- Phần 1
- Phần 2
- Phần 3
- Phần 4
- Phần 5
- Phần 6
- Phần 7
- Phần 8
- Phần 9
- Phần 11
- Phần 12
- Phần 13
- Phần 14
- Phần 15
- Phần 16
- Phần 17
- Phần 18
- Phần19
- Phần 20
- Phần 21
- Phần 22
- Phần 23
- Phần 24
- Phần 25
- Phần 26
- Phần 27
- Phần 28
- Phần 29
- Phần 30
- Phần 31
- Phần 32
- Phần 33
- Phần 34
- Phần 35
- Phần 36
- Phần 37
- Phần 38
- Phần 39
- Phần 40
- Phần 41
- Phần 42
- Phần 43
- Phần 44
- Phần 45
- Phần 46
- Phần 47
- Phần 48
- Phần 49
- Phần 50
- Phần 51
- Phần 52
- Phần 53
- Phần 54
- Phần 55
- Phần 56
- Phần 57
- Phần 58
- Phần 59
- Phần 61
- Phần 62
- Phần 63
- Phần 64
KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 16)
Pháp Sư Tịnh Không
Mười loại tâm nghịch sanh tử luân hồi như sau:
Thứ nhất, Phật khuyên bảo chúng ta phải “minh tín nhân quả”, bốn chữ này rất hay. Minh là trí tuệ, không phải mê tín. Đối với chân tướng sự thật, bạn phải làm cho rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, chân thật tin tưởng nhân quả. Phật nói tất cả kinh đều không rời nhân quả, thế gian pháp không thể thoát khỏi nhân quả, Phật pháp cũng không thể thoát khỏi nhân quả. Nhân quả tuyệt đối không phải mê tín, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, đó là nhân quả. Nhất định không thể trồng đậu được dưa, trồng dưa được đậu, cho nên nhân thiện nhất định được quả thiện, nhân ác nhất định cảm ác báo. Thế nhưng có lẽ chúng ta sẽ xem thấy một số hiện tượng trong xã hội dường như không hề tương ưng với những gì Phật pháp đã nói, một số người ác hưởng phước, người thiện thì bị chịu tội, đời sống vô cùng khốn khổ, việc này dường như không phù hợp với sự thật nhân duyên quả báo mà Phật pháp đã nói. Thực ra đó là bạn chưa tường tận thông suối đối với sự thật và luân lý của nhân quả.
Cho nên không hiểu “Minh tín nhân quả” mới sanh ra hiểu lầm. Nhân quả thông cả ba đời, điểm này chúng ta nhất định phải tin tưởng, phải khẳng định. Bất cứ chúng sanh nào cũng có đời quá khứ, hiện tại, và tương lai. Nhân quả thông cả ba đời, đời trước tu thiện tích đức, đó là trồng nhân thiện thì đời này được giàu sang phú quý. Cái họ hưởng là phước báu, quả quá lớn, đời này cho dù tạo rất nhiều tội nghiệp nhưng cái phước thừa vẫn chưa hưởng hết, cho nên họ vẫn đang tiếp tục hưởng phước. Thế nhưng các vị phải biết, ngay trong đời này, họ chỉ hưởng phước lại tạo tội nghiệp, không chịu tu phước thì phước báu tuy lớn cũng sẽ tiêu hao rất nhanh. Phước báu có thể rất lớn đến mức khi họ lâm chung, phước báu lớn vẫn hiện tiền, tội báo chưa hiện ra, thế nhưng đời sau của họ thì thê thảm, việc này chúng ta cũng thường xem thấy. Đó là những người có phước báu rất lớn, còn những người không có phước báu lớn như vậy, họ hưởng phước cũng không chịu tu phước, lại còn tạo ác. Hưởng được vài mươi năm thì phước báu cũng sẽ không còn, nôm na gọi là phá sản, cuối đời của họ không bảo đảm. Trong xã hội, chúng ta cũng đã xem thấy rất nhiều hiện tượng này.
