Luận Đại Trí Độ
( Mahàprajnàparamitàsatra)
Tác giả:Nàgàrjuna (Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán:Cưu Ma La Thập
Dịch Hán ra Việt:Thích Thiện Siêu
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Ấn hành 1997
Tập 4
Cuốn 72
GIẢI THÍCH: PHẨM ÐẠI NHƯ THỨ 54.
(Kinh Ðại Bát nhã phần hai ghi: Phẩm Chơn như thứ 52)
KINH:Bấy giờ các Thiên tử cõi Dục, các Thiên tử cõi Sắc dùng hương bột chiên đàn cõi Trời, hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen hồng, hoa sen trắng của cõi Trời, từ xa rải lên trên Phật, rồi đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên, bạch Phật rằng: Bạch đức thế Tôn, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rất sâu xa, khó thấy khó hiểu, không thể suy nghĩ biết được, chỉ có bâïc Trí vi diệu tịch tịnh mới biết được điều của tất cả thế gian không thể tin, vì cớ sao? Vì trong Bát nhã ba la mật thâm sâu, nói như vầy: Sắc tức là Nhất thiết trí, Nhất thiết trí tức là sắc, cho đến Nhất thiết chủng trí tức là Nhất thiết trí, Nhất thiết trí tức là Nhất thiết chủng trí. Sắc như tướng và Nhất thiết trí như tướng là nhất như không hai không khác; cho đến Nhất thiết chủng trí như tướng, Nhất thiết trí như tướng, là nhất như không hai không khác.
Phật dạy các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc: Như vậy, như vậy! Các Thiên tử, sắc tức là Nhất thiết trí, Nhất thiết trí tức là sắc; cho đến Nhất thiết chủng trí tức là Nhất thiết trí, Nhất thiết trí tức là Nhất thiết chủng trí; sắc như tướng cho đến Nhất thiết chủng trí như tướng là nhất như không hai không khác. Này các thiên tử, vì nghĩa ấy nên khi Phật mới thành đạo, tâm ưa yên lặng không muốn thuyết pháp, vì cớ sao? Vì pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rất sâu xa, khó thấy, khó hiểu, không thể suy nghĩ biết được, chỉ bậc có trí vi diệu tịch diệt mới biết được điều của hết thảy thế gian không thể tin, vì cớ sao? Vì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không có người chứng đắc, không có chỗ chứng đắc. Ấy gọi là tướng thậm thâm của các pháp là không có hai pháp. Này các Thiên tử, ví như hư không rất sâu thẳm nên pháp ấy rất sâu thẳm, vì "như " rất sâu thẳm nên pháp ấy rất sâu thẳm; vì tánh pháp rất sâu thẳm, thật tế rất sâu thẳm, không thể nghĩ bàn; vô biên rất sâu thẳm nên pháp ấy rất sâu thẳm; vì không đến không đi rất sâu thẳm nên pháp ấy rất sâu thẳm; vì chẳng sanh chẳng diệt, không nhơ không sạch, không trí không đắc rất sâu thẳm nên pháp ấy rất sâu thẳm.
Này các thiên tử, vì "ta" rất sâu thẳm, cho đến kẻ biết kẻ thấy rất sâu thẳm nên pháp ấy rất sâu thẳm. Này các thiên tử, vì sắc rất sâu thẳm; thọ, tưởng, hành, thức rất sâu thẳm, nên pháp ấy rất sâu thẳm. Vì Thí ba la mật rất sâu thẳm, cho đến Bát nhã ba la mật rất sâu thẳm nên pháp ấy rất sâu thẳm. Vì nội không cho đến vô pháp hữu pháp không rất sâu thẳm, nên pháp ấy rất sâu thẳm. Vì bốn niệm xứ rất sâu thẳm, cho đến Nhất thiết chủng trí rất sâu thẳm nên pháp ấy rất sâu thẳm.
Bấy giờ các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, pháp được nói đó là pháp không thể tin nổi của tất cả thế gian.
Bạch đức Thế Tôn, Pháp rất sâu thẳm ấy, không vì lảnh thọ sắc nên nói, không vì xả bỏ sắc nên nói; không vì lảnh thọ thọï, tưởng, hành, thức nên nói, không vì xả bỏ thọ, tưởng, hành, thức nên nói; không vì lảnh thọ quả Tu đà hoàn nên nói, không vì xả bỏ quả Tu đà hoàn nên nói; cho đến không vì lảnh thọ Nhất thiết chủng trí nên nói, không vì xả bỏ Nhất thiết chủng trí nên nói. Các thế gian đều lảnh thọ chấp trước tu hành: "Bảo sắc là ta, là của ta; thọ, tưởng, hành, thức là ta, là của ta; cho đến bảo mười tám pháp không chung là ta, là của ta; quả Tu đà hoàn là ta. là của ta; cho đến Nhất thiết chủng trí là ta, là của ta".
Phật bảo các Thiên tử: "Như vậy, như vậy! Này các Thiên tử, Pháp ấy chẳng phải vì lảnh thọ sắc nên nói, chẳng phải vì xả bỏ sắc nên nói; cho đến chẳng phải vì lảnh thọ Nhất thiết chủng trí nên nói, chẳng phải vì xả bỏ Nhất thiết chủng trí nên nói. Này các Thiên tử, nếu có Bồ tát vì lảnh thọ sắc nên tu hành, cho đến vì lảnh thọ Nhất thiết chủng trí nên tu hành, thì Bồ tát ấy không thể tu Bát nhã ba la mật, không thể tu Thiền ba la mật, Tấn ba la mật, Nhẫn ba la mật, Giới ba la mật, Thí ba la mật cho đến không thể tu Nhất thiết chủng trí".
Tu bồ đề bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn, Pháp ấy thuận theo tất cả pháp. Pháp ấy thuận theo tất cả pháp như thế nào?
Pháp ấy thuận theo Bát nhã ba la mật cho đến thuận theo Bố thí ba la mật; pháp ấy thuận theo nội không, cho đến vô pháp hữu pháp không; pháp ấy thuận theo bốn niệm xứ, cho đến thuận theo Nhất thiết chủng trí. Pháp ấy vô ngại, không chướng ngại sắc, không chướng ngại thọ, tưởng, hành, thức, cho đến không chướng ngại Nhất thiết chủng trí. Này các Thiên tử, Pháp ấy gọi là tướng vô ngại vì như hư không v.v... vì như như, pháp tánh, pháp trụ, thật tế, bất khả tư nghì tánh; vì là không, vô tướng, vô tác v.v... Pháp ấy là tướng bất sanh, vì sắc chẳng sanh, chẳng thể nắm bắt được; thọ, tưởng, hành, thức chẳng sanh, chẳng thể nắm bắt được, cho đến vì Nhất thiết chủng trí chẳng sanh, chẳng thể nắm bắt được. Pháp ấy không có nơi chốn, vì sắc nơi chốn không thể có được; tho, tưởng, hành, thức nơi chốn không thể có được, cho đến vì Nhất thiết chủng trí nơi chốn không thể có được".
Khi ấy, các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Tu bồ đề là đệ tử Phật tùy thuận Phật sanh, vì cớ sao? Vì những điều tu bồ đề nói đều hợp với không".
Bấy giờ, Tu bồ đề nói với các Thiên tử: Các ông nói rằng: Tu bồ đề là đệ tử Phật, tùy thuận Phật sanh, thế nào là tùy thuận Phật sanh? Này các Thiên tử, vì tướng "như " nên Tu bồ đề tùy thuận Phật sanh, vì sao? Vì Như Lai "như tướng" không đến không đi, Tu bồ đề như tướng cũng không đến không đi, thế nên Tu bồ đề tùy thuận Phật sanh.
* Lại nữa, Tu bồ đề từ xưa lại đây tùy thuận Phật sanh, vì sao? Vì Như Lai " như tướng" tức là hết thảy pháp "như tướng", hết thảy pháp "như tướng" tức là Như Lai "như tướng"; trong tướng "như "ấy cũng không có tướng "như", thế nên Tu bồ đề là tùy thuận Phật sanh.
* Lại nữa, Như Lai như, tướng thường trú Tu bồ đề như cũng tướng thường trú; Như Lai "như tướng" không hai không khác. Tu bồ đề như tướng cũng không hai không khác. Thế nên Tu bồ đề là tùy thuận Phật sanh. Như lai như tướng không có chỗ chướng ngại, hết thảy pháp "như tướng" cũng không có chỗ chướng ngại; Như lai "như tướng" hết thảy pháp "như tướng" là nhất như không hai không khác. "Như tướng" ấy không có khởi tác, trọn chẳng có gì chẳng "như ". Thế nên "như tướng" ấy không hai không khác. Thế nên Tu bồ đề là tùy thuận Phật sanh. Như lai "như tướng" ở tất cả chỗ không niệm lự, không khác biệt, Tu bồ đề "như tướng" cũng như vậy, ở tất cả chỗ không niệm lự, không khác biệt; Như Lai như tướng không hai không khác, không thể nắm bắt. Tu bồ đề như tướng cũng như vậy. Vì thế nên Tu bồ đề là tùy thuận Phật sanh. Như lai "như tướng" không xa lìa các pháp "như tướng", tướng "như "ấy trọn chẳng có gì như, thế nên Tu bồ đề cũng không có khác là tùy thuận Phật sanh cũng không có chỗ tùy thuận.
