CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Tập 2
Thích Nữ Giới Hương
Quan điểm về Hạnh phúc, Đau Khổ, Vô thường, Chết
1. BA NỖI KHỔ
Khổ khổ hay nỗi khổ của sự khổ là những người đang chịu đựng sự khổ đau về bệnh tật hoặc buồn khổ khi gặp cảnh mất mát người thân.
Hoại khổ là khi chúng ta nhìn thấy mọi người thích thú với những thành công trần tục đó, thay vì cảm thấy xót thương vì chúng ta biết rằng niềm vui ấy cuối cùng rồi sẽ chấm dứt và bỏ lại cho họ với những nỗi thất vọng chán chường, thường thì phản ứng của chúng ta cảm thấy ngưỡng mộ và đôi khi là ganh ghét. Nếu chúng ta thực sự thấu hiểu về nỗi khổ và bản chất của nó, chúng ta sẽ nhận biết rằng danh tiếng cũng như của cải đều là tạm bợ và niềm vui cuối cùng sẽ phải tự nhiên kết thúc, để rồi gây khổ đau cho con người.
Hành khổ là loại đau khổ thứ ba sâu sắc hơn và tinh vi nhất. Chúng ta thường xuyên chịu đựng sự đau khổ này, nó là sản phẩm của cái vòng lẩn quẩn. Bản chất của nó là cuộc sống lẩn quẩn mà chúng ta chịu ảnh hưởng liên tục của những cảm xúc và ý nghĩ tiêu cực. Và khi chúng ta dưới sự kiểm soát của nó, cuộc sống của chúng ta là một hình thức đau khổ. Loại đau khổ này ngập tràn cuộc sống của chúng ta, quay chúng ta trong cái vòng lẩn quẩn của những cảm xúc tiêu cực và các hành động vô đạo đức. Tuy nhiên, hình thức đau khổ này rất khó nhận ra. Nó không phải là trạng thái đau khổ rõ rệt mà chúng ta gặp phải ở loại “khổ khổ”. Nó cũng không phải là điều ngược lại của sự giàu sang và danh vọng như chúng ta tìm thấy trong “hoại khổ”. Nhưng sự đau khổ tỏa khắp này là loại khổ đau sâu sắc nhất. Nó ngập tràn trong mọi khía cạnh của cuộc đời.
(An Open Heart)
2. BA THỜI ĐỀU KHÔNG
Chúng ta tìm thấy quá khứ và tương lai có một sợi dây cực nhỏ đến nỗi không thể phân tách được. Quá khứ và tương lai liên quan đến hiện tại. Nhưng nếu hiện tại không có vị trí, thì quá khứ và tương lai làm sao thành lập được. Đây là lý nhân duyên tùy thuộc lẫn nhau.
(The Path to Tranquility, 83)
3. BẢN CHẤT CON NGƯỜI
Tín ngưỡng thông thường của tôi rất đơn giản. Tất cả chúng sanh, đặc biệt là con người, dù là hạng trí thức hay ngu dốt, giàu hay nghèo, Ðông hoặc Tây phương, có hay không có tôn giáo, mỗi chúng ta đều muốn sống hạnh phúc và không thích khổ đau. Ðây là bản chất của tất cả mọi người.
(Universal Responsibility and The Good Heart)
4. BI TRÍ
Cuộc đời chúng ta luôn luôn biến đổi và gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn đó sẽ được giải quyết thành công khi tâm chúng ta bình tĩnh và sáng suốt. Nếu chúng ta không kiểm soát được tâm mình vì lòng oán giận, ích kỷ, ganh ghét và sân hận; chúng ta sẽ không còn lý trí để xét đoán.
Vào những giờ phút cuồng dại vì tâm chúng ta mù quáng thì bất cứ việc gì cũng có thể xảy ra, kể cả chiến tranh. Cho nên, sự thực hành lòng từ bi và trí tuệ là điều hữu ích cho tất cả, nhất là đối với những người có trách nhiệm điều hành công việc quốc gia, khi mà họ nắm trong tay quyền lực và phương tiện có thể tạo dựng nền hòa bình cho thế giới.
(A Human Approach to World Peace)
5. BIẾN HÓA
Cây tốt tươi sẽ rụi tàn và trơ trọi cành lá trong mùa thu.
Xinh đẹp thành xấu xí.
Tuổi trẻ sẽ thành già nua.
Lỗi lầm sẽ biến thành đức hạnh.
Các pháp không tồn tại giống như vậy mãi mãi mà luôn thay đổi.
Vì vậy, sanh và diệt cũng tồn tại đồng thời.
(The Path to Tranquility, 27)
6. BỊNH HOẠN
Tại sao tình thương và lòng từ bi đã mang lại cho con người nguồn hạnh phúc lớn lao nhất, bởi lẽ bản chất con người chúng ta yêu chuộng các thiện tính đó hơn tất cả các thứ khác. Mỗi cá nhân dù có khả năng và tài giỏi thế nào, nếu tách ra ở một mình, họ không thể nào tồn tại được. Lúc chúng ta còn trẻ và khỏe mạnh, đó là thời kỳ đầy sức sống, chúng ta có thể tự lo được, nhưng khi bệnh hoạn, ốm đau hay già nua, chúng ta rất cần đến sự chăm sóc của mọi người.
(The Compassionate Life)
7. CÁI CHẾT CỦA MỘT NGƯỜI GIÀU CÓ VÀ MỘT CON THÚ HOANG ĐỀU GIỐNG NHAU
Không nên chấp thủ vào cuộc đời này, bởi vì dù chúng ta có sống đến 100 tuổi, rồi chúng ta cũng sẽ chết. Tất cả chúng ta đều chết nhưng chưa biết khi nào. Dù trong đời này chúng ta được phước giàu có, nhưng cũng sẽ không giúp gì lúc cận tử nghiệp. Nếu chúng ta được giàu có, trở thành một triệu phú hay tỷ phú, vào ngày chúng ta từ giã cõi đời, chúng ta không thể đem theo đồng nào trong nhà băng của mình. Thế nên, cái chết của một người giàu có và một con thú hoang đều giống nhau.
(Ocean of Wisdom, 56-7)
8. CẬN TỬ NGHIỆP
Chúng ta sợ chết bởi vì chúng ta không biết lúc nào chúng ta chết. Tử thần sẽ đến bất ngờ bất cứ giây phút nào. Chúng ta sợ chuyện gì sẽ xảy ra sau khi chết. Chúng ta sợ sẽ thấy chúng ta trong một nơi mà chúng ta không đồng ý và không biết, tràn đầy những lo lắng. Nếu chúng ta muốn chết bình an thì chúng ta phải học sống bình an.
Kinh nghiệm chết là cực kỳ quan trọng, bởi vì chính cận tử nghiệp đưa chúng ta đến cảnh giới tái sanh tương lai. Cho nên ngay lúc cận tử nghiệp chúng ta cần nỗ lực tập trung chánh niệm.
(The Path to Tranquility, 281)
9. CÁNH CỬA HẠNH PHÚC
Nếu chúng ta không gây được thiện cảm với những người xung quanh và họ trở nên thù nghịch, như vậy làm sao chúng ta hy vọng có thể sống trong hạnh phúc và an lạc? Theo luật căn bản tự nhiên của con người, sự tương trợ, biết cho và nhận giúp đỡ lẫn nhau là chìa khóa mở rộng cánh cửa hạnh phúc. Chẳng hạn, không ai có thể sống một mình tại một nơi xa xôi không có người ở.
(The Compassionate Life)
10. CHẾT
Thực chẳng có ý nghĩa gì khi chúng ta đắm say vào cõi trần tục thế gian hiện nay, bởi vì dù đời sống có kéo dài đến bao lâu chăng nữa, cũng chỉ trường thọ nhiều nhất là một trăm năm rồi cuối cùng chúng ta vẫn phải ra đi, từ giã cuộc sống tạm bợ này. Ðúng vậy, đời là vô thường, chúng ta sẽ phải chết. Dù chúng ta có nhiều của cải, tiền bạc cách mấy, đến lúc ấy, chúng cũng chẳng giúp ích được gì cho chúng ta.
(Ocean of Wisdom)
11. CHẾT LÀ MỘT NGƯỜI BẠN GẦN NHẤT
Khi còn nhỏ, tôi rất sợ bóng tối. Còn nỗi lo bây giờ của tôi không phải cho sự an toàn của cá nhân tôi mà cho nhiều người đang tin tưởng và hy vọng vào tôi. Khi chúng ta có năng lực định mạnh thì chúng ta không có sợ ngay cả khi máy bay bị tai nạn. Mỗi ngày tôi đều chuẩn bị cái chết đến. Đức Phật dạy, chết là một điều tự nhiên, một hiện tượng của sự luân hồi. Chết không phải là hết. Nó là một cái gì rất thân thiết đối với chúng ta. Chúng ta không phải sợ chết. Tôi tưởng tượng chết như là đổi để mặc một chiếc áo mới khác. Đây là một điều tuyệt diệu.
