Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21. Phẩm Như Lai thần-lực

12/04/201317:46(Xem: 12162)
21. Phẩm Như Lai thần-lực

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng nghĩa - Quyển VI

21. Phẩm Như Lai thần-lực

Pháp Sư Thích Thiện Trí

Nguồn: Pháp Sư Thích Thiện Trí

Nhận ra được những đức tướng vi diệu từ nơi tâm tánh nhiệm mầu, ứng cơ tiếp vật, không ngoài huyễn thân hiện tiền. Sau khi nghe thuyết “Thường Bất Khinh Bồ Tát”, chúng hội đã trực nhận “bản tâm”. Liễu triệt về những phương tiện hành trì phát sinh từ tâm tánh, hiển hiện muôn hạnh, muôn đức trang nghiêm, nên vào đầu Phẩm “Như Lai thần lực” thứ 21 đã nêu.
“Lúc bấy giờ các vị Đại Bồ Tát như số vi trần trăm nghìn thế giới từ dưới đất vọt lên đó, đều ở trước Đức Phật một lòng chắp tay, chiêm ngưỡng dung nhan của Phật mà bạch Phật rằng: Thế Tôn! Sau khi Phật diệt độ, chúng con sẽ rộng nói kinh này. Vì sao? Chúng con cũng muốn đặng pháp lớn thanh tịnh này để thọ trì, đọc tụng, giải nói mà cúng dường đó”.
Như thế có nghĩa là nếu tâm địa mà tánh giác bị phủ mờ như “ở cõi nước của Đức Thế Tôn phân thân diệt độ”. Vì cõi nước chỉ cho tâm địa của chúng sinh, phân thân Phật diệt độ chỉ cho “trí tuệ mờ tối”. Chúng sinh muốn đặng pháp lớn thanh tịnh thì phải trang nghiêm đức tướng. Nghĩa là mọi cử chỉ, ngôn ngữ đều phải xứng hợp với lý tánh. Và chính như thế là thọ trì, đọc tụng, biên chép, rộng nói kinh Pháp Hoa này.
Liễu được như thế là nhờ “pháp âm vi diệu” của Đức Thế Tôn đã làm cho chúng hội “minh tâm kiến tánh” nghe được tiếng nói huyền diệu của chân tâm. Nên đoạn kinh đã ghi:
“Đức Thế Tôn... trước tất cả chúng hiện sức thần thông lớn, bày tướng lưỡi rộng dài lên đến trời Phạm Thế, tất cả lỗ chân lông phóng ra vô lượng, vô số tia sáng đủ màu sắc soi khắp mười phương” là chỉ cho “trí tuệ Bát Nhã” hay “Tri kiến Phật” khắp soi pháp giới.
Tất cả sự diệu dụng ấy đều ở nơi thể an định của chân tâm. Như “các Đức Phật ngồi trên tòa sư tử, dưới cây báu cũng lại như thế”.
Nhờ an định nên không nhiễm trước cảnh duyên, không nhiễm trước “Pháp âm vi diệu” từ bên ngoài đưa dẫn. Mà nghe được “pháp âm vi diệu” ở chân tâm.
Chính như thế mới thấu rõ sức nghe vô ngại, nhưng phải trăm nghìn năm ngồi dưới gốc cây báu, Đức Thế Tôn cùng chư Phật mới hoàn nhiếp tướng lưỡi rộng dài. Vì sao? Vì pháp âm vi diệu nơi “tự tánh nhiệm mầu” không thể dùng “vọng tâm” mà nghe được. Nghĩa là phải luôn luôn ở thể an định mới nghe được. Mà phương tiện đã chỉ bày là “mãn trăm nghìn năm ngồi tòa sư tử dưới gốc cây báu” mới thâu nhiếp “tướng lưỡi rộng dài” hay mới nghe được “tiếng nói huyền diệu của chân tâm”.
Chính vì để chúng hội “trực nhận bản tâm” thể nhập tính nghe nhiệm mầu mà Đức Thế Tôn đã dùng phương tiện “tằng hắng cùng khảy móng tay”. Vì nhĩ căn linh diệu hơn các căn khác, dùng phương tiện nhĩ căn để chỉ bày về “tánh nghe” chúng hội dễ dàng trực nhận về “tự tánh nhiệm mầu”.
“Khảy móng tay và tằng hắng” là “tâm đã ấn tâm” làm cho chúng hội trực nhận được rằng “tâm, tiếng không hai”. Do vậy mà lục căn thanh tịnh, nên dù mang sắc thân nào như “Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, nhân và phi thân” cũng đều có “bản tâm thanh tịnh” có “trí tuệ tuyệt vời”.
Một khi đã thể nhập được “diệu lý” trên thì sẽ thấy được: “Trong cõi Ta bà có vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức các Đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới cây báu và thấy Đức Thích Ca Mâu Ni Phật ùng Đức Đa Bảo Như Lai ngồi trên tòa sư tử trong tháp báu”.
Nghĩa là “thấy tất cả chúng sinh đều có Phật tánh” như thấy “trăm nghìn muôn ức các đức Phật ngồi trên tòa sư tử trong cõi Ta bà”.
Vì cõi Ta bà chỉ cho chúng sinh, mặc dù còn mang đầy phiền não chướng và sở chi chướng.
Nhưng pháp thân như “tháp báu”, “tánh giác” như “Thích Ca”. Hằng sa đức tướng như thấy Đa Bảo của mỗi chúng sinh vốn đã có đủ và cùng tất cả chúng sinh đó đã và đang hướng về “tự tánh nhiệm mầu” hay thấy “vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức vị Đại Bồ Tát và hàng tứ chúng đang vây quanh Đức Thích Ca Ni Phật”. Thấy như thế gọi là “đặng điều chưa từng thấy”.
“Tri kiến Như Lai” giờ đây chúng hội hiện tiền đã trực nhận. Ngay lúc đó như ở giữa hư không có tiếng huyền diệu vọng về thúc dục. Hãy xướng lên:
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật.
Hay tức thời xướng lên rằng:
Hãy trở về với “tự tánh nhiệm mầu”
Hãy trở về với “tự tánh nhiệm mầu”
Mà đoạn kinh đã nêu:
“Tức thời hàng chư Thiên ở giữa hư không lớn tiếng xướng rằng : “Trong cõi Ta Bà có Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni hiện nay và các Đại Bồ Tát mà nói kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa giáo Bồ Tát pháp Phật sở hộ niệm. Nên lễ bái cúng dường Đức Thích Ca Mâu Ni Phật”. Các chúng sinh nghe tiếng nói giữa hư không rồi chắp tay niệm lên rằng:
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chính sự trở về ấy đã mở khai trí tuệ thấu suốt mười phương cõi, không còn gì ngăn ngại. Đó là thần lực của “chân tâm”. Hay đó là “Như Lai thần lực”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com