Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cuốn 47

16/04/201317:11(Xem: 14122)
Cuốn 47

Luận Đại Trí Độ
( Mahàprajnàparamitàsatra)

Tác giả:Nàgàrjuna (Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán:Cưu Ma La Thập
Dịch Hán ra Việt:Thích Thiện Siêu

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Ấn hành 1997

---o0o---Tập 3

Cuốn 47

Kinh:Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát ma ha tát Ðại thừa gọi là Tam muội Thủ Lăng nghiêm, Tam muội Bảo ấn, Tam muội Sư tử du ký, Tam muội Diệu nguyệt, Tam muội Nguyệt tràng tướng, Tam muội Xuất chư pháp, Tam muội Quán đảnh, Tam muội Tất pháp tánh, Tam muội Tất tràng tướng, Tam muội Kim cang, Tam muội Nhập pháp ấn, Tam muội Vương an lập Tam muội, Tam muội Phóng quang, Tam muội Lực tiến, Tam muội Cao xuất, Tam muội Tất nhập biện tài, Tam muội Thích danh tự, Tam muội Quán phương, Tam muội Ðà la ni ấn, Tam muội Vô cuống, Tam muội Nhiếp chư pháp hải, Tam muội Biến phú hư không, Tam muội Kim cang luân, Tam muội Bảo đoạn, Tam muội Năng chiếu, Tam muội Bất cầu, Tam muội Vô trú, Tam muội Vô tâm, Tam muội Tịnh đăng, Tam muội Vô biên minh, Tam muội Năng tác minh, Tam muội Phổ chiếu minh, Tam muội Kiên tịnh chư Tam muội, Tam muội Vô cấu minh, Tam muội Hoan hỷ, Tam muội Ðiển quang, Tam muội Vô tận, Tam muội Oai đức, Tam muội ly tận, Tam muội Bất động, Tam muội Bất thối, Tam muội Nhật đăng, Tam muội Nguyệt tịnh, Tam muội Tịnh minh, Tam muội Năng tác minh, Tam muội Tác hành, Tam muội Biết tướng, Tam muội Như Kim cang, Tam muội Tâm trú, Tam muội Phổ minh, Tam muội An lập, Tammuội Bảo tụ, Tam muội Diệu pháp ấn, Tam muộiPháp đẳng, Tam muội Ðoạn hỷ, Tam muội Ðáo pháp đảnh,

Tam muội Năng tán, Tam muội Phân biệt chư pháp cú, Tam muội Tự đẳng tướng, Tam muội Ly tự, Tam muội Ðoạn duyên, Tam muội Bất hoại, Tam muội Vô chủng tướng, Tam muội Vô xứ hành, Tam muội Ly mông muội, Tam muội Vô khứ, Tam muội Bất biến dị, Tam muội Ðộ duyên, Tam muội Tập chư công đức, Tam muội Trú vô tâm, Tam muội Tịnh diệu hoa, Tam muội Giác ý, Tam muội Vô lượng biện, Tam muội Vô đẳng đẳng, Tam muội Ðộ chư pháp, Tam muội Phân biệt chư pháp, Tam muội Tán nghi, Tam muội Vô trú xứ, Tam muội Nhất trang nghiêm, Tam muội Sinh hành, Tam muội Nhất hành, Tam muội Bất nhất hành, Tam muội Diệu hành, Tam muội Ðạt nhầt thiết hữu để tán, Tam muội Nhập danh ngữ, Tam muội Ly âm thanh tự ngữ, Tam muội Nhiên cự, Tam muội Tịnh tướng, Tam muội Phá tướng, Tam muội Nhất thiết chủng diệu túc, Tam muội Bất hỷ khổ lạc, Tam muội Vô tận tướng, Tam muội Ða Ðà la ni, Tam muội Nhiếp chư tà chánh tướng, Tam muội Diệt tăng ái, Tam muội Nghịch thuận, Tam muội Tịnh quang, Tam muội Kiên cố, Tam muội Mãn nguyệt tịnh quang, Tam muội Ðại trang nghiêm, Tam muội Năng chiếu nhất thiết thế, Tam muội Ðẳng Tam muội, Tam muội Nhiếp nhất thiết hữu tránh vô tránh, Tam muội Bất lạc nhất thiết trú xứ, Tam muội Như trú định, Tam muội Hoại thân suy, Tam muội Hoại ngữ như hư không, Tam muội Ly trước hư không bất nhiễm.

Sao gọi là Tam muội Thủ Lăng nghiêm? Biết chỗ thi hành của các Tam muôi, gọi là Tam muội Thủ Lăng nghiêm.

Sao gọi là Tam muội Bảo ấn? Trú ở Tam muội ấy có thể trung ấn nhập các Tam muội khác, gọi là Tam muội Bảo ấn.

Sao gọi là Tam muội Sư tử du hý? Trú ở Tam muội ấy có thể dạo chơi trong các Tam muội như Sư tử, gọi là Tam muội Sư tử du hý.

Sao gọi là Tam muội Diệu nguyệt? Trú ở Tam muội ấy có thể chiếu soi các Tam muội như trăng trong, gọi là Tam muội Diệu nguyệt.

Sao gọi là Tam muội Nguyệt tràng tướng? Trú ở Tam muội ấy có thể giữ gìn các tướng Tam muội, gọi là Tam muội Nguyệt tràng tướng.

Sao gọi là Tam muội Xuất chư pháp? Trú ở Tam muội ấy có thể xuất sinh các Tam muội. gọi là Tam muội Xuất chư pháp.

Sao gọi là Tam muội Quán đảnh? Trú ở Tam muội ấy có thể quán xem các chú đảnh Tam muội, gọi là Tam muội Quán đảnh.

Sao gọi là Tam muội Tất pháp tánh? Trú ở Tam muội ấy quyết định biết pháp tánh, gọi là Tam muội Tất pháp tánh.

Sao gọi là Tam muội Tất tràng tướng? Trú ở Tam muội ấy có thể giữ gìn các Tam muội tràng, gọi là Tam muội Tất tràng tướng.

Sao gọi là Tam muội Kim cang? Trú ở Tam muội ấy có thể phá các Tam muội, gọi là Tam muội Kim cang.

Sao gọi là Tam muội Nhập pháp ấn? Trú ở Tam muội ấy nhập vào các pháp ấn, gọi là Tam muội Nhập pháp ấn.

Sao gọi là Tam muội Vương an lập Tam muội? Trú ở Tam muội ấy thì an lập trú trong các tam muội như vua, gọi là Tam muội Vương an lập Tam muội.

Sao gọi là Tam muội Phóng quang? Trú ở Tam muội ấy có thể phóng ánh sáng chiếu các Tam muội, gọi là Tam muội Phóng quang.

Sao gọi là Tam muội Lực tiến? Trú ở Tam muội ấy có thể làm thế lực đối với các Tam muội, gọi là Tam muội Lực tiến.

Sao gọi là Tam muội Cao xuất? Trú ở Tam muội ấy có thể tăng trưởng các Tam muội, gọi là Tam muội Cao xuất.

Sao gọi là Tam muội Tất nhập biện tài? Trú ở Tam muội ấy có thể biện thuyết các Tam muội, gọi là Tam muội Tất nhập biện tài.

Sao gọi là Tam muội Thích danh tự? Trú ở Tam muội ấy có thể giải thích danh tự các Tam muội, gọi là Tam muội Thích danh tự.

Sao gọi là Tam muội Quán phương? Trú ở Tam muội ấy có thể quán sát các phương Tam muội, gọi là Tam muội Quán phương.