* Lại nữa, Như Lai "như tướng" chẳng quá khứ, chẳng vị lai, chẳng hiện tại. Các pháp "như tướng" cũng chẳng quá khứ, chẳng vị lai, chẳng hiện tại. Thế nên Tu bồ đề là tùy thuận Phật sanh.
* Lại nữa, Như Lai như, chẳng ở trong quá khứ"như ", quá khứ "như "cũng chẳng ở trong Như Lai như; Như lai như chẳng ở trong vị lai "như ", vị lai "như " cũng chẳng ở trong Như Lai khứ; Như Lai như chẳng ở trong hiện tại "như ", hiện tại "như " cũng chẳng ở trong Như lai như. Quá khứ, vị lai, hiện tại như, Như Lai như, là nhất như, không hai không khác. Sắc "như ", Như lai "như "; thọ, tưởng, hành, thức "như ", Như Lai như. Sắc như, thọ, tưởng, hành, thức như và Như Lai như ấy là nhất như không hai, không khác. Ngã như, cho đến kẻ biết, kẻ thấy như và Như Lai như là nhất như không hai không khác.Thí ba la mật "như " cho đến bát nhã ba la mật "như "; nội không "như " cho đến vô pháp hữu pháp không "như "; bốn niệm xứ như, cho đến nhất thiết chủng trí như và Như Lai như là nhất như không hai, không khác. Tu bồ đề, vì Bồ tát ma ha tát được "như " ấy nên gọi là Như Lai.
Trong khi nói phẩm Như tướng này, đại địa ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu cách: nỗi bên đông lặng bên tây; nỗi bên tây lặng bên đông; nỗi bên nam lặng bên bắc; nỗi bên bắc lặng bên nam; nỗi chính giữa lặng bốn bên; nỗi bốn bên lặng chíng giữa.
LUẬN: Hỏi: Bát nhã ba la mật không có gì không thậm thâm cớ sao hoặc có khi lại tán thán thậm thâm?
Ðáp: Trong Bát nhã ba la mật hoặc có khi phân biệt các pháp không, ấy là cạn; hoặc có khi nói thế gian pháp tức đồng Niết bàn ấy là sâu. Các pháp sắc v.v.... tức là Phật pháp, người nghe, nghe nói tâm tin lời Phật, còn trí tuệ mình không hiểu kịp nên nói là thậm thâm. Ví như nưóc sông có chỗ xoáy sâu, có chỗ cạn.
Hỏi: Cái pháp của chư thiên tán thán thậm thâm đó, hết thảy thế gian không thể tin được, cần gì nói ra?
Ðáp: Chư "hết thảy" có hai thứ: 1. Danh tự hết thảy; 2. Thật "hết thảy". Như trong đây nói, là danh tự hết thảy, vì nhiều người không tin nên nói hết thảy. Còn nói bậc có Trí Vi Diệu Tịch Diệt mới có thể biết, vì bậc trí chắc chắn có tin, sau mới biết.
* Lại nữa, Bát nhã ba la mật ấy chỉ Phật biết được còn chúng sanh nghe nói mà tin, điều ấy trong đây không gọi là tin, có trí tuệ biết rồi mới gọi là tin.
Hỏi: Nếu như vậy cớ sao nói bậc Trí vi diệu có thể biết được?
Ðáp: Hết thảy thế gian không thể biết cùng khắp, Trí của chư Phật, chỉ người có Trí Tịch Diệt mới biết phần ít. Như Tu đà hoàn đối với đạo vô thượng được phần ít, đó là dứt ba kiết. Các đạo quả như vậy triển chuyển thêm nhiều. Nếu thế gian hoàn toàn không có người tin thời làm sao có các đạo? Vì lẽ ấy nên nói bậc Trí Tịch Diệt có thể biết được. Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức là Bát nhã chỉ khác nhau về danh tự gọi; ở trong tâm Bồ tát gọi là Bát nhã, ở trong tâm Phật gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Trong đây nói sắc pháp v.v... tức là Nhất thiết trí, Nhất thiết trí tức là sắc pháp v.v... Trong đây nói sắc pháp như, Nhất thiết trí như không hai không khác. Phật chấp nhận ý của các Thiên tử, lại nói nhân duyên, như tướng chân thật của các Thiên tử, lại nói nhân duyên, như tướng chân thật của các pháp danh, sắc v.v... Thí như trừ bỏ cung điện và các nhà xấu xí, như đốt cháy hết chiên đàn và gỗ tạp, thời trống ở các nơi đó không có khác nhau; Các pháp, sắc, và Nhất thiết trí, tìm thật tướng của nó thấy đều là như. Vì nghĩa ấy nên lúc Phật mới thành đạo, tâm ưa vắng lặng, không ưa thuyết pháp, vì biết pháp thậm thâm, kẻ phàm phu khó ngộ.
* Lại nữa, pháp ấy không có hai nên thậm thâm, như hư không nên thậm thâm, vì như, pháp tánh thậm thâm nên thậm thâm.
Bấy giờ. các Thiên tử biết pháp ấy không có tướng có thể chấp thủ, bạch Phật rằng: "Pháp được nói ấy, hết thảy thế gian không thể tin, pháp ấy không vì lảnh thọ sắc v.v... nên nói". Phật chấp nhận lời đó, nếu có Bồ tát vì lảnh thọ sắc v.v... nên hành Bồ tát đạo, thời không thể tu các công đức Bát nhã ba la mật.
Tu bồ đề bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn, tướng Bát nhã ba la mật ấy thuận theo hết thảy pháp không có gì chướng ngại, vì cớ sao? Vì đối với Bát nhã ba la mật cũng không chấp trước. Nói lý do không chướng ngại vì là như hư không. Ví như trong vách, trưóc có tướng trống không, trẻ nhỏ dùng que xoi, vì sức ít nên không vào được, người có sức lớn có thể vào. Hành giả cũng như vậy, trong các pháp sắc v.v... tự có tướng như thật, vì sức trí tuệ ít không thể khiến nó không. Bạc Ðại trí thời có thể biết. Thế nên nói các pháp không chướng ngại, như hư không bình đẳng. Sắc pháp v.v... chẳng sanh cũng chẳng có thể nắm bắt được, thế nên gọi là bất sanh. Chẳng phải chỉ có sắc pháp bất sanh, nếu pháp bất sanh mà có thể nắm bắt được thời chẳng phải rốt ráo không, chẳng phải là không chướng ngại. Không nơi chốn cũng như vậy.
Bấy giờ các Thiên tử bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Tu bồ đề tùy thuận Phật sanh, vì cớ sao? Vì điều Tu bồ đề biết, Tu bồ đề nói đều hợp không.
* Lại nữa, Kinh nói có ba loại con: 1. Là con không tùy thuận sanh ra; 2. Là con tùy thuận sanh ra; 3. Là con thắng sanh. Người đời đều ước muốn hai loại con là con tùy thuận sanh và thắng sanh. Trong Phật pháp chỉ muốn một loại con là con tùy thuận sanh, vì không có đứa con nào hơn Phật. Con Phật có 5 hạng: - đều từ miệng Phật sanh, từ pháp Phật sanh đó là: Tu đà hoàn cho đến A la hán và Bồ tát đã vào chánh vị.
Bích chi Phật tuy có nhân duyên từng gieo giống trong Phật pháp, lúc không có Phật tự mình có thể đắc đạo, nên không được nói từ miệng Phật sanh, vì nhân duyên gieo giống xa xôi như vậy.
Các người sắp hết lậu hoặc hạng tùy thuận. Tu bồ đề đối với các lậu hoặc sạch hết, thường ưa rốt ráo không, ấy là tùy thuận sanh, vì cớ sao? Vì pháp sở hành không thể phá hoại như hư không. Phật pháp tướng như vậy, ấy gọi là tùy thuận Phật sanh.
Hỏi: Vì sao không nói hàng Bồ tát vào pháp vị là tùy thuận Phật sanh?
