Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 14: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

08/01/201622:03(Xem: 3939)
Bài 14: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

KINH

ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

4). KHỎI NỮ THÂN.

   Như có người nữ nào nhàm chán thân gái, hết lòng cúng dường tượng vẽ của ngài Bồ Tát Địa Tạng, và những tượng cất bằng đất, đá, keo, sơn, đồng, sắt, v.v…Ngày ngày thường đem hoa, huơng, đồ ăn, đồ uống, y phục, gấm lụa, tràng phan, tiền bạc, vật báu v.v…cúng dường như thế mãi không thôi.

      Người thiện nữ đó sau khi mãn một thân gái hiện tại, thời đến trăm nghìn muôn kiếp còn không sanh vào cõi nước có người nữ, huống nữa là thọ thân gái! Trừ khi vì lòng từ phát nguyện cần phải thọ thân gái để độ chúng sanh; do nương nơi phước cúng dường Bồ Tát Địa Tạng và sức công đức đó, trong trăm nghìn muôn kiếp chẳng còn thọ thân người nữ lại nữa.

GIẢI NGHĨA

    Đức Phật nói: “Như có người nữ nào nhàm chán thân gái, hết lòng cúng dường tượng vẽ của ngài Bồ Tát Địa Tạng, và những tượng cất bằng đất, đá, keo, sơn, đồng, sắt, v.v…”: Nghĩa là người nữ nào không còn ưa thân nữ nữa, mà một lòng tu trì, diệt trừ các điều quấy ác như tham, sân, tà kiến, kiêu mạn, tật đố, ganh ghét v.v…, từ ý nghĩ, lời nói, đến hành động, thì người nữ này xả bỏ được tâm chúng sinh quấy ác. Các việc tu hành nêu trên ví như người nữ này vẽ, nặn, đúc tượng bằng đất, đá, keo, sơn, đồng, sắt, v.v… để thành tượng Địa Tạng, tức là chăm chỉ thực hành không lười mỏi, thì lâu dần sẽ thấy được bản tâm tự tánh của mình vậy. Chứ chẳng phải với ý nghĩa người nữ nào nhàm chán thân gái thì hoặc dùng sơn vẽ, hoặc dùng đất nắn, đẽo đục đá, đúc đồng sắt để thành hình tượng Bồ Tát Địa Tạng đâu mà lầm lẫn.

     Người nữ này còn làm nhiều điều thiện lợi ích chúng sinh như: “Ngày ngày thường đem hoa, huơng, đồ ăn, đồ uống, y phục, gấm lụa, tràng phan, tiền bạc, vật báu v.v…cúng dường như thế mãi không thôi”. Hoa biểu trưng sắc đẹp đối với mắt nhìn, hương biểu trưng mùi thơm đối với mũi ngửi, đồ ăn uống biểu trưng của vị đối với lưỡi nếm, y phục gấm lụa biểu trưng y phục tiếp xúc đối với thân thể, tràng phan biểu trưng của ý đối với sự việc, tiền bạc, vật báu biểu trưng cái của ta v.v…, Cúng dường biểu trưng của sự cho đi, không giữ nữa, bỏ đi. Nghĩa là tu hành chấm dứt Sáu Căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) bị dính mắc lôi kéo bởi Sáu Trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), thực hành mãi không ngưng nghỉ, do đó Đức Phật bảo Bồ Tát Phổ Quảng rằng: “cúng dường như thế mãi không thôi” vậy.

      Tóm lại, câu Kinh trên có nghĩa là người nhàm chán thân nữ phải hằng ngày thường tu hành, không để Sáu Căn bị dính mắc lôi kéo bởi Sáu Trần, không để chấp chặt vào cái ta (chấp ngã) và cái của ta (chấp pháp) thì sẽ không gây buồn phiền khổ não. Người ấy phải chấm dứt đoạn diệt sự dính mắc và làm mãi không quên, tu như vậy thì khi qua đời sẽ sinh lên cõi trời Sắc giới, ở cõi Sắc không còn dục nên không phân biệt nam nữ. Hoặc người nào phát nguyện tu sinh về cõi Tịnh như cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà hoặc cõi Đông Phương Lưu Ly Tịnh của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang, khi được sinh về các thế giới ấy rồi thì không còn tham dục nữa nên không còn phân biệt nam nữ nữa. Vì vậy cho nên Đức Phật nói: “Người thiện nữ đó sau khi mãn một thân gái hiện tại, thời đến trăm nghìn muôn kiếp còn không sanh vào cõi nước có người nữ, huống nữa là thọ thân gái!”; nếu người nữ ấy tu hành kiên cố tới mức hết tâm chúng sinh, sẽ đạt tâm sạch sẽ (vô lậu), thì Tâm Địa tức bản tâm tự tánh hiển lộ và được giải thoát vậy.

