Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tăng Già Phạm Hạnh, Phật Pháp Hưng Long

13/07/201921:23(Xem: 5835)
Tăng Già Phạm Hạnh, Phật Pháp Hưng Long

TĂNG GIÀ PHẠM HẠNH

PHẬT PHÁP HƯNG LONG

 

Sa Môn Thích Bảo Lạc

 

Ba ngày Tết đã qua mọi việc trở lại bình thường, không còn không khí nhộn nhịp vui xuân của đêm Giao thừa, sáng Mồng Một ngày đầu năm hay ngày Mồng Ba vẫn còn vẽ tươi mới của tiết xuân lần lượt tụ hội giữa đất trời. Bước sang ngày Mồng Bốn tháng Giêng năm Kỷ Hợi, tôi ngồi tại thư phòng của Tự Viện Pháp Bảo nơi có cây Bồ Đề cổ thụ trong sân kế bên chánh điện tỏa rộng vươn lên cao đầy sức sống, gồm sáu cành lớn biểu tượng cho pháp lục độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ mà người hành Bồ Tát đạo thực hành cho đến khi công viên quả mãn. Pháp Bảo là ngôi chùa Việt đầu tiên tại Úc, mới đó mà cũng gần bốn mươi năm rồi, và người chăm sóc nay tuổi xấp xỉ gấp đôi vẫn đủ sức phấn đấu. Giờ này tôi trở lại công việc thường nhật là đọc Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tạng nay đã tới tập 23 thuộc Luật bộ của người xuất gia. Phật dạy hàng đệ tử xuất gia thật tinh tế qua từng oai nghi phép tắc của giới Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, có nhiều việc hay vấn đề Ngài nhắc đi nhắc lại ít nhất cũng là ba lần để cho hàng đệ tử chậm hiểu có thể nắm bắt, lãnh hội được ý của bậc Thầy cho đầy đủ rõ ràng hầu áp dụng được lợi lạc.

 

Luật Thập Tụng gồm 61 quyển, đây là quyển 49 từ các trang 358-360 và từ 367-368, Phật trả lời nghi vấn của Tỳ Kheo Ni. Đại Ái Đạo [1] về bốn việc: Thế nào là pháp, thế nào là phi pháp, thế nào là phi luật (tỳni), thế nào là Tỳ ni.Ý hỏỉ muốn Phật phân biệt giữapháp, luật và Phật pháp. Đức Phật dạy bà Kiều Đàm Di, nếu muốn biết pháp thời không theo dục mà theo vô dục, không theo lỗi lầm mà theo không lỗi lầm, theo tăng trưởng không theo không trưởng; nhất mực không theo phiền não mà phải xa lìa: Lời Phật dạy lần thứ nhất đến lần thứ hai Phật hỏi có phải bà muốn rõ thế nào là chẳng phải pháp, không phải luật, chẳng phải là Phật pháp? Nếu muốn biết Pháp thời không tuỳ dục không tùy vô dục; không theo lỗi lầm chẳng tùy lỗi lầm, theo tăng trưởng thời không theo không tăng trưởng không tùy phiền não, nếu muốn biết thế nào pháp, luật và Phật pháp, lần thứ ba Phật muốn biết rõ ý định người hỏi. Sau khi Tỳ Kheo Ni Kiều Đàm Di xác định, Phật dạy rằng, nếu muốn biết rõ Pháp thời theo tham không thể theo không tham; theo không che dấu, không theo che dấu; theo đa dục thời chẳng theo thiểu dục, theo khó thỏa mãn chẳng theo không khó thỏa mãn; theo khó trưởng dưỡng không theo chẳng khó trưởng dưỡng. Bà muốn biết rõ thế nào là Pháp, Luật, và Phật pháp? Muốn biết pháp thời theo vô tham không theo tham; theo thiểu dục không theo đa dục; theo che dấu không theo không che dấu; theo không khó thỏa mãn không theo khó thỏa mãn; theo không khó trưởng dưỡng không theo khótrưởng dưỡng. Đó chính là Pháp, là Luật (Tỳ ni), là Phật pháp.

 

Như vậy Pháp, Luật và Phật pháp là ba phạm trù nằm đan xen nhau khó thể phân biệt một cách rành mạch rõ ràng. Do những vấn đề tham-vô tham, thiểu dục-đa dục, che dấu-không che dấu, thỏa mãn-không thỏa mãn, trưởng dưỡng không trưởng dưỡng thật khó nhận ra; người học đạo giữ gìn giới luật đúng thì hiểu pháp và có hiểu rõ pháp mới duy trì bảo vệ và phát huy Phật pháp.Đây là vấn đề vô cùng hệ trọng đối với Tăng Ni trong thời đại văn minh tiên tiến như hiện nay. Người xuất gia biết thiểu dục, tri túc, không tham cầu, biết che dấu, thỏa mãn không thỏa mãn, trưởng dưỡng không trưởng dưỡng… Do vậy mới duy trì phát triển Phật Pháp.

