- Danh Sách Hành Hương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Độ 2016
- Nametag Hành Hương Ấn Độ 2016
- Thông Báo Số 3 - Hành Hương Ấn Độ 2016
- Kinh Tụng Hành Hương 2016
- Danh sách cúng dường Hành Hương Ấn Độ 2016
- Day 1 - Hành Hương Ấn Độ 2016
- Day 2 - Delhi
- Day 3 - Varanasi - phái đoàn chiêm bái Phật tích Vườn Lộc Uyển (Sarnath), nơi Đức Phật chuyển bánh xe Pháp Luân
- Day 4 - Sông Hằng
- Day 4 - Bồ Đề Đạo Tràng
- Day 5 - Công phu khuya tại Bổ Đề Đạo Tràng
- Day 5 - Từ thiện tại Khổ Hạnh Lâm (TT Nguyên Tạng và TT Tánh Tuệ phát quà tình thương cho dân nghèo Ấn Độ năm 2016)
- Day 5 Bồ Đề Đạo Tràng
- Day 6 - Linh Thứu Sơn
- Day 7 - Câu Thi Na
- Day 8 - Lâm Tì Ni
- Day 9 - Ca Tỳ La Vệ (Nepal)
- Day 10 - Tháp Xá Lợi (India)
- Day 11 - Kỳ Viên Tinh Xá (niệm Phật A Di Đà được thu âm ngay tại Tinh Xá Kỳ Viên để lưu niệm sáng sớm ngày 1/12/2016)
- Day 12 - Agra Fort
- Day 13 - Taj Mahal
- Day 14 - Di chuyển từ Chandigar đến Dharamsala
- Day 15 - Đức Đạt Lai Lạt Ma
- Day 17 - New Delhi
- Day 19 - Linh Nham Sơn Tự
- Day 20 - Phật Quang Sơn
- Day 21 Phật Đài Thích Ca Đài Loan
- Day 22 HT Quảng Khâm
- Day 23 Đài Bắc City Tour
- Tường thuật chuyến hành hương Phật tích Ấn Độ 2016
- With great respect Dear Su Phu,
TƯỜNG THUẬT HÀNH HƯƠNG ẤN ĐỘ 2016
Bài viết của Đh Thanh Phi
Diễn đọc: Đh Tường Dinh Quảng Trí Đại Lộc (Radio FM 974)
Sau chuyến hành hương lần thứ ba vào năm 2011, đến nay do sự mong muốn của nhiều Phật tử, một lần nữa Thầy Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức, Thích Nguyên Tạng đã cùng với anh Tony Thạch, Giám đốc Triumph Tours, tổ chức chuyến hành hương chiêm bái Phật tích lần thứ tư này. Và cũng là để kỷ niệm 10 năm cho chuyến hành hương lần đầu do Tu Viện Quảng Đức tổ chức vào năm 2006.
Sau nhiều tháng chuẩn bị cho mọi thứ, hôm nay ngày 21/11/2016 phái đoàn gồm 67 người đã nô nức rộn ràng rời khỏi nơi mình ở, để bắt đầu cho chuyến hành hương về xứ Phật.
5 giờ chiều ngày 21/11/2016, 21 Phật tử từ Adelaide đã đến phi trường Melbourne để cùng Thầy Trưởng đoàn và 20 Phật tử ở Melbourne đáp chuyến bay sang Taiwan.
Ngày 2
5 giờ sáng ngày 22/11 phái đoàn đến phi trường Taiwan, tại đây đoàn kết hợp thêm nhóm người đến từ Sydney do anh Tony hướng dẫn, gồm có HT Thích Trường Sanh và 4 Phật tử ở New Zealand, cùng với 14 Phật tử ở Sydney. Sau 3 tiếng chờ đợi, 8:00am phái đoàn lên chuyến bay sang Ấn Độ. Đến 3:00 pm cùng ngày, đoàn đã đặt chân trên đất Ấn. Sau hai chuyến bay đường dài, mọi người tuy có mỏi mệt, nhưng ai cũng hoan hỷ. Phái đoàn đã ăn chiều và nghỉ đêm tại khách sạn Piccadily ở New Delhi. Đêm họp mặt đầu tiên tại khách sạn này, Thầy Trưởng đoàn đã giới thiệu HT Thích Trường Sanh, Viện Chủ chùa Giác Nhiên ở Tân Tây Lan, là Phó Hội Chủ của GHPGVNTNHUĐL-TTL, Ngài giữ cương vị Chứng minh cho phái đoàn; sau đó Thầy Trưởng đoàn tiếp tục giới thiệu 4 Phật tử đến từ Hoa Kỳ và 1 Phật tử từ Canada, cũng như 14 Phật tử ở Sydney cùng anh Tony Thạch ( phó đoàn), 21 Phật tử ở Adelaide, 20 Phật tử ở Melbourne và 3 vị Tour guide người Ấn Độ. Thầy Trưởng đoàn sơ lược những sinh hoạt cần thiết trong chuyến hành hương như: Mỗi buổi sáng sau khi xe bus chuyển bánh, HT Trường Sanh và Thầy Trưởng đoàn ở mỗi xe, sẽ hướng dẫn tụng kinh buổi sáng; khi đến mỗi thánh tích tất cả mặc áo tràng, sắp hàng ngay ngắn niệm Phật kinh hành từ xe bus đi vào…Thầy cũng nhắn nhủ mọi thành viên của phái đoàn nên tuân theo những quy luật của đoàn, để mọi việc đều thuận lợi như đã dự trù. Sau đó HT Trường Sanh cũng có đôi lời khuyến tấn Phật tử nên thành tâm hướng về Đức Thế Tôn, để đời sống tâm linh được an lạc trong những ngày hành hương trên quê hương của Phật.
Ngày 3
Sang ngày 23/11/2016 theo quy ước (4-5-6) đã được thông báo từ đêm trước, 4 giờ sáng mọi người thức dậy, 5 giờ điểm tâm tại khách sạn và 6 giờ lên xe bus ra phi trường Delhi để bay đến Varanasi (Ba La Nại). Sau khi check in và ăn trưa tại khách sạn, phái đoàn đến viếng Thánh Tích đầu tiên đó là Vườn Lộc Uyển (Sarnath).
Vườn Lộc Uyển nằm cách thành phố cổ Varanasi khoảng 10km, là một địa phương vô cùng yên tĩnh. Đây là nơi mà sau khi giác ngộ, Đức Phật đã chuyển Pháp luân với bài pháp đầu tiên là Tứ Diệu Đế, cho 5 anh em cùng tu khổ hạnh với Đức Phật lúc trước, đó là Kiều Trần Như (Kondana), Bạc Đề (Bhaddiya), Thập Lực (Vappa), Ma Ha Nam (Mahãnãma) và Ác Bệ (Assaji). Sau khi nghe Đức Phật giảng bài Pháp này, 5 anh em Kiều Trần Như đã tỏ ngộ và trở thành những đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Và từ đó ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) đã được thành lập. Hiện nay, tại đây bài pháp Tứ Diệu Đế đã được ghi khắc bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt Nam.
Năm 234 trước Tây lịch, Vua A Dục đã cho dựng lên ngọn tháp Dhamek có chiều cao khoảng 31m1, chiều rộng 28m3 trên một nền đất cao, để ghi dấu nơi Đức Phật ngồi thuyết pháp. Từ nhiều thế kỷ trước và sau Tây Lịch, nhiều công trình kiến trúc Phật giáo và Tu Viện được xây dựng tại đây, nhưng qua những sự tàn phá của lịch sử, ngày nay nơi này chỉ còn lại những nền móng trên một bãi đất rộng. Lòng của người con Phật không khỏi bồi hồi xúc động khi nhìn thấy cảnh tượng đổ nát ở nơi này, và khi mường tượng từng bước chân, từng mảnh đất mình đang dẫm đạp lên, chính là nơi đã in dấu chân của Đức Từ Phụ thuở xa xưa, một niềm hạnh phúc len lõi vào lòng tạo thành những giọt nước long lanh nơi khóe mắt.
Sau khi tụng bài Kinh Chuyển Pháp Luân và chụp hình lưu niệm tại Bảo Tháp Dhamek, phái đoàn đã đến thăm Tôn Tượng Chuyển Pháp Luân tại Sarnath và cúng dường Tam Bảo tại Tịnh xá Mulgandhakuti, gần Tôn Tượng chuyển Pháp Luân. Phái đoàn đã ăn tối và nghỉ đêm ở Ramada Plaza tại Lộc Uyển.
Ngày 4
5 giờ sáng ngày hôm sau 24/11/2016, khi quang cảnh vẫn còn mờ tối, phái đoàn đi kinh hành ra sông Hằng. Đến nơi đoàn được chia ngồi trên hai chiếc thuyền, HT Trường Sanh và Thầy Trưởng Đoàn đã hướng dẫn phái đoàn tụng kinh, thả đèn cầu nguyện và phóng sanh hàng ngàn con cá do anh Tony đã nhờ mua sẵn.