Sao gọi là Tam muội Ðà la ni ấn? Trú ở Tam muội ấy giữ gìn các Tam muội ấy, gọi là Tam muội Ðà la ni ấn.

Sao gọi là Tam muội Vô cuống? Trú ở Tam muội ấy không khi dối dối với các Tam muội, gọi là Tam muội Vô cuống.

Sao gọi là Tam muội Nhiếp chư pháp hải? Trú ở Tam muội ấy, có thể thu nhiếp các Tam muội như nước biển lớn, gọi là Tam muội Nhiếp chư pháp hải.

Sao gọi là Tam muội Biến phú hư không? Trú ở Tam muội ấy, khắp trùm các Tam muội như hư không, gọi là Tam muội Biến phú hư không.

Sao gọi là Tam muội Kim cang luân? Trú ở Tam muội ấy, có thể giữ gìn phần các Tam muội, gọi là Tam muội Kim cang luân.

Sao gọi là Tam muội Bảo đoạn? Trú ở Tam muội ấy, dứt nhơ cấu phiền não nơi các Tam muội, gọi là Tam muội Bảo đoạn.

Sao gọi là Tam muội Năng chiếu? Trú ở Tam muội ấy, có thể lấy ánh sáng chiếu rõ các Tam muội; gọi là Tam muội Năng chiếu.

Sao gọi là Tam muội Bất cầu? Trú ở Tam muội ấy, không pháp gì không cầu, gọi là Tam muội Bất cầu.

Sao gọi là Tam muội Vô trú? Trú ở Tam muội ấy không thấy pháp trú trong hết thảy Tam muội, gọi là Tam muội Vô trú.

Sao gọi là Tam muội Vô tâm? Trú ở Tam muội ấy tâm tâm số pháp không hiện hành; gọi là Tam muội Vô tâm.

Sao gọi là Tam muội Tịnh đăng? Trú ở Tam muội ấy làm sáng như đèn nơi các Tam muội, gọi là Tam muội Tịnh đăng.

Sao gọi là Tam muội Vô biên minh? Trú ở Tam muội ấy làm ánh sáng vô biên cho các Tam muội, gọi là Tam muội Vô biên minh.

Sao gọi là Tam muội Năng tác minh? Trú ở Tam muội ấy tức thời làm ánh sáng cho các Tam muội, gọi là Tam muội Năng tác minh.

Sao gọi là Tam muội Phổ chiếu minh? Trú ở tam muội ấy có thể chiếu rõ các cửa Tam muội, gọi là Tam muội Phổ chiếu minh.

Sao gọi là Tam muội Kiên tịnh chư Tam muội? Trú ở Tam muội ấy, có thể làm kiên tịnh các tướng Tam muội, gọi là Tam muội Kiên tịnh chư Tam muội.

Sao gọi là Tam muội Vô cấu minh? Trú ở Tam muội ấy, có thể trừ cấu nhiễm của các Tam muội; cũng có thể chiếu hết thảy Tam muội, gọi là Tam muội Vô cấu minh.

Sao gọi là Tam muội Hoan hỷ? Trú ở Tam muội ấy có thể lãnh thọ cái mừng của các Tam muội, gọi là Tam muội Hoan hỷ.

Sao gọi là Tam muội Ðiển quang? Trú ở Tam muội ấy chiếu các Tam muội như điện sáng, gọi là Tam muội Ðiển quang.

Sao gọi là Tam muội Vô tận? Trú ở Tam muội ấy đối với các Tam muội chẳng thấy cùng tận, gọi là Tam muội Vô tận.

Sao gọi là Tam muội Oai đức? Trú ở Tam muội ấy đối các Tam muội uy đức chiếu rõ, gọi là Tam muội Oai đức.

Sao gọi là Tam muội Ly tận? Trú ở Tam muội ấy không thấy các Tam muội cùng tận, gọi là Tam muội Ly tận.

Sao gọi là Tam muội Bất động? Trú ở Tam muội ấy, khiến các Tam muội không động, không đùa bỡn, gọi là Tam muội Bất động.

Sao gọi là Tam muội Bất thối? Trú ở Tam muội ấy, có thể không thấy các Tam muội thối, gọi là Tam muội Bất thối.

Sao gọi là Tam muội Nhật đăng? Trú ở Tam muội ấy phóng ánh sáng chiếu các môn Tam muội; gọi là Tam muội Nhật đăng.

Sao gọi là Tam muội Nguyệt tịnh?Trú ở Tam muội ấy có thể trừ bóng tối nơi các Tam muội, gọi là Tam muội Nguyệt tịnh.

Sao gọi là Tam muội Tịnh minh? Trú ở Tam muội ấy, được bốn trí vô ngại đối với các Tam muội, gọi là Tam muội Tịnh minh.

Sao gọi là Tam muội Năng tác minh? Trú ở Tam muội ấy, hay làm sáng các môn Tam muội, gọi là Tam muội Năng tác minh.

Sao gọi là Tam muội Tác hành? Trú ở Tam muội ấy hay khiến các Tam muội mỗi mỗi có tác động, gọi là Tam muội Tác hành.

Sao gọi là Tam muội Tri tướng? Trú ở Tam muội ấy thấy tướng biết của các Tam muội. gọi là Tam muội Tri tướng.

Sao gọi là Tam muội như Kim cang? Trú ở Tam muội ấy hay xuyên suốt các pháp, cũng không thấy xuyên suốt, gọi là Tam muội như Kim cang.

Sao gọi là Tam muội Tâm trú? Trú ở Tam muội ấy tâm không động, không chuyển không não, cũng không nghĩ có tâm ấy, gọi là Tam muội Tâm trú.

Sao gọi là Tam muội Phổ minh? Trú ở Tam muội ấy khắp thấy ánh sáng các Tam muội, gọi là Tam muội Phổ minh.

Sao gọi là Tam muội An lập? Trú ở Tam muội ấy đối với các Tam muội an lập chẳng động, gọi là Tam muội An lập.

Sao gọi là Tam muội Bảo tụ? Trú ở Tam muội ấy khắp thấy các Tam muội như thấy báu tích tụ, gọi là Tam muội Bảo tụ.

Sao gọi là Tam muội Diệu pháp ấn? Trú ở Tam muội ấy hay ấn nhập các Tam muội, vì vô ấn ấn nhập vậy, gọi là Tam muội Diệu pháp ấn.

Sao gọi là Tam muội Pháp đẳng? Trú ở Tam muội ấy quán xem các pháp bình đẳng, không pháp gì không bình đẳng; gọi là Tam muội Pháp đẳng.

Sao gọi là Tam muội Ðoạn hỷ? Trú ở Tam muội ấy dứt sự mừng trong hết thảy pháp, gọi là Tam muội Ðoạn hỷ.

Sao gọi là Tam muội Ðáo pháp đảnh? Trú ở Tam muội ấy dứt các ám muội đối với pháp, cũng ở trên các Tam muội, gọi là Tam muội Ðáo pháp đảnh.

Sao gọi là Tam muội Năng tán? Trú ở Tam muội ấy, hay phá tán các pháp, gọi là Tam muội Năng tán.

Sao gọi là Tam muội Phân biệt chư pháp cú? Trú ở Tam muội ấy phân biệt các pháp cú của các Tam muội, gọi là Tam muội Phân biệt chư pháp cú.

Sao gọi là Tam muội Tự đẳng tướng? Trú ở Tam muội ấy, được các danh tự Tam muội, gọi là Tam muội Tự đẳng tướng.

Sao gọi là Tam muội Ly tự? Trú ở Tam muội ấy cho đến chẳng thấy một chữ trong các Tam muội, gọi là Tam muội Ly tự.

