- Phần 1
- Phần 2
- Phần 3
- Phần 4
- Phần 5
- Phần 6
- Phần 7
- Phần 8
- Phần 9
- Phần 11
- Phần 12
- Phần 13
- Phần 14
- Phần 15
- Phần 16
- Phần 17
- Phần 18
- Phần19
- Phần 20
- Phần 21
- Phần 22
- Phần 23
- Phần 24
- Phần 25
- Phần 26
- Phần 27
- Phần 28
- Phần 29
- Phần 30
- Phần 31
- Phần 32
- Phần 33
- Phần 34
- Phần 35
- Phần 36
- Phần 37
- Phần 38
- Phần 39
- Phần 40
- Phần 41
- Phần 42
- Phần 43
- Phần 44
- Phần 45
- Phần 46
- Phần 47
- Phần 48
- Phần 49
- Phần 50
- Phần 51
- Phần 52
- Phần 53
- Phần 54
- Phần 55
- Phần 56
- Phần 57
- Phần 58
- Phần 59
- Phần 61
- Phần 62
- Phần 63
- Phần 64
KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 23)
Pháp Sư Tịnh Không
Câu thứ hai, “Thâm tín nhân quả”
Cái nhân quả này không phải là nhân quả thông thường. Thông thường chúng ta gọi nhân quả, trồng nhân thiện được quả thiện, bạn tạo tác nhân ác đương nhiên có ác báo, đó là nhân duyên quả báo thiện ác, cái ý này còn thấp. Trong tam phước ý nghĩa của “Thâm tín nhân quả” rất sâu. Nhân quả này chuyên nói niệm Phật “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Thế nhưng rất ít người hiểu được hai chữ “niệm Phật”, họ đều nghĩ đến miệng niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”. Thực ra, đó không gọi là niệm, mà gọi là hát Phật, bởi vì hát thì chỉ có miệng chứ không có lòng, không thể gọi là niệm Phật.
Chữ Trung Quốc rất trí tuệ, chữ “niệm” của Trung Quốc là một chữ “kim” và một chữ “tâm”. Trong tâm hiện tại của bạn có Phật, vậy gọi là niệm Phật, miệng niệm hay không niệm không hề gì, trong lòng thật có Phật, mỗi niệm đều là Phật. Phật ở trong tâm của bạn chưa từng bị gián đoạn, con người này mới chân thật là người niệm Phật. Chúng ta thường nói “buộc chặt niệm trong tâm”, thường hay niệm lấy. Trên thế gian, người mẹ luôn nhớ con cái của mình, niệm lực này rất mạnh. Cho dù con cái bất hiếu, hay con cái ở phương xa, người mẹ vẫn ngày ngày nhớ chúng, ngày ngày nghĩ đến. Nếu có thể đem cái niệm này đổi thành A Di Đà Phật thì họ nhất định sẽ thành Phật.
Chúng ta phải suy xét cặn kẽ hơn, trong lòng thật có Phật, trong lòng thật có pháp, chân thật muốn đem pháp môn niệm Phật thù thắng giới thiệu cho tất cả chúng sanh; cùng với Bốn mươi tám lời nguyện của Phật A Di Đà, mỗi nguyện đều tương ưng. Một người chân thật niệm Phật chính là người thế giới Tây Phương Cực Lạc rộng độ chúng sanh, là người thừa nguyện tái lai đến thế gian này; sống vì tất cả chúng sanh, chết cũng vì tất cả chúng sanh; sinh hoạt và làm việc đều vì tất cả chúng sanh. Vì chúng sanh là chân thật vì chính mình. Vì chính mình mà bỏ quên chúng sanh là đặc biệt sai lầm, đó là tâm phàm phu, tâm luân hồi, không phải tâm Bồ Đề. Chúng ta phải sâu sắc tin tưởng cái nhân quả này “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”.
Câu thứ ba, “Đọc tụng Đại thừa”
Bộ kinh này là kinh đại thừa, “Phật Thuyết đại thừa”, nên không cần phải niệm đại thừa khác. Đọc một bộ kinh đại thừa cũng là đọc tất cả kinh đại thừa, đó là tổng cương lĩnh, là tinh hoa đại diện. Mỗi ngày đọc đồng nghĩa tiếp nhận giáo huấn của Phật đà. Đọc qua một biến cũng giống như nghe Phật giảng khai thị một lần. Vì sao phải niệm mỗi ngày? Vì chúng ta chưa làm được. Không nên mỗi ngày đọc kinh một cách giải đãi, mệt mỏi, ngày ngày nghe Phật nói những lời này sanh ra xem thường, không có gì mới lạ. Bởi vì bạn không làm đến được cho nên phải đọc kinh mỗi ngày để được nhắc nhở. Ba ngày không đọc kinh, tâm bệnh, tập khí, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta liền thảy đều đầy đủ, vậy không đọc kinh sao được. Mỗi ngày chí ít phải đọc một lần, sau khi đọc phải ghi nhớ, phải hiểu ý nghĩa những lời nói trong kinh.
