Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 04: Buổi sáng ngày bị tai biến

18/04/201301:32(Xem: 6760)
Chương 04: Buổi sáng ngày bị tai biến

TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO VÀ
SỰ PHỤC HỒI

Tác giả : TS. Jill Bolte Taylor
Dịch giả : TS. Minh Tâm


CHƯƠNG 4

BUỔI SÁNG NGÀY BỊ TAI BIẾN

Lúc ấy là 7 giờ sáng ngày 10 tháng 12 năm 1996. Tôi thức dậy theo tiếng báo thức của đồng hồ reo bên giường. Với tay bấm tắt tiếng reo, hình như tôi vẫn còn chập chờn trong trạng thái nửa thức nửa ngủ. Nhưng tinh thần tôi đã sảng khoái, sẵn sàng cho một ngày bình thường. Tôi biết tôi phải thức dậy đi làm việc.

Đang trở mình lăn ra khỏi giường, bỗng tôi cảm thấy đau nhói bên phía trong đầu sau mắt trái, một cơn đau chưa từng có. Chẳng mấy khi bệnh hoạn, tôi lấy làm lạ về một cơn đau khi mới vừa thức giấc. Tôi đưa tay trái lên kéo đóng tấm mành che bớt ánh sáng mặt trời chói chang đã làm mắt tôi khó chịu, và đưa tay phải lên che con mắt đau lại. Tôi cảm thấy bối rối tự hỏi: tại sao mới sáng mà lại đau thế này? Con mắt trái cứ tiếp tục đau giật tê buốt từng cơn, tê buốt như cắn phải cục nước đá. Tôi rời giường, khập khễnh leo lên chiếc máy tập thể dục như một người lính bị thương, hy vọng sự vận động cơ thể, máu huyết lưu thông sẽ làm giảm cơn đau. Sau vài động tác, tôi thấy cơ thể như rã rời, tay chân như không còn là của tôi nữa, mặc dù tôi vẫn tỉnh táo. Hay đúng hơn, cơ thể như không còn theo mệnh lệnh của bộ óc tôi.

Tôi như một người khác đang quan sát cử động của chính mình. Tôi đưa hai tay nắm lấy tay nắm của máy tập thể dục, mà vụng về như hai tay của người tiền sử. Đầu vẫn tiếp tục đau điếng từng cơn. Tôi có cảm giác lạ kỳ: Ý thức tôi đã tản mạn đâu mất và thân thể tôi như đang lơ lửng giữa thực tại và một cõi mông lung nào.

Nhận thấy sự vận động của thể dục không giúp ích gì cho cơn đau, tôi rời máy và hướng vào nhà tắm. Tôi để ý thấy tôi bước đi không còn tự nhiên, mà cà thọt như một tên hề. Và không thể bước đi một cách thăng bằng, tôi phải cố gắng hết sức mới không phải té. Để bước chân vào bồn tắm, tôi phải vịn vào vách, và cố gắng lắm thì hai chân mới đứng vững được cho khỏi ngã. Tôi lấy làm ngạc nhiên là sao hôm nay tôi không thể điều khiển được cái khối 50 ngàn tỉ tế bào theo ý muốn và tự hỏi không biết bộ óc kỳ diệu của tôi sao hôm nay lại bất thường?

Tôi biết rằng sở dĩ con người có thể đi đứng một cách thăng bằng và nghe được, thở được là nhờ phần não bộ nối dài với tủy sống. Như vậy là tôi có thể bị rối rắm với các tế bào não bộ ở phần này, và có thể nguy hiểm chết người. Trong khi tôi cố tìm ra lời giải đáp bằng kiến thức của một nhà khoa học não bộ, tôi bỗng nhiên nhận ra mình đang ở vào một tình trạng thật là kỳ lạ: Thông thường não bộ trái hay “nói” cho tôi biết những gì đang xảy ra, nhưng bây giờ thì im lặng, hoặc nói vài điều không mạch lạc, không liên hệ, không nghĩa lý gì với nhau. Hơn nữa, thính giác của tôi thường rất nhạy bén, nhưng bây giờ tôi không còn nghe được cả tiếng ồn ào thường lệ của xe cộ bên ngoài.

