Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 6: Bờ Bên Kia 1975-1988

01/06/201200:15(Xem: 9098)
Chương 6: Bờ Bên Kia 1975-1988

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ÚC ĐẠI LỢI

(History of Buddhism in Australia)


Nguyên tác: Paul Croucher
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Tu Viện Quảng Đức ấn hành 2012
flowerba

Chương 6:

Bờ bên kia: 1975-1988

Trong những năm sau khi Natasha Jackson từ chức, và đặc biệt là từ khi Bill Rait chuyển tới Queesland năm 1982, Hội Phật Giáo New South Wales đã trở thành một chi nhánh của Rissho Kosei-kai về mọi mặt, chỉ trừ danh nghĩa. Nhân viên của tông phái này từ Nhật Bản tới thăm viếng hai lần mỗi năm. Có những người ở lại Úc mấy tháng. Trong năm 1983, Rissho Kosei-kai bỏ ra 78,000 đô la để xây một Tu viện trên 152 hecta đất ở Blue Mountain. Nara Pearce làm nghề “bói tên”, và Hội tổ chức những khóa ba mươi tuần giảng Kinh Pháp Hoa.

Quyền gia nhập Hội không còn dành cho bất cứ ai, mà chỉ dành cho những người nào có “thái độ ủng hộ”, theo ý kiến của Pearce. Ba “giảng viên” là Malcolm Pearce, vợ của ông, và Robert Urquhart, cùng số hội viên là dưới bốn mươi người. Tuy vậy, Pearce đề nghị là Hội sẽ không bao giờ tuyên bố mình là Rissho Kosei-kai vì Hội có lịch sử riêng của mình. Nhưng những người đả kích ông, trong đó có Leo Berkeley, lại cho rằng Hội, với trụ sở mới ở Bắc Sydney, được điều hành giống như một đền thờ gia tộc, và rằng lời tuyên bố Hội không có tính cách tông phái là giả dối. Họ thường vạch ra những điểm cho thấy Hội Phật Giáo New South Wales song hành với Hội Phật Giáo Soka Gakkai, và giống như tông phái này bây giờ Hội đã đứng ở ngoài lề của giới Phật Giáo ở Úc Châu, hầu như không có sự tiếp xúc nào với các hội đoàn khác. Có lẽ tên của Hội đã được giữ nguyên để làm cho Hội có vẻ vẫn có tính chất thông thường, dù ở bên trong đã đổi khác, tuy nhiên Malcolm Pearce có vẻ thành tâm muốn giúp đỡ mọi người, thí dụ như “Hội Từ Thiện Karuna” của ông đã làm rất nhiều điều để giúp nhiều người tị nạn Đông Dương được dễ dàng hơn trong việc tái định cư vào cuối thập niên 1970 bằng cách cung cấp một số nhà ở, dạy tiếng Anh và tổ chức những hoạt động xã hội cho họ. Điều quan tâm chính yếu của ông là công tác xã hội, và ông nói rằng Đức Phật có phải là “đấng giác ngộ" hay không, không phải là điều quan trọng. Vì vậy, theo ý kiến của đa số những người Phật Giáo khác, thí dụ như Đại Đức Dhammika, thì Rissho Kosei-kai “có vẻ giống như một thứ tổ chức mạnh thường quân quốc tế Rotary Club pha trộn với một chút tôn giáo. Tôi nghĩ rằng Phật Giáo không chỉ có nghĩa là làm việc thiện”.

Hội Phật Giáo Victoria đi theo hướng gần như ngược lại vào năm 1975, khi Len Henderson, người Đại thừa cuối cùng còn hoạt động rời khỏi vị trí của mình trong ban điều hành cũng như chức vụ chủ bút tạp chí “Metta”. Với sự xuất hiện của các Lạt Ma Tây Tạng, với Les Oates và những người khác tiến tới, và với thành phần người Tích Lan đang phát triển trong Hội, ông cảm thấy mình “bị lôi ra khỏi” vị trí, nhưng ông rời khỏi vị trí với sự thanh nhã, chứ không làm ồn ào như trong nhiều vụ rút lui khác ở Sydney. Không có ai làm nhiều hơn Len Henderson trong việc hoằng dương Phật Pháp ở Victoria, mà cũng không có ai làm với sự dễ chịu như ông. Ông ở lại mấy năm nữa trước khi rời khỏi Hội và vào năm 1988 là thành viên của Nhóm Thiền Melbourne. Elizabeth Bell thay thế ông làm công việc biên tập tạp chí “Metta”, và tuy tờ tạp chí có ít bài thuộc loại mạn đàm hơn dưới thời Natasha Jackson, nhưng phần thông tin và những bài có tính cách thực hành thì tăng lên gấp mười.

Là ngọn đèn hướng dẫn trong Hội suốt hai mươi năm qua, Elizabeth Bell đã làm cho Hội có tính chất thoải mái và rộng rãi giống như cá tính của bà. Cũng như bạn của bà, Natasha Jackson, bà dành trọn thời giờ của mình làm việc cho Phật Giáo Úc Châu. Nhưng hai người rất khác nhau ở chỗ bà là người rất khoan dung và thực tế. Những hội viên chủ chốt khác là mẹ của Bác Sĩ Nick Ribush, Beatrice, George Ho, Dr Mendis, và Fred Whittle, những người còn lại sau những biến động và đổi hướng trong cả hai hội từ thập niên 1950. Năm 1988 số hội viên là khoảng 170 người, đông hơn nhiều so với Hội Phật Giáo New South Wales. Từ năm 1975, Hội có trụ sở là tu viện ở Richmond, với những hoạt động được tổ chức hầu như mỗi ngày trong tuần, bao gồm diễn thuyết, những khóa thiền, lễ cúng “puja”, và những hoạt động xã hội. Tín đồ Phật Giáo Tích Lan khoảng năm trăm người ở Melbourne gây được khá nhiều ảnh hưởng. Elizabeth Bell thấy họ “vô tư về Phật Pháp hơn là những người Tây Phương, nhưng họ thành tâm hơn, theo lối riêng của họ”. Kết quả của liên hệ này là đa số các Tăng sĩ trụ trì ở Hội là người Tích Lan. Các hội viên người Úc thì quan tâm nhiều tới thực hành thiền định, và vì Phật Giáo Tích Lan không coi trọng việc này lắm nên Elizabeth Bell giàn xếp cho Hội hợp tác nhiều hơn với các Tăng sĩ thuộc truyền thống tu viện trong rừng ở Thái Lan. Đại Đức Dhammika là một Tỳ kheo người Úc rất thực tế và hùng biện, mà có người gọi là “thẳng thừng”, và đã trụ trì ở Hội trong những khoảng thời gian mười một tháng và sáu tháng. Ông và Phra Khantipalo là những vị khách thường xuyên kể từ tháng sáu 1973.

Dhammika
Đại Đức Dhammika

Sau hai năm đầu tiên dạy Phật Pháp ở Sydney, Phra Khantipalo đã khánh thành Wat Buddharangsee (Chùa Phật Quang / Monastery of the Buddha's Radiance), vào ngày Phật Đản 25 tháng 5 năm 1975. Đây là một ngôi nhà cổ uy nghi, với kiểu kiến trúc thời Victoria, trị giá 65,000 đô la, được mua bằng tiền cúng dường của Bà Lamun Meenahnan ở Bangkok. Ngôi chùa được Thái Tử Thái Lan chính thức khánh thành với sự hiện diện của Somdet Phra Nyanasamsvara, Thầy của Phra Khantipalo, và bảy vị Sư trưởng khác. Đây có lẽ cũng là cơ hội để tổ chức Giới đàn chính thức đầu tiên trên đất Úc, và người thọ giới Tỳ kheo là Rod Plant, một giáo viên hai mươi bốn tuổi ở Melbourne. Wat Buddharangsee đã thay thế Hội Phật Giáo New South Wales làm tâm điểm của Phật Giáo ở Sydney. Không chỉ dành cho cộng đồng Thái Lan năm trăm người, ngôi chùa dưới sự hướng dẫn của vị Sư trưởng người Lào, Phra Mahasamai, mà còn cung cấp phương tiện trưởng dưỡng các hội đoàn Kampuchia, Miến Điện, Lào, cả Việt Nam và Trung Hoa, trong thời kỳ phôi thai của họ. Người Úc thường khi tới chùa này để hành thiền vào buổi tối, còn người Á Châu thì tới trong những dịp lễ. Phra Mahamasai hoan hỷ làm chiếc cầu nối hai bên lại với nhau, và ông là một trong số rất ít những vị Thầy sắc tộc thành công trong việc giao tiếp với cộng đồng lớn gồm mọi sắc tộc. Ông làm hết sức để hóa giải những vụ tranh chấp sắc tộc trong cộng đồng Chùa, và không vui lòng khi thấy không có thêm người Úc được thọ giới. Năm 1987, một chi nhánh của Chùa được xây dựng với giá 250,000 đô ở Campbeltown thuộc vùng ngoại ô, trong một khung cảnh hy vọng sẽ thích hợp hơn với việc tĩnh tu.

Wat Buddharangsee cũng lập hai chùa chi nhánh liên tiểu bang. Vào ngày Lễ Phật Đản năm 1985 Wat Rattanapradeepa được khánh thành ở Adelaide, với hai Tăng sĩ trụ trì và khoảng 150 gia đình tín đồ. Năm sau đó Wat Dhammarangsee được khánh thành ở Forest Hill thuộc ngoại ô Melbourne, do Hội Phật Giáo Victoria xây dựng trong hai năm. Với các tín đồ đa số 1à người Thái, Lào, Kampuchia, và Úc, Chùa này cạnh tranh với Chùa Thái Lan ở Box Hill, Melbourne, của Thượng Tọa Dr. Viriyanando. Một phần nguyên nhân của cuộc cạnh tranh này là sự tranh chấp giữa các phái ở Thái Lan được đưa ra hải ngoại, như hai phái Dhammayut và Mahanikaya thi đua với nhau trong việc truyền giáo. Trong ba năm qua Chùa Thái Lan đã đưa ra nhiều vị Sư trưởng để tham dự lễ dâng y Kathina. Thí dụ, vào tháng 11 năm 1985, ba mươi sáu Tăng sĩ Thái Lan có mặt ở lễ thọ giới của bảy Tỳ kheo và mười Tỳ kheo ni, đa số họ vẫn mặc áo tu sĩ trong kỳ nghỉ hè của họ.

Các nhóm Theravada sắc tộc có thêm hai hội đoàn Phật Giáo Miến Điện, một ở Sydney do Dr. K.K. Wain thành lập, và một ở Perth do Sir Fzekiel Daniel thành lập. Sở Di Trú Cabramatta cũng cho phép xây dựng một số chùa ở khu ngoại ô vòng ngoài phía Tây Sydney. Trong số mười bốn ngàn người Kampuchia ở Úc có những người sống ở vùng này. Wat Kaymarang Saram và trung tâm cộng đồng trị giá nửa triệu đô la được khởi công cây cất năm 1987 ở Bonnyrigg. Với số tín đồ 1,500 người và một Tăng đoàn gồm một Tỳ kheo và dưới hai mươi Tỳ kheo ni, có lẽ đây là tổ chức Phật Giáo lớn nhất Úc Châu. Ở gần đó cũng có hai chùa Lào với tổng cộng mười Tăng sĩ. Hai chùa này có sự phân biệt nhau về giai cấp - một chùa có tính chất quý tộc hơn và chống cộng mạnh mẽ hơn - nhưng cả hai đều do những nhóm tuổi trẻ hoạt động và đã thu hút được một số thanh niên thọ giới Sa Di trong kỳ nghỉ hè của họ. Graeme Lyall, năm 1988 đứng đầu Hội Đồng Phật Giáo New South Wales, nghĩ rằng trong tất cả các nhóm Theravada sắc tộc thì người Lào có nhiều triển vọng nhất trong việc bảo tồn truyền thống của mình. Người Tích Lan đã thiết lập một tu viện ở Brisbane năm 1982, nhưng người ta thấy tương lai của họ có vẻ ít hứa hẹn nhất. Số tín đồ Phật Giáo Tích Lan khoảng hai ngàn người ở Úc Châu đa số thuộc giới chuyên nghiệp ở Sri Lanka, vì đó là điều kiện nhập cư của họ, và điều này có nghĩa là trình độ Anh ngữ của họ thuộc loại cao, làm cho họ có thể hòa nhập với những hội đoàn Phật Giáo người Úc đã có từ trước. Tuy nhiên một số Tăng sĩ Tích Lan đã không thành công, với ít nhất là hai người đã bỏ áo cà sa để theo đuổi những mục tiêu thế gian.

Về Phật Giáo Đại thừa thì Sydney cũng dẫn đầu. Eric Liao, một nhà kinh doanh khiêm nhường người Quảng Đông tới Úc Châu năm 1961, đã thành lập Hội Phật Giáo Trung Hoa ở Úc Châu trong nhà để xe của ông ở Lane Cove vào tháng giêng năm 1972. Tháng 8 năm đó Chùa Bát Nhã (Prajna Temple) được thành lập ở Dixon Street, trung tâm của khu Chinatown ở Sydney. Qua thời gian chùa này đã tiếp đãi nhiều Tăng Ni từ Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, và Malaysia. Những khóa thiền buổi tối được tổ chức cho người Úc, và những lễ hội được tổ chức cho khoảng năm mươi tín đồ người Hoa. Chính sách của Eric Liao là không phân biệt Đại thừa và Theravada, vì vậy mà Phra Khantipalo đã chú tâm tới chùa này sau khi bất hòa với Natasha Jackson vào năm 1973. Tháng 10 năm 1974 hơn một trăm người tham dự lễ truyền pháp Quán Thế Âm do Lạt Ma Yeshe tổ chức ở chùa Bát Nhã. Như vậy Phật Giáo ở Úc Châu đã tiến xa kể từ khi Ni Sư Dhammadinna ban lễ truyền pháp cho nhóm đệ tử của bà hai mươi năm trước.

Tháng 5 năm 1984, Eric Liao thành lập thêm Thư Viện Phật Giáo Úc Châu ở Sussex Street, Sydney gần Chinatown. Thư viện này có toàn bộ kinh điển Đại thừa và Threravada bằng một số ngôn ngữ, với ba ngàn cuốn sách khác liên quan tới Phật Giáo. Thư viện cũng tổ chức những buổi thuyết pháp hàng tuần của Phra Khantipalo, và là nơi họp của Hội Phật Giáo New South Wales. Có điều đáng tiếc là chỉ có ít người dùng thư viện này, vốn do hảo tâm của Eric Liao mà có, và vào tháng giêng năm 1987, người ta quyết định chuyển tất cả các sách tới Thư Viện Quốc Gia ở Canberra. Không kể tiền mua sách, việc thiết lập thư viện đã làm cho gia đình Liao tốn hơn 80,000 đô la như đã nói trong bài thuyết pháp cuối cùng của ông ở thư viện, nhờ công đức của Eric Liao mà “ánh sáng Giáo pháp đã rọi tới những nơi tối tăm” (the ligh of the Dharma has illuminated some no doubt very dark places).

Ngày 14 tháng 11 năm 1985, Chùa Bát Nhã bị thiêu hủy sau một vụ nổ bình ga. Bức tượng Phật còn nguyên vẹn của chùa được đưa tới một chùa mới thiết lập ở Hornsby. Vào lúc ấy, ở Sydney có hai hội đoàn khác của người Hoa, đó là Tu Viện Hwa Tsang ở Homebush do Thượng Tọa Tsang Hui ( Tạng Huệ) lãnh đạo, và Hội Phật Giáo của người Úc Gốc Hoa ở Bonnyrigg. Người ta nói rằng hội này không đáng được gọi là một Hội Phật Giáo, vì các vị thần của Trung Hoa cũng được coi là ngang hàng với chư Phật, Bồ Tát. Ở Melbourne Hội Phật Giáo của Người Việt gốc Hoa là hội đoàn độc nhất có thể so sánh được. Được thành lập trong một nhà để xe ở Springvale năm 1980, hội đoàn này tổ chức những khóa tụng niệm vào mỗi chủ nhật ở một hội quán của Hội Tam Điểm ở Collingwood. Những hội đoàn này không dùng nhiều tiếng Anh, vì vậy có rất ít người Úc tham dự. Nói chung thì những người Úc chú ý tới Thiền thấy các phái Thiền của Nhật Bản và Mỹ dễ tiếp cận hơn là các phái của Trung Hoa, Triều Tiên hay Việt Nam, và cho tới lúc này có lẽ chỉ có một người Úc được thu nhận vào một dòng Thiền Trung Hoa, đó là Ni Sư Ching Hua, năm 1988 là một Tỳ kheo ni ở Đài Loan.

Các sinh viên Mã Lai gốc Hoa của nhiều trường đại học ở Úc đã tổ chức các hội đoàn Phật Giáo, và có giao tiếp với các sinh viên người Úc, nhưng phần lớn họ là tín đồ Kim Cương Thừa hoặc tín đồ Theravada, giống như phong trào phục hồi Phật Giáo ở Malaysia do người Thái khởi xướng. Khi đối diện với chủ nghĩa chính thống Hồi Giáo hay Thiên Chúa Giáo, nhiều người Hoa phải suy nghĩ về tôn giáo của mình, vì vậy các hội đoàn Phật Giáo của sinh viên ở các trường đại học Úc Châu cạnh tranh với hai tín ngưỡng có tính cách hướng ngoại nhiều hơn kia. Có lẽ hội đoàn đầu tiên được thành lập là ở Monash vào năm 1976, nhưng hội đoàn lớn nhất là ở Đại Học New South Wales, với 133 hội viên của “Unibuds” năm 1986, trong đó 123 là người Hoa, 6 người Úc, và 4 người Tích Lan. Để chinh phục hội viên mới, những hội đoàn này đặt trọng tâm vào các hoạt động xã hội, tổ chức các nhóm đồng ca, kịch nghệ, và thể thao. Đa số những hội viên mới nói rằng họ chỉ biết rất sơ lược về Phật Giáo. Một người Mã Lai gốc Hoa có ảnh hưởng lớn tới “Unibuds” là Đại Đức Mahinda, đã trở thành tu sĩ Theravada sau khi học ở Tân Tây Lan. Graeme Lyall gặp ông năm 1983 trong khi đang thọ giới Tỳ kheo một thời gian ở Malaysia, và sau một vòng thuyết pháp thành công năm 1985, hai người hợp tác thành lập Hội Truyền Bá Phật Giáo Úc Châu ở Ambervale, New South Wales vào năm 1988

Tất nhiên nhóm Phật Giáo sắc tộc lớn nhất ở Úc Châu lúc này là người Việt Nam. Theo thống kê năm 1986 thì có hơn 35,000 người Việt Nam tự xem mình là Phật tử, chiếm 30% cộng đồng người Việt Nam ở Úc. Những hội đoàn đầu tiên được thành lập ở Melbourne và Brisbane năm 1978, và ở Sydney năm sau đó. Ở Melbourne, lúc đầu công việc này nhận được sự giúp đỡ của Tara House, một trong những trung tâm của Lạt Ma Yeshe, nơi đã đón tiếp vị Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên tới Úc Châu vào tháng 7 năm 1980, đó là Thượng Tọa Thích Phước Huệ. Thượng Tọa đã đi nhiều nơi ở Úc Châu, giúp thêm động lực cho các tổ chức khác, và vào tháng 4 năm 1981, đã đứng ra thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Úc Châu, Ba mục tiêu căn bản của Hội được trình bày như sau:

1) Tuyên dương sự hiểu biết giáo lý của Phật Thích Ca, vị Thầy của ba ngàn thế giới, do có lòng đại từ bi với chúng sinh đã chỉ dạy con đường giác ngộ.

2) Duy trì phát huy truyền thống Phật Giáo và văn hóa Việt Nam ở Úc Châu.

3) Phát triển tâm từ bi giải thoát cho chúng sinh.

Hiện tại, trung tâm của cộng đồng Phật Giáo Việt Nam ở Melbourne là Chùa Quang Minh ở Sunshine, và Lễ Phật Đản đã được tổ chức ở Tòa Thị Chính Collingwood trong mấy năm. Ở Sydney, Chùa Pháp Bảo uy nghi ở Smithfield đã được khánh thành vào tháng 5 năm 1984. Chùa này có kiểu kiến trúc đặc biệt Việt Nam, nhưng được xây bằng gạch đỏ và tọa lạc trong một khung cảnh Úc tiêu biểu với những cây bạch đàn. Chính quyền New South Wales đã hiến nửa hecta đất, và 75% chi phí lao động cho giai đoạn đầu của dự án được cung cấp qua Chương Trình Việc Làm Cộng Đồng. Hội Phật Giáo Việt Nam ở Queensland chịu thiệt hại nặng khi ngôi chùa lớn của Hội ở Corinda bị cháy vào tháng 6 năm 1985, và trong năm 1988 số hội viên hoạt động của Hội chỉ có 200. Có hai hội Phật Giáo đang hoạt động mạnh ở Perth và Canberra. Hội ở Canberra có sáu Tăng Ni và đang xây dựng một ngôi chùa mới.

Là những người Việt Nam tái định cư ở vùng đất mới Úc Châu, các hội Phật Giáo chú trọng việc bảo tồn truyền thống Việt Nam. Vì mục tiêu này các hoạt động văn hóa và phúc lợi xã hội được tổ chức cùng với các hoạt động tôn giáo. Các đội Gia Đình Phật Tử, được tổ chức, và ngoài Lễ Phật Đản và Tết Nguyên Đán, những ngày lễ khác được cử hành là Lễ Vu Lan và Tết Trung Thu. Giống như Phật Giáo Trung Hoa, đa số những tông phái Phật Giáo lớn của Việt Nam thực hành tổng hợp theo Thiền Tông và Tịnh Độ Tông. Phật Giáo Việt Nam ở Úc Châu cũng vậy, có những tu sĩ chú trọng lễ nghi và có những vị xuất thân từ những truyền thống quan tâm tới việc hành thiền và nghiên cứu kinh điển hơn. Một thí dụ là Thượng Tọa Thích Bảo Lạc, trụ trì Chùa Pháp Bảo, đã tu học sâu rộng theo Thiền Tông ở Việt Nam và sau đó nghiên cứu Thiền Tào Động (Sotozen) ở Nhật Bản trong bảy năm vì vậy ông chú trọng việc tổ chức những kỳ nhập thất đều đặn cho các cư sĩ. Thượng Tọa nói giỏi tiếng Anh, vì vậy qua thời gian, khi các hội đoàn Phật Giáo đã được thiết lập vững chắc hơn và bớt cách biệt hơn, những người Úc quan tâm tới Thiền Tông có thể sẽ nhận thấy mình đang ngồi trên một mỏ vàng, với những tu sĩ Phật Giáo có tầm cỡ như vậy.

