Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Suy Niệm Vô Thường

12/07/201920:27(Xem: 4452)
Suy Niệm Vô Thường

kiết-giới-an-cư-2019-64

SUY NIỆM VÔ THƯỜNG

Tỳ kheo Thích Nguyên Trực

 

Cuộc đời luôn vô thường và biến đổi, không có gì là vĩnh cữu, cũng chẳng có gì là trường tồn mãi mãi. Tâm vô thường, thân vô thường, thời gian vô thường,  vật chất vô thường và… cuộc đời cũng là vô thường.

Bản chất của cuộc sống, của cõi luân hồi là vô thường. Chúng ta thường không ý thức được về điều này nên luôn mải mê với vô số ham muốn, tham vọng, hạnh phúc và khổ đau... để chúng cuốn trôi chúng ta qua hết tháng ngày như những dòng thác lũ. Hãy tạm dừng một chút trên hành trình vội vã của mình để lắng đọng tâm tư duy và quán niệm rằng trên đời này, chẳng có gì không thay đổi, chẳng có gì vĩnh viễn thường hằng, và hãy ý thức được kiếp người mong manh ngắn ngủi, để chúng ta biết trân trọng hơn và sử dụng cuộc đời mình có ý nghĩa hơn.

Nói một cách chung nhất, vô thường là tính chất căn bản của vạn pháp thế gian bao quát toàn bộ thân, tâm, cảnh. Sự thay đổi này luôn tiếp diễn không ngừng và dẫn chúng ta đến cái đích cuối cùng của đời người, đó là cái Chết - một hiện tướng rõ rệt nhất, lớn lao nhất và khốc liệt nhất của vô thường. Đây cũng là một đề mục lớn về vô thường mà chúng ta sẽ cùng suy niệm.

Hôm nay chúng ta suy nghĩ về vô thường. Giáo lý Phật tuy nhiều, nhưng chủ yếu nằm trong vô thường, nghĩa là vạn vật luôn thay đổi và con người là vô ngã, tức con người do tứ đại hợp thành, không có thật.

- Thân vô thường: Sinh, lão, bệnh, tử, tai nạn bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

- Tâm vô thường: Lòng tin dễ lung lay, lý tưởng cũng dễ thay đổi.

- Thời gian vô thường: Đời người thật ngắn ngủi để rồi thoáng chốc hiểu ra một điều, được sống thanh thản hưởng trọn niềm yêu thương là điều quý giá.

- Vật chất vô thường: Khi sinh ra ta không có một đồng, khi lớn lên làm tất cả để kiếm ra tiền nhưng đến khi chết lại không có đồng nào đem theo.

- Đời vô thường: Sự sống thì có giới hạn

Nói đến vô thường, gần như tất cả mọi người đều cảm thấy muốn buông xuôi tất cả, vì vô thường thì nỗ lực làm gì cho mất công. Nghe vô thường, chúng ta cảm thấy cuộc đời có rồi không, luôn thay đổi từ khi con người sinh ra rồi già, bệnh, chết; nói cách khác, chúng ta chưa có trước khi xuất hiện trên cuộc đời và khi từ giã cuộc đời, chúng ta cũng là không. Vì vậy, một số người nói đạo Phật yếm thế - chán đời.

 

Như vậy chúng ta phải hiểu rõ “vô thường” là thay đổi luôn luôn, chuyển dịch luôn luôn, chuyển hóa, chuyển biến luôn luôn. Vạn vật vô thường nghĩa là vạn vật không bao giờ ở trong một trạng thái cố định và nhất định. Mặt trời, mặt trăng, trái đất di chuyển không ngừng, tạo ra ngày đêm không ngừng, tạo ra bốn mùa thay đổi không ngừng, nắng mưa không ngừng và vạn vật trên thế giới ngày naycũng chuyển hóa không ngừng. Loài người trên thế giới này cũng chuyển hóa không ngừng từ trạng thái người rừng đến trạng thái người thị thành, từ trạng thái hoang dã đến trạng thái văn minh hiện đại.