(Path of Wisdom, Path of Peace)
12. CHẾT TRẺ
Có nhiều vị trẻ tuổi rất dễ thương, mạnh khỏe nhưng chết sớm. Họ là những vị hiển lộ lý thuyết vô thường của đạo Phật.
(The Path to Tranquility, 49)
13. CON NGƯỜI LÀ KHÔNG HOÀN HẢO
Sự phát triển tinh thân của con người là chưa hoàn hảo. Ngay cả trong ý nghĩa bình thường, trong tâm khảm của chúng ta vẫn còn nhiều điều để khám phá. Điều này không liên quan gì đến ý thức hệ tôn giáo mà chỉ là vấn đề tinh thần. Vài phần của bộ não có thể được chế ngự qua thiền định sâu sắc. Nhưng đồng thời, cũng có các điều được khám phá trong ý nghĩa bình thường. Từ quan điểm này, chúng ta có thể hiểu là con người, là chưa hoàn hảo.
(The Path to Tranquility, 15)
14. CON NGƯỜI THUẦN TÚY
Ngày nay, quả đất chúng ta đang sống ngày càng thu nhỏ lại. Về mặt kinh tế và các phương diện khác, nhiều quốc gia xa xôi trên thế giới ngày càng sống gần gũi và liên hệ mật thiết với nhau hơn. Do đó, những cuộc họp quốc tế vẫn thường được triệu tập để giải quyết các cuộc khủng hoảng hay tranh chấp, mặc dù xảy ra ở một nơi xa xôi, nhưng có ảnh hưởng liên quan đến toàn cả thế giới. Bởi vậy, hiện nay điều cần thiết là chúng ta nên nghĩ đến giá trị của con người thuần tuý hơn là dựa trên căn bản vật chất, địa vị hay quyền lợi mà các điều này đã gây nên sự kỳ thị, phân chia giữa chúng ta và mọi người khác. Cho nên tôi đang hầu chuyện với quý vị với tư cách là một con người bình thường và tôi thành thực mong quý vị cũng suy nghĩ rằng: “Tôi duy nhất chỉ là một con người và đến đây thuyết giảng trước quý vị cũng là những con người thuần túy”.
(The Path of Compassion)
15. CUỘC SỐNG BẬN RỘN
Đối với hầu hết chúng ta, công việc giống như là một điều tất yếu phải làm. Đó là tấm vé mua bữa ăn của chúng ta, trang trải nợ nần rồi còn có bảo hiểm sức khỏe trọn đời, tiền hưu về già, vv… nên hầu hết tất cả chúng ta dành nhiều thời gian cho công việc hoặc cho việc mua bán hơn là những thú vui tiêu khiển khác.
16. DANH XƯNG LÀ TẠM BỢ
Nếu các bạn và tôi tự nhận biết tất cả chúng ta đều là con người thì trên căn bản đó, chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm với nhau. Nếu tôi nói: “Tôi là nhà Sư; Tôi là một Phật tử”, nhưng khi so sánh với bản chất của tôi là một con người, thì các danh xưng này sẽ trở thành tạm bợ. Con người mới là điều căn bản vĩnh viễn. Một khi sanh ra đã làm người thì điều đó sẽ không bao giờ có thể thay đổi cho đến ngày chúng ta qua đời. Các đặc tính khác như dù chúng ta là người thông minh hay ngu dốt, giàu hoặc nghèo, đều là việc không quan trọng.
(The Path of Compassion)
17. ĐAU KHỔ GIÚP CHO BẠN TỈNH THỨC
Sự đau khổ là điều bất hạnh, nhưng đôi khi nó có thể là yếu tố quan trọng giúp chúng ta tĩnh thức để nhận biết những việc sai quấy mình làm.
(Worlds in Harmony)
18. ĐIỀU NGẠC NHIÊN Ở NHÂN LOẠI
Tôi rất ngạc nhiên ở nhân loại bởi lẽ con người phung phí sức khỏe để tích chứa tiền của (làm hai, ba công việc để trả các bills), rồi lại bỏ tiền ra để mua lại sức khỏe.
Vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống với hiện tại lẫn tương lai.
Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết… Nhưng rồi sẽ chết như chưa bao giờ sống.
19. ĐỜI SỐNG CỦA CON NGƯỜI LÀ MỘT NGHỆ THUẬT
Luyện tâm là một nghệ thuật. Nếu luyện tâm là một nghệ thuật thì đời sống con người cũng là một nghệ thuật. Tôi không quan tâm về nghệ thuật của thân thể. Tôi chỉ thiền định và luyện tâm mình. Nếu những hình tướng biểu lộ là nghệ thuật thì bản thể của những hình tượng đó cũng là một nghệ thuật.
(The Path to Tranquility, 211)
20. ĐỪNG ĐỢI CHẾT MỚI ĐI PICNIC
Có hai thầy trò trong chùa. Vị thầy muốn khuyến khích đệ tử mình nên tuyên bố “Chúng ta sẽ đi picnic một ngày nào đó”. Vài ngày sau, người đệ tử nhắc, thầy nói thầy quá bận chưa đi được.
Thời gian lâu sau cũng chưa đi pinnic. Người đệ tử lại nhắc. Thầy trì hoãn “Oh, Bây giờ thầy bận quá!” Một ngày nọ, người đệ tử thấy người ta khiêng một xác chết. Vị thầy hỏi: “Chuyện gì xảy ra?” Đệ tử liền đáp “Oh, ông nhà nghèo đó đi pinnic”.
Cũng vậy, khi chúng ta hứa làm một việc gì thì nên làm, đừng trì hoãn, dù chúng ta có nhiều việc và đừng đợi chết mới đi.
(The Path to Tranquility, 394)
21. GIAN KHỔ
Là người đang hành trì tu tập theo Phật giáo, chúng ta nên phát nguyện chịu đựng sự khắc khổ tu hành để hướng đến quả vị giải thoát cao cả. Nhờ tiếp xúc, va chạm với nỗi khổ đau trong cuộc đời đã giúp chúng ta có tâm rộng mở và bao dung. Quán chiếu nhận thức rõ đời là biển khổ vô thường chúng ta sẽ nỗ lực tinh tấn tu hành để vượt khỏi vòng luân hồi sinh tử. Có những kẻ theo tà giáo ngoại đạo tu ép xác khổ hạnh hay tự hủy hoại thân thể nhằm hướng đến các mục đích vô nghĩa, tại sao chúng ta không thể nhẫn nhục chịu đựng khắc khổ tu tập để đạt đến sự giải thoát, an lạc và hạnh phúc lâu dài? Tại sao chúng ta lại ngại khó khăn gian khổ trên con đường tu hành giải thoát?
(The Joy of Living and Dying in Peace)
22. HAI GIẤC MỘNG
Ðời sống có thể so sánh như hai giấc mộng. Trong giấc mơ thứ nhất, chúng ta hưởng hạnh phúc được một trăm năm rồi tỉnh mộng và giấc mơ kia chúng ta chỉ được vui sướng trong chốc lát rồi thức dậy ngay. Ðiều chính yếu là khi tỉnh dậy, chúng ta không còn thấy vui sướng như trong mộng nữa. Dù cho chúng ta sống cuộc đời dài hay ngắn, chúng ta cũng sẽ phải chết. Dù cho chúng ta giàu có hay không, và hưởng thụ tài sản của cải đó trong thời gian ngắn hay dài, lúc chết chúng ta sẽ bỏ lại hết như bị cướp sạch vậy. Chúng ta sẽ tay không đi qua thế giới khác.
(The Joy of Living and Dying in Peace)
23. HẠNH PHÚC
Hạnh phúc có nhiều cấp độ. Hạnh phúc hay sự an lạc bên trong mỗi người và sự an bình giữa các xã hội hay thế giới bên ngoài. Tôi ước mong sự ảnh hưởng của an bình đến tất cả mọi người trên hành tinh này. Nghèo khổ không tạo nên cuộc sống an lạc nhưng chúng ta hãy thỏa mãn với những nhu cầu căn bản. Chúng ta cần thực phẩm để ăn, nước sạch để uống, một mái nhà che nắng mưa. Đây là những căn bản cho mỗi nền văn hóa.