Với lịch sử chống chiến tranh lâu dài của mình, Phật Giáo Việt Nam có thể cũng chứng tỏ rằng mình có nhiều cống hiến cho những vấn đề chính trị và nhân quyền. Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh, nhà hoạt động vì hòa bình nổi tiếng đã viếng thăm Úc Châu năm 1966 và đã trở lại Úc trong hai tháng vào năm 1986. Ông là tác giả của những cuốn sách như “Hoa Sen Trong Biển Lửa”, “Chìa Khóa Thiền Tông", và “Chiếc Bè Không Phải Là Bờ Giác” (cùng viết với Daniel Berrigan), và có lẽ là vị Thiền sư được xem trọng nhất thế giới đang hoạt động ở Tây Phương ngày nay. Thượng Tọa có vẻ là vị Thầy mà các “Thiền sư” người Mỹ tìm đến tham vấn. Với cơ sở là Làng Mai, một cộng đồng Thiền Tông ở nước Pháp, Thượng Tọa Nhất Hạnh đặc biệt nổi tiếng là người thuyết giảng về chánh niệm và thiền hành. Những cuộc nói chuyện và những khóa thiền của ông không chỉ thu hút nhiều tín đồ Phật Giáo người Úc và người Việt mà còn cả một số người Công Giáo biết tiếng ông qua những cuốn sách của Thomas Merton. Những cuộc đối thoại do Thượng Tọa Nhất Hạnh tổ chức đưa tới kết quả là người Úc và người Việt hợp tác mua 100 mẫu Anh (40 hecta) đất gần Singleton, ở miền Bắc New South Wales để xây dựng Làng Sen Búp, rập khuôn theo Làng Mai ở Pháp.

Chi_Kwang
Ni Sư Chi Kwang

Truyền thống Thiền năng động nhất thế giới ngày nay là của Đại Hàn, và Ni Sư Chi Kwang là người có thể tổ chức một cuộc đối thoại giữa các tín đồ Phật Giáo Úc và tín đồ Phật Giáo Đại Hàn. Ni Sư Chi Kwang nguyên là Debbie Cain và là đệ tử của Phra Khantipalo trong mấy năm, sau đó bà đến Hàn Quốc xuất gia vào năm 1979 và tu học ở đó trong bảy năm, khoảng thời gian dài nhất mà người Tây Phương có thể chịu đựng được truyền thống tu hành cam go. Năm 1986 bà trở về thăm Úc Châu một thời gian, nhưng Phật Giáo Đại Hàn ở Sydney không hẳn là những gì bà đã trông mong. Một vụ đụng chạm và rạn nứt xảy ra đưa tới vụ một tu sĩ cao cấp trốn trong một căn nhà để khỏi mất mạng. Người ta tố cáo lẫn nhau về một số tượng Phật bị mất cắp, những bức thư khiếu nại được gửi đến Bộ Di Trú và sở cảnh sát. Kết quả là năm 1988 có hai chùa ở Sydney và số người theo Phật Giáo Đại Hàn hoạt động ở Sydney không hơn 300, cả hai chùa đều thuộc phái Tào Khê (Chogye).

Các tín đồ Phật Giáo ở Sydney đã thành lập một hội đồng vào tháng 12 năm 1984 để phân xử và giải quyết những vấn đề như vậy. Người đứng đầu hội đồng này là Graeme Lyall, đã có lúc là đệ tử tinh tấn của cả Ni Sư Dhammadinna lẫn Đại Đức Somaloka, và hội đồng thường giữ vai trò một văn phòng vận động và liên lạc. Không kể Soka Gakkai vốn được xem là “cực đoan”, tất cả khoảng ba mươi hội đoàn Phật Giáo ở khu vực Sydney đã được khuyến khích tham dự hội đồng, và cho đến lúc này đã có mười tám hội đoàn là thành viên chính thức của hội đồng. Hội đồng điều phối các vị Thầy Phật Giáo cho các lớp dạy tôn giáo ở những trường có sinh viên người Á Châu, giúp việc nộp đơn xin chiếu khán cho các tu sĩ bằng cách trung gian với Bộ Di Trú, và cố gắng gây dựng tinh thần hòa đồng giữa những hội đoàn khác nhau ở Sydney. Tất nhiên, đây là việc khó khi mà giữa các cộng đồng sắc tộc có sự chia rẽ sâu xa, như trường hợp giữa người Việt và người Kampuchia.

Graeme_Lyall

Cư Sĩ Graeme Lyall

Sau khi quy y Tam Bảo vào ngày Thánh của Đại lễ Phật đản năm 1953, Graeme Lyall từng là thư ký của Hội Phật giáo New South Wales từ năm 1953 đến năm 1956. Năm 1982, ông thành lập Hội Phật giáo Đại học Sydney, nay được gọi là UNIBODHI, và phục vụ như là Chủ Tịch của hội này cho đến năm 1986. Trong năm 1984, ông tập sự xuất gia như một tu sĩ tại chùa Brickfields, Kuala Lumpur, Malaysia. Từ năm 1986 đến năm 1992, ông là Chủ tịch Hội Phật Giáo Liên Bang Úc, Thầy cố vấn tinh thần của Hội là Thượng Tọa Mahinda. Từ năm 1992 đến năm 1994, ông là Sáng Lập Viên của Thư viện Phật giáo và Trung tâm Thiền. Từ năm 1997 đến hiện tại, ông là một thành viên Ủy ban Hội nghị Thế giới của tôn giáo vì hòa bình (WCRP) New South Wales. Graeme Lyall là Chủ tịch Hội Phật giáo của New South Wales từ năm 1985 cho đến năm 2006. Ông cũng là nhân viên Tuyên Úy Phật giáo tại Parklea, Gaols Dilwynia và John Moroney, giảng dạy các tù nhân pháp tu thiền định và triết lý Phật giáo. Từ năm 1953, ông là Phật tử Úc lâu đời nhất còn sót lại từ thời kỳ này. Ông đã đại diện cho nước Úc tại nhiều hội nghị Phật giáo thế giới và đã được Ủy Ban Quan Hệ Cộng Đồng Đa Văn Hóa tiểu bang New South Wales trao giải thưởng cho công việc thiện nguyện vào năm 2001, ngoài ra ông cũng được chính quyền Liên Bang Úc trao tặng huân chương Order of Australia năm 2002 và Huân chương Centenary vào năm 2003.

Một vấn đề đau đầu khác trong việc thiết lập của gần năm mươi tổ chức Phật Giáo sắc tộc ở Úc Châu trong thập niên 1980 là những vụ truy tố và tranh chấp về những tòa nhà gia cư được dùng làm đền chùa. Khi ngôi chùa Việt Nam ở Melbourne được đặt tại Footscray, những người sống ở khu này đã phản đối mạnh mẽ, còn ở Sydney thì Thượng Tọa Thích Phước Huệ, chủ tịch mới của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Úc Châu, đã được Hội Đồng Thành Phố Fairfield gởi giấy thông báo nói rằng Thượng Tọa đã vi phạm luật quy định khu vực của hội đồng. Báo chí được thông báo về vụ này, và Thủ Hiến Barrie Unsworth đã đặc biệt quan tâm và đề nghị dành một trường học không sử dụng cho Hội với những điều kiện rất thuận lợi. Vào ngày 16 tháng 7 năm 1987, hội đồng giúp tổ chức một cuộc họp giữa Thủ Hiến và hơn một trăm đại diện của cộng đồng Phật Giáo. Thủ Hiến đã đọc diễn văn ca tụng “tinh thần khoan dung và từ bi" trong Phật Giáo, và điều này làm cho Phật Giáo hoàn toàn phù hợp với đường lối đa văn hóa của New South Wales.

Qua sự trung gian của hội đồng, cộng đồng Phật Giáo ở Sydney đã thành công trong việc làm cho một mục quảng cáo được rút khỏi ba đài truyền hình của Sydney. Mục quảng cáo này là của Hội Nha Khoa Úc, được mở đầu bằng một cảnh trong Chùa Răng Phật ở Kandy, Tích Lan, được xem là có thờ một cái răng xá lợi của Đức Phật, và một diễn viên nói rằng chắc Đức Phật là người phát minh tăm xỉa răng. Có những người Phật Giáo mích lòng vì mục quảng cáo này, và có một người còn đặt câu hỏi: “Người Thiên Chúa Giáo sẽ phản ứng ra sao nếu Tấm Vải Liệm ở Turin được người ta dùng trong mục quảng cáo bột giặt?” Hội Đồng cũng tổ chức lễ cưới và lễ tang nơi các tu sĩ có thể làm nhiều hơn là chỉ bấm nút ở lò thiêu. Tín đồ Phật Giáo ở Melbourne vẫn luôn luôn ít ồn ào hơn những người Phật Giáo ở Sydney, vì vậy chỉ đến năm 1987 họ mới thành lập một hội đồng tương trợ.

Có những người cảm thấy công việc này phải có tính cách khẩn cấp, vì thế hệ thứ nhì những người nhập cư Đông Dương và những người Á Châu khác đang xa rời truyền thống của ông cha họ để cố gắng trở thành người Úc. Những lời của Alfred Deakin vào năm 1893 vẫn có thể được dùng dễ dàng cho thập niên 1980, vì ông đã nói rằng nhiều tín đồ Phật Giáo sắc tộc “đang hòa nhập vào những tín ngưỡng mạnh hơn, thô hơn và kích thích hơn” – có lẽ phần lớn là hòa nhập tín ngưỡng duy vật chất của người Úc. Nhiều tập quán xã hội Phật Giáo sẽ phải tranh đấu một cách khó khăn nếu muốn sống còn. Một cuộc nghiên cứu được tiến sĩ David Cox thuộc Đại Học Melbourne thực hiện năm 1982 về vai trò của tôn giáo trong việc tái định cư và hòa nhập của những người Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo nhập cư từ Á Châu đã cho thấy như vậy. Cuộc nghiên cứu này xác nhận ý kiến cho rằng mức độ thực hành Phật Giáo suy giảm với việc nhập cư và ngay cả trong số những thành viên rất năng động của các hội đoàn Phật Giáo chỉ có 60% làm một chút nào đó để hướng dẫn con cháu của họ về tôn giáo này. Có lẽ điều này phù hợp với tinh thần của Phật Giáo vốn có khuynh hướng không dùng bất cứ một sự cưỡng bách nào, nhưng cũng có thể đây là dấu hiệu sự suy tàn của tôn giáo này. Cuộc nghiên cứu của Cox còn cho thấy một điều đáng chú ý là những người Phật Giáo nhập cư từ Tích Lan và Việt Nam, trong tiến trình hòa nhập vào xã hội Úc dễ dàng hơn là những người đồng hương theo Thiên Chúa Giáo của họ. Họ nói rằng họ chịu sự phân biệt ít hơn, không thấy tôn giáo của mình làm cho mình xa cách những người khác trong cộng đồng, và rằng họ có nhiều bạn bè người Úc hơn là những người Thiên Chúa Giáo Tích Lan và Việt Nam. Cox cho rằng điều này có lý do là Phật Giáo nói chung không phải là một tôn giáo có “thẻ chứng nhận tín đồ”, có ít những “nghi lễ cộng đồng”, và có những giáo lý “ít chia rẽ” hơn những giáo lý của Thiên Chúa Giáo. Có lẽ điều này sẽ làm yên lòng những người lo ngại rằng các cộng đồng Phật Giáo sắc tộc sẽ giữ sự phân lập và do đó không thể có tầm lôi cuốn rộng lớn hơn.

Nhiều tín đồ Phật Giáo người Úc có ý khinh thường tôn giáo sắc tộc nặng phần hình thức mà nhẹ phần thực hành nội tâm. Họ thấy các tu sĩ làm lễ khai trương những tiệm kim hoàn, ban phước cho những két sắt, và rải những loại bột đặc biệt ở những lối vào để được may mắn là những bằng chứng rành rành cho thấy những pháp thực hành thoái hóa đã được đưa vào đất Úc. Điều nhận xét này có thể đúng, nhưng họ còn suy luận rằng vì các nhóm sắc tộc đã không sản xuất được một vài lãnh tụ nào có khả năng phát biểu trước cộng đồng rộng lớn hơn nên không có gì để cống hiến, và qua thời gian sẽ suy tàn. Tuy nhiên khi vấn đề ngôn ngữ được giảm thiểu thì sự phân cách hiện tại tự nhiên cũng giảm bớt nhiều.

Phra Khantipalo cho thấy rằng lúc đầu Wat Buddgarangsee thiên về nghi lễ mà không hành thiền là vì chùa này tọa lạc ở Stanmore Road là nơi ồn ào náo nhiệt. Vì vậy ông vẫn có ý tìm một nơi ở vùng nông thôn để xây một tu viện hơn là ở Nimbin, và do đó tránh được nạn ma túy. Rốt cuộc vào năm 1978 một đệ tử của ông là Ilse Ledermann hiến 32,000 đô la để mua một khu đất 89 hecta được bao bọc xung quanh bởi Công Viên Quốc Gia ở Wisemans Ferry, phía Bắc Sydney. Ilse Ledermann sinh năm 1923, chạy trốn Đức Quốc Xã năm mười bốn tuổi, sống ở Thượng Hải, ở Tô Cách Lan, và trong nhiều năm ở Hoa Kỳ, bắt đầu nghiên cứu Phật Giáo ở Ấn Độ năm 1963 khi chồng của bà làm việc ở đó cho Liên Hiệp Quốc. Bà chuyển tới Úc năm 1964 và sau đó trở thành một trong những đệ tử đầu tiên của Phra Khantipalo. Từ khi thọ giới Tỳ kheo ni với pháp danh Ayya Khema năm 1979, bà là Sư trưởng của một Ni viện ở Tích Lan, và đã thăm viếng Úc Châu mỗi năm, sống một cuộc đời lưu động giống như Phra Khantipalo.

Ayya_Khema_0
Ni Sư Ayya Khema

Tu viện ở Wisemans Ferry có tên là Wat Buddha Dhamma, và vào năm 1988 là nơi trú ngụ của một cộng đồng cư sĩ cô lập nhưng đầy năng lực gồm khoảng mười lăm người, cùng với hai hay ba tu sĩ nam nữ. Tu viện tổ chức những khóa thiền đều đặn và thường tiếp đãi những vị Thầy có cùng quan điểm rộng rãi là dùng bất cứ pháp môn lợi ích nào của bất cứ giáo phái nào. Một thiền đường mới và đẹp được khai trương vào tháng 9 năm 1988, với kiểu kiến trúc không mô phỏng kiểu của một xứ Phật Giáo nào. Phra Khantipalo đang tìm cách loại bỏ một số giới luật tu sĩ không thích hợp với hoàn cảnh hiện tại. Như vậy ở những nơi như Wat Buddha Dhamma, Phật Giáo đang được ứng dụng một cách hợp lý cho hoàn cảnh mới, giống như tất cả những trường hợp trước đây, khi Phật Giáo được đưa vào một nền văn hóa mới.

Những chuyến đi không mệt mỏi của Phra Khantipalo đưa tới sự tái sinh của Hội Phật Giáo Queensland năm 1975, cũng như đã khuyến khích những hội đoàn non trẻ ở Perth, Adelaide và Canberra. Vào cuối năm 1974, Ilse Ledermann đã liên lạc với tất cả những người Tích Lan nào mà bà tìm thấy tên trong niên giám điện thoại Brisbane, và vào tháng 6 năm 1975 Phra Khantipalo tổ chức một cuộc họp ở nhà của Tiến Sĩ Gunasekara. Nhóm này tiếp tục họp không chính thức trong mấy năm, mà không thiết lập một hội đoàn nào. Trong thời gian đó, Klaas de Jong, một người thân cận của Natasha Jackson, từ Tích Lan tới Brisbane, và vào tháng 12 năm 1976 thành lập Trung Tâm Liên Lạc Phật Giáo Theravada tại nhà của ông ở Wacol. Vào ngày Lễ Phật Đản 1978, Trung Tâm được đặt tên lại là Dhmamadinna House để kỷ niệm sự tôn sùng Giáo Pháp một cách anh hùng và vô vị kỷ của Ni Sư Dhammadinna. Như vậy lối diễn dịch lịch sử của Natasha Jackson đã được duy trì bởi Klaas de Jong. Giống như Natasha Jackson, ông là một tín đồ Theravada duy lý vững chắc, nhưng nhà của ông cũng được dùng làm chỗ hội họp đầu tiên cho người Phật Giáo Việt Nam ở Brisbane. Về sau một nhóm Thiền được khai sinh tại đó, và rốt cuộc, vào tháng giêng 1980, Hội Phật Giáo Queensland được tái tổ chức ở đó, sau gần hai mươi năm ngừng hoạt động.

Từ tháng 10 năm 1978, nhóm người của Phra Khantipalo tập hợp đã tự gọi mình là Hội Phật Pháp, tức Buddha Dhamma Association của Queensland, và họ cho rằng nếu đặt tên là Hội Phật Giáo với chữ “Buddhist” là mở rộng cửa cho những người Đại thừa tham dự. Năm 1982, các hội viên khoảng 25 người của Hội sửa soạn lễ kỷ niệm sự kiện mà họ coi là một trăm năm Phật Giáo ở Úc Châu. Cũng trong năm đó ông S. Mendis, thuộc một gia đình người Tích Lan vẫn còn giữ được truyền thống Phật Giáo của mình, thành lập Tu Viện Phật Giáo ở Brisbane, và vì vậy, trong năm mà Hội Phật Pháp dự định làm lễ kỷ niệm một trăm năm Phật Giáo Tích Lan ở Queesland, Hội đã vui lòng “tránh khỏi loại Phật Giáo có tính cách truyền thống và tôn sùng để theo đuổi những mục tiêu ban đầu của Hội”. Giống như Thầy của ông, Natasha Jackson, là người đã dạy một khóa ở Dhammadinna House năm 1983, Klaas de Jong làm chủ bút cho tạp chí “Metta” một thời gian ngắn. Ông làm cho tờ tạp chí có một sức sống mới, và ông cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc thành lập Hội Đồng Phật Giáo Brisbane. Nhưng lúc đó bên trong Hội đang diễn ra một cuộc tranh chấp có tầm mức lớn hơn cả cuộc tương tranh của Hội Phật Giáo New South Wales. Với “sự xâm nhập của bọn phá hoại và gây rối” bên trái, bên phải, và ở giữa, Hội có vẻ lại gặp khó khăn. Tháng giêng 1986, xuất hiện một sự khởi đầu mới khi địa điểm của Hiệp Hội Phật Giáo Úc Châu được chuyển trở lại Sydney và tạp chí “Metta” được đổi tên là “Phật Giáo ngày nay”.

Ở Adelaide những cuộc viếng thăm của Phra Khantipalo làm vững mạnh một hội đoàn được thành lập bởi hai người, David Brown và Ian Guthrie, vào tháng 12 năm 1973. Năm sau đó một tu sĩ người Úc là Tỳ kheo Dhannadharo, nguyên là một phóng viên truyền hình ở Adelaide, từ Thái Lan trở về làm thêm nhiều việc lợi ích. Với sự giúp đỡ của Hiệp Hội Nhà Ở Nam Úc sau đó hội tìm được trụ sở ở Findon, nơi trong mấy năm hội tiếp đãi các nhóm sắc tộc và một Tăng sĩ già hút tẩu thuốc người Thái Lan tên là Phra Booyarith, là người đã được nhiều hippy ở Nimbin tôn sùng. Tuy nhiên từ khi có Wat Rattanapradeepa và những chùa khác, Hội Phật Giáo Nam Úc trong mấy năm nay có vẻ cũng bị mất những tín đồ của mình. Hội không còn chỗ họp hay một chương trình hoạt động đều đặn nào.

Hội Phật Giáo Thủ Đô Úc Châu năng động hơn nhiều, dù có sự chia rẽ nghiêm trọng. Hội được thành lập vào cuối thập niên 1980 bởi các tín đồ Theravada sắc tộc ở địa phương cùng với ban giám đốc và sinh viên ANU. Năm 1988 vị bảo trợ chính thức của Hội là Phra Khantipalo, và Hội có 230 hội viên. Ở Hobart, trong năm 1981, nỗ lực phục hồi Hội Phật Giáo Tasmania bị thất bại vì những thành kiến giáo phái. Ni Sư Ayya Khema đã thăm viếng Tasmania mấy lần, và vào năm 1983 một Phòng Thông Tin Phật Giáo được thành lập. Một số những nhóm nhỏ Phật Giáo Tây Tạng đã được thiết lập ở đây, và trong năm 1985, hai người bạn của Klaas de Jong là Barry và Lynne Telley mở tại nhà của họ một chi nhánh của Dhammadinna House, lấy tên là Woodward House để kỷ niệm F. L. Wooward, và hoạt động như một trung tâm nghiên cứu và liên lạc. Ở Lãnh Thổ Miền Bắc Úc cũng đang có một hội hoạt động mạnh với số hội viên hơn 600 người, trong đó có 120 người Úc. Hội này có một ngôi chùa ở cách Darwin hai mươi phút lái xe, và một ban điều hành thực sự đa văn hóa hiếm có trong Phật Giáo Úc Châu, với ba người Tích Lan, hai người Úc, một người Việt Nam, một người Thái Lan, và một người Miến Điện.

