Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

12/04/201316:59(Xem: 13048)
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng nghĩa - Quyển I

1. Phẩm Tựa

Pháp Sư Thích Thiện Trí

Nguồn: Pháp Sư Thích Thiện Trí

"Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn ở trong núi Kỳ Xà Quật nơi thành Vương Xá cùng chúng Đại Tỳ kheo một ngàn hai trăm vị". Trong chúng hội này không những chỉ có hàng Tỳ kheo mà còn có đầy đủ chư vi Đại Bồ Tát, lại có Thiên Long Bát bộ, có cả dân chúng vua chúa đều nhất tâm quy ngưỡng mong chờ nghe pháp.
"Bấy giờ Đức Thế Tôn vì các Bồ Tát mà thuyết kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa giáo Bồ Tát pháp Phật sở hộ niệm. Thuyết kinh này xong Đức Thế Tôn ngồi xếp bằng nhập vào chánh định "Vô lượng nghĩa xứ" thân và tâm đều không lay động".
Thuyết kinh Đại thừa vô lượng nghĩa là thuyết như thế nào? Thuyết ở đâu?
Đây là nói về hành tướng như chân tướng, nghĩa là các hành tướng: đi, đứng, nằm, ngồi... mỗi cử động của Đức Thế Tôn đều giống như phàm phu không khác. Nhưng trong sự bình thường ấy lại chứa đựng cái diệu dụng phi thường. Thị hiện như phàm phu là để dung nhiếp, để hộ niệm và phó chúc cho chúng sinh trở về chỗ "bản lai diện mục" của chính mình.
Sự tướng thâm diệu ấy không phải cảnh giới của thức tâm suy lường mà thấy được. Chỉ có chư vị Đại Bồ Tát mới nhận thấy. Từ dáng đi, đứng, nằm, ngồi kia đã tỏa ra muôn pháp thậm thâm vi diệu, tự tại dung thông.
Sự tướng ấy từ trong "tánh giác viên minh" chiếu tỏa để hộ niệm, để phó chúc cho hàng Bồ Tát y theo đó mà hành.
Chính sự tướng thâm diệu ấy nơi đạo tràng đã làm chấn động sáu căn, sáu trần, sáu thức của chúng hội, khiến cho tất cả nhân hạnh Phật thừa của chúng hội đều khởi động. Sự hưng phấn như thế đã phát khởi những loài hoa quý từ trong nhân hạnh quy ngưỡng tung ra để cúng dường đạo tràng nghiêm minh.
"Khi đó trời mưa hoa Mạn đà la, hoa Ma ha Mạn đà la, hoa Mạn thù sa, hoa Ma ha Mạn thù sa, để rải trên Đức Phật cùng hàng đại chúng, khắp cõi Phật sáu điệu vang động".
"Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn từ nơi tướng lông trắng giữa chặn mày phóng ra luồng hào quang chiếu cả một muôn tám nghìn cõi ở phương Đông, dưới thời chiếu đến địa ngục A Tỳ, trời suốt thấu trời Sắc Cứu Cánh".
Do sức "Vô tác diệu lực" của Đức Thế Tôn đã làm chấn động hang sâu vô minh của chúng sinh. Luồng bạch hào tướng quang ấy lại ở giữa chặn mày phóng về phương Đông. Đó là ánh sáng trí huệ dung thông đối đãi, nên gọi là giữa chặn mày. Hình ảnh lông trắng ở giữa là tượng trưng cho sự không mắc kẹt ở hai bên. Hào quang là tượng trưng cho Trí Huệ Bát Nhã. Chính Trí Huệ ấy mới soi thấy tất cả sự lý nhân quả các loài chúng sinh trong lục đạo.
Soi thấu nhân quả của các hàng Thanh văn, Duyên giác... và nương theo ánh sáng đó, chúng ta cũng thấy như vậy.
Nhưng tại sao lại chiếu về phương Đông, mà không chiếu về phương khác? Bởi vì phương Đông dụ cho nguồn động hóa, nghĩa là nơi ấy một khi có ánh bình minh xuất hiện, thì muôn vật trỗi dậy tác hành.