Một số người nghĩ rằng ai hưởng được sự phú quý xa hoa mà không khổ nhọc tạo tiền là người hạnh phúc. Nhưng thật ra của cải không bảo đảm hạnh phúc. Nỗi lo sẽ tăng lên khi tiền tăng lên. Chúng ta làm chủ nhiều thì chúng ta cũng sẽ mất nhiều. Chúng ta mong sở hữu và rồi chúng ta cũng sẽ sợ mất chúng. Có sở hữu món này lại muốn sở hữu món khác. Con đường này sẽ không bao giờ đưa chúng ta đến an lạc. Có hai con đường là tinh thần và vật chất.Tôi tin con đường tinh thần là cái quyết định. Vì nó rèn luyện tâm của chúng ta. Dù chúng ta có không may mắn về vật chất, nhưng chúng ta sẽ có được sự an bình của nội tâm.
(Path of Wisdom, Path of Peace, 132-3)
24. HẠNH PHÚC BÊN NGOÀI VÀ BÊN TRONG
Có hai phương cách để tạo dựng hạnh phúc. Trước hết là hạnh phúc bên ngoài. Khi chúng ta cảm thấy thoải mái được ở trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, mặc quần áo đắt tiền và có những người bạn tốt. Thứ hai là qua sự phát triển tinh thần liên quan đến hạnh phúc ở nội tâm. Tuy nhiên, cả hai loại hạnh phúc này đều không thể hoàn toàn đạt kết quả tuyệt đối. Thực vậy, hạnh phúc bên ngoài khó có thể tồn tại lâu dài, nếu thiếu một vài yếu tố khác. Chẳng hạn như khi trong tâm của chúng ta cảm thấy bất an thì cho dù chúng ta sống trong cảnh phú quý giàu sang, chúng ta vẫn cảm thấy không có hạnh phúc. Trái lại, khi tâm mình an lạc, thì dù gặp hoàn cảnh hết sức khó khăn, chúng ta vẫn tìm thấy an vui.
(How To Practice The Way To A Meaningful Life)
25. HẠNH PHÚC BIẾN MẤT
Mọi người trong gia đình, xã hội, quốc gia và cả thế giới, vẫn thường nói đến cuộc sống bình an nhưng nội tâm mình chưa an, thì làm sao có được niềm vui thực sự? Hòa bình thế giới sẽ không bao giờ hiện đến nếu tâm con người còn chứa đầy tham sân và thù hận. Ngay hạnh phúc cá nhân cũng biến mất khi lòng mình nổi cơn giận dữ.
(Kindness, Clarity and Insight)
26. HẠNH PHÚC KHI VẮNG MẶT KHỔ ĐAU
Hạnh phúc có mặt khi vắng mặt đau khổ. Tây Tạng có câu chân ngôn: “Nếu bạn tỏ thái độ quá vui thì sau này bạn sẽ khóc”, ý nói chúng ta nên tránh cái gì thái quá.
Đức Phật dạy quan trọng là giữ tâm bình khí hòa, không nên quá lên hay quá xuống. Ðời sống này sẽ không màu nhưng quá phấn khởi trong đời là thêm màu vào cũng không tốt. Giống như bật đèn quá sáng trong phòng (quá khích) hoặc để tối thui (quá buồn) cũng không hữu dụng. Nhìn cuộc sống bằng thái độ trầm tĩnh và sáng suốt. Đây là quan trọng. Sự vững chãi của tâm sẽ đạt được do chúng ta luyện tập.
(Worlds in Harmony, 65)
27. HẠNH PHÚC KHÔNG THỂ ĐẾN TỪ SỰ GIẬN DỮ
Tôi tin hạnh phúc xuất phát từ tình thương. Hạnh phúc không thể đến từ sự giận dữ và hận thù. Không ai bảo rằng: “Sáng nay tôi cảm thấy hạnh phúc vì tôi tức giận”. Trái lại, người ta có thể bực bội và buồn phiền để nói rằng: “Hôm nay tôi vô cùng đau khổ vì tôi đã nổi cơn giận dữ”. Đó là một điều tự nhiên. Qua tình thương, sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau, dù trên bình diện cá nhân, quốc gia hay thế giới chúng ta sẽ có sự an lạc, hạnh phúc và mãn nguyện.
(Universal Responsibility and The Good Heart)
28. HẠNH PHÚC LÀ SỰ TRẦM TĨNH CỦA TÂM
Hạnh phúc là trạng thái của tâm. Mặc dù thân thể thoải mái nhưng tâm đang bấn loạn và cáu kỉnh thì cũng không cảm thấy hạnh phúc được. Hạnh phúc là sự trầm tĩnh của tâm.
(The Path to Tranquility, 86)
29. HẠNH PHÚC TINH THẦN
Các du khách ngoại quốc thường có nhận xét rằng Tây Tạng là một dân tộc luôn luôn sống trong hạnh phúc và an lạc. Ðây là một phần đặc tính của quốc gia chúng tôi được tạo nên bởi những giá trị bắt nguồn từ nền văn hóa và tôn giáo, qua nhiều thế hệ chú trọng đến hạnh phúc tinh thần bằng cách thực hiện tâm từ bi và yêu thương tất cả mọi chúng sinh, con người cũng như loài vật.
(The Policy of Kindness)
30. HẠNH PHÚC TÙY THUỘC TÂM
Sự uể oải, nhàm chán hay sự thích thú công việc là phụ thuộc vào tâm thức của chúng ta.
Hạnh phúc của chúng ta không tùy thuộc vào môi trường sống hoặc những hoạt động bên ngoài, hay nói đúng hơn, hạnh phúc là tuỳ thuộc vào dòng tâm thức của chúng ta.
31. HÃY QUÁN TƯỞNG CHO MỌI NGƯỜI
Chúng ta là những vị khách của hành tinh này. Chúng ta ở đây khoảng 90 hay 100 năm là nhiều lắm. Trong thời gian này, chúng ta phải cố gắng làm điều tốt, làm điều gì đó hữu dụng cho chúng ta. Nếu chúng ta đóng góp cho hạnh phúc của loài người, chúng ta sẽ tìm thấy mục đích chân thật, ý nghĩa chân thật trong đời sống này. Mỗi ngày, khi thức dậy, chúng ta hãy suy tưởng:
Hôm nay tôi thật may mắn được thức dậy
Tôi còn sống, tôi đã có một đời người quý báu
Tôi sẽ không lãng phí nó
Tôi sẽ sử dụng toàn bộ năng lực của tôi để tu tập bản thân
Để mở rộng trái tim tôi tới những người khác
Để thành tựu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh
Tôi sẽ có những tư tưởng tốt lành đối với người khác
Tôi sẽ không giận dữ hay nghĩ xấu về người khác
Tôi sẽ làm lợi ích cho người khác càng nhiều càng tốt trong khả năng của tôi.
32. ÍT MUỐN BIẾT ĐỦ
Nếu chúng ta sẵn sàng sống đời sống khiêm tốn biết đủ, thì chúng ta sẽ thỏa mãn với những gì mình có. Biết đủ là yếu tố đưa chúng ta đến hạnh phúc. Khi chúng ta an lạc với những gì mình có, không ham muốn điều gì mới hơn chúng ta sẽ có cảm giác ổn định và an lạc hiện tiền. Chúng ta sẽ thấy vui trong chiếc y cũ, quần áo che thân đủ ấm không cầu kiểu cọ, và mái lá che đầu khỏi mưa gió. Lúc đó, chúng ta sẽ có tràn đầy một trạng thái không chấp thủ, không nắm giữ một sở hữu nào bên ngoài.
(Path of Wisdom, Path of Peace)
33. KHẢ NĂNG CỦA LOÀI NGƯỜI
Mỗi chúng ta đều có bản ngã hay cái Tôi. Chúng ta cùng chia xẻ các mục đích căn bản: Chúng ta muốn có hạnh phúc và không thích khổ đau. Loài vật và sâu bọ cũng mong ước hạnh phúc và tránh đau khổ, nhưng chúng không có khả năng đặc biệt biết làm cách nào để hưởng được nhiều hạnh phúc và diệt trừ hết mọi khổ đau. Là con người, chúng ta có trí óc và tư tưởng, cho nên chúng ta có khả năng và nên sử dụng nó.
(How To Practice The Way To A Meaningful Life)
34. KHÁI NIỆN “KHÔNG”
“Không” (empty) nghĩa là vô ngã, không có tồn tại. Giống như số 0. Nếu chúng ta nhìn số 0, chính nó là số 0, không có gì cả. Nhưng thật ra, có cái gì đó vì nếu không có số 0 thì không có số 10 hay số 100. Tương tự với khái niệm “không”: rỗng không, nhưng nó lại là căn bản của các pháp. Chúng ta không thể thấy các pháp mà chúng ta chỉ thấy tánh không. Nói về bản chất, các pháp không tồn tại tương ứng với hình tướng chúng xuất hiện (vì giả), nhưng vì tánh không là bản chất của các pháp cho nên các pháp tồn tại và biến mất. Chúng sanh có sanh ra và chết đi, đau khổ có đến và đi và hạnh phúc có đến và đi. Tất cả các pháp đều thay đổi, ‘sắc không khác với không, không không khác với sắc’.
