- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng nghĩa (7 quyển)
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng nghĩa - Quyển II
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng nghĩa - Quyển III
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng nghĩa - Quyển IV
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng nghĩa - Quyển V
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng nghĩa - Quyển VI
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng nghĩa - Quyển VII
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng nghĩa - Quyển VII
25. Phẩm Quán-Thế-Âm Bồ-Tát Phổ-Môn
Nguồn: Pháp Sư Thích Thiện Trí
Sau khi đã phát trừ “thọ ấm”, mặc dù thoát khỏi cái lụy hình hài nhưng “tập khí vọng tưởng” vẫn còn. Tuy nhiên đã cảm nhận được sự vi diệu của “bản tâm thanh tịnh”.
Đến đây nếu phá trừ “tập khí vọng tưởng” hay nói cách khác là phá trừ “tưởng ấm” thì tâm thanh tịnh sáng suốt kia giống như gương đã sạch bụi nhơ.
Do đó mới thấy vạn phát sinh diệt không ngừng, duyên khởi giả lập nên vượt thoát được phiền não chướng mà bước vào “lý đạo Nhất thừa”.
Nhưng điều cần quán triệt là sau khi thoát khỏi cái “lụy hình hài” thì phát sinh trí tuệ, ở nơi đây lại tham cầu “thiện xảo” liền vướng vào danh ngôn và giả tướng do vậy lại bước vào mê lộ.
Pháp “Quán Thế Âm Bồ Tát” là phương tiện vi diệu để phá trừ mê lộ của “tưởng ấm”.
- Quán Thế Âm là quán sát hay xem xét tiếng nói của vọng tưởng. Tiếng nói của chúng sinh trong pháp giới.
- Quán Thế Âm là “Diệu Âm thường chiếu”.
Thường chiếu bằng những đức tướng vi diệu hiện hành. Và Bồ Tát chỉ cho những đức tướng vi diệu ấy, vượt khỏi danh ngôn và giả tướng.
Vượt khỏi “vọng tưởng hư minh” tương ưng tánh lý để làm lợi ích chúng sinh, vì Bồ Tát là “Bồ Đề Tát Đỏa” (Bodhisattva) là giác hữu tình.
Do vậy vào đầu phẩm kinh Ngài Vô Tận Ý đã bạch cùng Đức Phật rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn! Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm”.
Với danh xưng “Vô Tận Ý” là biểu tượng, tượng trưng cho “ý tưởng” hay “tưởng ấm”. Nói đến “Ý tưởng” là nói đến sự suy lường phân biệt. Ý tưởng đây dấy khởi liên miên bất tận không bến không bờ.
“Ý tưởng” ấy không làm sao liễu tri về “Diệu Âm thường chiếu”.
Vì thế mà “Vô Tận Ý” mới bạch cùng Đức Thế Tôn hỏi về danh xưng “Quán Thế Âm”. Có nghĩa là chỉ cho “Tri kiến Như Lai” mới giải bày cho thức tâm liễu tri về “Diệu Âm thường chiếu”. Hay nói cách khác là chỉ cho “Tri kiến Phật” mới phá trừ “tưởng ấm”, và làm tỏ rõ nhân duyên gì mà có “từ bi quán” hay do nhân duyên gì mà “Diệu Âm thường chiếu”.
Vì như đã nêu “Diệu Âm thường chiếu” chính là “Quán Thế Âm”. Diệu Âm lúc nào chẳng có nơi bản tâm của chúng sinh. Nhưng hiển lộ bằng hành vi, những đức tướng vi diệu để làm lợi ích cho chúng sinh, thì “Diệu Âm” lúc đó là “Quán Thế Âm” hay “Diệu Âm thường chiếu”.
Nêu Đức Thế Tôn đã bảo Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát: “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ Tát một lòng xưng danh Quán Thế Âm Bồ Tát, tức thời xem xét tiếng tăm kia đều đặng giải thoát”.
Điều đo đã nói lên rằng: “vọng tưởng hư minh” làm cho chúng sinh điên đảo khổ đau. Phiền não chướng và sở tri chướng phủ mờ tánh giác. Trước cảnh duyên dao động bức bách đau khổ tột cùng vô phương hy vọng. “Vọng tưởng hư minh” bặt lối suy lường. Ngay lúc đó chúngsinh quay về “tự tánh nhiệm mầu”. Lập tức tiếng huyền diệu của chân tâm hiển bày chiếu phá “huyễn cảnh” do “vọng tưởng hư minh” giả lập”.
Sự chiếu phá này không thể dùng suy lường mà suy lường được. Vì nó có công năng dung thông và chiêu cảm chẳng thể nghĩ bàn đối với sự sự vật vật, làm cho chúng sinh kia liền được giải thoát. Nên gọi là một lòng xưng danh Quán Thế Âm này tức thời xem xét tiếng tăm kia đều đặng giải thoát.
Hơn thế nữa, ngay nơi hiện tiền vì bặt dứt suy lường “cảnh giới tịnh diệu” do “Diệu Âm thường chiếu” tương ứng với cảnh giới do thánh trí hiện bày mà chúng hữu tình rơi lọt vào đó, cảm nhận sự vi diệu và giải thoát cảnh giới khổ đau do “vọgn tưởng hư minh” đã dựng lập.
Lại nữa, Quán Thế Âm Bồ Tát là biểu tượng, tượng trưng cho “bản tâm thanh tịnh” có đầy đủ đức tướng từ bi và nhẫn nhục. Chỉ vì “vọng tưởng hư minh” che lấp nên “tâm cảnh tương phân” nẩy sinh ý niệm thiện, ác, địa ngục, Niết bàn. Một khi đã trực nhận “các pháp tự tánh là không”, nghĩa là quán xét được thực tướng của các pháp. Lúc đó bậc đại trí chỉ hành xử bằng những đức tướng vi diệu đầy đủ tha lực từ bi và chính như thế mới gọi là “Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện hành giải thoát đau khổ”.
Đức Thế Tôn dạy tiếp: “Nếu có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát này vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy đặng”.
Thế nào là lửa lớn?