Lần này chúng ta ở Cư Sĩ Lâm có thể trong khoảng thời gian dài. Tôi đã bỏ hết tất cả những lời mời thỉnh của các khu vực khác để lưu lại nơi đây, giảng một bộ kinh Vô Lượng Thọ này, cùng với các vị đồng tu làm một cuộc nghiên cứu tỉ mỉ, nỗ lực tham hiểu, cố gắng mà học tập. Đọc tụng đại thừa là cần thiết, nhưng đọc tụng mà không hiểu được ý thì không được. Không hiểu ý thì đương nhiên bạn sẽ không biết phải làm thế nào. Nhất định phải hiểu được ý “Tín Giải Hành Chứng”, rồi sau đó mới có thể y dạy mà làm. Sau khi làm, bạn liền có sở đắc, có những công đức thù thắng nào?
Thứ nhất phiền não không còn. Cho dù phiền não không thể hoàn toàn hết nhưng cũng ít đi, vọng niệm ít, mọi người liền trở nên thông minh, có trí tuệ. Bạn được chuyển biến ngay tâm lý. Tâm lý chuyển biến thì dung mạo của bạn cũng đổi tốt theo. Mọi người chẳng phải đều hy vọng mình lớn lên xinh đẹp sao. Các vị thử so sánh với Bồ Tát Quán Thế Âm, so sánh với Phật A Di Đà xem. Phật A Di Đà có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, một chút kém khuyết cũng không có. Kinh Phật nói “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, thân thể dung mạo của chúng ta là do tâm tưởng sanh. Mỗi ngày bạn nghĩ tham, khi nghĩ tham nhiều, mặt người sẽ giống như mặt quỷ, vì lòng tham sanh ngạ quỷ. Ngày ngày tham tài, tham sắc, tham danh, tham lợi, bạn từ từ tỉ mỉ mà xem, tướng mạo đó dần lộ ra mặt quỷ. Tâm sân hận quá nặng, mặt địa ngục hiện ra. Ngu si hiện mặt súc sanh, vậy vì sao bạn không tưởng Phật? Ngày ngày nghĩ Phật, khuôn mặt chúng ta liền sẽ biến thành mặt của Phật. Nếu các vị muốn chính mình lớn lên xinh đẹp, dễ thương, mỗi ngày nghĩ tưởng Quán Thế Âm Bồ Tát, nghĩ tưởng Phật A Di Đà, cứ nghĩ tưởng ba năm, tướng mạo của các vị liền giống như Phật Bồ Tát, đó gọi là tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.
Phương pháp niệm Phật được nói rất tường tận trong “Thập Lục Quán Kinh”. Nguyên lý của quán tưởng chính là tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, tưởng cái gì thì biến ra cái đó. Cho nên tuổi tác lớn, tại sao không nghĩ mình còn trẻ. Thường hay nghĩ trẻ thì ta sẽ không già. Vạn nhất không nên lo sợ tuổi tác lớn, ngày ngày nghĩ già thì năm sau sẽ già hơn năm trước. Thông thường người thế gian trước khi về hưu, họ không nghĩ họ già, ngày ngày bận lo làm việc nên quên mất tuổi già, tốc độ của sự lão hoá đến với họ rất chậm. Sau khi vừa thoái hưu, hai năm không gặp mặt mà cứ ngỡ hai mươi năm không gặp, họ già rất nhanh, do nguyên nhân gì? Vì họ không có việc làm, mỗi ngày đều nghĩ già, nghĩ bệnh. Ngày ngày chỉ có việc đi khám bác sĩ, khổ nói không ra lời. Chính họ không thể hiểu vì sao họ lại thành ra như vậy, nhưng chúng ta thì biết. Do quan niệm của họ sai.
Tại sao người học Phật, người chân thật dụng công, dù tuổi tác lớn vẫn không già? Vì họ ngày ngày tưởng Phật, tưởng Bồ Tát, ngày ngày nghiên cứu kinh giáo, cho nên pháp hỉ sung mãn. Các vị phải biết, dinh dưỡng tốt nhất cho thân thể con người là hoan hỉ. Người thế gian cũng thường nói, gặp việc vui tinh thần phấn chấn, đạo lý chính là như vậy. Nếu chân thật vào được Phật pháp, thể hội được nghĩa thú của kinh điển, pháp hỉ sung mãn, thì một ngày từ sớm đến tối hoan hỉ, công việc có nhiều hơn cũng không biết mệt, cũng không cần uống bất cứ thuốc thang gì của thế gian.