Nếu đau khổ cũng như hạnh phúc là độc lập thì chúng sẽ không thay đổi. Nếu chúng không tùy thuộc vào nhân, vào duyên thì chúng không thay đổi. Bởi vì bản chất của chúng là không nên chúng có thể thay đổi và chuyển hóa. Chính sự thay đổi và chuyển hóa này đã chỉ ra thực tại của tánh không.
(Ocean of Wisdom, 38-9)
35. KHÔNG CÓ BA THỜI
Tương tự như thế khi chúng ta dùng các danh từ “quá khứ”, “hiện tại” và “tương lai” để chỉ thời gian thì chúng ta nên biết rằng quá khứ chỉ còn là kỷ niệm, tương lai là ý tưởng dự tính hay chương trình sắp đến. Giờ phút hiện tại mới là thực. Tuy nhiên ngay cả ngày, giờ, phút, giây và một phần của giây đó cũng không còn là hiện tại nữa. Bởi lẽ giây phút hiện tại vừa hiện ra, lại trôi qua trở thành quá khứ, và sau đó thì tương lai chưa đến cho nên “hiện tại” cũng không có. Nếu không có “hiện tại” thì chúng ta không thể xác định được “quá khứ” và “tương lai”. Vì thời gian cứ mãi trôi qua không một giây phút dừng nghỉ.
Nếu quá khứ và tương lai không có thì hiện tại cũng không có, bởi lẽ hiện tại hoàn toàn tùy thuộc vào quá khứ và tương lai tùy thuộc vào hiện tại. Đây là định luật tự nhiên của vũ trụ. Nếu không như vậy thì thời gian cũng không có.
Khi chúng ta gọi “thời gian” dĩ nhiên nó hiện hữu, nhưng không có một danh từ nào, kể cả trừu tượng để chỉ nó. Nếu phân tích tận cùng, chúng ta thực sự không thể tìm thấy bất cứ sự vật gì. Theo Phật giáo, bản chất chân thật của vạn vật vũ trụ là “không”. Nhưng “không” ở đây không phải là hoàn toàn “không có” gì hết. Bởi lẽ mọi vật hình thành đều do nhân duyên. Cho nên không có một vật thể nào độc lập mà sinh ra được. Do vậy mà triết lý đạo Phật gọi là “không”.
(Live In A Better Way)
36. KHÔNG ĐÁNH MẤT NHÂN BẢN
Tôi vẫn tin rằng mặc dù nền văn minh nhân loại của thế kỷ hôm nay đã tiến rất nhanh, nhưng nguyên nhân căn bản gây ra những cuộc khủng hoảng, khó khăn và khổ đau cho con người hiện tại là do bởi chúng ta chỉ nghĩ đến sự phát triển đời sống vật chất không mà thôi. Chúng ta đã say mê theo đuổi nó và không quan tâm đến các nhu cầu cần thiết nhất của mọi người hôm nay là tình thương, lòng vị tha, sự tương trợ và cộng tác giúp đỡ. Nếu chúng ta không nghĩ tưởng đến nỗi khổ đau của cá nhân hay nhiều người khác, như vậy là chúng ta đã quay lưng và bỏ quên họ. Nhưng sự phát triển của xã hội nhân loại hoàn toàn đặt nền tảng trên lòng thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau của con người. Khi trái tim chúng ta khô héo và đánh mất tình người căn bản này thì mục đích cuộc sống của chúng ta phải chăng chỉ còn nhắm đến sự lợi dưỡng và tiến bộ của vật chất?
(The Spirit of Tibet - Vision for Human Liberation)
37. KHÔNG THẬT
Giấc mơ là một ý tưởng của tâm. Không có một đối tượng xác thực dưới những hình tướng này. Ta, người, ta bà, niết bàn đều là những giả danh. Không có một thực thể nào tồn tại bên trong chúng.
(The Path to Tranquility, 177)
38. KHÔNG TRÁNH KHỎI CÁI CHẾT
Không có cách nào tránh khỏi cái chết, giống như có bốn dãy núi cao tận trời bao quanh chúng ta. Chúng ta không thể nào chạy thoát khỏi bốn núi của sanh, già, bệnh, chết. Tuổi già giết chết tuổi thanh xuân. Bệnh hoạn phá hoại sức khỏe. Suy đồi phá hoại các đức hạnh. Cái chết tiêu diệt lẽ sống.
Ngay cả nếu chúng ta là đấu thủ chạy đua, chúng ta cũng không thoát khỏi tử thần. Chúng ta không thể dùng của cải của mình để chuộc cho khỏi chết. Chúng ta không thể dùng ảo thuật, bùa chú và ngay cả thuốc men để thoát chết. Vì vây, là người khôn, chúng ta phải chuẩn bị chờ cái chết đến.
(The Path to Tranquility, 291)
39. KINH NGHIỆM KHI CHẾT
Khi thiền, tôi quán tôi chết tám lần trong một ngày. Tôi phải quán tưởng những giai đoạn của chết trong trí tôi. Nhưng dù quán như vậy nhiều lần trong ngày cũng không bảo đảm điều gì cuối cùng xảy ra khi tử thần đến.
Có hai thái độ đối với chết: Làm lơ nó và chấp nhận đến một điểm nào đó chúng ta phải chết. Rõ ràng chúng ta phải chết nên không có gì phải lo lắng cả. Khi chúng ta học điều này thì nỗi lo bị chết biến mất. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là chết sẽ được chế ngự.
Phật tử tin rằng kinh nghiệm khó nhất và sâu sắc nhất là khi chúng ta chết. Cách chúng ta chết sẽ ảnh hưởng đến sự tái sanh tương lai. Chúng ta nên rời thế giới này trong sự an lạc và không có nghiệp xấu. Đây là tại sao các đạo sư bỏ mạng sống này trong lúc thiền định. Trong mật tông, có một sự tu tập khi đang ngủ hay mơ. Đây là chuẩn bị cho người vào cõi chết.
(Path of Wisdom, Path of Peace, 124)
40. LÀM LÀNH
Thông điệp của tôi là khuyên tất cả chúng ta làm việc lành, thực hiện tình thương và lòng từ bi. Những việc phước đức này rất hữu ích cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta và cũng cho toàn thể xã hội con người. Sự thực hành các thiện tính ấy rất quan trọng.
(Ocean of Wisdom)
41. LIÊN QUAN HIỆN TẠI
Nếu chúng ta muốn biết chúng ta đã làm gì trong quá khứ, hãy nhìn vào y báo của chúng ta hiện tại. Nếu chúng ta muốn biết cái gì sẽ đến trong tương lại, hãy xem tâm của chúng ta đang làm cái gì trong hiện tại.
(The Path to Tranquility, 31)
42. LOÀI NGƯỜI PHỨC TẠP
Loài người rất phức tạp, đặc biệt là vì chúng ta có tư tưởng và tình cảm cũng như khả năng tưởng tượng và phê phán, cho nên rõ ràng là nhu cầu của chúng ta đã vượt lên trên các giác quan. Sự hiện hữu của âu lo, căng thẳng tinh thần, rối loạn, bấp bênh và buồn chán nơi những người được thoả mãn các nhu cầu căn bản đã minh chứng rõ ràng cho thấy điều ấy.
(Ethics For The New Millennium)
43. LÒNG TỐT CỦA CON NGƯỜI Ở CỬA HIỆU
Xã hội tiêu thụ dựa trên ý tưởng mua hạnh phúc. Mọi người được thuyết phục rằng cần điều này và kia cho hạnh phúc tối hậu. Ngay cả những ngày lễ Phật giáo cũng thoái hóa thành ngày lễ của tiêu thụ mua bán. Việc mua hạnh phúc là một vọng tưởng. Mặc dù khoa học và kỹ thuật đã có những cống hiến đáng kể cho sự an lạc của con người, nhưng khoa học và kỹ thuật không thể tạo hạnh phúc cho con người. Tôi thấy ở Hoa Kỳ và Châu Âu có quãng cáo nhiều loại thương mại nhưng tôi chưa thấy nơi nào lòng tốt của con người được bán đại hạ giá cả. Tiến bộ vật chất giúp con người hạnh phúc dựa vào điều kiện vật chất. Nhưng hạnh phúc chân thật đến từ tâm của con người không phụ thuộc vào các sản phẩm vật chất. Tình thương và sự an lạc nảy mầm chính từ trái tim của chúng ta. Mặc dù bây giờ y khoa có thể cấy ghép tim nhưng y khoa không thể giải phẫu và cho chúng ta một trái tim biết yêu thương nhân loại.