Ðáp: Có người nói vì lậu hoặc chưa sạch hết nên không nói. Vì Tu bồ đề lậu hoặc đã sạch hết nên nói. Có người nói người vào Vô dư Niết bàn là thanh tịnh đệ nhất, thân cuối cùng của bậc A la hán ở vào Hữu dư y Niết bàn, gần cửa Vô dư Niết bàn nên nói; Bồ tát tuy có trí tuệ sâu xa, sắc bén, nhưng còn qua lại trong sanh tử, cho nên không nói. Có người nói Bát nhã có hai: 1. Là chỉ nói cho hàng Bồ tát; 2. Là nói chung cho cả ba thừa. Trong sự nói chung cho Thanh văn, Tu bồ đề là tùy thuận Phật sanh; chỉ trong khi nói cho hàng Bồ tát thì không nói Tu bồ đề là tùy thuận Phật sanh, vì cớ sao? Hàng đại Bồ tát pháp tánh sanh thân, trong ấy không có thân kiết nghiệp sanh, chỉ có thân biến hoá sanh. Dứt ba độc, ra khỏi ba cõi, giáo hoá chúng sanh, nghiêm tịnh Phật độ, nên ở trong thế gian trong đó hoàn toàn không có hạng Thanh văn. Tâm Phật đại từ bi, tâm Bồ tát cũng như vậy ấy gọi là Bồ tát tùy thuận sanh.Tu bồ đề, chỉ thủ lấy Niết bàn nên không nói là thuận sanh. Kinh này nói chung cho cả hai thừa. Tu bồ đề, biết Bát nhã ba la mật rất sâu thẳm, lực của Bồ tát pháp tánh sanh thân lớn, chư thiên tuy tán thán, không nên lảnh thọ, nói với chư thiên rằng: Các pháp tướng "như " đó là vô tướng, vì nhân duyên ấy tùy thuận Phật sanh, vì "như " ấy không sai khác. Như trong kinh nói: "Như ", Như lai như tướng, không đến không đi. Tu bồ đề, Như tướng cũng không đến không đi.
* Lại nữa, Như Lai như rốt ráo không, hết thảy pháp như cũng rốt ráo không. Trong hết thảy pháp "như " thu nhiếp Tu bồ đề như, thế nên Tu bồ đề dùng Như Lai như, nên tùy thuận Phật sanh.
* Lại nữa, như Như lai như không có ức tưởng phân biệt, thường trú như hư không Tu bồ đề như cũng như vậy, thế nên Tu bồ đề tùy thuận Phật sanh.
* Lại nữa, như Như lai như được giải thoát vô ngại nên đối với hết thảy pháp không quái ngại, hết thảy pháp "như " cũng như vậy. Ðối hết thảy pháp cũng không quái ngại; Như Lai như, hết thảy pháp như nhất như không sai khác. Tu bồ đề như cũng vào hết thảy pháp như, do vậy nên tùy thuận Phật sanh.
* Lại nữa, các pháp như tướng là không làm, không có người làm, Như Lai như tướng cũng như vậy; Tu bồ đề như, vì thu nhiếp vào hết thảy pháp như nên tùy thuận Phật sanh.
* Lại nữa, như Như Lai như tướng, ở hết thảy chỗ thường không có ức tưởng phân biệt. Tu bồ đề như thu nhiếp vào hết thảy pháp như, nên tùy thuận Phật sanh.
* Lại nữa, Như Lai như tướng, không lìa hết thảy pháp như. Chính quán hết thảy pháp gọi là Phật. Hết thảy pháp là nhân duyên, Phật là quả báo, thế nên nói Như Lai như không lìa hết thảy pháp như. Như ấy rất thật nên thường như, không có lúc nào chẳng như. Tu bồ đề như cũng như vậy, vì không khác, nên thuận Phật sanh, cũng không có pháp có thể tùy thuận.
* Lại nữa, Như lai như tướng không có ức tưởng phân biệt, vượt quá ba đời, hết thảy pháp như cũng như vậy; Tu bồ đề như cũng vượt quá ba đời, thế nên tùy thuận Phật sanh.
* Lại nữa, Như lai như chẳng ở trong quá khứ như , vì cớ sao? Vì Như Lai không, quá khứ cũng rốt ráo không, thế nên "không" không trú ở trong không, thí như hư không không trú trong hư không. Vị lai, hiện tại cũng như vậy. Ba đời như, Như Lai như không hai không phân biệt là ba đời như, không, vô tướng, vô sanh, vô diệt, Như Lai như cũng như vậy. Ba đời như không chướng ngại, như đời quá khứ, không cùng không biên giới, đời vị lai cũng không cùng không biên giới, đời hiện tại cũng không cùng không biên giới. Như Lai như cũng như vậy. Ba đời, mười phương ấy không chướng ngại, không biên giới. Tu bồ đề như cũng như vậy. Lại nữa năm uẩn như cho đến Nhất thiết chủng trí như, Như lai như không hai không khác, vì cớ sao? Vì các pháp sắc v.v... hoà hợp nên có Như Lai. Như lai như vậy không được nói chỉ là sắc pháp, cũng không được nói lìa sắc pháp, cũng không được nói là sắc pháp ở trong Như Lai, cũng không được nói Như Lai ở trong sắc pháp, cũng không được nói sắc pháp ... thuộc Như Lai, cũng không được nói không có Như Lai; trong năm uẩn sắc v.v... giả gọi là Như lai. Như Lai "như " tức là hết thảy pháp như, thế nên nói sắc pháp như ... và Như Lai như không hai không khác. Người phàm phu thấy có hai có khác, thánh nhân quán chiếu không hai không khác, thánh nhân có thể tin điều của người phàm phu không thấy không thể tin. Phật nói với Tu bồ đề ấy gọi là "như ", Phật nhơn "như " ấy nên gọi là Như Lai. Như Lai là như thật mà đi đến trong Phật pháp. Trong khi thuyết về"như " ấy quả đất chấn động sáu cách, như trên đã nói.
KINH: Khi ấy, các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc dùng bột hương chiên đàn của cõi trời rải lên trên Phật và Tu bồ đề, bạch Phật rằng: "Chưa từng có, Thế Tôn! Tu bồ đề do Như Lai như, tùy thuận Phật sanh". Tu bồ đề lại vì các Thiên tử nói rằng: "Này các Thiên tử, Tu bồ đề không từ nơi sắc tùy thuận Phật sanh, cũng không từ nơi sắc như tùy thuận Phật sanh, không lìa sắc tùy thuận Phật sanh, cũng không lìa sắc như tùy thuận Phật sanh. Tu bồ đề không từ nơi thọ, tưởng, hành, thức tùy thuận Phật sanh cũng không từ nơi thọ, tưởng, hành, thức "như " tùy thuận Phật sanh; không lìa thọ, tưỏng, hành, thức tùy thuận Phật sanh, cũng không lìa nơi thọ, tưởng, hành, thức như tùy thuận Phật sanh. Cho đến không từ nơi Nhất thiết chủng trí tùy thuận Phật sanh, cũng không tư nơi Nhất thiết chủng trí "như " tùy thuận Phật sanh; không lìa Nhất thiết chủng trí tùy thuận Phật sanh, cũng không lìa Nhất thiết chủng "như "tùy thuận Phật sanh. Tu bồ đề không từ nơi vô vi tùy thuận Phật sanh, cũng không từ nơi vô vi "như "tùy thuận Phật sanh, không lìa vô vi tùy thuận Phật sanh, cũng không lìa vô vi như tùy thuận Phật sanh. Vì cớ sao? Vì hết thảy pháp đều không có gì của chính nó, không thể nắm bắt, không có kẻ tùy sanh, cũng không có pháp tùy sanh".
Bấøy giờ, Xá lợi phất bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn, "Như " ấy thật chảng hư dối, pháp tướng, pháp trụ, pháp vị rất sâu thẳm; trong ấy sắc không thể nắm bắt, sắc như không thể thủ đắc, vì cớ sao? Vì sắc còn không thể thủ đắc, huống gì sắc như lại có thể thủ đắc; thọ, tưởng, hành, thức không thể thủ đắc, thọ, tưởng, hành, thức như chẳng thể thủ đắc, vì cớ sao? Vì thọ tưởng, hành, thức còn chẳng thể thủ đắc, huống gì thọ, tưởng, hành, thức như lại có thể thủ đắc cho đến Nhất thiết chủng trí có thể thủ đắc, Nhất thiết chủng trí như chẳng thể thủ đắc, vì cớ sao? Vì Nhất thiết chủng trí còn chẳng thể thủ đắc, huống gì Nhất thiết chủng trí như lại có thể thủ đắc".
Phật bảo Xá lợi phất: "Như vậy, như vậy! Xá lợi phất, "Như " ấy thật không hư dối. Pháp tướng, pháp trụ, pháp vị, rất sâu thẳm, trong ấy sắc chẳng có thể thủ đắc, sắc như chẳng thể thủ đắc, vì cớ sao? Sắc còn chẳng thể thủ đắc, huống gì sắc như lại có thể thủ đắc, cho đến Nhất thiết chủng trí chẳng thể thủ đắc, Nhất thiết chủng trí như chẳng thể thủ đắc, vì cớ sao? Vì nhất thiết chủng trí còn chẳng thể thủ đắc, huống gì Nhất thiết chủng trí như lại có thể thủ đắc.