Lời kinh tụng trầm bổng trong không gian thanh vắng, những ngọn nến lung linh trên sóng nước, hàng loạt những con cá tung tăng vẫy vùng khi thoát khỏi những chiếc thùng chật hẹp. Âm thanh và những hình ảnh ấy, đã đưa vào lòng người một cảm xúc thật yên bình và hoan hỷ. Nhìn xa xa ở bên kia bờ sông, mặt trời như một quả cầu màu đỏ đang từ từ ló dạng, và khi mặt trời đã là một khối tròn đỏ ối nằm lơ lửng trên cao, thì mọi cảnh vật chung quanh cũng hiện ra rõ ràng. Phái đoàn lên bờ và sắp hàng một đi kinh hành trên bãi cát dày, rộng mênh mông dọc theo bờ sông. Cụm từ “Nhiều như cát sông Hằng” hoặc “ Hằng hà sa số” thường được dùng để diễn đạt cho một số lượng không thể tính đếm được, hôm nay mọi người đã nhìn thấy tận mắt, quả thật là như vậy. Quan sát chung quanh, mọi người đã nhìn thấy được trên bờ, dưới nước có rất nhiều người từ đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ, họ thản nhiên tắm rửa, múc nước uống, mặc dù trên dòng sông này có những xác chết sau khi thiêu trên bờ được thả ngay xuống nước. Tương truyền, nước trong sông Hằng thấy dường như là dơ bẩn như vậy, nhưng người uống không bị lây nhiễm bệnh tật gì, mà đôi khi còn chữa được bệnh, những nhà khoa học lấy mẫu nước đi kiểm tra thì kết quả cho thấy chất lượng nước ở đây rất tốt. Sông Hằng được nhắc đến nhiều qua sự mầu nhiệm ấy.
7:00 am, phái đoàn trở về và dùng sáng tại khách sạn, đến 9:00 am thì lên xe bus hướng về Bodhgaya- Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành Đạo.
Phái đoàn đến Bồ Đề Đạo Tràng vào lúc 4:00 pm cùng ngày, sau khi check in và ăn trưa trễ tại khách sạn, 6:00 pm phái đoàn đi kinh hành với mỗi người một đĩa hoa trên tay để vào cúng dường và đảnh lễ tại Bảo Tháp Đại Giác Ngộ, đoàn đã tụng một thời kinh ngắn. Khung cảnh vào đêm của nơi này thật là tuyệt vời, từ ngoại cảnh cho đến cảm giác trong lòng người. Mỗi cá nhân trong đoàn đều được chụp hình lưu niệm tại Bảo Tháp này. Đoàn nghỉ đêm thứ nhất tại Bodhgaya.
Bồ Đề Đạo Tràng nằm ở phía Nam thành Gaya, thuộc xứ Ma Kiệt Đà thời Ấn Độ cổ đại, nay là vùng ngoại ô Bodhgaya, cách thành phố Gaya 7km, thuộc bang Bihar-Cộng Hòa Ấn Độ.
Đây là Thánh Tích hầu như còn nguyên vẹn nhất trong các Thánh tích Phật sử còn lưu lại. Trong Thánh địa này giá trị nhất là Tháp Giác Ngộ và Cội Bồ Đề, nơi Đức Phật 49 ngày đêm tham thiền nhập định và đã thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Qua bao nhiêu thay đổi xoay vần của thời gian, Tháp Giác Ngộ và Cội Bồ Đề vẫn tồn tại, tuy không còn là nguyên thủy vì Tháp Giác Ngộ đã từng bị phá hoại và được trùng tu, còn Cội Bồ Đề đã ba lần bị chặt bỏ, nhưng sau đó cành non lại đâm chồi để tiếp tục vươn lên tỏa rộng cành lá xanh um như ngày nay. Nơi này đã được Tổ chức Unesco công nhận trong Di Tích Văn Hóa Thế Giới vào ngày 27/6/2003.
Ngày 5
5 giờ sáng ngày 25/11/2016, phái đoàn được báo thức và sắp hàng đi kinh hành vào Tháp Giác Ngộ để tụng thời Kinh Lăng Nghiêm. Chung quanh có nhiều phái đoàn sắc tộc khác, họ cũng ngồi tụng kinh bằng ngôn ngữ của họ, ngoài ra còn có những vị Lạt Ma Tây Tạng, và nhiều tu sĩ, họ lập một bàn thờ nho nhỏ, dường như họ ở lại tại Thánh tích này nhiều ngày để lễ lạy, tụng kinh và ngồi Thiền. Khung cảnh nơi đây có vẻ nhộn nhịp, đông đúc người tới lui, tuy nhiên không vì vậy mà có sự ồn ào, trái lại mọi sinh hoạt đều thật trang nghiêm nhẹ nhàng. Nhắm mắt lại, lắng tai nghe tiếng chim hót vào buổi ban mai, hòa quyện với thanh âm tiếng tụng niệm giống như một bản Thiền ca, mũi ngửi mùi hương thơm ngát từ vô số những bông hoa được dâng cúng trong Thánh địa, một cảm giác thật yên bình, an lạc lan tỏa khắp nơi. Theo kinh nghiệm của nhiều hành giả cho rằng, khi đến nơi thiêng liêng này miên mật hành trì tu tập, thì đạo huệ được tăng lên gấp bội, có lẽ nhờ được Phật lực gia trì.
Sau khi chấm dứt thời Kinh Lăng Nghiêm, phái đoàn đi kinh hành chung quanh tháp, và chụp hình lưu niệm dưới Cội Bồ Đề. Mỗi người trong đoàn đều được phát một giấy chứng nhận để kỷ niệm cho chuyến hành hương này.
Đoàn trở về khách sạn dùng sáng, sau đó 9:30 am đoàn đến phát quà tình thương cho 400 người nghèo tại làng Sujata. Để có buổi phát quà tình thương này, Thầy Trưởng Đoàn đã liên lạc trước đó với Thầy Tánh Tuệ (đã ở Ấn Độ 15 năm) để nhờ Thầy chuẩn bị giúp mọi thứ trước khi phái đoàn đến nơi. Từng thành viên trong đoàn được tận tay trao những món quà cho người nghèo. Mỗi phần quà trị giá 761 Rupee gồm có: 26kg bột Chapati, 25kg gạo, 1kg đường, 1 cái mền, 1 tấm Sharee, 1 bịch bánh Biscuit. Tổng số tiền giúp cho 400 gia đình nghèo này là: 6000 Úc Kim. Chân thành cảm tạ Thầy Tánh Tuệ đã giúp phái đoàn làm công việc từ thiện này.
Tiếp đến, phái đoàn đến viếng Tháp Tưởng Niệm Thí Chủ Tu Xà Đa ( Sujata Stupa), là nơi mà Đức Phật đã nhận bát sữa đề hồ do nàng Sujata cúng dường trước khi đến cội Bồ Đề ngồi thiền định. Mọi người cũng được nhìn thấy dòng sông Ni Liên Thiền (Narajana), nơi mà Đức Phật đã tắm gội sạch sẽ sau khi rời bỏ đường lối tu khổ hạnh tại Khổ Hạnh Lâm, dòng sông vào mùa này có vẻ khô cạn, chỉ còn vài dòng nước nhỏ len lách giữa những mỏm đá.
Phái đoàn tiếp tục đến viếng Khổ Hạnh Lâm, nơi mà Đức Phật đã gặp năm anh em Kiều Trần Như và cùng nhau tu khổ hạnh trong 6 năm ròng rã. Đến nơi xe ngừng ở một bãi đất rộng, phái đoàn xuống đi bộ để lên Hang Khổ Hạnh (Dungeswari) trên đỉnh đồi, là nơi Phật trú ngụ trong thời gian tu khổ hạnh. Dọc hai bên đường lên đến đỉnh, những người nghèo khổ ngồi nối tiếp nhau để chờ đón nhận một ít tiền và thức ăn từ khách hành hương, trông thật tội nghiệp. Hang Khổ Hạnh rất nhỏ, nên lần lượt mỗi lần chỉ vài ba người vào bên trong, chụp hình lưu niệm bên bức tượng Đức Phật ngồi thiền định với một thân thể gầy gò, xương bọc da trông rất là thương cảm, có lẽ vì vậy mà nhiều người bước ra với đôi mắt ướt.
