chỉ thứ năm của thức.

Đối với loài không có sắc khiến cho có chúng sanh, tất cả từ không hành cảnh quá vô hữu lượng thức từ Huệ thọ ý chỉ gọi là trời Thức Huệ (Thức Vô Biên Xứ thiên). Đó là chỗ đình chỉ thứ sáu của thức.

Đối với loài không có sắc khiến cho có chúng sanh, tất cả từ thức huệ vượt qua vô hữu lượng, không dùng huệ ý thọ chỉ này, gọi là trời Bất dụng tùng thị huệ (Vô sở Hữu xứ thiên). Đó là chỗ đình chỉ thứ bảy của thức.

Này A Nan, những gì là cũng có hai thọ hành đắc giải thoát?

-Đó là có từ sắc nhân duyên hành đạo khiến cho không cánh tư tưởng, gọi là trời Bất Tư tưởng (Vô Tưởng thiên). Đó là thọ hành tùng đắc giải thứ nhất.

Hoặc không theo sắc nhân duyên hành đạo, nhất thiết tùng bất dụng đắc độ vì thọ Bất tư tưởng, cũng có tư tưởng thọ hành chỉ (Phi hữu tưởng, Phi vô tưởng), gọi là trời Bất Tư tưởng và Hữu Tư tưởng. Đó là thọ hành tùng đắc giải thoát thứ hai.

Này A Nan, chỗ thức đình chỉ theo thứ lớp là từ sắc hành, nhân duyên hành đạo nhiều thân, nhiều tư tưởng, hoặc ở cõi trời hay ở cõi người, đó là chỗ dừng nghỉ thứ nhất của thức.

Này A Nan, nếu người hành đạo đã biết chỗ dừng nghỉ của thức này, cũng biết thức này từ tập này, cũng biết sự biến mất của nó, cũng biết sự yêu thích của nó, cũng biết cánh khổ của nó, cũng biết con đường thoát khỏi nó. Khi đã biết như vậy rồi, này A Nan, người hành đạo đối với chỗ dừng nghỉ của thức có nên mong cầu, có nên mơ tưởng, có nên trụ trong đó chăng?

Tôn giả A Nan thưa: -Dạ không.

Này A Nan, chỗ thức dừng nghỉ thứ hai là từ sắc hành nhân duyên hành đạo, nhiều thân nhưng một tưởng, cõi trời đó gọi là Phạm thiên, được sống lâu đệ nhất ở tại đó. Này A Nan, nếu người hành đạo đối với chỗ dừng nghỉ của thức này đã biết rồi, cũng biết chỗ dừng nghỉ của thức này từ tập này, cũng biết sự biến mất của nó, cũng biết sự ưa thích của nó, cũng biết sự cánh khổ của nó, cũng biết con đường thoát ra khỏi nó. Vậy thời, này A Nan, người hành đạo đối với chỗ dừng nghỉ của thức có nên mong cầu, mơ tưởng và an trụ trong đó không?

Tôn giả A Nan thưa: -Dạ không.

Này A Nan, chỗ dừng nghỉ thứ ba của thức, từ sắc hành nhân duyên hành đạo, một thân nhưng nhiều tưởng gọi cõi trời đó là Minh. Này A Nan, nếu người hành đạo đã biết chỗ dừng nghỉ của thức này, biết nó từ tập này, cũng biết sự biến mất của nó, cũng biết sự ưa thích của nó, cũng biết sự cánh khổ của nó, cũng biết con đường thoát khỏi nó. Đã biết như vậy rồi, này A Nan, người hành đạo đối với chỗ dừng nghỉ của thức có nên mong cầu, mơ tưởng và an trụ trong đó không?

Tôn giả A Nan thưa: -Dạ không.