Hoang mang, tôi lục lọi ký ức xem tình trạng này có bao giờ xảy ra chưa. Hiện tượng giống như bị nhức đầu dữ dội. Tôi càng cố tập trung ý tưởng, thì trí óc và sự suy nghĩ của tôi càng như tan biến vào nơi đâu. Bộ phận não amygdala có bổn phận thông báo về những tai họa, những điều đáng sợ, phải có phản ứng thế nào cho thích hợp, đã không thấy hoạt động vào lúc này.

Và thay vào sự lo lắng về “chuyện gì đã xảy ra trong bộ óc tôi”, tôl bỗng nhiên cảm thấy “bình an” thật lạ. Cả đời mấy mươi năm, lúc nào tôi cũng nghe não bộ trái của tôi “báo cáo” từng chi tiết về đủ thứ chuyện: Nào là chuyện nghiên cứu, chuyện dạy học, kế hoạch này, chương trình kia phải hoàn tất kịp thời. Thì nay, những việc làm bận rộn đó đã biến đâu mất. Tôi chỉ còn một cảm giác thanh tịnh, hạnh phúc và cực kỳ an lạc. Và vì trung tâm ngôn ngữ ở bán cầu não trái đã bị tê liệt, tôi không còn liên lạc được với mọi ký ức trong đời nên tôi không còn biết “tôi là ai”. Tôi như hòa làm một với vũ trụ, và cảm giác đó làm tôi thích thú vô cùng.

Tới đây thì gần như tôi không còn ý niệm về không gian ba chiều vật chất ở quanh tôi. Tôi đứng trong bồn tắm, lưng tựa vào vách, nhưng không còn khả năng phân biệt thân thể và tay chân tôi có giới hạn tới đâu. Tôi có cảm giác toàn thân tôi là một khối chất lỏng hòa tan với mọi vật thể chung quanh. Khối lỏng của cơ thể tôi trở nên nặng nề, và năng lượng trong người dường như tan biến mất.

Tôi nghĩ: “Ủa, mình thật là lạ. Mình là một sinh vật kỳ lạ vô cùng. Mình là một túi nước lớn bao bọc bên ngoài bằng một lớp màng nhầy. Mình là đời sống! Với hình thức này mình là một “ý thức sống trong bọc nước” và đó là mình! Mình là hàng ngàn tỉ tế bào có chung một tri thức. Mình ở đây, bây giờ và hăm hở sống đời! Coi kìa, thật là một khái niệm kỳ diệu và không thể hiểu thấu được! Mình là một tế bào đời sống, ủa, mà không phải, mình là một phân bào đời sống, có cả sách hướng dẫn cách phát triển rõ rệt, và là phân bào có trí hiểu biết!”

Với sự thay đổi tình trạng của hiện hữu, tâm trí tôi không còn vướng bận với hàng ngàn chi tiết mà bộ óc hướng dẫn tôi trong đời sống hàng ngày, cả những suy nghĩ mà bán cầu óc trái “nói” với tôi mỗi ngày cũng hoàn toàn im lặng. Và với yên lặng này, tôi không còn ký ức về quá khứ, cũng không suy nghĩ đến tương lai.

Tôi lại nghĩ rằng bán cầu não trái đang bị thương hóa ra rất dễ chịu. Tôi hăm hở quay ra chú tâm tới hàng ngàn tỉ tế bào thông minh đang hoạt động hài hòa để giữ cho cơ thể tôi được sống. Và trong khi máu càng lúc càng chảy nhiều hơn trong đầu tôi, ý thức về ngoại cảnh của tôi nhạt nhòa dần. Tôi chỉ còn cảm giác hạnh phúc và sung sướng rằng các tế bào li ti trong cơ thể vẫn còn hoạt động liên tục không ngừng nghỉ để cho tấm thân vật chất của tôi được tồn tại.

Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi thật sự cảm thấy mình là “một” với sự sống. Và tôi vui mà thấy đời sống là một tập hợp những tế bào thông minh quanh một phân bào thiên tài tuyệt vời. Tôi cảm giác mình như là khối hơi trong vũ trụ, dù cơn đau từng chập trong đầu vẫn còn rõ nét nhưng không phải là không chịu nổi.

Cơn đau lan xuống tới ngực và chạy ngược lên tận cổ, kéo tôi về với thực tại. Tôi nhận ra ngay mình đang lâm tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Nhất định phải biết cái gì đã xảy ra, tôi cố lục soát phần hiểu biết còn lại trong ý thức để tự chẩn bệnh mình: “Cái gì đang xảy ra trong cơ thể? Bộ óc đã như thế nào rồi?”. Mặc dù ý thức tôi bị đứt quãng và mơ hồ, tôi cũng cố gắng giữ thăng bằng cơ thể. Bước ra khỏi bồn tắm, tôi như người say rượu. Thân nghiêng ngửa, chân nặng nề, bước chậm chạp. Câu hỏi trong đầu: "Tôi đang muốn làm gì bây giờ? Thay đồ. Thay đồ để đi làm”. Tôi vất vả lựa quần áo. Lúc đó đã 8:15 sáng, và tôi sẵn sàng lái xe ra đi. Tôi nghĩ: “Được rồi, tôi đi làm đây. Tôi đi làm đây. Mà tôi có biết làm sao đến sở làm không? Tôi có thể lái được xe không?”.

Trong khi tôi đang nghĩ đến con đường phải lái xe từ nhà đến bệnh viện McLean nơi tôi làm việc, tôi tự nhiên mất thăng bằng vì cánh tay phải bị xụi thình lình một bên. Lúc đó, tôi mới hiểu ra: “Trời ơi! Tôi bị xuất huyết não! Tôi bị xuất huyết não!” Phút tiếp theo đó, một ý tưởng thoáng chớp lên trong đầu: “Ô! Cái xuất huyết não này mới dễ thương làm sao!”.

Tôi như bị rơi từ vùng ảo giác hạnh phúc, an lạc trở về thực trạng nguy hiểm của não bộ. Dù vậy, tôi vẫn luôn nghĩ: “ồ kìa, có bao nhiêu nhà khoa học được dịp may mắn quan sát sự vận hành và suy thoái của chính bộ óc mình từ trong ra ngoài?” Tôi đã để cả đời tìm hiểu: Làm sao mà bộ óc con người tạo ra được sự hiểu biết cho chúng ta về những thực tại chung quanh? Và bây giờ, tôi được dịp trải nghiệm sự vận hành của não bộ từ chính bộ óc của mình qua cơn xuất huyết não.

Khi cánh tay phải trở thành bại xụi, tôi có cảm tưởng như sức sống của nó nổ tung ra. Nó nằm im xuôi xuống một bên vai mà tưởng như đã bị chặt đứt đâu mất. Về não bộ học, tôi biết rằng phần vỏ não về động tác tay chân đã bị ảnh hưởng, và tôi may mắn là cánh tay chỉ chết trong vài phút rồi hơi cử động lại được, với sự đau tê dữ dội. Tôi như người bị thương. Cánh tay phải như mất hết sức lực, tựa như khúc cây. Tôi tự hỏi không biết có bao giờ cánh tay sẽ trở lại bình thường.