Sao gọi là Tam muội Ðoạn duyên? Trú ở Tam muội ấy dứt các duyên Tam muội, gọi là Tam muội Ðoạn duyên.

Sao gọi là Tam muội Bất hoại? Trú ở Tam muội ấy chẳng được các pháp biến dị; gọi là Tam muội Bất hoại.

Sao gọi là Tam muội Vô chủng tướng? Trú ở Tam muội ấy chẳng thấy chủng chủng pháp, gọi là Tam muội Vô chủng tướng.

Sao gọi là Tam muội Vô xứ hành? Trú ở Tam muội ấy không thấy nơi chỗ của Tam muội, gọi là Tam muội Vô xứ hành.

Sao gọi là Tam muội Ly mông muội? Trú ở Tam muội ấy lìa các tối tăm vi tế của Tam muội, gọi là Tam muội Ly mông muội.

Sao gọi là Tam muội Vô khứ? Trú ở Tam muội ấy không thấy tướng đi của hết thảy Tam muội, gọi là Tam muội Vô khứ.

Sao gọi là Tam muội Bất biến dị? Trú ở Tam muội ấy không thấy tướng biến dị của các Tam muội, gọi là Tam muội Bất biến dị.

Sao gọi là Tam muội Ðộ duyên? Trú ở Tam muội ấy độ khỏi cảnh giới duyên của hết thảy Tam muội, gọi là Tam muội Ðộ duyên.

Sao gọi là Tam muội Tập chư công đức? Trú ở Tam muội ấy nhóm các công đức Tam muội, gọi là Tam muội Tập chư công đức.

Sao gọi là Tam muội Trú vô tâm? Trú ở Tam muội ấy, tâm không nhập vào các Tam muội, gọi là Tam muội Trú vô tâm.

Sao gọi là Tam muội Tịnh diệu hoa? Trú ở Tam muội ấy khiến các Tam muội được sáng sạch như hoa, gọi là Tam muội Tịnh diệu hoa.

Sao gọi là Tam muội Giác ý? Trú ở Tam muội ấy được bảy giác phần trong các Tam muội, gọi là Tam muội Giác ý.

Sao gọi là Tam muội Vô lượng biện?Trú ở Tam muội ấy được biện tài vô lượng đối với các pháp, gọi là Tam muội Vô lượng biện.

Sao gọi là Tam muội Vô đẳng đẳng? Trú ở tam muội ấy được tướng vô đẳng đẳng trong các Tam muội, gọi là Tam muội Vô đẳng đẳng.

Sao gọi là Tam muội Ðộ chư pháp? Trú ở Tam muội ấy vượt khỏi hết thảy cõi Tam muội, gọi là Tam muội Ðộ chư pháp.

Sao gọi là Tam muội phân biệt chư pháp? Trú ở Tam muội ấy phân biệt thấy các Tam muội và các pháp, gọi là Tam muội phân biệt chư pháp.

Sao gọi là Tam muội Tán nghi? Trú ở Tam muội ấy được tán hoại việc nghi đối với các pháp, gọi là Tam muội Tán nghi.

Sao gọi là Tam muội Vô trú xứ? Trú ở Tam muội ấy không thấy trú xứ các pháp, gọi là Tam muội Vô trú xứ.

Sao gọi là Tam muội Nhất trang nghiêm? Trú ở Tam muội ấy trọn không thấy các pháp hai tướng, gọi là Tam muội Nhất trang nghiêm.

Sao gọi là Tam muội Sinh hành? Trú ở Tam muội ấy không thấy các hành sinh khởi, gọi là Tam muội Sinh hành.

Sao gọi là Tam muội Nhất hành? Trú ở Tam muội ấy không thấy bờ này bờ kia của các Tam muội, gọi là Tam muội Nhất hành.

Sao gọi là Tam muội Bất nhất hành? Trú ở Tam muội ấy không thấy các Tam muội một tướng, gọi là Tam muội Bất nhất hành.

Sao gọi là Tam muội Diệu hành? Trú ở Tam muội ấy không thấy các Tam muội hai tướng, gọi là Tam muội Diệu hành.

Sao gọi là Tam muội Ðạt nhất thiết hữu để tán? Trú ở Tam muội ấy nhập vào hết thảy hữu, hết thảy trí tuệ Tam muội, thông đạt cũng không chỗ thông đạt, gọi là Tam muội Ðạt nhất thiết hữu để tán.

Sao gọi là Tam muội Nhập danh ngữ? Trú ở Tam muội ấy vào hết thảy danh tự ngữ ngôn các Tam muội, gọi là Tam muội Nhập danh ngữ.

Sao gọi là Tam muội Ly âm thanh tự ngữ? Trú ở Tam muội ấy không thấy các âm thanh danh tự ngữ ngôn Tam muội, gọi là Tam muội Ly âm thanh tự ngữ.

Sao gọi là Tam muội Nhiên cự? Trú ở Tam muội ấy oai đức chiếu sáng như đuốc; gọi là Tam muội Ðốt đuốc.

Sao gọi là Tam muội Tịnh tướng? Trú ở Tam muội ấy sạch các tướng Tam muội, gọi là Tam muội Tịnh tướng.

Sao gọi là Tam muội Phá tướng? Trú ở Tam muội ấy không thấy các tướng Tam muội, gọi là Tam muội Phá tướng.

Sao gọi là Tam muội Nhất thiết chủng diệu túc ? Trú ở Tam muội ấy hết thảy Tam muội chủng đều đầy đủ, gọi là Tam muội Nhất thiết chủng diệu túc.

Sao gọi là Tam muội Bất hỷ khổ lạc? Trú ở Tam muội ấy không tah61y khổ vui của các Tam muội, gọi là Tam muội Bất hỷ khổ lạc.

Sao gọi là Tam muội Vô tận tướng? Trú ở Tam muội ấy không thấy tướng cùng tận của các Tam muội, gọi là Tam muội Vô tận tướng.

Sao gọi là Tam muội Ða Ðà la ni? Trú ở Tam muội ấy hay giữ gìn các Tam muội; gọi là Tam muội Ða đà la ni.

Sao gọi là Tam muội Nhiếp chư tà chánh tướng? Trú ở Tam muội ấy không thấy tướng tà chánh nơi các Tam muội; gọi là Tam muội Nhiếp chư tà chánh tướng.

Sao gọi là Tam muội Diệt tăng ái? Trú ở Tam muội ấy không thấy ghét thương các Tam muội, gọi là Tam muội Diệt tăng ái.

Sao gọi là Tam muội Nghịch thuận? Trú ở Tam muội ấy, không thấy các pháp các Tam muội nghịch thuận, gọi là Tam muội Nghịch thuận.

Sao gọi là Tam muội Tịnh quang? Trú ở Tam muội ấy không thấy các Tam muội sáng, nhơ, gọi là Tam uội Tịnh quang.

Sao gọi là Tam muội Kiên cố? Trú ở Tam muội ấy, chẳng đặng các Tam muội không kiên cố, gọi là Tam muội Kiên cố.

Sao gọi là Tam muội Mãn nguyệt tịnh quang? Trú ở Tam muội ấy, các Tam muội tròn đầy như trăng rằm, gọi là Tam muội Mãn tịnh quang.

Sao gọi là Tam muội Ðại trang nghiêm? Trú ở Tam muội ấy đại trang nghiêm thành tựu các Tam muội, gọi là Tam muội Ðại trang nghiêm.

Sao gọi là Tam muội Năng chiếu nhất thiết thế? Trú ở Tam muội ấy, hay chiếu các pháp và các Tam muội, gọi là Tam muội Năng chiếu nhất thiết thế.