Trong khi Xá lợi phất nói tướng như ấy, 200 Tỳ kheo không lảnh thọ hết thảy pháp, nên lậu hoặc sạch hết, chứng quả A la hán; 500 Tỳ kheo ni xa lìa trần cấu, được mắt pháp đối với các pháp, được sanh vào hàng thiên nhơn; 5 ngàn Bồ tát ma ha tát được vô sanh pháp nhẫn; 6 ngàn Bồ tát đối với các pháp không lảnh thọ nên lậu hoặc sạch hết, tâm được giải thoát thành A la hán. Này Xá lợi phất, sáu ngàn Bồ tát ấy, đời trước từng gặp năm trăm đức Phật thân cận cúng dường, đối với giáo pháp của năm trăm đức Phật, thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định vì không có Bát nhã ba la mật và sức phương tiện, nên tu hành theo tướng khác biệt, nghĩ rằng: Ðây là bố thí, là trì giới, là nhẫn nhục, là tinh tấn, là thiền định, không có Bát nhã ba la mật. Vì không có Bát nhã ba la mật và sức phương tiện, nên bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định hành theo tướng khác biệt. Vì hành theo tướng khác biệt, không được tướng không khác biệt nên không được vào Bồ tát vị, không được vào Bồ tát vị nên chỉ được quả Tu đà hoàn cho đến quả A la hán.
Này Xá lợi phất, Bồ tát ma ha tát tuy có đạo hoặc tu pháp không, hoặc tu pháp vô tướng, hoặc tu pháp vô tác, vì xa lìa Bát nhã ba la mật, và không có sức phương tiện nên liền đối với thực tế tác chứng, chỉ thủ lấy Thanh văn thừa.
Xá lợi phất bạch Phật ràng: "Bạch đức thế Tôn, nhân duyên gì nên đồng tu pháp không, vô tướng, vô tác, mà xa lìa sức phương tiện nên đối với thực tế tác chứng, chỉ thủ lấy Thanh văn thừa? Bồ tát ma ha tát cũng tu pháp không, vô tướng, vô tác, vì có sức phương tiện nên đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác".
Phật bảo Xá lợi phất: " Có Bồ tát xa lìa tâm Nhất thiết trí, tu pháp không, vô tướng, vô tác, vì không có sức phương tiện, nên chỉ thủ chứng Thanh văn thừa. Này Xá lợi phất, lại có Bồ tát ma ha tát không xa lìa tâm Nhất thiết chủng trí tu pháp không, vô tướng, vô tác, vì có sức phương tiện nên vào Bồ tát vị, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Xá lợi phất, ví như có loài chim thân dài trăm do tuần, hoặc hai trăm, ba trăm, do tuần mà không có cánh, từ cõi trời Ba mươi ba, tự sa xuống Diêm phù đề. Này Xá lợi phất, ý ông nghĩ sao, loài chim ấy đang ở giữa đưòng nghĩ rằng: Muốn trở lại trên cõi trời Ba mươi ba, có thể trở lại được không? Thưa không, Bạch đức Thế Tôn. này Xá lợi phất, loài chim ấy lại mong rằng khi đến Diêm phù đề muốn thân không bị đau, không bức não. này Xá lợi phất, ý ông nghĩ sao? Loài chim ấy có được thân không bị đau, không bị bức não chăng? Xá lợi phất thưa: Thưa không, bạch đức Thế Tôn, loài chim ấy khi đến đất, hoặc đau, hoạc bị bức não, hoặc chết, hoặc khổ gần chết, vì cớ sao? Bạch đức Thế Tôn, vì loài chim ấy lớn mà không có cánh.
Này Xá lợi phất, Bồ tát ma ha tát cũng như vậy, tuy trải nhiều kiếp như số cát sông Hằng, tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, phát khởi đại sự, sanh đại tâm, vì muốn chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lảnh thọ vô lượng thệ nguyện, Bồ tát ấy, vì xa lìa Bát nhã ba la mật và sức phương tiện nên hoặc rơi vào hàng A la hán, hoặc rơi vào Bích chi Phật đạo, vì cớ sao? Vì Bồ tát ấy xa lìa tâm Nhất thiết trí, tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, vì không có Bát nhã ba la mật và sức phương tiện, nên rơi vào Thanh văn địa hoặc Bích chi Phật đạo.
Này Xá lợi phất, Bồ tát ma ha tát tuy tưởng niệm đến việc trì giới, thiền định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, mà chấp thủ tướng thọ trì, nên người ấy không biết, không hiểu giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của chư Phật, chỉ nghe âm thanh, danh tự, nói về không, vô tướng, vô tác, mà chấp thủ âm thanh, danh tự mà hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu Bồ tát ma ha tát hồi hướng như vậy, thời chỉ trụ trong Thanh văn, Bích chi Phật địa không thể quá hơn, vì cớ sao? Vì xa lìa Bát nhã ba la mật và sức phương tiện, đem các thiện căn hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Xá lợi phất, có Bồ tát ma ha tát từ khi mới phát tâm lại đây, không xa lìa tâm Nhất thiết trí, thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, vì không xa lìa Bát nhã ba la mật và sức phương tiện, nên không chấp thủ tướng đối với giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của chư Phật quá khứ,vị lai, hiện tại, không chấp thủ tướng không giải thoát môn. Không chấp thủ tướng vô tướng, vô tác giải thoát môn. này Xá lợi phất, nên biết Bồ tát ma ha tát ấy không rơi vào Thanh văn, Bích chi Phật đạo, mà đi thẳng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì cớ sao? Vì Bồ tát ma ha tát ấy từ khi mới phát tâm lại đây, thực hành bố thí mà không thủ tướng, thực hành trì giói, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, mà không chấp thủ tướng, đối với giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, không chấp thủ tướng. này Xá lợi phất, ấy gọi là Bồ tát có sức phương tiện vì tâm lìa tướng mà hành bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, cho đến vì tâm lìa tướng mà hành Nhất thiết chủng trí.
Xá lợi phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, như con hiểu nghĩa của Phật nói, nếu Bồ tát ma ha tát không xa lìa Bát nhã ba la mật và sức phương tiện, nên biết Bồ tát ấy đã gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì cớ sao? Vì Bồ tát ma ha tát ấy từ khi mới phát tâm lại đây, không có pháp hoặc sắc, hoặc thọ, tưỏng, hành, thức cho đến Nhất thiết chủng trí có thể biết. Bạch đức Thế Tôn, có thiện nam tử, thiện nữ nhơn cầu Bồ tát đạo mà xa lìa Bát nhã ba la mật và sức phương tiện, nên hiểu người ấy đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hoặc được hoạc chẳng được, vì cớ sao? Bạch đức thế Tôn, thiện nam tử, thiện nữ nhơn cầu Bồ tát đạo ấy có làm việc bố thí đều chấp thủ tướng, có trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, đều chấp thủ tướng. Vì thế nên thiện nam tử, thiện nữ nhơn ấy đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là bất định.
Bạch đức Thế tôn, do nhân duyên ấy, nên Bồ tát ma ha tát muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không nên xa lìa Bát nhã ba la mật và sức phương tiện. Bồ tát ma ha tát an trú trong Bát nhã ba la mật và sức phương tiện, nên dùng tâm vô đắc, vô tướng, tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, cho đến dùng tâm vô đắc, vô tướng tu Nhất thiết chủng trí.
LUẬN: Các thiên tử vui mừng lấy bột chiên đàn rải lên trên Phật và Tu bồ đề, tán thán rằng: Hy hữu, Thế Tôn! Tu bồ đề do Như Lai "như " tùy thuận Phật sanh. Ý các thiên tử cho rằng: Tu bồ đề có sức trí tuệ nên khiến cho hết thảy pháp đều như Phật pháp, thế nên nói tùy thuận Phật sanh. Tu bồ đề biết tâm các Thiên tử, ít qúy chuộng các pháp "như " ấy nên Tu bồ đề muốn dứt tâm các Thiên tử nên nói: Tướng "như " ấy rốt ráo không, dùng bốn cấp phá tâm chấp trước "như " là:
Tu bồ đề chaàu7843?ng ở trong sắc;chẳng ỏ trong sắc như; không do sắc, không do sắc như; không lìa sắc, không lìa sắc như, tùy thuận chúng sanh.
Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Pháp ấy đều không, không thể thủ đắc.
Xá lợi phất thưa: Bạch đức Thế Tôn, "Như " ấy rất sâu thẳm, trong "như " ấy chỉ sắc pháp còn không thể thủ đắc, huống gì sắc pháp "như " lại có thể thủ đắc.