Tổ chức năng động nhất trong những tổ chức không phải là Phật Giáo Tây Tạng hay Phật Giáo sắc tộc là Hội Phật Giáo Tây Úc. Hội này được Giáo sư Jayasuriya thuộc Đại Học Tây Úc thành lập vào ngày Phật Đản năm 1974, và đã tồn tại một cách khó khăn trong mấy năm, với những chuyến viếng thăm của Phra Khantipalo, và xuất bản một bản tin có tên là “Trống Pháp” (Drum of the Dharma). Năm 1979 Hội mua một ngôi nhà nhỏ ở North Perth, và rồi vào năm 1981, một phái đoàn gồm bảy hội viên đi Thái Lan để mời các Tăng sĩ người Tây Phương tu học ở đó về trụ trì ở Úc. Họ gặp hai tu sĩ người Úc có vẻ thích hợp, đó là Ajahn Jagaro và Đại Đức Puriso, cả hai đều từ Melbourne. Ajahn Jagaro sinh năm 1948 ở nước Ý và tới Úc Châu khi được bảy tuổi, Sau khi học xong ngành hóa học ứng dụng, ông du lịch ở Đông Nam Á rồi trở thành Tỳ kheo năm 1972 dưới sự hướng dẫn của Hòa Thượng Ajahn Chah, vị Thầy nổi tiếng về pháp Thiền định trong rừng ở Đông Bắc Thái Lan. Khi phái đoàn đến, Ajahn Jagaro là Sư trưởng của “Tu Viện Quốc Tế” ở Ubon, nơi trú ngụ của nhiều đệ tử người Tây Phương của Ajah Chah. Được Ajahn Chah cho phép ông và Đại Đức Puriso trở về tới Perth ngày 22 tháng 2 năm 1982. Có cùng cảm tưởng với nhiều Tăng sĩ đã đến Úc Châu từ trước, ông nhớ lại:“Tôi đã rời khỏi một xã hội có đầy truyền thống Phật Giáo, nơi hình ảnh một tu sĩ cà sa được xem là một ơn phước và một niềm vui - để tới một thế giới nơi đại đa số thấy tôi có vẻ tức cười, nếu không hẳn là quái đản ... không bao lâu tôi thấm thía câu nói: “Giống như con cá ra khỏi nước”, và thực ra tôi cảm thấy mình giống con cá bị treo trên cây hơn!”.

Năm 1983, một khu đất 39 hecta được mua ở Serpentine và Tu Viện Bodhinyana được thiết lập. Các Tăng sĩ đến đó sống dưới những gốc cây mấy tháng, theo đúng truyền thống tu tập trong rừng, và họ cũng làm phần lớn việc xây dựng. Năm 1988 tu viện phân phát với mười một tu sĩ, gồm chín người Tây Phương và hai người Thái Lan, và Ajah Jagaro bận rộn với chương trình giảng dạy ở các trường, các đại học, và các nhà tù ở Perth. Năm 1987 Hội Phật Giáo Tây Úc bán trung tâm North Perth của mình và mua một nhà thờ Anh Giáo ở NolLamara. Hội có khoảng ba trăm hội viên, một nửa là người Úc, và mấy trăm cảm tình viên. Hội Phật Giáo này và chi nhánh Bodhinyana làm cho nhiều hội đoàn Theravada khác ở Úc Châu có vẻ thiếu óc tưởng tượng. Thật vậy, Elizabeth Bell ở Melbourne cũng hy vọng hội của mình sẽ làm theo hội ở Perth và mời các Tăng sĩ thuộc dòng Ajah Chah.

Hai nhóm Theravada khác hoạt động ở Úc Châu thuộc dòng các đạo sư Miến Điện. Hội Buddha Sasana lúc đầu vào năm 1981 là một nhóm người không chính thức đã tham dự những khóa thiền Vipassana ở Miến Điện và Ấn Độ trong thập niên 1970. Vào tháng 5 năm 1982 họ mời Joseph Golstein, một giảng viên người Mỹ thuộc dòng của Đại Đức Mahasi Sayadaw tới Úc Châu để tổ chức một kỳ nhập thất mười ngày ở Wat Buddha Dhamma. Trong những năm sau đó, Hội Buddha Sasana với trụ sở ở Thirroul tại bờ biển miền Nam New South Wales, đã thiết lập những nhóm khác ở Sydney, Blackheath, Canberra, và Byron Bay. Hội đã tổ chức những kỳ nhập thất 28 ngày cho số hành giả lên tới năm mươi người, với sự giám sát của Đại Đức Sayadaw U Pandita, và như vậy khuyến khích một số người Úc đi Rangoon, Miến Điện để thọ giới. Mấy trăm người Úc ở Ấn Độ trong thập niên 1970 cũng tham dự những khóa minh sát quán Vipassana với S. N. Goenka, một doanh gia người Ấn Độ đã thực hành pháp này trong mười bốn năm ở Rangoon với U Ba Khin. Goenka tổ chức kỳ đầu tiên trong nhiều kỳ nhập thất như vậy ở Úc trong năm 1980, và Hội Phật Giáo Vipassana của ông với trụ sở ở Blackheath, phía Tây Sydney, từ lúc đó đã thiết lập những trung tâm hay những nơi liên lạc khắp Úc Châu, và có lẽ luôn luôn có một khóa mười ngày được tổ chức ở một nơi nào đó trong nước, vào bất cứ lúc nào. Mặc dù mục tiêu mà Goenka nhắm tới là “mở rộng sự hiểu biết về giáo lý của Đức Phật", và dù ông chỉ dùng những từ ngữ Phật Giáo Pali, đa số các đệ tử người Úc của ông không muốn đuợc gọi là “Phật tử". Vipassana, dù được dạy trước hết bởi Đức Phật, chỉ được những người tham dự những khóa này xem là một pháp thực hành, và ít quan tâm tới triết lý Phật Giáo. Vì vậy những khóa thiền Vipassana này không nhắm tới việc thiết lập một giáo phái, mà lại có tính cách hoàn toàn thế tục, sẵn sàng thu hút những người Thiên Chúa Giáo cũng như những người chú ý tới Phật Giáo.

Nhiều người nghĩ rằng để việc thực hành thiền quán Phật Giáo có kết quả thực sự, hành giả phải biết về triết lý Phật Giáo, vì vậy họ nghi ngờ pháp tu “Vipassana” mà Goenka dạy cũng như môn “Thiền Công Giáo”. Ngay cả trước thế chiến thứ II cũng đã có những giáo sĩ Thiên Chúa Giáo biểu lộ sự thông cảm của mình với Phật Giáo, và từ thập niên 1960 một số đã đi xa hơn, phối hợp các pháp thiền Phật Giáo vào đời sống Thiên Chúa Giáo của mình. Làm theo các tác giả Công Giáo nổi tiếng về đối thoại Phật Giáo-Thiên Chúa Giáo như Thomas Merton, Don Aelred Graham, Enomiya – Lassalle, và William Johnston, một số người Thiên Chúa Giáo đã dùng Thiền nói riêng làm pháp chiêm niệm cho mình, vì Thiên Chúa Giáo thiếu môn thiền quán, và vì Thiền thường được coi là hình thức Phật Giáo dễ tiếp cận nhất. Linh mục William Johsnton, một nhà thần học thuộc Dòng Tên, vào năm 1975 ở Úc diễn thuyết về việc tọa thiền đã mang lại cho ông “hơi thở trong lành thực sự” và việc các nhà thờ đã không dám đáp ứng điều này, vì vậy tự nhiên là họ phải hướng về phương Đông. Một số người nghe theo lời kêu gọi này như Jim Mulroney, một giáo sĩ Dòng Columba ở Melbourne đã nghiên cứu Thiền ở Nhật Bản và một dòng nữ tu có tên là “Những Người Em Gái Của Jesus” (Little Sisters of Jesus), cũng ở Melbourne, rất thích lời thuyết giảng của Thượng Tọa Nhất Hạnh và đã tham dự những kỳ nhập thất do Thượng Tọa tổ chức. Phật Giáo đã chỉ có ít ảnh hưởng trong các trường dòng, nhưng trong khu vực những nhà tĩnh tâm thì từ lâu Phật Giáo đã được nhiều người chú ý tới. Có những người tuyên bố mình quan tâm tới tất cả những gì “ở bên trên thế giới vật chất", dù là Ấn Giáo, Thiên Chúa Giáo, hay Phật Giáo, giống như Nghị Sĩ Michael Tate, dù tự coi mình là tín đồ Công Giáo, cũng bảo trợ cuộc viếng thăm của một tu sĩ Phật Giáo người Tích Lan vào năm 1983.

Năm 1973, những người thuộc giáo phái Quaker ở Melbourne tổ chức một cuộc hội thảo về Thiền mở đầu với một câu nói của sử gia người Anh Arnola Toynbee, tiên tri rằng “một ngàn năm nữa khi người sử gia viết về thế kỷ hai mươi này, người đó sẽ không chú ý nhiều đến những cuộc tranh luận trong gia đình về chính sách tự do kinh doanh dân chủ và chế độ cộng sản mà sẽ quan tâm tâm tới điều gì đã xảy ra khi lần đầu tiên trong kinh sách Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo hòa nhập sâu xa vào nhau”. Tuy nhiên, nhiều tín đồ Phật Giáo người Úc nghi ngờ kết quả của những cuộc “đối thoại” giữa các tôn giáo tới mức họ cho rằng mục đích thực sự của nhiều người Thiên Chúa Giáo trong việc nghiên cứu Phật Giáo là phá hoại tôn giáo này, hoặc họ nghĩ rằng vì Thiên Chúa Giáo đã phần lớn tự đóng cửa đối với những khả năng siêu nghiệm nên tôn giáo này không có gì để chia sẻ cả.

Có những người cũng nghĩ rằng vì giữa hai tôn giáo không có sự tương quan nào về “thần học” (thí dụ thuyết “tánh Không" của Phật Giáo không có ý niệm Thượng Đế hay tội nguyên thủy) nên hai bên cũng không thể có một cuộc đối thoại có ý nghĩa. Ngày nay người Phật Giáo Úc cảm thấy an toàn trong tôn giáo của mình hơn là trước kia, trong thập niên 1960, và do đó bớt chống Thiên Chúa Giáo hơn trước rất nhiều, nhưng họ vẫn nghi ngờ rằng nếu người Thiên Chúa Giáo hay người Quaker chiếm dụng kỹ thuật hành thiền của Phật Giáo thì sự bành trướng trong tương lai của Phật Giáo sẽ bị thiệt hại nặng, và tôn giáo này sẽ bị thu hút vào những tôn giáo khác, giống như trước kia Phật Giáo đã tan hòa vào Ấn Giáo ở Ấn Độ, và vào Tân Khổng Giáo ở Trung Hoa. Vì vậy người Phật Giáo cảm thấy mình phải cạnh tranh trọn vẹn trong “thị trường tâm linh”, theo những điều kiện của chính mình. Như vậy không thể nói là người Phật Giáo không chịu nghiên cứu và có một sự cảm nhận nào đó về Thiên Chúa Giáo. Ít nhất thì cũng có một số tu sĩ Phật Giáo đọc Thánh Kinh, và sự kiện này đã được chứng minh một cách khá hài hước vào tháng 3 năm 1987, khi “ một cuốn Thánh Kinh, một con dao nhỏ, mấy cục pin, và một máy cạo râu bằng điện” trong va li của một tu sĩ người Thái Lan được máy chiếu tia X của Thuế Vụ phát hiện ở Phi Trường Sydney và do đó gây ra một vụ di tản vì nguy cơ bom lớn nhất trong lịch sử của phi trường này.

Trên bình diện thiết thực thì đã có những người Thiên Chúa Giáo giúp đỡ các nhóm Phật Giáo sắc tộc trong việc định cư của họ ở Úc Châu. Một thí dụ là ở Melbourne, Phòng Nhập Cư Công Giáo đã đóng góp rất nhiều cho việc mua ngôi chùa đầu tiên của người Phật Giáo Việt Nam. Năm 1977 hai linh mục thuộc dòng Carnel ở Melbourne giúp tiền mua thực phẩm và vật dụng cho một Tăng sĩ trẻ tuổi người Kampuchia trong sáu tháng để tu sĩ này không phải bỏ đời sống tôn giáo của mình. Ở Sydney vào cuối thập niên 1970, Tessa Lim, một người Phật Giáo và Linh Mục O’ Reilly thuộc giáo xứ St. Patrick ở Bondi hợp tác thiết lập Hội Từ Bi (Metta Foundation), giúp đỡ rất nhiều cho việc tái định cư của những người nhập cư Phật Giáo ở vùng ngoại ô phía đông thành phố. Thêm vào những sự kiện này, có lẽ tang lễ đầu tiên phối hợp Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo ở Úc Châu được cử hành vào tháng 11 năm 1986 ở nghĩa trang Cowra.

Một cuộc khảo sát ở Hoa Kỳ vào năm 1985 cho thấy người Thiên Chúa Giáo nói chung dễ có thiện cảm với Phật Giáo hơn nhiều so với người Tin Lành, và ở Úc Châu cũng vậy. Vào năm 1980, ngay cả những người Anh Giáo ở Melbourne vốn thường trầm tĩnh cũng trở nên ồn ào vì một quyết định cho phép các tín đồ Phật Giáo người Việt Nam dùng một nhà thờ ở Surrey Hills làm nơi cử hành lễ Phật Đản. Kết quả là năm mươi chín giáo xứ tham dự công khai vào một vụ được gọi là “Cuộc Tranh Luận Phật Giáo". Trong vụ này có những lời lẽ như “những người không may mắn sống trong bóng tối ngoại đạo” và những lời kêu gọi phải làm lễ “trừ tà” cho nhà thờ đó. Để phản đối việc giúp đỡ người Việt Nam của vị trưởng giám mục, một giáo xứ còn rút khỏi Ban Truyền Giáo Úc Châu và hủy bỏ đăng ký mua tạp chí “See” của giáo khu.

Người ta thường nhận xét là có những điểm tương đồng giữa giáo lý Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo Tây Tạng, ít nhất là ở bên ngoài, và vì vậy cuộc đối thoại tiến xa nhất có thể sẽ diễn ra giữa hai giáo phái này. Ở Úc Châu trong năm 1988 có khoảng hai mươi lăm nhóm Phật Giáo Tây Tạng, trong đó sáu nhóm thuộc về mạng lưới quốc tế gồm ba mươi mốt trung tâm ở mười hai quốc gia do Lạt Ma Yeshe tổ chức với tên gọi “Cơ Quan Bảo Tồn Truyền Thống Đại thừa". Trung tâm đầu tiên được thiết lập ở một nước Tây Phương là Viện Chenrezig, vào năm 1974, một cộng đồng vùng ngoại thành rộng khoảng 64 hecta ở gần Nambour, phía Bắc Brisbane. Ở những trung tâm thành phố của Cơ Quan, chương trình học là những giáo lý do vị Geshe người Tây Tạng trụ trì truyền dạy. Geshe là bằng cấp tương đương với tiến sĩ thần học, nhưng đòi hỏi tới mười năm tu học rất cam go. Các vị geshe trông coi các nghi lễ, ban lễ truyền pháp, hướng dẫn các đệ tử, và giảng dạy những kinh sách Phật Giáo Tây Tạng quan trọng như “Lam Rim”, nói về những pháp tu tập theo thứ tự từ đầu cho tới khi đạt giác ngộ, và “Bodhisattvacayavatara”, tức “Hướng Dẫn Về Bồ Tát Hạnh” của Đạo Sư Tịch Thiên (Santideva).

Những trung tâm khác của Cơ Quan được thành lập ở Brisbane, Adelaide và Bendigo năm 1981, và ở Sydney năm 1984, nhưng trung tâm lớn nhất và năng động nhất là Tara House ở Melbourne, do Uldis Balodis thiết lập năm 1976. Vào cuối thập niên 1970, trung tâm này gặp một số khó khăn, và vì đa số hội viên trước kia thuộc phong trào chống văn hóa nên đã có khá nhiều căng thẳng về vấn đề làm sao để giữ cho trung tâm tồn tại về mặt tài chánh. Họ làm một số việc kinh doanh như tân trang nhà ở, bán hoa, quần áo, đồ điện tử và cả xe hơi cũ, nhưng vì những bản tin của trung tâm lúc nào cũng kêu gọi người ta giúp tiền bạc nên nhiều người cảm thấy khó chịu. Owen Cole, về sau trở thành một hội viên quan trọng, đã viết có phần châm biếm rằng cảm tưởng đầu tiên của ông về Tara House là trung tâm này giống như “một công ty đa quốc gia đang bành trướng với những cái vòi tài chánh vươn ra khắp thế giới để tìm một vụ làm ăn chấm dứt mọi vụ làm ăn. Tôi thấy đây không phải là chuyện mà Milarepa chịu dành thời giờ để làm”. Nhiều người cảm thấy xa cách, tuy nhiên tới năm 1980 người ta nhận thấy Melbourne có nhiều tín đồ Phật Giáo Tây Tạng trên dân số nhiều hơn bất cứ thành phố nào khác ở nước Tây Phương. Năm 1981, Peter Guiliano được cử làm giám đốc trung tâm với khoảng ba mươi hội viên nội trú và những dịch vụ như White Crow Cleaning và Soft Byte Computer Service luôn luôn phát đạt. Sau những thời gian ở Kew và St Kilda, năm 1987 Tara House mua một trường Thiên Chúa Giáo rất rộng với ngôi nhà ba mươi ba phòng ngủ ở East Brighton với giá 1.2 triệu đô la. Bây giờ phần lớn chương trình giảng dạy được cung cấp với điều kiện người học sẽ đóng góp một món tiền nào đó cho trung tâm, và qua “Dạ Hội Khiêu Vũ Trái Tim Nhỏ Máu” của Adele Hulse, trung tâm gây quỹ được khoảng 50,000 đô la cho những công trình từ thiện như làm trại cho người bị bệnh phong ở Delhi, Ấn Độ, Cơ Quan Gia Đình Mở Rộng của Thiên Chúa Giáo, và các tổ chức y tế của Thổ dân Úc.

Lạt Ma Thubten Yeshe trong nhiều năm đã bị bệnh tim, Ngài viên tịch vào ngày 3 tháng 3 năm 1984 ở một bệnh viện đa khoa ở Los Angeles, Hoa Kỳ, trụ thế bốn mươi chín tuổi. Ngài là công dân Úc có ảnh hưởng lớn nhất đối với Phật Giáo thế giới. Lạt Ma Zopa nói về ông như sau: “Ông chối bỏ bản thân để phụng sự người khác ... ông có tầm nhìn rộng lớn, có lực quan sát và có những kế hoạch lớn làm lợi ích cho nhiều người, và ông đã thực hiện những kế hoạch này”. Vào ngày 15 tháng 5 năm 1986 người ta được biết tin Đức Dalai Lạt Ma đã thừa nhận một em bé người Tây Ban Nha, Osel Hita Torres là “hóa thân" mới của Lạt Ma Yeshe. Đây không phải là trường hợp đầu tiên một Lạt Ma hóa thân người Tây Phương, nhưng do sự nổi tiếng của Lạt Ma Yeshe, sự kiện này thu hút được nhiều sự quan tâm của thế giới, gồm cả một bài báo trong tạp chí “Time”, Tuy nhiên việc Lạt Ma Yeshe là một “người Úc gốc Tây Tạng”’ vẫn còn là một bí mật được giữ kín.

Geshe_Thubten_Loden
Geshe Thubten Loden

Những trung tâm của Lạt Ma Yeshe ở Úc Châu cũng sinh ra những nhóm khác, vì hai vị Lạt Ma trụ trì đầu tiên ở Tu Viện Chenrezig là Geshe Thubten Loden và Zasep Tulku Rinpoche thu nhận đệ tử của riêng mình rồi sau đó tách ra riêng biệt. Geshe Loden sinh năm 1924 ở miền Đông Tây Tạng, đi tu vào năm lên sáu tuổi, và gia nhập tu viện Sera năm 1939. Là một học giả có khả năng và có bằng Geshe Lharam, ông được Đức Dalai Lạt Ma chọn đứng đầu chương trình giảng dạy ở Chenrezig khi Lạt Ma Yeshe liên lạc với ông năm 1976. Các đệ tử của ông ở Chenrezig thiết lập những trung tâm ở Sydney năm sau đó, rồi ở Melbourne và Brisbane năm 1979. Geshe Loden trở thành công dân Úc năm 1981. Ngày nay những trung tâm của ông có khoảng 320 hội viên, trong số đó 200 người ở Melbourne. Khác với Hội Bảo Tồn Truyền Thống Đại thừa, những trung tâm Loden thu hút những thính giả có trình độ cao. Toby Gillies, một trong ba Tăng sĩ người Úc được Geshe Loden làm lễ thọ giới, nói rằng ông không biết một hội viên nào đã dùng thuốc gây ảo giác, và ông nghĩ rằng tính nghiêm nghị của Geshe Loden đã làm cho các hippy tránh xa. Thật vậy, Geshes Loden thường khuyên các đệ tử của mình nên tìm những việc làm tốt, và “không đi Ấn Độ, không làm hippy!” Chỗ ở sang trọng của ông ở Goerge Street, East Melbourne, nói lên một hiện tượng mới trong Phật Giáo Úc Châu. Người Phật Giáo được khuyến khích hòa vào đời sống xã hội Úc để biểu lộ sự đồng nhất của mình với mọi người thay vì sự phân cách. Giới hippy kỳ cựu có khuynh hướng coi những trung tâm của Geshe Loden là đã bị “yuppy hóa” tức là có những tham vọng của người đô thị, nhưng họ cũng công nhận rằng nhờ các thí chủ giàu có mà những trung tâm này là một trong vài nhóm có điều kiện tổ chức một chương trình giảng dạy miễn phí. Năm 1988, một kế hoạch được lập cho việc xây dựng một tu viện trị giá hơn một triệu đô là làm cho hơn mười tu sĩ.