Mười tám nghìn thế giới, dụ cho sáu căn, sáu trần, sáu thức. Với 18 giới ấy, không ngoài luồng "bạch hào tướng quang". Trong cái quang minh vi diệu ấy soi đủ sự tướng của muôn vạn pháp, dưới thấu địa ngục A Tỳ, trên suốt trời Hữu Đảnh. Đó là ý chỉ thâm diệu của kinh Pháp Hoa.
Những ảnh tượng được dựng lên để hiển bày Phật lý thâm sâu. Ảnh tượng hào quang, nương hào quang để thấy những nguyên nhân nào trôi lăn trong lục đạo, những nguyên nhân nào thoát ly sinh tử luân hồi.
"Khi ấy Ngài Di Lặc Bồ Tát nghĩ rằng: Hôm nay Đức Thế Tôn hiện thần biến tướng, vì nhân duyên gì mà có điềm lành này? Nay Đức Phật đương nhập chánh định, việc biến hiện hi hữu không thể nghĩ bàn này nên hỏi ai, ai đáp được? Ngài lại nghĩ: Ngài Pháp Vương tử Văn Thù Sư Lợi này đã gần gũi cúng dường vô lượng các Đức Phật đời quá khứ chắc đã thấy tướng hi hữu này, ta nên hỏi Ngài".
Đến đây chúng ta lại thấy rõ hơn về ý chỉ trong kinh. Vì Ngài Di Lặc là một vị "nhất sinh bổ xứ Bồ Tát" cùng với Ngài Văn Thù bồ Tát đều là bậc thượng thủ. Nên đối với điềm lành trên đâu phải không biết. Nhưng Ngài thị hiện để độ thoát chúng sinh, nên Ngài đã dùng phương tiện Duy thức quán, tượng trưng cho thức, mà thức thì làm sao tránh khỏi vọng niệm điên đảo mê lầm. Nên khi thấy việc hi hữu khó nghĩ, khó bàn, đâu có thể suy lường được.
Chỉ có Ngài Văn Thù Sư Lợi đủ đức Căn Bản Diệu Trí, tượng trưng cho chân trí viên minh mới tương ứng với điềm lành hi hữu ấy. Do vậy ta có thể hiểu rằng Ngài Di Lặc đâu phải không biết việc này.
Tất cả những ảnh tượng trên đã cho chúng ta cảm nhận được rằng chỉ có trí huệ mới không mắc kẹt hai bên. Và cũng chỉ có trí huệ mới thấu rõ được một cách toàn triệt về nguyên nhân sinh tử, nguyên nhân tu hành giải thoát.
Khi ấy Ngài Di Lặc muốn tuyên lại nghĩa trên dùng kệ hỏi rằng:
Ngài Văn Thù Sư Lợi
Đức đạo sư cớ chi
Lông trắng giữa chặn mày
Phóng ánh sáng khắp soi
Trời mưa hoa Mạn đà
Cùng hoa Mạn thu sa
Gió thơm mùi chiên đàn
Vui đẹp lòng đại chúng
Vì nhân duyên như vậy
Cõi đất đều nghiêm tịnh
Mà trong thế gian này
Sáu điệu vang động lên
Bấy giờ bốn bộ chúng
Thảy đều rất vui mừng
Thân cùng ý thơ thới
Đặng việc chưa từng có
Aùnh sáng giữa chặn mày
Soi sáng thẳng phương Đông
Một muôn tám ngàn cõi
Đều ánh như sắc vàng
Từ địa ngục A Tỳ
Lên đến trời Hữu Đảnh
Trong các thế giới đó
Cả sáu đạo chúng sinh
Sống chết của kia đến
Nghiệp duyên lành cùng dữ
Thọ báo có tốt xấu
Tại đây đều thấy rõ
Lại thấy các Đức Phật
Đấng Thánh Chúa Sư Tử
Diễn nói các kinh điển
Phần trùng tụng một lần nữa nhắc cho chúng ta thấy rõ hơn về những chúng sinh trong lục đạo, sống chết cùng nghiệp duyên lành dữ thọ báo tốt xấu.
Những quả vị tu chứng của các hạng người. Nếu ưa đạo tịch diệt thì chư Phật thuyết về Tứ Đế để đạt đến quả vị Thanh Văn. Khá hơn thì thuyết về Thập nhị nhân duyên chứng quả vị Duyên giác. Kế đó là Bồ Tát tu pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ.