Khi ứng tiếp với khách trần, ví như trước lời nói êm ái, ngọt ngào, trước vàng, bạc, lưu ly, các thứ châu báu... hoặc trước sự chà đạp chửi mắng, trước hành động dã man... niệm khởi phát sinh như nung nấu, như ngọn lửa hừng hực bốc cao, khiến cho thân tâm dao động, mở ra cảnh giới tương ưng để nhận chịu và chấp cho là “thực cảnh”. Ngọn lửa của sân hận, si mê, phiền não có năng lực thiêu hủy những đức tướng vi diệu và che lấp “tự tánh nhiệm mầu”. Ngay lúc đó chúng sinh biết quay về tánh giác. Hay còn gọi “niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát”. Nghĩa là ngay nơi đó “tiếng huyền diệu của chân tâm” chiếu tỏa, phá tan “vọng tưởng hư minh” thì “huyễn cảnh” lửa lớn kia chẳng cháy đặng.
- Lại nữa, “nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu của Bồ Tát này liền đặng chỗ cạn”.
Với ý nghĩa, “nước lớn” là dụ cho dòng nước ái, nước ái dục một khi đã cuồn cuộn dâng lên thì không gì ngăn cản nổi.
Sự thèm khát về dục lạc, về mùi vị, ăn uống làm sao đong đầy, làm sao thỏa mãn, nó sai sử cuốn lôi và thúc dục mọi chúng sinh phải tìm đủ phương cách dù có hiểm nguy, dù hy sinh nhiều phương tiện làm sao thỏa mãn được dụng vọng trong một chu kỳ tất định, để rồi liên tục thay nhau từ dục vòng huyễn hư này đến dục vọng huyễn hư khác.
Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát là hiện khởi của từ bi và trí tuệ.
Phát xuất từ “bản giác diệu minh” như chiếc thuyền kiên cố được lèo lái vững vàng lướt nhẹ trên cuồng lưu dục vọng.
Nên, “nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ Tát này liền đặng chỗ cạn”.
- Lại nữa, “Nếu chúng sinh nào tìm vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu và các thứ báu... mà vào biển lớn. Giả sử gió lớn thổi ghe thuyền của kia trôi tấp vào nước quỷ La sát, trong đó nhân có một người xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát tức thời các người kia đều thoát khỏi nạn quỷ La sát”.
Vì nhiễm trước cảnh duyên nên tham đắm vật chất bị gió lớn của “tài lợi, thương cảm, xấu xa, chê bai, vui sướng, đau khổ, xưng tán, khen tặng”. Ngọn “bát phong” này thổi bay vào nơi ác đạo hay gọi là “nước quỷ La sát”, ngay nơi đó “niệm giác bừng lên” hay còn gọi là có người “xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát” thời những niệm dơ nhiễm, niệm chúng sinh đều được giải thoát.
- Lại nữa, “nếu có người sắp bị hại lại xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thời dao gậy của người kia liền gãy khúc mà đặng thoát khỏi”.
Với ý nghĩa, “dao gậy” chỉ cho cảnh duyên, “sắp bị hại” chỉ cho căn, trần giao tiếp.
Ngay nơi đó “vọng thức nảy sinh” lo lắng, đau buồn, thất vọng, tức tối, oán trách... nếu kịp thời quán chiếu, hay gọi là “niệm Quán Thế Âm Bồ Tát” thì những niệm khởi “khổ đau” kia liền rơi rớt giống như “dao gậy của người kia liền gãy từng đoạn” vậy.
- Lại nữa, “nếu quỷ Dạ xoa cùng La sát đầy dẫy trong tam thiên đại thiên muốn đến hại người, nghe người xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thời các quỷ dữ đó còn không thể dùng mắt dữ mà nhìn huống làm hại đặng”.
Vọng tưởng nhơ nhiễm xấu ác đầy dẫy nơi chúng sinh giống như quỷ Dạ xoa, La sát đầy dẫy trong cõi tam thiên đại thiên.
Vừa nãy sinh, vừa thúc dục để tạo nên tội lỗ như bị “quỷ dữ” nhìn sắp làm hại.
Kịp quán sát soi rọi ác tướng làm cho các tướng không còn chỗ sinh khởi nên gọi là “nếu niệm Quán Thế Âm Bồ Tát tức thời các quỷ dữ đó còn không thể dùng mắt dữ mà nhìn huống làm hại đặng”.
- Lại nữa “dầu có người hoặc có tội, hoặc không tội gông cùm xiềng xích trói buộc nơi thân, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thảy đều đứt rã, liền đặng thoát khỏi”.
Vọng tưởng tham cầu chồng chất luôn luôn trói buộc chúng sinh. Tham cầu phước báu, tham cầu ngũ dục, giống như: “Kẻ có tội hoặc không tội bị gông cùm xiềng xích trói buộc” mà khổ đau, nhất là khi tham cầu chẳng đạt thành ý.
Hơn nữa sự tham cầu lại như hố sâu không đáy. Do vậy mà chúng sinh cứ lặn lội tìm đủ phương cách để đạt đến tuyệt đĩnh của tham cầu. Nhưng tuyệt đỉnh kia không bao giờ đến được, “sợi dây” tham cầu lại trói buộc lấy mình. Trực nhận đó cũng chỉ là “vọng tưởng hư minh” thì khổ đau kia liền thôi dứt. Hay còn gọi là “niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì gông cùm xiềng xích kia thảy đều đứt rã, mà đặng giải thoát”.
- Lại nữa, “nếu có kẻ oán tặc đầy trong cõi tam thiên đại thiên, có vị thương chủ đem các người buôn, đem theo nhiều của báu trải qua nơi đường hiểm trở, trong đó có người xướng rằng: các thiện nam tử chớ nên sợ sệt, các người phải một lòng xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, vị Bồ Tát này hay đem pháp vô úy thí cho, các người nếu xưng danh hiệu thời sẽ đặng thoát khỏi oán tặc này”.
“Oán tặc” thời chỉ cho ác sự. Ác sự thường do “thân, khẩu, và ý” gây nên.
- Thân như vạc dầu.
- Miệng như dòng thác,
- Ý tựa rừng gươm.
Tạo ra không biết bao nhiêu ác sự, nên gọi là “oán tặc đầy dẫy” trong cõi tam thiên đại thiên.