Sau khi rời khỏi Khổ Hạnh Lâm, phái đoàn ghé thăm Trung Tâm Tu Học Viên Giác, Trung Tâm này do TT Thích Hạnh Nguyện (đệ tử của Hòa Thượng Thích Như Điển) ở Đức thành lập vào năm 2002, hiện nay TT cử Đại Đức Thích Thông Tánh làm tri sự để chăm sóc nơi này . Trung Tâm Viên Giác có nhiều phòng ốc cho khách hành hương trú ngụ, và có kiến trúc rất đẹp. Sau khi lễ Phật và cúng dường Tam Bảo tại đây, Phái đoàn đến thăm Tôn Tượng Thích Ca và thập đại đệ tử trong khuôn viên Chùa Nhật Bản sát cạnh Phật tích Bồ Đề Đạo Tràng.
Rời Chùa Nhật Bản, phái đoàn quay trở lại Bồ Đề Đạo Tràng lần 3 để chụp hình lưu niệm dưới chân Tháp Đại Giác Ngộ, sau đó chia làm hai nhóm, một nhóm ở lại dự lễ Thầy quy y cho 13 Phật tử dưới cội Bồ đề, gần kim cang tòa; nhóm thứ hai theo anh Tony đi thăm 7 nơi mà Đức Phật đã ngự trong 7 tuần lễ đầu tiên sau khi thành đạo. Đêm đó phái đoàn tiếp tục nghỉ tại Bodhgaya. Xin thành tâm chúc mừng 13 Phật tử mới được phước duyên thọ giới ngay tại nơi Đức Phật thành tựu đạo quả, 13 Phật tử này là: Nguyễn Thế Anh, pd:Quảng Thiện Pháp (Melbourne), từ Adelaide có: Nguyễn T. Hoàng Lan, pd: Quảng Thiện Duyên, Lê Jordan Thiện. pd: Quảng Thiện Hùng, Lê Ryan Nhất Tâm, pd: Quảng Thiện Hỷ, Lê Ananda An Lạc, pd: Quảng Thiện Khánh, pd: Lê Đăng Khoa, pd: Quảng Thiện Ấn, Lê Duy Thịnh, pd: Quảng Thiện Độ; từ Sydney có: Trần Quang Hương, pd: Quảng Thiện Từ, Trần Thị Kim Xuân, pd:Quảng Thiện Tâm, Lo Alan Kin Lung, pd: Quảng Thiện Hiếu, Lo Winnie Mei, pd: Quảng Thiện Phước,Ho Facher Lâm Ngọc Loan, pd: Quảng Thiện Hạnh, đặc biệt có một tử người Đài Loan đến từ Taipie: An May, pd: Quảng Thiện Đức (Taiwan).
Ngày 6
Sáng ngày 26/11, sau khi điểm tâm tại khách sạn, phái đoàn từ giã Bồ Đề Đạo Tràng, lên xe bus hướng về Thành Vương Xá để viếng Núi Linh Thứu, là nơi mà Đức Phật đã an trú trong thời gian khoảng 7 năm và giảng những bộ Kinh quan trọng trong giáo pháp của Ngài như: Kinh Pháp Hoa, Kinh Đại Bát Nhã, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Đại Bảo Tích v.v… Núi Linh Thứu tiếng Pãli là Gijjhakuta, nghĩa là ngọn núi Kên Kên, vì trên đỉnh núi có hình dạng con Kên Kên là một loài chim rất quen thuộc ở Ấn Độ.
Đường lên núi Linh Thứu không gập gềnh, nhưng vì đường dài và khá dốc với nhiều bậc thang nên hơi mệt nhọc cho người lớn tuổi, nhưng có lẽ nhờ vừa đi vừa niệm Phật, nên lên đến đỉnh ai cũng hoan hỷ. Trên đường lên núi, gần đến Hương thất của Phật, phía bên tay phải có một hang động nhỏ, được cho là thạch thất của Tôn Giả A Nan, là vị thị giả bên cạnh Đức Phật; phía trên thạch thất của Ngài A Nan, gần Hương thất của Phật hơn là thạch thất của Tôn giả Xá Lợi Phất, vị Đại đệ tử có trí tuệ bậc nhất của Đức Phật. Chung quanh khu vực này còn có những thạch thất khác của các vị đại đệ tử của Phật như Ngài Mục Kiền Liên, Tôn giả Ma Ha Ca Diếp… Trên cùng, điểm cao nhất của ngọn núi này là Hương thất của Phật, nơi mà Đức Phật ngự khi đến núi Linh Thứu. Hương thất này ngày nay không còn nữa, mà chỉ là một nền gạch do người đời sau xây dựng để ghi dấu nơi Đức Phật thường ngự. Phái đoàn đã ngồi xung quanh nền Hương thất tụng một thời kinh cầu an. Trên đỉnh núi cao lộng gió, lời kinh vang vang như quyện vào làn gió bay xa, khiến cho lòng người không khỏi bồi hồi xúc động, khi liên tưởng đến hình ảnh nơi này ngàn năm xưa Phật ngự, để giảng những bài pháp còn lưu truyền đến ngày nay.
Phái đoàn chụp hình lưu niệm tại đây, rồi xuống núi tiếp tục đến thăm nơi Vua A Xà Thế giam giữ và bỏ đói cho đến chết người cha ruột của mình là Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara). Hiện nơi này chỉ còn lại một nền cỏ và một vòng tường thấp bằng đá với chu vi khoảng 60m. Rời nơi này phái đoàn đến thăm vườn xoài của Danh Y Kỳ Đà (Jivaka’s Mangovihara).
Vườn xoài này là nơi Đức Phật thường dừng nghỉ chân trong những lần lên xuống núi Linh Thứu. Kỳ Đà là một danh y của triều đình, ông đã được gặp và đàm đạo với Đức Phật ngay tại vườn xoài này, sau đó ông xin quy y với Đức Phật, và dâng cúng vườn xoài để Đức Phật tùy nghi xử dụng, đồng thời ông trở thành vị lương y chăm sóc sức khỏe cho Đức Phật và Tăng đoàn của Ngài.
Sau khi về ăn trưa tại Hotel, phái đoàn đến thăm Trúc Lâm Tịnh Xá (Veluvana Bamboo Grove Vihara). Tương truyền vào năm đầu tiên sau khi đạt được giác ngộ, nhớ lại lời hứa, Đức Phật đã đến thăm Vua Tần Bà Sa La, và nhà Vua đã cúng dường Tịnh Xá này để làm nơi cư trú cho Đức Phật và Tăng đoàn. Và đây là Tịnh Xá đầu tiên của Phật Giáo được thành lập. Đức Phật đã An cư lần đầu tiên vào mùa mưa tại Tịnh Xá này cùng các lần thứ 3, 4, 17 và 20 tính theo thứ tự trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sanh của Ngài.
Phái đoàn đã xếp hàng đi kinh hành từ ngoài vào trên con đường có những cụm trúc biếc xanh tươi, và tiếp tục đi chung quanh hồ Kalandaka có làn nước trong vắt, nơi mà Đức Phật thường tắm khi ở Tịnh Xá này. Cảnh vật nơi đây dường như được chăm sóc chu đáo nên dù đã trải qua hơn 2500 năm vẫn còn những tàng cây bụi trúc xanh tươi màu lá, khung cảnh như là một công viên.
Rời Trúc Lâm Tịnh Xá, phái đoàn lên xe đến viếng thăm Đại Học Na Lan Đà. Đây là viện Đại Học đầu tiên của Phật giáo được xây dựng từ thế kỷ thứ hai sau Tây Lịch, được duy trì cả ngàn năm và đã đào tạo nên nhiều Luận Sư danh tiếng của Phật giáo như Tổ Sư Long Thọ, Ngài Mã Minh, Ngài Vô Trước, Ngài Thế Thân, Pháp sư Huyền Trang …Nhưng đến cuối thế kỷ thứ 12, Đại Học Na Lan Đà bắt đầu bị tín đồ Hồi giáo tàn phá và đến năm 1235 thì hoàn toàn bị tiêu diệt. Ngày nay Đại học Na Lan Đà chỉ là một phế tích, vì tất cả những phòng ốc được xây dựng trong khuôn viên 14 mẫu đất chỉ còn là những nền đá. Tương truyền thư viện của Na Lan Đà và Tàng Kinh Cát bị thiêu đốt đã cháy ròng rã suốt 3 tháng. Khi đi vào khu vực của Tăng sinh lưu trú, một thoáng bồi hồi xúc động khi nghĩ đến hơn 700 năm trước, nơi này hàng vạn tu sĩ thà chịu chết chứ không chấp nhận Kinh Koran của Hồi giáo và máu đã đổ thành dòng lênh láng. Phái đoàn đã kinh hành để tưởng nhớ và cầu nguyện cho quý Ngài đã hy sinh vì đạo. Tại đây phái đoàn cũng được đảnh lễ Bảo tháp Tôn giả Xá Lợi Phất.
Phái đoàn rời Đại học Na Lan Đà trong nỗi ngậm ngùi. Đoàn di chuyển đến thành Tỳ Xá Ly (Vaishali), đến nơi, sau khi check in hotel, phái đoàn ăn tối và nghỉ đêm tại đây.