Phần trùng tụng Ngài Di Lặc lập lại lời hỏi tựu trung hai vấn đề:
-Những ảnh tượng đã thấy.
- Yêu cầu Bồ Tát Văn Thù giải nghi cho đại chúng. Bởi vì pháp vi diệu nên Đức Thế Tôn trước phải dùng ảnh tượng hiển bày, sau mới dùng ngữ ngôn dẫn nhập.
"Lúc bấy giờ Ngài Văn Thù sư Lợi nói với Ngài Di Lắc Bồ Tát cùng các vị Đại sĩ: Các thiện nam tử! Như chỗ ta xét nghĩ thời nay Đức Thế Tôn muốn nói đại pháp, mưa đại pháp vũ, thổi pháp loa lớn, đánh trống pháp lớn và diễn nói nghĩa của đại pháp".
Để dẫn chứng, Ngài nhắc lại chuyện thuở xưa Ngài đã từng gặp vô lượng, vô biên chư Phật, và lúc đó có Đức Phật hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, đầy đủ mười hiệu: Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn, với ý nghĩa:
- NHƯ: Trí huệ căn bản sẵn có bất động ở trong ta.
- LAI: Sau khi đầy đủ công hạnh diệu dụng tùy duyên.
- ỨNG CÚNG: Đáng cho tất cả chúng sinh cúng dường.
- CHÁNH BIẾN TRI: Khắp biết tất cả.
- MINH HẠNH TÚC: Hạnh tam minh đầy đủ .
- THIỆN THỆ: Khéo qua bờ sinh tử.
- THẾ GIAN GIẢI: Thấu suốt cội nguồn thế gian.
- ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU: Bậc trượng phu điều phục muôn loài.
- THIÊN NHÂN SƯ: Thầy của trời người.
- PHẬT THẾ TÔN: Bậc giác ngộ đáng kính phục
Danh hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh với ý nghĩa thâm diệu là ánh sáng trí huệ như mặt trời, mặt trăng hay đèn có đủ khả năng chiếu tỏa nơi tăm tối mê muội.
Vì nói đến Phật là nói đến sự "giác ngộ", nói đến trí huệ Bát Nhã tuyệt vời.
Đức Phật Nguyệt Đăng Minh là ảnh tượng tượng trưng cụ thể cho tánh giác của muôn loài. Học Phật là mồi ánh sáng trí tuệ của Trí Tuệ. Học đạo giác ngộ là học cái sáng.
Thế nên danh hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai đến hai muôn mà vẫn cùng danh hiệu. Tất cả Đức Phật đều gì chúng sinh mà thuyết pháp.
Pháp của chư Phật thuyết ra thật cao siêu và hi hữu, khác với pháp của thế gian nay dời mai đổi.
Pháp của thế gian không phải là pháp rốt ráo. Đối với pháp Phật cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai đều lành và rốt ráo. Ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời nào pháp ấy đều có một giá trị tuyệt đối. Ví như lời dạy: "Tất cả các pháp của thế gian đều vô thường, tất cả hình tướng đều vô thường", xưa nay vẫn đúng như thế.
- Pháp mà mọi nơi mọi thời đều đúng, thì pháp ấy không cao diệu, không vô thượng, thì còn gì vô thượng hơn?
Thế nên đọc lại đoạn kinh chúng ta sẽ thấy rõ:
"Kế đó lại có Đức Phật hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, lại có Đức Phật cũng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh nữa, cho đ��n hai muôn Đức Phật đều cùng một tên, hiệu Nhật Nguyên Đăng Minh, lại cũng đồng một họ, họ Phả La Đọa. Di Lặc nên biết! Đức Phật trước, Đức Phật sau đều đồng một tên hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, đầy đủ mười hiệu, những pháp nói ra đầu, giữa, sau đều lành" (quá khứ, hiện tại, vị lai).
Đến đây kinh lại viện dẫn: "Đức Phật rốt sau lúc chưa xuất gia có tám vị vương tử : người thứ nhất tên là Hữu Ý, thứ hai tên Thiện Ý, thứ ba tên Vô Lượng Ý, thứ tư tên Bửu Ý, thứ năm tên Tăng Ý, thứ sáu tên Trừ Nghi Ý, thứ bảy tên Hưởng Ý, thứ tám tên Pháp Ý. Tám vị vương tử ấy có oai đức tự tại đều lãnh trị bốn châu thiên hạ. Nghe vua cha xuất gia chứng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng đều bỏ ngôi báu cũng xuất gia theo".