Này A Nan, chỗ dừng nghỉ thứ tư của thức, từ sắc hành nhân duyên hành đạo, một thân, một tư tưởng gọi là trời Biến Tịnh. Này A Nan, nếu người hành đạo đã biết chỗ dừng nghỉ của thức này, cũng biết nó từ tập này, cũng biết sự biến mất của nó, sự ưa thích của nó, sự cánh khổ của nó, cũng biết con đường thoát khỏi nó. Đã biết như vậy rồi, này A Nan, người hành đạo đối với chỗ dừng nghỉ của thức có nên mong cầu, mơ tưởng và an trụ trong đó không?

Tôn giả A Nan thưa: -Dạ không.

Này A Nan, chỗ dừng nghỉ thứ năm của thức, từ không có sắc hành nhân duyên hành đạo, tất cả xứ ấy, xa lìa sắc tưởng, địa tưởng không còn, có vô lượng không, không huệ hành thọ chỉ, gọi là cõi trời Không Huệ. Này A Nan, nếu người hành đạo đã biết chỗ dừng nghỉ của thức này, biết nó từ tập này, biết sự biến mất của nó, sự ưa thích của nó, sự cánh khổ của nó, và con đường thoát khỏi nó. Vậy thời, này A Nan, người hành đạo đối với chỗ dừng nghỉ của thức có nên mong cầu, mơ tưởng và an trụ trong đó không?

Tôn giả A Nan thưa: -Dạ không.

Này A Nan, chỗ dừng nghỉ thứ sáu của thức, hoặc không có sắc hành nhân duyên hành đạo, nhất thiết xứ ấy từ không huệ vượt qua thức vô hữu lượng thọ huệ hành chỉ, gọi là cõi trời Thức Huệ. Này A Nan, nếu người hành đạo đã biết chỗ dừng nghỉ của thức này, chỗ tập khởi của nó, sự biến mất của nó, sự ưa thích của nó, sự cánh khổ của nó, và cũng biết con đường thoát khỏi nó. Đã biết như vậy, này A Nan, người hành đạo đối với chỗ dừng nghỉ của thức có nên mong cầu, mơ tưởng và an trụ trong đó không?

Tôn giả A Nan thưa: -Dạ không.

Này A Nan, đối với chỗ dừng nghỉ thứ bảy của thức, là từ không có sắc hành nhân duyên hành đạo, tất cả từ Thức Huệ vượt qua vô hữu lượng, bất dụng kỷ xả thọ huệ hành, gọi là cõi trời Bất dụng thọ huệ hành (Vô sở hữu xứ thiên). Này A Nan, nếu người hành đạo đã biết chỗ dừng nghỉ của thức này, từ đó tập khởi, cũng biết sự biến mất của nó, sự ưa thích của nó, sự cánh khổ của nó, cũng biết con đường thoát khỏi nó. Đã biết vậy rồi, này A Nan, bấy giờ người hành đạo đối với chỗ dừng nghỉ của thức có nên mong cầu, mơ tưởng và an trụ trong đó không?

Tôn giả A Nan thưa: -Dạ không.

Này A Nan, thọ hành thứ nhất theo đó được giải thoát theo sắc nhân duyên hành đạo, không có tưởng cũng không thọ, gọi là cõi trời Bất Tư (Vô Tưởng thiên). Này A Nan, nếu người hành đạo đã biết nó từ thọ, cũng biết nó từ thọ tập, cũng biết sự biến mất của nó, sự ưa thích của nó, sự cánh khổ của nó, cũng biết con đường thoát ra khỏi nó. Đã biết như vậy, khi ấy, này A Nan, người hành đạo đối với thọ hành đắc giải thoát này có nên mong cầu, mơ ước, an trụ trong đó không?

Tôn giả A Nan thưa: -Dạ không.