Đối với người tu phước, cuộc sống cả đời rất khổ cực do đời quá khứ không tu phước nên hiện tại họ phải chịu quả báo. Ngày nay họ tu phước tích thiện, trồng nhân tốt thì đời sau họ được phú quí. Cho nên người phú quí không phải đời đời phú quí, người nghèo khổ cũng không phải đời đời nghèo khổ. Tạo hoá đối với người rất công bình, đời này hưởng phước, đời sau chịu tội; người đời này chịu tội thì đời sau hưởng phước, nhân duyên quả báo không hề sai lọt. Khi hiểu rõ đạo lý, thông đạt chân tướng sự thật thì chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực đoạn ác tu thiện, sám trừ nghiệp chướng, quả báo ngay đời này có thể hiện tiền, liền có thể hưởng thụ. Đó mới là người thông minh sáng suốt. Cho nên bốn chữ “Minh tín nhân quả” bạn chân thật hiểu rõ, chịu làm sẽ thay đổi được vận mạng của mình.
Tiên sinh Viên Liễu Phàm đời nhà Minh đã thay đổi được vận mạng của chính mình. Trong mạng của ông không có công danh, còn gọi là học vị. Ông đi học không lấy được học vị. Sách đọc rất tốt nhưng đi thi thì không đậu, vì không có cái mạng này. Nếu trong mạng có thì dù sách học không tốt lắm nhưng đi thi cũng gặp được mấy đề mục đã biết, họ liền thi đậu. Tiên sinh Liễu Phàm trong mạng không có học vị cao. Học vị của ông chỉ đến tú tài, nhưng sau cùng ông lấy được tiến sĩ, học vị cao nhất. Do ông đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức mà cầu được, chân thật “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng”. Trong mạng của ông không có con cái nhưng ông cầu được con trai. Kết quả sau đó ông sanh hai đứa con trai đều ngoan, hiếu tử hiền tôn. Trong mạng ông tuổi thọ không dài, chỉ khoảng 53 tuổi. Ông tuyệt nhiên không cầu tuổi thọ, tuy không cầu trường thọ nhưng sự tích công bồi đức tự nhiên ông liền được tăng thêm tuổi thọ sống đến hơn bảy mươi tuổi.
Trong mạng không có nhưng có thể cầu được. Rất nhiều người thế gian hiện tại đến chùa miếu thắp hương bái Phật dập đầu để cầu thăng quan phát tài, khi vừa cầu được như ý thì cho là Phật Bồ tát rất linh. Kỳ thật do trong mạng của bạn có, cũng vừa lúc vào năm đó bạn phải phát tài, bạn đi cầu xin cũng vừa vặn gặp được chứ không phải Phật Bồ tát bảo hộ. Đó là trong mạng có. Giả như Phật Bồ Tát thật linh nghiệm như vậy thì mỗi người đi cầu xin đều phải được phát tài, được thăng quan tiến chức, đàng này một trăm người đi cầu xin mà chỉ có một người phát, còn chín mươi chín người kia không phát, nên tôi không tin do các ngài linh. Việc này đầu óc chúng ta phải tường tận một chút, đừng để mê hoặc điên đảo đến như vậy. Chỉ có Phật dạy chúng ta một người cầu xin một người nhận được, một vạn người cầu xin thì một vạn người nhận được, không thể sót, nó có đạo lý trong đó. Cho nên chúng ta phải chân thật tin sâu nhân quả. Học Phật cũng phải ngay nhân quả mà bắt đầu.
Tôi ở mỗi nơi đều khuyên mọi người học Phật, đều dạy người phải từ “Liễu Phàm Tứ Huấn” mà học. Tôi không dạy họ phải bắt đầu từ bộ kinh luận nào, mà trước tiên bạn đem “Liễu Phàm Tứ Huấn” đọc qua ba trăm lần. Phải hạn định thời gian đọc nó cho xong, chí ít một ngày đọc một lần, đọc trong một năm bạn liền có tâm đắc. Bạn sẽ tin tưởng, hiểu rõ, lý giải, đời sống liền có sự thay đổi. Mỗi ngày bạn phải đọc qua một lần mới hữu dụng. Đạo lý này cũng là ở trong giáo học chúng ta đã đề xướng “Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Còn đọc gián đoạn thì sẽ không có hiệu quả.