Hỏi: thế nào là sắc pháp? thế nào là sắc pháp như?
Ðáp: Sắc pháp là các pháp của mắt thấy v.v...; "như " là thật tướng không hư dối của sắc pháp. Người đối với sắc pháp như, vì mê lầm nên hoặc khởi lên nghiệp bất thiện, bị sa vào đường ác, hoặc khởi lên nghiệp thiện đưọc sanh vào cõi người, cõi trời cuối cùng trở về tiêu diệt, trở lại sanh ra các khổ; hoặc khởi lên nghiệp vô lậu, đáng lẽ cầu lợi ích lớn nhưng lại thủ lấy Tiểu thừa, không được tướng rốt ráo thanh tịnh "như ". Sắc pháp v.v... đều là pháp tạo tác, hữu vi hư vọng, từ điên đảo sanh, là nơi ức tưởng phân biệt hiện hành của kẻ phàm phu, thế nên sắc pháp v.v... hư vọng chẳng tức là "như '. Biết sắc pháp như thật v.v... nên tức là "như ", nhơn nơi sắc pháp v.v... nên được gọi là "như ", thế nên nói không lìa sắc pháp được "như ". Sắc pháp nhập vào "như " đều nhất tướng, không hai không khác. thế nên Tu bồ đề khiêm tốn nói ràng: Chẳng phải chỉ riêng tôi tùy thuận Phật sanh, hết thảy pháp cũng tướng như vậy. Xá lợi phất tán thán lời nói của Tu bồ đề. Sắc pháp cũng rốt ráo không, huống gì "như " ? Nhơn còn không, huống gì quả. Nghe tướng "như " thậm thâm như vậy, chúng sanh đều được lợi ích của đạo.
Hỏi: Bát nhã ba la mật ấy, vì hàng Bồ tát mà nói, cớ sao sáu ngàn người thành A la hán đạo?
Ðáp: Phật biết chắc chắn có người vấn nạn, nên vì Xá lợi phất nói nhân duyên: Người ấy không có Bát nhã ba la mật, không có sức phương tiện, quá khứ làm công đức, vì không có sức phương tiện nên tà hạnh bất chánh. người ấy vì xa lìa Bát nhã ba la mật, đắm sâu thiện pháp, nay theo Phật, nghe nói Bát nhã ba la mật rất nhàm chán thế gian, vì tâm từ bi mỏng, nên chỉ cầu tự lợi, không lảnh thọ hết thảy pháp, tức chỉ đắc A la hán, chứ đối với Bát nhã ba la mật không có lỗi. Như người cầm đồ đi đến biển múc nước, tùy theo đồ lớn nhỏ, mỗi người tự lấy vừa đủ.
Hỏi: Như kinh nói sáu ngàn Bồ tát, vì không có Bát nhã ba la mật và sức phương tiện, nên thực hành năm Ba la mật, không được pháp vô phân biệt nên chỉ thành A la hán. nếu hết thảy thánh nhân đều được pháp vô vi, pháp vô vi tức là vô phân biệt, cớ gì trong đây nói không được pháp vô phân biệt, chỉ thành A la hán?
Ðáp: Chẳng phải nói lúc nghe pháp ở đời nay cho đến quá khứ năm trăm đời, không được Bát nhã và phương tiện mà tu tập công đức năm Ba la mật, vì thế nên nói không được vô phân biệt. Mất năm căn tín, tấn v.v... của Bồ tát, vì mất năm căn tín, tấn v.v... của Bồ tát nên tuy nghe Bát nhã mà không được như Bồ tát nghe, tác chứng đối với thực tế.
hỏi: Ðồng tu không, vô tướng, vô tác cớ gì một người thành Phật, một người thành A la hán?
Ðáp: Tuy có các nhân duyên mà nhân duyên lớn thành A la hán là vì xa lìa tâm Nhất thiết trí mà tu hành không, vô tướng, vô tác.
Loài chim lớn là loài chim cánh vàng ở cõi trời, cũng giống như chim sẽ ở cõi người. Chim ấy lý do không đến là vì nó ăn rồng, cánh phát ra gió độc, quạt làm cho mắt rồng mù đi. Chim ấy khi mới ra khỏi trứng, lông cánh chưa đủ, muốn bay đi liền bị rớt, giữa đường tâm hối hận: Ta chưa nên bay, muốn trở lại trên trời, leo trèo cây Xá ma lê. Chim ấy thân lớn, lông cánh chưa đủ, không thể cất nổi thân. Thân chim là ví dụ thân Bồ tát. Lớn là đời đời chứa nhóm rộng rãi công đức năm ba la mật. Không có hai cánh là không có Bát nhã ba la mật, không có sức phương tiện. núi Tu di là ví cho ba cõi. Hư không là ví vô lượng Phật pháp. Chưa nên bay mà bay là công đức Bồ tát ấy chưa thành tựu viên mãn, muốn thực hành ba môn giải thoát của Bồ tát, muốn đi dạo giữa hư không Phật pháp nhưng tự bị thối mất, tâm ấy tuy ước muốn thành Phật mà không thể được.
Hoặc chết là ví A la hán đạo; hoặc gần như chết là ví như Bích chi Phật đạo; hoặc đau, hoặc bị bức não là ví công đức bổn nguyện của Bồ tát. Phật tự kết bằng câu: cho đến nên trụ trong tâm vô đắc vô tướng, làm việc bố thí.
KINH: Bấy giờ các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thật khó được, vì cớ sao? Vì Bồ tát ma ha tát ấy nên biết hết thảy các pháp rồi mới được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mà pháp ấy cũng không thể thủ đắc".
Phật dạy: "Như vậy, như vậy! này các Thiên tử, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thật khó được, Ta cũng ngộ được nhất thiết pháp, Nhất thiết chủng trí rồi mới được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có gì được, không có cái biết, không có cái có thể biết, cũng không người biết, vì cớ sao? Vì các pháp rốt ráo thanh tịnh.
Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, như lời Phật dạy, Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề thật khó được; như tôi hiểu nghĩa của Phật nói, tâm tôi suy nghĩ, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ấy dễ được, vì cớ sao? Vì không có người được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp khả đắc. Hết thảy pháp, hết thảy pháp tướng không, không có pháp khả đắc, không có người năng đắc, vì cớ sao? Vì hết thảy pháp không, cũng không có pháp khả tăng, cũng không có pháp khả giảm, nghĩa là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, cho đến Nhất thiết chủng trí, pháp ấy đều không có cái khả đắc không có người đắc. Bạch đức Thế Tôn, vì nhân duyên ấy nên ý tôi cho rằng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là dễ được, vì cớ sao? Bạch đức Thế Tôn, Sắc, sắc tướng không; thọ, tưởng, hành, thức, thức tướng không, cho đến Nhất thiết chủng trí, Nhất thiết chủng trí tướng không.
Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: Nếu hết thảy pháp "không" ví như hư không, hư không không thể khởi niệm rằng: Ta sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu Bồ tát ma ha tát tin, hiểu hết thảy pháp không ví như hư không, thế là Vô thượng Chánh đẳng chánh giác dễ được, sao nay hằng hà sa Bồ tát ma ha tát cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác bị thoái thất? Này Tu bồ đề, vì thế nên biết Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không dễ được.
Tu bồ đề nói với Xá lợi phất: "Ý ông nghĩ sao, sắc đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất chăng? Xá lợi phất thưa: Không.
Thọ, tưởng, hành, thức, đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất chăng? Xá lợi phất thưa: Không.
Cho đến Nhất thiết chủng trí đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất chăng? Xá lợi phất thưa: Không.
Lìa sắc có pháp đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất chăng? Xá lợi phất thưa : Không.
Lìa thọ, tưởng, hành, thức, có pháp đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất chăng? Xá lợi phất thưa: Không.
Cho đến lìa Nhất thiết chủng trí, có pháp dối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất chăng? Xá lợi phất thưa: Không.
Này Xá lợi phất, ý ông nghĩ sao, sắc như tướng đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất chăng? Xá lợi phất thưa: Không.
Thọ, tưởng, hành, thức như tướng cho đến Nhất thiết chủng trí như tướng, đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất chăng? Xá lợi phất thưa: Không.
Lìa sắc như tướng, có pháp đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất chăng? Xá lợi phất thưa: Không.
Lìa thọ, tưởng, hành, thức như tướng, cho đến lìa Nhất thiết chủng trí như tướng, có pháp đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất chăng? Xá lợi phất thưa: Không.
Này Xá lợi phất, ý ông nghĩ sao, "như " đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất chăng? Xá lợi phất thưa: Không.
Pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, thật tế, tánh bất khả tư nghì, đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất chăng? Xá lợi phất thưa: Không.
Này Xá lợi phất , ý ông nghĩ sao, lìa "như ' có pháp đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất chăng? Xá lợi phất thưa: Không.