Sao gọi là Tam muội Ðẳng Tam muội? Trú ở Tam muội ấy không thấy tướng định loạn đối với các Tam muội; gọi là Tam muội Ðẳng Tam muội.

Sao gọi là Tam muội Nhiếp nhất thiết hữu tránh vô tránh? Trú ở Tam muội ấy hay khiến các Tam muội không phân biệt hữu tránh vô tránh, gọi là Tam muội Nhiếp nhất thiết hữu tránh vô tránh.

Sao gọi là Tam muội Bất lạc nhất thiết trú xứ? Trú ở Tam muội ấy không thấy chỗ nương tựa của các Tam muội, gọi là Tam muội Bất lạc nhất thiết trú xứ.

Sao gọi là Tam muội Như trú định? Trú ở Tam muội ấy không vượt qua như tướng của các Tam muội, gọi là Tam muội Như trú định.

Sao gọi là Tam muội Hoại thân suy? Trú ở Tam muội ấy không thủ đắc thân tướng, gọi là Tam muội Hoại thân suy.

Sao gọi là Tam muội Hoại ngữ như hư không? Trú ở Tam muội ấy không thấy ngữ nghiệp của các Tam muội như hư không, gọi là Tam muội Hoại ngữ như hư không.

Sao gọi là Tam muội Ly trước hư không bất nhiễm? Trú ở Tam muội ấy thấy các pháp như hư không vô ngại, cũng không ô nhiễm, gọi là Tam muội Ly trước hư không bất nhiễm.

Tu bồ đề! Ấy gọi là Ma ha Diễm của Bồ tát ma ha tát.

LUẬN:Trên lấy mười tám không giải thích Bát nhã ba la mật, nay lấy 108 Tam muội giải thích Bát nhã ba la mật. 108 Tam muội, Phật tự nói nghĩa đó, lúc ấy người vì lợi căn nghe nói đều được tin hiểu. Nay thời không được như vậy, nên luận giả giải thích lại nghĩa ấy, khiến cho dễ hiểu.

Tam muội Thủ Lăng nghiêmTrung Hoa dịch là Kiện tướng, phân biệt. Biết hành tướng các Tam muội nhiều ít sâu cạn, như đại tướng biết các binh lực nhiều ít.

Lại nữa Bồ tát được Tam muội ấy, các ma phiền não và người ma không làm hoại được; ví như hảo tướng chủ binh của Chuyển luân Thánh vương, những chỗ đi đến đều hàng phục.

Tam muội Bảo ấn là hay ấn hợp các Tam muội. Trong các thứ báu, pháp báu là thật báu, hay làm lợi ích đời này đời sau cho đến Niết bàn. Như trong Kinh nói: Phật bảo Tỳ kheo! Ta sẽ vì ngươi thuyết pháp, pháp được nói là pháp ấn, pháp ấn tức là Bảo ấn, Bảo ấn tức là cửa giải thoát.

Lại nữa, có người nói ba pháp ấn là Tam muội Bảo ấn; hết thảy pháp vô ngã, hết thảy tác pháp (hành) vô thường, tịch diệt Niết bàn. Ba pháp ấn ấy, hết thảy trời người không thể đúng như pháp phá hoại được. Vào Tam muội ấy, có thể ba cách quán các pháp, ấy gọi là Bảo ấn.

Lại nữa, Bát nhã la mật là báu, Tam muội tương ưng Bát nhã gọi là ấn, ấy gọi là Bảo ấn.

Tam muội sư tử du hýlà Bồ tát được Tam muội ấy, thời ra vào hết thảy Tam muội mau chậm đều được tự tại; thí như khi các con thú giỡn chơi, nếu thấy Sư tử thảy đều sợ hãi, còn khi Sư tử giỡn chơi thời tự tại không sợ gì hết.

Lại nữa, khi Sư tử giỡn chơi đối với các con thú, con mạnh thì giết, con sợ nép thì tha. Bồ tát cũng như vậy, được Tam muội ấy đối với các ngoại đạo, hễ kẻ cương cường thì phá, kẻ tín phục thời độ cho.

Lại nữa, Sư tử giỡn chơi là như trong phẩm đầu nói: Bồ tát vào Tam muội ấy có thể làm quả đất chấn động sáu cách, làm cho hết thảy mười phương thế giới địa ngục nóng lạnh, kẻ mù được thấy, người điếc được nghe v.v...

Tam muội Diệu nguyệtlà như trăng tròn trong sạch không có các chướng che, có thể trừ đêm tối. Tam muội này cũng như vậy. Bồ tát vào Tam muội ấy, hay trừ các tà kiến và vô minh che tối đối với các pháp.

Tam muội Nguyệt tràng tướnglà như vị tướng của đại quân lấy tràng báu làm tượng mặt trăng, hễ thấy tướng tràng ấy, người đều đi theo. Bồ tát vào trong Tam muội ấy, thông đạt các pháp không ngăn ngại, thảy đều đi theo.

Tam muội Xuất như pháp là Bồ tát được Tam muội ấy thời làm cho các Tam muội tăng trưởng; thí như mưa đúng thời, rừng cây tươi tốt.

Tam muội Quán đảnhlà vào Tam muội ấy thời thấy được khắp Tam muội; như ở trên chóp núi, thấy hết mọi vật.

Tam muội Tất pháp tánhlà pháp tánh không lượng không hai, khó có thể nắm giữ, vào Tam muội ấy, chắc chắn được định tướng; thí như hư không, không thể cư trú, được lực thần túc, thời có thể ở được.

Tam muội Tất tràng tướnglà vào Tam muội ấy thời rất tôn trưởng đối với các Tam muội; thí như quân tướng được cờ phướng, tiêu biểu vị đại tướng.

Tam muội Kim cang là thí như Kim cang phá hoại hết mọi vật, Tam muội này cũng như vậy, thông đạt đến các pháp, khiến các Tam muội mỗi mỗi đắc dụng; như xa cừ, mã não, lưu ly, chỉ có Kim cang xoi được.

Tam muội nhập pháp ấn là như người đi vào nước an ổn, có ấn tín thì được vào, không có ấn tín không được vào, Bồ tát được Tam muội ấy có thể vào trong thật tướng các pháp, đó là các pháp rốt ráo không.

Tam muội Vương an lập Tam muộilà ví như đại vương an trú chánh điện, triệu các bầy tôi, thảy đều vâng mệnh; Bồ tát vào Tam muội vương, phóng ánh sáng lớn, triệu thỉnh mười phương, thảy đểu tụ tập, lại sai hóa Phật khắp đến mười phương. An lập là thí như quốc vương an ổn ở chánh điện, thân tâm thản nhiên không chút sợ sệt

Tam muội Phóng quang là thường tu hỏa nhất thiết nhập (một trong phép tu quán mười pháp biến nhập vào khắp cả mọi vật, gọi là phép tu mười nhất thiết nhập hay mười biến xứ - ND)nên phát sinh lực thần thông, tùy ý phóng các ánh sáng màu sắc, theo chỗ ưa của chúng sinh, hoặc nóng hoặc lạnh, hoặc không nóng không lạnh.

Tam muội Năng chiếulà ánh sáng có hai thứ: 1. Ánh sáng màu sắc. 2. Ánh sáng trí tuệ. Trú trong Tam muội ấy, chiếu các Tam muội không có tà kiến vô minh v.v...

Tam muội Lực tiếnlà trước đối với các pháp được năm thứ lực là tín v.v... vậy sau đối với các Tam muội được lực tự tại. Lại tuy ở Tam muội mà thường biến hóa thần thông, độ các chúng sinh.