      Đức Phật nói tiếp:Trừ khi vì lòng từ phát nguyện cần phải thọ thân gái để độ chúng sanh; do nương nơi phước cúng dường Bồ Tát Địa Tạng và sức công đức đó, trong trăm nghìn muôn kiếp chẳng còn thọ thân người nữ lại nữa”. Nghĩa là người đã tu hành đến được sạch hết những xấu xa ô trược rồi thì sẽ đạt được tâm thanh tịnh, có tâm thanh tịnh thì khi qua đời sẽ không còn ở cõi xấu xa ô uế nữa mà sẽ sinh đến cõi tịnh; ở cõi tịnh không có ái dục, nên không có sai khác nam nữ, ngoại trừ người nào phát nguyện muốn làm thân nữ để độ chúng sinh thì sẽ được toại nguyện vậy.

     Thật là sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng vẽ hình, tạc tượng Bồ Tát Địa Tạng, rồi cúng dường vật thực, cầu xin để được như ý muốn thoát khỏi địa ngục. Nếu chỉ cần in hình đúc tượng Bồ Tát Địa Tạng, rồi cúng dường lễ lạy mà cho là đủ phước đức, không còn bị làm thân nữ nữa; thì đây là người vô minh, tin tưởng mù quáng vào Thần quyền vô ích, sẽ không thể nào được toại ý.

     Nên nhớ rằng việc vẽ hình tạc tượng thờ cúng chỉ là tượng trưng cho sự kính ngưỡng đối với Chư Phật và Chư Bồ Tát đã khai thị cho chúng sinh hiểu giáo pháp; còn muốn thoát khổ đạt được chân lý thì phải tự mình làm lấy tức là phải tu hành, không ai làm hộ được, không ai ăn hộ mình được, mà ai ăn người ấy no. Nếu người nào cho rằng vẽ hình tạc tượng Địa Tạng rồi cúng dàng cầu khẩn để được thoát khổ thì đây là thiếu trí tuệ, người này chẳng những không thoát khỏi khổ mà còn vô tình phỉ báng Phật và Bồ Tát; vì sao, vì người này đã nghĩ lầm và làm sai ý của Phật vậy.

5). THÂN XINH ĐẸP

Lại nữa, này Bồ Tát Phổ Quảng! Nếu có người nữ nào chán thân xấu xí và nhiều bịnh tật, đến nơi trước tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng chí tâm chiêm ngưỡng đảnh lễ chừng trong khoảng một bữa ăn, người nữ đó trong nghìn vạn kiếp thọ sanh được thân hình tướng mạo xinh đẹp không có bịnh tật.

Người nữ xấu xí đó nếu không nhàm thân gái, thời trăm nghìn muôn ức đời thường làm con gái nhà Vua cho đến làm Vương Phi, dòng dõi nhà quan lớn cùng con gái các vị đại Trưởng Giả, tướng mạo đoan trang xinh đẹp.

Do vì có lòng chí thành chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng mà đặng phước như thế.

GIẢI NGHĨA

    Câu “Nếu có người nữ nào chán thân xấu xí và nhiều bịnh tật”: Nghĩa là người nữ nào chán ghét thân mình vì xấu, chán bệnh tật vì khổ, chúng ta thấy cái xấu là do người này đời trước đã từng nóng giận, thù hằn, ganh tị nung nấu trong tâm. Cái bệnh là do đời trước đã từng hành hạ sát sinh chúng sinh, khiến phải nhận qủa báo đời này xấu xí và bệnh tật khổ sở. “Người nữ đến nơi trước tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng chí tâm chiêm ngưỡng đảnh lễ chừng trong khoảng một bữa ăn”: Đây là tượng trưng người này mỗi ngày ngồi thiền suy tư chiêm nghiệm về tâm (chiêm ngưỡng đảnh lễ tượng Địa Tạng), sự xấu xí bệnh tật là do đâu mà có? Là do sân hận giận thù và hành hạ sát hại chúng sinh đã tạo thành từ kiếp trước mà ra, do đó từ nay trở đi ta phải sám hối tội lỗi do ta đã gây ra; rồi làm nhiều điều lành tránh làm ác để diệt trừ tận gốc rễ của tội lỗi và gây nhân tốt; mỗi ngày chỉ cần tư duy như thế khoảng nửa giờ thôi (khoảng một bữa ăn). “Người nữ đó trong nghìn vạn kiếp thọ sinh được thân hình tướng mạo xinh đẹp không có bịnh tật”: Nghĩa là khi quán chiếu thấy rõ sự tai hại của nóng giận và sát sinh rồi tu hành đầy đủ, không còn phạm nữa, thì sau này tái sinh trong những kiếp về sau không còn xấu xí và bệnh tật nữa. Nếu yêu thích thân nữ thì các kiếp về sau sẽ được sinh vào làm con gái nhà Vua cho đến làm Vương Phi, dòng dõi nhà quan lớn, cùng làm con gái các vị đại Trưởng Giả, tướng mạo đoan trang xinh đẹp.