Lìa pháp tánh, pháp tru, pháp vị, thật tế, tánh bất khả tư nghì, có pháp đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất chăng? Xá lợi phất thưa: Không.
Tu bồ đề nói với Xá lợi phất: "Các pháp rốt ráo không thể thủ đắc, vậy những pháp gì đối với pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất?
Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: "Như lời Tu bồ đề nói trong pháp nhẫn ấy không có Bồ tát đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thoái thất. Nếu không thoái thất, Phật nói người cầu đạo có ba hạng: A la hán đạo, Bích chi Phật đạo, Phật đạo; ba hạng ấy là không phân biệt, như Tu bồ đề nói chỉ có một hạng Bồ tát cầu Phật đạo.
Khi ấy, Phú lâu na di đa la ni tử nói vói Xá lợi phất rằng: Hãy nên hỏi Tu bồ đề: Chỉ có một Bồ tát thừa chăng? Bấy giờ Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Tu bồ đề muốn nói có một Bồ tát thừa chăng? Tu bồ đề nói với Xá lợi phất: Ðối với trong các pháp "như " muốn khiến có ba hạng người là Thanh văn thừa, Bích chi Phật thừa, Phật thừa ư? Xá lợi phất nói không.
Này Xá lợi phất, trong ba thừa phân biệt có "như ", có thể thủ đắc chăng? Xá lợi phất nói: Không.
Này Xá lợi phất, "Như " ấy hoặc có một tướng, hai tướng, hoặc ba tướng chăng? Xá lợi phất nói: Không.
Này Xá lợi phất, ngươi muốn ở trong "như " cho đến có một Bồ tát chăng? Xá lợi phất nói: Không.
Như vậy trong bốn cách trên, người ba thừa là không thể có được. Này Xá lợi phất, tại sao nghĩ rằng: Ðây là người cầu Thanh văn thừa, đây là người cầu Bích chi Phật thừa, đây là người cầu Phật thừa. Này Xá lợi phất, Bồ tát ma ha tát nghe nói tướng "như " của các pháp tâm không kinh hãi, không thối mất, không hối hận, không nghi ngờ, ấy gọi là Bồ tát ma ha tát, có thể thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ Phật tán thán Tu bồ đề rằng: Lành thay, lành thay! Tu bồ đề, điều của ông nói đều là nhờ Phật lực. Này Tu bồ đề, nếu Bồ tát ma ha tát nghe nói "như " ấy không có các pháp sai biệt, tâm không kinh, không sợ, không hãi, không khó khăn, không thối mất, không hối hận, nên biết Bồ tát ấy có thể thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.
Xá lợi phất bạch Phật rằng: Thành tựu Bồ đề gì? Phật dạy: Thành tựu Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.
LUẬN: Bấy giờ các Thiên tử suy nghĩ bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác khó được, vì cớ sao? Vì hết thảy pháp rốt ráo không, mà Bồ tát cầu Phật đạo, tu tập quán hạnh, thành Phật độ chúng sanh, pháp ấy cũng không thể có được. Phật chấp nhận lời ấy, tự mình làm chứng. Ta ngồi ở đạo tràng, dùng đủ mọi cách ngộ được hết thảy pháp, cũng không có tướng nhất định có thể được.
Tu bồ đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, theo ý con, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác dễ được, vì hết thảy pháp rốt ráo thường không, trong ấy không có người được, không có pháp có thể có được, không chướng, không ngại, không có gì tu, không có gì đoạn.
Bấy giờ Xá lợi phất hỏi: Nếu Phật đạo dễ được, cớ sao hằng hà sa vô lượng Bồ tát cầu Phật đạo mà chỉ hoặc một, hoặc hai được thành Phật, còn người khác đều thoái thất. Tu bồ đề đáp Xá lợi phất: Sắc thối thất đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? Thọ, tưởng, hành, thức cho đến Nhất thiết chủng trí thối thất chăng? Ðáp: Không, vì cớ sao? Vì sắc pháp rốt ráo không, không có thối thất, sắc pháp "như " không có hai tướng, cũng không phân biệt nên không thối thất. Lìa sắc pháp lại có pháp thối thất chăng? Ðáp: lìa sắc pháp lại không có pháp nên đáp không. Lìa sắc pháp "như " lại có pháp thối thất chăng? Ðáp: "Như " phá sắc pháp rồi, "như " cũng tự không, thế nên đáp không. Pháp tánh, pháp trụ, pháp vị cho đến tánh bất khả tư nghì cũng như vậy.
Tu bồ đề nói với Xá lợi phất: nếu pháp không có thối thất, cớ gì nói Bồ tát nhiều như cát sông hằng thối thất?
Xá lợi phất đáp: Như lời Tu bồ đề nói, trong pháp nhẫn thời không có thối thất. Pháp nhẫn là pháp môn, pháp tu, pháp hành. Vào trong pháp môn của Tu bồ đề nói, thời không thối thất, ra khỏi pháp môn ấy thời có thối thất. Xá lợi phất tuy chấp nhận lời Tu bồ đề nói cũng tự dẫn Phật pháp để vấn nạn: Nếu không ai thối thất thời sẽ đều thành Phật hết, cớ sao lại nói ba thừa? Tu bồ đề dùng bốn câu "như tướng" để phá ba thừa.
Phạt tán thán Tu bồ đề: Lành thay, lành thay, nếu Bồ tát nghe trong "như " không có ba thừa phân biệt mà không sợ hãi, Bồ tát ấy tức có thể thành Vô thượng đạo.
Hỏi: Nếu Phật nói Bồ tát thành Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, cớ gì Xá lợi phất hỏi thành tựu Bồ đề gì?
Ðáp: Mỗi mỗi đều có Vô thượng, Xá lợi phất nghi nên hỏi đạo gì vô thượng? Ðáp: Ðại thừa vô thượng. Lại nữa, Tu bồ đề dùng trí tuệ về rốt ráo không, phá tâm chấp trước ba thừa. Phật tán thán: Lành thay, lành thay! Tu bồ đề nói: Bồ tát nghe điều ấy tâm không thối mất, không sợ hãi, thời có thể tthành tựu Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Xá lợi phất hỏi: Bồ đề của ba thừa không có tướng nhất định nay nói thành tựu Bồ đề, là thành tựu Bồ đề gì? Phật dạy: Thành tựu Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Nếu vào cửa rốt ráo không, thời hết thảy pháp đều nhất tướng, nếu ra khỏi rốt ráo không thời có ba thừa sai khác. Nay Phật phân biệt các pháp nên nói có thượng, trung, hạ thừa, chứ không vì rốt ráo "không" mà nói.
KINH: Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu Bồ tát ma ha tát muốn thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên tu hành thế nào?
Phật dạy: Nên khởi tâm bình đẳng, cũng nói với hết thảy chúng sanh với tâm bình đẳng không có thiên lệch; khởi tâm đại từ bi đối với hết thảy chúng sanh, cũng nói với chúng sanh với tâm đại từ; ý khiêm tốn đối với hết thảy chúng sanh, cũng nói với chúng sanh với ý khiêm tốn; nên sanh tâm an ổn đối với hết thảy chúng sanh, cũng nói với chúng sanh với tâm an ổn; nên sanh tâm vô ngại đối với hết thảy chúng sanh, cũng nói với chúng sanh với tâm vô ngại; nên tâm không bức não đối với hết thảy chúng sanh, cũng nói với chúng sanh với tâm không bức não; nên sanh tâm ái kính đối với hết thảy chúng sanh như cha, như mẹ, như anh, như em, như chị, như em gái, như con, như thân tộc, tri thức, cũng nói với chúng sanh bằng tâm ái kính.
Bồ tát ma ha tát ấy, nên tự mình không sát sanh, cũng dạy người khác không sát sanh, tán thán việc không sát sanh, hoan hỷ, tán thán những người không sát sanh, cho đến tự mình hành hạnh không tà kiến, cũng dạy người khác không hành hạnh tà kiến, tán thán việc không tà kiến, hoan hỷ tán thán những người không tà kiến. Như vậy, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát muốn thành tựuVô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên tu hành như vậy.
* Lại nữa, Tu bồ đề, Bồ tát ma hát muốn thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên tu Sơ thiền cũng dạy người khác tu Sơ thiền, tán thán việc tu Sơ thiền, hoan hỷ, tán thán người tu Sơ thiền; Nhị thiền, Tam thiền; Tứ thiền cũng như vậy.
* Lại nữa, Tu bồ đề, Bồ tát ma ha tát muốn thành tựuVô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên tu từ tâm, cũng dạy người khác tu từ tâm, tán thán việc tu từ tâm, hoan hỷ tán thán người tu từ tâm, từ bi, hỷ, xả tâm cũng như vậy.