Tam muội Cao xuấtlà Bồ tát vào Tam muội ấy, phước đức trí tuệ có được thảy đều tăng trưởng, các tánh Tam muội từ tâm mà ra.

Tam muội Tất nhập biện tàilà trong bốn vô ngại biện, Tam muội tương ưng với từ biện tài. Bồ tát được Tam muội ấy, biết hết ngữ ngôn thứ lớp của chúng sinh và kinh sách, danh tự v.v... đều phân biệt được vô ngại.

Tam muội Thích danh tựlà các pháp tuy không, mà dùng danh tự biện biệt nghĩa các pháp, khiến người được hiểu.

Tam muội Quán phươnglà đối với mười phương chúng sinh, lấy tâm từ bi thương xót bình đẳng xem xét.

Lại nữa, phương là tuân theo đạo lý gọi là được phương. Vì lực Tam muội ấy, đối với các Tam muội được đạo lý, ra vào tự tại vô ngại.

Tam muội Ðà la ni ẩnlà được Tam muội ấy, thời có thể phân biệt được các Tam muội, đều có Ðà la ni.

Tam muội Vô cuốnglà có Tam muội phát sinh ái, giận, vô minh, tà kiến v.v... Tam muội này đối với các Tam muội hoàn toàn không có việc mê muội.

Tam muội Nhiếp chư pháp hảilà biết hết thảy dòng nước đều chảy về biển, pháp ba thừa đều vào trong Tam muội này cũng như vậy. Lại các Tam muội khác đều vào trong Tam muội này, như bốn thiền, bốn định vô sắc thu nhiếp hết các giải thoát, định chín thứ lớp đều vào trong đó.

Tam muội Biến phú hư không là hư không vô lượng vô biên, lực Tam muội này hay trùm khắp hư không; hoặc ngồi kiết già phu, hoặc phóng ánh sáng, hoặc lấy âm thanh chứa đầy trong đó.

Tam muội Kim cang luân là như bánh xe chơn Kim cang, chỗ ở vô ngại, được Tam muội này, đối với các pháp đến được vô ngại.

Lại nữa, có thể phân biệt phần vị ranh giới các Tam muội, nên gọi là luân (bánh xe), luân là phần vị ranh giới.

Tam muội Bảo đoạnlà như có thứ báu có thể làm sạch các báu; Tam muội này cũng như vậy, hay trừ các cấu nhơ phiền não của Tam muội. Cấu nhơ ngũ dục dễ trừ, các cấu nhơ Tam muội khó trừ.

Tam muội Năng chiếu là được Tam muội này thời có thể lấy mười thứ trí tuệ (Xem phẩm Mười một trí ở tập 2 – ND) chiếu rõ các pháp, thí như mặt trời mọc chiếu rõ Diêm phù đề, mọi sự đều rõ ràng.

Tam muội Bất cầulà quán các pháp như huyễn hóa, tâm ái ba cõi dứt nên không mong cầu gì.

Tam muội Vô trúlà Tam muội ấy gọi là Tam muội vô tác, trú ở Tam muội ấy quán các pháp niệm niệm vô thường, không có lúc ngưng trụ.

Tam muội Vô tâmtức là diệc tận định hoặc vô tưởng định, vì sao? Vì Phật tự nói nhân duyên: Vào trong Tam muội ấy, các tâm tâm số pháp không hiện hành.

Tam muội Tịnh đănglà, đăng là đèn trí tuệ, các phiền não gọi là nhơ, lìa nhơ thời tuệ thanh tịnh.

Tam muội Vô biên minhlà, vô biên gọi là vô lượng vô số; sáng có hai: 1. Vì độ chúng sinh nên thân phóng hào quang. 2. Phân biệt tướng chung tướng riêng các pháp nên trí tuệ sáng suốt. Ðược Tam muội này hay chiếu vô biên thế giới ở mười phương và vô biên các pháp.

Tam muội Năng tác minh là hay làm sáng nơi các pháp, như đốt đuốc trong chỗ tối.

Tam muội Phổ chiếu minhlà, ngọc báu của Chuyển luân Thánh vương, chiếu một do tuần ngoài bốn phía quân binh. Bồ tát được Tam muội ấy chiếu khắp mỗi mỗi môn các pháp.

Tam muội Kiên tịnh chư Tam muội là Bồ tát được lực Tam muội ấy nên làm cho các Tam muội thanh tịnh cứng chắc.

Tam muội Vô cấu minhlà, Tam muội tương ưng với ba môn gỉải thoát; được Tam muội ấy lìa hết thảy cấu nhơ Tam muội, lìa hết thảy vô minh, tham ái v.v... cũng hay chiếu hết thảy các Tam muội.

Tam muội Hoan hỷ là được Tam muội ấy thời đối với pháp sinh vui hoan hỷ. Thế nào là hoan hỷ? Có người nói: Ðó là Sơ thiền. Như Phật dạy có bốn tu định: 1. Tu Tam muội ấy được vui hiện tại hoan hỷ. 2. Tu định được biết thấy, thấy chúng sinh sinh tử. 3. Tu định được trí tuệ phân biệt. 4. Tu định được sạch hết lậu hoặc.

Lại nữa, được Tam muội ấy thời phát sinh vô lượng vô biên pháp lạc hoan hỷ.

Tam muội Ðiển quang là như chớp sáng tạm hiện ra, người đi thấy đường; được Tam muội ấy, bị mất đạo từ vô thỉ đời đến nay trở lại được.

Tam muội Vô tậnlà được Tam muội ấy thời dứt các tướng vô thường của các pháp, tức vào bất sinh bất diệt.

Tam muội Oai đức là Bồ tát được Tam muội thời oai đức trang nghiêm.

Tam muội Ly tậnlà Bồ tát được Tam muội ấy thời chắc chắn được công đức thiện bổn vô lượng vô số kiếp, quả báo không mất.

Tam muội Bất độnglà, có người nói: Thiền thứ tư là bất động. Ở trong cõi Dục vì ngũ dục nên động, trong Sơ thiền vì giác quán nên động, trong Nhị thiền vì mừng nhiều nên động, trong Tam thiền vui nhiều nên động, trong Tứ thiền lìa hơi thở ra vào, không có các tướng động nên bất động.

Có người nói: Bốn định vô sắc là bất động, vì lìa các sắc; có người nói diệt tận định là bất động, vì lìa tâm tâm số pháp; có người nói Tam muội tương ưng với trí tuệ biết thật tướng các pháp rốt ráo không, nên bất động; được Tam muội ấy đối với hết thảy Tam muội, hết thảy pháp hoàn toàn không hý luận.

Tam muội Bất thốilà trú ở Tam muội ấy không thấy các Tam uội thối chuyển. Luận giả nói Bồ tát trú ở Tam muội ấy thường không thối chuyển, tức là Tam muội tương ưng với trí tuệ bất thối. Bất thối là không đọa vào đảnh vị, như đã nói ở trong nghĩa đọa đảnh.

Tam muội Nhật đănglà được Tam muội ấy thời có thể chiếu mỗi mỗi môn của hết thảy pháp và các tam muội; ví như mặt trời mọc hay chiếu hết thảy Diêm phù đề.

Tam muội Nguyệt tịnh là như mặt trăng từ ngày 16 giảm dần đến ngày 30 là hết. Người phàm phu cũng như vậy, các công đức lành dần dần giảm hết phải đọa vào ba ác đạo; như mặt trăng từ ngày mồng 1 dần dần tăng trưởng , đến ngày 15 thì sáng suốt thanh tịnh. Bồ tát cũng như vậy. được Tam muội ấy từ khi phát tâm đời đời dần tăng trưởng thiện căn cho đến được Vô sinh pháp nhẫn, được thọ ký, trí tuệ thanh tịnh, lợi ích chúng sinh. Lại hay phá vô minh trong các Tam muội.