     Chẳng phải như có người hiểu câu: “Người nữ nào xấu xí và bệnh tật”, muốn hết xấu xí và bệnh tật thì “Người nữ chỉ cần đến trước hình tượng Bồ Tát Địa Tạng chí tâm chiêm ngưỡng đảnh lễ khoảng một bữa ăn” theo nghĩa đen, thì “người nữ đó trong nghìn vạn kiếp thọ sinh được thân hình tướng mạo xinh đẹp không có bệnh tật”, nếu hiểu theo nghĩa đơn giản một cách thật thà chất phác mà cho rằng chỉ cần có lòng chí thành chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng mà được phước như vậy là sai lầm to lớn đó.

6). QỦI THẦN HỘ VỆ

Lại nữa, này Phổ Quảng! Như có người thiện nam, người thiện nữ nào có thể đối trước tượng của Bồ Tát Địa-Tạng mà trỗi các thứ kỹ nhạc, ngâm ca khen ngợi, dùng hương hoa cúng dường, cho đến khuyến hóa được một người hay nhiều người.

Những hạng người này ở trong đời hiện tại cùng thuở vị lai sau, thường được vô svị Quỉ Thần ngày đêm theo hộ vệ, không cho những kẻ hung dữ đến gần người đó và chẳng để cho người đó phải chịu các tai vạ bất ngờ!

GIẢI NGHĨA

     Lại nữa, này Phổ Quảng! Như có người thiện nam, người thiện nữ nào có thể đối trước tượng của Bồ Tát Địa-Tạng mà trỗi các thứ kỹ nhạc, ngâm ca khen ngợi, dùng hương hoa cúng dường, cho đến khuyến hóa được một người hay nhiều người. Đây là nói về người thiện tức người giữ đầy đủ 5 giới, giảng tụng Kinh này (trỗi các thứ kỹ nhạc), tán thán Tâm Địa (ngâm ca khen ngợi Bồ Tát Địa-Tạng), khuyến khích xa lià rời bỏ các Căn dính mắc các Trần (dùng hương hoa cúng dường). Dùng tâm thanh tịnh khen ngợi Tâm Phật, chê bai tâm chúng sinh, giảng nói để chuyển hóa nhiều người hay chỉ một người, thì “Những hạng người này ở trong đời hiện tại cùng thuở vị lai sau, thường được vô số vị Quỉ Thần ngày đêm theo hộ vệ, không cho những kẻ hung dữ đến gần người đó và chẳng để cho người đó phải chịu các tai vạ bất ngờ!”. Đây là lợi ích của những người tu hành chân chính và làm lợi ích chúng sinh, được sự hộ vệ của hàng Qủy Thần, và nhất là có sự gia trì của Chư Phật và Chư đại Bồ Tát vậy.

     Chứ chẳng phải có người cho rằng người thiện nào có thể trước bàn thờ Bồ Tát Địa Tạng, mà đàn ca cho thật hay, kể cả ngâm thơ ca ngợi Bồ Tát; lại dùng hoa đẹp, hương thơm cúng dường. Người ấy khuyến dụ được một người hay nhiều người cùng làm như thế, thì người này được các qủy thần hộ vệ, do đó người ác không dám đến gần và người ấy sẽ không bị các tai vạ bất ngờ. Nếu hiểu theo nghĩa đen như vậy là qúa thật thà, vì làm như thế không phải là tu mà là giúp vui cho những người khác, ca ngợi nịnh hót Bồ Tát theo lề lối thế gian. Như vậy không phải là người tu chân chính, sẽ không thể nào được qủy thần hộ vệ, sẽ không thể tránh khỏi các tai vạ bất ngờ nếu người ấy có nghiệp xấu.

(Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567