Hiện tại Zasep Tulku Rinpoche sống ở Canada, nhưng ông thường đi thăm các đệ tử người Úc của mình ở Trung Tâm Phật Giáo Wollongong và Illsusion Farm ở Tasmania. Illusion Farm là một trung tâm tu tập được thành lập năm 1976 bởi Sandy Mc Cutchesn, nguyên là nhà soạn kịch và phát ngôn viên đài phát thanh ở Sydney, phối hợp Phật Giáo Tây Tạng với sân khấu chuyên đề. Những nhóm Phật Giáo Tây Tạng ở New South Wales bao gồm các cộng đồng vùng quê như Marpa House, Tu Viện Karma Tashi Cho Ling, và Vajradhara Gompa tại duyên hải miền Tây ở Sydney, Trung Tâm Dzongsar Manju Gosha thuộc phái Rime được mở năm 1984, và gần đây hơn các đệ tử của Geshe Nyawang Dhargyey, giảng viên ở Thư Viện Tác Phẩm Và Tài Liệu Tây Tạng ở Dharamasala, miền Bắc Ấn Độ, thiết lập Trung Tâm Shakyamuni.

Toby_Gillies

Toby Gillies

Năm 1979 vị Karmapa trưởng dòng Kagyu của Phật Giáo Tây Tạng cử Chentse Rinpoche tới Úc Châu, kết quả là hai trung tâm ở Melbourne và Sydney được thành lập, và năm sau đó Traleg Kyabjon Rinpoche, trước kia đã tới Melbourne một cách độc lập, cũng tham dự nhóm đó. Ông sinh năm 1955 trong một gia đình quý tộc ở miền Đông Tây Tạng, lúc còn nhỏ đã được coi là hóa thân của Siddha Shogam, một vị Lạt Ma sống trong thế kỷ mười hai, và được đưa lên làm Viện trưởng của tu viện Trangu. Sau đó ở Ấn Độ, khi tu học xong, ông hoàn tục, cưới một người vợ Úc với ý định “trình bày Phật Giáo cho người Tây Phương ở tầm mắt của họ”. Hiện tại Viện Phật Giáo Kagyu E-Van ở Melbourne là một trong những trung tâm tiên tiến ở Úc Châu. Viện này tổ chức những khóa “tâm lý học Đông-Tây” và những đề tài xã hội và sinh thái rộng lớn hơn, và thường thu hút các giáo viên, các nhà tâm lý học, và những người ở trong ngành săn sóc sức khỏe, khác với trung tâm Loden hay Tara House vốn thường hấp dẫn giới thương mại và các cựu hippy. Từ tháng giêng năm 1984, Viện Kagya cũng tổ chức Trường Mùa Hè Phật Giáo hàng năm, thu hút những người nổi tiếng như Phra Khantipalo, Ajahn Jagaro, và Sogyal Rinpoche (vị “Lạt Ma cười” nổi tiếng ở London), cũng như các học giả và nghệ sĩ địa phương. Đây là hướng đi hiện tại của Viện Kagyu, nhưng Viện không xa rời truyền thống của mình, thí dụ trong việc bảo trợ những hội viên như Chris Biddle (một nhà trị liệu bằng cách giao cho bệnh nhân một công việc thích hợp) tham dự một kỳ nhập thất ba năm cam go ở Canada.

Melbourne còn có Phòng Thông Tin Tây Tạng do David Templeman thành lập năm 1980. Templeman là một hội viên hoạt động của Hội Phật Giáo Victoria trong đầu thập niên 1970. Phòng thông tin này tổ chức những khóa học về mọi phương diện văn hóa và chính trị Tây Tạng cho những người Phật Giáo ở Melbourne, các du khách, các nhà giáo dục và các nhà chính trị. Việc làm lớn nhất của Phòng Thông Tin là vào tháng 5 năm 1986, trong cuộc viếng thăm của Đức Punchen Lạt Ma, nhân vật tôn giáo và chính trị cao thứ nhì ở Tây Tạng, các cố vấn Trung Quốc của ông được phục rượu để họ bận rộn trong khi ông bí mật gọi điện thoại cho Đức Dalai Lạt Ma lúc đó đang ở Bonn, thủ đô của Tây Đức. Đó là lần đầu tiên hai vị đã nói chuyện được với nhau kể từ 1959. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã viếng thăm Úc Châu hai tuần trong tháng 8 năm 1982. Nơi Ngài trú ngụ nhiều ngày nhất là Melbourne, ở đây Ngài thuyết pháp trong ba ngày về “Tánh Không Và Đại Từ Bi; Tâm Lý Học Về Sự Vô Ngã” cho 800 người. Ở Canberra, Michael Tate tổ chức một cuộc tiếp đón ở Nghị Viện, nhưng trong chuyến viếng thăm này những việc có tính chất chính trị ít được thảo luận. Chuyến viếng thăm chính yếu là dành cho các tín đồ Phật Giáo Úc Châu, và thái độ hoàn toàn khiêm tốn của Đức Đạt Lai Lạt Ma làm cho mọi người thuộc mọi giáo phái đều kính trọng Ngài.

Phật Giáo Úc Châu trong thập niên 1980 có sự phân tán với những giáo phái, nhưng những người như Đức Đạt Lai Lạt Ma cho thấy tinh thần của các phái là một, dù bên ngoài có những khác biệt về lịch sử và giáo thuyết không thể hòa giải được. Có những người hy vọng Phật Giáo ở Úc Châu sẽ tiến tới “Nhất Thừa”, với đạo đức và sự thẳng thắn của Theravada, sự nồng ấm và năng động của Phật Giáo Tây Tạng, sự tự nhiên và tính hài hước của Thiền Tông. Một phong trào tuyên bố đã đạt được sự hòa đồng này là Những Người Bạn Của Dòng Phật Giáo Tây Phương do một người Anh, Đại Đức Sangharakshita, sáng lập năm 1967, và có vẻ sẽ có tương lai tươi sáng dù số hội viên vẫn còn ít. Tuy nhiên những người chê bai phong trào này xem Đại Đức Sangharakshita chính yếu là một tín đồ Kim Cương Thừa, thu nhận một số phương diện của các giáo phái khác, và họ cho rằng vì ông không phải là một vị Thầy về hành Thiền nên ông không có thẩm quyền để làm một cuộc thay đổi lớn như vậy. Natasha Jackson xem phong trào này cũng là một thứ pha trộn giống như Thông Thiên Học, và Sangharaksita là “đại giáo trưởng” của một “giáo phái” nữa được đặt thêm vào với những giáo phái đã có từ trước. Có thể thời gian sẽ chứng minh là bà sai lầm, và bạn của bà là Đại Đức Dhammika dù thuộc Theravada cũng tin rằng trong tương lai Phật Giáo Tây Phương sẽ đi theo hướng Sangharakshita.

Khi được hỏi ông thuộc giáo phái nào, David Maurice thường nói rằng mình là Phật tử không thuộc một phái nào từ khi còn nhỏ. Maurice là một trong những tín đồ Phật Giáo người Úc đầu tiên và về nhiều mặt, một trong những người gây ấn tượng mạnh nhất. Ông qua đời vào tháng 9 năm 1981, sau khi đã cho những người đồng đạo biết mình có ý kiến gì về chiều hướng mà họ nên đi theo, và ông đã nói lên những ý kiến đó một cách chắc chắn. Năm 1980, ông xuất bản một cuốn sách có tên là “Những Gì Đức Phật Đã Thực Sự Dạy” (What the Buddha Really Taught), được Elizabeth Bell bình luận trong tạp chí “Metta” là “một cuốn sách có tính cách sửa sai quan trọng". Thật vậy, David Maurice thẳng thừng chối bỏ tất cả những gì không được xem là Phật Giáo Thuần Túy, và đứng đầu danh sách này là “Lạt Ma Giáo” mà ông cho là “chỉ có khoảng 5% Phật Giáo". Có lẽ một phần nguyên nhân của ý kiến này là về chính trị, vì ông ủng hộ việc Trung Quốc xâm chiếm nước Tây Tạng phong kiến, nhưng xét rộng hơn thì nguyên nhân là ông rất ghét những ý tưởng như “Guru” và “Phật sống, và ông xem bất cứ người nào ủng hộ những điều này là “dễ tin và loạn trí”. Có thể có những người Úc theo Thiền Tông và Theravada đồng ý với ông, dù họ thường có tính cách ngoại giao hơn một chút.

Phải công nhận là giữa các giáo phái Phật Giáo thực sự có những hàng rào ngăn cách nào đó. Một thí dụ là Phra Khantipalo trong khi không đặt câu hỏi thắc mắc về hiệu năng của Mật giáo thuần túy, đã nói rằng “Có một điều đáng chú ý là những xã hội mà ở trong đó Mật giáo được thịnh vượng đã bị kẹt trong một mạng lưới mê tín với những huyền thuật, những biểu tượng, và những điềm báo, đưa tới sự hủy diệt của họ, như trường hợp những vương quốc trung cổ ở Ấn Độ, và Tây Tạng”. Những người Theravada thường nghĩ rằng nếu muốn có một cuộc đối thoại có kết quả với Phật Giáo Tây Tạng, cần phải có một sự đồng ý rằng Phật Giáo Tây Tạng đã tiến hóa qua mấy thế kỷ như hệ quả của sự thỏa hiệp liên tục với Ấn Giáo. Họ có những nghi thức, những khí cụ làm lễ và những pháp khí trang trí cầu kỳ của Mật giáo là một cái gì khác với những giáo lý thực tiễn của Đức Phật. Họ cho rằng chỉ có những người lãng mạn hết thuốc chữa thì mới bị quyến rũ bởi một lễ nghi xa lạ như vậy. Đúng là Phật Giáo Tây Tạng thường khó hiểu hơn Thiền Tông và Theravada, vì tông phái này không chỉ là một cấu trúc triết học phức tạp, như vẫn thường được trình bày, mà còn là cả một nền văn minh. Để có thể thực sự cảm thấy dễ chịu khi tìm hiểu Phật Giáo Tây Tạng, người ta cần phải hấp thụ một khối lượng thông tin lớn. Thật vậy nhiều người chú ý tới pháp thực hành Phật Giáo Tây Tạng đều nói rằng nếu muốn có sức hấp dẫn rộng lớn hơn, pháp môn này phải được cải biên nhiều và phải được tước bỏ những gì đã bám thêm vào qua nhiều thế kỷ. Có những tu sĩ ở các trung tâm của Lạt Ma Yeshe còn cho rằng Mật giáo là một điều phiền phức, và họ nghĩ rằng tương lai của Phật Giáo Tây Tạng tùy thuộc trọn vẹn vào pháp “dzog-chen”, tức “đại hoàn thiện”, một phương diện của Phật Giáo Tây Tạng rất giống Thiền Tông một cách trực tiếp.

Có những người theo Phật Giáo Thiền Tông và Tây Tạng cảm thấy Theravada có tính chất cứng nhắc và khắc khe về giới hạnh, không có một chút tính chất thơ ca nào, và thiếu phần “tri kiến” đích thực. Có lẽ người ta đã có lý phần nào khi nói rằng Theravada là dành cho một số lớn những người xem thế gian này là “một nhà tù đáng ghét”, theo lời tác giả của một bài trong tạp chí “Metta”. Những cảm tưởng này thường có nguyên nhân là tất cả những bản dịch từ Kinh Điển Pali đều gò bó và không gây cảm hứng, cho đến khi có những bản dịch của Maurice Walshe gần đây. Ajahn Jagaro công nhận rằng các tín đồ Theravada trong quá khứ đã nói “quá nhiều về thực hành, mà lại không đủ về sự chứng ngộ”, và lý do này ông cảm thấy mình được thu hút mạnh về phía Thiền Tông, nơi có trường hợp ngược lại. Về phần Phra Khantipalo thì mới đây ông đã đi xa tới mức nói rằng nếu có thời gian để làm lại thì có lẽ ông sẽ chọn Thiền hơn là Theravada. Vì vậy tương lai của Phật Giáo ở Úc Châu có thể tùy thuộc vào mức độ hai giáo phái này giao tiếp với nhau. Nhiều người Theravada, trong khi cho rằng truyền thống của mình là nguyên thủy và vẫn là tốt nhất, cũng thấy trong sự đơn sơ và hòa hợp mỹ thuật của Thiền là một tinh thần thích hợp với tinh thần của họ. Đây là một cảm tình thực sự mà nhiều Phật tử Úc đã nêu lên từ Marie Byles, Les Oates, Len Henderson cho tới Robert Gray và Chi Kwang.

Nếu sự tổng hợp của hai tông phái này diễn ra thì Theravada có thể được xem là “phái nhà”, được tái khẳng định và được làm giàu thêm bằng cách vay mượn Thiền Tông - với lý do đơn giản là không có một vị Thiền Sư nào trụ trì ở Úc Châu, mà Thiền Tông trên thế giới thì đang ở trong tình trạng có phần suy nhược. Nói chung thì người ta đồng ý với nhau rằng Thiền trong hình thức nguyên thủy chỉ còn được bảo tồn ở những tu viện hẻo lánh ở Đại hàn. Ở Nhật Bản thì gần như mọi nơi đều chìm trong một thứ tín ngưỡng nam tính, và ở Hoa Kỳ mới đây một số vị Thầy quan trọng đã bị mang tiếng là nghiện rượu và lợi dụng tính dục các nữ đệ tử.

Có lẽ không có hơn hai trăm người Úc thực tập theo Thiền Tông, và một nguyên nhân của sự kiện này là những trung tâm Thiền chính yếu Nhật Bản, Đại Hàn, và California là những nơi đến đắt tiền đối với các du khách ít tài chánh so với Thái Lan hay Ấn Độ. Vì vậy rất ít người Úc nghiên cứu Thiền có cơ hội hành thiền dài hạn trong khung cảnh kiểu mẫu. Nhiều người hầu như chỉ dựa vào sách, và do chịu ảnh hưởng của khuynh hướng chống hình thức của các Thiền sư được kể trong sách, họ có ý xem thường truyền thống và triết lý Phật Giáo. Tuy nhiên, về mặt lịch sử, sự cấp tiến của Thiền Tông bao hàm nền văn hóa mà ở trong đó triết lý và pháp thực hành Phật Giáo được tiếp nhận, và do đó có thể nói rằng khuynh hướng tránh dùng danh từ “Phật Giáo" của các hành giả Thiền cũng như các hành giả Thiền minh sát Vipassana sẽ không có tương lai vững chắc. Thêm nữa, có lẽ như Ni Sư Chi Kwang đã nói, hình thức đạm bạc của Thiền Tông chỉ có sức hấp dẫn giới hạn đối với đa số người Úc, những người thích một lối tiếp cận rộng rãi hơn.

Giống như John Olsen và Ian Fairweather trước kia, nhiều họa sĩ và nghệ sĩ đồ gốm của Úc trong hai thập niên qua đã rất chú ý tới Thiền, với tình cảm dành cho thiên nhiên của tông phái này. Trong số các họa sĩ chính yếu thì Fred Williams, Sidney Nolan, Tony Tuckson, và Lawrence Daws đã ít nhất cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng qua tranh phong cảnh của Trung Hoa và Nhật Bản vốn do Thiền gây cảm hứng. Nhiều họa sĩ kém nổi tiếng hơn đã theo đuổi mỹ thuật Thiền bằng cách hành Thiền. Một thí dụ là Andre Sollier, một người Pháp đến Úc năm 1970 sau ba năm nghiên cứu Thiền ở Nhật Bản và hiện đang trông coi thiền đường “Satsuma Dojo”, cung đạo, và thiền định. Royston Harpur đã dành nhiều thời gian nghiên cứu hội họa thiền ở Nhật Bản, cũng như Barry Gazzard, một hành giả Chân Ngôn Tông và có lẽ là người Tây Phương đầu tiên hoàn thành kỳ nhập thất một trăm ngày trên Núi Koya (Cao Dã), phía Nam thành phố Kyoto. James Meldrum, dạy mỹ thuật ở RMIT tại Melbourne đã nghiên cứu Thiền nhiều năm và tự xem mình là một người thuộc thế hệ Beat còn lại. Một họa sĩ khác là Charle Saxon nói về Thiền trong tranh của mình: “khoảng yên tĩnh giữa hai ý nghĩ, cái trục của bánh xe biến dịch, đó là cái mà tôi muốn trình bày". Tinh thần này cũng thâm nhập nhiều trong nghệ thuật đồ gốm Úc, mà từ cuối thập niên 1950 đã do truyền thống Leach-Hamada ngự trị. Một số nghệ sĩ đồ gốm Úc như Les Blakebrough, Milton Moon và Peter Rushforth đã vào làm ở các lò gốm Nhật Bản, và đã say mê triết lý Thiền vốn đã thấm sâu vào óc thẩm mỹ của người Nhật. Giống như nhiều họa sĩ và thi sĩ Úc, họ thấy Thiền có lẽ là triết lý mỹ thuật ít chú trọng con người nhất, đã chuyển một quan kiến đạm bạc về tánh Không bất động thành một sự tán thưởng thiên nhiên.

Tất nhiên người ta phải cẩn trọng không đánh giá quá cao mức ảnh hưởng của Thiền đối với văn hóa Úc Châu. Nhưng Thiền thực sự đã có ảnh hưởng sâu trong một số thi sĩ, họa sĩ và nghệ sĩ đồ gốm rất quan trọng, nếu không coi là lan rộng. Về Thiền thực hành cũng vậy, chưa có nhiều tín đồ như Phật Giáo Tây Tạng và Theravada, dù sách về Thiền bán chạy hơn sách của các phái khác. Thí dụ từ năm 1968 nhà xuất bản Penguin Books ở Úc đã bán được 17,000 cuốn “The Way Of Zen” và 15,000 cuốn “Zen Flest, Zen Bones” so với 13,000 cuốn “Buddhism” của Hubert Humphreys.

R__H__Blyth

R. H. Blyth

Cũng như trường hợp Phật Giáo Tây Tạng và Theravada, một nhân vật xuất hiện rõ rệt trong việc đưa một dòng Thiền chân truyền đến Úc Châu. Robert Aitken lần đầu tiên bước vào Thiền Tông là qua cuốn “Thiền Trong Văn Học Anh Quốc Và Cổ Thư Đông Phương” (Zen in English Literature and Oriental Classic) của R. H. Blyth mà ông đọc trong trại tù binh ở Nhật trong thế chiến thứ II. Ông nói rằng có lẽ đã đọc cuốn này mười lần: “Lúc đó thế gian dường như trong suốt, và tôi cảm thấy sung sướng một cách kỳ lạ, dù đang ở trong hoàn cảnh khốn khổ của các tù binh chúng tôi”. Khi trở về Hoa Kỳ, ông bắt đầu hành thiền với Nyogen Senzaki, là người mà hai mươi năm trước đó đã là vị Thầy đầu tiên của Ni Sư Dhammadinna. Năm 1950 ông lấy bằng tiến sĩ văn chương Nhật Bản ở Đại Học Hawaii, và sau đó trông coi một tiệm sách chuyên bán các sách Đông Phương và cũng làm về quản trị ở Trung Tâm Đông-Tây của Đại Học này. Trong khoảng thời gian đó ông đi Nhật mấy lần để nghiên cứu Thiền Tông.

Qua thời gian ông theo học với các Thiền sư, trong số đó chính yếu là các vị thuộc Sanbo Kyodan, hay “Giáo Đoàn Tam Bảo”, một tổ chức của các cư sĩ dùng giáo lý của cả hai phái Soto và Rinzai (Tào Động và Lâm Tế) trong nỗ lực phục hồi Thiền Tông Nhật Bản. Tình trạng khô cứng của các tu viện làm cho vị Thầy chính yếu của Aitken là Yasutani-roshi nghĩ rằng “tốt nhất là hãy để cho Giáo Pháp được duy trì trong những người thế tục”. Có những tu sĩ nam nữ cho rằng lối này làm loãng Phật Giáo, nhưng Robert Aitken cảm thấy Tây Phương là nơi không có sự hỗ trợ đầy đủ cho các tu viện, vì vậy không có cách nào khác hơn là tổ chức những phong trào cư sĩ rộng rãi. Ông còn cổ động loại “Phật Giáo dấn thân” và nói rằng “chối bỏ chính trị trong sinh hoạt tôn giáo cũng chính là một lời phát biểu chính trị”, và rằng làm ngơ cuộc thi đua võ trang nguyên tử hay sự tàn bạo của các chính quyền là gián tiếp vi phạm giới cấm thứ nhất không sát sinh. Là người tích cực chống chiến tranh Việt Nam, vào giữa thập niên 1970 ông thành lập Hội Hòa Bình Phật Giáo, một tổ chức quốc tế có mục tiêu là đưa quan điểm Phật Giáo vào chính sách Xanh đương đại.

Năm 1974, Yamada-roshi, người kế tục Yasutani-roshi, cho phép Aitken được dạy độc lập, và dù không tự xem mình là một Thiền sư, ông cũng được xem là vị Thầy quan trọng bậc nhất của Thiền Tây Phương, cùng với Philip Kapleau. Giống như Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh và các vị khác, Aitken cho rằng Thiền cần phải được luyện với pháp chánh niệm của Theravada, và lối tiếp cận đa diện của ông thu hút được những đệ tử như hai thi sĩ nổi tiếng W. S. Merwin và Gary Snider. Tất nhiên sức lôi cuốn cá nhân của ông cũng đóng góp nhiều vào việc thu phục người khác, và ngày nay ông là một ông già 70 tuổi nhăn nheo, với nụ cười ngượng nghịu. Không giống như nhiều người mà ông gọi là “roshi (lão sư) thô lỗ”, phong cách của ông rất bình thản, và người ta nói rằng ông còn đưa kết quả những trận baseball cho các đệ tử trong lúc độc tham. Từ năm 1978, ông về thăm Úc Châu hàng năm, và đã hướng dẫn các nhóm Thiền ở những thành phố lớn.