Tam muội Tịnh minhlà, sáng gọi là tuệ, cấu làm ngại. Ðược Tam muội ấy đối với các pháp không chướng ngại, vì vậy nên nơi đây Phật dạy: Trú trong Tam muội ấy được bốn trí vô ngại.

Hỏi:Sao Phật chỉ riêng ở trong đây đối với Tam muội nói bốn trí vô ngại?

Ðáp:Ở trong Tam muội không có tâm giác quán, có thể vui nói (lạc thuyết vô ngại), trái với định việc ấy là khó, vì được lực Tam muội ấy nên được bốn trí vô ngại, nghĩa bốn trí vô ngại như trước nói.

Tam muội Năng tác minh là, sáng tức là trí tuệ, trong các trí tuệ, trí tuệ Bát nhã là tối đệ nhất. Tam muội tương ưng với Bát nhã ấy hay làm sáng.

Tam muội Tác hànhlà được lực Tam muội ấy hay phát khởi trước tiên là được các Tam muội.

Tam muội trí tướng là được Tam muội ấy thời thấy có tướng trí tuệ thật trong hết thảy Tam muội.

Tam muội Như Kim cang là được Tam muội ấy thời lấy trí tuệ thông đạt hết thảy pháp , cũng chẳng thấy thông đạt; vì dùng vô sở đắc vậy.

Hỏi: Ba thứ Tam muội, sao đều nói là tên Kim cang?

Ðáp: Ðầu nói Kim cang, giữa nói bánh xe Kim cang, sau nói như Kim cang. Tam muội như Kim cang Phật dạy xuyên suốt thảy pháp, cũng không thấy Tam muội Kim cang ấy thông suốt các Tam muội.

Tam muội Kim cang luânlà được Tam muội ấy hay giữ gìn các bánh xe Tam muội, đó đều là nghĩa của Phật dạy. Luận giả nói: Tam muội như Kim cang là có thể phá hết thảy các phiền não kiết sử, không còn dư sót, thí như trời Ðế thích tay cầm Kim cang phá quân A tu la, tức là tâm cuối cùng của học nhân. Từ tâm ấy thứ lớp được ba thứ Bồ đề, là Thanh văn Bồ đề, Bích chi Phật Bồ đề, Phật Vô thượng Bồ đề. Tam muội Kim cang là có thể phá hết thảy pháp vào Vô dư Niết bàn, không còn thọ thân sau, ví như chơn Kim cang có thể phá các núi làm cho diệt sạch không còn. Bánh xe Kim cang là Tam muội này hay phá hết thảy pháp, không ngăn ngại, ví như bánh xe Kim cang lúc chuyển đi không gì không phá, không bị chướng ngại.

Lại nữa, đầu là Kim cang, hai là bánh xe Kim cang, ba là như Kim cang. Danh tự khác nhau, Phật dạy nghĩa nó cũng khác nhau. Luận giả giải thích nhân duyên nó cũng khác, nên không nên cật nạn.

Tam muội Tâm trú là tâm tướng nhẹ nhanh, đi xa, vô hình, khó chế khó giữ, thường lay động như con khỉ; lại như điển chớp, cũng như lưỡi rắn. Ðược Tam muội này có thể thâu nhiếp làm cho trú lại, cho đến trước dục lạc cõi trời, tâm cũng không động chuyển, huống gì dục lạc cõi người.

Tam muội Phổ minhlà được Tam muội ấy thời nơi hết thảy pháp thấy tướng quang minh, không có tưởng tối ám, như thấy ban ngày; thấy ban đêm cũng vậy; thấy trước thấy sau, thấy trên, thấy dưới cũng như vậy. Trong tâm vô ngại, do tu Tam muội ấy nên được thiên nhãn thông, khắp thấy ánh sáng, rõ ràng vô ngại. Khéo tu thần thông ấy nên được thành tuệ nhãn, chiếu khắp các pháp, thấy rõ không ngại.

Tam muội An lậplà được Tam muội ấy thời an lập bền chắc trong hết thảy công đức thiện pháp. Như núi Tu di ở giữa biển lớn, an lập bất động.

Tam muội Bảo tụlà được Tam muội ấy, thời quốc độ có được đều thành bảy báu.

Hỏi:Ðiều đó mắt thịt thấy, hay thiền định thấy?

Ðáp:Mắt trời, mắt thịt đều có thể thấy, vì sao? Vì sáu trần bên ngoài bất định, hành giả thường tu tập thiền định nên có thể chuyển đổi bốn tướng nó.

Tam muội Diệu pháp ấn là, diệu pháp là công đức và trí tuệ thâm diệu của chư Phật Bồ tát. Ðược Tam muội ấy là được các công đức và trí tuệ thâm diệu.

Tam muội Pháp đẳnglà đẳng có hai: 1. Chúng sinh bình đẳng, 2. Pháp bình đẳng. Tam muội tương ưng với pháp đẳng, gọi là pháp đẳng.

Tam muội Ðoạn hỷlà được Tam muội ấy thời quán các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh v.v... tâm sinh nhàm lìa. Trong mười tưởng ( xem chương 34 tập I I). Tam muội này tương ưng với tưởng hết thảy thế gian không thể vưi.

Tam muội Ðáo pháp đảnh là, pháp là pháp Bồ tát, nghĩa là sáu Ba la mật. Ðến trong Bát nhã ba la mật, được lực phương tiện, đến đỉnh núi pháp. Ðược Tam muội ấy có thể trú ở đỉnh núi pháp ấy, các vô minh phiền não không thể làm lay động.

Tam muội Năng tánlà được Tam muội ấy thời có thể phá tán các pháp, đây là Tam muội tương ưng với tán không (xem chương 18 Không).

Tam muội Phân biệt chư pháp cúlà được Tam muội ấy thời có thể phân biệt ngữ ngôn tự cú của hết thảy pháp, vì chúng sinh thuyết ngôn từ không trệ ngại. Ðây là Tam muội tương ưng với trí lạc thuyết vô ngại.

Tam muội Tự đẳng tướnglà được Tam muội ấy thời quán các chữ, các ngữ đều bình đẳng, trách mắng hay tán thán, không có ghét thương.

Tam muội Ly tựlà được Tam muội thời không thấy chữ ở trong nghĩa, cũng không thấy nghĩa ấy ở trong chữ.

Tam muội Ðoạn duyên là được Tam muội ấy, thời hoặc trong hoặc ngoài, đối với vui không sinh mừng, đối với khổ không sinh giận, đối với không khổ không vui không sinh tâm không biết mà xả. Ðối với ba thọ ấy xa lìa không vướng mắc, thời tâm qui về tịch diệt, tâm nều diệt thì duyên cũng diệt.

Tam muội Bất hoạilà Tam muội tương ưng với duyên pháp tánh rốt ráo không, hý luận không phá được, vô thường không chuyển được, vì trước đã hoại rồi.

Tam muội Vô chủng tướnglà được Tam muội ấy thời không thấy các pháp có mỗi mỗi tướng, chỉ thấy một tướng, đó là vô tướng (không có tướng).

Tam muội Vô xứ hànhlà được Tam muội ấy thời biết lửa ba độc đốt ba cõi nên tâm không nương dựa, còn Niết bàn rốt ráo không nên cũng không nương dựa.

Tam muội Ly mông muộilà được Tam muội ấy, ở trong các Tam muội thứ vô minh vi tế che ngăn đều trừ hết.