Ngày trước Đại sư Ấn Quang dạy người, cách dạy của ngài chính là như vậy. Cả đời đại sư toàn tâm toàn lực đề xướng “Liễu Phàm Tứ Huấn”, đề xướng “Cảm Ứng Thiên”, và đề xướng “An Sĩ Toàn Thư”. Ba loại này đều là môn sám hối chân thật, dạy chúng ta tu “Sám trừ nghiệp chướng” của Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Bạn đọc thuộc, chân thật hiểu rõ, chân thật thấu suốt, khi đó bạn đối nhân xử thế tiếp vật, cách nhìn cách nghĩ của bạn tự nhiên sẽ chuyển đổi lại, sẽ đoạn tất cả ác tu tất cả thiện. Bạn không có công lực của ba trăm biến này, đoạn ác tu thiện rất khó làm được, vì sao? Cái ác là tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay, làm gì dễ dàng chuyển đổi. Cho nên “Minh tín nhân quả” của Phật thì chữ “Minh” là then chốt vô cùng quan trọng. Bạn phải có trí tuệ, tuyệt đối không phải mê tín. Sau khi chân thật tin tưởng nhân quả, tự nhiên bạn sẽ không đùn đẩy trách nhiệm, sẽ không nói chính mình tạo tác tội nghiệp đều do người khác. Những việc mình làm sai rồi đẩy qua cho người khác, trọng tội này vô cùng sâu nặng.
Ngày nay chúng ta xem thấy trong xã hội tai biến khắp địa cầu, họ không bao giờ cho rằng “Đó là trách nhiệm của tôi”. Các vị hãy tỉ mỉ nghĩ xem, mấy mươi năm sống trên đời này, có bao giờ bạn thấy ai quy trách nhiệm cho chính mình về những tai biến trên địa cầu, có hay không? Không chỉ không thấy qua, thậm chí nghe cũng chưa từng nghe qua. Giả sử có nghe qua thì phần lớn mọi người cho kẻ đó là loại người hồ đồ, tai hại tự nhiên này có liên quan gì với cá nhân ai, cơn cớ gì phải gánh vác trách nhiệm chứ? Kỳ thực chân thật là trách nhiệm của chính mình đặc biệt là bốn chúng đệ tử nhà Phật chúng ta, tại gia, xuất gia đều như vậy. Xuất gia, chúng ta không giống như một người xuất gia, không hề làm tốt công việc của người xuất gia cho nên mới vướng phải cái tai biến của thế gian này, đó chẳng phải Phật đã nói “Y báo tuỳ theo chánh báo chuyển”. Cái chánh báo của chúng ta không tốt cho nên cảm đến y báo liền có tai nạn, đương nhiên là trách nhiệm của ta. Tại gia học Phật cũng không ngoại lệ. Không luận bạn trải qua đời sống như thế nào, từ công việc nghề nghiệp nào, bạn không ở ngay trong công việc nghề nghiệp của bạn mà hành Bồ tát đạo. Học Phật không gì khác hơn là chúng ta phải hành Bồ tát đạo.
Cái gì gọi là Bồ tát đạo? Làm gương tốt cho tất cả chúng sanh, người xuất gia phải làm tấm gương tốt cho người xuất gia; người tại gia phải làm tấm gương tốt cho người tại gia. Bạn là người vợ trong gia đình thì phải là một tấm gương tốt cho những người vợ trong gia đình. Bạn buôn bán mở cửa hàng, cái cửa hàng cũng phải là một gương tốt cho tất cả các cửa hàng, đoan chánh lòng người, đoan chánh xã hội, y báo này đương nhiên sẽ chuyển đổi được. Đệ tử Phật hành Bồ Tát đạo, không luận từ nơi nghề nghiệp nào, nhất định phải phát tâm. Ta dùng phương thức đời sống, dùng cái nghề nghiệp của mình để phục vụ xã hội. Chúng ta cống hiến phục vụ xã hội, không có tâm tham, không màng danh lợi, hoàn toàn chỉ phục vụ, đó mới chính là Bồ tát. Nếu lấy danh lợi làm mục đích, đó là tâm phàm phu. Cùng làm một công việc như nhau, Bồ tát cùng phàm phu không hề khác biệt, chỉ có dùng tâm trên quan niệm không giống nhau. Một người vì chính mình, một người vì xã hội, vì chúng sanh.