Nhưng trước ác sự mà thiện tâm phát khởi để quay về thiện sự thì đó là một vấn đề vô cùng khó khăn. Giống như “vị thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu trải qua con đường hiểm trở”.
Ví như chúng sinh trước cảnh nghèo đói, túng thiếu, thèm khát mà chẳng hành động đen tối, để giải quyết sự đòi hỏi bức bách, đó là vấn đề khó khăn.
Trước cảnh sỉ nhục, đánh đập, xua đuổi, mà chẳng giận hờn, oán trách, đó là vấn đề khó khăn, giống như “trải qua con đường hiểm trở”.
Ngay nơi sự bức ngặt để gây nên ác sự mà “niệm giác bừng lên” tức thời xóa tan được “vọng tưởng hư minh” đem lại sự bình thản yên vui hay gọi là “niệm Quán Thế Âm Bồ Tát liên thoát khỏi oán tặc này”.
“Này Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ Tát có sức oai thần cao lớn như thế!”.
Sức oai thần ấy làm cho “tham, sân, si” trở thành “giới, định, huệ” nên chúng sinh thường niệm nhớ nơi lòng.
- Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát là “niệm giác” là niệm từ bi và trí tuệ.
- Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát là trực nhận “bản thân thanh tịnh”, thể nhận “tiếng huyền diệu của chân tâm”.
- Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát là hiện nhất thiết sắc thân tam muội, ứng cơ tiếp vật, tự tại dung thông.
Do vậy:
“Nếu có người nữ muốn cầu con trai, lễ lạy cúng dường Quán Thế Âm liền sinh con trai phước đức trí tuệ, hoặc muốn cầu con gái bèn sinh con gái có tướng xinh đẹp”.
Với ý nghĩa: nếu chúng sinh nào còn mang đầy “ái nhiễm”, như lời dụ trong kinh là “người nữ”, mà muốn thoát khỏi ái nhiễm để “trí tuệ”, phát sinh, hay muốn cầu con trai hoặc muốn có phước đầy đủ, hay muốn cầu con gái mà lễ lạy cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát hay quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” thì phước huệ kia sẽ được viên mãn.
Bởi Quán Thế Âm Bồ Tát là biểu tượng tượng trưng cho “bản thân thanh tịnh” mà chúng sinh biết quy hướng thì “vọng tưởng hư minh” không còn là áng mây che mờ tánh giác nữa.
Đến đây Đức Thế Tôn đã dạy tiếp:
“Này Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh tự 62 ức hằng hà sa Bồ Tát, trọn đời cúng dường đồ ăn uống, y phục, giường nằm, thuốc thang, ý ông nghĩ sao? Công đức của người thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy có nhiều chăng?”.
“Bạch Đức Thế Tôn rất nhiều”.
Với ý nghĩa, nếu dùng “tư tưởng suy lường” mà suy lường thật sâu xa, xem xét tất cả công hạnh vi diệu như:
- Hạnh tinh tấn.
- Hạnh bố thí (Dõng Thí Bồ Tát).
- Hạnh từ bi (Di Lắc Bồ Tát).
- Hạnh không khinh mình, khinh người (Thường Bất Khinh Bồ Tát).
Với 62 ức hằng sa Bồ Tát hay 62 ức hằng sa công hạnh, hằng sa đức tướng vi diệu hiện hành để giác hữu tình. Nhưng vô lượng vô số đức tướng vi diệu ấy muốn hiện hành vô trụ vô chấp thì đều phải khởi tứ hạnh quán sát, nghĩa là dùng “Diệu Âm chiếu tỏa” để từ đó vô biên hạnh kia mới không còn bị vướng nhiễm bởi “danh ngôn và giả tướng” mới “vô trụ vô chấp” được.
Mà “Diệu Âm chiếu tỏa” chính là hạnh Quán Thế Âm. Do vậy mà Đức Thế Tôn đã dạy rằng: “Nếu có người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát nhẫn đến một thời lễ lạy cúng dường thời phước báu của hai người đó bằng nhau không khác”.
Lúc đó ngài Vô Tận ý Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát dạo đi trong cõi Ta bà như thế nào? Nói pháp cho chúng sinh như thế nào? Sức phương tiện việc đó như thế nào?
Điều đó có ý nghĩa:
“Tiếng huyền diệu của chân tâm” thường chiến phá “vọng tưởng hư minh” như thế nào? Vì Quán Thế Âm tượng trưng cho “Diệu Âm thường chiếu”. “Vọng tưởng hư minh” chỉ cho cõi Ta bà, và “dạo đi trong cõi Ta bà” là chỉ cho sự chiếu phá dung thông tự tại của “Diệu Âm” bao trùm cả pháp giới.
Nhưng dùng phương tiện gì để chiếu phá?
Đức Thế Tôn dạy rằng:
- “Này thiện nam tử ! Nếu chúng sinh nào đáng dùng thân Phậ tđặng độ thoát, thời Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Phật mà vì đó nói pháp”.
Nghĩa là, nếu chúng sinh nào đã thể nhập được “tự tánh nhiệm mầu” chẳng sinh, chẳng diệt, thường tịch, thường chiếu. Thì “Diệu Âm” nơi “bản tâm thanh tịnh” cũng từ đó hiện hành chiếu tỏa phát khởi những đức tướng vi diệu, ứng cơ tiếp vật tự tại dung thông.
“Diệu Âm chiếu tỏa” hiện hành chính là Quán Thế Âm Bồ Tát hiện hành.
Do vậy mà kinh viện dẫn: “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Phật mà vì đó nói pháp”.
- “Nếu chúng sinh nào đáng dùng thân Duyên giác đặng độ thoát, liền hiện thân Duyên giác mà vì đó nói pháp”.