Này A Nan, thọ hành từ đắc giải thoát thứ hai, hoặc không có sắc nhân duyên hành đạo, nhất thiết bất dụng, theo huệ đắc độ quá vô hữu tư tưởng, cũng chưa lìa tư tưởng thọ hành chỉ (xa lìa vô sở hữu xứ, phi hữu tưởng, phi vô tưởng), tức là cõi trời Vô hữu tư tưởng giải (Phi tưởng Phi phi tưởng xứ). Này A Nan, nếu người hành đạo đã biết thọ hành này tùng đắc giải, giải đó từ tập này, cũng biết sự biến mất của nó, sự ưa thích của nó, sự cánh khổ của nó, cũng biết con đường thoát ra khỏi nó. Đã biết như vậy, thì này A Nan, người hành đạo đối với thọ hành đắc giải thoát này có nên mong cầu, mơ ước, an trụ trong đó không?

Tôn giả A Nan thưa: -Dạ không.

Này A Nan, nếu kẻ hành đạo biết như vậy, thấy như vậy, nói là không biết, không thấy, nếu có kiết sử này, bấy giờ nên nói là thường, bấy giờ nên nói là phi thường, bấy giờ nên nói thế gian có bản thể, bấy giờ nên nói: đắc đạo rồi chết sanh trở lại, hay bấy giờ nên nói: đắc đạo không còn chết nữa? Vậy có hay không có sự thoát khỏi sự chết ở thế gian từ sự trói buộc này? Bấy giờ, này A Nan, người hành đạo đối với bảy chỗ dừng nghỉ của thức và hai thọ hành đắc giải thoát như vậy, như đã thấy rõ bằng trí tuệ, và được giải thoát. Đó gọi là, này A Nan, người hành đạo là bậc Vô sở trước (A la hán), nhờ huệ được giải thoát.

Này A Nan, cũng có tám chỗ giải thoát. Những gì là tám? Đó là:

1. Bên trong có sắc, quán sắc bên ngoài. Đó là giải thoát xứ thứ nhất.

2. Bên trong không quán sắc tướng, quán sắc bên ngoài. Đó là giải thoát xứ thứ hai.

3. Quán ba mươi sáu vật bất tịnh trong thân, thọ quán hành chỉ. Đó là giải thoát xứ nhất thiết thứ ba.

4. Lìa sắc tưởng, diệt địa tưởng, nhiều tưởng, không nghỉ đến Vô lượng không huệ đã thọ rồi, gọi là trời Không Huệ. Đó là giải thoát xứ thứ tư

5. nhất thiết vượt qua hết không huệ, thoát vô hữu lượng thức huệ thọ rồi, gọi là trời Thức Huệ. Đó là giải thoát xứ thứ năm.

6. Vượt qua tất cả theo Thức Huệ (Thức vô biên) được Vô sở hữu, không dùng Thọ huệ hành, gọi là trời Bất dụng vô sở dụng Huệ hành. Đó là giải thoát xứ thứ sáu.

7. Vượt qua tất cả từ không dụng Huệ, được Vô hữu tư tưởng, cũng chẳng phải Vô hữu tư tưởng (Phi tưởng phi phi tưởng), đình chỉ thọ hoàn toàn, gọi là trời Tư tưởng. Đó là giải thoát xứ thứ bảy.

8. Vượt qua tất cả từ không có tư tưởng được độ diệt tư tưởng, giác tận, thân đã hết cánh thọ hoàn toàn. Đó là giải thoát xứ thứ tám.

Này A Nan, nếu kẻ hành đạo đối với bảy chỗ thức chỉ, hai thọ hành đắc giải thoát và tám giải thoát xứ này, nếu như có trí tuệ, theo đó mà thấy, theo ta chớ thọ dụng, liền được giải thoát. Như vậy là có phước cho thân mình nhờ pháp môn đình chỉ này. Này A Nan, đó gọi là hành đạo Vô sở trước, nhờ hai thọ hành mà được giải thoát.

Đức Phật nói như vậy, tôn giả A Nan tín thọ phụng hành.

PHẬT NÓI KINH CON NGƯỜI DO DỤC SANH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]