Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đọc Thơ Tù Chữ Hán của Thầy Tuệ Sỹ

14/06/201212:06(Xem: 21278)
Đọc Thơ Tù Chữ Hán của Thầy Tuệ Sỹ

TUỆ SỸ ĐẠO SƯ

Thơ và Phương Trời Mộng - Tập 2


Tác giả: Nguyên Siêu
Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang
In lần thứ nhất
California - Hoa Kỳ 2006

Đọc Thơ Tù Chữ Hán của Thầy Tuệ Sỹ

Huỳnh Kim Quang

Trong nền thi văn Việt nam hiện nay số người làm thơ bằng chữ Hán thật là ít ỏi. Có lẽ vì thời đại của chữ Thánh Hiền đã qua rồi. Bây giờ ít có người chịu học chữ Nho ngoại trừ những nhà Nho học còn sót lại, hay một số học giả chuyên về Hán văn, hoặc các vị tu sĩ đạo Phật học chữ Nho để đọc kinh Phật. Thật ra đây cũng là vấn đề đáng lo cho tiền đồ của Nho học ở nước ta, nhưng đây là một vấn đề khác không phải là chủ đích của bài viết này nên không bàn đến. Trong giới Phật học không ai lạ gì tài năng ưu việt của Thầy Tuệ Sỹ về chữ Hán. Mấy bài thơ chữ Hán mà người viết đề cập trong bài viết này được Thầy sáng tác hầu hết ở trong tù từ 1979-1980 và từ 1984 đến nay. Rất tiếc là người viết không có đầy đủ tất cả thơ chữ Hán của Thầy. Chắc chắn là Thầy còn làm nhiều thơ chữ Hán hơn nữa nhưng ở đây người viết không thể sưu tập được. Thôi thì cứ viết theo những gì đã có trong tay của mình để góp phần vào việc xưng tụng công đức vô lượng của Thầy đối với dân tộc, đạo pháp và văn học nước nhà.

Thich_Tue_Sy_2


Thơ khởi đi từ trong sự nhập thể nhiệm mầu của tâm và cảnh, là âm ba vang động theo bước chân của người lịch nghiệm cuộc tồn sinh. Vì thế, trong lời thơ có muôn ngàn hình thái linh hoạt của cuộc sống. Trong vận thơ có tiết tấu của những cung bậc là tiết điệu của lòng, của cảnh, của đất trời khi trầm, khi bổng, lúc vội vàng, lúc khoan thai. Cho nên, đọc thơ là bước vào thế giới kỳ diệu của thực tại mà kẻ dẫn đường chính là ngôn ngữ uyên nguyên của thơ. Nhà thơ mở cửa tâm hồn không biên giới của mình ra để đón thực tại vào lòng. Khi sự phối ngẫu đạt đến giai kỳ viên mãn, cảm thức trào ra cuồng cuộn như ba đào và lưu lộ trên từng nét chữ. Ở đó chúng ta thấy được tất cả cái vẻ thiên hình vạn trạng của cuộc sống từ sự an lạc đến sự thống khổ triền miên.


Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn

(Cúng Dường)


Tạm dịch:
Dâng chén cơm tù này
Cúng dường lên đức Thế Tôn Tối Thắng
Nghĩ đến thế gian máu lửa hận thù triền miên
Nên vừa bưng chén cơm mà nghẹn ngào đẫm lệ
(Cúng Dường)


Thương cho thế gian, thương cho dân tộc, thương cho đạo pháp đang trong cảnh lầm thang, điêu linh và thống khổ mà bậc đại sỹ phải rơi lệ. Và cũng chính vì muốn giải trừ sự khổ đau và nghiệt ngã cho thế gian, cho dân tộc và đạo pháp mà bậc đại sỹ đã không ngần ngại hy sinh dù là lao tù hay tánh mạng. Đó chính là tâm nguyện đại từ bi. Với tâm đại từ bi thì hễ thấy chúng sanh đau khổ là thị hiện cứu khổ, không phải suy tính thiệt hơn, giống như bà mẹ thấy con lâm nạn thì xông tới cứu cấp dù là phải nhảy vào lò lửa, hay hang hùm miệng cọp. Tình thương của mẹ đối với con cái khởi phát không phải qua sự tính toán so đo, mà phát xuất một cách tự nhiên vô công dụng hạnh. Tâm đại từ bi của đại sỹ đối với chúng sanh cũng vậy, hiển phát một cách vô công dụng hạnh.