Ngày 7
Sáng ngày 27/11 sau khi điểm tâm xong, phái đoàn lên xe bus đi chiêm bái Bảo Tháp Xá Lợi Phật (Relic Stupa). Đây là một tháp lớn do dòng họ Licchavi xây dựng để tôn thờ Xá Lợi Phật. Người ta nói rằng Vua Ashoka đã cho khai quật tháp này lấy Xá Lợi Phật chia thành nhiều phần nhỏ, để tôn thờ nhiều nơi trên đất nước Ấn Độ, nên ngày nay Bảo Tháp này chỉ còn là một nền đất bị đào xới có mái che và hàng rào bao bọc chung quanh.
Sau đó phái đoàn đến thăm và đảnh lễ Bảo Tháp của Ngài Anan. Phái đoàn cũng đã nhìn thấy một trụ đá A Dục (Ashoka Pillar) cao 11m, đường kính khoảng 1m50, trên đỉnh trụ có hình con sư tử, đây là trụ đá duy nhất vẫn còn nguyên vẹn như lúc ban đầu. Trụ này là một trong số những trụ đá do Vua A Dục sau khi quy y Tam Bảo và hoằng dương giáo pháp Phật, đã cho dựng lên để ghi nhớ và kỷ niệm những nơi Đức Phật đã lưu dấu. Thời gian đó khoảng 300 năm sau khi Phật nhập diệt. Trụ đá này được đánh dấu nơi Đức Phật thuyết pháp và tuyên bố ngày Ngài nhập Niết Bàn, cũng là nơi lần đầu tiên Đức Phật cho nữ giới gia nhập Tăng đoàn.
Tiếp đến phái đoàn đến viếng thăm ngôi chùa Ni Việt Nam, mang tên bậc trưởng lão lãnh đạo giáo đoàn Tỳ Kheo Ni trong thời Đức Phật. Đó là chùa Kiều Đàm Di do Ni Sư Thích Nữ Khiết Minh kiến lập và Trụ trì. Đây là một công trình qui mô và tầm cỡ trên đất Ấn độ. Để tỏ lòng hiếu đạo với Tổ Kiều Đàm Di, là vị Tổ đã khai sơn ra Ni giới, Ni sư Khiết Minh đã cho xây dựng một ngôi tháp thật đẹp để thờ Tổ.
Sau khi HT Trường Sanh cùng Thầy trưởng đoàn có đôi lời tán dương Ni Sư và cúng dường một ít tịnh tài, phái đoàn chụp hình lưu niệm trước tháp rồi từ giã để tiến về Kusinagar.
Đến nơi đoàn check in tại khách Sạn Lotus Niko, ăn trưa tại đây, sau đó vào chiêm bái Thánh tích Phật nhập Niết Bàn ở Kusinagar. Nơi đây có Tháp Niết Bàn do dòng họ Malla xây dựng để thờ Xá Lợi Phật, tháp có hình tròn trụ với mái hình vòm tròn, màu trắng cao khoảng 45m và không có cửa ra vào. Phía trước tháp này là Chùa Niết Bàn là nơi thờ tượng Phật nhập Niết Bàn.
Theo như lời thuật lại trong tác phẩm Tây Vực ký, Ngài Huyền Trang khi đến chiêm bái Kushinagar vào khoảng thế kỷ thứ 7 thì nơi đây đã có một tinh xá rất lớn, trong tinh xá này có một tượng Phật Nhập Niết Bàn, Ngài nằm quay đầu về hướng Bắc; bên cạnh tinh xá là Bảo tháp do vua Ashoka xây dựng, phía trước là một trụ đá ghi lại sự nhập Niết Bàn của Đức Phật.
Nhưng cũng như những Thánh tích khác, Tháp Niết Bàn và Chùa Đại Niết Bàn đã bị tín đồ Hồi giáo tàn phá thiêu hủy vào thế kỷ thứ 12, 13. Thánh tích này đã bị lãng quên khoảng 600 năm, mãi đến năm 1876 nhà khảo cổ Carlleyle đã khai quật được tượng Phật và xác định nền móng của ngôi chùa ngày xưa, nhưng đến năm 1927 Bảo Tháp và Chùa Đại Niết Bàn mới được kiến tạo lại trên nền móng cũ và duy trì cho đến ngày nay.
Từ bên ngoài chùa Niết Bàn, một số người trong đoàn chia làm bai bên, tay nâng chiếc Y màu vàng rực rỡ mà Thầy Trưởng Đoàn đã đặt may từ trước, đoàn vừa đi vừa niệm Phật. Vào đến nơi, chiếc Y được phủ đắp lên tượng Phật nằm Niết Bàn dài 6m1 được làm bằng đá Sa Thạch đỏ. Đoàn ngồi xung quanh tượng để tụng thời kinh cúng dường, lời kinh tha thiết diễn đạt lại hoàn cảnh trước khi Phật nhập Niết Bàn khiến ai ai cũng cảm xúc dâng trào, rơi nước mắt. Trong các Thánh địa có lẽ nơi này đã để lại trong lòng người con Phật nhiều cảm xúc nhất, bởi vậy mới có giai thoại “ Bất cứ ai vào đảnh lễ Phật Nhập Niết Bàn đều khóc”, nghe thì hơi nghi ngờ, nhưng khi đến nơi thì mới biết đó là sự thật. Vì bên ngoài còn có rất nhiều người đợi để được vào đảnh lễ, nên phái đoàn đã quyến luyến từ giã với những bàn tay vuốt nhẹ trên thân tượng Phật. Đoàn cũng đã kinh hành niệm Phật chung quanh tháp có hình dạng như một ngôi mộ cổ thật, là nơi đã diễn ra lễ Trà Tỳ của Đức Phật.
Tiếp đến phái đoàn đến thăm Chùa Linh Sơn cũng ở tại Kushinagar. Chùa do một Sư Bà người Hoa kiến tạo năm 1945, đến năm 1978 thì cúng dường lại cho Ni Sư Pháp Đăng, sau đó Ni Sư Pháp Đăng lại cúng dường cho Hòa Thượng Huyền Vi vào năm 1985. Và Hòa Thượng đã bổ nhiệm Ni Sư Trí Thuận Trụ Trì từ năm 1989 cho đến nay. Sau gần 30 năm Trụ Trì, Ni Sư đã xây dựng được một công trình qui mô gồm: 2 Tăng xá với 150 giường với đầy đủ các tiện nghi, một Thiền đường 300 chỗ ngồi, một phòng ăn 200 chỗ, một giảng đường 50 chỗ ngồi, một ngôi trường từ lớp 1 đến lớp 8 cho 500 học sinh, một phòng phát thuốc cho người nghèo và đặc biệt nhất là kiến tạo Tứ Động Tâm trong khuôn viên chùa. Sau khi thăm viếng và cúng dường Tam Bảo, phái đoàn trở về khách sạn và nghỉ đêm tại Kushinagar.
Ngày 8
Ngày 28/11, ăn sáng xong, 6:00am, phái đoàn rời Kushinagar để đi tới Nepal. 9:30 am đoàn đến biên giới Ấn Độ-Nepal, làm thủ tục nhập cảnh rồi đi tiếp đến 12:00pm thì về tới khách sạn Red Sun, check in và ăn trưa tại đây. 2:00pm đoàn đến thăm Thánh Tích Lâm Tỳ Ni (Lumbini), nơi Đức Phật Đản Sanh.
Lâm Tỳ Ni nằm trên một ngọn đồi thấp dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, nơi đây đã bị lãng quên trong thời gian lâu dài, mãi đến năm 1896 mới được hai nhà khảo cổ người Đức là Alois A. Fuhrer và Khadga Samsher khai quật và phát hiện nơi đây có một trụ đá có sắc lệnh của vua A Dục ghi nhận đây là nơi Đức Phật đản sanh. Trụ đá được dựng lại ngay trên nền cũ và từ đó khu Lâm Tỳ Ni được tiếp tục khai quật và bảo trì.
Bên cạnh trụ đá này là đền thờ Hoàng Hậu Maya (Mahadevi temple). Đoàn đã xếp hàng kinh hành niệm Phật trên một đoạn đường khá dài, hai bên có nhiều tàng cây xanh thật đẹp, đến đền thờ và khi vào bên trong mới rõ, thật ra đền thờ chỉ là bốn bức tường vây quanh khu vực khảo cổ, có mái che mưa nắng để bảo vệ di tích không bị hư hoại theo thời gian. Di tích trong ngôi đền này gồm những nền gạch cũ; phiến đá có in dấu một bàn chân nhỏ do vua A Dục khắc in, được xác định là vị trí lúc Đức Phật Đản sanh, phiến đá được bảo tồn trong lồng kiếng chống đạn.