Lão pháp sư Hàn Quốc đến đây đã hai ngày, chúng ta muốn tiếp đãi ông nên hỏi ông thích ăn uống gì? Ông bảo thích uống nước lạnh, nước biểu hiện tâm địa thanh tịnh từ bi. Lão pháp sư đến đây để hiện thân nói pháp, biểu diễn cho chúng ta xem. Phật nói những lý luận phương pháp này bạn phải thật làm mới có hiệu quả. Đọc kinh đại thừa phải hiểu nghĩa đại thừa, tu hạnh đại thừa, phải biến nó thành tư tưởng, kiến giải, hành vi thì chúng ta mới được thọ dụng chân thật. Sau khi được thọ dụng chân thật thì lợi ích chúng sanh liền thuận tiện.
Câu thứ tư, “Khuyến tấn hành giả”
Khuyến là khuyến khích, giúp người khác tiến bộ về mặt đức hạnh, học vấn, năng lực, công việc, thậm chí tiến bộ trên đời sống. Phật pháp là giáo dục toàn diện, không phải một cục diện nào. Trong trường học thế gian, bạn học một hệ khóa, cả thảy xã hội, bạn chỉ biết được cục bộ, cho nên “khác nghề như cách núi”, khi gặp một nghề nghiệp khác thì bạn bế tắc không thông. Phật pháp không phải như vậy, Phật pháp là viên dung. Phật pháp một thứ thông thì tất cả đều thông, không chỉ ở trong cửa Phật, tông phái, học thuật, kinh luận mà tất cả ngành nghề trên thế gian này cũng đều được thông suốt, không có chướng ngại.
Năm xưa Thích Ca Mâu Ni Phật còn ở đời, không ít người cố ý gây khó khăn, đến hỏi một số việc mà cả đời Phật chưa từng làm qua, chưa từng có kinh nghiệm để xem thử ngài có hiểu hay không. Phật đều hiểu. Thí như Thế Tôn xuất thân từ một vương tử. Trước khi xuất gia là một hoàng thái tử, trải qua đời sống giàu có. Sau khi xuất gia, tu hành cầu đạo, ngài chưa từng làm công việc cực nhọc. Có người nói Phật mọi thứ đều có thể, vạn đức vạn năng, nên đến hỏi ngài cách thả bò. Thích Ca Mâu Ni Phật chưa từng thả bò, nuôi bò, chăm sóc bò như thế nào. Thế nhưng khi được hỏi, Thích Ca Mâu Ni Phật liền dạy họ làm thế nào chăm sóc bò, cách chăn bò ra sao. Đại Tạng Kinh còn có “Phóng Ngưu Kinh”, cao minh hơn rất nhiều so với người ngày ngày chăn bò. Mọi người gật đầu bội phục, thật có trí tuệ, ngài không hề học nhưng gì cũng biết.
Do đó, Phật pháp chân thật thông đạt thì tất cả học thuật, tất cả ngành nghề thế xuất thế gian, không thứ nào không thông. Nếu bạn đã học Phật mà còn không biết nấu cơm, xào rau thì Phật pháp của bạn chưa thông. Bạn là người học Phật, làm sao có thể nói không biết nấu cơm, không biết làm thức ăn. Không hề có đạo lý này. Người học Phật mà không biết may quần áo cũng chưa phải là người học Phật. Người học Phật phải biết mọi thứ. Bạn học biết là lẽ đương nhiên, nhưng cái bạn không học mà biết mới là chân thật học Phật, sau đó bạn mới có thể khuyến tấn hành giả.
“Khuyến tấn hành giả” là giáo hoá chúng sanh, giúp đỡ người khác. Xã hội phức tạp, do đó nơi chốn giảng kinh Phật cũng không hề giống trường học, không hề giống các buổi diễn thuyết học thuật thông thường trong xã hội, có chuyên môn, có đối tượng đặc biệt. Cách diễn giảng của Phật pháp gọi là đại diễn giảng, thính chúng không phân biệt nam nữ già trẻ, ngành nghề, văn hoá. Có người học vị tiến sĩ, có người không biết chữ, đều ngồi nghe cùng một giảng đường. Nếu bạn giảng mà mọi người gật đầu, vị tiến sĩ gật đầu, người không biết chữ cũng gật đầu, tuy không phải là việc dễ dàng nhưng đó mới là trí tuệ chân thật. Kinh này nói “Trụ chân thật huệ, huệ dĩ chân thật chi lợi”, nếu chúng ta đích thân không làm đến thì không được.