Tâm đại từ bi không nói rằng điều ấy có lợi hay không rồi mới làm vì, khi khởi niệm phân biệt lợi hại hơn thua là lúc đánh mất đại từ bi tâm của mình rồi vậy.


Giải trừ sự khổ đau cho nhân quần xã hội giống như việc giải trừ khổ đau cho chính mình không phải thấy có lợi rồi mới làm, cũng không thể định hạn kỳ đạt đến thành công. Gốc của khổ đau là vô minh và phiền não. Trừ diệt vô minh và phiền não đừng nói đến chuyện hạn kỳ lâu mau hay thành đạt lợi ích trước mắt. Còn khởi niệm mong cầu thành đạt lợi ích là còn tạo cơ duyên cho vô minh và phiền não tiếp tục hiện hữu.


Qua bài thơ, chúng ta thấy được cái bi kịch thống thiết nhất của dân tộc đã phơi bày ra đó với những máu và nước mắt. Máu và nước mắt của đại khối dân nghèo hay của những bậc đại sỹ, những người trên tay không có tấc sắt, và trong tâm không một ý niệm hận thù, hay đấu tranh vì bất cứ quyền lợi tư kỷ nào!


Thảm trạng của đất nước suốt hơn hai mươi năm qua đã xô đẩy người dân Việt vào chỗ điêu linh tột cùng. Chế độ đương quyền đã áp đặt chính sách hà khắc bất công lên đầu lên cổ người dân. Họ hô hào và chủ trương đấu tranh giai cấp, mạnh được yếu thua biến đất nước thành bãi chiến trường mà kẻ thủ lợi là tập đoàn lãnh đạo ăn trên ngồi trước. Người dân được nhà nước tôn vinh bằng khẩu hiệu là người làm chủ đất nước nhưng thật ra đã trở thành kẻ bị thống trị không nương tay. Các tôn giáo, các nhà trí thức chân chánh đều bị coi như là thành phần đối nghịch với chế độ mặc dù họ chỉ muốn được sống bình đẳng và có cơ hội góp phần vào việc xây dựng nước nhà. Chế độ đương quyền đã gieo rắc hận thù và phân hóa sâu đậm trong lòng dân tộc, đã phá nát di sản tâm linh, văn hóa, đạo đức quý giá của giống nòi mà trải qua bao nhiêu thế hệ mới gầy dựng được.


Người Việt nam yêu nước chân chính nào thấy thảm trạng đó mà không xót xa đau đớn! Đây chính là động lực làm cho những vị đại sỹ có tâm từ bi không thể ngồi đó khoanh tay mà không làm gì trước sự khổ đau và điêu đứng của dân tộc, của đồng đạo. Nhưng oái oăm thay, dưới chế độ độc tài đảng trị, hễ người dân nào lên tiếng dù là tiếng nói của lương tâm, của sự thật đều là hành động chống lại chế độ. Và cuối cùng đều bị vào tù hay bị thảm sát!


Bài thơ diễn tả một hình ảnh thật thiêng liêng và cảm động: một vị tu sĩ ở trong tù đến giờ ăn trưa vẫn cử hành nghi thức thọ trai một cách nghiêm cẩn. Hai tay nâng bát cơm lên để cúng dường đức Phật trước khi vị ấy thọ thực. Vừa nâng bát cơm lên vừa quán tưởng đến sự khổ đau của chúng sanh, của dân tộc mà bậc đại sỹ cảm nghe thương xót ngậm ngùi! Bậc đại sỹ đau xót vì chúng sanh đau khổ. Khi chúng sanh hết khổ đau thì bậc đại sỹ mới hết đau xót. Đó là tấm lòng từ bi của Bồ Tát vậy.


Bậc đại sỹ chỉ vì dân, vì đạo và vì sự thật. Người có làm gì đâu mà sao nên tội đọa đày? Chính vì vậy, có lúc Thầy cũng đã tự hỏi:


Vấn dư hà cố tọa lao lung
Dư chỉ khinh yên bán ngục khung
Tâm cảnh tương trì kinh lữ mộng
Cố giao gia tỏa diện hư ngung

(Tự Vấn)


Tạm dịch:
Hỏi mình vì sao phải ngồi trong lao tù
Ta bảo rằng làn khói mỏng bị giam trong ngục thất
Tâm và cảnh quyện lấy nhau trong cơn mộng lữ thứ kinh hoàng
Lời dạy ngày trước dù bị giam cầm, mặt vẫn ngước nhìn trời
(Tự Hỏi)