Khu vực Singapore là đất phước, có nhiều Bồ tát. Làm sao biết được có nhiều Bồ tát? Chúng ta ở nơi đây giảng Bồ tát kinh, bạn xem thấy rất nhiều Bồ tát đến nghe. Nhưng nếu giảng kinh này ở khu vực khác sẽ không có được mấy người nghe. Khi ở Hoa Kỳ giảng kinh, có đến một trăm người nghe. Pháp duyên như vậy đã được xem như rất thù thắng. Một lần pháp sư Diễn Bồi nói với tôi rằng ông được Thẩm Gia Trinh mời đến Hoa Kỳ. Lúc đó ông không rõ tình hình của Hoa Kỳ nên rất hoan hỉ, bỏ tất cả những gì có được ở Singapore, di dân đến Hoa Kỳ. Việc di dân cũng rất thuận lợi, giấy mời di dân đến ngay trong ngày, chỉ nửa giờ là nhận được. Trường hợp này rất ít. Ông di dân đến nước Mỹ ngay trong ngày, bên đó giảng kinh nói pháp tại chùa Đại Giác ở Newyork, đó là đạo tràng của cư sĩ Thẩm Gia Trinh. Hôm đó pháp sư Diễn Bồi giảng kinh cho hơn năm mươi người nghe. Sau khi giảng xong ai ai cũng đồng tán thán, họ còn ca ngợi pháp duyên của ngài thù thắng vì thính chúng tham dự đông như vậy. Pháp sư Diễn Bồi kể lại: “Tôi nghe họ nói mà nước mắt từ trên đầu chảy xuống đến chân. Tôi ở Singapore giảng kinh có mấy ngàn người đến nghe, nơi đây chỉ có năm mươi người mà đã là pháp duyên quá thù thắng rồi. Tôi liền vội vàng quay trở về Singapore, không cần thẻ xanh ở Hoa Kỳ nữa”, đó là sự thật
Ngày nay bạn giảng kinh nói pháp ở bất cứ nơi nào trên toàn thế giới, số lượng người đến nghe nhiều nhất chỉ ở Singapore hoặc Đài Loan. Nếu mỗi ngày giảng kinh tại một đạo tràng, muốn duy trì số lượng người nghe nhiều là việc không dễ. Thỉnh thoảng diễn giảng một lần thì sẽ có mấy ngàn người đến tham gia, không khí nhộn nhịp, náo nhiệt, còn mỗi ngày đến giảng kinh thì sẽ không náo nhiệt như vậy. Người đến nghe mỗi ngày đông đảo mới chính là Bồ tát chân thật, muốn đến để học Bồ tát đạo, tu hạnh Bồ Tát. Ở nơi đây, có lúc tôi ngưng giảng mười năm. Ngay trong mười năm này, thính chúng có tăng không giảm, mỗi năm đều nhiều hơn một vài người. Cho nên tôi mới nói nơi đây có nhiều Bồ tát.
Thứ hai, “tự hối khắc trách”. Bồ tát chân thật nhất định tự hổ thẹn, trách cứ chính mình tu chưa được tốt nên mới kéo theo những chúng sanh chịu tội chịu khổ, làm cho thế gian có nhiều tai biến đến thế. Phải trách cứ chính mình, phải nỗ lực chăm chỉ gia công tu hành, cho nên sự hối trách này là một động lực rất lớn đối với bản thân, thúc đẩy chính mình dõng mãnh tinh tấn, đoạn ác tu thiện. Người thế gian làm việc cần lao với động lực danh lợi thúc đẩy, bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền, vì món tiền đó mà liều mạng, đến khi kinh tế suy thoái, tiền lập tức bị thâm hụt. Gian nan khổ cực kiếm được nhiều, bỗng chốc không còn. Tuy nhiên nếu phát ra tâm Bồ Đề, vì xã hội, vì đại chúng mà nỗ lực làm việc, thì họ vĩnh viễn sẽ không bị hao hụt, mãi mãi tinh tấn, mãi mãi hướng lên trên, chân thật tích đại công đại đức, quả báo thù thắng không thể nghĩ bàn. Những sự cùng lý này, chúng ta đều phải rõ ràng tường tận, nhất định khi xem thấy hiện tượng bên ngoài, chính mình phải sanh tâm hổ thẹn, phải trách cứ chính mình.