 

Trưởng lão Ưu Bà Ly [2] Tư duy Chánh pháp, muốn biết những pháp nào làm cho giáo pháp sớm hoại diệt, tiêu vong?

 

Phật dạy có 5 pháp:

  1. Tỳ kheo vô dục (không biết dừng lại) không dạy đúng pháp nhưng dạy phi pháp

 

  1. Người căn tánh chậm lụt, không nhẫn nhục lại bất nhẫn.

 

  1. Kẻ tụng kinh mà không lãnh hội được nghĩa kinh thời không có khả năng giúp người hiểu rõ.

 

  1. Tự mình không đủ khả năng và tư cách để người tôn kính, thiếu hẳn oai nghi.

 

  1. Tranh cải ồn ào, không ở chỗ thanh vắng mà ưa thích những nơi ỗn tạp. Sau khi Thầy viên tịch đâm ra bê tha phóng túng khiến pháp suy vi hoại diệt.

 

Đức Phật giải nghi cho Ưu Bà Ly nêu chỉ rõ 5 pháp, làm cho Chánh pháp tồn tại lâu dài.

 

  1. Tỳ Kheo hữu dục, tinh tấn hành trì giới pháp
  2. Người lợi căn (căn tánh bén nhạy) mau lãnh hội pháp

 

  1. Tụng đọc hiểu nghĩa Kinh nên khiến người cùng hiểu

 

  1. Có oai đức nên được mọi người cung kính, giảng đúng pháp

 

  1. Không tranh cãi ồn ào, sống chốn thanh tịnh, yêu thích nơi lan nhã vắng lặng.

 

Kinh nghiệm thắng-bại trên đường tu luôn cần hành theo hạnh nguyện của người xuất gia mới duy trì, phát triển làm cho Chánh pháp tồn tại theo 5 pháp như:

 

  1. Tỳ Kheo dạy đúng pháp, không dạy điều phi pháp

 

  1. Học hạnh nhẫn không theo bất nhẫn

 

  1. Tôn kính những bậc trưởng thượng qua uy đức, oai nghi phép tắc

 

  1. Nghe Pháp ân cần tinh tấn khiến kẻ hậu học hiểu rõ Kinh luật, luận

 

  1. Sau khi Thầy viên tịch không buông lung, phóng túng, vẫn giữ đúng tu tập chân chánh.

 

Những đệ tử lớn của Phật hỏi chung quy các vấn đềlàm sao bảo vệ giáo pháp tồn tại lâu ở đời mà không sớm bị suy tàn, hoại diệt; tương tự Ngài Nan Đề muốn biết sau thời Chánh pháp, tới thời Tượng pháp có bao nhiêu pháp khiến giáo pháp chóng diệt?

 

Phật dạy, vào thời kỳ Tượng pháp (sau Phật diệt độ 500 năm) có 5 điều phi pháp khiến cho Phật pháp diệt vong.Đó là:

 

  1. Những Tỳ Kheo tâm thiếu dừng lại, tự cho mình chứng được Thánh quả Thánh.

 

  1. Người xuất gia đọa ác đạo; còn người tại gia được sanh vào cõi trời

 

  1. Những người lìa bỏ thế gian xuất gia lại phá giới phạm trai

 

  1. Kẻ phá giới lại được nhiều người ủng hộ; còn người giữ giới chẳng ai quan tâm giúp đỡ.

 

  1. Không ai không bị mạ lỵ, kể cả các bậc tu chứng Thánh quả.

 

Đó là những việc phi pháp tồn tại trong thời kỳ Tượng pháp.Đức Phật đã giải đáp nhiều vấn đề khác nhau đểứng xử, nhưng trong số chúng đệtử vẫn có vị Tỳ Kheo lặp lại câu hỏi trên. Nhân đấy, Phật đem việc vừa nêu dạy rõ cho chúng Tỳ Kheo, nên bảo Ưu Bà Ly rằng, trong tương lai có 5 viêc đáng sợ, còn bây giờ thì chưa, nhưng phải lo tìm phương pháp đối trị. Đó là những gì?