 

Cuộc sống này có được sẽ có mất,

Có yêu thương sẽ có quên lãng,

Có hợp mặt rồi cũng có chia phôi.

          Nói đến vô thường thì đa số người học Phật đều biết, đều hiểu: Thế gian vô thường, cõi đời tạm bợ. Song người cảm ngộ sâu, hiểu vô thường có nhiều chăng? Ứng dụng vào cuộc sống thế nào mới thiết thực? Đây mới là điều quan trọng.

          “Vô thường” hiểu theo Phật giáo, là mọi sự trên đời luôn luôn biến đổi, có được rồi mất, không gì là mãi mãi.

          Biển vẫn lặng lờ trôi, từng cơn sóng nhấp nhô, rì rào, vỗ về bờ cát trắng đã cuốn đi biết bao hạt cát vào lòng bể khơi. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Sóng sẽ về đâu? Hạt cát còn hay mất giữa đại dương mênh mông? Còn điều gì lung linh mầu nhiệm bên trong lớp áo vô thường biến dịch.

Trong giáo lý vô thường và vô ngã mà Phật dạy để làm gì? Điều này có mục tiêu rõ ràng, Đức Phật nói vô thường và vô ngã để giúp chúng ta tận diệt khổ đau và đạt Niết bàn. Từ vô thường, chúng ta tìm cái thường còn, từ khổ đau, chúng ta tìm cái an lạc là Niết bàn có thường, lạc, ngã và tịnh.

Chúng ta chiêm nghiệm ý nghĩa vô thường mà Phật dạy thấy rõ sự thật rằng, vạn vật biến đổi, hay gọi là tiến hóa, từng thế hệ luôn phát triển. Đời sống từ Phật tại thế cho đến ngày nay, nếu không có tiến hóa thì con kiến vẫn là con kiến. Từ thời Phật giáo Nguyên thủy cho đến thời Phật giáo phát triển cũng nhờ vô thường, tức hoàn cảnh đổi khác mà chúng ta có nhận thức khác, là có sự tiến hóa về vật chất và tiến hóa về tâm linh. Tiến hóa vật chất là từ cuộc sống đơn sơ của người cổ đại đã tiến lên cuộc sống văn minh hiện đại. Tiến hóa tâm linh là người khổ đau tu Tứ thánh đế thì diệt được khổ đau và đắc quả Tu đà hoàn, cho đến quả A la hán, Bích Chi Phật và thành tựu quả vị Phật. Nếu không có vô thường thì tất cả mọi việc nằm yên, không thay đổi. Nhờ vô thường, chúng ta tích cực hơn, vận dụng được sự phát triển, giúp cho đời sống thăng hoa và tiến hóa.

Cho nên trong Kinh Kim Cang có câu:

Nhất thiết hữu vi pháp,

Như mộng, huyễn, bào, ảnh,

Như lộ diệc như điển,

Ưng tác như thị quán.

Nghĩa:

Tất cả pháp hữu vi,

Như mộng, huyễn, bọt, bóng,

Như sương cũng như chớp,

Phải nên quán như thế.

Sinh ly tử biệt, đời người ai cũng phải trải qua. Dù biết rõ điều ấy nhưng mấy ai hiểu, có những người sống nay, chết mai một cách bất ngờ, có những điều kỳ diệu khi ngỡ chia ly, tai họa; hóa ra lại chuyện dữ hóa lành… Bởi cuộc đời vô thường lắm.

Dẫu biết cuộc đời hữu hạn, sinh có hạn, tử bất kỳ, không ai tránh được, thế nhưng không khỏi xót xa, bàng hoàng. Có những người chúng ta mới nói chuyện cùng nhau cách đây dăm ba hôm, còn hẹn nhau gặp lại, thế mà bất chợt một ngày nghe tin họ không còn trên đời nữa.