Cho nên học phải hiểu, sau đó phải làm cho được trong cuộc sống thường ngày. Làm được chính là chứng quả, áp dụng những phương pháp lý luận này vào hiện thực. Từ hiện thực chứng minh lý luận của nó là chính xác, phương pháp là chính xác, đây gọi là tác chứng. Mỗi câu mỗi chữ trong kinh Phật, chúng ta đều phải đối hiện ngay cuộc sống, viên mãn làm ra thành tích tốt đẹp nhất, thù thắng nhất. Đại chúng xã hội xem qua làm sao không ngưỡng mộ, làm sao không phát tâm đến học tập. Chúng ta không đi tìm họ thì họ sẽ tìm đến chúng ta cầu học. Trong nhà Phật không có chiêu sinh, làm gì có chuyện lôi kéo tín đồ, “chỉ văn lai học, dị văn vãng giáo”. Chỉ cần chúng ta biểu hiện là một tấm gương tốt, họ sẽ tự động đến cầu học, không cần chúng ta khuyên. Khi đã nhập môn, phải khuyên họ nỗ lực tinh tấn, hy vọng sớm ngày thành tựu, sớm ngày tham gia sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của chư Phật Bồ Tát.
Hiện tại nói “hoằng pháp lợi sanh” trong Phật đường hoặc đạo tràng giảng kinh trường kỳ thì có thể được, nhưng nếu nói danh từ này ở bên ngoài thì ít người chân thật hiểu. Cho nên phải đổi “hoằng pháp lợi sanh” sang cụm từ khác, đó là tham gia công tác “giáo học xã hội”, như vậy mọi người sẽ dễ hiểu hơn. Hoằng pháp lợi sanh chính là giáo học xã hội. Chúng ta từ công tác giáo học xã hội, tham gia công tác giáo học xã hội của chư Phật Bồ Tát, cho nên chư Phật Bồ Tát trong xã hội rộng lớn thị hiện ở các ngành nghề, thân phận nam nữ già trẻ, gọi là “tùy loại hóa thân, tùy cơ diễn giáo”. Diễn là biểu diễn, giáo là dạy bảo, biểu diễn chính mình để người khác xem, rồi thỉnh giáo với bạn. Người xuất gia hay tại gia đều phải toàn tâm, toàn thân làm việc, gọi là “tác sư, tác phạm”.
Ví dụ bạn buôn bán, là Bồ Tát thương nhân, nghề nghiệp mà bạn kinh doanh là mô phạm điển hình cho xã hội. Bạn toàn tâm toàn lực làm tốt sự nghiệp của mình thì cái sự nghiệp này trên toàn thế giới là đệ nhất trong các nghề nghiệp đồng hạng, trở thành mô phạm cho nghề nghiệp đồng hạng. Đây chính là sự nghiệp của Bồ Tát, không cần phải đổi thân phận. Còn nghĩ rằng nhất định phải đổi hình tướng thành một người xuất gia, cạo đầu, mặc áo dài, đắp y, như vậy mới là học Phật, thế thì bạn hoàn toàn sai lầm, không hiểu gì về Phật pháp. Đại Bồ tát là, ở loại thân phận nào phải giống người của thân phận đó, nghề nghiệp nào phải giống người của nghề nghiệp đó, còn gọi là tu Bồ Tát hạnh. Thương nhân Bồ Tát là người ngay trong thương nhân thành công viên mãn, trở thành mô phạm trong thương nhân.
Thương nhân Bồ tát khác với thương nhân thành công thông thường ở chỗ nào? Ở lòng từ bi. Người thông thường buôn bán thành công là họ tự lợi, lợi ích chính mình, mặc dù họ cũng làm một ít công việc từ thiện để hồi báo xã hội, lấy từ xã hội hồi báo lại xã hội. Nhưng họ hồi báo xã hội vẫn còn cần danh, cần lợi. Còn Bồ Tát không có danh lợi, không hề đụng đến danh vọng lợi dưỡng mà hoàn toàn hồi báo cho xã hội, làm ra hoàn toàn vì lợi ích chúng sanh. Hay nói cách khác, Bồ Tát từ bất cứ nghề nghiệp nào, đối với xã hội, đối với đại chúng, đều phục vụ, không ham cầu danh vọng lợi dưỡng.
Các vị phải biết, trong phục vụ nhất định sẽ nhận được tôn kính của xã hội đại chúng, “thật chí danh quy”. Cái danh đó là do người khác tôn kính, không phải chính họ muốn. Nếu chính họ lấy đây làm mục tiêu thì họ sai, họ vẫn còn là phàm phu, vẫn tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi. Cho nên chính mình đích thực phải xa lìa danh vọng lợi dưỡng, không luận từ ngành nghề nào, toàn tâm toàn lực phục vụ xã hội, phục vụ đại chúng, không gì không là sự nghiệp của Bồ Tát hạnh, điểm này chúng ta nhất định phải hiểu.