Phái đoàn đã tụng thời Kinh Phật Đản Sanh, rồi ra bên ngoài để chụp hình lưu niệm tại đền thờ và hồ nước ở bên cạnh, tương truyền Hoàng hậu Maya đã tắm tại hồ này trước khi hạ sanh Thái tử Tất Đạt Đa.
Sau nhiều năm khai quật và được các nhà khảo cổ xác nhận những chứng tích lịch sử này, năm 1997 cơ quan Unesco của Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận Lâm Tỳ Ni là di sản văn hóa của nhân loại, họ tài trợ tài chánh để trùng tu và bảo vệ khu di tích này.
Đoàn về khách sạn dùng cơm tối và nghỉ đêm thứ nhất tại Lumbini.
Ngày 9
Sáng ngày 30/11/2016 sau khi dùng điểm tâm, 8:00am đoàn vào thăm Thánh Tích Kinh Thành Ca Tỳ La Vệ, nơi Thái tử Tất Đạt Đa đã lưu trú suốt 29 năm, sau đó bỏ lại tất cả, vượt thành tìm đường xuất gia. Theo kinh sách mô tả thì xưa kia kinh thành này rất trù phú tráng lệ, nhưng giờ đây trước mắt nơi này chỉ còn là một phế tích hoang tàn, lòng người con phật không khỏi ngậm ngùi. Đoàn đã đến thăm viếng vài di tích quan trọng trong Thánh địa đó là:
- Lăng mộ của Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Maya, là hai nền gạch nằm trong khu đất trũng, cái lớn là của Vua Tịnh Phạn, cái nhỏ là của Hoàng Hậu.
-Niglihawa, nơi kỷ niệm Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni đản sanh, là vị Phật thứ 5 trong 7 vị Phật quá khứ.
- Kudan, là nơi đản sanh của Đức Phật Câu Lưu Tôn, Vị Phật hàng thứ 4 trong 7 vị Phật quá khứ. Và người ta cũng tin rằng sau khi Đức Phật Thích Ca đạt được sự giác ngộ đã trở về gặp vua cha tại nơi này. Ngoài ra còn có một giếng nước có từ hơn 2000 năm trước và Bảo tháp thờ Tôn giả La Hầu La.
Sau khi ăn trưa, 3:00pm, đoàn ghé thăm Chùa Việt Nam Quốc Tự (Lumbini) do HT Thích Huyền Diệu khai sơn từ năm 1987. Đến nơi HT đi vắng nên Phái đoàn cúng dường Tam Bảo rồi kiếu từ.
Kế tiếp đoàn đến thăm Chùa Linh Sơn ( Lumbini). Chùa này 10 năm trước do Thầy Linh Quang trụ trì, vì Thầy bị tai nạn, hai tay bị thương tật, nên Thầy đã trở về bên Mỹ, hiện tại do Ni Sư Thích Nữ Trí Thuận trụ trì, Ni Sư cũng là vị Trụ Trì chùa Linh Sơn tại Kushinagars. Ni sư quả thật là tài ba, đức độ! Đoàn cúng dường Tam Bảo xong trở về khách sạn dùng tối và nghỉ đêm thứ 2 tại Lumbini.
Ngày 10
Sáng ngày 30/11/2016, đoàn thức chúng vào lúc 5:00am, 6:00 ăn sáng và 7:00 xe lăn bánh đưa đoàn rời khỏi Nepal hướng về khu Thánh Địa Thành Ca Tỳ La Vệ , Ấn Độ. Nơi này cách Lumbini khoảng 25km và thuộc về phía Ấn Độ. Tương truyền trong vụ thảm sát do vua Tỳ Lưu Ly gây ra, một số người của dòng tộc Thích Ca còn sống sót đã di dời đến đây lập nên một kinh thành Ca Tỳ La Vệ mới. Hiện tại nơi này cũng đổ nát như Thành Ca Tỳ La Vệ bên Nepal, chỉ còn lại những nền gạch cũ kỹ. Nơi đây có Bảo Tháp do dòng họ Thích Ca xây để tôn thờ Xá Lợi Phật, đoàn đã vào chiêm bái và đảnh lễ. Kế tiếp đoàn hướng về thành Xá Vệ (Sravasti), kinh đô của vương quốc cổ Kosala (Kiều Tát La), Nay gọi là Sahet Mahet. Đoàn ăn tối và nghỉ đêm tại đây.
Ngày 11 (1/12/2016)
Sáng sớm ngày 1/12/2016, đoàn được báo thức vào lúc 4 giờ sáng, 5 giờ điểm tâm và 6 giờ lên xe đến chiêm bái tinh xá Kỳ Thọ Cấp Cô Độc (Jettavana Vihara) còn gọi là tinh xá Kỳ Viên trong thành Xá Vệ.
Tinh xá Kỳ Viên là một trong những ngôi tinh xá nổi tiếng vào thời Đức Phật, được nhắc đến nhiều nhất trong kinh sách Phật. Mọi người biết đến lịch sử thành lập tinh xá này như là một câu chuyện huyền thoại. Trưởng giả Cấp Cô Độc đã lót vàng khắp khu vườn của Thái Tử Kỳ Đà để mua lại khu vườn này cúng dường Đức Phật, trước sự nhiệt tâm của trưởng giả, đã thực hiện được sự thách đố mà Thái tử Kỳ Đà nghĩ rằng khó có ai thực hiện được, đã khiến cho Thái tử phát tâm cúng dường tất cả các cây trong khu vườn này. Do vậy mà có cái tên Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên.
Tại đây phái đoàn đã tụng Kinh A Di Đà và niệm Phật, giọng niệm của mỗi thành viên trong đoàn được thâu lại để kỷ niệm (kính mời nghe).
Cuối thời Kinh, Đạo hữu Tâm Từ đã trùng tuyên lại 5 giới nhân kỳ lễ Sám Hối tháng 11 Âm lịch.
Trong không gian thanh vắng, cảnh vật chung quanh còn mờ ảo trong sương mai, lời Kinh A Đà mà chính tại nơi này Phật đã thuyết, cùng tiếng niệm Phật tha thiết của từng cá nhân chắc hẳn đã để lại trong lòng mọi người một cảm xúc khó quên.
Đoàn đã dâng cúng một lá cờ ngũ sắc và chụp hình lưu niệm tại cây Bồ đề Ananda. Cây bồ đề này là do Ngài A-Nan cho trồng do lời thỉnh cầu của những đệ tử của Đức Phật, muốn Đức Phật lưu lại một vật gì để họ tưởng niệm khi Phật không có mặt ở kinh thành. Với sự chấp thuận của Đức Phật, Ngài A Nan đã cho chiết nhánh từ cây Bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng đem về.
Sau đó đoàn đến chiêm bái Bảo tháp tưởng niệm Trưởng giả Cấp Cô Độc ( AnathpindiKa Stupa) cùng Bảo tháp và động tu của Tôn giả Vô Não (AngulimalaStupa and caves). Đoàn cũng đã đến đồi núi Sravasti, nơi Phật đã bay lên trời Đao Lợi để thuyết giảng Kinh Địa Tạng. Tiếp đến, đoàn hướng về phi trường Lucknow để bay về thủ đô New Delhi.
Ngày 12
Sáng 2/12/2016, sau khi ăn sáng xong, đoàn lên xe bus đi Agra, đến nơi lúc 1:00pm, sau khi check in và ăn trưa tại khách sạn, đoàn đến viếng hoàng cung Agra Fort. Hoàng cung này do triều đại Mughal ở Ấn Độ lập nên, là nơi trú ngụ của các vị vua thuộc triều đại này khởi đầu từ năm 1526 cho đến năm 1862 khi bị nước Anh xâm nhập thì chấm dứt. Sau khi tham quan và chụp hình lưu niệm, đoàn trở về dùng cơm tối và nghỉ đêm tại Ramada Hotel thuộc thành phố Agra.
Ngày 13
Sáng ngày 13/12/2016, đoàn điểm tâm vào lúc 6:30, sau đó viếng thăm đền Taj Mahal, nơi đây thật ra là một lăng mộ do Vua Shah Jahan cho xây dựng, để tưởng nhớ Hoàng hậu Mumtaz Mahal đã qua đời khi sanh đứa con thứ 14. Đền Taj Mahal được công nhận là kỳ quan của thế giới, bởi đây là một kiến trúc vĩ đại với những tính cách giá trị của nó. Toàn bộ đền được xây dựng bằng loại đá cẩm thạch trắng và sa thạch đỏ ở trên cao. Chính nhờ vào chất liệu này mà trong ngày tùy theo cường độ ánh sáng của mỗi thời khắc đền có màu sắc khác nhau. Đồng thời bên trong đền được trang trí bởi nhiều loại đá quý với những họa tiết được chạm khắc thật tinh xảo. Vua Shah Jahan sau khi băng hà cũng được chôn cất tại đây.