Nghĩa là nếu chúng sinh nào tu về “Thập nhị nhân duyên”, nhận rõ rằng vì chấp niệm “minh” mà trở thành “vô minh”. Từ đó “vận hành” phân biệt nên có “thức”. Từ phân biệt mà có danh ngôn, giả tưởng, gọi là “danh, sắc”. Tâm cảnh tương phân tương ưng thu nhập, gọi là “lục nhập”. Từ “lục nhập” mà có tiếp giao, gọi là “xúc”. Từ tiếp giao mà có “thọ” nhận. Do thọ mà nảy sinh ưa thích vướng nhiễm với nhau, gọi là “ái”. Do vướng nhiễm nên muốn giữ gìn. Gọi là “thủ”. Từ đó không muốn rời nhau, muốn có nhau luôn, gọi là “hữu”. Chính vì thế mà có sự tương tục giả lập thoát khỏi sợi xích duyên khởi giả lập trùng điệp nảy sinh trong từng niệm thì phải phá trừ niệm chấp “minh”. Nghĩa là phá trừ “vô minh”. Đến đây nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” liễu triệt giúp gốc vi tế của vô minh giải thoát sự trụ chấp vào quả vị “Duyên giác” mà tiến vào “lý đạo Nhất thừa”. Nên gọi là “Quán Thế Âm liền hiện thân Duyên giác mà vì đó nói pháp”.
- Người đáng dùng thân Thanh văn đặng độ thoát, liền hiện thân Thanh văn mà vì đó nói pháp”.
Bởi vậy chúng sinh tu theo pháp Tứ Đề, đạt đến quả vị Thanh văn, biết rõ nguồn gốc hư vọng của khổ đau, lìa chấp ngã. Đến đây nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” phá trừ chấp pháp, nhận rõ pháp diệt khổ cũng huyễn hư, quả vị Thanh văn cũng chỉ là nấc thang hữu hạn mà tiến vào “lý đạo Nhất thừa”. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát dùng thân Thanh văn mà vì đó nói pháp”.
- “Người đáng dùng thân Phạm Vương đặng độ thoát, liền hiện thân Phạm Vương mà vì đó nói pháp”.
Do “niệm tưởng hư minh” rơi vào cảnh giới Phạm Thiên, hưởng thọ phước báu nơi cảnh giới này. Vì biết quay về “tự tánh”, nhờ “tiếng huyền diệu của chân tâm” chiếu phá sự mê nhiễm pháp lành hữu lậu nơi cảnh giới Phạm Thiên mà tiến vào Phật đạo. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Phạm Vương mà vì đó nói pháp”.
- “Người đáng dùng thân Tiểu Vương đặng độ thoát, liền hiện thân Tiểu Vương mà vì đó nói pháp”.
Nếu chúng sinh nào đang sống trong lối sống vương giả như Tiểu Vương mà không lầm chấp nơi địa vị ấy, trực nhận được “bản tâm” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa”. Lối sống kia sẽ hiển bày những đức tướng vi diệu tự giác, giác tha. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Tiểu Vương mà vì đó nói pháp”.
- “Người đáng dùng thân Trưởng giả đặng độ thoát, liền hiện thân Trưởng giả mà vì đó nói pháp”.
Trưởng giả là người giàu có, sống trong cảnh sang trọng, đầy đủ phước báu mà biết quy hướng vê tâm. Nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” trực nhận “tự tánh nhiệm mầu” nên biết rõ không có sự sang trọng giàu có nào bằng sự giàu có nơi tánh của mình. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Trưởng giả mà vì đó nói pháp”.
- “Người đáng dùng thâm Cư sĩ đặng độ thoát, liền hiện thân Cư sĩ mà vì đó nói pháp”.
Cư sĩ là người tu còn có gia đình và sự nghiệp. Ở nơi gia đình và sự nghiệp đang vướng nhiễm ấy mà biết quy hướng về “tâm”, nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa”. Ở ngay “duyên cảnh” ấy mà hiện hành đúng pháp tự giác, giác tha. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Cư sĩ mà vì đó nói pháp”.
- “Người đáng dùng thân Tể quan đặng độ thoát, liền hiện thân Tể quan mà vì đó nói pháp”.
Tể quan là vị có quyền cao chức trọng. Ngay lối sống quan quyền ấy mà biết quy hướng về “tự tánh nhiệm mầu” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” không cần rời bỏ lối sống ấy mà vẫn hiện hành đủ các pháp tự giác, giác tha. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện Tể quan mà vì đó nói pháp”.
- “Người đáng dùng thân Dạ xoa đặng độ thoát, liền hiện thân Dạ xoa mà vì đó nói pháp”.
Dạ xoa là thân xấu dự tợn. Vì chính những tư tưởng xấu ác nên hiện tướng chẳng lành. Nhưng biết quy hướng về Bồ Tát nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” nên giải thoát được tư tưởng ác xấu này. Do đó gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Dạ xoa mà vì đó nói pháp”.
- “Người đáng dùng thân Càn thát bà đặng độ thoát, liền hiện thân Càn thát bà mà vì đó nói pháp”.
Càn thát bà là thân tướng tạo bởi hương thơm. Vì nhiễm chấp mùi thơm mà hiện thâm chẳng lành. Nhưng biết quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” nên giải thoát sự tham nhiễm mùi vị mà tiến vào Phật đạo. Do đó gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Càn thát bà mà vì đó nói pháp”.
- “Người đáng dùng thân Khẩn na la đặng độ thoát, liền hiện thân Khẩn na la mà vì đó nói pháp”.
Khẩn na la là thân được thành tựu bởi âm nhạc. Vì nhiễm chấp bởi âm thanh vi diệu của các loại nhạc khí mà hiện thân chẳng lành. Nhưng biết quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” nên vượt thoát sự vướng nhiễm bởi nhạc khí mà tiến vào Phật đạo. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Khẩn na la mà vì đó nói pháp”.
- “Người đáng dùng thân Chấp Kim Cang Thần đặng độ thoát, liền hiện thân Chấp Kim Cang thần mà vì đó nói pháp”.
Chấp Kim Cang thần là thân tướng mạnh và uy dũng. Do vì niệm khởi trước cảnh duyên thúc bách, cần phải có hành động hùng dũng để trấn át đối cảnh mà hiện tướng chẳng lành. Nhưng biết quy hướng về “Bản tâm thanh tịnh” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” có oai lực làm tiêu hủy tưởng hùng dũng đang phát khởi bởi cảnh duyên mà tiến vào Phật đạo. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Chấp Kim Cang thần mà vì đó nói pháp”.
- “Người đáng dùng thân Ca lầu la, Ma hầu là già đặng độ thoát, liền hiện thân Ca lầu la, Ma hầu là già mà vì đó nói pháp”.