 

  1. Có những Tỳ Kheo không tu giới, không tu thân, không tu tâm, không tu trí mà độ người xuất gia thọ giới khiến họ không tu giới, thân, tâm, trí và không điều phục. Tự mình không điều phục, lại cho người xuất gia theo giới cũng khiến không tu giới, thân, tâm, trí và không điều phục.

Đối pháp sai thời luật sai; đối luật sai nên pháp hẳn sai.Đó là những việc đáng quan tâm lo ngại. Và nay thì những việc này đã quá rõ ràng chẳng giống như ngày xưa khi Phật còn tại thế hơn 2,600 năm trước tại xứ Ấn Độ. Bậc Đại giác đã nhìn thấu suốt mọi việc trong đời, trong đạo để dạy bốn chúng đệ tử xuất gia, tại gia những gì cần phải làm và những gì nên tránh, để giữ tròn nhân cách đạo đức của người làm đạo mới đem đạo vào đời làm lợi lạc nhân sanh.

 

  1. Về sau có những Tỳ Kheo không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu trí; đã không tu trí, thân, giới, tâm, trí mà lại cho người y chỉ, nuôi Sa Di. Chính mình không có khả năng làm cho người tu thân, giới, tâm, trí vẽ không biết tự chế phục lại cho người y chỉ, nuôi dưỡng Sa Di, không thể khiến người  tu thân, tu giới, tu tâm, tu trí.Đối pháp sai, thời luật sai; Luật sai lầm thời pháp sai lầm. Đó là điều đáng lo ngại cần phải tìm cách trừ diệt.

 

  1. Những Tỳ Kheo không tu giới, không tu thân, không tu tâm, không tu trí; đã không tu thân, giới, tâm, trí, lại cho người Tịnh nhơn(tập hạnh xuất gia), Sa Di sống gần; không biết ba tướng phạm: đào xới đất đai, diệt cỏ cây, dùng nước có trùng…Đối pháp sai thì luật sai; luật sai ắt pháp sai. Đó là điều đáng lo ngại, thứ ba cần phải tìm cách trừ diệt.

 

  1. Những Tỳ Kheo không tu tâm, không tu giới, không tu tâm, không tu trí; vì không tu thân, giới, tâm, trí, còn giảng kinh, luật, luận lộn lạo đem trước sau cho vào giữa, lấy đoạn giữa đem để ra trước hoặc sau. Hay có thấy mà không biết phạm hay không phạm bạch pháp. Đó gọi là pháp lỗi, luật lỗi hay luật lỗi thì pháp lỗi, là điều đáng lo ngại thứ tư phải nên tìm cách trừ diệt.

 

  1. Về sau có những Tỳ Kheo không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu trí. Vì không tu giới, thân, tâm, trí nên không thành thật chính mình lại khuyên dạy người khiến người không tin. Dù có tụng đọc kinh cũng không hiểu nghĩa; còn chỉ dạy người khiến không hiểu nên hủy báng Phật pháp.Đó là điều nguy cơ thứ năm phải tìm cách đối trị mới mong trừ diệt.

 

Trong tương lai cũng còn có 5 điều tác hại Phật pháp nên phải biết tìm cách đối trị mới mong trừ diệt. Đó là:

 

  1. Tỳ kheo không tu giới, không tu thân, không tu tâm, không tu trí, đã không tu giới, thân, tâm,trí, lại còn tiếp xúc gần gũi Tỳ Kheo ni hay phạm trọng giới rồi hoàn tục.  Đó là điểu đáng lo thứ nhất phải tìm cách ngăn chận.

 

  1. NhữngTỳ Kheo không tu giới, không tu thân, không tu tâm, không tu trí, vì không tu thân, giới, tâm, trí nên đối với kinh điển cao siêu như các pháp Không, vô tướng, vô nguyện, 12 nhân duyên cùng các pháp sâu mầu không tìm hiểu, không ứng dụng, cho dù có gượng gạo cũng không hiểu rõ.

 

  1. Khi giảng pháp không có tâm lân mẫn, không lòng yêu quý; như thíchtạo văn từ bóng bẩy (trang nhã) theo pháp thế gian như chỗ mong cầu nên khởi tâm ưa thích; bàn chuyện thế sự rất hào hứng.

 

  1. Kinh điển thâm áo của Phật dạy các pháp Không, vô tướng, vô nguyện, mười hai nhân duyên, cùng những pháp sâu mầu khác sớm bị tiêu diệt. Do người tu không hiểu rõ, không có khả năng khiến người không hiểu, là điều đáng lo thứ tư.