Đối với bậc đại sỹ vì đại bi mà nhập thế giải trừ khổ nạn cho chúng sanh, cho nên không bao giờ khởi niệm hận thù tàn độc đối với bất cứ ai. Chính vì thế, tâm của bậc đại sỹ không có chỗ cho phiền não tham sân trú ngụ. Người lúc nào cũng thong dong tự tại như áng mây, như làn khói. Với phong thái như vậy thì tù ngục không còn là chỗ trói buộc thân tâm. Bậc đại sỹ xem cuộc đời như cơn mộng, nhìn cuộc lữ như trò chơi thoáng chốc. Cho nên, chỉ còn lại trong người giáo nghĩa giải thoát và giác ngộ nhiệm mầu. Lấy giáo nghĩa ấy mà làm đuốc soi đường đi lên. Còn sợ gì những chướng nạn của ma quân giả dối. Ngước mặt thẳng lên trời không hổ thẹn với lương tâm, với hạnh nguyện, với đất trời, với chúng sanh.


Bài thơ âm vận nghe hùng khí ngất trời. Câu cuối cùng từng chữ gieo xuống như thái sơn trụ địa, hiên ngang kiêu bạc như kiếm kim cương vừa tuốt ra khỏi vỏ!


Đã xem cuộc đời là mộng, cuộc lữ như trò chơi, nhìn lao tù như ngục thất giam giữ làn khói mỏng, cho nên bậc đại sỹ lúc nào cũng tự tại ung dung. Xin nghe mấy bài thơ sau đây:


Trách lung do tự tại
Tán bộ nhược nhàn du
Tiếu thoại độc ảnh hưởng
Không tiêu vĩnh nhật tù

(Trách Lung)


Tạm dịch:
Ở trong lồng chật hẹp mà vẫn tự tại
Đi bách bộ thật là nhàn hạ
Cười nói một mình mình nghe
Cũng qua đi một ngày tù dài
(Lồng Chật Hẹp)


Cái lồng chật tức là ngục thất nhỏ bé tối tăm trong lao tù dưới chế độ Cộng sản. Cũng có thể là phòng biệt giam chật hẹp chỉ vừa đủ cho một người nằm không thoải mái. Ở trong thế giới chật hẹp và tù túng ấy, dễ mấy ai có cảm giác giải thoát tự tại. Vậy mà bậc đại sỹ đạt được trạng thái ấy một cách dễ dàng, bởi vì bậc đại sỹ vốn đã an lạc tự tâm và thâm liễu rằng ba cõi là tù ngục, là nhà lửa đang rực cháy, có chỗ nào trên thế gian này không là hỏa ngục!


Hoặc là:
Tảo khởi xuất tẩy tịnh
Thung dung lập phiến thì
Tự hữu thần tiên thái
Hà tu sơn thủy vi

(Tảo Thượng Tẩy Tịnh)


Tạm dịch:
Sáng sớm ra rửa mặt
Ung dung ngay trong khoảnh khắc
Vốn đã có phong thái thần tiên
Cần gì phải là miền sơn thủy!
(Sáng Sớm Rửa Mặt)


Phong thái thần tiên là phong thái phiêu diêu tự tại không một chút phiền muộn và khổ đau. Bậc đại sỹ dù ở trong hoàn cảnh nào tâm vẫn an nhiên tự tại vì nhận thức rằng các pháp hữu vi giả dối không thật như mộng mị, như quáng nắng, như bọt nước, như bóng chớp! Khi tâm đã được tự tại như vậy rồi bậc đại sỹ cần gì phải tìm đến thâm sơn cùng cốc mới có thể an nhàn. Tâm bình thì thế giới bình vậy.


Phong thái tự tại siêu thoát kia đã đạt đến mức tuyệt cùng qua ý chỉ của bài thơ "Biệt Cấm Phòng" dưới đây:


Ngã cư không xứ nhất trùng thiên
Ngã giới hư vô chân cá thiền
Vô vật vô nhơn vô thậm sự
Tọa quan thiên nữ tán hoa miên

(Biệt Cấm Phòng)


Tạm dịch:
Tôi cư trú ở từng trời Không Vô Biên Xứ
Thế giới tịch lặng ấy của tôi đúng thật là cõi thiền
Không vật, không người, không lắm chuyện
Ngồi mà chiêm quan thiên nữ rải bông hoa
(Phòng Biệt Giam)