Ca lầu la là thân tướng hung dữ như loài chim súy điểu chuyên ăn thịt loài thú vật lớn nhất ở biển (gọi là ăn thịt rồng).
Ma hầu la già thân tướng ghê sợ như thân rắn mãng xà.
Do vì cảnh duyên thúc bách mà niệm tưởng giết hại và độc dữ bùng lên như loài chim súy điểu, như loài rắn mãng xà. Nhưng biết quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa”. Ngay nơi đó trực nhận được niệm tưởng nhơ nhiễm kia chỉ là “vọng tưởng hư minh” mà giải trừ được sự thúc bách do các duyên giả lập tác thành. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Ca lầu la, Ma hầu la già mà vì đó nói pháp”.
- “Người đáng dùng thân Nhân cùng Phi nhân đặng độ thoát, liền hiện thân Nhân cùng Phi nhân mà vì đó nói pháp”.
Nhân cùng phi nhân là thân người chẳng phải người hoặc dị hình.
Do vì niệm tưởng “bất định” (thay đổi không ngừng) mà chao động khổ đau, như lo lắng, đau buồn, oán trách, mừng giận, thay đổi liên tục theo cảnh duyên. Nhưng biết quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” giải trừ được sự bất định mà trong kinh viện dẫn “Nhân cùng Phi nhân” tiến vào Phật đạo. Nên gọi là “Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Nhân cùng Phi nhân mà vì đó nói pháp”.
Như thế đã nói lên rằng chúng sinh trong ba cõi, dù mang sắc thân loại nào trong 12 sắc thân. Mỗi chúng sinh đều có “bản tâm thanh tịnh”, đều có “Diệu Âm thường chiếu”. Bởi “Vọng tưởng hư minh” làm che mờ tánh giác. Nhưng biết quy hướng về tâm, ứng nơi duyên cảnh, mỗi niệm đều tỉnh giác, hay nói cách khác là “nhất tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát” thì vọng tưởng hư minh kia tức thời tan biến.
Hằng niệm, hằng niệm đều quy ngưỡng “Quán Thế Âm Bồ Tát” hay quy ngưỡng về “bản tâm thanh tịnh” thì làm gì không giải thoát và giác ngộ.
“Này Vô Tận Ý Bồ Tát ! Quán Thế Âm Bồ Tát đã thành tựu công đức như thế. Dùng các thân hình dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sinh, cho nên các ngươi phải một lòng cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát. Quán Thế Âm Bồ Tát đó ở trong chỗ nạn gặp sợ hãi hay ban sự vô úy. Cho nên cõi Ta bà này gọi Ngài là vị Thí Vô Úy”.
“Diệu Âm chiếu tỏa” được thành tựu những công đức “bất khả tư nghi” nên chúng sinh một lòng quy hướng “Diệu Âm”. Có quy hướng thì “vọng tưởng hư minh” mới có thể dứt trừ, nên gọi Ngài là “Thí Vô Úy” hay “cho cái không sợ sệt” cái an nhiên tự tại, rỗng sáng, mà tự thể của chúng sinh đã sẵn có, chỉ biết quay về là trực nhận được ngay.
“Lúc bấy giờ Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Con nay phải cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát, liền mở chuỗi ngọc bằng các thứ châu báu nơi cổ, giá trị bằng trăm nghìn lượng vàng đem trao cho ngài Quán Thế Âm Bồ Tát mà nói rằng: Xin Ngài nhận chuỗi trân bảo pháp thí này”.
Với ý nghĩa, một khi thúc tâm biết quay về “tánh giác” thì cái kho tàng quý báu nơi “tự tánh nhiệm mầu” sẽ được mở bày.
Hay nói cách khác là “Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát liền mở chuỗi ngọc bằng các thứ báu giá trị trăm nghìn lượng vàng”.
Vì “Vô Tận Ý” như đã nêu từ trước là biểu tượng, tương trưng cho ý tưởng sâu xa thẳm suốt. Một khi đã rõ thông các pháp vi diệu do Đức Thế Tôn tuyên bày. Nhận ra được “Diệu Âm thường chiếu” ở thân mình. Đó là sự quý báu vô cùng, không có thứ châu báu nào so sánh được.
Nhưng sự trực nhận quý báu như “xâu chuỗi ngọc báu” đó cũng chưa phải là rốt ráo. Vì đó chỉ mới là “trực nhận” chưa phải là những “đức tướng vi diệu từ Diệu Âm chiếu tỏa”, hiện hành để giác hữu tình. Nên sự trực nhận kia cần phải thăng hoa để hướng về “Đức dụng Quán Thế Âm”.
Hơn nữa, Quán Thế Âm Bồ Tát là biểu tượng, tượng trưng cho “giác pháp” hiện hành, phát xuất từ “bản giác diệu minh”. Nhận được như thế đó làsự quý báu vô lượng của “ý tưởng thẳm sâu”.
Làm thế nào đưa ý tưởng thẳm sâu như vậy về thực tại hiện hành, hay về đức dụng Quán Thế Âm? Điều đó chỉ có “Tri kiến Như Lai” mới dung thông được.
Do vậy Đức Thế Tôn đã bảo Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát: “Người nên thương Vô Tận Ý và hàng tứ chúng mà nhận chuỗi ngọc đó”.
Nghĩa là phải nhờ đến “tri kiến Như Lai” chiếu phá đưa tư tưởng thẳm sâu về “giác pháp”. Do vậy khi hiện hành “giác pháp” mới “vô trụ vô chấp” được.
Cho nên “Quán Thế Âm Bồ Tát thương hàng tứ chúng, trời rồng.... mà nhận chuỗi ngọc đó”.
Nghĩa là “giáp pháp” sở dĩ hiện hành hay “Quán Thế Âm Bồ Tát” sở dĩ nhận chuỗi ngọc là từ “thử tánh viên minh” thương xót chúng sinh mà hiện hành hay Quán Thế Âm Bồ Tát thương xót chúng sinh mà nhận chuỗi.
