Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 20: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

21/02/201621:07(Xem: 3874)
Bài 20: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

KINH

ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

PHẨM THỨ TÁM:

VUA DIÊM LA KHEN NGỢI

 

1). DIÊM LA VƯƠNG CÙNG

   QỦI VƯƠNG VÂN TẬP

 

- Lúc đó trong dãy núi Thiết-Vi có vô lượng Quỉ-vương cùng với Vua Diêm La đồng lên cung trời Đao Lợi đến chỗ của Đức Phật.

Các vị Quỉ-vương đó tên là: Ác Độc Quỉ-vương, Đa Ác Quỉ-vương, Đại Tránh Quỉ-vương, Bạch Hổ Quỉ-vương, Huyết Hổ Quỉ-vương, Xích Hổ Quỉ-vương, Tán Ương Quỉ-vương, Phi Thân Quỉ-vương, Điển Quang Quỉ-vương,Lang Nha Quỉ-vương, Đạm Thú Quỉ-vương, Phụ Thạch Quỉ-vương, Chủ Hao Quỉ-vương, Chủ Họa Quỉ-vương, Chủ Phước Quỉ-vương, Chủ Thực Quỉ-vương, Chủ Tài Quỉ-vương, Chủ Súc Quỉ-vương, Chủ Cầm Quỉ-vương, Chủ Thú Quỉ-vương, Chủ Mị Quỉ-vương, Chủ Sản Quỉ-vương, Chủ Mạng Quỉ-vương, Chủ Tật Quỉ-vương, Chủ Hiểm Quỉ-vương, Tam Mục Quỉ-vương, Tứ Mục Quỉ-vương, Ngũ Mục Quỉ-vương, Kỳ Lợi Thất Vương, Đại Kỳ Lợi Thất Vương, Kỳ Lợi Xoa Vương, Đại Kỳ Lợi Xoa Vương, A Na Tra Vương, Đại A Na Tra Vương.

Những vị Đại Quỉ Vương như thế v.v.... mỗi vị cùng với trăm nghìn Tiểu Quỉ Vương, cả thảy ở trong cõi Diêm Phù Đề, đều có chức trách, đều có phần chủ trị.

Các vị Quỉ Vương đó cùng với Vua Diêm La nương sức oai thần của Đức Phật và oai lực của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng, đồng lên đến cung trời Đao Lợi đứng qua một phía.

GIẢI NGHĨA

     Đoạn thứ nhất của Phẩm thứ tám này, Kinh nói: - “Lúc đó trong dãy núi Thiết-Vi có vô lượng Quỉ-vương cùng với Vua Diêm La đồng lên cung trời Đao Lợi đến chỗ của Đức Phật”. Ở đây chúng ta cần để ý: Núi Thiết Vi: Là nơi có bờ rào bằng sắt cao rộng cứng chắc không thể phá được, biểu trưng cho tâm vô minh của chúng sinh như bị vây bọc bởi núi sắt không thể nào ra khỏi. Vô lượng Qủy Vương: Đây là tiêu biểu cho vô số, đủ loại, những tư tưởng, ý niệm, suy nghĩ v.v… của một người hợp thành tâm vô minh của người ấy; Diêm La Vương là vị phán xét các việc làm ác của các tội nhân mà các tội lỗi gây ra đều bởi vô minh của chúng sinh.

     Theo Kinh nói thì chúng ta thấy vô lượng Quỉ-vương cùng với Vua Diêm La đồng lên cung trời Đao Lợi đến chỗ của Đức Phật, Qủy thì phải ở nơi Địa Ngục, Vua Diêm La cũng phải ở trong Địa Ngục, nếu rời Địa Ngục thì ai là người xét xử và cai quản Địa Ngục? Nhưng Kinh nói:  Các vị Quỉ Vương đó cùng với Vua Diêm La nương sức oai thần của Đức Phật và oai lực của Bồ Tát Địa-Tạng”. Chúng ta phải hiểu sức oai thần của Đức Phật là do Đại Giác, oai lực của Bồ Tát Địa Tạng là bản tâm tự tánh chuyển đổi từ tâm chúng sinh qua chân tâm, tức là bỏ tâm ác hành tâm thiện, thì có thể từ Địa Ngục trở thành cõi Trời, đó là lý lẽ vì sao người ở Địa Ngục có thể tới cõi Trời được là vậy.