Không Vô Biên Xứ Thiên là cõi trời thứ nhất trong bốn cõi trời Tứ Không (Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ) mà một hành giả khi nhập định Tứ Không Xứ an trụ trong đó. Định Không Vô Biên Xứ là trạng thái mà người nhập định đã xả bỏ tất cả niệm về giới hạn của không gian và thời gian để nhập thể vào cõi vô biên vô hạn. Tất nhiên, trong trạng thái định đó thiền giả không còn ý niệm về vật, về người và về muôn ngàn ý tưởng điên đảo khác. Cõi ấy không đúng là thiền thì là gì! Bậc đại sỹ ngồi trong phòng biệt giam tối tăm và chật hẹp không tưởng tượng nổi mà vẫn an nhiên tọa thiền nhập định. Cho nên, đối với Thầy đó là đạo tràng thanh tịnh có các thiên nữ rải bông hoa cúng dường. Thế mới biết đạo lực của bậc đại sỹ không thể nào đem trí đức thô lậu của phàm phu mà so sánh được. Bài thơ dệt nên cái phong cảnh thanh tịnh siêu thoát tỏa ra từ đạo lực cao dày của vị tu sĩ khiến cho người đọc quên rằng tác giả đang diễn tả sinh hoạt của mình trong một phòng tù biệt giam!


Tất cả đạo lực tự tại và siêu thoát ấy đều là kết quả tất yếu của một quá trình tu chứng mà Thầy đã lịch nghiệm từ giáo nghĩa Khổ Không đến thực tại đời sống sinh động trong đó bao hàm những ngày lao tù khổ nhọc. Kinh nghiệm ấy như là những tôi luyện tinh ròng từng bước từng bước dẫn Thầy đến vực thẳm, chỗ tận cùng của mê và ngộ, để rồi một mai khi bước chân vừa khởi đi là hốt nhiên rơi xuống vực thẳm. Nhưng chính từ trong vực thẳm ấy, cánh cửa nhiệm mầu lại mở ra, muôn pháp sáng rực dưới nhãn quang bùng vỡ của người về từ miền đất lạ. Xin hãy đọc bài Tự Thuật sau đây thì rõ:


Tam thập niên tiền học Khổ Không
Kinh hàm đôi lũy ám tây song
Xuân hoa bất cố xuân quang lão
Thúy trúc tà phi túy mộng hồn
Nhẫm nhiễm trường mi thùy hoại án
Ta đà tố phát bán tàn phong
Nhất triêu cước lạc huyền nhai hạ
Thủy bả Chân Không đối tịch hồng

(Tự Thuật)


Tạm dịch:
Ba mươi năm trước học giáo nghĩa Khổ Không của đạo Phật
Kinh đã học chứa đựng chất đống cao như tường che khuất cả cửa sổ trời tây
Xuân tươi thắm mà không đoái hoài đến nên xuân già cỗi
Trúc xanh biếc thoáng lượn qua làm say hồn mộng mị
Thắm thoắt hàng mi dài rũ xuống chiếc bàn cũ kỹ
Ngày qua tháng lại tóc trên đầu đã bạc nối theo với tuổi già sức kiệt
Một sớm bước chân rơi xuống vách núi cheo leo
Mới lấy Chân Không mà đối trị lại đêm hồng
(Tự Thuật)


Giáo nghĩa Khổ Không của đạo Phật nếu không được nghiệm chứng thực sự trong cuộc sống trầm luân khổ lụy thì chỉ trở thành là cái kho tàng chữ nghĩa làm che khuất cả chân tâm. Vì chỉ chú trọng vào triết lý suông không thôi cho nên người tầm đạo đôi khi không có đủ đạo lực để ứng phó với những cơn say hồn lúc bước vào trận đồ vô minh phiền não. Rồi vì dong ruổi theo mê lộ của tư tưởng triết lý đạo học mà quên đi ngày tháng, đến nỗi khi chợt tỉnh ra thì mái đầu xanh đã trắng bạc tự bao giờ. Nhưng mà, quá trình lịch nghiệm cuộc sống ấy không phải là quá trình hoang phí đối với mục tiêu cứu cánh của đời người. Nó đích thực là chặng đường thử thách và tôi luyện tinh mật để sửa soạn cho một giai kỳ bí nhiệm khác. Giai kỳ ấy lộ hiện ra khi người tầm đạo vừa lao mình xuống vực thẳm uyên nguyên. Đi tìm sinh lộ ngay trong chính giữa lòng của cõi chết. Đó là phương cách thần diệu nhất, mà chỉ có những ai dám vận dụng tất cả chí khí bình sanh đương đầu một lần quyết liệt với con người vô minh điên đảo của chính mình, để cải tử hoàn sanh. Chết đi con người vô minh và phiền não để tái sanh con người giác ngộ và giải thoát. Từ sau đó, người hành đạo không còn quái ngại đối với vô minh phiền não gì cả vì trong ông ánh sáng rực ngời của trí tuệ Bát Nhã lúc nào cũng chiếu rọi tròn đầy.