Ngoài “Học Viên Thiền Tông" của Max Dunn và một cộng đồng Thiền nhỏ được thiết lập ở Evelyn Central, miền Bắc Queensland vào năm 1971, thì nhóm Thiền đầu tiên được tổ chức tại Úc Châu là ở Perth, vào năm 1974. Năm sau đó Leigh Davidson, đã nghiên cứu Thiền ở Bodh Gaya, Ấn Độ, cùng với Paul Maloney, đã tu học ở Nhật Bản, thiết lập một cộng đồng Thiền ở vùng ngoại ô Lindfield của Sydney. Trong mấy năm nhóm này cố gắng tồn tại không có một vị Thầy hướng dẫn, và rồi vào tháng ba 1978, bốn thành viên Leigh Davidson, Geoff Dawson, Susan Murcott, và John Tarrant đi Hawaii để học với Robert Aitken. John Tarrant, một nhà tâm lý trị liệu, ở lại đó và được phép dạy các đệ tử của riêng mình. Hiện tại ông đang sống ở California, nhưng cùng với Ajahn Jagaro, Tarrant là người Úc độc nhất được công nhận là một vị Thầy thuộc một dòng Phật Giáo chân truyền. Mỗi năm ông tổ chức những kỳ nhập thất ở Úc với sự giúp đỡ của Trung Tâm Thiền Sydney, có trụ sở vào năm 1988 ở Annandale với khoảng sáu mươi hội viên hoạt động. Như vậy đây là nhóm Thiền lớn nhất Úc Châu, vì các nhóm ở Melbourne và Brisbane có ít hơn hai mươi lăm người mỗi nhóm. Robert Aitken là một Thầy có khả năng, nhưng các tín đồ Thiền Tông ở Brisbane đã theo học với một vị Thầy người Mỹ khác, đó là Charlotte Joko Beck. Mỗi năm bà đi thăm Úc Châu với sự bảo trợ của họ.

Trong tất cả các hội đoàn Phật Giáo ở Úc, Trung Tâm Thiền Sydney và các chi nhánh vẫn giữ quan điểm chống văn hóa rõ rệt nhất. Robert Aitken đã góp phần tạo nên tính chất này, nhưng đây cũng là một sự phát triển tự nhiên từ sự tôn trọng lẫn nhau giữa các đệ tử Thiền Tông và những người thuộc phái bảo vệ môi sinh “Xanh”. Chính sách của phái “Xanh” nhấn mạnh sự tương liên của vạn vật, và kết quả là một loại sách bán chạy nhất được xuất bản, liên kết Phật Giáo và Lão Giáo với sinh thái học và vật lý học mới. Những cuốn “Tao of Physics”, “Dancing Wu Li Masters”, và “Deep Ecology” đều khai thác Phật Giáo như triết lý tôn giáo có ý thức nhiều nhất về thiên nhiên, và phù hợp với khoa học hiện đại nhất. Ở đây có khuynh hướng đổ lỗi cho Thiên Chúa giáo, vốn là tôn giáo chỉ chú trọng con người, đã gây ra những tai họa về sinh thái và sự vô tâm của con người đối với thế giới tự nhiên, ý tưởng loài người ngự trị vạn vật làm cho chúng ta xa cách thực tại. Như Gary Snyder phát biểu, với quan điểm này “những rắc rối của loài người chúng ta bắt đầu phát sinh từ khi người ta đặt ra những vị thần đàn ông ngự ở một nơi nào đó bên ngoài trái đất”. Tuy nhiên việc đi tìm một ý thức về sinh thái này không nhất thiết loại trừ hoàn toàn những truyền thống của Tây Phương (thí dụ Meister Eckhart) vị thầy “Thiền” Thiên Chúa Giáo được nhiều tín đồ Thiền Tông ái mộ). Một sự tổng hợp quan trọng Phật Giáo và nhân bản Tây Phương đang diễn ra và phát xuất từ nhận thức rằng tặng phẩm của Đông Phương là trí huệ Thiền, và điều tốt của Tây Phương là cách mạng xã hội. Ninian Smart là một trong những người thấy kết quả của cuộc tổng hợp này là một “ý thức hệ siêu việt mới”, và vì cuộc giao tiếp đang diễn ra phần lớn là giữa California và Đông Á nên ông đặt tên cho nó là “Tâm Thái Bình Dương” (the Pacific Mind).

Người Úc đã đứng ở vị trí rất tốt để tham dự cuộc đối thoại này. Khi tiếng nói hàng đầu của cuộc đối thoại là Gary Snyder được mời đến Úc vào năm 1981, ông được tiếp đãi bởi Bodhi Farm, một cộng đồng Thiền ở phía Tây Terania Creek, thuộc miền Bắc New South Wales. Được tiếng là một trong những cộng đồng có tính cách tâm linh nhất Úc Châu, Bodhi Farm có khoảng bốn mươi người và có liên hệ thân cận với Trung Tâm Thiền Sydney. Những người của Bodhi Farm tự xem mình là đại diện của những giá trị Phật Giáo và sinh thái: họ mở một tiệm thực phẩm dinh dưỡng, cung cấp dịch vụ bảo sanh, và tổ chức những “tập thể giáo dục” cho học sinh trung học. Những người trong cộng đồng cũng hoạt động trong chiến dịch Pacific Peacemaker phản đối các tàu ngầm Trident, và trong việc cứu Sông Franklin. Ngoài những hoạt động này Robert Aitken cũng gợi ý cho John Seed thành lập Trung Tâm Thông Tin Rừng Nhiệt Đới và tham dự chiến dịch toàn thế giới bảo tồn những khu rừng. Mỗi nhóm có liên hệ với Aitken cũng nhắm tới kiểu lập quyết định tập thể. Ông cho rằng “tán thán vị Thầy” là tín ngưỡng thờ cá nhân, và ông kêu gọi đường lối “vô chính phủ trong tổ chức" rõ ràng và vững chắc.

Một thiền sư Nhật Bản thuộc phái Soto Zen (Thiền Tào Động) cũng có ý kiến như vậy, đó là Đại Sư Hagen Daido Yamakata, thường được gọi là Hogen-san, đã hướng dẫn những khóa Thiền ở Melbourne và Hobart trong ba năm qua. Ông sinh năm 1935, và sau khi tu học Thiền Tông, ông ẩn tu một năm ở một am thất trong núi, nghiên cứu yoga, và cũng mặc áo vàng Tăng sĩ Theravada ở Tích Lan trong mấy tháng. Năm 1971, ông lập một ngôi chùa nhỏ ở chân Núi Phú Sĩ, nhưng ông thuộc hạng người nổi loạn, và không ưa lối phân chia giai cấp tu sĩ và truyền thừa “giả tạo” ở Nhật Bản. Về nhiều mặt Hogen-san giống Ryokan, tu sĩ phái Soto và thi sĩ nổi tiếng thuộc thế kỷ mười chín. Giống như Ryokan, ông cũng thích thiên nhiên, trẻ con, và rượu sake. Ở chùa của ông có thời biểu zazen (tọa thiền) và yoga, nhưng không có quy luật và không có tiền bạc. Trong cuốn “Bờ Bên Kia” (In The Other Shore), một tuyển tập những pháp ngữ của ông do một đệ tử người Anh biên soạn, Hogen-san hoan hỷ nói rằng chùa của ông “có thể giải tán bất cứ lúc nào, vì cuộc đời của chúng ta luôn luôn thay đổi với ý kiến và kinh nghiệm của những người bạn mới do chúng ta không có ý định hay chính sách cố định nào cả”. Như vậy ông thể hiện đường lối “vô chính phủ” bình thản mà Aitken kêu gọi. Tinh thần này không chỉ có trong Thiền Tông mà còn có trong đường lối thế tục phi tập trung hóa của dòng Nyingma, Phật Giáo Tây Tạng và trong truyền thống tu học trong rừng của Thái Lan.

Phật Giáo Úc Châu trong thập niên 1980 đã có cảm giác là mình đang đến nơi: “chiếc bè nhỏ của Giáo Pháp”, theo lối nói của Natasha Jackson, đã tới “Bờ Bên Kia” theo những cách nào đó, dù không phải là đã không có bị nhồi bởi những vụ rắc rối các loại. Bây giờ, khi mà Phật Giáo đã trở nên phổ thông và đa dạng, những vụ tranh chấp giáo phái trong những thập niên đầu đã nhường chỗ cho một vấn đề mới, đó là việc tìm những vị Thầy chân chính. Các trung tâm Phật Giáo thường chìm hay nổi với phẩm chất của các vị Thầy của họ. Nhưng vẫn có một số kẻ giả mạo ở trong những nhóm hàng đầu được xem không hơn những tín ngưỡng quái đản. Người ta giới thiệu các vị Thầy để tự đề cao mình, và có những trường hợp vị Thầy có danh tánh đáng nghi ngờ. Một số tu sĩ đến thăm các Trung tâm đã phát giấy chứng nhận “la hán quả”, còn những tu sĩ khác thì để lộ tính ưa sắc dục. Một tu sĩ Theravada và một tu sĩ Tây Tạng (ít nổi tiếng hơn) lại còn là bố của những đứa con “bất hợp pháp”. Người ta nói có những Tăng sĩ đeo đồng hồ vàng, có nhiều tiền riêng gửi ngân hàng, và không nói với những người nào dám xem họ kém hơn một “guru”. Người Phật Giáo Úc có lẽ có nhiều óc bình đẳng hơn là các đồng đạo người Âu hay người Mỹ của họ, nhưng như Robert Aitken cho thấy, điều này không có nghĩa là không thể bị lừa dối bởi những nhân vật tín ngưỡng cá nhân: “Tôi muốn nói hãy nhìn những người Úc bị Thông Thiên Học mê hoặc!”.

Ý niệm “phương tiện thiện xảo” luôn luôn là điều quan trọng trong việc làm cho Phật Giáo thích ứng với những nền văn hóa mới. Nhưng khi các nhóm Phật Giáo tự quảng cáo mình một cách ồn ào rồi lấy tiền học quá cao để có tiền chi phí thì đa số người Úc vốn hay nghi ngờ những tôn giáo nào quảng cáo mình sẽ cảm thấy Phật Giáo đang bị biến đổi. Loại Phật Giáo ngân phiếu lại thường được phổ biến và pha loãng một cách nguy hiểm. Có những nhóm đã bành trướng lớn đến mức các đệ tử làm theo lời của những vị Thầy mà họ không biết rõ, số người quá đông đã loại trừ sự tiếp xúc riêng giữa đệ tử và vị Thầy theo kiểu độc tham. Theo các vị geshe Tây Tạng dạy ở Úc thì vấn đề này có nguyên nhân một phần là đa số người Úc đến với Phật Giáo chỉ vì muốn có “một thứ an ủi nào đó”, và nếu họ “thực sự quan tâm tới Phật Giáo thì khi đó họ sẽ thọ giới Tỳ kheo”. Các vị này cho rằng nếu người Úc muốn thay đổi truyền thống Phật Giáo thì trước hết họ nên trở thành những “hành giả chứng ngộ” để có vị thế mà làm công việc đó.

Nhiều người Úc vẫn còn lầm lẫn việc theo Phật Giáo với việc theo cả một nền văn hóa. Chừng nào còn có những người thực ra chỉ cố trở thành người Tây Tạng, người Thái Lan hay người Nhật thì Phật Giáo vẫn có thể bị coi là lỗi thời trong xã hội Úc, là một cái gì chỉ có thể gây tò mò cho người ta. Vì vậy cần phải có sự sửa đổi để Phật Giáo không phải chỉ là một quầy hàng trong siêu thị tôn giáo ngoại nhập. Tất nhiên, tất cả những nhân vật quan trọng trong lịch sử Phật Giáo ở Úc Châu đã tham dự tiến trình hội nhập văn hóa này, nhưng một số họ đã tách rời triết lý Phật Giáo ra khỏi truyền thống của tôn giáo này và do đó cũng làm mất phần nào tinh thần của Phật Giáo, còn nhiều người khác thì lại phạm cùng loại sai lầm mà các nhà truyền giáo Thiên Chúa Giáo đã phạm ở Á Châu, họ đã hoàn toàn đồng hóa tôn giáo với nền văn hóa và bản sắc quốc gia. Phật Giáo là một tôn giáo phổ quát và do đó có tính chất liên văn hóa, nhưng để Phật Giáo hội nhập vào đời sống người Úc, phải có sự cân bằng giữa chủ trương chống tín ngưỡng thờ thần tượng và chủ trương bảo tồn truyền thống. Người ta đã thận trọng thử ghép Phật Giáo vào tâm lý học Tây Phương, và đang thảo luận về việc sẽ dùng ngôn ngữ nào trong tụng niệm và những pháp thực hành nào cần phải được loại bỏ. Tuy nhiên, một số ý kiến có tính chất bề ngoài, thí dụ như cho rằng nên bỏ việc xuống tóc vì người Úc thường coi những người cạo nhẵn đầu là thấp kém!

Rất ít người có vị thế cao như Phra Khantipalo, Ajahn Jagaro, Robert Aitken, hay một số Lạt Ma Tây Tạng để có thể thực hiện những điều cải cách này. Như vậy khi xuất hiện nhiều hơn nữa các vị Thầy thực sự có khả năng được đào tạo trong nước thì Phật Giáo Úc Châu cũng chỉ đã tạo lập danh tánh cho mình. Nền móng đã được thiết lập nhiều, nhưng có thể phải vài chục năm nữa việc cải cách này mới được thực hiện, và như vậy những gì chúng ta chứng kiến bây giờ là một nền Phật Giáo đang chuyển biến, một nền Phật Giáo mới chỉ được tiêu hóa một nửa. Người Phật Giáo Úc cũng vẫn chỉ có ít hay không có ý thức gì về lịch sử của chính mình, vì vậy họ khó trông thấy trước là tấm thảm Phật Giáo Úc Châu phức tạp này rốt cuộc sẽ có hình dạng gì. Nhưng có điều chắc chắn là những sợi chỉ thừa như Phật Giáo Thông Thiên Học và chủ nghĩa duy lý độc đoán của Natasha Jackson đã bị cắt bỏ và có lẽ sẽ không tái xuất hiện nữa.

Lịch sử Phật Giáo Úc Châu đã có những sự chia rẽ và đối nghịch, với tín đồ Theravada chống lại phái Đại thừa, những người chống Thiên Chúa Giáo tranh chấp với những người chủ trương hòa đồng tôn giáo, phái truyền thống chống lại phái đả phá thần tượng, và gần đây nhất, 12,000 tín đồ Phật Giáo người Úc gốc Anh chống lại 70,000 đồng đạo người Úc gốc Á của họ. Vào cuối thập niên 1980, những cuộc tranh chấp phe phái có lẽ đã dịu bớt, và người ta có thể hình dung một loại tổng hợp Theravada -Thiền Tông nào đó, nhưng có lẽ phần lớn các nhóm khác nhau sẽ hết mức duy trì tính chất riêng của mình trong một bầu không khí đa nguyên với sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Các truyền thống Phật Giáo hoạt động (chứ không chỉ là những ý tưởng của chúng ta về họ) đang gặp nhau trên đất Úc Châu lần đầu tiên, giống như những người họ hàng xa, vì vậy cuộc đối thoại giữa họ có tầm quan trọng lớn. Có nhiều dị biệt không thể dung hòa được, nhưng cũng có nhiều điều mà các phái có thể đồng ý với nhau (thí dụ như sẽ cần phải trở lại cách tượng trưng Phật Quả không hình tượng của Phật Giáo khởi thủy, vì hiện tại mỗi phái đều có tính chất “thờ thần tượng” tới một mức nào đó).

Phật Giáo cũng chưa đến được với nhiều người ở Úc Châu, do những vấn đề liên quan tới các tông phái. Các ủy ban hay hội đồng điều hành và một mức độ tổ chức nào đó là những điều cần thiết, nhưng như Phra Khantipalo đã cảnh cáo, Phật Giáo có nguy cơ “được tổ chức để rồi không hiện hữu nữa”. Abraham Maslow nói rằng có “một mối liên quan tiêu cực giữa sự tổ chức và chứng nghiệm siêu việt của tôn giáo". Thật vậy truyền thống tranh và thơ có nguồn gốc Phật Giáo trong lịch sử văn hóa Úc Châu không liên quan gì nhiều tới các hội đoàn hay ủy ban. Vì vậy, trong một thế giới có đầy chủ nghĩa chính thống tôn giáo, nếu Phật Giáo vốn tỉnh táo và rộng mở muốn tiếp tục làm phong phú đời sống của mấy chục ngàn người Úc thì tôn giáo này cần phải có tinh thần tự do mạnh mẽ hơn - một thứ chủ nghĩa Phật Giáo năng động và hiếu hòa.

Lịch sử Phật Giáo Úc Châu không phải là không có tính chất chính trị và độc đoán, và có thể đối với nhiều người Phật Giáo đây là một sự giác ngộ tỉnh táo và bổ ích. Chứng nghiệm Phật Giáo với trí huệ tinh truyền cũng biểu lộ trong đời sống của một số người Úc, và họ có thể gây nhiều cảm hứng cho chúng ta. Họ đã nhìn phong cảnh tự nhiên và phong cảnh văn hóa của Úc Châu qua lăng kính Phật Giáo, và rồi đã có những lời phê bình mạnh mẽ chủ nghĩa duy vật chất trống rỗng của chúng ta, và giới thiệu Phật Giáo như hệ thống triết lý tốt nhất để chuyển hóa sự trống rỗng này thành ý thức liên hệ một cách sống động với thế giới. Tấm gương của họ đã góp phần làm cho Phật Giáo trở thành một phần quan trọng kiểu mẫu sinh thái học, hậu Thiên Chúa Giáo, hậu hippy của nước Úc.

Trước thập niên 1970, lối tiếp cận về mặt giáo thuyết và siêu hình học có sức hấp dẫn lớn nhất đối với người Phật Giáo Úc, còn bây giờ kiểu mẫu mới (hay thế giới quan mới) đang thiết lập ý nguyện đạt được cái mà Robert Gray gọi là “Không Tâm” (No Thought), ý muốn tước bỏ mọi ý niệm của tâm trí. Đây là sự định hướng mới hàm chứa yếu nghĩa của Phật Giáo – cách độc nhất để đạt sự mãn nguyện chính là tự buông bỏ bản thân. Kinh Pháp Cú nói rằng chỉ khi nào hành giả “làm cho chiếc thuyền cuộc đời của mình trống rỗng” thì nó mới “lướt nhẹ nhàng” sang “bờ bên kia”, tức là giác ngộ. Đức Phật cũng nói rằng giáo lý của Ngài chỉ là phương tiện để vượt sang “bờ bên kia”. Như vậy Giáo Pháp chỉ là một ý tưởng một chiếc bè ý niệm mà rốt cuộc sẽ được bỏ lại ở phía sau, chứ không phải để bám giữ vào. Vì vậy Giáo Pháp hay Đạo có thể được ví với một cái bình trống không, hay như Ajahn Chah đã nói trong một lúc đang thiền định, Giáo Pháp là “Cái không chứa đựng tất cả"./.

- Hết

Phụ Lục

Phật Giáo tại Úc

Thích Nguyên Tạng

Úc (Australia) là một quốc gia nằm ở Nam bán cầu trong vùng ranh giới của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là một bộ phận nằm trong Khối Thịnh Vượng Chung thuộc Anh. Thủ đô: Canberra; Diện tích 7,6 triệu km2; Dân số: 20 triệu người (thống kê tháng 9/2004); Mật độ dân cư: 2,2/km2; Dân số dưới 15 tuổi: 22.2%; tuổi thọ trung bình: 76,6 tuổi; tử xuất trẻ em: 7,5% ; trình độ văn hoá cấp II : 99%; Thể chế chính trị: dân chủ đại nghị; thu nhập bình quân đầu người: 17.450 đô la. Phật giáo là một trong bốn tôn giáo chính ở Úc bao gồm Gia Tô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo.

Phật giáo chính thức được truyền đến Úc vào năm 1848 của thế kỷ thứ 19, khi người Trung Hoa đổ xô đi tìm vàng ở một vùng phía Đông của nước Úc. Trong nhóm người này có một số là tín đồ của đạo Phật nên họ đã dựng một ngôi chùa nhỏ tại đó với những vật liệu tạm thời, nay ngôi chùa này tuy không còn nhưng những pho tượng còn sót lại giúp ta khẳng định được niên đại Phật giáo đã du nhập vào đất Úc.

Đến tháng 11 năm 1882, số lượng Phật tử được gia tăng nhờ có nhóm người Tích Lan đến Úc để làm việc trên những đồn điền mía đường ở vùng Mackay, phía Bắc tiểu bang Queensland và các sở công nghiệp ngọc trai ở trên đảo Thursday (Queensland). Những năm đầu thập niên 1890, dân số Phật tử Tích Lan trên đảo Thursday lên đến 500 người. Hai cây Bồ đề được cộng đồng này trồng lúc ấy đến nay vẫn còn. Một ngôi chùa cũng đã được người Tích Lan xây dựng trên đảo Thursday này.