     Chúng ta cũng cần hiểu các Qủy Vương có danh hiệu đều là biểu trưng tên của việc làm ác tương xứng, như: Tâm ác độc nên có tên Ác Độc Quỉ-Vương, tâm nhiều ác nên có tên Đa Ác Quỉ-Vương, tâm hay tranh chấp nên có tên Đại Tránh Quỉ-Vương, tâm muốn ăn của người nên có tên Bạch Hổ Qủy Vương. Tâm muốn uống máu chúng sinh nên có tên Huyết Hổ Quỉ vương, tâm đen tối hại người nên có tên Xích Hổ Quỉ-vương, tâm gây ly tán tai ương hại người nên có tên Tán Ương Quỉ-vương.

     Vì cần đi mau chóng nên có tên Phi Thân Quỉ-vương, vì cần thi hành phép tắc nên có tên Điển Quang Quỉ-vương (Điển: phép tắc, Quang: ánh sáng, rõ ràng). Tâm ưa cấu xé, nên có tên Lang Nha Quỉ-Vương (Quỉ-vương có răng chó sói), phải bảo vệ gìn giữ cung thành biên cương, nên có tên Đạm Thú Quỉ-vương (Đạm: bình tĩnh, Thú: giữ). Phụ trách về đá ép nên có tên Phụ Thạch Quỉ-vương (Phụ: giúp đỡ, Thạch: đá), phụ trách việcđưa tin tức nên có tên Chủ Hao Quỉ-vương (Hao: tốn kém, tin tức), phụ trách việc gây tai họa nên có tên Chủ Họa Quỉ-vương.

      Phụ trách việc giúp người có phước nên có tên Chủ Phước Quỉ-vương,  tâm chỉ nghĩ đến việc ăn uống, nên có tên Chủ Thực Quỉ-Vương; tâm mê tiền bạc, nên có tên Chủ Tài Quỉ-Vương (Đạm: bình tĩnh, Thú: giữ). Trông coi việc nuôi gia súc nên có tên Chủ Súc Quỉ-vương, cai quản chim muông nên có tên Chủ Cầm Quỉ-vương (Cầm: chim), cai quản súc vật nên có tên Chủ Thú Quỉ-vương. Quản nhậm làm mê loạn nên có tên Chủ Mị Quỉ-vương (Mỵ: yêu mê), trông coi việc dẫn đi đầu thai sinh sản nên có tên Chủ Sản Quỉ-vương,

     Phụ trách về mạng sống nên có tên Chủ Mạng Quỉ-vương, có tâm bất bình ghét giận nên có tên Chủ Tật Quỉ-vương (Tật: ghen ghét, giận), có tham lam độc ác nên có tên Chủ Hiểm Quỉ-vương (Hiểm: tham độc). Tâm nhòm ngó moi móc nên có  tên Tam Mục, Tứ Mục, Ngũ Mục Quỉ-vương, có tâm nhẫn nhục, tâm bố thí, tâm thiện, tâm từ bi hỷ xả, nên có tên Kỳ Lợi Thất Vương (Kỳ: cái cờ, tốt đẹp, cầu phúc, ngọc; Lợi: tiện ích), Đại Kỳ Lợi Thất Vương, Kỳ Lợi Xoa Vương, Đại Kỳ Lợi Xoa Vương, A Na Tra Vương, Đại A Na Tra Vương.

     “Những vị Đại Quỉ Vương như thế v.v.... mỗi vị cùng với trăm nghìn Tiểu Quỉ Vương, cả thảy ở trong cõi Diêm Phù Đề, đều có chức trách, đều có phần chủ trị”. Những Đại Qủy Vương biểu trưng cho việc lớn, việc trọng đại, còn những Tiểu Qủy Vương tượng trưng cho những việc nhỏ, việc không trầm trọng, nên nói Tiểu Qủa Vương có vô số là vậy.