Thứ ba, Phật nhắc nhở chúng ta “ác đạo đáng sợ”. Đó là ba đường ác mà kinh đã nói, đường ác dễ bước vào, khó bước ra. Ba đường ác do nguyên nhân nào mà hình thành? Phật nói với chúng ta, đường ngạ quỷ do lòng tham, tâm tham nặng đọa vào đường ngạ quỷ; đường địa ngục do tâm sân hận; đường súc sanh do tâm ngu si. Tâm ngu si là đối với tà chánh, thật giả, thiện ác, lợi hại đều không rõ ràng, mơ mơ hồ hồ, đó là ngu si. Thế gian này người tốt người xấu đều không phân rõ ràng, việc tốt việc xấu cũng không tường tận, luôn làm những việc điên đảo, quả báo sẽ ở đường súc sanh. Một số vị cho rằng, đường súc sanh dường như tuổi thọ ngắn, lo gì không dễ dàng thoát khỏi đường súc sanh. Thực ra, đường súc sanh có một số loài tuổi thọ ngắn nhưng cũng có loài tuổi thọ rất dài. Cho dù tuổi thọ ngắn, họ cũng không dễ gì thoát khỏi. Súc sanh ngu si nên nó chấp trước cái thân tướng đó chính là nó, sau khi chết vẫn trở lại súc sanh, rất khó đi đến được đường khác để thọ sanh. Việc này sẽ rất phiền phức, thí dụ trên kinh Phật kể một câu chuyện.
Năm xưa khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, Kỳ Viên Tịnh Xá có một ít công trình, khi thi công thấy dưới đất có một ổ kiến. Đức Phật thấy liền mỉm cười, các học trò đi theo Phật liền hỏi: “Vì sao ngài mỉm cười những con kiến này?” Phật liền trả lời: “Đàn kiến ngu si, bảy vị Phật xuất thế mà nó vẫn chưa thoát khỏi thân kiến”. Một vị Phật xuất thế mất đến ba a tăng kỳ kiếp, huống hồ bảy vị Phật xuất thế, hai mươi mốt a tăng kỳ kiếp, mà nó vẫn còn làm kiến, khi kiến chết rồi đầu thai lại vẫn làm kiến, đời đời kiếp kiếp làm kiến, không thể thay đổi một thân khác. Cho nên đường súc sanh cũng không dễ gì thoát khỏi thân súc sanh.