Cuối thế kỷ thứ 19, ở phương Tây đột nhiên nổi lên phong trào nghiên cứu và học hỏi tôn giáo và văn hóa Á châu. Ở Úc cũng đã ảnh hưởng phong trào đó. Vào năm 1891, ông Henry Steel Olcott, người có công xây dựng nền tảng cho Phật giáo tại Hoa Kỳ, đã dành 5 tháng để đi diễn thuyết Phật pháp trên khắp nước Úc. Những bài giảng và cuốn sách "Phật pháp vấn đáp" (Buddhist Catechism) của ông đã gây ảnh hưởng rộng lớn trong giới trí thức Úc. Một người trong số đó là ông Alfred Deakin, người về sau ba lần được bầu làm Thủ tướng của nước Úc. Ông có viết một cuốn sách về chuyến viếng thăm Ấn Độ và Tích Lan của ông, trong đó ông dành 3 chương viết về Đức Phật và giáo pháp của Ngài. Trong thời gian đó tổ chức của ông Olcott đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo tại Úc, Hội của ông đã cung cấp kinh sách và giới thiệu nhiều Pháp sư đến giảng dạy tại Úc. Một trong những người này là ông F. L. Woodward, đến Úc vào năm 1919 sau 16 năm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Mahinda ở Galla, Tích Lan. Ông Woodward đã lưu trú tại tiểu bang Tasmania trong 33 năm, ông dành thời gian này để đi giảng dạy giáo lý và dịch kinh Phật từ Pali ra Anh ngữ cho Hội Dịch Kinh Pali ở Luân Đôn. Một trong những quyển sách của ông là tuyển tập "Những lời Phật dạy" ấn hành lần đầu tiên vào năm 1925, là quyển sách được nhiều người Úc biết đến. Cũng vào thời điểm ấy, Tiến sĩ Worthing đã thành lập nhóm " Những nhà nghiên cứu Chân lý" ( Students of Truths), phần lớn thành viên của nhóm này là tín đồ Gia Tô giáo. Nhóm này có chi nhánh ở Melbourne, Sydney và Tasmania.

Đoàn Tăng sĩ truyền Pháp đầu tiên đến Úc vào năm 1915 là năm vị Tỳ Kheo người Đức, năm vị này được phái đến hoằng Pháp từ Tích Lan (Sri Lanka). Một trong năm vị này là Đại Đức Nyanatiloka (1878-1957), một học giả, dịch giả, tác giả của nhiều tác phẩm Phật học quan trọng, và Ngài cũng là một người tiên phong trong phong trào lìa bỏ thế tục để trở thành tu sĩ Phật giáo ở xã hội phương Tây.

Hội Phật giáo đầu tiên tại Úc là "Little Circle of Dharma" (Tiểu Pháp Luân) do đạo hữu David Maurice khởi xướng cùng với Max Tyler và Max Dunn vào năm 1925 tại tiểu bang Melbourne. David Maurice sinh năm 1899 tại New South Wales (NSW), ông biết đến với đạo Phật năm 12 tuổi nhờ đọc được Kinh Trường Bộ ( Digha-nikàya) từ bản dịch tiếng Anh của giáo sư Rhys Davids. Sau 2 năm học ngành y ở Đại học Sydney ông bỏ ngang và trở thành nhà văn. Trong giới văn nghệ sĩ Úc, ông phát hiện nhiều người thích nghiên cứu Phật giáo và thế là họ cùng nhau thành lập hội trên. Hội của ông chịu ảnh hưởng của truyền thống Phật giáo Nam truyền. Đến năm 1950, ông cho xuất bản tờ "The Light of The Dharma" (Ánh sáng của Chánh Pháp), đây là tờ báo Phật giáo tiếng Anh tại Úc được phát hành đi khắp thế giới, và đến năm 1962, ông cho in tuyển tập các bài viết của ông, quyển "The Lion 's Roar" (Tiếng rống của Sư tử). Có thể nói Davids Maurice và các thành viên của ông là những người có công lớn trong việc phát triển Phật giáo tại Úc và cũng chính họ đã làm cho thế giới biết Phật giáo tại xứ sở này trong thời gian nhóm này còn hoạt động.

Năm 1938, một số Phật tử khác cũng thành lập Nhóm Nghiên cứu Phật học (The Buddhist Study Group) do một kiến trúc sư người Melbourne, ông Len Bullen làm nhóm trưởng. Tham vọng của nhóm này là làm cho mọi người hiểu rằng Đạo Phật như là một ngành tâm lý học ứng dụng, có thể giúp cho con người giải quyết được mọi bế tắc của thời đại. Tiếc thay, nhóm này hoạt động được một năm thì tan rã, vì Thế chiến thứ hai đã bùng nổ vào năm 1939.

Người phụ nữ cũng đóng một vai trò phát triển Phật giáo tại Úc. Một trong những người phải được kể đến là bà Marie Byles, một nữ luật sư đầu tiên ở quốc gia này và bà được nhiều người biết đến lúc đó như là một người hòa giải, đối thoại và là người tranh đấu quyền bình đẳng cho phụ nữ. Bà đã viết nhiều sách và báo về Phật giáo trong những thập niên 1940 và 1950. Quyển sách nổi tiếng nhất của bà là "Những dấu chân của Đức Phật Cồ Đàm" (Footprints of Gautama Buddha), xuất bản năm 1951, đến nay sách vẫn còn tái bản. Bà đã đi diễn thuyết Phật pháp nhiều nơi ở Úc cũng như thường nói chuyện trên đài phát thanh ở Sydney. Điểm đặc biệt, trong khuôn viên nhà bà ở Sydney, một thời từng là địa điểm tu học cho các khóa tu ngắn ngày. Bà đã lập một thư viện Phật giáo với hàng ngàn Kinh sách cho Phật tử Úc đọc.

Năm 1952, một nữ tu Phật giáo đầu tiên viếng thăm Úc, đó là Ni sư Dhammadinna( 1881-1967), người Mỹ. Sau ba mươi năm tu học tại Tích Lan, bà được Tiến sĩ Malasekera (vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên Hữu Phật giáo thế giới) mời đến Úc để hoằng pháp. Mặc dù đã 70 tuổi, Ni sư đã đi thuyết giảng nhiều nơi trên khắp nước Úc. Mười một tháng hoằng pháp của Ni sư tại Úc đã làm niềm tin Chánh pháp của tín đồ tại xứ sở này gia tăng không kể xiết

Đến năm 1953, Hội Phật Giáo NSW ( Buddhist Society of New South Wales) ra đời do ông Leo Berkeley, một thương gia người Sydney lãnh đạo. Hội đặt trụ sở tại Sydney, nhưng có chi nhánh ở Melbourne, Queensland và Tasmania. Kết hợp với với Hội này, bà Natasha Jackson, một người Úc gốc Nga, là đệ tử của Ni sư Dhammadinna, đã cho xuất bản Nguyệt san Metta (Từ Bi), là tiếng nói của Phật giáo Úc từ năm 1955 đến năm 1971. Sau đó tờ báo này được đổi tên là "Buddhism Today" (Đạo Phật ngày nay), đây là tờ báo có tuổi đời lâu nhất của Phật giáo Úc. Hiện nay Hội này hoạt động đều đặn, do ông Graeme Lyall ( là một trong những đệ tử trẻ tuổi của ni sư Dhammadinna) làm Hội trưởng. Hội đã tổ chức thời khóa tu học hàng tuần và có mở một Webpage ( địa chỉ: http://www.zip.com.au/~lyallg/ để phổ biến giáo lý Phật Đà.

Năm 1953, Hội Phật giáo Queensland và Hội Phật giáo Victoria ra đời. Đến đầu thập niên 1960, Phật giáo Nam truyền phát triển mạnh và tập trung ở Sydney. trong khi ở Melbourne, Phật giáo Bắc Truyền bắt đầu cắm rễ nhờ công của Thiền sư Tuyên Hóa, người Hoa ( năm 1962, Ngài đến hoằng Pháp ở Hoa Kỳ). Đặc biệt là Phật Giáo Thiền của Nhật Bản, do nỗ lực hoằng Pháp của Hội Phật Giáo Thiền Tào Động ( The Soto Zen Buddhist Society) . Dòng Thiền này đã phát triển mạnh và gây ảnh hưởng lớn ở những tiểu bang khác tại Úc. Năm 1972, Hội Phật Giáo Hoa Tông ở Úc ra đời tại Sydney do thương gia Eric Liao lãnh đạo, người đến Úc từ năm 1961.

Năm 1974, giáo sư Jayasuriya cùng một số đạo hữu thành lập Hội Phật Giáo Tây Úc (Buddhist Society of Western Australia) tại thành phố Perth, bang Tây Úc. Ông Jayasuriya là người Tích Lan và là giáo sư Tâm Lý Học tại Ðại học Tây Úc. Thành viên đầu tiên của Hội này gồm một số người Úc, người Hoa và người Thái Lan theo truyền thống Theravada. Năm 1981, Hội đã cung thỉnh hai vị sư người Úc là đại đức Jagaro và đại đức Purisso, về hoằng pháp từ Thái Lan. Nhờ sự xuất hiện của hai vị tăng sĩ này mà nhiều người Úc đã phát tâm hướng về đạo. Sự lớn mạnh đã đưa Hội đến quyết định mua một thửa đất rừng, rộng khoảng 40 hécta trong huyện Serpentine, 70 km về phía nam thành phố Perth, để xây dựng Tu viện Bodhinyana (Giác Minh) vào năm 1983. Do nhu cầu tu học ngày càng đông của người bản xứ, đến năm 1987, Hội lại xây dựng tiếp một Trung tâm Phật Giáo tại thành phố Perth, lấy tên là Trung Tâm Dhammaloka (Pháp Quang), rộng khoảng 5000 mét vuông, bao gồm trụ sở văn phòng, thư viện, nhà khách, hội trường, và một điện Phật rộng lớn để hành lễ, tụng kinh, thuyết pháp và hành thiền. Hiện tại, Hội Phật giáoTây Úc, được xem là một trong những Hội Phật giáo tại Úc phát triển và hoạt động hoằng pháp đều đặn. Tăng đoàn tại Tu viện Bodhinyana hiện gồm có 20 vị tỳ kheo. Thêm vào đó, vào năm 1998, hội cũng có mua một thửa đất rừng khác, rộng khoảng 240 hecta, để xúc tiến thành lập Ni viện Dhammasara (Pháp Chất) do Sư cô Vayama, người Úc, trụ trì. Hội do Thượng tọa Ajahn Brahmavamso, người gốc Anh, lãnh đạo tinh thần. Hội trưởng trong nhiệm kỳ 1998-1999 là một người Việt, đó là Tiến sĩ Bình Anson, một người đã định cư tại Úc hơn hai mươi năm qua. Ông đã tham gia sinh hoạt với Hội này từ khi mới đặt chân đến Úc. Ông cũng là người chủ trương trang web Phật Giáo BuddhaSasana (tiếng Việt và tiếng Anh), thành lập từ năm 1996, để phổ biến giáo lý Phật Đà. Địa chỉ truy cập là: http://www.buddhanet.net/budsashttp://www.budsas.org.

Thập niên 1970 là giai đoạn chuyển mình và phát triển của Phật giáo Úc, đặc biệt là giới trẻ tìm về với Phật giáo. Trong khoảng thời gian này, ước lượng có trên 300 người Úc tham gia các khóa tu ở Ấn Độ và Népal do Thượng tọa Thubten Yeshe và Thượng tọa Zopa Rinpoche hướng dẫn. Và có hơn 200 người Úc đến tu học tại Thái Lan, Miến Điện và Tích Lan. Một số ít trong nhóm này về sau đã xuất gia, ông Paul Boston đạo hiệu là S. Dhammika, xuất gia theo Phật giáo Tích Lan và đã trở thành một Tăng sĩ người Úc nổi tiếng hiện nay, ông đã viết rất nhiều sách và đi giảng nhiều nơi ở Úc. Một vị tăng sĩ người Anh khác, Thượng tọa Pannyavaro, hiện được xem là một người tiền phong trong phong trào truyền bá lời Phật dạy qua hệ thống Internet. Ngài từng đến tu học tại Tích Lan,Thái Lan và Miến Điện. Đầu năm 1992, ngài sang Australia và bắt đầu mở một Thiền đường tại thành phố Sydney để dạy Thiền cho người Úc. Để cập nhật hóa với những phát triển của ngành tin học hiện đại, TT. Pannayavaro đã mở một tờ báo Phật giáo điện tử (địa chỉ: http://www.buddhanet.net), để truyền bá lời Phật dạy, một phương tiện hoằng Pháp nhanh và thu hút rất nhiều độc giả đến với Phật giáo, theo ước tính có gần 10.000 người trên khắp thế giới vào xem mỗi ngày.

Cũng trong thời gian những năm cuối thập niên 1970, một số lớn di dân và người tị nạn đến từ châu Á và phần lớn họ đều là Phật tử, đó là lý do ra đời hàng loạt tự viện ở Úc. ĐĐ Somaloka, một Tăng sĩ đến từ Tích Lan năm 1971, ông cùng với Hội Phật Giáo NSW tiến hành xây dựng một ngôi chùa ở Blue Mountain thuộc phía Tây tiểu bang Sydney. Năm 1973, Thượng tọa Phra Khantipalo, một Tăng sĩ người Anh đến Sydney từ Thái Lan, ông cùng Phật tử địa phương xây dựng chùa Buddharangssee... Năm 1978, một Sư cô người Đức, Ayya Khema, thành lập chùa Budhha Dharma ở phía Bắc Sydney. Hình thức ngôi chùa này giống như một Trung tâm hành thiền hay một trại tu dưỡng hơn là ngôi chùa.

Đến năm 1979, Trung tâm Thảo luận Phật học (Buddhist Discussion Center) ra đời tại Upwey, tiểu bang Melbourne, do giáo sư người Úc John. D. Hughes sáng lập và làm Hội trưởng. Đây là một tổ chức của một số lớn trí thức Úc muốn nghiên cứu Phật pháp và tu Thiền theo hướng kết hợp theo cả hai truyền thống Nam và Bắc truyền. Hội này cũng cho xuất bản một tờ báo phát hành hàng tháng cho Phật tử Úc đọc. Đến nay tổ chức này vẫn hoạt động mạnh. Cuối năm 1998, Hội này đã mở một Webpage để phổ biến chủ trương và sinh hoạt của Hội cũng như giáo lý. Địa chỉ vào xem làhttp://www.bdcu.org.au .

Đầu năm 1980, nhiều Hội Phật khác như Hội Phật Giáo Lãnh Thổ Miền Bắc ở tiểu bang Darwin, Hội Phật Giáo Tasmania, Hội Phật Giáo Người Hoa, Hội Phật giáo Tây Tạng… được thành lập và có nhiều hoạt động hoằng Pháp mạnh mẽ để đưa Chánh Pháp đi vào cuộc đời.

Trong hai thập niên1980 và 1990, với chính sách đa văn hóa của chính phủ Úc, nên nhiều sắc tộc khác như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Hoa, Tây Tạng... đến định cư tại Úc và Phật giáo vào thời điểm này phát triển mạnh nhất trong lịch sử của Phật giáo Úc. Trong đó, đáng kể nhất là Phật giáo Việt Nam, Trung Hoa,Tây Tạng, Lào, Campuchia, Thái Lan, Tích Lan…Riêng Phật giáo Tích Lan, hiện nay có khoảng 150.000 người Srilanka định cư tại ÚC, có khoảng 15 ngôi chùa và 12 Tăng sĩ trên toàn Úc châu, đáng chú ý là Thượng Tọa Kott Santhindriya, viện chủ Thiện Viện Daham Niketanaya ( Melbourne), có công lớn trong việc phát triển Phật giáo Therevada ở Úc. Năm 1997, Thượng tọa cũng đã mở một Webpage (http:techno.net.au/daham) để truyền bá giáo lý. Đặc biệt , Phật giáo Úc châu đã thật sự chuyển mình và dân chúng Úc càng chú ý và nghiên cứu học hỏi giáo lý nhà Phật nhiều hơn qua ba lần (1982, 1992 và 1996) viếng thăm nước Úc của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, nhà lãnh đạo thế quyền và giáo quyền của dân tộc Tây Tạng. Theo chương trình trù liệu , Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ ghé thăm và thuyết pháp tại Úc châu vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm 2002.

* PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI ÚC :

Người Việt tị nạn đến tại Úc vào những năm cuối thập niên 1970, tính đến nay có khoảng 200 ngàn người Việt định cư tại xứ sở này. Có khoảng 12 tờ tuần báo, 10 chương trình phát thanh tiếng Việt, và 2 chương trình truyền hình tiếng Việt để phục vụ cho cộng đồng. Về tình hình Phật Giáo Việt Nam thì có bốn Giáo hội khác nhau có mặt tại Úc, bao gồm Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn Thế Giới (chi nhánh của HT.Thích Huyền Vi, Pháp quốc); Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới (chi nhánh của HT.Thích Tâm Châu, Canada); Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất sĩ (chi nhánh của HT. Giác Nhiên, Hoa Kỳ); đặc biệt là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, thành lập vào năm 1981 do công của HT. Thích Phước Huệ, HT. Thích Huyền Tôn, HT. Thích Như Huệ và TT. Thích Bảo Lạc, là những Tăng sĩ VN đầu tiên định cư tại Úc Châu.

Giáo Hội này đã trải qua nhiều thăng trầm, lúc thịnh lúc suy và hoạt động trong vòng 15 năm trong mục đích thiết lập nền tảng và phát triển Chánh Pháp tại xứ sở Nam bán cầu này. Những tưởng Giáo Hội vẫn hòa hợp để làm việc, nhưng đến tháng 12 năm 1995, thì do lủng củng nội bộ nên Giáo Hội đã ngưng hoạt động. Đến tháng 9 năm 1999, phần lớn chư Tôn đức của Giáo hội này đã tổ chức Đại Hội khoáng đại tại Chùa Pháp Bảo, tiểu bang New South Wales, để phục hoạt lại Giáo Hội sau ba năm ngưng trệ. Đại hội đã tổ chức trong ba ngày mùng 10, 11 và 12 tháng 9 năm 1999, quy tụ đa số Tăng Ni, Phật tử VN và hơn 23 tự viện khắp Úc châu và Tân Tây Lan đồng về tham dự. Đại Hội đã nhất trí đổi danh xưng của Giáo Hội mới là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan. Theo các giới quan sát thì đại hội đã thành công viên mãn với sự ủng hộ nồng nhiệt của mọi giới đồng hương Phật tử tại Úc và Tân Tây Lan. Hy vọng rằng Giáo Hội mới này sẽ có những hoạt động thiết thực để đóng góp cho Đạo Pháp, dân tộc và hòa bình của thế giới. (Muốn biết thêm chi tiết về Giáo Hội này xin độc giả vào xem trang nhà tại địa chỉ: www.phatgiaoucchau.com)

Nhìn chung, Phật Giáo Việt Nam đang từng bước hòa nhập và phát triển tại Úc. Tính đến nay, có khoảng 70 Tăng Ni người Việt và trên 30 tự viện Việt Nam trên khắp Úc Châu và Tân Tây Lan. Theo cái nhìn của người bản xứ là Phật Giáo Việt Nam rất khác biệt và phong phú hơn so với các Hội Phật Giáo sắc tộc khác có mặt tại Úc. Đó là sự hòa hợp độc đáo giữa ba tông phái khác nhau là Mahayana, Theravada và Khất sĩ, cũng như Thiền tông và Tịnh Độ tông. Một nét đặc thù khác của Phật Giáo Việt Nam tại Úc, là mỗi chùa đều có tổ chức Gia đình Phật tử, (hiện có 13 GĐPT, và khoảng 1000 huynh trưởng và đoàn sinh trên khắp nước Úc) và mở Trường Bồ Đề dạy Việt ngữ, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam sanh tại Úc biết rõ và duy trì ngôn ngữ và nền văn hóa của mình.

SỐ LƯỢNG TỰ VIỆN, TĂNG NI VÀ PHẬT TỬ TẠI ÚC :

Về Tự viện, Tịnh Thất, Niệm Phật Đường tại Úc hiện có trên 250 ngôi, trong đó Phật giáo Bắc truyền có 100 chùa, Phật giáo Nam truyền có 59 chùa, Phật giáo Tây Tạng có 37 chùa, Phật giáo Úc và các tông phái khác có 34 chùa.

Về Tăng Ni, thật khó mà biết con số chính xác về số lượng Tăng Ni hiện nay ở Úc là bao nhiêu, nhưng theo thống kê sơ bộ gần đây của Bộ Di Trú Úc cho biết hiện có khoảng 200 Tăng Ni tại Úc.

Về số lượng tín đồ Phật giáo cũng do Chính phủ Úc thống kê cho biết có khoảng 200.000 Phật tử tại Úc, trong đó phần lớn là người Việt Nam, Mã Lai, Cam Bốt, Lào, Trung Hoa, Tích Lan, Nhật Bản, Singapore, Miến Điện...

ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG VĂN HỌC VÀ NGHỆ THUẬT TẠI ÚC :

Có một số thi sĩ và họa sĩ người Úc đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng và triết lý đạo Phật. Đó là các họa sĩ Godfrey Miller, Ian Fairweather, John Olsen, Brett Whiteley và Margaret Preston và các thi sĩ như Harold Stewart, Max Dunn, Colin Johnson và Robert Gray, các vị này đã có những tác phẩm chịu nhiều ảnh hưởng Phật giáo, đặc biệt là tư tưởng Thiền. Cũng có một số khác vừa làm thơ vừa vẽ tranh như Les Oaten, một người từng đến tu Thiền ở Nhật Bản, và đã cùng với Len Henderson thành lập một Hội Phật Giáo ở Victoria vào năm 1953. Và hiện nay có Adrian Snodgrass, một giảng viên ở khoa kiến trúc thuộc Đại học Sydney, thơ và tranh của ông cũng ảnh hưởng nhiều về Thiền và Tịnh độ của Phật Giáo. Trong những năm gần đây đã có mhiều tác phẩm nghệ thuật của ông được ấn hành.

TƯƠNG LAI CỦA PHẬT GIÁO TẠI ÚC :

Lịch sử Phật Giáo Úc đã trải qua nhiều giai đoạn, từ lúc du nhập cho đến những năm đầu thập niên 1960, Phật giáo tuy không phát triển mạnh nhưng vẫn được duy trì trong các cộng đồng của người Á lẫn người Âu châu. Nhưng với sự gia tăng của làn sóng người di dân đến Úc từ các quốc gia Á châu vào những năm 79 và 80 của thế kỷ này, Phật giáo Úc đã lật qua một trang sử mới và phát triển rất nhanh. Số lượng tín đồ Phật giáo Úc đứng ở hàng thứ ba sau Ky Tô Giáo và Hồi Giáo.