 

  1. Những Tỳ Kheo không tu giới, không tu thân, không tu tâm, không tu trí. Không tu giới, thân, tâm, trí, chỉ vì việc ăn mặc nên rời bỏ nơi thanh tịnh rừng rậm, gốc cây. Vào xóm làng nếu không vì việc ăn mặc mà phần nhiều là mong cầu. Khi đã khởi tâm mong cầu hẳn bị loạn động đó là điều thứ năm.

 

Lúc bấy giờ Tỳ Kheo Ca La hay ưa lui tới những nơi không nên tới cùng chuyện trò với đồng nữ, đàn bà góa, chốn thanh lâu, chỗ Tỳ Kheo ni. Do vậy, Phật dạy Tỳ Kheo không nên đến 5 chỗ: nhà bọn giặc cướp, nhà của Chiên đà la, nhà đồ tể, chốn thanh lâu, quán rượu. Tăng sĩ lui tới 5 nơi ấy, hẳn mọi người nghi ngờ người xuất gia có tà tâm, dụng ý tới những nơi ăn chơi sa đọa ấy làm gì. Thậm chí không nên hay không được tới nhà bọn giặc, vì chúng thấy người tu tưởng rằng muốn nhập bọn nên tìm cách thuyết phục, đe dọa. Đã là Tỳ Kheo hẳn phải tâm niệm pháp quy y thứ ba: không tin nghe theo bè bạn, bọn đảng xấu ác để khỏi bị lung lạc; không tới nhà Chiên đà la là nhà của những người nghèo khó (Candala) là hạng hạ tiện làm những việc hèn mọn như hàng thịt, chài lưới, nô bộc…họ sống đời cơ cực nên không hiểu biết nhiều. Nếu tiếp xúc họ, e bị hiểu lầm không cần thiết; người đồ tể cũng là chỗ sát sanh nên còn gọi là lò mổ xẻ, lò sút sanh, nơi lưu huyết vô số sinh vật để làm kế sinh sống. Nhà tu tiếp xúc họ vì bất cứ lý do gì cũng đều bất lợi cho cá nhân và tập thể Tăng đoàn; chốn thanh lâu (brothel)là nhà chứa, động mãi dâm của bọn dâm nữ, gái điếm dụ khách làng chơi, tới mua hoa để thỏa mãn dâm dục. Nếu không có gian ý nhà tu không được tới chỗ động điếm với bất cứ lý do gì. Chốn sau cùng, quán rượu là nơi quy tụ đủ mọi hạng người: giải sầu trút muộn, tìm quên qua men ruợu, bọn lục lâm giang hồ, chỗ hẹn hò của giới xã hội đen …là nơi phức tạp, ô nhiễm nên người tu cần phải xa lánh.

 

Phật dự tri biết trước trong tương lai còn xảy ra 5 điều tệ hại khác mà hàng xuất gia là Tỳ Kheo Phật ví như ác Tăng giống như trẻ nít ngây thơ chưa biết gì, không giữ đúng vai trò của người nam tử theo ái, sân, si, bố nghi (ái dục, sân hận, si mê, dọa sợ, nghi). Hể phạm vào những việc như vậy, người xuất gia đều thuộc loại ngây si như trẻ con không khác, nên không xứng đáng là người nam tử thuộc dòng Thích tử hay Thích Ca học nữ như thường được gọi. Những việc như trên thuộc về giới bổn; còn những việc sau đây về luật Tỳ ni (Vinaya) người xuất gia phạm có 5 tội: Ba La Di, Tăng già bà Thi Sa, Ba Dật đề, Ba La đề đềxá ni và Đột kiết la.

 

  1. Tội ba la di (Parajika) là bất cộng trụ không được ở chung cùng chúng, không được làm việc, học hành trong Tăng đoàn vì phạm tội nặng: dâm dục, trộm cướp, sát sanh, đại nói dối, phải tẩn xuất ra khỏi chúng. Tỳ Kheo ni phạm 8 tội: dâm, trộm, sát sinh, vọng ngữ, móng tâm đụng chạm thân nam từ nách tới gối, vì ý dâm bèn nắm tay, nắm tóc, nắm áo, hẹn chỗ khuất, che chở dấu tội Tỳ Kheo ni phạm trọng giới; toa rập theo một Tỳ Kheo phạm giới mà không biết ăn năngsám hối.

 

Bồ Tát có mười tội Ba La di: 1) giết 2) trộm 3) dâm 4) nói dối 5) mua rượu 6) nói lỗi người xuất gia và tại gia 7) tự khen mình, chê người 8) keo kiệt lại ưa tỵ hiềm và chỉ trích 9) giận hờn che tâm mà chẳng tỏ ra ăn năn 10) hủy báng Tam Bảo.