Tam muội Vô khứlà được Tam muội ấy thời không thấy tướng đi lại của hết thảy pháp.

Tam muội Bất biến dị là được Tam muội ấy thời quán hết thảy pháp, nhân không biến làm quả, như sửa không biến thành lạc, vì các pháp đều ở trong tự tướng, bất động.

Tam muội Ðộ duyên là được Tam muội ấy thời các phiền não nơi sáu trần dứt hết, vượt qua biển lớn sáu trần, cũng có thể vượt qua hết thảy duyên Tam muội, phát sinh trí tuệ.

Tam muội Tập chư công đứclà được Tam muội ấy thời nhóm các công đức, từ lòng tin đến trí tuệ, đầu đêm cuối đêm tu tập không ngừng, như mật trời mặt trăng vận chuyển, chưa bao giờ ngừng nghỉ.

Tam muội Trú vô tâm là vào trong Tam muội ấy, thời không theo tâm, chỉ theo trí tuệ, đến trú trong thật tướng các pháp.

Tam muội Tịnh diệu hoalà hoa trên cây rộ nở, làm cho cây nghiêm sức, được Tam muội ấy, trong các Tam muội mở ra các công đức để trang nghiêm.

Tam muội Giác ý là được Tam muội ấy thời khiến các Tam muội biến thành vô lậu, tương ưng với bảy giác chi, ví như một cân nhựa đá có thể biến ngán cân đồn thành vàng.

Tam muội Vô lượng biệntức là lạc thuyết vô ngại biện, được lực Tam muội ầy cho đến chỉ vui nói một câu trải vô lượng kiếp mà không cùng tận.

Tam muội Vô đẳng đẳng là được Tam muội ấy xem hết thảy chúng sinh đều như Phật, xem hết thảy pháp đều đồng Phật pháp, vô đẳng đẳng, đó là tương ưng với Bát nhã ba la mật.

Tam muội Ðộ chư pháp là vào ba cửa giải thoát, ra khỏi ba cõi, độ chúng sinh ba thừa.

Tam muội Phân biệt chư pháptức là Tam muội tương ưng với phân biệt tuệ. Ðược Tam muội ấy thời phân biệt các pháp tướng thiện bất thiện, hữu lậu vô lậu, hữu vi vô vi.

Tam muội Tán nghi là có người nói: Tức là Tam muội vô tướng trong Kiến đế đạo, vì Tam muội tương ưng với Trí kiến để dứt nghi kiết. Có người nói: Ðây là Tam muội tương ưng với Vô sinh pháp nhẫn. Bấy giờ lướt nghi đối với hết thảy pháp đều dứt, thấy mười phương chư Phật, được thật tướng các pháp. Có người nói: Ðây là Tam muội tương ưng với vô ngại giải thoát, chư Phật được Tam muội ấy đã đối với các pháp đều vô ngại, không gần không xa, như xem bàn tay.

Tam muội Vô trú xứtức là Tam muôi tương ưng với trí tuệ không lãnh thọ, được Tam muội ấy không thấy hết thảy pháp có trú xứ nhất định.

Tam muội Nhất trang nghiêmlà được Tam muội ấy thời xem hết thảy pháp đều một, hoặc hết thảy pháp có tướng nên một, hoặc hết thảy pháp không có tướng nên một, hoặc hết thảy pháp không nên một, như vậy vô lượng đều một. Vì trí tuệ nhất tướng trang nghiêm tam muội ấy, nên nói là nhất trang nghiêm.

Tam muội Sinh hànhlà, hành gọi là quán, được tam muội ấy, thời hay quán các hành tướng, tướng vào, tướng trú, tướng ra. Lại hành ấy đều không, cũng không thể thấy.
Tam muội Nhất hànhlà được Tam muội ấy thời thường nhất hành, trong tam muội tương ưng với rốt ráo không, không còn các hành thứ lớp khác. Như trong vô thường hành, theo đấy có khổ hành, trong khổ hành thứ đến có vô ngã hành. Lại Bồ tát đối với tam muội ấy không thấy bờ này, không thấy bờ kia. Tướng vào các tam muội là bờ này, tướng ra là bờ kia; tướng mới được là bờ này, tướng diệt là bờ kia.

Tam muội Bất nhất hànhlà trái với hành ở trên, đó là các hành tướng quán khác.

Tam muội Diệu hànhtức là Tam muội tương ưng với rốt ráo không (một trong 18 không), cho đến không thấy không hai tướng, hết thảy trí luận không thể phá.

Tam muội Ðạt nhất thiết hữu để tánlà, hữu là ba cõi, để là phi hữu tưởng phi vô tưởng, vì khó đến nên gọi là để; đạt là lấy trí tuệ vô lậu xa lìa cho đến phi hữu tưởng phi vô tưởng mà vào Vô dư Niết bàn, ba cõi, năm uẩn đều là tán diệt.

Lại nữa, Bồ tát được trí tuệ bất sainh bất diệt ấy thời hết thảy các cõi được thông đạt và tán diệt, đều không có gì.

Tam muội Nhập danh ngữlà được Tam muội ấy thời biết hết thảy danh tự của hết thảy chúng sinh, hết thảy vật, hết thảy pháp, cũng lấy danh tự ấy nói giáo hóa người, hết thảy danh tự đều hiểu rõ hết, đều có thứ lớp.

Tam muội Ly âm thanh tự ngữ là được Tam muội ấy thời quán hết thảy các pháp đều không có âm thanh ngôn ngữ, tướng thường tịch diệt.

Tam muội Nhiên cự là như cầm đuốc đi đêm, không rơi chỗ hiểm, Bồ tát được Tam muội ấy, dùng đuốc trí tuệ không lầm không dính đối với các pháp.

Tam muội Tịnh tướng là được Tam muội ấy thời có thể thanh tịnh đầy đủ, trang nghiêm 32 tướng, lại có thể đúng như quán pháp tướng chung tướng riêng các pháp, cũng có thể quán các pháp thanh tịnh vô tướng, tức là không, vô tướng, vô tác, như phẩm Tướng nói rộng.

Tam muội Phá tướnglà được Tam muội ấy thời không thấy tướng hết thảy pháp huống gì tướng các Tam muội, đây tức là vô tướng Tam muội.

Tam muội Nhất thiết hữu diệu túc là được Tam muội ấy thời lấy các công đức trang nghiêm đầy đủ, dòng họ tốt, gia đình tốt, thân tốt, quyến thuộc tốt; thiền định, trí tuệ đều đầy đủ, thanh tịnh.

Tam muội Bất hỷ khổ lạc là được Tam muội ấy thời xem cái vui vẻ thế gian nhiều lỗi nhiều lo, hư vọng điên đảo, không thể ưa vui, xem cái khổ thế gian như bịnh như mũi tên vào thân, tâm không mừng vui, vì hết thảy pháp hư dối, chẳng cầu cái vui đó, vì sao? Vì lúc khác biến đổi là khổ; vui còn chẳng mừng huống gì đối với khổ.

Tam muội Vô tận tướnglà được Tam muội ấy thời xem hết thảy pháp không hoại không tận.

Hỏi:Nếu như vậy, sao không rơi vào chấp bên thường?

Ðáp:Cũng như Bồ tát tuy quán vô thường cũng không rơi vào chấp đoạn, hoặc quán chẳng cùng tận không rơi trong chấp thường. Hai tướng ấy, đều không thể có đưọc nơi các pháp. Có nhân duyên nên tu hành, nghĩa là vì tội phước chẳng mất nên nói thường, vì lìa chấp trước nên nói vô thường.

Tam muội Ða Ðà la nilà được lực Tam muội ấy, thời các Ðà la ni như Văn trì Ðà la ni v.v... đều tự nhiên được.