"Một sớm bước chân rơi xuống vách núi cheo leo
Mới lấy Chân Không mà đối trị lại đêm hồng."


Trí tuệ Bát Nhã liễu đạt vạn pháp là Chân Không Diệu Hữu xa lìa các vọng chấp của Có, Không hay Đoạn, Thường. Vì thực tại vạn hữu không thể nói là Có hay là Không một chiều theo quan kiến nhị biên và phân biệt lưỡng lập. Chỉ có Trí Tuệ Bát Nhã ấy mới có đầy đủ diệu lực để rọi chiếu vào tận cùng nguồn lạch vi tế của vô minh và ái nhiễm.


Đối với bản thân thì bậc đại sỹ không còn bận bịu đến lẽ tử sanh sinh diệt vô thường, nhưng lòng đại bi đối với chúng sanh khổ lụy thì không bao giờ gián đoạn. Nghĩ đến sứ mệnh hoằng truyền chánh pháp phổ độ chúng sanh, bậc đại sỹ trầm tư thâu canh trước ngọn đèn leo léc trong lao tù.


Trục nhật lao tù sự cánh mang
Trung tiêu độc tọa đối hàn đăng
Không môn thiên viễn do hoài mộng
Quy lộ vô kỳ nhiệm chuyển bồng

(Dạ Tọa)


Tạm dịch:
Ngày trôi qua việc lao tù lại thêm mờ mịt
Trong phòng tù một mình ngồi đối diện với ngọn đèn lạnh lẽo
Hình ảnh chốn thiền môn xa xưa lòng vẫn hoài tưởng
Đường trở về không hạn kỳ sứ mệnh thật rối rắm
(Đêm Ngồi)


Đường về của bậc đại sỹ hay đường về của cả dân tộc không còn có thể hạn kỳ được vì đất nước đang bị phủ trùm lên ngổn ngang những thảm cảnh bi thương, những bế tắc và khủng hoảng khắp các mặt xã hội từ kinh tế đến văn hóa và đạo đức. Trước cơn mạc vận của dân tộc như vậy người dân thương nước thương nòi nào mà không cảm thấy rối rắm trong lòng!


Bài thơ dệt lên cái hình ảnh thật bình dị nhưng cũng thật như thực và cảm xúc. Hình ảnh một vị tu sĩ ban đêm trong tù vì suy tư đến vận nước, vận đạo mà không an giấc. Thức dậy ngồi một mình trước ngọn đèn dầu leo léc. Ánh sáng nhạt nhòa của ngọn đèn trông lạnh lẽo và cô liêu lạ thường trong đêm khuya giữa chốn lao tù.


Trong lòng Thầy lúc nào cũng nghĩ đến chốn thiền môn cổ kính ngày nào. Phải, chỉ có đạo giải thoát mới là nhà đích thực của một tu sĩ, chỉ có Không môn mới là cánh cửa dẫn đến thế giới siêu thoát tự tại. Tất cả đều là huyển mộng như cái huyển mộng của chính kiếp người. Có gì khác hơn là cứu cánh giác ngộ đáng để bậc đại sỹ phải bận lòng, phải tham đắm dù là lợi danh mà người đời không ngớt tìm cầu. Chính vì thế, bậc đại sỹ ra tay cứu nước cứu dân không phải vì bả danh lợi thế tục mà vì hạnh nguyện cứu khổ độ sanh của Bồ Tát. Việc cứu nước cứu dân trong cơn quốc phá gia tan là việc nên làm của tất cả những người mang hạnh nguyện vị tha không luận là thuộc thành phần nào của xã hội. Nhà văn, nhà thơ, nhà tu hành, nhà chính trị, ông nông phu, bà bán hàng rong, cô học trò, em bé chăn trâu, v.v... tất cả đều có trách nhiệm trọng đại đối với quốc gia dân tộc. Cho nên, đừng nói rằng người này nên gánh vác trách nhiệm ấy người kia không nên. Người viết cho rằng sự hy sinh của Thầy cho dân tộc, cho đạo pháp quả thật xứng đáng và không uổng phí chút nào. Thầy quả là một Tuệ Trung Thượng Sỹ của thời đại hôm nay. Xin vạn lần xưng tụng công hạnh vị tha cao cả của Thầy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]