 

  1. Tăng già Ba thi sa (Sanghadiseca) hay Tăng tàn, tổn hại Tăng có 13 điều, trong 250 giới của Tỳ Kheo; và Tỳ Kheo Ni 17 điều trong 348 giới.

 

Vị Tăng phạm tội Tăng tàn sau khi xưng tội và sám hối; rồi cho biệt trụ (ở riêng) và cấm phòng không được ở chung với chư Tăng. Trước khi Tăng kể tội đã phạm mấy ngày thời biệt trụ mấy ngày. Kế đó, còn bị cấm phòng thêm 6 ngày đêm (gọi là 6 đêm ý hỷ). Thời gian biệt trụ và cấm phòng đương sự phải ăn năn để sau không tái phạm lại nữa. Người phạm giới này như người bị thương nơi cổ, chứ chưa đứt đầu, vì còn có thể sám hối. Nếu không như kẻ bị đứt đầu bị tẩn xuất không còn sốngchung trong chúng.

 

  1. Ba dật đề (Payattika) tức tội xả đọa. Bởi do tội ấy mà bị đọa lạc nơi địa ngục; cũng dịch là ứng đối trị, tức là đối với vị trưởng lão, mình thành thật xưng tội sám hối thời được trong sạch: Trong 250 giới Tỳ Kheo thuộc 90 giới Ba dật đề (tội đọa); trong 348 giới Tỳ Kheo Ni có 178 giới Ba dật đề. Những tội tuy nhẹ nhưng khó giữ phải mắc phạm, thành bị đọa.

 

  1. Ba La Đề đề xá ni (Pratidesaniya) dịch là đối tha thuyết, hướng bỉ hối, khả ha pháp (hướng về người khác hối cải, tội đáng quở trách). Giới này Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni không giống nhau, liên quan tới vấn đề ăn uống có 4 việc: a) Thầy Tỳ Kheo không bệnh đi vào làng nhận thức ăn từ tay Tỳ Kheo Ni, nếu vị này không phải bà con. b) Thầy Tỳ Kheo đang ở trong nhà cư sĩ lúc ăn có Tỳ Kheo ni đem đồ ăn ngon ưu tiên cho mà không theo thứ tự trong đại chúng. c) Thầy Tỳ Kheo đi vào nhà bậc Thánh hữu học không được nhận thức ăn thừa, khiến người cúng quá thành thiếu hụt. d) Thầy Tỳ Kheo gặp giặc cướp, tai nạn, gió, nước, hỏa hoạn…trên đường đến nhà đàn viêt (tín chủ) thọ thực, mới báo gia chủ ấy đem thức ăn đến nơi mình ở. Vì vậy, Phật chế giới ngăn cấm những việc như trên.

 

 

  1. Đột Kiết La (Siksakaraniya) là những giới chi ly 100pháp chúng học của Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni. Tăng Ni nào phạm Đột Kiết La phải sám hối, và tự sửa đổi mà không cần phát lồ trước hội đồng Tăng giải tội như phần (1) ở trước.

 

Tại sao tội Ba la di, Tăng chỉ có 4 việc mà Ni tới 8 việc?Đây thuộc tánh phái không giống nhau.Phái nữ thâm trầm kèm tâm thâm độc nên không dừng lại ở hành động mà bằng tác ý mới làm điêu đứng bao nhiêu đấng mày râu thất bại vì mê nữ sắc mà bị thân bại danh liệt.Đức Phật là nhà tâm lý học nên biết rõ người xuất gia là Tỳ Kheo ni phải chịu nhiều thử thách giữ gìn giới luật nghiêm minh mới làm mô phạm trong Phật pháp. Cũng như giới bổn Tỳ Kheo có 250 giới, trong khi giới bổn Tỳ Kheo Ni có 348 giới, trong đó giới Ba dật đề của Ni có 178 giới, trong khi Tỳ Kheo Tăng có 90 giới tội đọa. Những tội tuy nhẹ nhưng không phải dễ giữ mà đã phạm hẳn phải đọa lạc nơi địa ngục.Điều này Phật cấm ngăn, người hành trì giới luật đừng khinh xuất mà tự dẫn mình vào đường đọa lạc, cho nên nói giới là chiếc phao nỗi đưa người qua biển sanh tử là vậy.