         Trong cuộc sống thực tại của con người, sở dĩ mang đầy gánh nặng đau khổ là do mê lầm, chìm đắm chạy theo ngũ dục, thất tình mà mấy ai nhận thức được rằng :

Cuộc đời rồi chẳng còn chi

Ruộng vườn nhà cửa có gì của ta

Trắng tay lòng mẹ sinh ra

Một hơi vĩnh biệt cũng là tay không

Đó chính là quy luật muôn thuở của vũ trụ nhân sinh, là định luật nghìn đời không thể thay đổi. Chúng ta hãy nghe Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú Phẩm Vô thường thí dụ thứ 4 như sau:

Thường giả giai tận

Cao giả tất đọa

Hiệp hội hữu ly

Sanh giả hữu tử

Tạm dịch:

Có còn thì có mất

Rơi xuống bởi trèo cao

Hết hiệp rồi tới tan

Có sống là có chết

Cuộc sống và vạn vật quanh chúng ta, từng giờ từng phút luôn luôn biến đổi theo không gian và thời gian, không có gì tồn tại vĩnh viễn. Đó chính là “Vô thường”, nghĩa là không có gì thường xuyên trường tồn mãi mãi. Đời là vô thường, sự sống có giới hạn thì phải chăng con người ta khi sống nên có một chút ý nghĩa. Ta ước mong gì? Ta muốn làm điều gì? Ta cần phải làm điều gì? Ta yêu thích điều gì? Ta không nên làm điều gì? Ta có biết mình đang muốn gì hay không?... Nếu cuộc đời cứ thế trôi qua vô nghĩa, liệu điều gì sẽ khiến chúng ta ân hận về sau?

Ba cõi phù du mây thu bay.

Sinh tử khác nào vũ điệu say.

Chúng sinh mạng mỏng như chớp lóe,

Trôi nhanh như thác đổ non ghềnh.

Bài kệ trên trích từ Kinh Phổ Diệu có nghĩa là Tam giới vô thường và không bền vững. Cuộc sống trôi nhanh về phía cái chết, như điệu nhảy của vũ công, tia chớp trên bầu trời, hay dòng thác đổ, chúng liên tục chuyển động và biến đổi không ngừng dù chỉ trong giây lát. Hơn nữa, cảnh giới và giây phút cái chết đến chúng ta không thể biết trước được. Trong Kinh viết: “Đời người với bao khổ não vô thường hơn cả bong bóng nước trước gió. Vì vậy, phi thường thay nếu được thở ra, hít vào và được thức tỉnh sau cơn mê dài”.

Đức Phật là vị lương y độc tôn, đã từng thấy khổ đau trong nhân loại, thuyết ra chân lý đầu tiên (Khổ đế) để mọi người cùng nhận định, đồng thời chỉ ra lối thoát an toàn, đưa người đến chỗ thanh thoát, bình an. Đây là điểm then chốt chỉ thấy trong đạo Phật. Phật giáo dạy con người rất thực tế, giản dị, dễ tiếp thu đối với các tướng ‘sanh trụ dị diệt’ để không kẹt trong thọ dụng, chấp thủ, ái nhiễm vì thiếu hiểu biết. Con người luôn bằng lòng với hiện tại, giải quyết quá khứ và xây dựng tương lai. Nhận thức được đời là chuỗi khổ đau, tất nhiên cần hiểu nguyên nhân khát ái đích thực mà loại bỏ. Thấy được nhân rồi, nỗ lực đều đặn, tiêu trừ gốc rễ, để quả sai lầm của các nghiệp nơi thân khẩu ý và những hoạt động tiếp theo không có điều kiện tái phát. Hạnh phúc, an lạc trong tầm tay con người, nếu vị ấy một lòng thẳng bước trên con đường trung đạo, hòa mình vào quy luật tự nhiên, sống tỉnh thức trong từng hơi thở, quán triệt các pháp vô thường, vô ngã, làm tươi mát mình trong hương vị giải thoát. Cho nên cần nhanh chóng tỉnh thức, tỏ ngộ cuộc đời do duyên, tất cả có ra đều phù du, không thực thể, giả tạm, mà không nên chấp. Ai lầm chấp, tưởng giả là chơn, sẽ chuốc nhiều phiền muộn, lo toan về sau. Một khi phiền não chất chồng, khó lấy lại được sự bình an. Lại nữa, ngoài cái giả của cuộc đời nên hiểu còn có cái thật nhưng mong manh, ngắn ngủi, chỉ nhất thời để con người có thể mượn giả thật này mà đóng góp, ghi lại, hay cống hiến cho đời, cho người những bài học, những tấm gương, những giá trị phụng sự cao cả.

Vô thường là một lẽ thật chung cho tất cả thế gian, không phải của riêng ai, không phải của người này mà không của người kia. Người học Phật quán sâu, thấy rõ điều ấy sẽ cởi mở được nhiều đau khổ trong cuộc sống. Trái lại, cứ tưởng nó là của ai, thuộc về người khác không dính dáng gì tới mình, khi nó đến bất ngờ chịu không nổi, sẽ bứt tóc, đập đầu, đấm ngực than khóc kêu trời! Bởi do không có chuẩn bị trước.

Vào thời Phật còn tại thế, lúc Ngài ở tịnh xá Kỳ Hoàn, có bà KISA-GOTAMI có đứa con yêu quý bỗng chết đi. Bà chưa bao giờ thấy cái chết nên khi người ta mang thây đứa bé đi thiêu, bà không cho, tưởng là nó còn sống. Bà bế thây chết bên hông, chạy từ nhà này tới nhà khác cầu thuốc cứu con. Có người hiểu, chỉ cho bà đến gặp Phật. Phật bảo bà:

- Người hãy đi tìm một lon hạt cải trắng (có chỗ nói một ít nhang) của nhà nào từ trước đến giờ chưa có ai chết đem về đây, ta sẽ chữa cho.

Bà đi khắp từ sáng đến chiều, hỏi nhà nào cũng có người thân chết. Cuối cùng mệt mỏi, bà chợt hiểu ra, người chết quá nhiều hơn người trong làng, không riêng con bà, không phải một mình bà chịu sự vô thường đó. Bà liền cảm thấy nhẹ bớt và đem thây con vào rừng, rồi trở về gặp Thế Tôn. Ngài hỏi:

- Ngươi có tìm được lon hạt cải trắng chăng?

Bà thưa:

- Bạch Thế Tôn, không. Làng nào cũng có người chết nhiều hơn người sống.

Nhân đó Phật dạy:

- Thật hão huyền, nếu ngươi cho rằng chỉ mình ngươi mất con. Ai cũng chịu ĐỊNH LUẬT BẤT BIẾN đó là: “Thần chết như một dòng nước lũ, cuốn trôi hết thảy mọi chúng sinh ra biển hoại diệt, trong khi đó, lòng tham đắm của họ vẫn chưa thỏa mãn”. Thế Tôn liền nói kệ:

Người tâm ý đắm say

Con cái và súc vật

Tử thần bắt người ấy

Như lụt trôi làng ngủ.

Ban đầu, bà Ki-sa tưởng như sự vô thường chỉ đến với mình, riêng một mình bà phải chịu, và đó cũng là việc bà không bao giờ nghĩ tới, mà bất ngờ như thế! Phật khéo léo giúp cho bà thức tỉnh, thấy rõ những người chung quanh cũng từng chịu chung cái khổ đó, đâu phải chỉ riêng bà, khiến bà tỉnh ngộ, chứng quả Tu đà hoàn. (Tích Truyện Pháp Cú)

Tổ Qui Sơn Linh Hựu đã nhắc trong bài Cảnh Sách:Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng?”. nghĩa là,” đường trước mờ mờ mịt mịt chẳng biết đi về đâu?”. Thật là đau đớn! Thật là hoang mang! Do đó, mỗi người phải tận dụng hết thời gian quý báu đang có để học, để tu, để hành, tạo công đức lành giúp cho mình có được ít nhiều quả lành cho ngày ra đi. Trong khóa lễ buổi chiều ở chùa thường có bài kệ nhắc nhở vô thường:

Thị nhật dĩ quá

Mạng diệc tùy giảm

Như thiểu thủy ngư

Tư hữu hà lạc?

Đại chúng!

Đương cần tinh tấn

Như cứu đầu nhiên

Đản niệm vô thường

Thận vật phóng dật!

Dịch:

Ngày nay lại đã qua rồi, Mạng căn huyết mạch lần hồi tiêu hao, Dường như cá cạn ở ao, Khổ thêm thì có, chút nào vui đâu? Cần tu tợ lửa cháy đầu, Đừng cho sái buổi như chầu đế vương, Thân này mỏng mảnh không thường, Sớm còn tối mất lo phương cứu mình.

Đó là chư Tổ nhắc nhở người tu, mỗi khi chiều đến, là một ngày đã trôi qua, tức mạng sống của mình cũng theo đó mà rút ngắn dần, trong khi đó công phu tu hành của mình thì sao? Có tiến được gì chưa? Phải tâm tâm niệm niệm ghi khắc thống thiết, khẩn cấp công phu không dám bê trễ, biếng lười, giống như lửa rớt trên đầu, phải phủi ngay không để chần chờ, hẹn kỳ, lần lựa.

Thiền sư Y Am Quyền mỗi khi chiều xuống liền tự rơi nước mắt than: Ngày hôm nay lại cũng chỉ thế ấy trôi qua suông, chưa biết ngày mai công phu của ta sẽ thế nào?”. Người xưa cũng có câu: Lúc hoàng hôn xuống chớ tự hào cho ngày mai ta sẽ thức dậy như thường lệ!.

Rõ lý vô thường càng thấy thời gian chúng ta hiện có mặt ở trên đời rất là quý báu, do đó phải biết quý tiếc nó, phải sống cho xứng đáng không để phí thời gian trôi qua suông, có hối hận ăn năn không kịp.

        Từ thấy rõ lý vô thường, người học đạo ở trong đó mà vươn lên, tìm cách giải thoát, vượt ra và làm chủ trở lại tức là sống bình an trong vô thường. Không phải biết vô thường rồi ngồi khoanh tay chờ chết! Bởi vậy, Bồ tát biết vô thường mà cười hoài và luôn lăn mình trong đó để độ người. Vì thấy rõ mọi việc vô thường, thân này cũng tạm bợ, không có gì đáng kể!

Thiền sư Vạn Hạnh sắp tịch có bài kệ:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Nghĩa:

Thân như điện chớp có rồi không

Cây cỏ xuân tươi thu héo tàn.

Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi

Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương đông.


Thiền sư thấy rõ thân này vô thường tạm bợ như ánh điện chớp. Cảnh vật cũng vậy, không có gì dừng trụ, kiên cố. Vậy thì sự thịnh suy ở đời cũng đâu có gì quan trọng? Thân còn không chắc chắn gì kia mà. Do đó, Thiền sư sống vững vàng trước mọi sự thịnh suy thay đổi của cuộc đời. Nghĩa là, các Ngài làm chủ trở lại trong vô thường.