Trong thực tế, sự có mặt của Phật giáo tại xã hội Úc là điều cần thiết. Các nhà xã hội học cho rằng hầu hết giới trẻ từ các gia đình theo Phật giáo đều có nền tảng về đời sống tâm linh và ít phạm pháp. Do đó, rất cần thiết để lập một chương trình giáo dục Phật giáo cho các cộng đồng sắc tộc tại Úc. Đành rằng, giáo dục tôn giáo là nhiệm vụ của nền giáo dục phổ cập của quốc gia. Tuy nhiên sự hướng dẫn đời sống văn hóa và đạo đức này sẽ tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ nếu các tổ chức Phật giáo đứng ra đảm trách.

Số lượng người Úc ngày càng nhiều trở về với Phật giáo, đây là một tin vui. Tuy nhiên, họ đã gặp khó khăn trong việc học hỏi và thực hành giáo lý nhà Phật, do bất đồng về ngôn ngữ và va chạm hàng rào văn hóa giữa các sắc tộc. Do vậy, các hội đoàn Phật giáo tại Úc, nhất là của người Úc phải chủ động phối hợp với các hội đoàn Phật giáo thuộc các sắc tộc khác để cùng nhau giải quyết những khó khăn, bế tắc trong quá trình truyền bá. Đó là nỗi trăn trở không phải của riêng ai, mà chính các nhà lãnh đạo Phật giáo Úc phải suy nghĩ, phải tìm cách để phát huy và truyền bá lời Phật dạy rộng rãi cho các cộng đồng khác nhiều hơn là chỉ khu biệt trong nội bộ sắc tộc của mình./.

Tổng hợp từ các tài liệu:

- Paul Croucher, A Buddhism in Australia 1048-1988,NSW, 1989
- Kerry Trembath, Newsletter of Buddhist Council of NSW, 11/1996
- Enid Adam & H.Philip, The Buddhists in Australia, Canberra, 1996
- Exploring Religion, Exford University Press, NSW, Australia, 1998
- SBS World Guide, the complete fact file on every country, Vic. 1999
- Quang Duc webiste (http://www.quangduc.com), Vic. 12/2000


Đại Hội Khoáng Đại Kỳ IV
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại
tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan

tổ chức tại Chùa Pháp Hoa, Adelaide
thành công viên mãn

logo

Phật Giáo đã truyền thừa từ 26 thế kỷ qua, được như vậy là do Tăng Già hoà hợp, và do các Giáo Hội duy trì được bản thể thanh tịnh, trang nghiêm qua sự bền gan dũng chí của hàng đệ tử xuất gia, dâng trọn cuộc đời cho công cuộc hoằng dương Phật Pháp, cùng với sự hộ trì Chánh Pháp của hàng đệ tử tại gia. Trải qua 2 phiên họp định kỳ và thường niên của Hội Đồng Điều Hành nhân Khóa An Cư Kiết Hạ kỳ 11 tại Trường hạ Minh Quang, Khóa Tu Học Phật Pháp kỳ 10, cũng vì tâm nguyện chia sẻ những hoạt động của Giáo Hội, vì dấn thân cho bánh xe pháp vận chuyển và hành hoạt của Giáo Hội nói chung, chư Tăng Ni Phật tử Chùa Pháp Hoa đã không quản ngại, xin phát nguyện đứng ra nhận lãnh trách nhiệm tổ chức Đại Hội Kỳ IV này, cùng lúc tổ chức lễ đặt đá xây dựng Bảo Tháp Tam Bảo, do vậy Đại Hội Khoáng Đại Kỳ IV của Giáo Hội đã được triệu tập tại Chùa Pháp Hoa, vùng Pennington, thành phố Adelaide, Nam Úc, trong 3 ngày 17, 18 và 19 tháng ba năm 2011.

Đại Hội kỳ này quy tụ 47 Đại biểu của 24 Tu viện, Tự viện, Tịnh xá, Niệm Phật Đường, đoàn thể Cư sĩ Phật tử từ NSW, VIC, QLD, SA, WA, ACT tại Úc Đại Lợi và Auckland, Tân Tây Lan. Tiền Hội Nghị đã diễn ra vào lúc 7 giờ 30 tối thứ năm 17/3/2011 để chuẩn bị cho các thủ tục chính thức đi vào nghị trình Đại Hội. Trước đó, các phiên họp của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương (buổi sáng) và Hội Đồng Tăng Ni (chiều) thực hiện trách nhiệm mà Hiến Chế quy định để củng cố, bổ sung, cung thỉnh các thành viên HĐGPTU và thỉnh cử các thành viên nòng cốt của HĐĐH, để sẽ được thông qua trước Khoáng Đại.

Đúng 10 giờ sáng ngày thứ sáu, 18/03/2011, lễ Khai mạc Đại Hội được long trọng cử hành. Về chứng minh Đại lễ có sự hiện diện của HT Thích Huyền Tôn, HT Thích Như Huệ, HT Thích Bảo Lạc, TT Quảng Ba, TT Trường Sanh, TT Nhật Tân, TT Tịnh Đạo, TT Tâm Phương, TT Thiện Hiền, TT Phổ Hương, TT Nguyên Tạng, ĐĐ Giác Tín, ĐĐ Viên Trí, ĐĐ Viên Tịnh, ĐĐ Nhuận Chơn, ĐĐ Thông Hiếu, ĐĐ Viên Thành, ĐĐ Viên Từ, ĐĐ Minh Hội, Ni Trưởng Phước Trí, Ni Trưởng Chơn Đạo, Ni Sư Tâm Lạc, Ni Sư Như Tuyết, Ni Sư Chân Kim, SC Viên Thông, SC Đạo Hương, SC Hạnh Nguyên... Về chư tôn đức ngoài Úc Châu về chứng minh lễ khai mạc đại hội có HT Thích Thông Hải, TT Thích Minh Dung, đại diện Giáo Hội PGVNTN Hoa Kỳ; về phìa quan khách Úc có Ngài Toàn Quyền Tiểu Bang Nam Úc Kevin Scarce, Thượng Nghĩ Sĩ Liên Bang Đảng Tự Do ông Simon Birmingham, ông Đoàn Công Chánh Phúc Lộc, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc, nhiều đại diện truyền thông và các Đoàn thể, cùng năm mươi đồng hương Phật tử xa gần về tham dự lễ.

quangduc-02
Toàn cảnh lễ khai mạc đại hội

Theo sau lễ chào Quốc kỳ Úc, Việt và Phật Giáo, một phút nhập từ bi quán tưởng nhớ đến các vị tiền bối hữu công, những vị anh hùng đã hy sinh vì lý tưởng tự do, đặc biệt cầu nguyện cho nạn nhân thiên tai bão lụt tại 2 tiểu bang Victoria và Queensland, Úc, nạn nhân động đất ở Christchurch, Tân Tây Lan và nạn nhân sóng thần và động đất ở Sendai, Nhật Bản; là lời chào mừng Đại Hội của Đại Đức Thích Viên Trí, Trụ Trì Chùa Pháp Hoa kiêm Phó Ban Tổ Chức Đại Hội. Đại Đức đã ngỏ lời cám ơn chư tôn đức Tăng Ni và Quý đồng hương Phật tử đã về tham dự Đại Hội. Đại Đức chia xẻ ý tưởng về Đại hội: 30 năm Phật Giáo Úc Châu không ngừng đem Đạo vào đời. 3 nhiệm kỳ 12 năm, Phật Giáo Úc Châu vẫn một mực theo đuổi con đường ấy. Gần nhất, trong mấy tháng vừa qua, hai quốc gia Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan bị thiên tai nặng nề, Giáo Hội chúng tôi trong khả năng và trọng trách, một mặt cầu nguyện cho các nạn nhân, một mặt vận động lạc quyên cứu trợ để phần nào tái tạo lại những hư hao đổ nát, và còn kia trận động đất sóng thần kinh hoàng vừa mới xảy ra tại Nhật Bản, gây chết chóc tang thương, chúng ta hãy cùng góp phần cầu nguyện và chia sẻ. Đại Hội Kỳ 4, Chùa Pháp Hoa Nam Úc được Giáo Hội trao trọng trách đứng ra tổ chức, để mở ra nhiệm kỳ kế tiếp 4 năm, tiếp tục duy trì, phát triển, hành hoạt theo diễn tiến ấy. Thật là hân hạnh cho Phật tử, Đồng hương Nam Úc, mà cũng thật là nặng nề cho Ban Tổ Chức và Bổn tự chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi hết sức tận tâm tận lực, tất cả đều vì Phật Giáo Úc Châu, sao cho Đại Hội được tốt đẹp, sao cho Đại Hội được thành tựu. Tốt đẹp một cách vẹn toàn, thành tựu một cách viên mãn”.

Từ Thủ Đô Canberra, Thủ Tướng Julia Gillard đã gởi thư chúc mừng Đại hội, thư có đoạn viết " Được xem là một quốc gia đa văn hóa, Úc Đại Lợi đã và đang giàu có hơn nữa bởi những đóng góp của những ai xem xứ sở này là quê hương của mình, trong đó có Giáo Hội PG VNTN Hải Ngoại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan và thành viên trực thuộc của quý vị. Chúng ta đang chia sẻ với nhau về giá trị tinh thần bao dung, niềm an lạc nội tâm, nên hòa bình và sự kết hợp hài hòa, đã phản ánh rất nhiều trong đời sống của chúng ta. Và đó cũng là những nỗ lực mà Giáo Hội quý vị, mọi người dân Úc, và đất nước chúng ta đang cố gắng tiếp tục phát triển. Thay mặt chính quyền lien bang Úc, tôi xin gởi lời chúc tốt đẹp nhất đến với GHPGVNTN Hải Ngoại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan và cầu chúc Đại Hội Khoáng Đại Kỳ 4 của quý vị thành tựu viên mãn".

Toàn Quyền Tiểu Bang Nam Úc, Ngài Kevin Scarce đã đến tham dự và có lời chúc mừng đại hội qua lời thông dịch của TT Thích Quảng Ba: "Hôm nay tôi đặc biệt vui mừng có cơ hội để mở rộng kiến ​​thức của mình về Phật Giáo tại Úc Châu (...) Tôi được biết các cộng đồng Phật giáo tại Úc đã lớn mạnh rất nhiều trong những năm gần đây. Cuộc điều tra dân số Úc năm 1981 cho biết có 80.000 Phật tử nhưng đến năm 2006, con số này được ghi nhận là 420.000 Phật tử trên toàn liên bang Úc. Nhiều bạn đã đến với nước Úc như những người tị nạn từ Việt Nam. Bạn đã được chấp nhận vào cộng đồng của chúng tôi như những người yêu chuộng hòa bình. (...) Chúng tôi cảm ơn các bạn vì những gì mà các bạn đã đóng góp cho xứ sở này (...). Chúng ta hãy dành một phút tưởng niệm cho những dân bị thiên tai động đất ở New Zealand và Nhật Bản. Hôm nay là một ngày thanh bình tại Adelaide, tôi xin chúc Đại Hội của quý vị thành tựu viên mãn".

Từ tiểu bang Victoria, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu, ông Nguyễn Thế Phong đã gởi thư chúc mừng Đại Hội (qua lời tuyên đọc của ông Đoàn Công Chánh Phú Lộc, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc):Thay mặt cho Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu, chúng tôi xin kính chúc Đại Hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Châu và Tân Tây Lan thành công tốt đẹp. Đại Hội của Giáo Hội diễn ra trong thời điểm mà tình hình chánh trị và các phong trào nổi dậy chống các lãnh tụ và chánh quyền độc tài tại Bắc Phi và Trung Đông đang bùng lên khắp nơi, và các trận thiên tai khủng khiếp đang xãy ra cho nhơn loại từ Queensland- Úc Châu cho đến Christchurch – Tân Tây Lan và Tokyo- Nhật Bản. Những biến cố này nhắc nhỡ cho chúng ta sự bất lực và nhỏ bé của con người trước sức tàn phá của thiên nhiên và hệ quả tất yếu phải xãy ra cho các nhà độc tài và chánh quyền độc tài trước sức mạnh của quần chúng…”.

Từ Montreal, Canada, HT Thích Tâm Châu, Thượng Thủ Giáo Hội PGVN Trên Thế Giới đã gởi thư chúc mừng Đại Hội: “ Bước vào Đại Hội kỳ 4, tất cả chúng ta đều thấy, nay là thời kỳ mạt pháp, ý niệm “đấu tranh kiên cố” đã rõ rệt. Chúng ta không thể dùng đấu tranh để diệt đấu tranh. Chúng ta chỉ có thể tôi luyện tinh thần từ bi, hỷ xả kiên cố, để đoàn kết, để xây dựng, để cải tiến Giáo Hội. Chúng ta một lòng giữ tâm đoàn kết kiên cố trong sự nghiệp tu niệm, truyền bá và hành thiện, chắc chắn sẽ dần chuyển chúng ta và tổ chức của Giáo Hội chúng ta đi đến chỗ tốt đẹp. Từ xa không thể về dự Đại hội được, chúng tôi xin đại hội hỷ xả, và xin cầu chúc Đại Hội thành công tốt đẹp”.

Từ California, Hoa Kỳ, HT Thích Thắng Hoan, Chánh Thư Ký Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTN Hoa Kỳ đã gởi thư chúc mừng: “ Thay mặt Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVN Thống Nhất Hoa Kỳ, kính đảnh lễ vấn an Hòa Thượng cùng chư Tôn Giáo Phẩm, quý đại biểu GHPGVNTN Hải Ngoại UĐL-TTL, nguyện cầu chư Phật, chư Lịch Đại Tổ Sư gia hộ cho Đại Hội Khoáng Đại nhiệm kỳ 4 vào các ngày 17, 18 và 19 tháng 3 năm 2011, được thành công viên mãn. Tuy Mỹ Quốc và Châu Lục Úc cách xa ngàn dặm, nhưng tình pháp lữ Linh Sơn, Quê hương, Thầy Tổ và những thách đố nơi hải ngoại này đã làm cho chúng ta khắn khít hơn bao giờ hết. Giáo Hội Hoa Kỳ nguyện sát cánh cùng Giáo Hội Úc-Tân Tây Lan để đứng vững, để vượt qua, và để quang huy cho PGVN tại Hải Ngoại. Sức mạnh của Giáo Hội là sự khoan dung, là tính kiên nhẫn, là sự trong sáng, và lòng nhiệt tình của các thành viên. Giáo Hội Úc-Tân Tây Lan bước trong sức mạnh ấy của 3 nhiệm kỳ qua (…). Giáo Hội Úc-Tân Tây Lan đã bình tĩnh trước những thách đố dồn dập trong những năm qua. Chính nó và vì nó, các Giáo Hội chúng ta xiết chặt tay hơn và kiên định con đường thượng cầu Phật đạo hạ hóa quần sanh, đặc biệt gìn giữ nền PGVN tại xứ người”.

Từ Paris, Pháp Quốc, HT Thích Minh Tâm, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu, đã gởi thư chúc mừng Đại Hội: “Mặc dầu không đủ nhân duyên đi dự kỳ này, chúng tôi cũng xin gởi lời cầu nguyện, chúc mừng Đại Hội thành công viên mãn đúng như ước nguyện chung của toàn thể Tăng Ni và Phật tử Việt Nam tại Úc Châu.Về phần chúng tôi, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt Âu Châu, lúc nào cũng coi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt Hải ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan là Giáo Hội tiên phong, vững chắc trong chí hướng cũng như hành động. Bởi vậy Đại Hội lần này, chúng tôi kỳ vọng kết quả sẽ rực rỡ hơn. Nhất là nhiệm kỳ sắp tới, Giáo Hội Úc Châu còn đảm nhận thêm vai trò "Chánh Văn Phòng Điều Hợp" 4 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở các Châu lục tại Hải ngoại. Ngưỡng cầu Hồng ân Tam Bảo chứng minh, Lịch Đại Tổ Sư, chư Thánh Tử Đạo luôn luôn hộ trì cho Hòa Thượng Hội Chủ và chư Tôn Đức pháp thể khinh an, huệ đăng thường chiếu và Đại Hội kết quả tròn đầy”.

Từ Canada, TT Thích Bổn Đạt, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hải Ngoại Canada, đã gởi thư chúc mừng Đại Hội: “ Được biết GHPGVNTNHN tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan sẽ tổ chức Đại Hội Khoáng Đại kỳ IV tại Chùa Pháp Hoa, Pennington, vào các ngày 17, 18 và 19 tháng 3 năm 2011, để báo cáo Phật sự trong 4 năm qua, tu chính Hiến Chế và bầu lại thành phần lãnh đạo mới của Giáo Hội trong nhiệm kỳ tới. Qua các mục tiêu nói trên, chúng con biết đây là một đại hội quan trọng để quý ngài trao đổi, học hỏi và rút kinh nghiệm hầu củng cố nhân sự của Giáo Hội, cũng như điều chỉnh một số điểm trong Hiến Chế nhằm thích nghi với thời đại và con đường tương lai rộng mở của nền Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại. Không những thế, Hòa Thượng Hội Chủ GHPGVNTNHN tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan hiện đương nhiệm vai trò Chánh Văn Phòng Văn Phòng Điều Hợp GHPGVNTN Liên Châu (nhiệm kỳ 2011-2013), hẳn nhiên Ngài và chư tôn đức đại biểu Đại Hội sẽ có những sáng kiến và dự án khả thi ngõ hầu đẩy mạnh sinh hoạt chung hòa hợp, nhịp nhàng và hữu hiệu, của các Giáo hội liên châu lục và quốc gia. Với tầm quan trọng như thế, bản thân chúng con, Tỳ kheo Thích Bổn Đạt, sẽ cố gắng thu xếp tham dự để yểm trợ tinh thần Đại Hội; nhưng với văn thư này, chúng con xin thay mặt chư tôn đức và cư sĩ thành viên GHPGVNTN Hải Ngoại tại Canada, thành kính chia sẻ những khó khăn, chướng nạn của GHPGVNTNHN tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan trong những năm qua; tán thán công đức hành trì và sự tận tâm phụng sự của quý Ngài đối với tiền đồ chung của Phật Pháp; đồng thời nhất tâm cầu chúc Đại Hội thành công viên mãn”.

Tiếp đó là Đạo Từ của Hòa Thượng Hội Chủ Thích Như Huệ. HT đã ngỏ lời tri ân và cảm niệm công đức của tất cả chư tôn đức Tăng Ni từ những ngày đầu thành lập Giáo Hội. Quý Thầy, quý Sư cô đã hy sinh đóng góp tài năng sức lực cũng như quý Phật tử, giới trí thức đã và đang tinh cần tu tập, nỗ lực góp phần cùng Giáo Hội hoằng dương Phật Pháp trong 3 nhiệm kỳ qua. Cuối cùng HT Hội Chủ có lời chúc nguyện “Cầu chúc Chư Tôn Đức Tăng Ni pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ, xiển dương chánh pháp, cứu độ quần sanh. Chúng tôi trân trọng cảm ơn và kính chúc Chính phủ, Nhân dân Úc Đại Lợi mãi mãi là một quốc gia phú cường, một xã hội đa văn hóa khởi sắc. Chúng tôi xin kính chúc quý Tôn giáo, Cộng đồng, Hội đoàn, Đoàn thể cùng tương quan hòa ái tôn trọng nhau. Kính chúc toàn thể Đại biểu, Đồng hương, Phật tử đều được an lành, cùng nỗ lực phụng hiến cho Đạo cho đời ngày càng tốt đẹp”.

Cuối cùng là Giáo từ của HT Thích Huyền Tôn, Hội Đồng Chứng Minh của Giáo Hội, HT tán thán công đức tổ chức đại hội của HT Thích Như Huệ, ĐĐ Thích Viên Trí và Phật tử Chùa Pháp Hoa. HT cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ chính của người xuất gia rằng “ Đại Hội Khoáng Đại Kỳ 4 hôm nay, Phật Giáo Việt Nam tại Úc Châu tiếp tục sứ mạng cao cả và tiếp tục dấn thân hành đạo, đặc biệt dẫn dắt quần sanh rõ biết nhân quả nghiệp báo, bỏ tà quy chánh. Phần nội Tâm không những chỉ tu luyện “tâm pháp” mà cả “sắc pháp”phải song hành quyết chí bước đều trong tiến trình ‘Dọn sạch ba nghiệp, Giữ cácgiới, Nhiếp tam vô lậu học”.

Sau lễ khai mạc, Đại Hội đã tiến hành năm phiên Khoáng đại để lắng nghe báo cáo sinh hoạt Phật sự trong nhiệm kỳ qua và biểu quyết các đề nghị tu chính Hiến Chế và Nội Quy sinh hoạt của Giáo Hội. Đại biểu Đại hội cũng lắng nghe và sôi nổi thảo luận 2 bài tham luận quan trọng của đại hội. HT Thích Bảo Lạc đã trình bày về đề tài “Dấn thân hành đạo và kế hoạch Phật sự nhiệm kỳ 4 năm tới” và Luật sư Phật tử Quảng Tường Lưu Tường Quang (cựu trưởng nhiệm SBS Radio) đã trình bày chủ đề “Vấn đề pháp lý trong hoạt động Giáo Hội, tất cả hai bài tham luận đều nói lên một ước nguyện phát triển tự viện và sinh hoạt của Phật Pháp trên xứ sở này.

Tất cả đại biểu Đại hội đều xác quyết Giáo Hội Hải Ngoại đã lớn mạnh vượt trội sau 12 năm với những thành quả đáng khích lệ, gây được kính trọng trong cộng đồng Việt Nam, xã hội tại Úc nói chung, cũng như từ chính giới Úc. GH hiện có 34 cơ sở Tự Viện hoạt động hài hòa đa dạng trên khắp liên bang. Về lễ nghi truyền thống, hoằng pháp, tu học, vừa có tính tông phong, qui củ thiền môn, vừa thích ứng khế cơ khế lý. Về xã hội từ thiện, xem như thể hiện tính từ bi sẵn có của Đạo Phật, và đồng loạt hưởng ứng nếu có những biến cố trọng đại xảy ra dù ở bất cứ nơi đâu. Khóa An Cư Kiết Hạ, Khóa Tu Học Phật Pháp hằng năm, vẫn được duy trì và ngày càng khởi sắc. GH đã hợp tác chặt chẽ hơn với 3 Văn Phòng Giáo Hội PGVN Thống Nhất ở Hoa Kỳ, Canada và Âu Châu để tiếp tục làm việc và hổ trợ Giáo Hội Mẹ tại quốc nội.