Pháp “Quán Thế Âm Bồ Tát” hiện hành vi diệu, để “giác hữu tình” đều có chỗ nhận mà nhận, đâu có chỗ trụ mà trụ. Tất cả giác pháp đều phát xuất từ “bản tâm thanh tịnh” thương xót chúng sinh mà dùng phương tiện “ứng cơ tiếp vật”. Do vậy mà “Quán Thế Âm Bồ Tát” nhận chuỗi anh lạc vô giá pháp thí là chia làm hai phần:
- Một phần dâng tháp Phật Đa Bảo.
- Một phần dâng Đức Thích Ca Mâu Ni Phật.
Với ý nghĩa ý tưởng thẳm sâu nhận ra “giác pháp” và “giác pháp” được hiện hành để giác hữu tình đã phát xuất từ bản giác và đó chính là “đức dụng của bản giác”.
- Bản giác là tượng trưng cho Đức Đa Bảo.
- Đức dụng của bản giác là tượng trưng cho Đức Thích Ca. Tượng trưng cho “trí tuệ Bát Nhã”.
Giác pháp bắt nguồn từ “bản giác và trí tuệ”.
Do vậy mà “Quán Thế Âm Bồ Tát đã dâng chuỗi ngọc báu, một phần cho Đức Đa Bảo, một phần cho Đức Thích Ca”. Điều đó đã nói lên ý nghĩa rằng thể và dụng không hai. Thể và dụng và tự tánh nhiệm mầu.
Cũng chính từ ý nghĩa đó mà Đức Thế Tôn đã từ “bản giác diệu minh” xuất nhập tự tại, thị hiện đồng cư với chúng sinh để dìu dắt uốn nắn, cho đến hôm nay căn cơ của chúng hội đã thuần thục, Đức Thế Tôn mới thuyết pháp “Quán Thế Âm Bồ Tát” để chúng sinh thể nhập “Tri kiến Phật” nơi tánh mình.
Do vậy phần trùng tụng một lần nữa Đức Thế Tôn đã ân cần nhắc nhở về pháp “Quán Thế Âm Bồ Tát” này.
Ngài đã nêu rõ “Mỗi chúng sinh đều có Diệu Âm thường chiếu”. Trong từng niệm khởi “Diệu Âm” ấy sẽ chiếu phá được “vọng tưởng hư minh” làm cho niệm khởi mê thành giác.
Muốn được như thế thì mỗi chúng sinh đều phải có sự thệ nguyện rộng sâu và luôn luôn “hầu nhiều nghìn Đức Phật” hay luôn luôn hướng về “tánh giác”. Chỉ có sự phát nguyện như thế thì “hạnh Quán Âm” hay “Diệu Âm” mới chiếu tỏa được, hay “khéo ứng” được.
Nên phần trùng tụng đã nêu.
Kệ đáp Vô Tận Ý,
Người nghe hạnh Quán Âm,
Khéo ứng các nơi chỗ,
Thệ rộng sâu như biển,
Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn,
Hầu nhiều nghìn Đức Phật,
Phát nguyện thanh tịnh lớn”.
Và một khi đã thệ nguyện rộng lớn luôn luôn hướng về “bản tâm thanh tịnh” thì sẽ nghe được “tiếng huyền diệu của chân tình”, sẽ thấy rõ được hành vi tạo tác hiện hành xứng hợp với tiếng huyền diệu ấy, mà giải thoát mọi khổ đau do “vọng tưởng hư minh” dựng lập, nên gọi là:
Nghe tên cùng thấy thân,
Tâm niệm chẳng luống qua
Hay diệt khổ các cõi.
Nếu chúng sinh nào khởi niệm: thương yêu, buồn vui... làm cho thân tâm dao động, thọ nhận khổ đau. Giống như “có người sinh lòng hại mà xô rớt xuống hầm lửa”. Ngay lúc đó biết quy hướng về “Tâm” nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” hay nhờ “lực niệm Quán Âm” mà dứt trừ được niệm khởi mê nhiễm, thân niệm liền được an định, giống như “hầm lửa mà kẻ kia bì xô xuống lại biến thành ao mát vậy”.
Giả sử sinh lòng hại
Xô rớt xuống hầm lửa
Nhờ lực niệm Quán Âm
Hầm lửa biến thành ao.
- Hoặc có khi chúng sinh bị “dòng nước ái” cuốn lôi vào biển lớn của”ác tưởng”, thân tâm rơi vào cảnh giới của ngạ quỷ, súc sinh...
Ngay lúc đó biết quy hướng về “Tâm” nghe tiếng huyền diệu của chân tâm hay nhờ “lực niệm Quán Âm” thì lập tức “ác tưởng” đang bùng lên như làn sóng sắp làm chìm ngập thân tâm liền được giải trừ.
Hoặc trôi giạt biển lớn
Mắc nạn quỷ, cá, rồng
Nhờ lực niệm Quán Âm
Sóng chẳng làm chìm đặng
- Hoặc có khi tâm tưởng đang được “thanh tịnh tuyệt vời như ở chót núi Tu Di”. Bỗng gặp “trần cảnh” niệm khởi vướng nhiễm bùng lên làm cho thân tâm dao động, như bị người xô từ chót núi Tu Di rơi xuống. Ngay lúc đó biết quy hướng về “Tâm” nghe “tiếng huyền diệu của chân tâm” hay nhờ “lực niệm Quán Âm” mà thân tâm liền an định. Giống như kẻ kia đang bị xô rớt từ đỉnh núi Tu Di xuống, bỗng nhiên được cứu vớt như “mặt trời trụ giữa hư không”.
Hoặc ở chót Tu Di
Bị người xô rớt xuống
Do sức niệm Quán Âm
Như mặt nhật trụ không.
- Hoặc có lúc chúng sinh bị cuốn lôi vì ngũ dục làm cho sự tinh tấn, kiên cố, thiền định... bị tiêu hủy. Giống như kẻ bị người dữ rượt làm cho “rớt xuống núi Kim Cang”. Nghĩa là làm cho hoảng sợ mà mất đi sự cứng rắn, can đảm của mình. Ngay lúc đó biết quay về với “tự tánh” thì “Diệu Âm thường chiếu” sẽ phá tan “vọng tưởng hư minh” đang vướng nhiễm về sự hoảng sợ, hay còn gọi là nhờ “lực niệm Quán Âm” mà đặng giải thoát như “rớt xuống núi Kim Cang mà chẳng tổn đến mảy lông”.