Tam muội Nhiếp chư tà chánh tướnglà được Tam muội ấy thời chẳng thấy ba nhóm chúng sinh là nhóm chánh định, nhóm tà định và nhóm bất định, nhất tâm nhiếp lấy hết không bỏ nhóm nào. Lại nơi các pháp không thấy tướng chánh nhất định, tướng tà nhất định, vì các pháp không có tướng nhất định.

Tam muội Diệt tăng áilà được Tam muội ấy thời đối với pháp khả hỷ không sinh yêu, đối pháp khả ố không sinh giận.

Tam muội Nghịch thuận là được Tam muội ấy thời đối với các pháp nghịch thuận tự tại. Có thể phá chúng sinh tà nghịch, có thể thuận theo chúng sinh đáng được hóa độ. Lại lìa chấp trước nên phá hết thảy pháp, vì căn lành tăng trưởng nên thành hết thảy pháp, cũng chẳng thấy các pháp nghịch thuận, việc ấy cũng không thấy, vì không có vậy.

Tam muội Tịch quang là được Tam muội ấy thời các cấu nhơ phiền não đối với các pháp không thể có được, vì không thể có được vậy, nên các Tam muội đều thanh tịnh.

Tam muội Kiên cố là, có người nói tức là Kim cang Tam muội, vì kiên cố không hoại. Có người nói: Kim cang không phải, vì Kim cang cũng dễ phá. Ðây là Tam muội tương ưng với trí biết thật tướng các pháp, không thể phá hoại như hư không, vì vậy nên gọi là kiên cố.

Tam muội Mãn nguyệt tịnh quang là được Tam muội ấy thời lời nói thanh tịnh, không sai lầm, như mùa thu hư không trong sáng sạch, trăng tròn sáng chói mát mẻ đáng ưa, không chi đáng ghét. Bồ tát cũng như vậy, tu các công đức như trăng tròn phá tối vô minh nên tịnh trí sáng suốt đầy đủ; dứt lửa ưa, giận v.v...nên công đức mát mẻ đầy đủ; làm lợi ích cho chúng sinh nên đáng ưa.

Tam muội Ðại trang nghiêm là thấy mười phương thế giới số như hằng hà sa, lấy hoa hương bảy báu trang nghiêm, Phật ở trong đó trang nghiêm thanh tịnh như vậy, được Tam muội ấy nên cùng một lúc trang nghiêm các công đức. Lại xem sự trang nghiêm đó rỗng không không có gì, tâm không dính mắc.

Tam muội Năng chiếu nhất thiết thế là được Tam muội ấy nên có thể chiếu soi ba thứ thế gian là chúng sinh thế gian, trú xứ thế gian (khí thế gian) và ngũ uẩn thế gian.

Tam muội Ðẳng Tam muội là được Tam muội ấy, quán các Tam muội đều nhất đẳng, nghĩa là nhiếp tâm tướng. Tam muội ấy đều từ nhân duyên sinh, pháp hữu vi tạo tác, không có cạn sâu, được Tam muội ấy thảy đều bình đẳng, ấy gọi là đẳng, cùng các pháp khác cũng bình đẳng không khác. Vì vậy nên theo nghĩa nói trong hết thảy pháp, tướng định, tướng loạn không thể có được.

Tam muội Nhiếp nhất thiết hữu tránh vô tránh là được Tam muội ấy thời không thấy pháp ấy có tướng như vậy, pháp ấy không có tướng như vậy, không phân biệt các pháp hữu tránh vô tránh, đối với hết thảy pháp thông đạt vô ngại, đối với hết thảy chúng sinh cũng không tranh luận tốt xấu, chỉ theo tâm hành của chúng sinh mà độ thoát. Ðược Tam muội ấy nên đối với các Tam muội tùy thuận không nghịch.

Tam muội Bất lạc nhất thiết trú xứ là được Tam muội ấy thời không ưa ở thế gian, không ưa ở phi thế gian, vì thế gian vô thường nên không ưa, trong phi thế gian thời không có hết thảy pháp, là chỗ đáng sợ không nên sinh ưa vui.

Tam muội Như trú định là được Tam muội ấy thời biết tướng như thật của hết thảy pháp, không thấy có pháp gì quá hơn tướng như như ấy. Nghĩa như như, như trước đã nói.

Tam muội Hoại thân suy là máu thịt xương gân v.v... hòa hợp gọi là thân, thân ấy nhiều hoạn nạn, thường đấu tranh với đói, lạnh, nóng; ấy gọi là thân suy. Ðược Tam muội ấy nên dùng lực trí tuệ phá hoại từng phần tướng thân suy, cho đến không thấy tướng không thể có được.

Tam muội Hoại ngữ như hư khônglà, ngữ gọi là gió phát ra bên trong, chạm vào bảy chỗ nên có tiếng, nương tiếng nên có ngữ. Quán nhân duyên của ngữ ngôn như vậy nên hay phá ngữ ngôn, không sinh ngã tướng và ghét thương. Có người nói: Nhị thiền không có giác quán, đó là Tam muội hoại ngữ, hiền thánh im lặng. Có người nói: Ðó là Tam muội định vô sắc, ở đây không có thân, lìa hết thảy sắc. Có người nói: Ðó chỉ là Tam muội của các Bồ tát, hay phá thân bất tịnh do kiết nghiệp nhân duyên đời trước tạo ra mà thọ lấy pháp thân, tùy chúng sinh đáng được độ mà hiện các hình tướng.

Tam muội Ly trước hư không bất nhiễm là, Bồ tát thực hành Bát nhã ba la mật, quán các pháp rốt ráo không, chẳng sinh chẳng diệt; như hư không không vật gì ví dụ được. Ðộn căn Bồ tát đắm trước hư không ấy, được Tam muội này nên lìa nhiễm trước các pháp hư không, cũng không nhiễm trước Tam muội ấy; như người bị sa trong bùn được có người kéo ra, khóa chân bắt làm nô bộc; có Tam muội được lià khỏi nhiễm trước hư không nhưng lại nhiễm trước Tam muội thời cũng như vậy. Nay Tam muội này có thể lìa nhiễm trước hư không, hư không cũng tự lìa nhiễm trước.

Hỏi:Phật phần nhiều nói về Tam muội, sao ông chỉ nói các pháp?

Ðáp:Phật nói nhiều về quả báo, Luận giả thì hợp cả nhân duyên và quả báo để nói, ví như người quán thân bất tịnh, được Tam muội bất tịnh; thân là nhân duyên, Tam muội là quả. Lại như người quán năm uẩn vô thường, khổ, không v.v... mà được Tam muội bảy giác ý, có thể sinh tám Thánh đạo, bốn quả Sa môn.

Lại nữa Phật thích ứng theo chúng sinh chỉ nói một pháp, Luận giả nói rộng ra, phân biệt các việc; thí như hết thảy hữu lậu đều là nhân của khổ, song Phật chỉ nói ái là nhân của khổ; hết thảy phiền não diệt gọi là Diệt đế, song Phật chỉ dạy ái tận. Bồ tát ấy đối với các quán hạnh chắc chắn không nghi, nhưng đối với các Tam muội thì chưa rõ, nên Phật chỉ nói Tam muội. Luận giả nói các pháp, mà hết thảy Tam muội đều ở trong đó. Cuối các Tam muội đều nên nói “dùng vô sở đắc”, vì đồng Bát nhã vậy.

Như vậy vô lượng vô biên Tam muội hòa hợp lại gọi là Ma ha diễn.

(Hết cuốn 47 theo bản Hán)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com