Ngó qua thấy cái giường ngủ ấm áp, nhất là vào buổi sáng mùa đông lạnh lẽo ở vùng này, tôi muốn nằm. “Ôi, tôi mệt quá rồi. Tôi đau quá rồi. Tôi muốn nghỉ ngơi. Tôi muốn nằm và ngủ một chút”. Nhưng tự trong thâm tâm tôi, một giọng nói như ra lệnh: “Không được nằm! Nếu ngươi nằm, ngươi sẽ chết!”. Kinh ngạc vì tiếng đe dọa, tôi thử phán định tình hình bấy giờ. Nghịch lý thay, mặc dù tôi thực tế đang ở trong tình trạng khẩn cấp thúc giục tôi phải gọi ngay cấp cứu đưa vào bệnh viện, một phần khác trong tôi vẫn cảm thấy thú vị vì đang sống trong cảm giác an vui và thanh tịnh.

Tôi bước ra khỏi ngạch cửa phòng ngủ, ngang qua tấm gương. Nhìn vào đôi mắt tôi phản chiếu trong đó, tôi ngừng lại một chút để tìm vài chỉ dẫn hiển lộ trong ánh mắt của mình. Trong cái sáng suốt còn sót lại của một não bộ đã bị thương, tôi chợt hiểu ra là, qua thiết kế sinh học tuyệt vời của tạo hóa, cơ thể con người là một món quà quý giá và rất mong manh. Đối với tôi, cái thân thể này vận hành như một cánh cửa lớn qua đó năng lượng của cái “tôi” được chiếu rọi vào một khoảng trống gọi là không gian ba chiều. Khối lượng tế bào của thân thể này cung cấp cho tôi cái gọi là “nhà” tạm thời nhưng rất hoành tráng. Và với bộ óc kỳ diệu, có khả năng kết nạp thực sự hàng tỉ của hàng ngàn tỉ dữ kiện mỗi phút, đã tạo cho tôi cảm tưởng rằng có một không gian ba chiều không những là có thực mà còn là an toàn để sống trong đó. Trong cái ảo giác đó, tôi đã bị thôi miên vì khối lượng sinh học đã tạo ra hình dáng tôi, và kinh ngạc với sự vận hành vừa đơn giản vừa phức tạp của nó. Tôi đã nhận ra tôi chỉ là sự kết hợp của một hệ thống phức tạp và sống động, một tổng thể những tế bào có khả năng tập kết dữ kiện của thế giới bên ngoài qua những bộ phận nối kết nhau gọi là giác quan. Và khi hệ thống này vận hành thích hợp, nó sản sinh ra một ý thức có khả năng phân biệt ý nghĩa mọi thực trạng chung quanh. Tôi ngạc nhiên tự hỏi tôi đã sống trong cái thân thể này đã nhiều năm, với hình thức một nhà nữ bác học như vầy, mà sao đã không thực sự nhận ra rằng mình chỉ là người khách lạ từ nơi khác đến đây thăm viếng? Ngay cả trong tình trạng như thế này, cái ngã ở bán cầu não trái của tôi vẫn ương ngạnh giữ niềm tin rằng, mặc dù tôi đang bị bệnh ở não bộ nghiêm trọng, tôi vẫn không sao! Cho nên, trong lúc lạc quan, tôi cũng tin sẽ hoàn toàn bình phục.

Rồi hơi bực bội vì bệnh làm hỏng thời khóa biểu làm việc sáng nay, tôi pha trò một mình: “Được rồi, tôi bị xuất huyết não! Phải rồi, tôl đang bị xuất huyết não! Nhưng tôi là người bận rộn với công việc. Bởi vì tôi không thể làm cho sự xuất huyết ngưng lại, tôi sẽ nghỉ một tuần. Tôi sẽ tìm hiểu xem làm sao mà bộ óc tôi có thể tạo ra ảo giác tôi là người rất bận rộn. Sau đó, tôi sẽ làm việc trở lại đúng như thời khóa biểu đã định. Bây giờ tôi phải làm gì? Gọi cấp cứu. Phải gọi cấp cứu ngay tức khắc”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com