(Path of Wisdom, Path of Peace)
44. LỬA LUYỆN VÀNG
Nếu chúng ta tu tập và đạt được sự an định nội tâm, sự nhẫn nại và suy nghĩ trong sáng, rõ ràng thì chúng ta có thể có được sự hạnh phúc từ bất cứ tình huống nào. Song chúng ta sẽ chỉ học được cách phát triển những phẩm chất này nếu chúng ta bị thử thách liên tục cho nên đừng nản lòng.
Xa hơn nữa, nếu chúng ta làm việc phát huy tính trong sáng hiểu biết và an định ở mức độ lớn hơn trong giữa dòng xoáy cực kỳ hỗn độn và điều hành công việc kinh doanh với một triển vọng hướng đến phương diện luân lý đạo đức tốt đẹp, thì chúng ta sẽ tìm thấy được sự thành công vĩ đại hơn trong công việc làm ăn của mình cho dù chúng ta là chủ hay là thợ. Nhưng hãy đợi thời gian trả lời.
Nếu chúng ta sợ đau khổ, chúng ta nên suy nghĩ xem mình có thể làm gì để giải quyết những nỗi chịu đựng này. Nếu chúng ta có thể, không cần phải lo lắng nữa; nếu chúng ta không thể làm gì, cũng không cần phải lo âu.
45. MỖI NGƯỜI CHẾT KHÁC NHAU
Có nhiều cách chết. Chết là một luật tự nhiên nhưng vẫn tốt hơn nếu chúng ta có sự chuẩn bị và nhận thức trước khi rời cõi này. Đừng để mất sự an lạc trong tâm. Trạng thái tinh thần này sẽ ảnh hưởng vào lần tái sanh sắp tới. Theo quan điểm đạo Phật, chết có thể xảy ra khi lực sống của nghiệp tốt đã cạn. Có những người sợ giây phút chết dằn vặt, không ra đi nhẹ nhàng, sợ ‘phút phán đoán cuối cùng’. Một người sống đạo đức, sẽ chết nhẹ nhàng cho những gì vị ấy đã làm trong hiện đời thì nỗi sợ chết sẽ biết mất. Điều này khác với người làm ác, hại người thì chết sẽ không yên vì dằn vặt lương tâm cho tới giây phút cuối.
(Path of Wisdom, Path of Peace, 125)
46. MONG CẦU HẠNH PHÚC
Về phần tôi, sự gặp gỡ vô số người khác đến từ khắp nơi trên thế giới cũng như mọi nẻo đường đời nhắc nhở tôi sự giống nhau căn bản chung như là một con người. Thật vậy, càng nhìn vào thế giới càng thấy rõ hơn là, bất kể trong hoàn cảnh nào, dù giàu hay nghèo, học thức hay ngu dốt, thuộc sắc dân nào, nam nữ, tôn giáo này hay tôn giáo khác, tất cả chúng ta đều muốn có hạnh phúc chứ không thích khổ đau. Mỗi hành động có ý định của chúng ta, trong ý thức về đời mình – phương cách chọn lựa cuộc sống trong khuôn khổ giới hạn của hoàn cảnh – có thể xem như lời giải đáp của chúng ta cho một câu hỏi lớn mà tất cả mọi người đều phải đương đầu “Làm sao ta có hạnh phúc?”
(Ethics For The New Millennium)
47. MỤC ĐÍCH CAO THƯỢNG
An lạc và hạnh phúc là mục đích cao nhất của cuộc sống. Suối nguồn hạnh phúc là trái tim đồng cảm và biết yêu thương. Ngay từ phút đầu tiên con người vào thế giới này, bất kể chúng ta thuộc tầng lớp xã hội nào, thuộc đất nước nào, có nền giáo dục gì và ý thức hệ thế nào, nhưng chúng ta theo bản năng tự nhiên biết tìm hạnh phúc và tránh khổ đau. Ngay cả chúng ta không biết về các hệ thống chính trị nào cao hơn hệ thống chính trị nào, nhưng tất cả chúng ta có quyền hưởng hạnh phúc trong chính đất nước của chúng ta.
(Path of Wisdom, Path of Peace)
48. NGỦ KHÔNG YÊN
Khi gặp một điều bất hạnh, chúng ta quy trách nhiệm và khiển trách những người khác, rồi chúng ta sanh tâm giận dữ, oán thù và ganh ghét họ. Tất cả những ý tưởng xấu này tăng trưởng dẫn đến kết quả là, chúng ta cảm thấy đời sống không có hạnh phúc. Chẳng hạn khi chúng ta buồn phiền, chúng ta sẽ ngủ không yên giấc, rồi chúng ta đau khổ. Các bạn bè và những người hàng xóm cũng không mấy gì vui.
(Universal Responsibility and the Good Heart)
49. NGƯỜI VÀ VẬT GIỐNG NHAU
Nếu chúng ta giàu sang, trở thành nhà triệu phú hay tỷ phú, đến ngày chúng ta nhắm mắt xuôi tay, dù trong ngân hàng có cất giữ nhiều tiền bạc đến đâu, chúng ta cũng không thể mang đi theo được một xu. Một người giàu và một con vật, sau khi chết, đều giống nhau.
(Ocean of Wisdom)
50. NHẬN THỨC SỰ ĐAU KHỔ CỦA NGƯỜI KHÁC
Sống ở thế gian này, có ai trong chúng ta chỉ gặt hái thành công mà không thất bại, gặp toàn chuyện may chứ không có điều rủi? Trong mọi hoàn cảnh, mỗi người đều phải đối phó với những khó khăn riêng. Khi gặp gian truân nếu chúng ta không cố gắng khắc phục vượt qua, chúng ta sẽ thất bại và đâm ra tuyệt vọng, chán nản. Muốn thành công, trái lại chúng ta nên nghĩ rằng không riêng chúng ta mà tất cả mọi người trên thế gian đều gặp phải những điều bất hạnh. Nhờ ý thức được như vậy mà tâm hồn chúng ta cảm thấy vơi bớt đi phần nào niềm đau khổ, và tinh thần chúng ta trở nên vững mạnh với quyết tâm chiến thắng mọi gian lao thử thách để thành tựu sự nghiệp vẻ vang trong cuộc sống. Khi nhận thức được sự đau khổ của người khác như của chính mình chúng ta sẽ cố gắng tu tập, phát triển lòng từ bi, thương yêu giúp đỡ tất cả đồng loại thoát khỏi mọi khổ đau, và do đó tâm hồn chúng ta cảm thấy an lạc và hạnh phúc.
(Compassion and the Individual)
51. NHIỀU LOÀI MUỐN HẠNH PHÚC
Tất cả chúng sanh cho đến loài vật đều muốn tránh khổ, được vui. Chúng ta là một trong vô số những loài chúng sanh như vậy. Vì vậy, những loài khác cần hạnh phúc cũng quan trọng chứ không phải chỉ có chúng ta.
(The Path to Tranquility, 17)
52. NHỜ CÓ CHÚNG SANH
Về phương diện thực hành Phật Pháp, nhiều trình độ tu tập cao siêu mà chúng ta đã thành đạt cũng như kết quả tiến bộ mà chúng ta đã gặt hái được trên bước đường cải đổi nội tâm đều phải cần đến sự hỗ trợ của các thiện hữu tri thức. Hơn nữa, muốn được hoàn toàn giác ngộ, những hành động từ bi cứu độ của đức Phật chỉ thực hiện được khi có sự liên hệ với nhiều người khác vì các chúng sinh ấy là những kẻ đã tiếp nhận sự cứu giúp của Ngài.
(The Compassionate Life)
53. NỔI KHỔ CỦA CON NGƯỜI
Là con người, chúng ta ai cũng phải đối đầu với sự sanh, già, bệnh và chết, cùng những thiên tai khác như bão lụt, động đất, vv… mà chúng ta rất khó chế ngự được. Chúng ta không nên lẫn tránh mà phải trực diện chống trả lại chúng. Nhưng các nỗi khổ đau này là chưa khá đủ với con người hay sao mà chúng ta lại còn tạo nên sự thống khổ khác như tranh chấp về chủ nghĩa, ý thức hệ và tôn giáo vv…? Thực là điều vô ích và đáng buồn! Hàng trăm nghìn người đã khổ đau vì điều ấy, và tình trạng điên rồ này có thể tránh được nếu chúng ta biết lắng nghe với tâm hồn rộng mở sẵn sàng chấp nhận mọi tư tưởng khác biệt trong tình yêu thương của nhân loại.