2) VUA DIÊM LA BẠCH PHẬT

- Bấy giờ Vua Diêm La quì gối chắp tay bạch cùng Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Nay chúng con cùng các vị Quỉ Vương nương sức oai thần của Đức Phật và oai lực của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng mới được lên đến đại hội nơi cung trời Đao Lợi này, mà cũng là vì chúng con được phước lành vậy.

Nay chúng con có chút việc nghi ngờ, dám bạch hỏi đức Thế-Tôn, cúi xin đức Thế-Tôn từ bi vì chúng con mà chỉ dạy cho”.

Đức Phật bảo Vua Diêm La rằng: “Cho phép ông hỏi, Ta sẽ vì ông mà dạy rõ”.

Bấy giờ, Vua Diêm La chiêm ngưỡng đảnh lễ đứcThế-Tôn và ngó ngoái lại Ngài Bồ TátĐịa-Tạng, rồi bạch cùng Đức Phật rằng:

“Bạch đức Thế-Tôn! Con xem xét NgàiBồ Tát Địa-Tạng ở trong sáu đường dùng trăm nghìn phương chước để cứu độ những chúng sanh mắc phải tội khổ, Ngài không từ mệt nhọc.

NgàiBồ Tát Địa-Tạng đây có những sự thần thông không thể nghĩ bàn được như thế, nhưng sao hàng chúng sanh vừa đặng thoát khỏi tội báo, không bao lâu lại phải bị đọa vào ác đạo nữa?

Bạch đức Thế-Tôn! NgàiBồ Tát Địa-Tạng đã có thần lực chẳng thể nghĩ bàn như thế, nhưng tại vì cớ sao hàng chúng sanh chẳng chịu nương về đường lành để được giải thoát mãi mãi?Cúi xin đức Thế-Tôn dạy rõ việc đócho chúng con”.

GIẢI NGHĨA

     Đoạn thứ hai này đại ý Vua Diêm Vương thắc mắc hỏi Đức Phật đại ý rằng: Ngài Bồ Tát Địa-Tạng ở trong sáu đường, dùng trăm nghìn phương chước để cứu độ những chúng sanh mắc phải tội khổ, Ngài không từ mệt nhọc; nhưng hàng chúng sanh vừa được thoát khỏi tội báo, vì cớ sao chẳng chịu nương về đường lành để được giải thoát mãi mãi, mà không bao lâu lại phải bị đọa vào ác đạo nữa?

3) PHẬT GIẢNG SỞ NHÂN

- Đức Phật bảo Vua Diêm La rằng: “Chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề tánh tình cứng cỏi khó dạy khó sửa. NgàiBồ Tát Địa-Tạng đây trong trăm nghìn kiếp đã từng cứu vớt những chúng sanh đó làm cho sớm được giải thoát”.

Những người bị tội báo cho đến bị đọa vào đường ác lớn, NgàiBồ Tát Địa-Tạng dùng sức phương tiện nhổ sạch cội gốc nghiệp duyên, mà làm cho chúng sinh đó nhớ biết những công việc ở đời trước.

Tại vì chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề kết nghiệp dữ, phạm tội nặng, nên vừa ra khỏi ác đạo, rồi trở vào lại, làm nhọc cho NgàiBồ Tát Địa-Tạng phải trải qua nhiều số kiếp lo lắng để cứu độ chúng nó.

Ví như có người quên mất nhà mình, đi lạc vào con đường hiểm, trong con đường hiểm đó có rất nhiều thứ Quỉ Dạ Xoa, cùng hùm sói, sư tử, rắn độc, bò cạp.

Người quên đường đó ở trong đường hiểm chừng giây lát nữa sẽ bị hại.

Có một vị tri thức hiểu nhiều Pháp thuật lạ, có thể trừ sự độc hại đó, cho đến có thể trừ quỉ Dạ Xoa, các loài rắn độc v.v....chợt gặp người quên lạc đường kia đương muốn đi thẳng vào con đường hiểm nạn, bèn vội bảo rằng:

“Ô hay! Này ông kia! Có duyên sự gì mà vào con đường hiểm nạn này? Ông có Pháp thuật lạ gì có thể ngăn trừ các sự độc hại chăng?”