Đức Phật sau rốt lúc chưa xuất gia có tám người con, người nào cũng mang tên có chữ ở sau là "Ý" cả. Nghĩa là từ "tánh giác viên minh" hay từ "Như Lai tạng tâm" của mỗi chúng sinh đã có tự muôn đời, nhưng khi mê nên bị ẩn tàng mà sinh ra tám thức.
- Với A lại da thức thì mang tên Hữu ý, vì thức này làm căn bản cho hữu vậy.
- Với Mạt na thức thì mang tên Thiện ý, vì thức này là chỗ nương của các pháp thiện, ác, nhiễm, tịnh.
- Với Ý thức thì mang tên Vô lượng ý, vì ý thức này năng duyên với tất cả các pháp.
- Với Thân thức thì mang tên Bảo ý.
- Với Thiệt thức thì nang tên là Năng ý.
- Với Tỷ thức thì mang tên là Trừ Nghi ý.
- Với Nhãn thức thì mang tên là Pháp Ý.
- Với Nhĩ thức thì mang tên là Hưởng ý (hưởng là tiếng vang).
- Tám vị vương tử hay tám thức tâm vương, mỗi thức đều thống lãnh các tương ương tâm sở và các cảnh sở duyên. Nghe vua cha xuất gia, chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nghĩa là tám thức tâm vương trở thành diệu dụng của "Như Lai tạng tâm". Hay nói cách khác, chuyển thức thành trí.
Do vậy tám vị vương tử này sau khi Đức Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai diệt độ đều học với ngài Diệu Quang Bồ Tát và được ngài Diệu Quang dạy bảo cho đến khi đạt thành bậc Chánh đẳng Chánh giác.
Ngài Văn Thù Sư Lợi thuật lại việc xưa và việc nay cũng giống nhau như thế.
"Rồi Đức Nhật Nguyện Đăng Minh từ trong chánh định mà khởi, vì Diệu Quang Bồ Tát mà nói kinh Đại thừa "Diệu Pháp Liên Hoa giáo Bồ Tát pháp Phật sở hộ niệm". Trải 60 tiểu kiếp chẳng rời chỗ ngồi. Lúc ấy trong hội người nghe pháp cũng ngồi một chỗ cho đến 60 tiểu kiếp thân và tâm đều không lay động nghe Đức Phật nói pháp cho là như trong khoảng bữa ăn".
Như vậy chúng ta nghĩ gì ở điểm này? Chỉ nghe pháp mà mất hàng tỉ năm (1 tiểu kiếp gồm có 16.798.000 năm).
Ngồi nghe pháp mà thân và tâm đều không lay động, còn chúng ta bây giờ thì sao ? Nghe pháp chỉ chừng 1 hay 2 giờ đã thấy nôn nóng, nào chuyện gia đình, chuyện làm ăn, chuyện buồn, chuyện vui dồn dập, làm cho thân tâm dao động, trăm mối ngổn ngang, thân thể mệt mỏi. Nghe nói tu khoảng 100, 1000 năm mới có thể thật hiểu Phật pháp. Có lẽ chúng ta lắc đầu ngán ngẫm, bởi vì vọng tưởng mê lầm, dùng thức để suy lường thời gian lâu, mau, suy tính thiên sai vạn biệt về cảnh giới do vọng thức nảy sinh.
Thuyết kinh Pháp Hoa là chỉ bày "Tri kiến Phật", chính tri kiến ấy đã dung nhiếp sự suy lường về thời gian và không gian.
Thể nhập "Tri kiến Phật" thì đâu còn lệ thuộc thời gian, không gian. Bởi vì còn suy lường là còn mê lầm tham nhiễm.
Nói đến "Tri kiến Phật" là nói đến cái trí tuệ tuyệt vời vô thủy vô chung vượt ngoài vọng thức, hiểu được như thế ta mới hiểu được Phẩm Tựa này.
Khi "Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh trong 60 tiểu kiếp nói kinh đó rồi, liền ở trong chúng ma phạm, sa môn, Bà la môn và trời, người, Atula mà tuyên lên rằng: Hôm nay vào nửa đêm sẽ nhập Vô dư Niết bàn".