(Kindness, Clarity and Insight)
54. NƯƠNG DỰA
Nếu chúng ta dựa vào một người nào mà người ấy thấp hơn chúng ta thì sẽ đưa chúng ta vào những cảnh giới thấp hèn. Nếu chúng ta dựa vào một người nào mà người ấy ngang trình độ với chúng ta thì sẽ đưa chúng ta vào những cảnh giới mà chúng ta có bây giờ. Nếu chúng ta dựa vào một người nào mà người ấy tốt hơn chúng ta thì sẽ đưa chúng ta vào những quả vị tối thượng.
(The Path to Tranquility, 212)
55. PHÚC HỌA
Xin nhớ rằng những mong ước mà chúng ta không đạt được đôi khi lại là một điều may mắn tuyệt vời trong ánh chớp của số phận.
56. QUÁN CĂN NGUYÊN CỦA CHẾT
Thay vì sợ chết, chúng ta cần phải suy ngẫm rằng khi cái chết đến gần, mình sẽ mất cơ hội tốt để tu tập. Như vậy suy ngẫm về sự chết sẽ mang lại thêm năng lực cho việc tu tập của bạn.
Nếu chấp nhận rằng sự chết là một phần của đời sống thì khi cái chết đến gần, chúng ta sẽ có thể đối diện cái chết dễ dàng hơn.
Cuộc đời một trăm năm, phần đầu là trẻ thơ, phần cuối là tuổi già, thường giống như một con vật, chỉ có ăn và lăn ra ngủ. Khoảng giữa kéo dài vài chục năm có thể sống một cách có ý nghĩa. Đức Phật nói:
“Nửa cuộc đời người ta ngủ. Mười năm sống trong tuổi thơ. Hai mươi năm sống trong tuổi già. Trong mươi năm còn lại, đau buồn, than thở và lo nghĩ, chiếm nhiều thời gian, và hàng trăm thứ bệnh tật lấy đi nhiều thời gian hơn nữa”.
Để làm cho cuộc đời có ý nghĩa, hãy vui vẻ chấp nhận tuổi già và cái chết như một phần của cuộc đời mình. Mọi người gặp khó khăn nghĩ đến cái chết nhưng lại dễ dàng trong tham lam, gây thêm rắc rối, và có ý làm tổn hại người khác.
Khi ta biết rằng vạn vật luôn biến đổi thì dù ta đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn, ta vẫn có thể tìm thấy niềm an ủi trong sự hiểu biết rằng tình trạng đó sẽ không như vậy mãi mãi. Vì vậy, không có việc gì phải tuyệt vọng.
Do nhận thức được đời sống là vô thường, con người có ý thức về kỷ luật và có sự nhiếp phục tâm trí của mình. Kỷ luật hay tu luyện không có nghĩa là cấm kỵ, mà có nghĩa là có sự giằng co giữa lợi ích dài hạn và lợi ích ngắn hạn, chúng ta hy sinh ích lợi ngắn hạn và chọn lợi ích dài lâu về sau. Đây là sự tự kỷ luật phát xuất từ sự có ý thức về luật nhân quả nghiệp báo.
Quán niệm vô thường không những thúc đẩy việc tu tập của chúng ta mà còn tiếp thêm năng lượng cho chúng ta nữa.
Nếu có ý thức mạnh về tính tất yếu và tính bất ngờ của cái chết thì chúng ta vận động được từ bên trong, giống như có một người cảnh cáo mình vậy, “Hãy cẩn thận, hãy thành tâm, một ngày nữa đã trôi qua” (Be careful, be earnest, another day is passing).
“Bạn ra đời một mình và rồi sẽ ra đi một mình”. Nếu vào ngày chúng ta qua đời, một người bạn có thể đi cùng thì sự nắm giữ vào bạn bè có giá trị, nhưng không thể có chuyện đó. Khi chúng ta tái sanh trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, nếu những người bạn trong kiếp trước có thể giúp đỡ một điều gì đó thì cũng là một sự liên hệ có giá trị, nhưng sự kiện này không thể xảy ra.
Vậy mà trong khoảng thời gian giữa lúc ra đời và lúc chết, kéo dài mấy chục năm, những người bạn đó là “bạn của mình”, “anh chị em của mình”. Sự chấp thủ không đúng chỗ này đã không đưa đến lợi ích gì cả, mà chỉ tạo thêm tham sân si mà thôi”.
Nếu chúng ta thấm thía sự thật rằng mình sẽ chết, và chúng ta nhận định một cách thực tế tình trạng của mình ngay bây giờ, chúng ta sẽ không bị chi phối bởi những chuyện phù phiếm nữa. Chúng ta chỉ quan tâm đến những giá trị lâu dài hay hạnh phúc lâu dài.
Chúng ta nên quyết định ngay từ đầu là mình sẽ chết, và hãy tìm hiểu những gì có giá trị thực sự. Nếu quán biết đời sống trôi qua rất nhanh thì chúng ta sẽ trân quý thời gian và sẽ làm những gì có giá trị. Với ý thức mạnh mẽ về sự chết tất yếu sẽ đến với mình, chúng ta sẽ thấy mình cần phải tu tập, chuyến hóa tâm trí, và không lãng phí thời giờ với những thú vui từ ăn uống đến chuyện phiếm về chiến tranh, những chuyện thị phi và đời tư của người khác.
Chúng ta sống chủ yếu là để tích lũy thức ăn, quần áo, bè bạn. Vào lúc lâm chung, chúng ta phải bỏ lại tất cả những thứ này ở đằng sau. Chúng ta phải đơn thân độc mã du hành đến một cảnh giới khác tiếp theo, không có người bạn đồng hành.
Hãy quán cái chết gồm ba căn nguyên, chín lý do và ba quyết tâm như sau đây.
Căn nguyên thứ nhất: suy tư rằng cái chết là điều chắc chắn
1. Bởi vì cái chết, dù sao đi nữa, không thể nào tránh được,
2. Bởi vì không thể kéo dài sự sống mãi mãi và phút cuối cùng ngày càng gần thêm,
3. Bởi vì dù cho ta đang còn sống, nhưng thời gian còn lại rất ít để giúp ta dịp may tu tập.
Quyết tâm thứ nhất: tôi phải tu tập.
Căn nguyên thứ hai: suy tư rằng cái chết bất định
4. Bởi vì hy vọng sống được bao lâu hoàn toàn không ai biết trước,
5. Bởi vì những nguyên nhân đưa đến cái chết quá nhiều và khả năng duy trì sự sống lại hiếm hoi,
6. Bởi vì giờ chết không thể biết trước được, lý do là thân xác ta quá mong manh.
Quyết tâm thứ hai: tôi phải tu tập ngay từ bây giờ.
Căn nguyên thứ ba: hãy suy nghĩ rằng, đến lúc ta chết, không có gì giúp ta được nữa, ngoại trừ sự tu tập.
7. Bởi vì, trong phút lâm chung, bạn bè của ta đều bất lực,
8. Bởi vì, trong phút lâm chung, gia sản của ta sẽ không còn ích lợi gì nữa,
9. Bởi vì, trong phút lâm chung, thân xác không còn trợ giúp gì được cho ta.
Quyết tâm thứ ba: Tôi phải tập không bám víu vào tất cả những gì tuyệt vời trong cuộc sống này.
(Chủ Động Cái Chết, Hoang Phong dịch)
57. QUAN ĐIỂM SỢ CHẾT CỦA ĐÔNG VÀ TÂY PHƯƠNG
Chiến tranh tồn tại như một phần của lịch sử nhân loại từ xưa đến nay. Thực là điều đáng buồn. Nhưng tôi nghĩ đã đến lúc cần thay đổi quan niệm về chiến tranh. Một số người cho rằng được tham gia vào chiến cuộc là điều vinh dự. Họ nghĩ rằng qua chiến tranh, con người sẽ trở nên anh hùng. Quan niệm về chiến tranh như vậy, thực là điều sai lầm. Gần đây, một phóng viên nói với tôi: “Người Tây Phương rất sợ chết, còn người Ðông Phương thì hình như ít sợ hơn”
Tôi trả lời với giọng nửa đùa: “Tôi thấy theo quan niệm của người Âu Mỹ, chiến tranh và sự thành lập quân đội là điều rất quan trọng. Chiến tranh có nghĩa là chết chóc do bắn giết sát hại lẫn nhau chứ không phải vì các nguyên nhân tự nhiên khác. Do đó, có thể nói chính người Tây Phương là những người thích chiến tranh cho nên quý vị không sợ chết. Người Ðông Phương không bao giờ cổ võ cho chiến tranh. Chúng tôi không thể khuyến khích đánh nhau vì hậu quả tai hại do chiến tranh gây ra là sự chết chóc, thương vong và khổ đau. Cho nên quan niệm về chiến tranh trong ý tưởng của chúng tôi là hoàn toàn rất tiêu cực. Do vậy mà người Ðông Phương cảm thấy sợ chết hơn người Tây Phương.”