Cho nên trong giáo học của đại thừa, Phật hy vọng tất cả chúng sanh, mỗi mỗi làm Bồ Tát, mỗi mỗi đều làm Phật, không phải chỉ mình ngài làm Phật, một ít người làm Bồ Tát. Phật hy vọng toàn thể chúng sanh đều làm Phật Bồ Tát, vậy mới phù hợp với đại thừa giáo. Bộ kinh này là đỉnh cao nhất của đại thừa giáo, là pháp môn cứu cánh, viên mãn nhất.
Sau khi Phật nói xong ba điều này, là “chánh nhân tịnh nghiệp ba đời chư Phật”, Phật lại giới thiệu cho chúng ta một số vị Phật hiện tại, Phật vị lai. Phật vị lai chính là tất cả chúng sanh của hiện tại. Trong Phật pháp, vĩnh viễn là bình đẳng, chân thật bình đẳng, pháp môn tu học của ba đời chư Phật đương nhiên không hoàn toàn giống nhau. Như vừa nói, có người vào từ “cửa giác”, có người vào từ “cửa chánh”. Đó là ba pháp căn bản. Từ ba điều này lại phân ra thành nhiều nhánh rễ. Pháp môn theo đó liền biến thành vô lượng vô biên pháp môn. Tuy nhiên không luận tu pháp môn nào cũng đều lấy ba điều kiện này làm nền tảng. Cũng như chúng ta đổ móng trước khi xây lầu cao.
Singapore có rất nhiều lầu cao không hề giống nhau. Mỗi một tòa lầu có phong cách riêng của nó, tạo hình của nó không như nhau mặc dù nền tảng thì như nhau. Ba tịnh nghiệp này là nền tảng, nhất định giống nhau, rất kiên cố và vững chắc, vật kiến tạo bên trên mới không bị dao động. Quán Kinh nói, “Tịnh Nghiệp Tam Phước” là nền tảng cho tất cả pháp môn tu học chứng quả. Thực tế, chúng ta tu hành kém quá xa so với đại đức xưa. Xem cách tu hành của người xuất gia trong “Cao Tăng truyện”, cách tu hành của cư sĩ tại gia trong “Cư Sĩ truyện”, hay “Thiện Nữ Nhân truyện”, người ngày xưa tu hành chỉ cần ba đến năm năm, chậm thì mười đến hai mươi năm đều thành tựu không thể nghĩ bàn. Ngày nay chúng ta vào thời đại khoa học, đời sống dư giả, tiến bộ rất nhiều so với người xưa, tại sao lại tu hành không bằng người xưa? Điều này đáng để chúng ta sâu sắc phản tỉnh.
Thực tế, chúng ta đã xem thường “Tam Phước”. Ví như xây phòng ốc, người ta xây thành công, còn chúng ta xây được phân nửa thì sụp đổ, hóa ra bên dưới không có móng. Nếu các vị muốn chân thật từ nền móng mà làm thì sáng sớm ngày mai bắt đầu, cung kính cha mẹ, cúng dường bao đỏ cho cha mẹ, phải bắt đầu từ đây. Tam phước mà hôm nay tôi nói là một yếu tố nhỏ nhưng rất quan trọng trong “vô lượng hạnh nguyện” mà chúng ta phải nỗ lực ghi nhớ và hành theo.
Lục Hòa
“Lục Hòa Kính” là qui củ mà Thế Tôn định ra cho chúng ta cùng sống với mọi người cần phải tuân thủ nguyên tắc. Lục là sáu điều, trong sáu điều có hoà, không những hòa mà hơn nữa phải kính, gọi là lục hòa kính. Năm xưa pháp sư Minh Sơn đến Singapore, ông đã viết cho chúng ta sáu phép hòa kính. Chúng ta in rất nhiều, phổ biến cũng rất rộng sáu điều này. Chỉ cần đồng tu học Phật, không luận tại gia xuất gia, không luận từ ngành nghề nào đều cần thiết. Mỗi niệm không rời, phải thường ghi nhớ trong tâm, chăm chỉ nỗ lực y giáo phụng hành.
Thứ nhất, “Kiến hòa đồng giải”
Ngày nay trong xã hội, nhiều người đem hoà bình cùng sống, cùng tồn tại phát triển. Khẩu hiệu này gắn trên miệng, tuy phổ biến tuyên truyền khắp nơi nhưng hiệu quả chưa được như ý muốn. Tuy nói cùng tồn tại hoà bình, nhưng dùng phương pháp gì để đạt đến cùng tồn tại hòa bình, thì họ không hề nói được. Chỉ nói một cách không có lý luận, không có phương pháp, thì câu khẩu hiệu đó đương nhiên trống không. Phật dạy chúng ta “Kiến hoà đồng giải” chính là lý. Nền tảng của hòa thuận được xây dựng trên ý niệm này.