Trước khi nhập Vô dư Niết bàn Ngài đã trao ký cho Đức Tạng Bồ Tát mà kinh đã viện dẫn: "Đức Phật Bồ Tác này kế đây sẽ thành Phật, hiệu là Tịnh Thân Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác".
Như vậy có nghĩa là chư Phật thị hiện chỉ vì muốn cho chúng sinh ngộ nhập "Tri kiến Phật". Khi đã trải qua một thời gian lâu xa, các Ngài dùng nhiều phương tiện dẫn bày, và đến lúc cần tuyên bày giáo nghĩa Đại thừa, cùng trao ký cho kẻ kế thừa thì việc làm như thế đã xong. Lúc đó chư Phật thị hiện nhập Niết bàn, với ý nghĩa phó chúc cho chúng hội về sau.
Tám người con được Bồ Tát Diệu Quang giáo hóa, vị rốt sau thành Phật hiệu là Nhiên Đăng.
- Cha là Nhật Nguyệt Đăng Minh.
- Con là Nhiên Đăng.
Thật tuyệt diệu làm sao! Một khi ánh sáng trí tuệ bừng lên, quả vị "Diệu giác chân thường" đâu có ở xa.
Đến đây trong kinh lại đề cập đến "vị thành Phật rốt sau là Nhiên Đăng. Trong hàng 800 người đệ tử có một người tên là Cầu Danh, người này tham ưu danh lợi, tuy cũng đọc tụng các kinh mà chẳng thuộc rành, phần nhiều quên mất nên gọi là Cầu Danh".
"Di Lặc nên biết, lúc đó Diệu Quang Bồ Tát đâu phải người nào lạ, chính là Ta đây, Cầu Danh Bồ Tát là ngài đó".
Do vậy, chúng ta mới hiểu thêm rằng: Bồ Tát Di Lặc đã thị hiện tượng trưng cho thức, mà thức thì ưa dong ruổi theo sau trần, đuổi theo danh tướng nên làm sao nắm vững được lý đạo. Học rồi quên rồi, bôn tẩu trần lao nhơ nhiễm, tâm trí cưu mang nhiều nỗi. Tuy vậy, nếu có người thức tỉnh thì thức kia trở thành trí. Vì thế, Cầu Danh nhờ Diệu Quang hướng dẫn.
- Trước nói là Cầu Danh, nay nói là Di Lặc.
- Trước nói là Diệu Quang, nay nói là Văn Thù.
Nên những danh hiệu ở phẩm Tựa này phần nhiều là tượng trưng. Chúng ta không nên mắc kẹt vào danh từ và tên hiệu thì mới thấu rõ ý kinh.
Phần trùng tụng dẫn lại ý trên một cách chi tiết hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu thêm về ý nghĩa ở phần trùng tụng có ghi:
"Đêm đó Phật diệt độ
Như củi hết lửa tắt"
Tại sao Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh nhập Niết bàn lại như củi hết lửa tắt?
Củi hết lửa tắt rồi về đâu?
Đáng lẽ ra khi Đức Phật nhập Niết bàn thì phải có những hiện tượng khác lạ, như chư Phật phóng quang dùng tràng phan bảo cái rước về cõi Phật, chứ sao ở đây lại nói củi hết lửa tắt.
Củi là tường trưng cho nghiệp, cho phiền não.
Nghiệp hết hay là củi hết, đến đó không còn sinh tử , nên gọi là củi hết lửa tắt.
Còn củi là còn nghiệp, còn phiền não, hết củi là hết nghiệp, hết phiền não. Sinh tử không còn nên goi là lửa tắt.
Với ý nghĩa cho chúng ta thấy là muốn đạt đến Niết bàn, thoát ly sinh tử, thì phải dùng lửa trí huệ, đốt hết củi phiền não.
Và cho đến cuối phẩm kinh với bài xứng tán:
"Ánh sáng chiếu phương Đông
Lý diệu trọn bày
Không thể dùng suy lường
Mà suy lường được
Thầm nhận nơi lòng
Phương tiện truyền trao
Chỉ một luồng hào quang
Mà bao thứ hương trời tỏa ngát"

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]