- Bài 01: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 02: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 03: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 04: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 05: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 06: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 07: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 08: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 09: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 10: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 11: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 12: (Quyển Trung) Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 13: Kinh Địa Tạng giải Nghĩa
- Bài 14: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 15: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 16: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 17: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 18: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 19: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 20: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 21: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 22: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 23: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 24: (Quyển Hạ) Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 25: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 26. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 27. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 28. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 29. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 30. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 31. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Kinh Địa Tạng (PDF trọn quyển)
KINH
ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN
Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh
GIẢI NGHĨA
(Tiếp theo)
Toàn Không
PHẨM THỨ MƯỜI BA:
DẶN DÒ CỨU ĐỘ NHÂN THIÊN
1). ĐỨC PHẬT GIÁO PHÓ.
-Lúc đó đức Thế-Tôn giơ cánh tay sắc vàng xoa đỉnh đầu Ngài Bồ Tát Địa-Tạng mà bảo rằng:
“Địa-Tạng! Địa-Tạng! Thần lực của ông không thể nghĩ bàn, đức từ bi của ông không thể nghĩ bàn, trí huệ của ông không thể nghĩ bàn.
Dù cho các Đức Phật ở mười phương khen ngợi tuyên nói những sự chẳng thể nghĩ bàn của ông trăm nghìn muôn kiếp cũng chẳng hết được.
Này Địa-Tạng! Địa-Tạng! Ông nên nhớ hôm nay ta ở trong cung trời Đao Lợi, nơi pháp hội lớn có trăm nghìn muôn ức bất khả thuyết, bất khả thuyết tất cả các đức Phật, các vị Bồ Tát, các hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng đây, một lần nữa đem các hàng chúng sanh, những kẻ ở trong nhà lửa chưa ra khỏi ba cõi, mà giao phó cho ông.
Ông chớ để các chúng sanh đó phải bị đọa vào các ác đạo dầu là chừng một ngày, một đêm, huống chi lại để cho chúng nó phải bị đọa lạc vào địa ngục ngũ vô gián cùng địa ngục A Tỳ, mãi đến nghìn muôn ức kiếp không lúc nào ra khỏi ư.
Này Địa-Tạng! Tâm tánh của chúng sanh cõi Diêm Phù Đề không định, phần đông đều quen theo thói ác, thoảng hoặc có người phát tâm lành, nhưng rồi không bao lâu liền thoái thất, còn như duyên ác lại luôn luôn tăng trưởng.
Cũng vì lẽ đó, nên ta phải chia thân này ra trăm nghìn ức để hóa độ, thuận theo căn tánh của chúng nó hầu làm cho chúng nó được giải thoát.
Này Địa-Tạng! Hôm nay ta ân cần đem chúng Trời, Người giao phó cho ông.
Trong đời sau, như có hàng Trời, Người cùng thiện nam, thiện nữ nào trồng chút ít căn lành ở trong Phập-pháp, chừng bằng sợi lông, mảy trần, hột cát, giọt nước, thời ông nên dùng đạo lực của ông ủng hộ người đó, làm cho người đó tu tập lần lần đạo hạnh vô thượng, chớ để họ thoái thất.
Lại nữa, này Bồ Tát Địa-Tạng! Trong đời sau, hoặc có trời hay người nào phải theo nghiệp mà thọ báo bị đọa vào chốn ác đạo, đến khi bị đọa vào ác đạo vừa bước đến cửa địa ngục, những chúng sanh đó nếu có thể niệm được danh hiệu của đức Phật, hay danh hiệu của một vị Bồ Tát, cùng một câu kệ kinh điển đại thừa.
Ông nên dùng thần lực của ông tìm phương chước cứu vớt các chúng sanh đó, ông nên hiện thân ra trước kẻ đó, phá tan địa ngục làm cho họ được sanh lên cõi trời hưởng những sự vui vi diệu thù thắng”.
Bấy giờ đức Thế-Tôn liền nói kệ rằng:
Đời nay đời sau chúng Thiên, Nhân
Nay ta ân cần dặn bảo ông;
Dùng đại thần thông quyền độ họ,
Đừng cho ác đạo đọa vào trong.
GIẢI NGHĨA
“Lúc ấy Đức Thế Tôn giơ cánh tay sắc vàng xoa đỉnh đầu Ngài Bồ Tát Địa Tạng…”, cánh tay sắc vàng tượng trưng cho thần lực của bậc đại giác, xoa đỉnh đầu biểu trưng của lòng từ bi vô lượng, Bồ Tát Địa Tạng biểu trưng Tâm địa của mỗi chúng sinh. Ngài bảo rằng: “Địa-Tạng! Địa-Tạng! Thần lực của ông không thể nghĩ bàn, đức từ bi của ông không thể nghĩ bàn, trí huệ của ông không thể nghĩ bàn”. Nghĩa là Tâm địa, chân Tâm, thần lực của Tâm không thể nghĩ bàn, lòng từ bi của Tâm không thể nghĩ bàn, trí huệ của Tâm không thể nghĩ bàn. Vì vậy cho nên: “Dù cho các Đức Phật ở mười phương khen ngợi tuyên nói những sự chẳng thể nghĩ bàn của ông trăm nghìn muôn kiếp cũng chẳng hết được”. Nghĩa là nói về cái tâm thì có vô lượng điều để nói, vì tất cả đều do tâm mà ra, nên dù có nói vô lượng kiếp cũng không nói hết được vậy.
