- Phẩm 01: Song Yếu (Kinh Pháp Cú)
- Phẩm 02: Không Phóng Dật
- Phẩm 03: Tâm
- Phẩm 04: Hoa
- Phẩm 05: Ngu
- Phẩm 06: Hiền Trí
- Phẩm 07: A La Hán
- Phẩm 08: Ngàn
- Phẩm 09: Ác
- Phẩm 10: Hình Phạt
- Phẩm 11: Già
- Phẩm 12: Tự Ngã
- Phẩm 13: Thế Gian
- Phẩm 14: Phật Đà
- Phẩm 15: An Lạc
- Phẩm 16: Hỷ Ái
- Phẩm 17: Phẫn Nộ
- Phẩm 18: Cấu Uế
- Phẩm 19: Pháp Trụ
- Phẩm 20: Đạo
- Phẩm 21: Tạp Lục
- Phẩm 22: Địa Ngục
- Phẩm 23: Voi
- Phẩm 24: Tham Ái
- Phẩm 25: Tỳ Khưu
- Phẩm 26: Bà La Môn
Thi Hóa: HT Thích Minh Hiếu
Lưu ý:
Kinh bên dưới bản gốc Việt dịch: HT Thích Minh Châu (câu đầu),
Câu theo sau là phần Thi Hóa của HT Thích Minh Hiếu (chữ nghiêng)
Phẩm Pháp Trụ 19
256/ Ngươi đâu phải pháp trụ,
Xử sự quá chuyên chế;
Bậc trí cần phân biệ,t
Cả hai chánh và tà.
256/ Luật pháp là phải phân minh
Làm quan chuyên chế trọng khinh ép người,
Trí nhân cần rõ việc rồi
Thận trọng phân biệt hai nơi chánh tà.
257/ Không chuyên chế, đúng pháp,
Công bằng, dắt dẫn người;
Bậc trí sống đúng pháp,
Thật xứng danh pháp trụ.
257/ Mới không áp đặt người ta
Công bằng nhận tội khi ra phán hình,
Sống đời đen trắng quang minh
Xứng danh người giữ cán cân công bằng.
258/ Không phải vì nói nhiều,
Mới xứng danh bậc trí;
An ổn , không oán sợ,
Thật đáng gọi bậc trí.
258/ Nói nhiều nhưng chẳng nghĩa nhân,
Chỉ được cái tiếng đa văn gạt mình.
Sống cao thượng dù lặng thinh
Cây ngay chẳng sợ gió kinh động lòng.
259/ Không phải vì nói nhiều,
Mới xứng danh trì pháp;
Những ai tuy nghe ít,
Nhưng thân hành đúng pháp,
Không phóng túng chánh pháp,
Mới xứng danh trì pháp.
259/ Dòng đời người đục ta trong
Hành trì chánh pháp cửa không vững toà
Nói, làm hai nẻo cách xa
Dù nghe ít pháp nhưng mà thật tu
Tinh cần sớm tối công phu
Xứng danh Thích tử đền bù đàn na.
260/ Không phải là trưởng lão,
Nếu cho có bạc đầu,
Người chỉ tuổi tác cao,
Được gọi là :“ Lão ngu”.
260/ Lớn tuổi rồi mới xuất gia
Tóc râu đã bạc yếu già đến mau,
Tưởng lầm mình sẽ ngồi cao
“ Già si” thế tục, trước sau có phần.
261/ Ai chân thật, đúng pháp,
Không hại, biết chế phục,
Bậc trí không cấu uế,
Mới xứng danh trưởng lão.
261/ Vị nào thúc liễm tự thân
Sống đời phạm hạnh cao thanh đức hiền,
Trong ngoài trọn vẹn châu viên
Xứng danh Trưởng lão trụ yên tăng đoàn.
262/ Không phải nói lưu loát,
Không phải sắc mặt đẹp,
Thành được người lương thiện,
Nếu ganh, tham, dối trá.