Tuổi thọ của đường ngạ quỷ dài, kinh Phật nói, một ngày trong cõi quỷ bằng một tháng ở nhân gian chúng ta. Tuổi thọ của cõi quỷ cũng giống như nhân gian chúng ta vậy. Một năm ba trăm sáu mươi ngày, mười hai tháng, thế nhưng phải ghi nhớ một ngày của họ là một tháng của nhân gian chúng ta. Tuổi thọ của họ, đoạn mạng cũng phải mất một ngàn tuổi, mạng dài đến ngàn ngàn tuổi, có đáng sợ không? Bạn đọa vào đường ngạ quỷ thì lúc nào mới có thể ra được. Nếu tính cũng phải đến mấy vạn năm sau bạn mới có thể thoát ra. Những ngày tháng đó thật khốn khổ. Trong cõi quỷ không nhìn thấy mặt trời. Mặt trời, trăng sao, ba ánh sáng này đều không nhìn thấy, bầu trời luôn một màu tối đen. Chúng ta mấy ngày không nhìn thấy mặt trời đã cảm thấy rất khó chịu, huống hồ ở trong cõi quỷ phải chịu mấy vạn năm không nhìn thấy mặt trời, nghĩ thử xem những ngày tháng đó có khổ không? Đời sống cõi quỷ rất khủng khiếp. Cho nên trong ba đường, cõi quỷ gọi là đao đồ, đường súc sanh gọi là huyết đồ. Súc sanh chết đều ăn không ngon, đều máu chảy ăn nuốt lẫn nhau, súc sanh không được chết yên, con lớn ăn con nhỏ. Còn cõi quỷ vì sao gọi là đao đồ? Đao là thường hay có người đến giết hại, thân tâm của họ thường bất an, luôn sống trong khủng khiếp. Địa ngục gọi là hỏa đồ, một biển lửa. Kinh Phật có nhiều cách nói khác nhau về tuổi thọ của địa ngục nhưng tuyệt nhiên không phải Phật nói sai. Sở dĩ khác biệt của tuổi thọ lớn là bởi vì chủng loại địa ngục không như nhau, có một số tuổi thọ trong địa ngục rất dài nhưng cũng có một số chịu khổ trong địa ngục tương đối nhẹ nên tuổi thọ ngắn hơn một chút.
Vậy chúng ta căn cứ trên kinh để biết trong đường địa ngục, một ngày bằng hai ngàn bảy trăm năm ở nhân gian. Đất nước chúng ta ở được gọi là nước văn minh cổ xưa có lịch sử năm ngàn năm, nhưng đối với địa ngục vẫn chưa đến hai ngày. Kinh Phật nói, địa ngục cũng được tính là một năm ba trăm sáu mươi ngày, nhưng một ngày của họ dài hơn hai ngàn bảy trăm năm chúng ta. Yểu mạng của họ cũng một vạn tuổi, trường thọ thì đến vạn vạn tuổi, rất khủng khiếp. Cho nên mỗi giờ mỗi phút nhất định phải đề cao cảnh giác, không nên tạo nghiệp địa ngục, nghiệp của ba đường càng không thể tạo. Phật nói trong mười ác nghiệp, nghiêm trọng nhất chính là đọa địa ngục, kế đến đọa ngạ quỷ, nhẹ nhất là đến súc sanh.
Mười ác nghiệp, thân đã tạo ra sát sanh, trộm cắp, tà dâm; miệng tạo ra nói dối, nói hai chiều, nói thêu dệt bằng lời ngon ngọt mê hoặc lòng người, nói thô lỗ; ý nghiệp tham sân si. Giả như mỗi ngày tạo mười loại nghiệp này thì tiền đồ của bạn không cần đi hỏi người khác, nhất định đến ba đường ác. Cho nên càng nghĩ càng đáng sợ, chúng ta nhất định không làm việc này, không những chúng ta không chịu đọa ba đường ác mà ba đường thiện trong sáu cõi, chúng ta cũng không cần, vì sao? Vì không cứu cánh. Bạn muốn tu nhân thiên phước báu, đời sau được thân người lại hưởng phước, người hưởng phước hiếm ai có đầu óc tỉnh táo, hiếm người không mê hoặc, vậy thì phước của bạn hưởng hết. Thế gian này người có phước báu rất nhiều, chúng ta cũng có lúc có cơ hội gặp được. Họ hưởng phước tạo tội nghiệp, muốn giúp họ mà không thể giúp. Bạn có khuyên lơn, họ cũng bỏ ngoài tai, không nghe, căn bản không muốn bạn nói thêm nữa, vậy thì không còn cách nào. Họ vẫn tùy theo tập khí, tùy theo nghiệp chướng của họ, trải qua đời sống cuồng vọng tham dục, tiêu hao hết sạch phước báu của đời quá khứ đã tu được. Sau đó đến ba đường ác để đối chất. Chỉ như vậy, chúng ta xem thấy thật đáng thương nhưng không cách gì cứu, cho nên nhất định phải thường giữ tâm “Khiếp sợ đường ác”.
(Còn tiếp ...)
KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC
Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG
Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên