Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Niệm Ân

13/07/201923:03(Xem: 3761)
Niệm Ân

NIỆM ÂN

Thích Tâm Phương

 

Người xưa từng dạy:“Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn, Thiện duyên nan ngộ, Phật quốc nan sanh”. Thật vậy, làm được thân người là một điều khó, làm người rồi, mà được nghe Phật pháp và tin theo Phật pháp mà tu học, để đãi lọc thân tâm, từ một người xấu trở thành tốt, từ phàm phu để trở thành bậc Thánh là cả một quá trình khó khăn, thiên nan, vạn nan.

 Có một lần đứng trên bục giảng, tôi cầm trái táo trên bàn thờ đưa lên và nói “Thưa quí vị, trái táo này hiện được dâng cúng Phật tại Tu Viện Quảng Đức, nhưng nếu chúng ta nhìn trái táo bằng con mắt của Thiền quán, nhìn bằng cái tâm và trái tim của một người Phật tử thì chúng ta phải niệm ơn và mang ơn không biết bao nhiêu người đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt, và tất bật trên mọi nẻo đường, từ làng quê, ruộng đồng, núi đồi, nương rẫy, máy bay, tàu biển, nhà máy, hãng xưởng để làm ra trái táo này. Rồi từng hạt cơm của chúng ta ăn, từng chiếc áo che thân, từng đôi giày, cái mũ, từng viên thuốc, ống tiêm, và hàng ngàn phương tiện khác để phục vụ cho chúng ta được sống khỏe, an vui, thanh bình, hạnh phúc trên trái đất này. Thật đúng là trùng trùng duyên khởi theo giáo lý của Kinh Hoa Nghiêm, “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất”, “Một là tất cả, tất cả là một” mà các Khoa học gia của thế kỷ thứ 20 đã nói ý này trong “Hiệu Ứng Cánh Bướm” là  “Một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn bão lớn ở Texas”.

 Tôi dẫn chứng khái niệm và sơ khởi như vậy, để chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ, nhất là môi trường thiên nhiên trong hiện tại, đã bị con người tàn phá một cách vô tội vạ. Cũng chỉ vì nhu cầu xa hoa vật chất lên đến tột đỉnh cao trào, nên hệ lụy tàn phá môi trường, rồi từ đó gây thêm không biết bao nhiêu thiên tai và bệnh tật.

 Sự thật phũ phàng là sự tồn tại của mỗi chúng ta chịu ảnh hưởng, tác động, hay vay mượn từ biết bao nhiêu nhân sinh và sự thể của vũ trụ, mà lăng kính của nhà Phật gọi là đầy đủ nhân duyên.

 Chúng ta có hột cải, hạt bông, củ giống, nhưng nếu chúng ta để trong kho cất kỹ đậy nắp kín, thì những hạt giống đó bị hư hoại, không sinh trưởng, nhưng nếu chúng ta đem hạt giống đó gieo xuống đất, rồi tưới nước, và cũng cần có ánh sáng mặt trời, có gió thoáng mát thì hạt giống đó mới nảy mầm, rồi thành cây xanh tươi tốt. Hạt giống là nhân, đất, nước, gió ánh sáng mặt trời, công sức chăm bón của con người là duyên tốt để đưa đến kết quả là hoa, trái.

 Rồi chúng tôi đơn cử thêm vài ví dụ nhân duyên tốt, và nhân duyên xấu. Nhân duyên tốt hay phước báo tốt của 2 đứa bé cùng sinh ra cùng giờ, cùng ngày tại bệnh viện đó, nhưng hoàn cảnh gia đình của 2 đứa bé khác nhau: Một đứa bé có đầy đủ nhân duyên phước báo tốt được sanh ra trong một gia đình cha mẹ có đạo đức, nuôi dạy con cái lớn lên theo truyền thống gia phả lành mạnh đạo đức, thuần hòa chuẩn mực, học hành phẩm hạnh có thể đóng góp ích lợi cho xã hội. Còn đứa bé kia sanh vào một gia đình không hạnh phúc, cha thì rượu chè, mẹ thì cờ bạc, gia đình lúc nào cũng ăn ngang nói ngược, con cái mới lên 3 lên 7 là đã tự đi kiếm ăn. Tất cả những hiện tượng tốt xấu, giàu có, nghèo hèn mà chúng ta nhìn thấy trong xã hội và chung quanh đời sống của mỗi chúng ta, đều có sự liên quan đến đời sống kiếp trước và cả đời sống về sau của mỗi chúng ta, hay có liên quan đến đời sống của họ tộc tổ tiên ông bà cha mẹ. Có một lần tôi đàm đạo với HT Bổn Điền, Viện Chủ chùa Huyền Quang Sydney, chúng tôi nói về Nhân duyên, Quả báo và Phước Báo. HT hỏi tôi một câu: “Lâu nay nghe nói mà có bao giờ Thầy thấy ai sanh ra không có hậu môn chưa? Tôi nói có nghe người đời thường than oán “Cái thằng đó, gia đình ăn ở thất đức như vậy, mai mốt nó sanh con ra không có hậu môn.”  Sau đó HT nói cho tôi nghe chính Ngài thấy rõ ràng, có một gia đình nọ, sanh đứa con gái đầu lòng có 1 lổ tai. Người con trai thứ 2 không có hậu môn. Thật tội nghiệp, rồi Ngài kể một vài nguyên nhân quả báo có liên quan… Nhưng rồi Ngài nói tại những người lớn gây tội, mà bắt những đứa con đời sau chịu quả như vậy thật là bất công.

 Tôi kể cho Ngài nghe ở làng tôi, có nhiều gia đình ngày xưa ruộng đất cò bay thẳng cánh, nhưng họ cho vay cắt cổ, ăn ở thất đức với những nông dân nghèo làm mướn, bây giờ tôi nhìn thấy con cháu của họ nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc; ngược lại, những gia đình ngày xưa làm mướn, nhưng họ sống để cái đức nên con cái sau này ăn nên làm ra.

 Đây chỉ là bài viết ngắn cho Kỷ yếu An Cư, chúng tôi không thể phân tích nhiều về 2 chữ Nhân duyên và Phước báo. Chúng ta phải biết rằng trong cuộc sống này không có một cái gì đứng tách riêng biệt một mình mà nó đã, đang và sẽ ảnh hưởng, liên hệ  đến mọi thứ khác trên thế gian này.

 Nghĩ như vậy để chúng ta phải biết trân quý sự tương quan, nhân duyên để kết thành cái thân mạng này của chúng ta, để rồi chúng ta luôn luôn biết nhớ ơn, mang ơn và trả ơn cho muôn loài vạn vật.

 Viết đến đây tôi chạnh lòng nhớ đến tuần qua, tôi đi hộ niệm cho một Cụ Ông hơn 80 tuổi hấp hối tại nhà, người con trai thứ và người con dâu đến Tu Viện tha thiết thỉnh cầu Thầy đến  giúp trợ niệm cho người Cha sắp ra đi. Với lòng thành của anh đối với người cha già sắp qua đời, tôi hối hả cùng anh lên xe. Xuống đến nhà, tôi bị hụt hẫng vài giây ban đầu khi nhìn thấy người phụ nữ trạc tuổi 60 và một người đàn ông cùng tuổi như vậy, họ đưa mắt nhìn tôi không một chút thiện cảm, và coi tôi như không có mặt, trong khi đó Cụ Bà cũng gần 80 thì ríu rít chào tôi một cách khúm núm trân trọng.

 Thì ra, người con gái đầu trong nhà, lấy chồng theo đạo Tin Lành Cơ Đốc Giáo và theo đạo của chồng, trong khi gia phả 3 đời theo đạo Phật hay Đạo Lương thờ cúng Ông Ba Tổ Tiên. Ba ngày sau Tang lễ diễn ra, người con gái và 3 đứa cháu ngoại không bịt khăn tang, không đốt nhang tưởng niệm, không hề lạy Cha, Ông để tỏ lòng hiếu kính… Khi chúng tôi và ban hộ niệm tụng kinh, cúng cơm, họ đứng xa xa bên ngoài nhìn vào bàn Linh như những người xa lạ. Trong Tang lễ đó tôi ngẫm đến 2 chữ tùy duyên, tùy phước của mọi nguời, tôi yên lặng chỉ lo giữ lòng thanh tịnh, mặc cho chuyện đời có nhiều chuyện mà mình không mấy vừa lòng. Nhắc đến đây tôi lại nhớ về hơn 30 năm trước, lúc đó tôi ở tuổi 33 và đang Trụ trì Chùa Quang Minh, cũng trong một lần tại Lễ tang ở nhà Quàn Nelson, Footscray, Cụ Bà qua đời có người em trai, vì thương chị ông ta đem 1 con heo quay lớn đặt nằm ngang trên bàn trước di ảnh Hương Linh, buộc lòng tôi phải đứng cúng Linh, phát tang cho cả gia đình, trước mặt tôi là 1 con heo quay nằm hả mồm, da ươm mỡ vàng rực. Cúng xong tôi chia sẻ vài lời, tôi nói: “Lẽ ra Thầy phải bảo gia đình đem con heo quay cất thì Thầy mới đứng đây cúng Linh, vì Thầy đứng đây cúng như vậy, quí vị quay phim chụp hình, rồi có nhiều người không hiểu nói rằng Ông Thầy Tâm Phương Trụ trì Chùa Quang Minh cúng mặn, cúng heo quay v.v…” Đại ý chia sẻ như vậy. Sau Tang lễ 1 tuần, người em trai coi lại cuộn băng Video, ông tức giận tự ái gì đó đứng vụt lên chửi xéo vài câu có xúc phạm đến đời sống tu hành và sự tụng kinh siêu độ. Trong đó có câu dặn dò: “Tao có chết thì đừng bao giờ mời mọc Thầy chùa kinh kệ gì cả” và có vài câu nặng hơn nữa, không may trong cơn tức và lòng tự ái cao độ ông lên máu và chết ngay sau đó, gia đình hoảng hốt kinh hoàng… rồi Tang lễ của ông cũng diễn ra âm thầm đơn giản.

Một câu chuyện khác liên quan đến “Niệm Ân” đến hai Đấng Sanh Thành cao cả của một người con. Cách đây hơn 3 năm, có một Ông cụ qua đời, Cụ ông sinh tiền trước kia là 1 sĩ quan cao cấp, gia đình trí thức mô phạm, gia đình Cụ rất tín tâm với Phật, định cư tại Úc rất sớm. Ông cụ có người con gái út đã từng học trường Đạo nên theo đạo Thiên Chúa và sau này đã trở thành Sơ nhà dòng, học thức cao rộng.

Khi ông cụ qua đời, mặc dù trong nhà có nhiều người lớn con trai con gái, dâu rể, cháu chắc đề huề, nhưng Sơ vẫn là người mà gia đình luôn quý mến. Sơ đại diện gia đình đến Tu Viện Quảng Đức quỳ thưa thỉnh tôi sắp xếp lo Tang lễ cho người Cha được chu đáo nhất theo truyền thống và niềm tin Phật Giáo của Cha. Sơ kể cho tôi nghe là Sơ thưa với Nhà Dòng Ban Giám Mục là “Ba Mẹ con có niềm tin Phật bất diệt, nên việc chúng con phải làm là thành tâm thỉnh Thầy siêu độ cho Ba chúng con”. Suốt trong Tang Lễ và 7 Thất tại Tu Viện Quảng Đức, Sơ lúc nào cũng có mặt kính cẩn tụng kinh theo đại chúng Phật tử hằng tuần để tỏ lòng hiếu kính đến đấng sanh thành dưỡng dục Sơ thành người, Sơ hướng dẫn những người trong gia đình vẫn còn niềm tin với Phật với tổ tiên ông bà họ tộc, phải luôn giữ tâm chánh tín để báo đền trong muôn một của người con trong gia đình, tùy hoàn cảnh.

Tôi đã kể ra đây vài mẩu chuyện đơn cử như vậy, để quý vị nhận xét… Trong đời sống này chúng ta đã gặp rất nhiều người Đạo theo nửa chừng, hiểu lõm bõm, niềm tin không vững, cực đoan không có cơ sở vững chắc… Lòng hiếu kính với 2 đấng sanh thành đã cưu mang cả quãng đời thơ ấu cho đến khi bước chân vào đời cho những đứa con của Cha, của mẹ, mà ngày Cha Mẹ nằm xuống, cũng chỉ vì Đạo theo nửa chừng mà 1 lạy cũng không, 1 nén nhang cũng không. Thật tiếc lắm thay.

Chúng ta hãy đọc vài dòng thơ dưới đây trong hàng ngàn câu thơ nói về Ân Nghĩa sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, để rồi tất cả chúng ta cần phải luôn khắc ghi Niệm Ân và Nhớ Ân.

 

Con nuôi dưỡng tình thương không bờ bến.

Con là người được cha mẹ ân ban.

 Cha muôn thuở vầng dương soi sáng

Độ lượng gian lao không ngại khó.

Mẹ nghìn đời dòng suối ngọt ngào

Bao dung tận tụy chẳng hề than.

 Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.

Mây trời lòng lộng không phủ kín công cha.

 

Qua bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ, sự có mặt và tồn tại của mỗi chúng ta đều cần vay mượn nên phải biết Niệm Ân nhớ ân hàng trăm ngàn phương diện chung quanh liên quan đến cuộc sống của chúng ta.

 

Làm con người có mặt trên trái đất này, chúng ta phải mang ơn, trả ơn cho Quốc gia thủy thổ nơi cưu mang chúng ta. Chúng ta phải biết mang ơn, nhớ ơn Cha mẹ, Thầy Tổ tác thành và dạy dỗ chúng ta nên người. Nếu là tu sĩ chúng ta phải biết mang ơn, những người thiện nam, tín nữ, bạn thiện tri thức và tất cả mọi người trực tiếp hay gián tiếp giúp đỡ cho chúng ta những phương tiện thăng tiến trên con đường phụng sự. Sống biết niệm ơn, mang ơn và trả ơn, biết sống vì yêu thương tôn trọng người khác, như lời thơ của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh:

“Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không”.

 

Nam Mô A Di Đà Phật,

Viết tại Trường Hạ Thiên Ấn, Sydney, 2019

TK. Thích Tâm Phương

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567