Kế tiếp, Đức Phật nói đại ý: “Ngài giao phó cho Ngài Bồ Tát Địa Tạng độ cho những hàng Trời và Người có một chút duyên lành với Phật pháp, thì nên dùng đạo lực ủng hộ người đó, làm cho người đó tu tập dần dần tiến lên đạo hạnh vô thượng, chớ để họ thoái thất”; nghĩa là giúp đỡ họ, tạo duyên lớn hơn cho họ đối với Phật pháp, để họ học hỏi hiểu được nhiều Phật pháp hơn, hầu tu hành thì sẽ được nhiều lợi ích.
“Trong đời sau, hoặc có trời hay người nào phải theo nghiệp mà thọ báo bị đọa vào chốn ác đạo, đến khi bị đọa vào ác đạo vừa bước đến cửa địa ngục, những chúng sanh đó nếu có thể niệm được danh hiệu của đức Phật, hay danh hiệu của một vị Bồ Tát, cùng một câu kệ kinh điển đại thừa. Ông nên dùng thần lực của ông tìm phương chước cứu vớt các chúng sanh đó, ông nên hiện thân ra trước kẻ đó, phá tan địa ngục làm cho họ được sanh lên cõi trời hưởng những sự vui vi diệu thù thắng”. Nghĩa là nếu những kẻ đang bị đọa vào cõi dữ mà họ còn nhớ niệm Phật, hoặc niệm Bồ Tát, hoặc đọc một câu Kinh hay Kệ, thì người này hẳn đã từng có duyên với Phật pháp, thì nên hiện thân trước kẻ đó giáo hóa họ. Độ cho họ bằng cách làm cho họ hiểu Phật pháp, làm cho họ phát tâm sám hối các tội lỗi đã tạo ra và làm cho họ có tâm lành vui vẻ, lúc đó họ sẽ có thể thoát khỏi cảnh khổ và sinh đến cõi tốt lành; đây là ngụ ý phá tan Địa Ngục để cứu độ chúng sinh, sinh lên cõi lành.
Chứ chẳng phải với ý nghĩa rằng Ngài Bồ Tát Địa Tạng xuống địa ngục phá tan cửa địa ngục cứu tội nhân ra khỏi rồi mang lên cõi trời hay cõi người để cho hưởng những sự vui vi diệu thù thắng đâu mà lầm lẫn to lớn đó.
Bài kệ, ý Đức Phật ân cần nhắn nhủ Ngài Địa tạng dùng sức thần thông độ cho các chúng sinh Trời và Người không bị đọa vào ba đường dữ; cũng là biểu trưng Đức Phật mong hàng Trời và Người tu hành cái tâm để giải thoát khỏi khổ.
2) BỒ TÁT TUÂN CHỈ.
- Bấy giờ Ngài Địa-Tạng đại Bồ Tát quỳ gối chắp tay bạch cùng Đức Phật rằng:
“Bạch đức Thế-Tôn! Cúi xin đức Thế-Tôn chớ lo.
Trong đời sau, nếu có người thiện nam cùng kẻ nữ nào, đối với trong Phật-pháp có một niệm cung kính, con cũng dùng trăm nghìn phương tiện độ thoát người đó, làm cho mau được giải thoát trong đường sinh tử, huống nữa là nghe các việc lành rồi luôn luôn tu hành, tự nhiên ở nơi đạo vô thượng không bao giờ còn thoái chuyển”.
GIẢI NGHĨA:
Ngài Bồ Tạng Địa Tạng tuân chỉ vâng làm theo lời phó chúc cũa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và Ngài nói nếu có người nam hay nữ nào giữ giới đầy đủ (thiện nam cùng kẻ nữ), ưng thuận vâng làm theo (có một niệm cung kính) Kinh điển giáo lý của Phật, thì Ngài dùng đủ mọi phương tiện để giúp người đó mau thoát khỏi khổ, huống chi là những chúng sinh luôn luôn chăm chỉ tu hành thì chắc chắn sẽ tiến mau trên đường đạo.
3) HƯ KHÔNG TẠNG BẠCH HỎI.
- Lúc Ngài Bồ Tát Địa-Tạng bạch lời nói trên đó vừa xong, trong pháp hội có một vị Bồ Tát tên là Hư Không Tạng bạch cùng đức Phật rằng:
“Bạch đức Thế-Tôn! Từ khi con đến cung trời Đao Lợi này nghe đức Như Lai ngợi khen oai thần thế lực không thể nghĩ bàn của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng.
Trong đời sau, hoặc có người thiện nam cùng thiện nữ nào, cho đến tất cả hàng Trời, Rồng v.v... nghe kinh điển này và nghe danh tự của Bồ Tát Địa-Tạng, cùng với chiêm lễ hình tượng Bồ Tát Địa-Tạng, thời những kẻ ấy được bao nhiêu điều phước lợi?
Cúi mong đức Thế-Tôn vì tất cả hàng chúng sanh ở hiện tại và vị lai mà nói lược việc ấy cho”.
GIẢI NGHĨA
Đoạn này Bồ Tát Hư Không Tạng hỏi Đức Phật về “Trong đời sau, có người thiện nam cùng thiện nữ nào, cho đến cả hàng Trời, Rồng v.v… nghe kinh điền này và nghe danh tự của Bồ Tát Địa-Tạng, cùng với chiêm lễ hình tượng Bồ Tát Địa-Tạng, thời những kẻ ấy được bao nhiêu điều phước lợi?” Nghĩa là người nghe kinh này nói đến cái Tâm, cùng tôn trọng quán sát cái Tâm, thì được bao nhiêu điều ích lợi? Chúng ta cũng nên hiểu rằng Hư Không Tạng là biểu trưng của A Lại Đa Thức, Tạng Thức không dính mắc, không chấp chặt vào bất cứ điều gì, tức là trống không, không có một dấu vết, đó là Tâm không, Tính (Tánh) không.
(Còn tiếp)