“Kiến” là tư tưởng, kiến giải. Làm thế nào đạt đến được đồng giải? Dùng lời hiện tại để nói, chính là xây dựng cùng hiểu. Mọi người chúng ta có kiến giải như nhau, nhận biết như nhau, đó là căn bản cùng sống với nhau hòa bình. Vậy tiêu chuẩn ở đâu để kiến giải giống nhau, cách nghĩ giống nhau? Giáp nói tư tưởng kiến giải của ông chính xác, Ất cũng nói tư tưởng kiến giải của ông chính xác, rốt cuộc ai chính xác? Chúng ta phải theo ai? Thực ra, chúng sanh mạt pháp ngày nay cũng giống như kinh Địa Tạng nói “can cường nan hóa”, đều cho rằng chính mình đúng, người khác sai. Người người đều nghĩ như vậy, cho nên sanh ra rất nhiều mâu thuẫn xung đột, làm gì có hoà bình.
Chúng ta xem thấy đấu tranh khắp nơi. Muốn tiêu trừ những đấu tranh này nhất định phải xây dựng cùng hiểu. Phật nói, mỗi người phải buông bỏ thành kiến của chính mình. Việc này cao minh, Phật tuyệt nhiên không hề ý nói, “tri kiến của các người sai rồi, tri kiến của ta mới chính xác”, Phật không hề nói như vậy. Nếu Phật có cách nói này, chúng ta nghe rồi cũng lắc đầu, “Thích Ca Mâu Ni Phật ngài cũng chưa chắc gì chính xác, làm sao tôi có thể đi theo ông được?”.
Phật nói, mọi người chúng ta đều đem cách nghĩ, cách nhìn thảy đều buông bỏ, như vậy chính xác chúng ta có thể tiếp nhận. Chư Phật Như Lai không hề sỏ mũi chúng ta kéo đi, mà dạy bảo chúng ta người người đỉnh thiên lập địa, cho nên Phật pháp gọi Phật là “Vô Y Đạo Nhân”. Phật dạy chúng ta không dựa vào bất cứ người nào. Vừa vào cửa Phật nhận lễ tam quy y. Phật không hề bảo bạn quy y bản thân ngài. Quy y Phật mang ý nghĩa của giác, tự tánh giác. Bạn quy y tự tánh giác của bạn, tự tánh giác là Phật bảo. Quy y tự tánh chánh của bạn là pháp bảo, chánh tri chánh kiến. Quy tự tánh tịnh, tự tánh tâm thanh tịnh, đó là tăng bảo. Cho nên quy y gọi là tam tự quy. Thích Ca Mâu Ni Phật không hề nói chúng ta phải quy y ngài. Sự vĩ đại của Phật chính ngay chỗ này, đáng được người tôn kính, bội phục. Cách nói của Phật là chân lý, thế nhưng phàm phu chúng ta nghiệp chướng tập khí quá sâu nặng, không có năng lực hồi đầu. Chúng ta rất muốn từ mê quay lại nương vào tự tánh giác nhưng không làm được. Vậy người nào có thể làm được? Người có thể làm được, chúng ta không gọi họ là phàm phu.
Trong pháp đại thừa, vừa quay đầu lại thì siêu phàm nhập thánh, kinh nói Bồ tát sơ trụ, chân thật đã quay đầu. Sơ trụ gọi là phát tâm trụ, chân thật từ mê quay đầu đến giác ngộ. Mê mới có sáu cõi, mới có mười pháp giới. Từ mê quay đầu, chính là từ sáu cõi hay từ mười pháp giới quay đầu lại. Vừa quay đầu thì vào pháp giới nhất chân, đó là điều chư Phật Như Lai kỳ vọng chân thành đối với tất cả chúng sanh, hy vọng chúng ta ngay một đời này siêu phàm nhập thánh. Các ngài chân thật từ bi đến tột đỉnh, quan tâm thương yêu đến tột đỉnh. Các ngài lấy pháp chân thật chí thiện truyền thụ cho chúng ta, hy vọng chúng ta một đời đạt đến thành tựu chí thiện viên mãn, đây là tâm nguyện của Phật. Chúng ta từ tư tưởng sai lầm, kiến giải sai lầm quay đầu lại chánh tri chánh kiến, kinh Pháp Hoa gọi là “Phật chi tri kiến”, tức tri kiến trên quả địa của Như Lai.