Hoặc bị người dữ rượt
Rớt xuống núi Kim Cang,
Do sức niệm Quán Âm
Chẳng tổn đến mảy lông
- Hoặc có lúc chúng sinh khởi lên ác tưởng. Ác tưởng đó lại sắp hiện hành, giống như kẻ nhiều “oán tặc vây và oán tặc kia đang tiến hành làm hại” ngay lúc đó nhờ “lực niệm Quán Âm” hay nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” làm cho niệm khởi ác đều trở thành thiện niệm hay kẻ oán tặc lại khởi tâm lành.
Hoặc oán tặc bao vây,
Đều cầm dao làm hại,
Do sức niệm Quán Âm,
Đều liền sinh lòng lành.
- Hoặc có lúc chúng sinh gây nên tội lỗi rồi bị ám ảnh bởi tội lỗi, giống như kẻ bị pháp luật hành hình. Ngay lúc đó niệm danh hiệu Quán Thế Âm hay “Diệu Âm chiếu tỏa” thì sự ám ảnh kia sẽ dần dần tiêu hủy, hay sự hành xử bị tội được giải trừ.
Hoặc bị khổ nạn vua,
Khi hành hình sắp chết,
Do sức niệm Quán Âm,
Gươm liền gãy từng đoạn.
- Hoặc có lúc chúng sinh vì cảnh dục lôi cuốn trói buộc, giống như bị “gông cùm xiềng xích”, nhờ sức niệm Quán Âm hay “Diệu Âm chiếu tỏa” thì “vọng tưởng tham cầu” sẽ được tiêu trừ, sợi xích kia được tháo rã.
Hoặc tù cấm xiếng xích
Tay chân bị gông cùm,
Do sức niệm Quán Âm,
Tháo rã đặng giải thoát.
- Hoặc có lúc chúng sinh bị kẻ dữ khởi niệm hại mình, do sức niệm Quán Âm, hay “Diệu Âm chiếu tỏa”, tư tưởng hãm hại kia chẳng làm lay động mình và chính tư tưởng ấy dằn vặt nơi kẻ khởi niệm.
Nguyền rủa các thuốc độc,
Muốn hại đến thân mạng,
Do sức niệm Quán Âm,
Trở lại hại bổn nhân.
- Hoặc có lúc chúng sinh niệm tưởng xấu ác hung hiểm dấy khởi như: hung hăng, sân độc, bạo ngược... giống như gặp “La sát dữ, rồng độc, các loài quỷ”. Nhờ “sức niệm Quán Âm” hay “Diệu Âm chiếu tỏa”, ác tưởng kia liều tiêu trừ và hành động hung hiểm không thể nào thực hiện được.
Hoặc gặp La sát dữ,
Rồng độc các loại quỷ
Do sức niệm Quán Âm
Liền đều không dám hại
- Hoặc có lúc chúng sinh gặp duyên cảnh nghịch bức ngặt nên khởi niệm giận hờn, đau buồn, thù oán... như “thú dữ vay quanh, nanh vuốt đáng sợ”. Ngay lúc đó chúng sinh biết quy hướng về “bản tâm thanh tịnh” hay còn gọi là do “sức niệm Quán Âm” mà tư tưởng ác hại vừa dấy khởi liền thôi dứt như “ác thú hoảng sợ quay đầu bỏ chạy”.
Hoặc thú dữ vây quanh,
Nanh vuốt nhọn đáng sợ,
Do sức niệm Quán Âm,
Vội vàng bỏ chạy thẳng.
- Hoặc có lúc chúng sinh khởi niệm thâm độc âm thầm hại người như “loài rắn độc cùng bò cạp”. Niệm khởi ấy lại được tiến hành sử dụng để hại người như “hơi độc, khói lửa đốt người”, nhờ biết hồi quang phản chiếu hay do “sức niệm Quán Âm” mà các niệm tưởng âm thầm đó tự thôi dứt.
Rắn độc cùng bò cạp,
Hơi độc khói lửa đốt,
Nhờ lực niệm Quán Âm,
Theo tiếng tự bỏ đi
- Hoặc có lúc chúng sinh vì tham dục bốc cao như “giông nổi sấm sét” thúc bách tìm cầu để thỏa mãn tham dục như “thiên nhiên đổ mưa đá lớn”. Trực nhận bản tâm nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa”. Vọng tưởng hư minh của tham dục bị tiêu trừ hay “cơn mưa đá kia” tự nhiên thôi dứt.
Mây giăng nổi sấm sét,
Đổ trận mưa đá xuống,
Do sức niệm Quán Âm,
Tưc thì đặng tiêu tan.
Vì “vọng tưởng hư minh” làm cho chúng sinh lầm chấp rơi vào cảnh tương ưng giả lập để nhận chịu khổ đau chìm ngập trong vũng lầy sinh tử.
Suốt trong ba thời: hiện đại, quá khứ, vị lai, và trong ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, chúng sinh luôn luôn bị khổ ách và bức ngặt. Nếu biết quay về “tự tánh nhiệm mầu”, nhờ “Diệu Âm thường chiếu” thì “vọng tưởng hư minh” kia sẽ được tiêu trừ mà giải thoát được bức ngặt đó.
Chúng sinh bị khổ ách,
Vô lượng khổ bức thân,
Quán Âm diệu trí lực,
Năng cứu thế gian khổ.
Nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” nên đã nhận rõ được những niệm khởi làm mê. Để từ đó dùng phương tiện khác mà vượt qua sự trói buộc các “vọng tưởng hư minh” khắp cả pháp giới, khi tâm cảnh tương phân thì “vọng tưởng hư minh” dấy khởi, và cũng khắp cả pháp giới khi “tâm cảnh nhất như” cũng đều có “Diệu Âm thường chiếu” để giải trừ mê lộ do “vọng tưởng hư minh” dựng lập.
Do vậy mà Quán Thế Âm Bồ Tát có đầy đủ sức thần thông.
Đầy đủ sức thần thông
Rộng tu trí phương tiện
Các cõi nước mười phương
Không cõi nào chẳng hiện
Dù cho chúng sinh có ở trong các đường dữ như địa ngục, ngạ quỹ, súc sinh, hoặc ở trong cảnh đổi thay của mỗi sắc thân của mỗi loài như “sinh, già, bệnh, chết” làm cho thân tâm đau khổ. Nhưng biết hồi quang phản chiếu hay do “sức niệm Quán Âm” thì tâm tưởng khổ đau kia liền được giải thoát.
Các loài trong đường dữ
Địa ngục, quỷ, súc sinh
Sinh, lão, bệnh, chết, khổ
Lần đều khiến dứt hết.
Như vậy “Diệu Âm thường chiếu” hay Quán Thế Âm cũng chính là:
- Chân quán, nghĩa là nhận được tướng chân thật của vạn pháp. Thể nhập được “tự tánh nhiệm mầu”.
- Cũng chính là “Thanh tịnh quán” nghĩa là rõ “bản tâm thanh tịnh”.
- Cũng chính là “trí huệ quán” nên nhận rõ được “vọng tưởng hư minh” đang dấy khởi khi ứng tiếp với khách trần.
- Cũng chính là “Bi quán” nên nhận rõ “vọng tưởng hư minh” làm khổ đau và giải trừ vọng tưởng ấy.
- Cũng chính là “Từ quán” nên nhận rõ được cách dùng phương tiện để giải thoát khổ đau. Do vậy, chúng sinh nào muốn giải thoát khổ đau thì phải có sự kiên quyết thệ nguyện rộng sâu là “niệm Quán Thế Âm Bồ Tát” một cách thường xuyên liên tục. Để từ đó mặt trời huệ tự chiếu mà phá tan “vọng tưởng hư minh”.
Do vậy mà đoạn kinh đã nêu:
Chân quán, thanh tịnh quán,
Trí huệ quán rộng lớn
Bi quán và Từ quán
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng
Sáng thanh tịnh không nhơ
Mặt trời huệ phá tối.
Chính vì niệm Quán Thế Âm thường xuyên như thế mà bát phong không nhiễu động, lửa tham dục, sân hận, phiền não... dứt trừ nên “trí huệ rộng mở”.
Niệm bi mạnh như sấm
Ý từ diệu dường mây.
Và “niệm Quán Thế Âm Bồ Tát” ngay lập tức chúng sinh cảm thấy như uống nước cam lồ để dập tắt “phiền não chướng và sở tri chướng”.
Năng dẹp tai gió lửa,
Khắp soi sáng thế gian
Giới bị thể như sấm
Ý từ diệu dường mây
Rưới mưa pháp cam lồ
Dứt trừ lửa phiền não.
Và cũng vì thế mà những “niệm tưởng bất định”, không rõ thiện ác chỉ là “vọng tưởng hư minh” giống như hai kẻ “thưa kiện đến chỗ quan” giống như kẻ ở trong quân trận chưa rõ hơn thua mà đã sợ sệt.
Do “sức niệm Quán Âm” hay nhờ “Diệu Âm chiếu tỏa” mà niệm tưởng bất định kia được giải trừ.
Thưa kiện đến chỗ quan
Trong quân trận sợ sệt
Do sức niệm Quán Âm
Cừu oán đều lui tan
Như thế “Quán Thế Âm” chính là “Diệu Âm chiếu tỏa” nên được trong sáng. Như “Phạm âm” có sức mạnh trào dâng như tiếng “hải triều” tiêu hủy tất cả tiếng nói do “vọng tưởng hư minh” dựng lập, nên gọi là hơn các tiếng thế gian vì thế mà chúng sinh thường phải niệm.
Diệu Âm, Quán Thế Âm
Phạm Âm, Hải Triều Âm
Hơn các tiếng thế gian
Cho nên thường phải niệm
Từng niệm, từng niệm sinh diệt nối nhau, theo cảnh duyên mà dấy khởi nên tạo ra “tam giới”. Tạo ra các cõi để rồi những niệm tưởng kia dẫn dắt chúng sinh “Sinh, tử, luân hồi”. Nếu biết thường xuyên liên tục “niệm Quán Thế Âm”, nghĩa là thường xuyên liên tục quay về “tự tánh nhiệm mầu” thì những niệm tưởng tham, sân, mê nhiễm không còn chỗ dính mắc. Niệm niệm đều do “Diệu Âm chiếu tỏa”. Niệm đó là niệm giác, niệm thanh tịnh nên “Quán Thế Âm” gọi là “Tịnh Thánh”.
Chính vì Tịnh Thánh mà đã nhận và giải trừ được niệm tưởng xấu ác làm khổ đau cho chúng sinh. Quán Thế Âm Bồ Tát là đức dụng của “bản tâm thanh tịnh” có đầy đủ công đức, là mắt lành của “vọng tưởng hư minh”, là biển phước lớn không lường cho nên phải đảnh lễ.
Niệm niệm chớ sinh nghi
Quán Âm bậc tịnh thánh
Nơi khổ não nạn chết
Nay làm chỗ nương tựa
Đầy đủ cả công đức
Mắt lành trông chúng sinh
Biển phước lớn không lường
Cho nên phải đảnh lễ
Đến đây ngài Trì Địa Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu có chúng sinh nào nghe Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát đạo nghiệp tự tại phổ môn thị hiện sức thần thông này phải biết công đức người đó chẳng ít”.
Với ý nghĩa Ngài Trì Địa Bồ Tát là biểu tượng, tượng trưng cho “đất tâm”, mảnh đất tâm này chứa đựng đầy đủ hằng sa công đức tự tại dung thông. Nếu chúng sinh nào nghe và tin hiểu rằng mình có “Diệu Âm thường chiếu” ở nơi đất tâm ấy và không gì hơn nếu chúng sinh thường niệm Quán Thế Âm.
Nghĩa là nếu chúng sinh sống xứng hợp với “Tri kiến Như Lai” thì “Diệu Âm thường chiếu” sẽ hiện hành đầy những đức tướng vi diệu, để từ đó “ứng cơ tiếp vật, giác hữu tình”.
Lúc Phật nói Phẩm Phổ Môn này trong chúng có tám muôn bốn nghìa chúng sinh đều phát tâm vô đẳng. Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.