Tự mình tu hành hư không xứ định, cũng dạy người khác tu hư không xứ định, tán thán việc tu hư không xứ định, hoan hỷ tán thán người tu hư không xứ định; thức xứ định, vô sở hữu xứ định, phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ định cũng như vậy. Tự mình đầy đủ Bố thí ba la mật cũng dạy người đầy đủ Bố thí, tán thán việc đầy đủ Bố thí, hoan hỷ tán thán người đầy đủ Bố thí ba la mật; giới, nhẫn, tấn, thiền, Bát nhã ba la mật cũng như vậy.
* Lại nữa, Bồ tát ma ha tát muốn thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tự mình tu hành nội không, cũng dạy người khác tu nội không, tán thán việc tu nội không, hoan hỷ tán thán người tu nội không; cho đến tu vô pháp hữu pháp không cũng như vậy. Tự mình tu bốn niệm xứ, cũng dạy người khác tu bốn niệm xứ, tán thán việc tu bốn niệm xứ, hoan hỷ tán thán người tu bốn niệm xứ; cho đến tu bát thánh đạo phần cũng như vậy. Tự mình tu không tam muội, vô tướng, vô tác tam muội, cũng dạy người khác tu không vô tướng, vô tác tam muội, tán thán việc tu không, vô tướng, vô tác tam muội, hoan hỷ tán thán người tu không, vô tướng, vô tác tam muội. Tự mình tu tám bội xả, cũng dạy người khác tu tám bội xả, tán thán việc tu tám bội xả, hoan hỷ tán thán người tu tám bội xả. Tự mình tu chín thứ đệ định, cũng dạy người khác tu chín thứ đệ định, tán thán việc tu chín thứ đệ định, hoan hỷ tán thán người tu chín thứ đệ định. Tự mình đầy đủ mười lực của Phật, cũng dạy người khác đầy đủ mười lực của Phật, hoan hỷ việc đầy đủ mười lực của Phật, hoan hỷ tán thán người đầy đủ mười lực của Phật. Tự mình tu bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, mười tám pháp không chung, đại từ, đại bi, cũng dạy người khác tu bốn điều không sợ cho đến đại từ, đại bi, hoan hỷ tán thán người tu bốn điều không sợ cho đến đại từ đại bi. Tự mình quán nghịch quán thuận mười hai nhân duyên, cũng dạy người khác quán nghịch quán thuận mười hai nhân duyên, tán thán việc quán nghịch quán thuận mười hai nhân duyên, hoan hỷ tán thán người quán nghịch quán thuận mười hai nhân duyên. Tu bồ đề, Bồ tát ma ha tát muốn thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên tu hành như vậy.
* Lại nữa, Tu bồ đề, Bồ tát ma ha tát muốn thành tựu Vô thượng Chánh Chánh giác tự mình nên biết khổ, dứt tập, chứng diệt, tu đạo, cũng dạy người khác biết khổ, dứt tập, chứng diệt, tu đạo, tán thán việc biết khổ, dứt tập, chứng diệt, tu đạo; hoan hỷ tán thán người biết khổ, dứt tập, chứng diệt, tu đạo. Tự mình sanh quả Tu đà hoàn, chứng trí mà không chứng thật tế, cũng dạy người khác đi đến quả Tu đà hoàn, hoan hỷ tán thán người được quả Tu đà hoàn; quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán cũng như vậy. Tự mình sanh Bích chi Phật đạo, chứng biết mà không chứng Bích chi Phật đạo, cũng dạy người khác đi đến Bích chi Phật đạo, tán thán Bích chi Phật đạo, hoan hỷ tán thán người được Bích chi Phật đạo. Tự mình vào Bồ tát vị, cũng dạy người khác vào Bồ tát vị, tán thán việc vào Bồ tát vị, hoan hỷ tán thán người vào Bồ tát vị. Tự mình nghiêm tịnh Phật độ, thành tựu tuệ giác cho chúng sanh, cũng dạy người khác nghiêm tịnh Phật độ, thành tựu tuệ giác cho chúng sanh, hoan hỷ tán thán người nghiêm tịnh Phật độ, thành tựu tuệ giác cho chúng sanh. Tự mình dấy khởi Bồ tát thần thông, cũng dạy người khác dấy khởi thần thông, tán thán việc dấy khởi thần thông, hoan hỷ tán thán người dấy khởi Bồ tát thần thông. Tự mình sanh trí Nhất thiết chủng, cũng dạy người khác sanh trí Nhất thiết chủng, tán thán việc sanh trí Nhất thiết chủng, hoan hỷ tán thán người sanh trí Nhất thiết chủng. Tự mình dứt tập khí, tất cả kiết sử, cũng dạy người khác dứt tập khí tất cả kiết sử, tán thán việc dứt tập khí, tất cả kiết sử, hoan hỷ tán thán người dứt tập khí, tất cả kiết sử. Tu bồ đề, Bồ tát ma ha tát muốn thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên tu hành như vậy.
* Lại nữa, Tu bồ đề, Bồ tát ma ha tát muốn thanh tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tự mình thủ đắc thọ mạng thành tựu, cũng dạy người khác thủ đắc thọ mạng thành tựu, tán thán việc thủ đắc thọ mạng thành tựu, hoan hỷ tán thán người thủ đắc thọ mạng thành tựu. Tự mình thành tựu pháp trụ, cũng dạy người khác cách thành tựu pháp trụ, tán thán việc thành tựu pháp trụ, hoan hỷ tán thán người thành tựu pháp trụ.
Tu bồ đề, Bồ tát ma ha tát muốn thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên tu như vậy, cũng nên như vậy học Bát nhã ba la mật và sức phương tiện. Khi Bồ tát học như vậy, tu như vậy sẽ được sắc vô ngại, được thọ, tưởng, hành thức vô ngại; cho đến được pháp trụ vô ngại, vì cớ ao? Vì Bồ tát ma ha tát ấy từ trước lại đây không lảnh thọ sắc, không lảnh thọ thọ, tưởng, hành, thức cho đến không lảnh thọ trí Nhất thiết chủng, vì cớ sao? Vì sắc không lảnh thọ là chẳng phải sắc, cho đến trí Nhất thiết chủng không lảnh thọ là chẳng phải trí Nhất thiết chủng.
Khi nói phẩm Bồ tát hạnh ấy, hai ngàn Bồ tát được vô sanh pháp nhẫn.
LUẬN: Tu bồ đề hỏi: Bồ tát muốn thành tựu Vô thượng đạo nên tu như thế nào? Phật đáp: Nên khởi tâm bình đẳng, đối với hết thảy chúng sanh không có thiên lệch. Năm uẩn hòa hợp, giả gọi là chúng sanh, như xe, như rừng. Hết thảy chúng sanh là chỉ chung cho cả mười phương, sáu đường không có sót chúng sanh nào. Hết thảy chúng sanh mỗi hạng chia làm ba phần: oán, thân, không oán không thân. Phật dạy: Bồ tát khỏi tâm bình đẳng, đối với hết thảy chúng sanh đều có ý tưởng thân ái, chớ sanh tâm oán hận, chớ sanh tâm không thân không oán.
* Lại nữa, chúng sanh có hai loại: Thương và ghét. Phật dạy: Ðối với hết thảy chúng sanh xa lìa hai tâm ấy, chớ sanh tâm thương ghét và ghét. Thương là tham dục, là tâm phiền não, không nên làm, nên thực hành tâm từ ái. Phép thế gian ái niệm vợ con, trâu ngựa v.v...; và oán ghét ác tặc. Bồ tát chuyển đổi phép thế gian ấy nên thực hành tâm từ ái đối với hết thảy chúng sanh.
* Lại nữa, tâm bình đẳng la Bồ tát sanh pháp lạc đối với hết thảy chúng sanh, muốn khiến họ đều đến với Phật đạo. Bồ tát tự bỏ tâm thương ghét, cũng không chấp trước những chúng sanh đem tâm thương ghét đối với mình. Thế gian có ba hạng ngưòi: Ác; Ðại ác; Ác trung ác; Thiện, Ðại thiện, Thiện trung thiện. Áclànhư người đem việc ác đến với mình, mình đáp lại bằng việc ác. Pháp của chư Phật là tâm bình đẳng đối với chúng sanh, không nên khởi lên ác niệm, huống gì khởi lên thân làm miệng nói; Ðại ác là như không người xâm hại mình mà lại đem việc ác đến với họ; Ác trung ác là như người đem hảo tâm cung cấp, thương nghĩ mình nhưng mình lại đem ác tâm huỷ hại họ, gọi là ác trung ác.Thiện là như người đem việc tốt đối với mình, mình đáp lại bằng việc tốt. Ðại thiện là như người đối với mình không tốt mà mình đem việc tốt lợi ích cho họ.Thiện trung thiện là như người lấy việc ác hại mình mà mình đem việc thiện cho đến đem thân mạng cúng dường họ, ấy gọi là thiện trung thiện. Bồ tát bỏ ba việc ác và vượt trên hai thứ thiện đầu, tu tâm thứ sáu (thiện trung thiện) đối với chúng sanh.