262/ Cho dù hình thức đoan trang
Bên trong chứa nhóm ganh tham dối lừa,
Mặt hoa da phấn ai ưa,
Nói lời ngon ngọt cũng thua chân tình.
263/ Ai cắt được, phá được,
Tận gốc nhổ tâm ấy,
Người trí ấy diệt sân,
Được gọi người hiền thiện.
263/ Chỉ ai quý trọng tánh linh
Diệt tận ngã chấp bóng hình rả tan,
Không sân thì tâm được an
Ở trong tứ chúng xứng hàng thiện nhân.
264/ Đầu trọc, không Sa môn,
Nếu phóng túng, nói láo,
Ai còn đầy tham dục,
Sao được gọi Sa môn?
264/ Cạo đầu trang sức tấm thân
Bên ngoài cái vỏ, trong tham dục đầy
Buông lung vọng ngữ ta đây
Người như thế ấy, mặt dày Sa môn.
265/ Ai lắng dục hoàn toàn,
Các điều ác lớn nhỏ,
Vì lắng dịu các pháp,
Được gọi là Sa môn.
265/ Vị nào lắng dục tu chơn,
Lặng lẽ điều phục sạch trơn lòng phàm.
Không còn sanh khởi muốn ham
Bậc Sa môn ấy xứng làm cao tăng.
266/ Chỉ khất thực nhờ người,
Đâu phải là Tỳ kheo;
Phải theo pháp toàn diện,
Khất sĩ không, không đủ.
266/ Xin ăn hưởng thụ thanh nhàn
Mượn đạo nuôi sống mạng căn qua ngày
Khất sĩ như vậy uổng thay
Tỳ kheo chân chánh, đức dày quả cao.
267/ Ai vượt qua thiện ác,
Chuyên sống đời Phạm hạnh,
Sống thẩm sát ở đời,
Mới xứng danh Tỳ kheo.
267/ Sông mê bể khổ vượt mau
Chống thuyền bát nhã, tát gàu từ bi,
Như thật các pháp thẩm tri
Thế gian cao quý ai bì Tỷ kheo.
268/ Im lặng nhưng ngu si,
Đâu được gọi ẩn sĩ;
Như người cầm cán cân,
Bậc trí chọn điều lành.
268/ Để cho phiền não bám đeo
Dù ẩn trong núi thêm điều tệ hư,
Bậc trí dù giữa kinh sư
Sống theo trạch pháp chơn như trọn lành.
269/ Từ bỏ mọi ác pháp,
Mới thật là ẩn sĩ.
Ai thật hiểu hai đời,
Mới được gọi ẩn sĩ.
269/ Đâu theo cái bả công khanh
Thỏng tay giữa chợ lợi danh chẳng màng,
Thiện ác hiểu rõ hai đàng
Đáng gọi ẫn sĩ giữa hàng phàm nhân.
270/ Còn sát hại sanh linh,
Đâu được gọi Hiền thánh;
Không hại mọi hữu tình,
Mới được gọi Hiền thánh.
270/ Còn sát hại để nuôi thân
Tổn thương sinh mạng đâu gần hiền nhơn,
Hữu tình dù thật cỏn con
Thánh hiền cũng quý, cũng tôn trọng đời.
271/ Chẳng phải chỉ giới cấm,
Cũng không phải học nhiều,
Chẳng phải chứng thiền định,
Sống thanh vắng một mình.
271/ Dù sống thanh vắng một nơi
Gìn giữ hạnh giới lục thời cần tu,
Thiền chứng khi đang ẩn cư
Cảm thọ an ổn “ không như phàm tình”.
272/ Ta hưởng an ổn lạc,
Phàm phu chưa hưởng được,
Tỳ kheo, chớ tự tin,
Khi lậu hoặc chưa diệt.
272/ Tỳ kheo chớ có tự tin
Khi chưa dứt sạch lục tình bợn nhơ,
Vọng tâm lừa dối không ngờ
Khi lậu chưa tận huyền cơ ẩn tàng.