(The Compassionate Life)
58. QUYỀN BÌNH ĐẲNG
Dù muốn hay không tất cả chúng ta sinh ra trên quả đất này đều được xem như một phần của đại gia đình nhân loại. Giàu hay nghèo, học thức hay ngu dốt, người quốc gia này hay dân tộc kia, theo tôn giáo này hay tín ngưỡng nọ, học thuyết này hay chủ nghĩa kia, cuối cùng mỗi chúng ta như mọi kẻ khác đều chỉ là một con người vì tất cả chúng ta ai cũng muốn có hạnh phúc và không thích khổ đau. Hơn nữa, mỗi chúng ta đều có quyền bình đẳng theo đuổi các mục tiêu lợi ích này.
(The Spirit of Tibet - Vision for Human Liberation)
59. RỖNG KHÔNG
Tôi đang ở đây và đó là sự thật chứ không phải giấc mơ. Nếu tôi véo nơi da thịt, tôi cảm thấy đau vì tôi có xác thân. Tôi có ngón tay cái với ngón tay trỏ và nhìn rõ chúng cử động. Tuy nhiên nếu phân tích đến tận cùng, chúng ta không tìm thấy chúng đâu hết. Nói cách khác, sự trống không và tương quan tương duyên là hai mặt của một đồng tiền.
(Live In A Better Way)
60. SỐ ĐÔNG
Chỉ có sự khác biệt duy nhất giữa chúng ta và mọi kẻ khác là con số. Chúng ta chỉ có một cá nhân còn những người khác là số đông. Chúng ta dù quan trọng cách nào chúng ta vẫn chỉ là một chúng sanh, một bản ngã đơn độc, trong lúc những kẻ khác là số nhiều. Nhưng có mối liên hệ chặt chẽ phụ thuộc lẫn nhau. Sự đau khổ hay hạnh phúc của chúng ta có liên quan rất nhiều đến những người khác. Ðó là sự thực.
Trong trường hợp này, nếu muốn cứu một ngón tay mà phải hy sinh chín ngón khác thì thực là quá điên rồ. Nhưng nếu để bảo vệ chín ngón mà chỉ mất một ngón thì là việc có thể đáng nên làm. Cho nên chúng ta cần thấy rõ sự quan trọng về quyền lợi của những người khác và của chính chúng ta và của cộng đồng.
(Worlds in Harmony)
61. SỐNG VỚI NHAU
Bất luận một người dù có sức khỏe tốt thế nào hay trình độ học vấn cao tới đâu, họ vẫn không thể tự mình hướng dẫn một cuộc sống có hạnh phúc và mãn nguyện được. Ví dụ nếu một người đang sống tại một nơi trong rừng sâu ở Châu Phi và duy nhất chỉ có mình họ đang cư trú trong ngôi nhà của thú vật và kẻ đó được cung cấp cho sự thông minh và khôn ngoan, lúc ấy điều tốt nhất mà họ có thể thực hiện là trở thành một vị vua trong khu rừng. Nhưng thử hỏi một người sống như vậy có bạn bè không? Ðể được nổi danh? Nếu muốn, họ có thể trở thành anh hùng? Tôi nghĩ, sự trả lời cho những câu hỏi này là một tiếng “không” vì tất cả các điều thành đạt trên chỉ có ý nghĩa khi con người được sống tương quan mật thiết với những kẻ khác.
(The Compassionate Life)
62. SỰ CHẾT KHÔNG TÁCH RỜI SỰ SỐNG
Ngài bước sang tuổi bảy mươi lăm trong tháng Bảy. Khi già hơn, tư tưởng của ngài là thế nào về sự chết?
Ở trình độ cá nhân, như một hành giả Phật Giáo, tôi quán tưởng và quán chiếu về cái chết trong sự thực tập hằng ngày của tôi một cách thận trọng. Sự chết không tách rời khỏi sự sống của chúng ta. Qua sự nghiên cứu và suy niệm về cái chết của tôi, tôi có một sự bảo đảm nào đấy và một sự vững chắc nào đấy mà đó sẽ là một kinh nghiệm tích cực.
63. SỰ HÌNH THÀNH THAI NHI
Ý kiến của chúng ta về sự diễn tiến và thành lập vũ trụ có thể khác biệt nhau, nhưng mỗi chúng ta đều nhất trí tin rằng chúng ta là chính do cha mẹ của mình sinh ra. Nói chung, sự thụ thai hình thành không phải chỉ vì ham muốn tình dục mà còn bởi cha mẹ của chúng ta muốn có một đứa con. Ý tưởng đó được xây dựng trên trách nhiệm và tình thương, lòng từ bi của cha mẹ tự nguyện chăm sóc đứa con của họ cho đến ngày em bé có thể tự lo cho mình được. Do đó, ngay từ lúc mới bắt đầu thụ thai, tình thương của cha mẹ đã trực tiếp dự phần vào công việc tạo thành ra chúng ta.
(The Compassionate Life)
64. SỰ PHỤ THUỘC LẪN NHAU
Tôi muốn xác nhận rằng sự thành đạt mọi ước muốn của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc liên quan đến những người xung quanh. Ngay đến các việc làm ác của quý vị cũng cần sự có mặt của tha nhân. Chẳng hạn, muốn lừa đảo ai cần có người để chúng ta thực hiện điều bất thiện ấy. Mọi biến cố và sự việc xảy ra trong đời sống đều gắn liền với số phận của nhiều người khác chứ một cá nhân không thể hành động được. Những việc bình thường của con người, tích cực lẫn tiêu cực, đều không thể tách rời khỏi sự hiện hữu của tha nhân. Bởi lẽ nhờ kẻ khác, chúng ta có dịp làm ra tiền để lo cho đời sống của quý vị. Tương tự, nhờ quần chúng bên ngoài chúng ta mới có thể dùng truyền thông (báo chí) để ca ngợi hay làm nhục một cá nhân. Riêng một mình, la hét ồn ào cách mấy, chúng ta cũng không thể đề cao hay mạ lỵ bất cứ ai. Ðiều cụ thể nhất mà chúng ta đạt được là có thể tạo nên một âm thanh của chính tiếng la hét của chúng ta.
(The Compassionate Life)
65. TÁI SANH THÀNH PHỤ NỮ
Tôi có thể đầu thai để trở thành một người đàn bà. Và nếu tôi có trở thành một người đàn bà thì phải là một người đàn bà đẹp. Vì sao vậy? Vì một người đàn bà đẹp như thế có thể làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh. (thính chúng vỗ tay)
66. TÁM QUÁ TRÌNH CHẾT
Quá trình chết bắt đầu với sự tan rã của thân thể. Có tám giai đoạn, đất tan trước, rồi nước lửa, gió. Ngoài ra, hành giả quán thấy có màu trắng, màu đỏ, màu đen và cảnh tử thần đến lúc cận tử nghiệp. Trong thiền định, hành giả có thể thực nghiệm và quán chiếu tiến trình tám tan rả này.
(The Path to Tranquility, 131)
67. THÂN NGƯỜI QUÝ GIÁ
Theo lời Đức Phật dạy có được thân người hôm nay là một phước duyên thù thắng và vô cùng quí báu. Ðó là kết quả của vô lượng công đức trải qua nhiều kiếp tu hành của chúng ta. Mỗi cá nhân đã nỗ lực tinh tấn tu hành mới có được cái thân người này. Chúng ta nên biết quý trọng thân người nầy và cố gắng bằng cách tinh tấn tu hành để mong được tái sinh làm thân người ở kiếp sau. Mặc dù chúng ta luôn mong ước đạt được sự giác ngộ hoàn toàn, chúng ta nên biết rằng con đường tu hành để thành Phật là rất dài mà chúng ta muốn thành tựu cần phải trải qua các khoảng thời gian ngắn để chuẩn bị tu tập.
(An Open Heart)
68. THẾ GIỚI CHÚNG TA
Mỗi chúng ta trách nhiệm cho toàn nhân loại, cho môi trường trong đó chúng ta sống. Chúng ta phải tìm biện pháp làm giảm đau khổ cho người khác. Không chỉ đòi hỏi sự làm giàu cho đất nước mà cần một cái gì đó có ý nghĩa, một điều gì nghiêm trọng giải quyết trực tiếp sự an lạc của toàn nhân loại. Để làm điều này bạn cần nhận ra toàn thế giới là một phần của thân bạn.