Hỏi: Bồ tát chưa được pháp thân làm sao có thể tu hành tâm ấy?
Ðáp: Bồ tát cầu vô thượng đạo nên tu hành vô thượng pháp, cam chịu khổ hành khó khăn như vậy mới thành vô thượng đạo. Ví như người khách buôn, giữa đường hiểm, chịu đủ mọi thứ khổ mới được lợi lớn.
* Lại nữa, Bồ tát nghe yếu lý của Phật pháp là rốt ráo không, không ta, không của ta, không có thâït pháp nhất định. Những điều thấy, nghe, biết đều là hư dối, như huyễn, như mộng; vì thâm tín pháp ấy nên có thể đem thân mạng cúng dường giặc oán.
* Lại nữa, Bồ tát biết thân này, từ nhân duyên của tội nghiệp phiền não, điên đảo sanh ra, những điều thấy, nghe đều là cội gốc của hư dối, tội cấu. Nếu có người đến muốn hại ta, ta nên hoan hỷ cam chịu, dùng cái thân tệ lậu này mà được cái lợi vô thượng đạo. Vì sao không làm!
* Lại nữa, Bồ tát phát tâm rất yêu thương chúng sanh, vì muốn làm lợi ích cho họ; nên tự lấy thân mình cúng dường oán tặc, muốn khiến chúng sanh bắt chước việc làm của mình. Vì có chúng sanh, thuyết pháp dạy cho họ, không chắc họ tín thọ, nên lấy thân để giáo hoá khiến họ để tín thọ.
* Lại nữa, có nhiều người phát tâm cầu vô thượng đạo, mà thân hành không cân xứng vì thế nên Bồ tát lấy thân giáo hoá, khiến phải kiên tâm làm việc khó làm ấy. Muốn cầu vô thượng đạo nên tu hành điều thiện trung thiện, muốn làm việc khó làm ấy, bấy giờ mới có thể đắùc đạo. Có vô lượng nhân duyên như thế, Bồ tát tự đem thân mình cúng dường oán tặc.
Hỏi: Ðẳng tâm và từ tâm có gì sai khác?
Ðáp: Ðẳng tâm là bốn tâm vô lượng, từ tâm là một trong bốn tâm ấy. Có người nói: Lúc đầu bỏ oán thân ấy là Ðẳng tâm, lúc sau gia thêm niệm thương xót ấy là từ tâm.
* Lại nữa, có người nói: Ðẳng tâm là quán chúng sanh như như, thực tế, pháp tánh, pháp ấy đều là vô vi, vô lượng cho nên gọi là đẳng tâm; ái niệm chúng sanh ấy gọi là từ tâm. Sở dĩ không nói bi tâm vì có bi tâm, hoặc có khi lo nghĩ đến chúng sanh, tích chứa tâm ấy thời tâm bị thối thất, hoặc có chúng sanh không chịu lòng thương của Bồ tát, nói rằng: Cớ gì ông không chịu lo thân mình mà cứ nghĩ đến người khác! Còn từ tâm thì không có việc như ậy, dễ nhiếp hoá chúng sanh, nên chỉ nói từ tâm.
Hỏi: Nếu chúng sanh có ba hạng: Thượng, trung, hạ, Bồ tát chứa nhóm phước đức và trí tuệ nên Bồ tát phải là người lớn, cớ sao nói đối với hết thảy chúng sanh, khởi tâm khiêm nhường?
Ðáp: Bồ tát nghĩ rằng:, hết thảy pháp vô thường, hết thảy chúng sanh thượng, trung, hạ đều trở thành tiêu diệt trong ấy có ai là lớn ai là nhỏ. Người ta vì theo phép đời nên có lớn nhỏ.
* Lại nữa, lớn nhỏ không nhất định, ở nước này cho là lớn, ở nước khác cho là nhỏ; ở đây là lớn, ở kia là nhỏ; như đời nay là kẻ ty tiện, đời sau là vua cõi trời. Do nghiệp nhân duyên như vậy, luân chuyển ở thế gian, sang hèn, lớn nhỏ, không nhất định; như nước lửa sang hèn tùy theo lúc dùng hoặc bỏ không nhất định.
* Lại nữa, Bồ tát tuy có công đức mà biết công đức ấy rốt ráo không, như huyễn, như mộng, không đắm trước công đức ấy, không có chi là lớn nhỏ.
* Lại nữa, trong hết thảy chúng sanh, người có nhân duyên với Phật đạo, chỉ Phật biết được. Bồ tát nghĩ rằng: Nếu ta khinh chê chúng sanh hình mạo, tài năng thấp hèn là ta khinh chê Phật vị lai, nếu khinh chê Phật thì còn ai nữa mà không khinh chê.
* Lại nữa, Bồ tát nghĩ rằng: Ta thề độ hết thảy chúng sanh, nếu chúng sanh không được gì thời ta cô phụ chúng sanh. Thí như người chủ mời khách, thời lẽ đáng cung kính khách mà tự hạ mình, nếu khách không được cúng dường thì chủ sẽ xấu hổ với khách.
* Lại nữa, vì tâm tự đại tự cao thời ưa sanh sân hận, vì kiêu mạn là gốc của sân, sân là gốc của hết thảy trọng tội. Nếu Bồ tát khởi tâm khiêm nhường đối với chúng sanh, thời chúng sanh hoặc mắng hoặc đánh cũng không sân hận. Thí như chủ nhà đánh tớ, tớ không dám sân hận. Nếu Bồ tát tự cao mà chúng sanh khiêm nhường, chúng sanh xâm hại Bồ tát thời tự nhiên nộ nạt sân hận, như tớ đánh chủ thời chủ sân hận nộ nạt. Tâm khiêm nhường có các lợi ích như vậy nên Bồ tát cần thực hành.Tâm an ổn là đưa đến cái vui rốt ráo trong đời nay, đời sau, chứ chẳng phải như cha mẹ, tri thức chỉ cho cái vui đời này. Bồ tát nếu trong khi lấy tâm bình đẳng, tâm từ, tâm khiêm nhường lợi ích chúng sanh, nếu có người không biết ơn đến bức não Bồ tát, không tin việc Bồ tát làm, cho là dối trá, vì cầu danh nên không có thật sự; lại vì ma xui khiến đến bức não Bồ tát, làm việc ác trung ác, không biết ân, Bồ tát tâm bình đẳng đối với các sự ấy thông suốt vô ngại; được tâm vô ngại ấy rồi chúng sanh tuy có tội lớn, lỗi lớn cũng chỉ muốn làm lợi ích cho nó, không sanh tâm ưu não. Thí như người con có hiếu yêu kính cha mẹ, như anh, như em, như chị em, như con trai, con gái không có tâm dâm dục, nhưng sanh tâm ái kính, thương tưỏng. người đời chỉ có thể yêu kính người thân, Bồ tát yêu kính tất cả. Có đưọc hảo tâm, thanh tịnh, mềm mỏng ấy gọi là chúng sanh nhẫn, là cửa ban đầu của pháp nhẫn. Tiếp đến tu hành mười thiện đạo, mười thiện đạo thì có Phật hay không có Phật, thế gian thường có thiện pháp ấy giáo hoá. Bồ tát trước tiên dùng bốn mươi thứ hành, tu hành mười thiện đạo, vì cớ sao? Vì Bồ tát thâm niệm thiện pháp, từ tâm với chúng sanh. Pháp của kẻ phàm phu ly dục có mười hai sự cũng dùng bốn mươi tám hành. Sáu Ba la mật cho đến pháp trụ là khách pháp, có Phật nói thời có Bồ tát tu hành, từ trước lại đây cựu pháp, khách pháp, gốc ngọn đầy đủ, đời nay được thiện pháp, trí tuệ vô ngại, xả sanh thân, được pháp thân vô ngại, tùy ý đi đến mười phương giáo hoá chúng sanh, đối trước mười phương Phật tu tập thiện pháp.
Khi nghe pháp ấy, hai ngàn Bồ tát được vô sanh pháp nhẫn, là phẩm này nói pháp vi diệu sâu xa, cũng nói có hành, cửa thiện, cửa trí hai hành đầy đủ. Nếu chỉ nói "như pháp" thì được ít lợi ích, nếu nói "hữu pháp" thì được lợi cũng ít. Nay nói đầy đủ cả hữu pháp và vô pháp, nên được vô sanh nhẫn. Thí như có hai bánh xe đầy đủ, nên có thể đi đến. Trong đây khéo nói hai đế, nên hai ngàn Bồ tát được vô sanh nhẫn.
(Hết cuốn 72 theo bản Hán)