Người lạc đường đó, bỗng nghe lời hỏi trên mới rõ là đường hiểm nạn, bèn liền lui trở lại muốn ra khỏi đường hiểm nạn đó.

Vị thiện tri thức ấy nắm tay dìu dắt, dẫn người lạc lối đó ra ngoài đường hiểm nạn, khỏi các sự độc hại đến nơi con đường tốt, làm cho được an ổn rồi bảo rằng:

“Nầy người lạc đường! Từ nay về sau chớ có đi vào con đường hiểm nạn đó nữa, ai mà vào con đường hiểm đó, ắt khó ra khỏi đặng, lại còn phải bị tổn tánh mạng”.

“Người lạc đường đó cũng sanh lòng cảm trọng. Lúc từ biệt nhau, vị tri thức lại dặn thêm:

“Nếu ông có gặp kẻ quen người thân cùng những người đi đường hoặc trai gái, thời ông bảo cho họ biết con đường đó có rất nhiều sự độc hại, vào đó ắt phải tổn tánh mạng, chớ để cho những người ấy tự vào chỗ chết!”.

Vì thế nên Ngài Địa-Tạng Bồ Tát đủ đức từ bi lớn, cứu vớt chúng sanh mắc tội khổ muốn cho chúng nó sanh lên cõi trời cõi người để hưởng lấy sự vui sướng tốt đẹp.

Những chúng sanh tội khổ đó rõ biết sự khốn khổ trong con đường ác nghiệp rồi, khi đã được ra khỏi, chẳng còn trở vào nữa.

Như người quên đường kia lạc vào đường hiểm, gặp vị tri thức dẫn dắt cho ra khỏi không bao giờ còn lạc vào nữa.

Gặp gỡ người khác lại bảo chớ vào đường ấy, tự nói rằng mình là quên đường nên đi lạc vào đó, nay đặng thoát khỏi rồi, trọn hẳn không còn trở vào đường đó nữa.

Nếu còn đi vào đường ấy nữa, thời là còn mê lầm không biết đó là con đường hiểm nạn mà mình đã từng sa lạc rồi, hoặc đến nỗi phải mất mạng.

Như chúng sanh bị đọa vào chốn ác đạo, NgàiBồ Tát Địa-Tạng dùng sức phương tiện cứu vớt cho được thoát khỏi, sanh vào cõi trời, rồi cũng vẫn trở vào ác đạo nữa.

Nếu chúng sanh đó kết nghiệp quá nặng, thời ở mãi chốn địa ngục không lúc nào được thoát khỏi.

GIẢI NGHĨA

      Đức Phật bảo Vua Diêm La rằng: “Chúng sanh trong đây trong trăm nghìn kiếp đã từng cứu vớt những chúng sanh đó làm cho sớm được giải thoát”. Nghĩa là tâm chúng sinh (tính xấu) ở thế giới này hay thay đổi, khó sửa vì bị tham, sân, tà kiến, mạn, tật đố v.v… sai khiến rất khó cưỡng lại. “Những người bị tội báo cho đến bị đọa vào đường ác lớn, NgàiBồ Tát Địa-Tạng dùng sức phương tiện nhổ sạch cội gốc nghiệp duyên, mà làm cho chúng sanh đó nhớ biết những công việc ở đời trước”. Ngài Địa Tạng biểu trưng là bản tâm tự tính sâu kín của con người, tức tính thiện được khơi dậy bởi nghe giáo hóa, đọc Kinh điển, làm cho chúng sinh hiểu biết của làm việc ác gây tai hại, nên ý thức mà tránh ác làm lành và được an vui, nên Kinh nói được Địa Tạng cứu vớt.