Làm sao vừa quay đầu thì liền được tri kiến trên quả địa của Như Lai? Vừa quay đầu gọi là tánh; tri kiến trên quả địa của Như Lai là tri kiến tự tánh, tri kiến của bổn tánh. Bồ Tát Mã Minh nói trong Khởi Tín Luận: “bổn giác vốn có”, không phải từ bên ngoài đến. Vì sao chúng ta vốn có? Phật tri Phật kiến có thể bị đánh mất, không khởi được tác dụng, biến thành tà tri tà kiến. Then chốt ở chỗ bạn một niệm vừa mê, mê rồi thì chánh tri chánh kiến vốn có trong tự tánh của bạn biến thành tà tri tà kiến. Khi vừa quay đầu, trí tuệ trong tự tánh liền hiện tiền, tự tánh pháp bảo. Mê mất tự tánh, đức năng vốn có của chúng ta cũng thay đổi, biến thành phiền não sanh tử, nơi nơi đều bị chướng ngại, nghiệp chướng hiện tiền. Cho nên chúng ta phải quy y tịnh. Từ trong ô nhiễm quay đầu nương vào tâm thanh tịnh, hồi phục lại vạn đức vạn năng của tự tánh chúng ta.
Tam quy y này, Phật là thể, pháp là trí tuệ, tăng là tác dụng, từ chỗ này xây dựng cùng hiểu, xây dựng kiến hòa đồng giải, lời dạy này đương nhiên làm cho chúng sanh chín pháp giới chân thật tâm phục khẩu phục. Thế nhưng nghiệp chướng chúng ta thực tế quá nặng, tập khí quá sâu, chúng ta không chuyển đổi được, hay nói cách khác, rất muốn quay đầu mà không quay được. Vào lúc này chúng ta phải tạm dùng pháp phương tiện. Các vị nên biết, phương pháp này chỉ dùng tạm, hữu ích đối với phàm phu sơ học. Chúng ta cần phải tìm hình tướng Tam Bảo để nương tựa, thế pháp nói chúng ta phải tìm núi để dựa.
Phật thì chúng ta tìm ai? Tìm bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Đây không phải là kỳ vọng của Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài hy vọng chúng ta học tập với Phật A Di Đà. Bạn thấy trên kinh tán thán Phật A Di Đà đến tột đỉnh: “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Nếu chúng ta lấy Phật A Di Đà làm thầy, quy y Phật A Di Đà là nguyện vọng của Phật Thích Ca Mâu Ni, thì Phật Thích Ca Mâu Ni hoan hỉ, khen bạn thật biết nghe lời. Phật A Di Đà Phật ở đâu? Không nơi nào không có, nhưng vì sao chúng ta không nhìn thấy ngài? Không nghe được ngài? Không tiếp xúc với ngài?. Ngài chân thật không nơi nào không có, chỉ vì mắt thịt phàm phu chúng ta không thấy được, thế nên Thế Tôn đã giảng cho chúng ta kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ. Kinh chính là Phật, Phật không hề rời khỏi kinh. Y theo phương pháp lý luận của kinh điển mà làm, chính là qui y Phật A Di Đà, thân cận và học tập với Phật A Di Đà.
Phật A Di Đà không hề có chút kém khuyết, là tấm gương tốt nhất cả đời cho chúng ta tu hành làm người. Cho nên quy y Phật A Di Đà thực tiễn là Phật bảo. Quy y pháp cũng thực tiễn. Hiện tại tịnh tông lưu truyền năm kinh một luận. Trong tất cả tông phái, tất cả pháp môn, số lượng kinh điển của tịnh tông là ít nhất, nhưng lại thích hợp với thời hiện đại này. Thời đại này mọi người phân công rất chặt chẽ, công việc bận rộn phải tranh thủ từng giây. Kinh luận bộ lớn chúng ta khó tiếp nhận, trong khi kinh điển của tịnh tông thì dễ dàng hơn nhiều. Nếu thực tế công việc quá bận, đến mức năm kinh một luận vẫn không cách gì thọ trì thì tùy tiện ta chọn ra một loại, cả đời phụng hành đều được lợi ích viên mãn.
Thế Tôn vì chúng ta giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc, tường tận nhất là kinh Vô Lượng Thọ. Trong năm kinh đơn giản nhất là Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương, toàn bộ kinh văn chỉ có hai trăm bốn mươi bốn chữ, còn ít hơn so với Bát Nhã Tâm Kinh hai trăm sáu mươi chữ mà các vị thường đọc, làm gì có chuyện không thể thọ trì. Nhất định chúng ta phải thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói, đó mới là chân thật quy y, chân thật quay đầu. Chúng ta đọc tụng kinh văn phải thâm giải nghĩa thú, tường tận thông hiểu càng sâu càng tốt, từ sơ phát tâm mãi đến thành Phật đều không thể gián đoạn.
Kinh này hiểu được bao sâu? Xin nói với các vị “nghĩa sâu không đáy, ý rộng vô biên”. Nghĩa thú của kinh Phật gọi là tánh, cho nên sâu rộng của ngài cũng gọi là tánh. Chúng ta phải từ trên nền tảng này mà xây dựng cùng hiểu, y theo giáo huấn của Phật. Đây chỉ là giai đoạn ban đầu. Vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, dù cõi phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, đều là y tự tánh Tam Bảo. Đó là pháp chân thật, không còn phương tiện. Phật pháp thù thắng dường nào, sau khi cùng hiểu thì phải nghĩ đến phương pháp đạt đến hòa thuận cùng sống.
Thứ hai, “Giới hòa đồng tu”
Chữ “giới” này cùng ý nghĩa với “trì giới” trong lục độ ở nghĩa rộng. Các vị xem thấy “giới hoà đồng tu”, thường nghĩ tưởng hạn hẹp ở năm giới, bát quan trai giới, mười giới, thậm chí Bồ tát giới của các Bồ tát tại gia thọ trì, như vậy là sai. Lục hoà kính và trì giới trong lục độ Bồ Tát phải được hiểu theo nghĩa rộng, ngôn ngữ ngày nay gọi là giữ phép. Phật trong tất cả kinh luận giáo huấn chúng ta, chúng ta đều phải tuân thủ không chỉ ở giới điều, không chỉ nắm lấy cương lĩnh mà còn phải biết tế hạnh. Lễ tiết nhỏ nhất ngay cuộc sống thường ngày đều phải tuân thủ. Nếu như bạn xem thường, quên mất những lễ tiết vi tế này thì bạn mê hoặc điên đảo, bạn vẫn là bất giác. Không chỉ giáo huấn của Phật, pháp căn bản của quốc gia, hiến pháp, thậm chí đến phong tục tập quán, đạo đức, quan niệm lý luận, pháp không có văn tự, chúng ta thảy đều phải tuân thủ.
Học Phật, tất cả chư Phật Bồ Tát là người tuân thủ pháp tắc. Người biết pháp tắc một cách qui củ nhất là Phật Bồ Tát. Các ngài làm tấm gương để chúng ta xem. “Giới hòa đồng tu” chính là dạy chúng ta phải giữ phép. Người thông thường từ nhỏ đến lớn, khi còn thơ ấu phải tiếp nhận giáo dục của cha mẹ, thầy giáo, phải được nuôi thành quan niệm giữ phép. Chúng ta học Phật vừa vào cửa Phật thì phải được bồi dưỡng quan niệm giữ phép. Chỉ cần giữ phép, nhất định có thể hoà thuận cùng sống với mọi người.
Thứ ba, “Thân hòa đồng trụ”
Chúng ta cùng rất nhiều chúng sanh hiện tiền trên địa cầu này phải thương yêu địa cầu này. Phải mỗi giờ mỗi phút giữ gìn hoàn cảnh đời sống của chúng ta. Chúng ta hưởng thụ cũng phải để người khác hưởng thụ, đời này hưởng thụ còn phải nghĩ đến đời sau. Đây là từ đại hoàn cảnh. Thu nhỏ lại một chút thì quốc gia này cùng hòa thuận với quốc gia khác. Lại thu nhỏ nữa thì đoàn thể này cùng hòa thuận đoàn thể khác. Chẳng hạn Cư Sĩ Lâm là một đoàn thể có rất nhiều đồng tu. Các đồng tu chọn ra một lãnh đạo đoàn thể là Mộc trưởng. Mộc trưởng và cán bộ lãnh đạo các bộ phận khác cũng chế định ra pháp qui, chương trình. Như vậy chúng ta là một phần tử của xã đoàn, sinh hoạt qui củ trong xã đoàn này, thảy đều phải biết tuân thủ. Các cư sĩ tại gia khi trở về nhà thì gia đình chính là xã đoàn nhỏ nhất. Người cả nhà phải hoà thuận, biết nghe lời dạy bảo của Phật, tiếp nhận giáo huấn của Phật, y theo kinh điển mà làm. Đó là “thân đồng trụ”.
Chúng ta cùng tất cả chúng sanh sống trong hoàn cảnh này thì làm sao không thương yêu hoàn cảnh này, làm sao có thể tùy tiện phá hoại hoàn cảnh. Ý nghĩa ở đây rất sâu rộng, phải tỉ mỉ mà thể hội. Mỗi niệm bảo hộ an toàn cho đoàn thể, mỗi niệm phải nghĩ đến hạnh phúc mỹ mãn cho tất cả mọi người trong đoàn thể.
(Còn tiếp ...)
KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC
Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG
Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên