Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 7

02/02/201521:12(Xem: 7568)
Phần 7

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 7)

Pháp Sư Tịnh Không

 

Chúng ta học Phật có thể được thọ dụng hay không? đúng như bổn kinh đã nói “Huệ dĩ chân thật chi lợi”. Ngay trong một đời hoằng pháp tu học, then chốt thành công hay thất bại cũng chỉ ở câu này. Mười sáu vị Bồ tát phía trên là biểu pháp. Mỗi vị Bồ tát biểu thị một mật nghĩa sâu sắc, người có trí tuệ tương đối, giác ngộ tương đối mới có thể nhìn ra được, còn người thông thường không dễ gì nhận ra. Thế nhưng khi đi vào kinh văn thì người thông thường như chúng ta cũng có thể tường tận. Câu thứ nhất này nói rõ tổng cương lĩnh của toàn kinh.

Ngài Thanh Lương thời nhà Đường hoàn thành phiên dịch kinh Hoa Nghiêm, sau khi hoàn thành chú giải, ngài đặc biệt đem quyển sau cùng lưu thông riêng biệt. Quyển này gọi là Biệt Hành Lưu Thông Bản, chính là “Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm” mà hiện tại chúng ta thường thấy. Quyển kinh này là “Hoa Nghiêm 40”, quyển sau cùng trong phẩm Nhập Pháp Giới, là tổng kết cũng là tổng cương lĩnh của kinh Hoa Nghiêm.

Bồ tát Phổ Hiền tổng hợp toàn kinh quy nạp thành mười cương lĩnh mà ngài đã tu. Có lẽ một số đồng tu nghe “Bồ Tát Phổ Hiền đã tu” sẽ cho rằng không liên quan gì đến chúng ta, vì chúng ta không phải là Bồ tát Phổ Hiền. Học Phật như vậy rất khó thành tựu. Cần phải nhận biết, tất cả Bồ tát, chư Phật Như Lai đã nói trong Phật pháp đều là chính mình. Đức hiệu của chư Phật Như Lai là tánh đức của chính chúng ta. Danh hiệu của tất cả chư phật Bồ tát là tu đức của chính chúng ta. Tánh - tu không hai, đó là điểm khác nhau giữa Phật pháp và các pháp thế xuất thế gian. Ở ngay trong Phật pháp mới có thể mau chóng ổn định được lợi ích chân thật.

Bồ tát Phổ Hiền là ai? Đó là bản thân chính ta. Nếu chúng ta chăm chỉ phụng hành trên kinh điển, từ tư tưởng kiến giải đến lời nói việc làm mỗi mỗi đều phải đối chiếu với kinh điển, thì đó là tương ưng. Nhất định lấy kinh điển làm tiêu chuẩn, tu sửa hành vi sai lầm của chính mình, đó gọi là tu hành. Y theo bổn kinh để tu hành chính là y theo tiêu chuẩn của Phật A Di Đà, của Bồ Tát Phổ Hiền. Phật A Di Đà là Phật trung chi vương, Bồ tát Phổ Hiền có thể nói là Bồ tát trung chi vương. Trong rất nhiều sám nghi chúng ta đều đọc “Nam Mô Phổ Hiền Vương Bồ Tát”, vua ngay trong các Bồ Tát. Trong hàng Bồ tát, không ai thù thắng hơn Phổ Hiền, cũng như trong các chư Phật, không ai thù thắng hơn so với Phật A Di Đà. Bộ kinh này có vua trong các Phật, vua trong các Bồ tát, chúng ta gặp được bộ kinh này, Phật đã nói “như nghèo được của báu”, vui sướng không thể hình dung. Đạt được rồi, chúng ta nhất định phải lý giải thấu triệt, sau đó phải y giáo phụng hành một cách triệt để. Trước tiên bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ lễ kính.

Lễ kính là khai hiển ngay trong tánh đức của chính chúng ta. Chúng ta có thể tu lễ kính, đó là lưu xuất của tánh đức. Đại đức xưa thường nói “khởi tu từ tánh”, cách tu học này có thể cảm ứng tương thông cùng với mười phương ba đời tất cả chư Phật Bồ tát, vì chư Phật Bồ tát cũng khởi tu từ tánh. Do đây có thể biết khi chúng ta vừa phát tâm chân thành để tu hành, đó là năng cảm, chư Phật Bồ tát pháp vốn năng ứng. Nguyên do cảm ứng chính ở chỗ này.

Ấn Quang đại sư nói “Một phần thành kính được một phần lợi ích” cũng là như vậy. Một phần thành kính được chư Phật Như Lai gia trì một phần, mười phần thành kính thì được chư Phật Như Lai gia trì mười phần. Nơi một đạo tràng, giờ nào lúc nào, chúng ta cảm thọ ở nơi đây sẽ khác hoàn toàn với cảm thọ trong cuộc sống thường ngày. Cảm thọ ở nơi đây có pháp hỉ, thanh tịnh vui mừng. Một số đồng tu đến nói với tôi, chúng ta bước vào giảng đường nghe kinh là hưởng thụ. Lời nói này là thật. Vì sao chúng ta có hai giờ đồng hồ ở nơi hưởng thụ, mà loại hưởng thụ không thể có ở những nơi khác trong cuộc sống, cái hưởng thụ này từ đâu mà ra? Xin thưa, vì nhờ ánh sáng Phật chiếu vào, mọi người ở đạo tràng được tắm mình trong ánh sáng Phật.

Có một năm tôi ở Maine, Hoa Kỳ giảng kinh, một số người nước ngoài mỗi lần tôi giảng kinh họ đều đến nghe. Họ ngồi xếp bằng ngay ngắn, nhắm nghiền đôi mắt. Mặc dù họ không hiểu tiếng Trung Quốc, nên không hiểu tôi nói cái gì nhưng mỗi ngày họ đều đến. Các đồng tu hỏi họ: “Bạn nghe hiểu không? Nếu nghe không hiểu thì tại sao mỗi ngày bạn đều đến?”. Họ trả lời: “Oh, vì cảm thọ ở nơi đây rất tốt!”. Như vậy, họ đến để hưởng thụ, họ cho rằng cái từ trường này khác biệt, cảm thọ rất thoải mái. Trong đó, còn có một số người có công năng đặc biệt, Phật pháp gọi là thần thông, cụ thể thiên nhãn thông, nói rằng họ được ánh sáng Phật chiếu vào. Đạo tràng giảng kinh luôn ở trong quang gia trì, cho nên mỗi người ngồi ở đây đều có thể sanh tâm hoan hỉ. Đạo lý chính ngay chỗ này, không phải tôi giảng hay mà nhờ Phật lực gia trì.

Chúng ta nhờ vào cái gì mà được Phật lực gia trì? Đó là một lòng cung kính. Lòng cung kính này là năng cảm, chư Phật Bồ tát liền có ứng, cho nên chúng ta nhất định phải hiểu, dạy người “thành thật”. Cả đời làm người, thành thành khẩn khẩn, trung thực thật thà, dáng vẻ thành thật, không lừa dối chính mình, không lừa dối người khác. Người thật thà vô cùng đáng quý, được Phật quang chiếu đến họ thậm chí ngay cả khi họ không học Phật. Phật tâm thanh tịnh, Phật tâm bình đẳng, không thể nói người học Phật mới đặc biệt được chiếu cố, còn không học Phật thì Phật không chiếu cố, tâm đó làm sao có thể xem là tâm bình đẳng. Không học Phật nhưng có tấm lòng thành khẩn, Phật đều chiếu cố bình đẳng, không hề phân biệt. Thử hỏi tâm thành thật đáng quý dường nào.

Lễ kính chính là lưu xuất thành khẩn. Chúng ta phải kính người, kính việc, kính vật, lễ kính bình đẳng, ngay đến kiến muỗi chúng ta xem thấy cũng như xem thấy chư Phật Như Lai. Như vậy mới gọi là tu hạnh Phổ Hiền. Động vật nhỏ như muỗi kiến cũng có Phật tánh, tất cả động vật đều có Phật tánh. Ngoài động vật, thực vật, khoáng vật cũng đều có pháp tánh, cho nên chúng ta phải cung kính tất cả. Việc này không phải không làm được mà do chúng ta không chịu làm. Người xưa nói, chỉ có hai việc khó: lên trời khó, cầu người khó. Việc này là cầu chính mình, không phải cầu người. Cầu chính mình thì có gì khó, làm cho tánh đức của chúng ta hoàn toàn lưu xuất, chính mình nhất định phải giác ngộ, cho nên nhất định phải nỗ lực. Thế gian hiện tại tai nạn triền miên, nếu chúng ta không chăm chỉ nỗ lực tu, tương lai làm sao có thể tự cứu, cứu người.

Trong cuộc sống thường ngày, tôi không xem truyền hình nên không nắm tin tức bên ngoài, Học hội Tịnh Tông cũng không có truyền hình, tất cả tivi đều phát nội bộ, bên ngoài không có ăngten trời, chúng tôi cũng không nghe phát thanh, không xem báo chí, nhưng có một số đồng tu cho biết, một hai tháng gần đây tảng băng Nam Cực đã tan ra. Vấn đề này tương đối nghiêm trọng, băng của Nam Bắc Cực nếu tan ra, mực nước biển sẽ dâng lên, đô thị Duyên Hải trên toàn thế giới thảy đều chìm vào đáy biển. Tai nạn này do đâu? Có người luôn cho rằng do thiên tai, khoa học gia cũng đổ cho thiên tai, nhưng cách nhìn trong Phật pháp lại không phải như vậy. Phật pháp nói tất cả tai nạn đều do chính chúng ta tạo thành. Người nghĩ ra được như vậy là người đã giác ngộ. Nếu người người có thể tự giác, người người đều có thể thay đổi tự làm mới, tai nạn này liền được tiêu trừ. Nạn nước là từ lòng tham của con người mà ra.

Không ít người đã đọc qua kinh Lăng Nghiêm, Phật trong hội Lăng Nghiêm giảng nói rất rõ ràng, tham dục là nước, sân hận là lửa, ngu si là gió. Tam tai nước gió lửa, nếu người của toàn thế giới đang cố sức tăng thêm tham sân si thì ba loại hiện tượng nước gió lửa này sẽ liền nổi lên. Hoàn cảnh là y báo, y báo tuỳ theo chánh báo mà chuyển, chánh báo là tâm của chúng ta. Phật luôn khuyên chúng sanh dập tắt tham sân si, người người đều có thể dập tắt. Môi trường sinh thái trên địa cầu này rất nhanh hồi phục lại bình thường, sẽ không có tai nạn nếu chúng sanh dập tắt tham sân si.

Ngoài tham sân si còn có ngạo mạn, quả báo của mạn là gì? Là động đất. Mạn là tâm không bình, cao thấp nhấp nhô. Những tai nạn tự nhiên này từ lòng người chiêu cảm biến hiện ra. Trên kinh luận, Phật dạy chúng ta những đạo lý phương pháp này, xác xác thực thực chân thật có thể tiêu trừ tất cả tai ương. Vậy phải tiêu trừ từ đâu? Từ ngay nơi nội tâm, Phật pháp gọi là nội học. Dùng nội công để cải thiện hoàn cảnh bên ngoài. Chúng ta không luận đối với người, với việc, với vật, tất cả đều cung kính, dù chúng ta không thể giúp đỡ đại chúng chuyển đổi, một mình ta vẫn có thể chuyển đổi. Một mình chuyển đổi gọi là biệt nghiệp, đại chúng gọi là cộng nghiệp. Phật trong hội Lăng Nghiêm nói, quả báo cộng nghiệp cùng biệt nghiệp không như nhau. Nếu biệt nghiệp của chúng ta thù thắng, cho dù ở ngay trong cộng nghiệp vô cùng ác liệt, chúng ta vẫn có thể tránh được. Ngay trong tai nạn lớn vẫn có rất nhiều người may mắn. Biệt nghiệp không giống nhau, sau một tai nạn lớn, nếu quan sát tỉ mỉ chúng ta sẽ thấy người may mắn sống sót thường là người có tấm lòng lương thiện, ít tham sân si mạn, nhiều từ bi thiện niệm.

Hy vọng đồng tu chúng ta mọi lúc mọi nơi đều dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi cung kính đối với tất cả. Phải tập thành thói quen, thật sự dụng công. Dụng công không phải một ngày đọc bao nhiêu bộ kinh. Khi tư tưởng lời nói việc làm hoàn toàn không tương ưng với kinh thì dù mỗi ngày đọc hai trăm biến cũng uổng công, không dùng được. Trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói: “đáng đọa lạc thế nào, vẫn phải đọa lạc thế đó”, không ích gì. Do đó phải thật làm, ngày ngày đọc kinh, kiểm điểm lỗi lầm của chính mình. Đọc kinh cũng giống như soi gương vậy, ngày ngày cầm gương lên soi lỗi lầm của chính mình, đem nó thay đổi lại, như vậy mới hữu dụng, lợi ích vô biên. Cho nên phải tu tâm chân thành, chân thành đối nhân xử thế, chúng ta nhất định có thể vượt qua đại kiếp nạn. Kiếp nạn hiện tiền, chúng ta không hề có chút ý niệm sợ hãi, không hề có chút tâm lo lắng, rất thản nhiên tự tại, đó chính là chúng ta có công phu, chân thật được thọ dụng.

(Còn tiếp)

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC

Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG

Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: PT. Giác Minh Duyên

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]