     “Tại vì chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề kết nghiệp dữ, phạm tội nặng, nên vừa ra khỏi ác đạo, rồi trở vào lại”, nghĩa là dù có được Ngài cứu vớt khỏi khổ, nhưng rồi sau cũng bị tâm chúng sinh lôi kéo, lại làm ác mà bị đọa vào nẻo dữ nữa, nên Kinh nói: “Làm nhọc cho Ngài Bồ Tát Địa-Tạng phải trải qua nhiều số kiếp lo lắng để cứu độ chúng nó”. Ví như có người nghe dạy làm lành sẽ được qủa báo tốt, giữ 5 giới sẽ được tái sinh làm người đẹp đẽ, hưởng phú qúy, ít bệnh tật, sống lâu; nhưng khi tái sinh làm người rồi thì trong lúc đó sống sung sướng như thế lại bị tham, sân, tà kiến, mạn, đố kỵ v.v… lôi kéo gây tạo những việc ác độc, do đó sau khi chết phải vào Địa Ngục vậy. 

     Những câu sau của đoạn 3 này nêu ví dụ đại ý như có người đi lạc vào con đường nguy hiểm có rất nhiều thứ Quỉ Dạ Xoa, cùng hùm sói, sư tử, rắn độc, bò cạp sắp bị hại. Có một vị tri thức biết cách có thể trừ sự độc hại đó, cho đến có thể trừ quỉ Dạ Xoa, các loài rắn độc v.v....chợt gặp người lạc đường kia đang đi vào con đường hiểm nạn, bèn vội can mà nói về các sự độc hại ấy, khiến người lạc đường đó, hiểu rõ con đường hiểm nạn. Rồi vị thiện tri thức dẫn dắt người lạc lối đó ra khỏi đường hiểm nạn mà bảo rằng: “Từ nay về sau chớ có đi vào con đường hiểm nạn đó nữa, nếu vào con đường hiểm đó ắt khó ra khỏi, còn bị hại tánh mạng”. Vị tri thức lại dặn thêm: “Trên đường đi nếu có gặp ai, thì bảo cho họ biết con đường đó có rất nhiều độc hại đến tánh mạng, đừng để cho họ vào chỗ chết!”

     Trên đây là ví dụ có tính cách biểu trưng, đường nguy hiểm ý nói trong đời sống hàng ngày có nhiều sự việc, có nhiều thứ xảy ra không tốt; Qủy Dạ Xoa biểu trưng cho sự hung bạo tàn ác giết hại, mà sự bạo tàn giết hại là do lòng tham lam của con người gây ra. Hùm, Sói, Sư tử tượng trưng cho sự giết hại mạng sống, mà sự giết hại này do sân hận của con người tạo ra; Rắn độc, Bò cạp tượng trưng cho sự ác độc làm hại người khác, mà sự ác độc là do những lời nói dối, nói đâm thọc, nói thêu dệt, nói ác tạo ra đối với người khác. Tất cả những thứ đó đều là xấu ác, mà con người thường làm để rồi gây nghiệp qủa xấu; Địa Tạng là biểu trưng cho bản tâm tự tánh, bản tâm thanh tịnh, người có tâm thanh tịnh được ví như vị thiện tri thức chỉ bảo cho người lạc đường không nên đi vào chỗ nguy hại.

Người lạc đường là những người tạo ra một hay nhiều việc ác như vừa nêu trên, người lạc đường vì vô minh nên không biết việc mình làm là quấy ác. Không biết làm việc ác dù nhỏ cũng phải trả qủa gấp trăm nghìn lần, như người vay nợ phải trả tiền lời, thời gian càng lâu càng phải trả nhiều, nên kiếp sau trả nghiệp qủa nặng nề là do ở điểm chí công bằng này. Người lạc đường tức người làm ác được Địa Tạng tức Thiện Tri Thức giảng giải chỉ bảo sự nguy hiểm của việc làm xấu phải chịu nghiệp báo khổ sở, người này hiểu ra thì sợ hãi không dám làm ác nữa, mà sám hối tội lỗi đã gây ra. Rồi ngưng làm ác chỉ làm lành, thì khi qua đời được tái sinh đến chỗ tốt lành nơi cõi Trời hoặc Người hưởng phúc đẹp đẽ, giàu sang, danh vọng, ít bệnh tật, sống lâu vậy.

(Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567