 

Riêng tội Ba la di (Pàràjika) là giới cực ác trong giới luật Phật chế.Dịch ý là tha thắng, trọng cấm, đọa lạc, đoạn đầu, vì là tội căn bản trong giới luật. Người xuất gia nếu phạm giới này thời phải chịu những hậu quả như:

Thứ nhất, mất tư cách Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, không có phần trong đạo quả.

Thứ nhì, bị Tăng đoàn trục xuất, không được ở chung

Thứ ba, sau khi chết rơi vào địa ngục.

 

Cũng như người phạm tội hình bị chém đầu không sống được, vĩnh viễn bị đuổi khỏi cửa Phật, vì thuộc loại cực ác còn gọi là tha thắng. Vì phá giới Sa môn nên chết bị rơi xuống, khiến quân ma chắc thắng thế nên gọi là tha thắng. Lại còn được hiểu theo nghĩa khác như tự cho pháp lành là mình, pháp ác là người; pháp ác thắng pháp thiện, nên phạm tội này gọi là tha thắng. Như trên đã nêu bốn tội Ba la di của Tỳ Kheo: giết hại, trộm cướp, dâm dục, nói dối; còn Tỳ Kheo Ni ngoài 4 tội ấy ra, còn thêm 4 tội nữa là: vuốt ve, tám việc thành tội nặng như: Che dấu tội nặng cho Tỳ Kheo Ni khác, về hùa với Tỳ Kheo đã bị xử tội mà Ni đoàn can gián ba lần không nghe tất cả tám pháp Ba la di. Bốn tội Ba la di của Tỳ Kheo giới và tám tội. Ba la di của Tỳ Kheo Ni giới gọi chung là bốn nặng tám nặng.

 

Tội Ba la di của Bồ Tát (Đại thừa) có phần khác với Tiểu thừa, như kinh Đại Nhật quyển 6 phẩm Thọ Phương tiện học xứ lấy 4 pháp: chê bai các pháp: lìa bỏ tâm Bồ Đề, keo kiệt, não hại chúng sanh làm bốn tội căn bản. Kinh Đại Phật so quyển 17 thì ngoài 4 pháp đã nêu, thêm sáu pháp nữa: không chê bai kinh pháp Ba thừa, không sinh tâm keo kiệt với tất cả pháp, không tà kiến, đối trước người phát tâm Đại thừa khuyên họ không nên thoái lui, đối trước người Tiểu thừa nếu chưa xét kỷ căn cơ thời không nói pháp Đại thừa, và các việc làm bố thí… gọi chung là mười trọng giới Bồ Tát.

 

Bảo vệ Chánh pháp tồn tại lâu dài, người tu hành phải chân thật như; phi pháp nói là phi pháp, pháp nói là pháp: phi luật nói phi luật, luật nói luật, không phạm nói không phạm, phạm nói phạm, không tàn hại nói không tàn hại; tàn hại nói tàn hại, nhẹ nói nhẹ, nặng nói nặng.Đó là lời nói đúng hay lời chánh ngữ. Người nói lời Chánh ngữ tự kiểm chứng được lời nói và chịu trách nhiệm lời phát ngôn của mình nên dù ở đâu và làm việc gì cũng được mọi người tin tưởng, giao thiệp, tiếp xúc, trao đổi, bàn bạc cùng nhau để đạt được thành công trong mọi lãnh vực.

 

Để làm cho chánh pháp vững trụ ở đời hàng xuất gia phải đủ 10 đức tánh làm chỗ nương tựa yên ổn trong mọi hoàn cảnh trường hợp như: không sợ sệt làm ngăn chướng, trừ dứt phiền não hiểu biết rộng khiến người sanh tâm sâu lắng, tài biện thuyết vô ngại không ai qua được làm người nghe tin nhận, vào nhà người trong dáng khoan thai thanh thản, thuyết pháp giảng kinh nghĩa thú thâm diệu khiến thính chúng hâm mộ, phân biệt rõ các đạo để dẫn dắt người vào đạo, bố thí, cúng dường, giữ gìn phạm hạnh và khuyên người làm như vậy. Khiến người bỏ dữ theo lành đem bản thân làm gương mẫu, hiểu rõ các pháp Tứ Đế, 12 nhân duyên, Bát Chánh Đạo, sống an lạc trong pháp (hiện pháp lạc trú) cũng như người xuất gia phải nắm rõ hai qui tắc nằm lòng như chư Tổ đã dạy cần phải vâng giữ đúng mới có thể giữ mình và giữ đạo. Hai qui tắc căn bản ấy là tướng đầu tròn và áo vuông như ta thường nghe câu: Viên đảnh phương bào hay phương phụt

 

  1. Đầu tròn: người xuất gia việc trước tiên là việc cạo bỏ râu tóc để dễ phân biệt khác với người đời. Người thế gian quý tiếc bộ râu, mái tóc, thì ngược lại người xuất gia tâm và hình khác tục để nối dõi dòng thánh: không thân cận với quan quyền, kẻ nhiều thế lực, người giàu sang.

 

  1. Áo vuông là chiếc áo quê mùa thô sơ của Thầy Tăng mặc như người dân giả, để hòa đồng cùng với người lao động tay lấm chân bùn. Chiếc áo đơn sơ ấy (áo nhật bình) nơi cổ có chữ nhật mà các Sư Chú ở chùa hay mặc hằng ngày. Nói về Tăng có phân hai loại: Thanh Văn Tăng và Bồ Tát Tăng (theo phổ thông), còn một cách khác phân biệt ba loại Tăng: Bồ Tát Tăng, Thanh Văn Tăng và Phàm phu Tăng.

 

Phàm phu Tăng có 5 việc cần nên suy nghỉ như:

 

  1. Dựa chế độ chính trị thuộc cơ chế công quyền do các đảng phải lãnh đạo quốc gia theo mỗi nhiệm kỳ 4 năm phải qua kỳ tuyển cử bầu lại nhiệm kỳ mớ, theo Hiến pháp qui định. Có thể đảng đối lập lên cầm quyền, không phải đảng đương quyền tiếp tục, lãnh đạo như các chế độ độc tài đảng trị áp dụng mô thức này; không có tự do dân chủ, nhân quyền, ngay cả không có tự do tôn giáo.

 

  1. Thân cận giới cư sĩ nhờ cậy ra ngoài giới luật qui định như kết nghĩa thành cha mẹ nuôi, anh chị em theothường tình thế gian nhằm mục đích lợi dưỡng, khiến người Phật tử đánh giá, coi thường chiếc áo nhà tu.

 

  1. Những kẻ có thế lực vừa có quyền hạn và thế dựa, cũng chỉ nhất thời. Khi chức tước bị thay thế, chỗ dựa bị lung lay liền mất chỗ không còn nhờ vả được nữa.

 

  1. Không nương tựa Tăng đoàn tức đi ngược lại lời nguyện trước Tam Bảo và Hội đồng giới Sư trong lễ thọ Đại giới Tỳ Kheo (Tỳ Kheo ni), như qua tục ngữ: Hổ ly sơn hổ bại, Tăng ly chúng Tăng tàn.
  2. Không nương theo pháp lữ tức là những huynh đệ đồng Sư hoặc khác Thầy, sống chung hay ở riêng, đều là những đạo bạn phải nên trân quý, duy trì, thì ngược lại không giữ câu: “Ăn cơm có canh, Tu hành có bạn”.

 

Đó là 5 việc người xuất gia phạm phải sớm làm cho chánh pháp tiêu vong. Ngoài ra 250 giới của Tỳ Kheo còn có 7 pháp dứt sự tranh cải để giúp Tăng già hòa hợp:

  1. Đáng cho làm phép dứt tranh cải (hiện tiền Tỳ Ni) thời nên cho làm phép dứt sự tranh cải.

 

  1. Đáng cho làm phép nhớ nghĩ (ức niệm) Tỳ Ni thời nên cho làm phép ức niệm.

 

  1. Đáng cho làm phép bất si thời nên cho làm phép bất si (không lầm,không lẫn lộn) Tỳ Ni dứt sự tranh cải.

 

  1. Đáng cho làm phép tự nói tội để trị thời nên cho làm phép tự nói để trị.

 

  1. Đáng cho làm phép tìm tội tướng thời nên cho làm phép tìm tội tướng.

 

  1. Đáng cho làm phép nhiều người tìm tội thời cho làm phép nhiều người tìm tội.

 

  1. Đáng cho làm pháp sám hối như cỏ che đất (thảo phú địa) thời nên cho làm phép sám hối như cỏ che đất để dứt sự tranh cải.

 

Bảy pháp dứt sự tranh cãi đây các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni mỗi nữa tháng tụng một lần trong lễ Bố tát (trưởng tịnh) trong Giới kinh chép ra.Lược giải ý nghĩa của mỗi pháp như sau: Pháp hiện tiền Tỳ Ni là có sự hiện diện của hai người hoặc hai nhóm người để giải quyết; ức niệm Tỳ ni tức sự tranh cãi đã lùi về quá khứ nay phải nhớ lại để giải quyết; pháp Bất si Tỳ ni là pháp sáng suốt không lầm lẫn (bất si), không cưỡng ép được đưa ra để mong dứt sự tranh cãi; pháp tự nói tội là người phạm tự nói rõ tội của mình cho Tăng đoàn theo đó sửa trị ngỏ hầu dứt sự tranh cãi trong chúng; pháp tìm tội tướng (chỉ mới là tội lỗi chưa là tội ác) vốn vô hình, bây giờ tìm tội tướng thời cũng phải cố gắng tìm hầu trừ việc tranh cãi; pháp nhiều người tìm tội, vì chỉ một vài người do tính chủ quan cũng khó định tội danh, nên phải cần nhiều người tìm phăng ra đầu mối mới mong dứt tội; pháp như cỏ che đất (thảo phủ địa) rất phóng khoáng hay đẹp, hữu hiệu nên có thể châm chế, gia giảm với tâm lân mẫn của các giới Sư khiến đôi bên tranh cãi hài hòa để kết lại đạotình pháp lữ hầu xây dựng bản thân, Tăng đoàn, Giáo Hội và đạo pháp nói chung cùng tâm niệm củng cố Tăng đoàn, Ngài A Na Luật (Aniruddha) đặt câu hỏi và mong Phật phân biệt rõ giữa Luật (Vinaya) Pháp (Dharma) và Phật pháp (Buddha-Dharma teaching of Buddha). Đức Phật dạy rằng, nếu theo tham thời không có khả năng vô tham, theo không che dấu, không theo che dấu, theo đa dục không theo thiểu dục; theo tri túc không theo không tri túc; theo ác kiến không theo không ác kiến. Phật gạn hỏi lại và nhấn mạnh rằng này A Na Luật đã phân biệt thế nào là phi pháp, phi luật (Tỳ ni), phi Phật pháp, như theo vô tham thời không theo tham; theo che dấu không theo không che dấu; theo thiểu dục không theo đa dục; theo tri túc (biết đủ) không theo không tri túc; theo không ác kiến không theo ác kiến.

 

Này A Na Luật, Thầy biết Pháp, biết Luật và biết Phật pháp, cũng như Ưu Ba Ly (Upali),Đại Ái Đạo (Kiều Đàm Di) Tỳ Kheo Ni (Mahàprajàpati) cũng hỏi như vậy. Pháp được Đức Phật dạy qua các Tôn giả mà hàng xuất gia thọ trì, khuyên các đồng phạm hạnh thọ trì, tôn trọng quí kính, tuân hành như luật dạy; cùng nhau thực hành 4 pháp: tương thuận, tương giáo, tương kính, tương sám hay nói cách khác cùng hòa thuận, chỉ bảo nhau, kính trọng nhau và cùng sám hối, vì Tương nghĩa là cùng nhau như tương thân, tương trợ mà cả đôi bên đều tôn trọng nhau. Lẽ cố nhiên, ta phải nhận phần trách nhiệm không thể đổ hết lỗi cho ngườikhác được. Đó là cách xử sự đúng luật của Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni theo phép hòa kính sống chung trong chúng như nước hòa với sữa thành một vậy.

 

Đời hay Đạo cũng đều y cứ theo luật qua các văn bản pháp quy làm chuẩn như Pháp chế, Nội quy, Luật pháp, Hiến pháp, Hiến chế, Hiến chương v.v…để điều hành mọi việc thông suốt và hiệu quả.

 

Qua luật Thập Tụng cho ta thấy rõ, Đức Phật chi ly chỉ rõ từng điều khoản, sự việc mà chúng đệ tử về sau cần phải ưu tư suy nghỉ làm thế nào để bảo vệ Phật Pháp do công phu tu tập, cùng chí nguyện phụng sự chúng sanh, lấy giới luật làm mạng mạch của Phật Pháp hay giới luật còn thời đạo Phật còn; vì giới luật là phao nổi đưa người qua biển khổ sanh tử.

Sa môn Thích Bảo Lạc

Tự Viện Pháp Bảo mồng 7 tháng giêng năm Kỷ Hợi

 

 

[1]Đại Ái Đạo là dì ruột Đức Phật, Ngài sanh 7 ngày thì hoàng hậu MaGia mất, được dì mẫu nuôi nấng từ lúc nhỏ. Sau bà xuất gia hiệu là Kiều Đàm Di.

[2]Ưu Bà Ly là đệ tử hàng đầu của Đức Phật trì luật đệ nhất, cũng như A Nan là bậc đa văn số một vậy.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]