Khi tham quan khu đền này có lẽ ai cũng công nhận rất là tuyệt hảo, xứng đáng là 1 trong 7 kỳ quan thế giới, nhưng chúng ta không thể không xót xa, khi biết được công trình này được xây dựng trong 16 năm với 20.000 công nhân, và tương truyền là sau khi công trình đã hoàn tất, toàn bộ những người góp phần trong công cuộc xây dựng đều bị chặt tay để không thể có một kiến trúc thứ hai có giá trị như vậy.
8:30am đoàn rời đền Taj Mahal lên xe bus về lại New Delhi, 2:30pm ăn trưa, sau đó đi tiếp đến 10:30pm thì tới Chandigarh, check in hotel, ăn tối và nghỉ đêm tại đây.
Ngày 14
8 giờ sáng ngày 04/12/2016, sau khi ăn sáng, đoàn dùng xe bus đi từ Chandigarh đến Dharamsala. Đoạn đường này tương đối khó khăn, nguy hiểm vì những đoạn uốn cong một bên là vách núi, một bên là vực sâu, nhìn thấy sẽ có cảm giác sợ hãi, nhưng khi nghĩ đến những người dân sinh sống ở nơi này họ đã phải lên xuống biết bao nhiêu lần? Nghĩ như vậy lòng bớt lo sợ, bình thản niệm Phật.
Đến 2:00pm thì đoàn lên đến Dharamsala, check in, ăn tối và nghỉ đêm đầu tiên tại Surya Hotel.
Ngày 15
Sáng ngày 5/12/2016, ăn sáng xong 8:15 phái đoàn kinh hành niệm phật để vào đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Vì ở trên núi cao nên thời tiết ở đây có vẻ lạnh, cánh đàn ông thì tương đối ấm áp trong bộ veston, nhưng các chị em phụ nữ với chiếc áo dài VN mỏng manh, nên phải dùng đến những chiếc khăn choàng để phủ ấm bờ vai. Anh Tony đã chuẩn bị cho mỗi người một chiếc khăn katag bằng lụa trắng, để khi vào đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ dâng lên cho Ngài và Ngài sẽ choàng lại cho mình như là được nhận sự gia hộ của Ngài. Sau khi qua thủ tục khám xét an ninh, đoàn đã được diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài đã chào đón phái đoàn bằng nụ cười thật tươi, nụ cười khiến người an lạc. Thầy Trưởng đoàn đã đại diện dâng lời tác bạch, trình bày cho Ngài biết phái đoàn gồm những phật tử từ Úc, Mỹ, Canada, và Newzealand đến Ấn Độ thăm viếng, chiêm bái Phật tích và lên Dharamsala để vấn an và nhận sự gia hộ của Ngài. Phái đoàn đã cúng dường lên Ngài $18,800 Úc Kim và $2,500 đô la Mỹ, cùng tập Kỷ Yếu 20 năm của Tu Viện Quảng Đức, trong đó có hình của Ngài để làm kỷ niệm. Rất may là hôm nay Ngài không bận rộn, nên phái đoàn được ngồi nghe Ngài chuyện trò và khuyến tấn đôi điều, Ngài khuyên mọi người nên cố gắng gìn giữ cuộc sống gắn liền với niềm tin Phật giáo để tu tập. Phái đoàn đã chia ra thành nhiều nhóm để chụp hình lưu niệm với Ngài. Cậu bé An Lạc, người nhỏ tuổi nhất trong đoàn với khuôn mặt bầu bĩnh, là người được Đức Đạt Lai Lạt Ma vuốt má và xoa đầu lâu nhất, sau đó An Lạc lại được các cô, chú trong đoàn đến xoa đầu như để chia sẻ bớt phần năng lượng mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã truyền cho An Lạc. Sau gần hai tuần lễ xuyên qua nhiều nơi để thăm các Thánh tích của Đức Phật, nổi thương cảm trong lòng bởi ngoại cảnh đã khiến mọi người trầm tư ít cười nói. Nhưng hôm nay niềm vui khi được diện kiến và đảnh lễ, cũng như được tiếp cận với Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã khiến ai nấy đều có nụ cười rạng rỡ.
Cậu bé An Lạc, người nhỏ tuổi nhất trong đoàn với khuôn mặt bầu bĩnh, là người được Đức Đạt Lai Lạt Ma vuốt má và xoa đầu lâu nhất
Trở về khách sạn dùng cơm trưa, 1:30 Thầy trưởng đoàn cùng anh Tony Thạch đại diện đoàn đến thăm và Ủy Lạo trường khuyết tật Tây Tạng ở Dharamsala, đoàn đã tặng $6,000 Úc Kim và 40.000 Rupee cùng một valy gồm nhiều loại bánh kẹo cho trường này.
Buổi cơm chiều ngày 5/12, các anh chị trong đoàn đã kín đáo tổ chức mừng Sinh Nhật Thầy Trưởng đoàn. Khi mọi việc đã hoàn tất, Thầy được mời xuống dùng cơm chiều, cánh cửa vừa mở, Thầy bước vào, mọi người đều cất tiếng hát bài ca mừng sinh nhật Happy Birrthday… thoáng một chút bất ngờ rồi Thầy nở nụ cười thật tươi. Thầy đã ngỏ lời cảm ơn mọi người đã tổ chức mừng sinh nhật Thầy. Thầy Nguyên Tạng có lần đã nói “Trong các đời kiếp trước, có lẽ Thầy đã từng là người Tây Tạng nên kiếp này Thầy rất thích và có duyên gần gũi với người Tây Tạng”. Hôm nay một sự trùng hợp bất ngờ được tổ chức mừng Sinh Nhật trên xứ sở lưu vong của người Tây Tạng hẳn là Thầy rất vui. Và không chỉ riêng Thầy vui mà cả mọi người trong đoàn cũng vui nữa, vì trong những ngày qua mọi người đã ngán mùi cary Ấn Độ, hôm nay được ăn canh chua chính gốc VN với bún do người trong đoàn tự nấu, lại thêm được ăn bánh sinh nhật nữa nên ai cũng cảm thấy ngon miệng. Sau bữa cơm mọi người được đi phố đêm để mua đồ lưu niệm. Thật là một ngày vui trọn vẹn.
Ngày 16
Qua đêm thứ hai nghỉ tại vùng núi Dharamsala, sáng ngày 6/12/2016 đoàn lên xe bus xuống núi trở về lại Chandigarh và nghỉ đêm tại đây.
Ngày 17
Sáng ngày 7/12/2016, dùng sáng xong lúc 5:00am, đoàn ngồi xe bus từ Chandigarh hướng về thủ đô Delhi, đến nơi 1:00pm. Đoàn ghé thăm công viên tưởng niệm Thánh Gandhi.
Mahatma Gandhi (1869- 1948) được xem là anh hùng dân tộc Ấn Độ, là người chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân Anh. Và với sự ủng hộ của toàn dân Ấn Ông đã giành được độc lập cho xứ sở Ấn Độ. Trong công cuộc kháng chiến, Gandhi chủ trương không nhân nhượng, bất hợp tác, nhưng tuyệt đối không dùng đến vũ lực để chống lại chính quyền cai trị, thay vào đó chỉ áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức: Dũng cảm, bất bạo động, tình thương và sự thật. Từ đó học thuyết bất bạo động nổi tiếng trên thế giới và chính Ông là người đề xướng. “Chúng ta nhìn thấy qua lịch sử, con đường sự thật và tình thương luôn luôn thắng lợi. Sự tàn ác, sát nhân…chỉ tồn tại được một thời gian rồi cũng sẽ thất bại và sụp đổ” Đó là lời phát biểu nổi tiếng của Mahatma Gandhi.
Đoàn cũng đã đến chụp hình lưu niệm tại Cổng Ấn Độ (Gateway of India) là cửa ngõ vào Ấn Độ do người Anh xây dựng năm 1911 để chào đoán chuyến thăm Ấn Độ của Vua George V và Nữ hoàng Mery.
Rời nơi này, đoàn đi ăn trưa và 2:00pm đến thăm Chùa Hoa Sen. Đây là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại, là một trong những địa điểm du lịch quan trọng của Ấn Độ và được xếp hàng thứ ba trong số các kiến trúc to lớn, tuyệt hảo trên thế giới. Hình thể của ngôi đền là một đóa sen đang hé nở với 27 cánh đan xen với nhau. Khung cảnh và không gian nơi đây thật thanh thoát, bên ngoài thì tươi mát, bên trong ngôi đền thì tĩnh lặng, vào đến đây cảm giác thật thanh thản nhẹ nhàng. Nơi đây là cơ sở thờ tự tín ngưỡng của đạo Bahai, mỗi ngày có khoảng 150 ngàn lượt khách đến tham quan kiến trúc độc đáo này.
Ngày 18
Phái đoàn từ giã Ấn Độ, lên máy bay để trở về Taiwan. Ngồi trên máy bay, chắc hẳn lòng những người con Phật vẫn còn quyến luyến nghĩ nhớ đến những Thánh tích nơi Đức Phật từng lưu dấu. Có được những Thánh tích này, chúng ta phải biết ơn vị Vua có tên được gắn liền với Phật giáo, đó là Vua Ashoka, người đã cho xây những đền tháp và dựng những trụ đá ( Ashoka Pillar) để đánh dấu những nơi quan trọng liên quan đến cuộc đời của Đức Phật, trên những trụ đá đã khắc ghi lại các sự kiện xảy ra tại nơi đó. Nhờ vậy mà hàng ngàn năm sau các nhà khảo cổ căn cứ vào các trụ đá này để xác nhận di tích lịch sử của Đức Phật, và cũng đã chứng minh cho thế giới, nhân loại biết rằng Đức Phật là một nhân vật lịch sử đã từng hiện hữu chứ không phải là huyền thoại.
Ngày 19
Sau đêm đầu tiên nghỉ ngơi thoải mái tại Đài Loan, sáng ngày 09/12/2016, đoàn được báo thức vào lúc 7:00am, 8 giờ ăn sáng và 9 giờ khởi hành đến thăm Trung Đài Thiền Tự. Mọi người có vẻ tươi tỉnh hơn lúc ở bên Ấn Độ vì không còn phải theo qui ước 4-5-6 nên giấc ngủ được đầy đủ hơn.
Trung Đài Thiền Tự còn được mệnh danh là Vatican của Phật Giáo Đài Loan. Đây là một ngôi chùa to lớn và hoành tráng nhất Đài Loan, tọa lạc trên một đỉnh núi lớn, cao 108m gồm 37 tầng, do Đại Lão Hòa Thượng Thích Duy Giác khai sơn và hiện tại do TT Kiến Đăng Trụ Trì. Đoàn vào thăm kỳ này thì nhận tin buồn Trưởng lão Hòa Thượng Duy Giác đã hồi đầu năm nay, ngày 8/4/2016, trụ thế: 89 năm. Ngài họ Lưu (刘), chào đời tại Doanh Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, khai sáng và xây dựng Trung Đài Thiền Tự, được xem như là một trong Tứ đại danh sơn Phật giáo nổi tiếng ở Đài Loan: Phật Quang Sơn (佛光山), Trung Đài Thiền Tự (中台禅寺), Pháp Cổ Sơn (法鼓山) và Từ Tế Cơ Kim Hội (慈济基金会). Ngài cũng là một trong tám đại cao tăng đề xướng phát động "Diễn đàn Phật giáo thế giới" đầu tiên.
Chân dung HT Duy Giác (xem tin Ngài viên tịch)
Sau khi tham quan, chụp hình lưu niệm và cúng dường Tam Bảo tại Trung Đài Thiền Tự, đoàn tiếp tục đến viếng Linh Nham Sơn Tự.
Linh Sơn Nham Tự là ngôi chùa tu theo Tịnh Độ Tông do Hòa Thượng Diệu Liên khai sơn. Đây cũng là một ngôi chùa trang nghiêm hùng vĩ nằm trong vùng núi thanh tịnh. Thầy trưởng đoàn đại diện cúng dường Tam Bảo, tất cả chụp hình lưu niệm rồi đến thăm Văn Võ Miếu.
Đoàn chụp hình bên chân dung HT Diệu Liên (xem thêm)
Văn Võ Miếu là nơi thờ Đức Khổng Tử và Quan Công, Miếu nằm ở phía Bắc của hồ Nhật Nguyệt Đàm.
Rời Văn Võ Miếu, đoàn về đến khách sạn lúc 6:30pm, dùng cơm tối và nghỉ ngơi. Khách sạn nằm ngay bên cạnh hồ Nhật Nguyệt Đàm, do vậy đứng trên balcon của phòng ngủ, có thể nhìn ngắm vẻ đẹp lung linh huyền ảo của hồ Nhật Nguyệt, nhất là buổi sáng sớm khi cảnh vật còn mờ ảo và sương mai còn giăng phủ mặt hồ, chung quanh là cây rừng bao bọc. Vẻ đẹp của thiên nhiên cũng khiến cho lòng người tĩnh lặng.
Ngày 20
Sáng ngày 10/12/2016, sau khi dùng sáng đoàn đến viếng chùa Huyền Trang, đây là một ngôi chùa nhỏ thờ Đại Sư Huyền Trang, tức là Ngài Tam Tạng đi thỉnh kinh trong truyện Tây Du Ký. Ngài Huyền Trang với đảy sách trên lưng là tôn tượng được thờ nơi đây. Ngài có công dịch 79 bộ kinh gồm 1.335 quyển từ chữ Phạn ra chữ Hán trong 16 năm. Ngày nay chúng ta có được nhiều Kinh sách về Giáo Lý của Phật là nhờ công ơn của Ngài. Sau khi thăm viếng và đảnh lễ xá lợi của Ngài, đoàn lên xe bus di chuyển đến Cao Hùng (Kaohsiung).
Đến Cao Hùng, đoàn ăn trưa tại Phật Quang Sơn, sau đó tham quan toàn cảnh ở nơi này. Phật Quang Sơn là ngôi chùa với kiến trúc vô cùng vĩ đại và được coi là lớn nhất thế giới do Đại Sư Tinh Vân khai sơn. Tại đây đoàn được chiêm bái Kỷ Niệm Quán Phật Đà với tổng thể kiến trúc hùng vĩ và tinh tế hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Phái đoàn đã xếp hàng kinh hành niệm Phật xuyên qua con đường “Thành Phật Đại Đạo” với hai bên đường có 8 Bảo tháp tượng trưng cho Bát Chánh Đạo, cuối con đường là Quảng trường Bồ Đề và Chánh Quán với 4 Chánh Quán Tháp ở bốn góc tượng trưng cho Tứ Diệu Đế, sau chánh quán là Tôn Tượng “Phật Quang Đại Phật” được đúc bằng đồng cao 108m, đây là bức tượng Phật ngồi cao nhất thế giới, đoàn đã chụp hình lưu niệm tại đây. Một trong ba Xá Lợi Răng của Đức Phật cũng được tôn thờ trong Điện Phật Ngọc của nơi này. Sau khi tham quan, đảnh lễ và cúng dường, đoàn rời khỏi nơi đây với lòng ngưỡng mộ và hoan hỷ.
Hôm nay đặc biệt phái đoàn được ăn tối trong một nhà hàng chay với 200 món. Vào đây mình như lạc vào một khu rừng thức ăn, chung quanh chỗ nào cũng là thức ăn từ món mặn đến món ngọt đủ loại, cũng có chỗ mình tự chọn nguyên liệu rồi đưa cho đầu bếp xào nấu tại chỗ. Thức ăn thì vô số, nhưng bao tử của mỗi người thì có giới hạn, nên cuối cùng mọi người cũng chỉ xem cho biết rồi chọn cho mình vài món.
Sau khi ăn no, đoàn được đi chợ đêm, ai cũng vui vì được nhìn ngắm, mua sắm và nhất là được đi bộ để tiêu bớt cái bụng vừa ăn quá no. Đêm nay đoàn nghỉ tại Cao Hùng.
Ngày 21
Sáng ngày 11/12/2016, theo nguyên tắc 7-8-9, ăn sáng xong, 9 giờ đoàn được đưa đến chỗ mua áo tràng, sau đó đến viếng thăm Long Hổ Tháp. Đây là một trong những ngôi chùa có kiến trúc đẹp nhất của Đài Loan gồm 2 tháp cao 7 tầng, cổng ra vào được thiết kế giữa hai tháp với hình tượng một bên là Rồng, một bên là Hổ, hàm ý vào Rồng ra Hổ, tượng trưng cho kiết tường.
Tiếp đến đoàn viếng Công Viên Thọ Sơn, đây là một thắng cảnh tự nhiên, trải qua mấy thế kỷ vẫn bảo tồn được nhiều loại động thực vật có tính đặc hữu.
Sau khi ăn trưa, đoàn hướng về Đài Trung đến viếng Phật Đài Thích Ca lộ thiên. Đây là tượng đài Phật Thích Ca ngồi rất lớn, 67 người trong đoàn xếp hàng đi kinh hành chung quanh tượng cũng chưa giáp chu vi của tượng. Sau khi tham quan, chụp hình lưu niệm, đoàn lên xe về khách sạn nghỉ đêm tại Đài Trung.
Ngày 22
Sáng ngày 12/12/2016, đoàn theo nguyên tắc 6-7-8, sau khi ăn sáng xong, đoàn di chuyển về Đài Bắc, đến nơi lúc 11:am đoàn đến thăm Chùa Ngài Quảng Khâm. Toàn cảnh ngôi chùa trong ngoài với cách trang trí thật thanh thoát và thiền vị. Thầy Trưởng đoàn đã sơ lược qua tiểu sử của HT Quảng Khâm. Được biết quãng đời tu hành gần 90 năm, những công hạnh của HT Quảng Khâm đã lưu lại, trong đó có vài mẫu chuyện tưởng chừng như là huyền thoại. Nhưng tất cả là minh chứng cho thấy Ngài nhờ buông bỏ vạn sự, khổ công nghiêm mật tu trì nên đã có cảm ứng bất tư nghì ngay cả với người, vật, dương giới, âm giới…Và còn cho hậu thế thấy khả năng thành tựu sự giải thoát, đạt đạo của những bậc chân tu với câu nói: “Vô lai, vô khứ, một hữu sự ” (Chẳng đến chẳng đi, chẳng việc gì) trước khi Ngài an nhiên theo tiếng niệm Phật mà viên tịch. Phái đoàn đã trang nghiêm đảnh lễ, cúng dường và chụp hình lưu niệm, phái đoàn không quên lưu lại hình ảnh hai chiếc ghế mà khi sinh thời Ngài đã dùng để ngồi ngủ. Từ giã nơi đây đoàn đi dùng cơm trưa, sau đó đến thăm Long Sơn Cổ Tự.
Phái đoàn chụp hình lưu niệm trong Phương Trượng Đường
của Hòa Thượng Quảng Khâm
Chiếc ghế mây mà HT Quảng Khâm đã ngủ ngồi trên 40 năm
Kính mời vào nghe Cẩm Nang Tu Hành của HT Quảng Khâm
Long Sơn Tự là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Vua Càn Long, đời Thanh (1738), chủ yếu là phụng thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, hiện nay Long Sơn Tự là nơi thờ cúng tâm linh của người địa phương.
Tiếp đến đoàn có dịp city tour và mua sắm Phật cụ. Tối đến, đoàn nghỉ tại Tây Môn Đình, Đài Bắc.
Ngày 23
Ngày 13/12/2016 là ngày cuối cùng của chuyến hành hương, đoàn thức dậy vào lúc 6:am, ăn sáng xong 8:00am đoàn đến tham quan khu khách sạn Viên Sơn, vì đây là khu vực gần Đài Tưởng Niệm Tưởng Giới Thạch nên có rất nhiều Khách sạn để phục vụ du khách.
Kế tiếp đoàn đến tham quan Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch. Đây là một công trình xây dựng với cấu trúc công phu và đồ sộ để trưng bày những tư liệu, hình ảnh liên quan đến Tưởng Giới Thạch là cựu Tổng thống của Trung Hoa và Đài Loan. Ấn tượng nhất ở nơi này là bức tượng to lớn bằng đồng thể hiện hình ảnh Tưởng Giới Thạch ngồi trên ghế, nơi này được những người lính ôm súng đứng canh gác rất trang nghiêm, dường như không hề động đậy, có lẽ vì vậy sẽ rất mỏi nên cứ mỗi giờ là có thay ca. Có mặt đúng lúc nên đoàn chứng kiến được cách thức thay đổi phiên gác rất là ấn tượng, tất cả mọi động tác do tay chân thể hiện chỉ là đường thẳng hoặc góc vuông chứ không hề có một độ cong nào và thân mình luôn thẳng đứng.
Trong khuôn viên khu tưởng niệm này, hai bên Đài tưởng niệm còn có Nhà Hát Quốc Gia và Trung Tâm Hòa Nhạc Quốc Gia.
Rời nơi đây đoàn đến tham quan Building 101 tầng. Tòa nhà này cao 508m và được coi là tòa tháp cao nhất thế giới trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2010, hiện nay đứng hàng thứ nhì sau tòa tháp Burj Khalifa của Dubai. Đây là trung tâm thương mại lớn nhất Đài Loan, nơi tập trung của hàng loạt thương hiệu nổi tiếng. Và muốn ngắm toàn cảnh thành phố Đài Bắc, chỉ cần dùng thang máy trong 39 giây là có thể lên đến tầng 89, nơi đây là đài quan sát, từ đây có thể nhìn thấy hầu như toàn cảnh của Đài Bắc với nhiều khu vực của thành phố nằm xen kẽ giữa những rặng núi xanh thẫm.
Đoàn cũng ngồi xe bus chụp hình Dinh Tổng Thống Đài Loan và đi một vòng City tour, đoàn dùng cơm tối tại nhà hàng. Đây là bữa ăn cuối cùng kết thúc chuyến hành hương, nét mặt ai cũng thoáng một chút buồn. Sau bữa ăn là buổi đàm đạo, chia sẻ thân tình giữa Thầy trò và bạn hữu. Đạo hữu Tâm Từ, thủ quỹ của đoàn đã báo cáo tường tận mọi chi thu của đoàn (kính mời xem chi tiết), ai nấy cũng hoan hỷ với những điều đã làm qua số tiền đóng góp của mọi người. Chia tay nói lời tạm biệt, mọi người lên xe ra phi trường Đài Bắc để trở về bổn xứ.
11:00am ngày 14/12/2016 phái đoàn Úc đã bình yên về đến Sydney và Melbourne.
Có được chuyến hành hương thật là đầy đủ ý nghĩa này, phái đoàn chân thành cảm ơn Thầy trưởng đoàn Thích Nguyên Tạng và anh Tony Thạch đã không ngại vất vả tổ chức lo cho phái đoàn mọi tiện nghi có thể để trong suốt 23 ngày dong ruỗi, mọi người đều được bình yên và an lạc, bên cạnh đó phái đoàn cũng xin cảm niệm sự hiện diện của Hòa Thượng Trường Sanh với lời khuyến tấn, giảng dạy cho những người con phật trong những ngày tìm về thăm viếng quê hương Phật.
Đạo Phật là đạo giác ngộ, thấy để tin, tin để tu hành, tu hành để được giác ngộ giải thoát. Chúng ta có duyên lành được đến viếng thăm quê hương của Phật, được thấy tận mắt nơi Đức Phật được sanh ra tại vườn Lâm Tì Ni, chứng tích 6 năm tu khổ hạnh và đạt thành chánh quả sau 49 ngày thiền định dưới Cội Bồ Đề (Bodhgaya), để rồi Đức Phật bắt đầu thuyết pháp độ sanh tại Vườn Lộc Uyển, và sau 49 năm trao truyền những chân lý giác ngộ cho nhân thế, Đức Phật đã nhập Niết Bàn tại Câu Thi Na. Xuyên qua bốn Thánh tích trên, chúng ta có những cảm xúc dâng trào, như cảm nhận được sự hiện hữu của Đức Phật. Bốn Thánh tích ấy sau hơn 2500 vẫn tồn tại và chắc chắn sẽ được bảo tồn, để mãi mãi người đời sau thấy biết mà tin tưởng rằng, Đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật chứ không phải là huyền thoại. Niềm tin ấy sẽ giúp ta tinh tấn tu tập theo giáo pháp của Ngài hầu mong được giác ngộ giải thoát.
Chúng ta buồn khi thấy quê hương của Đức Phật ngày nay quá nghèo nàn, nhưng có lẽ được chứng kiến những cảnh nghèo cùng như vậy, chúng ta mới cảm nhận được phần nào cái khổ của cuộc đời, tâm từ của chúng ta rộng mở, để rồi lòng lâng lâng một niềm vui khi chúng ta tận tay trao những món quà cho người cùng khổ. Và chúng ta cũng đã có được những cảm giác thật yên bình an lạc trong khung cảnh thanh tịnh trang nghiêm với nhiều hình thức tu tập như Thiền định, tụng kinh, lễ lạy.
Suy cho cùng, tất cả những gì chúng ta thấy, làm và cảm nhận trong chuyến hành hương, chính là một trải nghiệm bản thân khi thực hành một phần nào giáo pháp của Phật. Đó là nhận chân được nỗi khổ của cuộc đời, mở lòng từ bi để chia sẻ, đối đãi với nhau để người và ta đều vui, cuối cùng là hành trì tu tập để sớm được an lạc giác ngộ giải thoát.
Mong rằng sau chuyến hành hương này, tất cả chúng ta luôn ghi nhớ những điều đó như là một phương châm để thực hành trong cuộc sống.
Cuối cùng xin cảm ơn Quảng Thiện Duyên và Quảng Thiện Hùng đã không ngại vất vả đêm ngày, đã chụp hình, quay phim để lưu lại cho phái đoàn những tấm hình đẹp và những thước phim nhiều kỷ niệm.
Nam Mô A Di Đà Phật
Đệ tử Thanh Phi (ghi chép tường thuật theo hình ảnh và lời kể của thành viên phái đoàn)