(How To Be Compassionate)
69. THIỂU SỐ & ĐA SỐ
Khi chúng ta thấy mình là một người đơn độc trong lúc những kẻ khác là số đông, điều này cũng khiến chúng ta có ý tưởng xa cách nhau. Nhưng chúng ta thử hỏi lợi ích của một cá nhân có quan trọng hơn tập thể nhiều người không? Không ai có thể bảo rằng quyền lợi của một người là thiết yếu hơn đa số, nhất là với tinh thần dân chủ hiện nay, con người rất quan tâm đến phúc lợi của số đông quần chúng. Bởi lẽ chúng ta và những kẻ khác đều chia xẻ chung một ước muốn sống hạnh phúc cũng như có quyền thành đạt điều ấy như nhau.
Bạn chỉ là một cá nhân trong khi mọi kẻ khác là đa số cho nên dĩ nhiên trước tiên bạn cần nghĩ tới lợi ích của nhiều người, và sau đó mới đến phần thiểu số của chúng ta, nhờ vậy mà chúng ta sẽ phát triển được tình thương và lòng từ bi chân thực. Khi phát khởi tâm từ bi giúp đỡ cho ai, chúng ta không nghĩ rằng vì người đó là vợ, con, gia đình hay cha mẹ của mình mà chỉ biết rằng họ là một con người đang muốn có hạnh phúc và có quyền được hưởng điều ấy như chính bản thân chúng ta. Thêm nữa, vì những người khác là số đông nên quan trọng hơn chính chúng ta, và từ nhận thức ấy tôi nghĩ tình thương cần được xây dựng trên lý trí cùng sự hiểu biết.
(Universal Responsibility and The Good Heart)
70. TIỀN BẠC KHÔNG MANG LẠI HẠNH PHÚC
Hạnh phúc thuộc về tinh thần. Máy móc không thể cung cấp và chúng ta cũng không mua hạnh phúc ấy được. Tiền bạc và giàu sang chỉ mang lại cho con người một phần nào hạnh phúc, chứ không thể có hạnh phúc trọn vẹn. Các thứ trên không trực tiếp giúp chúng ta hạnh phúc được. Hạnh phúc đến từ trong tâm chứ không ai có thể cho mình. Tâm bình an là nguồn hạnh phúc tuyệt vời nhất. Nó không tùy thuộc ngoại cảnh. Cuộc sống chúng ta dù thiếu tiện nghi vật chất, học vấn tầm thường hay sự nghiệp công danh không mấy thành công cũng chẳng sao, miễn là tâm chúng ta an lạc.
(Live In A Better Way)
71. TÌM HIỂU MỤC ĐÍCH CỦA CUỘC SỐNG
Mục đích của đời sống là gì? Đó là câu hỏi quan trọng mà tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta, dù trí thức hay bình dân, giàu nghèo sang hèn vẫn thường nghĩ tới. Theo tôi, sống ở đời ai cũng mong có được hạnh phúc. Từ khi mới lọt lòng mẹ cho đến lúc già chết, tất cả mọi người đều mơ ước được sống cuộc đời hạnh phúc và không ai thích gặp khổ đau.
Hiện nay nhân loại sống trên trái đất này, đang phải đối đầu với một vấn đề nan giải là bằng cách nào chúng ta có thể giúp đỡ mọi người sống có hạnh phúc. Do đó, muốn chấm dứt nỗi khổ đau triền miên của kiếp người, chúng ta cần phải tìm hiểu làm sao con người có thể tạo dựng mang lại hạnh phúc cho nhau.
72. TÍNH ĐỒNG NHẤT CỦA CON NGƯỜI
Ngày nay, chúng ta đang phải đối đầu với nhiều cuộc khủng hoảng trầm trọng. Một số vấn đề khó khăn chính tự chúng ta đã gây ra bởi óc phân chia, kỳ thị về tôn giáo, chủ nghĩa, ý thức hệ, chủng tộc, sự ngăn cách giàu nghèo và nhiều nguyên nhân khác. Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta nên quán chiếu, suy nghĩ sâu sắc hơn về tính đồng nhất của con người để từ nhận thức đó, chúng ta sẽ hiểu rõ giá trị về sự giống nhau của con người giữa chúng ta với những kẻ khác. Chúng ta nên tạo sự thân hữu để hết lòng tin tưởng, hiểu biết, lắng nghe, kính trọng và giúp đỡ lẫn nhau, dù có sự khác biệt về văn hoá, triết lý, chủng tộc hay tôn giáo.
(The Path of Compassion)
73. TRÁCH NHIỆM
Tiền nhân của chúng ta đã nhìn thấy quả đất này rất đẹp và giàu có. Nhiều người trong thời gian qua, đã nghĩ rằng tài nguyên thiên nhiên là vô tận, nhưng với điều kiện là chúng ta phải biết giữ gìn và chăm sóc nó. Thực khó có thể tha thứ cho hành động hủy diệt thiên nhiên do sự vô minh của con người gây ra trong quá khứ. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta được tiếp xúc với nhiều thông tin hơn và điều căn bản là chúng ta cần xem xét lại về mặt đạo đức chúng ta đã thừa hưởng được những gì, chịu trách nhiệm ra sao và sẽ truyền lại cho các thế hệ con cháu như thế nào.
(Worlds in Harmony)
74. TUỔI GIÀ
Khi đang còn trẻ và khỏe mạnh, chúng ta nghĩ rằng mình có thể sống hoàn toàn độc lập không cần ai giúp đỡ. Nhưng đó là điều ảo tưởng. Ngay cả vào thời gian tốt đẹp lúc ấy trong cuộc sống, vì là con người nên chúng ta cần có bạn bè, phải vậy không? Ðiều này đặc biệt đúng khi chúng ta trở về già. Chẳng hạn ngay chính trường hợp của tôi là Ðức Ðạt Lai Lạt Ma với tuổi sáu mươi đã có dấu hiệu cho thấy đang tiến gần đến cảnh già nua. Tôi thấy trên đầu xuất hiện nhiều tóc bạc hơn và cảm thấy nhức mỏi nơi đầu gối khi tôi đứng lên hay ngồi xuống. Ðến tuổi già chúng ta cần phải nương nhờ vào sự giúp đỡ của nhiều người khác. Ðây là bản chất cuộc sống của kiếp người chúng ta.
(The Compassionate Life)
75. VẤN ĐỀ TỒN VONG CỦA CHÚNG TA
Nhiều giống người, thú vật, cây cối, sâu bọ trên mặt đất và ngay cả những vi sinh vật mà chúng ta biết rất hiếm hoi có thể sẽ biến mất, không còn tồn tại vào các thế hệ tương lai. Chúng ta có khả năng và trách nhiệm để gìn giữ. Chúng ta cần phải làm trước khi quá trể. Chúng ta nên tạo mối liên hệ thân hữu và an lạc với những người bạn của chúng ta. Chúng ta cũng cần phát triển các điều tốt đẹp ấy đến môi trường và hoàn cảnh xung quanh chúng ta. Ðây không phải chỉ là vấn đề luân lý hay đạo đức mà còn là điều thiết yếu cho sự tồn vong của chính chúng ta.
(Worlds in Harmony)
76. VÔ THƯỜNG
Chúng ta cần suy nghĩ đến cuộc đời là vô thường. Ở đây cũng có hai trường hợp. Trước nhất là sự biến đổi mà chúng ta có thể nhận biết rõ ràng như thình lình một người thân của chúng ta qua đời hay bị chết vì tai nạn bất ngờ. Thứ hai là sự thay đổi vi tế, chậm chạp trong từng giây phút mà với mắt trần chúng ta không nhận thấy được. Ví dụ như nhánh hoa trước mặt tôi đây đang biến đổi từ từ mỗi phút giây để rồi cuối cùng nó sẽ héo tàn, hủy diệt. Nhờ trí tuệ soi sáng, chúng ta nhận thức được bản chất của sự sống là vô thường, do vậy mà tâm chúng ta lúc nào cũng an vui tự tại giải thoát trước mọi cảnh bể dâu, thay đổi của cuộc đời.
(Live In A Better Way)
77. XUA TAN VÔ MINH
Bây giờ hãy suy nghĩ, xét đến thân thể và cuộc sống của chúng ta. Theo quan điểm của Phật giáo, chừng nào mà ý nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta còn bị chi phối, khống chế bởi vô minh, chúng ta sẽ không có sự an lạc hạnh phúc vĩnh cữu. Nếu vô minh chưa dứt trừ được thì Niết Bàn và giải thoát sẽ không có. Như vậy là chúng ta sẽ mãi mãi bị luân hồi sinh tử, lên xuống vào ra trong ba đường ác đạo.
(Live In A Better Way)