       Đa phần chúng ta thường hay đợi, đợi ngày kia, đợi năm này, đợi tháng nọ để hẹn lần, hẹn lựa mà không dành thời gian cho gia đình, cho những người thân của mình. Chúng ta mải chạy theo vật chất, chạy theo danh vọng, công việc, chúng ta dành tất cả đầu óc của chúng ta cho nó mà quên rằng trên đời này còn rất nhiều điều quan trọng, gia đình, bạn bè, anh em cần sự quan tâm của chúng ta, cần chúng ta dành thời gian cho họ. Mãi đến mai này rời thế giới, ta có mang theo được gì đâu, vậy mà chúng ta chấp nhận đánh đổi những yêu thương, đánh đổi sức khỏe, đánh đổi nhiều thứ chỉ để lấy tiền, nhà cao, cửa rộng, xe cộ kia, mai này chết đi có mang theo được gì?

       Bao nhiêu người con đã phải hối hận rằng, con đã không về thăm cha, thăm mẹ, thăm gia đình anh em sớm hơn. Con đã mải chạy theo vật chất mà quên đi trách nhiệm của mình, quên đi đạo làm con, quên đi tình nghĩa anh em, bạn bè.

       Bao nhiêu người đã phải hối hận vì ngày thường đã không nói tiếng yêu thương người thân mình, thậm chí không nói chuyện rồi đến một ngày nhìn họ bỏ ta đi thì bật khóc và ân hận.

       Đã bao nhiêu người đã hối hận vì không biết tha thứ cho những người thân yêu, chỉ vì những điều nhỏ nhặt và giữ mãi trong lòng để không nói được câu yêu thương, cho đến ngày người thân mình rời khỏi thế gian rồi ôm khóc kể lể lúc này có ai nghe nữa đâu.

       Đã bao nhiêu người đã chờ đợi dịp này, dịp khác rồi không còn dịp nào nữa. Khi đó hối hận rằng tôi đã không làm nó sớm hơn, tôi đã không nói nó sớm hơn và sớm hơn.

       Đã bao nhiêu người muốn mua món quà này hay món quà khác tặng cho người thân vì biết họ thích, nhưng đợi dịp này hay dịp khác rồi không còn một dịp nào nữa cả.

        Hôm nay ngồi đây, ngày mai chưa chắc còn ngồi thế này; nhân duyên tốt lành hôm nay gặp được đâu dễ gặp lại lần thứ hai? Người xưa có câu: Không thể tắm hai lần trong một dòng sông” thì tại sao mình lại phung phí thời gian vô ích?

       Hôm nay còn khỏe mạnh, ngày mai đâu chắc được? Hoặc bệnh hoạn, suy yếu, tinh thần sẽ yếu đi, việc muốn làm cũng không làm được. Rồi bất chợt nhắm mắt ra đi, lấy gì bảo đảm ra đi an ổn?

       Cuộc sống vô thường lắm. Nếu có thể được, hãy yêu thương những người bên mình và chính bản thân mình nhiều hơn nữa…

       Đức Phật dạy: “Cuộc đời này là vô thường, có sinh phải có tử (hữu hình tất hữu hoại). Mạng sống con người theo thời gian đang đi dần vào cái chết, thế nhưng có mấy ai trong chúng ta ý thức được điều đó:

“Không mời tự đến, không đuổi tự đi

Đến như thế nào, đi như thế đó

Đến như gió, hợp tan như mây

Gió mây vô thường, vấn vương chi khổ”

Chúng ta sinh ra trên đời này không ai mời mà tự đến, cũng không ai đuổi mà tự đi, đến như thế nào đi như thế đó. Sự có mặt của chúng ta trên cuộc đời này như gió thoảng mây bay, vốn vô thường, giả tạm. Biết như vậy thì sự đến và đi không có gì phải bận tâm, phải đau khổ. Vô thường là quy luật của cuộc đời, luôn chuyển động theo hướng tốt hoặc xấu tùy thuộc vào nhận định của chúng ta. Và nếu không hiểu và sống hòa hợp với quy luật vô thường, chúng ta rất dễ khổ đau, thất vọng khi một điều gì đó mất đi, biến đổi đi hình dạng ban đầu của nó.

Trong kinh cũng dạy: Tri uyển tức ly. Nghĩa là nhận biết được cái uyển vọng, hão huyền rồi quyết phải từ bỏ để nó không ràng buộc mà kéo theo những hệ lụy.
Khi ly được tức trí giác ngộ sẽ được lộ lên. Bởi vậy thường trạng thái buồn vui là do ý niệm sinh ra. Và chúng ta thường khổ bằng ý niệm, suy diễn bên trong hơn cái thực tế đang diễn ra bên ngoài. Tiền tài, danh lợi, địa vị, sắc đẹp cũng nằm trong quy luật của vô thường, thành bại được mất là quy luật. Trên đời này không có cái gì được mà không mất. Chính vì cưỡng cầu và không chấp nhận lấy sự vô thường nên đó là lý do chúng ta buồn vui, hạnh phúc thất bại… phiền não trước mọi thứ dẫu rằng đó là quy luật, là điều tất yếu không thể đổi thay được.

Cuộc sống vô thường dường như không ai đoán trước được điều gì. Mỗi ngày ta còn có mặt trên cuộc đời đã là một điều may mắn rồi. Mỗi sớm mai thức dậy cám ơn đời cho ta thêm một ngày nữa để yêu thương cuộc đời này. Bởi vậy, chúng ta nên trân trọng mỗi khoảnh khắc trong đời. Mỗi phút giây qua đi chúng ta đều không lấy lại được, nếu như không biết trân trọng chúng ta sẽ phải hối hận cả đời không bao giờ tìm lại được. Tất cả mọi bệnh tật đều có khả năng chữa được, nhưng bệnh hối hận thì không có thuốc nào chữa được, vì thời gian có quay lại bao giờ đâu? Làm sao có thể tìm lại được khoảnh khắc đó. Vì vậy, hãy sống mỗi ngày như hôm nay là ngày cuối cùng để rồi chúng ta không phải hối hận bất cứ việc gì cả. Hãy yêu thương tất cả những người thân yêu chúng ta ngay khi có thể, vì không ai biết trước được ngày mai sẽ ra sao. Nếu ngày mai ta lìa thế gian này ta không phải ân hận, hay mai này người thân chúng ta có rời xa chúng ta, chúng ta không ân hận vì đã sống trọn vẹn với tất cả yêu thương đông đầy từ trái tim dâng trọn cho những người thân của mình.

Hiểu được lý vô thường của vạn vật, chỉ mong mỗi người chúng ta cố gắng học hỏi và tu tập, đem tình yêu thương san sẻ với muôn loài bằng trái tim hiểu biết. Chúng ta đừng quá say mê, tham đắm vào cá nhân mình mà làm khổ luỵ cho nhau. Cuộc sống con người vốn vô thường, tạm bợ. Và chúng ta nên nhớ rằng, sau khi chết không phải là hết hay mất hẳn, mà chết chỉ là hình thức thay hình, đổi dạng mà thôi, rồi tuỳ theo nghiệp báo tốt, xấu của mỗi người đã gieo tạo trong hiện tại, mà cho ra kết quả trong tương lai và mai sau.

       Nếu biết trước ngày mai mình chết chúng ta sẽ chiêm nghiệm cuộc đời mình như thế nào? Hạnh phúc hay đau khổ. Tại sao hạnh phúc và vì sao đau khổ? Hạnh phúc khi ta dành trọn cả cuộc đời này làm nhiều điều phước lành mang lại niềm vui cho mọi người, đến lúc chết thì ta chẳng có điều gì hối tiếc. 

       Vậy phải chăng con người ta khi sống trên đời nên suy niệm vô thường để sống có một chút ý nghĩa? Có ích cho đời, cho gia đình, cho xã hội.


Viết tại Trường Hạ Thiên Ấn, Sydney, 2019
Tỳ Kheo Thích Nguyên Trực




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567