Song song chương trình Đại Hội của Giáo Hội, Ban Tổ Chức cũng dành khoảng thời gian cử hành lễ tưởng niệm Hòa Thượng Bảo An (Bình Định - Việt Nam) viên tịch ngày 24/2/2011 tại Tổ Đình Phổ Bảo – Bình Định; Hòa Thượng Thích Trí Chơn, nhà nghiên cứu kiêm dịch giả và học giả Phật Giáo, viên tịch ngày 14/3/2011 tại chùa Bát Nhã Santa Ana – California – Hoa Kỳ; Giáo sư Phạm Công Thiện PD Nguyên Tánh sanh năm 1941, mất ngày 8/3/2011 tại Houston Texas – Hoa Kỳ, là bộ mặt quen thuộc của sinh viên Khoa học Nhân Văn của Đại Học Vạn Hạnh mà Ông là Khoa Trưởng từ năm 1966-1970.


Buổi lễ tưởng niệm 3 vị do Giáo Hội tổ chức vào giữa trưa thứ bảy 19/3/2011 tại chánh điện chùa Pháp Hoa thật trang nghiêm để cầu nguyện Giác linh nhị vị Hòa Thượng và Giáo sư cao đăng Phật Quốc.

Trong phiên họp khoáng đại cuối cùng, Đại Hội đã tuyển thỉnh và công cử thành phần nhân sự để điều hành công tác Phật sự trong nhiệm kỳ 4 năm của nhiệm kỳ 4 (2011-2015). Giáo Hội có 3 Hội Đồng, Hội Đồng Chứng Minh, Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương và Hội Đồng Điều Hành.

Hội Đồng Chứng Minhlà chư tôn Hòa Thượng được đại hội cung thỉnh để chứng minh về mặt tinh thần và tiêu biểu đạo hạnh trang nghiêm Giáo Hội. Trong nhiệm kỳ nầy Hội Đồng có 4 vị hoan hỷ nhận lời cung thỉnh của Đại Hội trong tôn vị Chứng Minh: Hòa Thượng Thích Tâm Châu (Canada) Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới; Hòa Thượng Thích Thắng Hoan (USA), Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ;Hòa Thượng Thích Huyền Tôn(Australia)Chánh Thư Ký Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại UĐL-TTL; Hòa Thượng Thích Minh Tâm (France), Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành, GHPGVNTN Âu Châu.

Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương có 9 vị, là chư tôn đức từ 25 tăng lạp trở lên, do Hội Đồng Tăng Ni của Giáo Hội suy cử và được Đại Hội Khoáng Đại cung thỉnh. HĐGPTU có trách nhiệm: giám sát, bảo vệ tinh thần thực thi Hiến Chế; duyệt xét, tấn phong, chế tài hàng giáo phẩm Tăng Ni trong Giáo Hội; chuẩn y kết quả các Đại hội của Giáo Hội; chứng minh các kỳ Đại hội, Đại lễ, Đại Giới Đàn; ban hành những quyết nghị ấn định đường hướng hoạt động của Giáo Hội; thành lập và duy trì tư cách pháp nhân của Giáo Hội. Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương nhiệm kỳ 4 (nhiệm kỳ 2011-2015) có các vị như sau:Hòa Thượng Thích Huyền Tôn(Chánh Thư Ký), Hòa Thượng Thích Như Huệ, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Thượng Tọa Thích Trường Sanh, Thượng Tọa Thích Nhật Tân, Thượng Tọa Thích Nguyên Trực, Thượng Tọa Thích Tâm Minh, Thượng Tọa Thích Tâm Phương.

Hội Đồng Điều Hành có trách nhiệm thi hành Hiến Chế và Nội Quy Giáo Hội; đôn đốc, khuyến khích, nâng đỡ Tăng Ni, Phật tử hành đạo, tu tập; thực thi các Quyết nghị của các Đại Hội Giáo Hội; ban Thông điệp vào các dịp đại lễ Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên Đán v.v... Hội Chủ, Tổng Thư Ký và Chánh Thủ Quỹ thay mặt Hội Đồng Điều Hành duy trì chủ quyền, tài khoản, tài sản của Giáo Hội. Hội Đồng Điều Hành của Giáo Hội nhiệm kỳ 2011-2015 được Đại Hội thỉnh cử và công cử, gồm có: Hội chủ: HT Thích Như Huệ; Phó Hội chủ Điều hành: HT Thích Bảo Lạc; Phó Hội chủ Ngoại vụ: TT Thích Quảng Ba; Phó Hội chủ đặc trách Tân Tây Lan: TT Thích Trường Sanh; Tổng Thư ký: TT Thích Nhật Tân; Phó Tổng Thư ký: TT Thích Nguyên Tạng, ĐĐ Thích Giác Tín; Chánh Thủ quỹ: Ni Sư Thích Nữ Như Tuyết, Phó Thủ quỹ: Sư cô Thích Nữ Viên Thông; Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự: HT Thích Bảo Lạc; Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Tăng Sự: TT Thích Tịnh Minh; Vụ Trưởng Vụ Ni Bộ (trực thuộc Tổng Vụ Tăng sự): Ni trưởng Thích Nữ Phước Trí;Vụ Phó Ni Bộ: Ni Trưởng Thích Nữ Chơn Đạo; Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp: TT Thích Trường Sanh; Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Hoằng Pháp: TT Thích Nguyên Tạng,ĐH Lâm Như Tạng; Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Dục: TT Thích Tịnh Đạo; Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Dục: ĐĐ Thích Hạnh Tri, ĐĐ Thích Nhuận Chơn; Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh niên GĐPT: TT Thích Tâm Minh; Tổng Vụ Phó Tổng Vụ TN GĐPT: ĐĐ Giác Tín; ĐĐ Thích Đạo Hiển; Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Từ Thiện Xã hội: TT Thích Tâm Phương; Tổng Vụ Phó Tổng vụ Từ Thiện Xã hội: ĐĐ Thích Viên Trí, Ni Trưởng Thích Nữ Chơn Đạo; Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tài chánh: Ni Sư Thích Nữ Tâm Lạc; Tổng Vụ phó Tổng Vụ Tài chánh: SC Thích Nữ Thành Liên; NS Thích Nữ Chân Kim; Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư sĩ: TT Thích Nguyên Trực; Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Cư sĩ : ĐĐ Thích Thông Hiếu; ĐĐ Thích Đồng Thanh; Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Nghi lễ: TT Thích Thiện Hiền; Tổng Vụ phó Tổng Vụ Nghi lễ: TT Thích Như Định, ĐĐ Thích Nhuận Chơn,ĐĐ Thích Viên Tịnh, ĐĐ Thích Đồng Thanh.

Sau ba ngày làm việc không mỏi mệt, Đại Hội đã giải quyết tất cả những việc cần giải quyết trong hòa hợp và tương kính. Lễ bế mạc đã được diễn ra thật trang nghiêm và cảm động lúc 21 giờ thứ bảy 19-3-2011. Chư Tôn Đức Tăng Ni và Cư sĩ trong Hội Đồng Điều Hành đã làm lễ phát nguyện trước Tam Bảo để nói lên tâm nguyện “thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sanh” của Giáo Hội. Một Nghị Quyết Đại Hội 6 điểm đã được công bố trong giờ lễ bế mạc. Nghị Quyết này đã khẳng định rõ ràng đường hướng của Giáo Hội trong việc kế thừa mạng mạch và phát triển Đạo Pháp trên xứ người. Sáu điểm của Nghị Quyết như sau: 1/ Vận động yểm trợ tinh thần, vật chất đến các nạn nhân thiên tai tại Nhật Bản, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi; 2/ Hợp lực bảo vệ môi trường sinh thái để cứu lấy hành tinh của chúng ta; 3/ Kêu gọi giảm thiểu nhu cầu không cần thiết để góp sức duy trì thiên nhiên tươi đẹp; 4/ Không chấp nhận chế độ độc tài phi nhân cộng sản đang toàn trị tại Việt Nam; 5/ Tiếp tục hợp tác trong công cuộc đòi hỏi tự do tôn giáo, nhân quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước Việt Nam của GHPGVNTN và các Giáo Hội khác tại hải ngoại. 6/ Phát triển công cuộc hoằng pháp tại Úc Đại Lợi để đem lại an lạc cho nhân quần xã hội.

Thế là Đại Hội Khoáng Đại kỳ IV của Giáo Hội đã khép lại, nhưng các đề án hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ 2011-2015 lại mở ra trước mắt, trông chờ những đóng góp thiết thực của Giáo Hội vào xứ sở này. Đức Phật từng dạy thân người khó được, giáo pháp khó gặp. Dòng chảy của đời sống vẫn biến chuyển triền miên trong ba no sáu đường, sự dị đồng nghiệt ngã giữa tâm địa phàm phu và tâm lượng thánh hiền, thế gian ngày càng rơi sâu vào thời kỳ pháp nhược ma cường, thì Phật pháp lại càng khó khăn hơn để thành tựu. Tự tu tự độ đã khó, mà việc độ tận độ tha, phải nói nếu không phát đại bồ đề tâm, Bồ tát nguyện, thì dễ dàng dừng lại, thối lui trước những trở lực, nghịch cảnh. Toàn thể đại biểu đại hội đều tin tưởng vào sự ổn định và phát triển của Giáo Hội trong thời gian tới để viên thành sứ mạng hoằng pháp lợi sinh, báo Phật ân đức.

Hình ảnh và các văn kiện của đại hội đã được phổ biến tại trang nhà của Giáo Hội: www.phatgiaoucchau.comwww.quangduc.com

Phổ Trí (ghi nhanh)

Quang_Duc-content

Tu Viện Quảng Đức
trên đất Úc

Quảng Đức Tự, ngôi Chùa thiêng, Phật hiện anh linh nơi xứ lạ
Vững Đạo Tâm, tu Chánh Pháp, Đạo vàng giải thoát cõi tâm linh

Cách phi trường quốc tế Melbourne 15 phút lái xe, lấy Western Ring Road và exit vào Hume High Way, sau đó quẹo trái từ đường Sydney road, đi vào con đường Lynch thân thương, khách hành hương sẽ nhìn thấy một quần thể kiến trúc nổi bật trong vùng cư dân này, đó là Bảo Tháp Tứ Ân và cổ lầu của chánh điện Tu Viện Quảng Đức, tọa lạc tại số 105 Lynch Road, vùng Fawkner, đây là ngôi Tu Viện Phật Giáo duy nhất trong thành phố Moreland, thuộc vùng Tây Bắc của tiểu bang Victoria. Ngôi Tu Viện do Thượng Tọa Thích Tâm Phương khai sơn từ năm 1990 trên xứ sở Nam Bán Cầu này.

TT Thích Tâm Phương sinh trưởng tại làng Vĩnh Thái, Thành Phố Nha Trang trong một gia đình thâm tín Phật Pháp, Thầy có hai người em ruột cũng xuất gia tu học đó là Sư Cô Thích Nữ Tâm Vân hiện trụ trì Chùa Thiên Long, quận Phú Nhuận, Sàigòn và Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, hiện là Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức.

Thich_Tam_Phuong

TT Thích Tâm Phương
Khai Sơn Tu Viện Quảng Đức

TT Tâm Phương đã phát tâm xuất gia tu học với Hòa Thượng Thích Như Ý tại Tổ Đình Linh Sơn Pháp Bảo, Cầu Dứa, Nha Trang. Thầy đã phát tâm nhập thất tu tịnh và lễ bộ Vạn Phật ròng rã suốt một năm tại Chùa Linh Sơn Pháp Ân, Suối Dầu, Nha Trang, trước khi lên đường vượt biển tìm tự do vào năm 1986. Năm ấy Thầy rời Chùa Pháp Vân, Gia Đình Sàigòn để về tham dự khóa An Cư Kiết Hạ cùng 10 vị Tôn Đức tại Chùa Liên Hoa, Hố Nai, Long Thành như Hòa Thượng Đức Trạch, TT Trí Lực, ĐĐ Tâm Thiện, Sư Cô Hạnh Thân…v.v., nhưng tình hình hộ khẩu tạm trú ngày càng khó khăn, nên mỗi người mỗi ngã phải tìm đường vượt biển tìm tự do. Nhờ sự phát tâm và lo lắng của quý Phật tử thân hữu như gia đình Thiếu Tá Nguyễn Đình Lãng (hiện đang định cư ở Seattle, Hoa Kỳ), gia đình cô Diệu Báu (hiện đang định cư ở Santa Ana, California) và gia đình đệ tử Diệu Yên (hiện đang định cư ở Sydney, Úc Châu) mà Thầy Tâm Phương đã yên tâm lên đường vượt biển. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển Đông, chiếc tàu của Thầy đã được cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cứu vớt và đưa đến Đảo Kuala Lumpur, Malaysia. Thầy đã ở đây một năm, sau đó được định cư tại Úc vào đầu năm 1987 do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Úc bảo lãnh, và Giáo Hội đã cử Thầy về trụ trì Chùa Quang Minh tại vùng Sunshine, Melbourne. Sau ba năm trụ trì và làm việc cho Giáo Hội, vì bệnh duyên, nên Thầy đã xin rời Chùa Quang Minh và ra lập ngôi Tu Viện Quảng Đức tại vùng Broadmeadows vào mùa An Cư năm 1990 tại số 30 Bamburgh St, Vùng Broadmeadows, Melbourne.

Tu Viện Quảng Đức, được đặt tên của một vị Bồ Tát Việt Nam, đó là Bồ tát Thích Quảng Đức, sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, Quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, Người đã vì sự sống còn và tiền đồ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, mà thiêu thân cúng dường để đòi hỏi quyền bình đẳng Tôn Giáo vào thời Pháp nạn năm 1963.

quangduc-03

Ngôi Tu Viện Quảng Đức cách đây 20 năm, được thành lập theo phương cách truyền thống của Phật Giáo VN ở Hải ngoại là “cải gia vi tự”. Sau 5 năm sinh hoạt tại vùng Broadmeadows, Thầy Trụ Trì đã nỗ lực khôi phục lại tín tâm cho hàng Phật tử địa phương, giúp họ từng bước ổn định đời sống tâm linh trên hành trình tỵ nạn tha hương. Tuy nhiên sau một thời gian sinh hoạt, Tu Viện Quảng Đức đã gặp phải khó khăn đối với Hội Đồng Thành Phố địa phương và những người láng giềng bản địa, bắt buộc chùa phải dời đến một địa điểm mới.

TT Tâm Phương, cố Huynh Trưởng Cấp Dũng Nguyễn Đại Bột, Nhà báo Long Quân, anh Võ Đại Sinh, anh Ngọc Thiện Lý, anh Quảng Tịnh Thiều Văn Bình, chị Hồng Hạnh Tú Hoài… là những người đầu tiên đặt chân đến ngôi trường Tiểu học Fawkner với diện tích rộng 8000 mét vuông để tìm hiểu, và cuối cùng đã đi đến quyết định mua với giá $350,000 Úc kim. Chư Tăng Ni và Phật tử ở đây chân thành tri ơn đến ông Thủ Hiến Jeff Kennet và Bộ Giáo Dục của tiểu bang Victoria vào thời điểm đó, đã hoan hỷ chuyển nhượng lại ngôi trường tiểu học cũ kỷ này để làm cơ sở sinh hoạt cho Phật Giáo, và cuối cùng, ngôi trường cũ kỹ Fawkner ngày nào bỗng chốc đã trở thành ngôi phạm vũ Quảng Đức trang nghiêm như chúng ta thấy ngày hôm nay.

Quảng Đức Tự, Dấu chân vàng, Phật Đà ngời ánh đạo
Thuận Duyên Lành, Quy Chánh Pháp, Tăng Chúng Sáng hạnh tu

quangduc-04

Sau nhiều tháng tái tạo, sửa sang, trang trí thành hình một ngôi Tu viện. Ngày 20/11/1997, Tu viện đã tổ chức an vị Phật và Khánh Tạ thật trọng thể và trang nghiêm tại địa điểm mới này. Đến năm 1998, Tu viện đã xây dựng thêm: Hàng rào mặt tiền (dài 90m), Cổng Tam Quan, Tượng đài Quan Âm Lộ Thiên, Vườn Lâm Tỳ Ni, Vườn Lộc Uyển...

Vì Tu viện vốn là một trường học được xây dựng trên 100 năm, tất cả mọi thứ đều xuống cấp, nên buộc lòng phải xây cất điện Phật để đáp ứng nhu cầu tu học cấp bách của Phật tử xa gần dù trong thời điểm khó khăn nhất về kinh tế.

Ngày 10 tháng 12 năm 2000, Tu viện đã tổ chức lễ Đặt Viên Đá đầu tiên để tiến hành công trình xây dựng. Sau ba năm dài kiến thiết, ngôi chánh điện và hội trường sinh hoạt được xây dựng hoàn thành với tổng chi phí là 2 triệu Úc Kim.

Tiếp đó là Đại lễ khánh thành Tu Viện Quảng Đức đã được long trọng tổ chức vào ba ngày 10, 11 và 12 tháng 10 năm 2003, đánh dấu một chặng đường mười ba năm có mặt Tu Viện Quảng Đức trên xứ Úc. Trong dịp lễ đặc biệt này cũng là Đại hội Bất thường Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và lễ suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang lên ngôi vị Đức Đệ Tứ Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước một thính chúng uy nghi, nhiệt thành gồm 134 chư Tôn Đức Tăng Ni và 5.000 Phật tử xa gần cùng về tham dự lễ. Trong dịp lễ khành thành này, Thượng Tọa Tuệ Sỹ từ quê nhà đã gởi tặng Tu Viện câu đối như sau:

Quảng mạc thiên hoang cố lý, nhi phế hưng cạnh tẩu kinh đào, phiến diệp phù nang, quải nạp đằng la thử ngạn.
Đức hành thế khoát tham phương, tỉ triêu lộ hàm huy diệu cảnh, không hoa thủy nguyệt, huyền hà bích lạc thần châu.

Có nghĩa là: Chốn cũ dặm dài man mác, bởi phế hưng xô dậy sóng cồn, chiếc lá thuyền nan, vá áo chép kinh đất khách; Đức tu mấy bước mù xa, tợ sương sớm nắng hồng đọng bóng, hoa trời trăng nước, ngân hà dằng dặc quê cha.

Sau 6 năm tạm ngưng xây dựng, vào mùa Phật Đản năm 2008, TT Trụ Trì Thích Tâm Phương đã phát nguyện xây thêm Tăng Xá Quảng Đức và Bảo Tháp Tứ Ân, đây là công trình xây dựng quan trọng thứ hai của Tu Viện. Nhân vì ngôi nhà Đông phía bên phải của chánh điện (vốn là văn phòng của trường Tiểu học Fawkner được tạo dựng hơn 100 năm trước) đã xuống cấp trầm trọng, nên Tu Viện tiến hành phá bỏ ngôi nhà và ngay trên khu đất này Bảo Tháp Tứ Ân và Tăng Xá đã được khởi công xây dựng.

Bảo Tháp Tứ Ân được thiết kế gồm 4 tầng, cao 14m và rộng 5m, trên nóc Bảo Tháp có tôn trí pho tượng Phật A Di Đà cao 1m20; tầng cao nhất của Bảo Tháp thờ Xá Lợi Phật và 3 pho tượng Tam Thánh Tây Phương: Phật A Di Ðà, Bồ Tát Quan Âm & Bồ Tát Thế Chí (tượng đúc bằng đồng); tầng 2 và 3 thờ Bồ Tát Ðịa Tạng và linh cốt của những hương linh quá vãng ký tự tại Tu Viện Quảng Ðức. Tầng 1 tôn trí 5 pho tượng Phật A Di Ðà, thế giới Hoa Nghiêm, Liên Hoa đài tạng.

Tăng Xá có chiều dài 20m, rộng 11m, gồm 2 tầng có 12 phòng ngủ, một phòng khách và một gác lửng 8x16m dùng làm Thiền đường và phòng hội họp của chư Tôn Đức.

Kinh phí xây dựng công trình này theo chiết tính của kiến trúc sư Nguyễn Kiển Thành và các kỹ sư xây dựng đã lên đến $900,000 Úc kim. Sau một năm xây dựng, Tăng Xá đã hoàn tất và được cắt băng khành thành nhân dịp lễ khai mạc chiêm bái Phật Ngọc vào ngày 5-12-2009 vừa qua và hôm nay Bảo Tháp Tứ Ân đã xây dựng hoàn tất như ước nguyện để mừng lễ khành thành và Đại Lễ Kỷ Niệm Chu Niên 20 năm thành lập Tu Viện Quảng Đức trên đất Úc, được tổ chức trong 3 ngày 22, 23 và 24 tháng 10 năm 2010 nhằm lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm 19 tháng 09 âm lịch năm Canh Dần.

Về kiến Trúc Tu Viện Quảng Đức:

Đến thăm Tu Viện Quảng Đức, sau khi leo lên 25 bậc cấp, khách hành hương có ấn tượng sâu sắc khi đứng trước tòa kiến trúc của điện Phật. Bên trên mặt tiền của Chánh Điện được trang trí với 8 bức phù điêu đắp nổi rất công phu và độc đáo kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ Đản Sanh, Vượt Thành Xuất Gia, Cắt tóc xuất gia, Sáu Năm Khổ Hạnh, Hàng Phục Ma Quân, Thành Tựu Đạo Quả, Chuyển Pháp Luân và Nhập Niết Bàn. Bên dưới hai câu đối ở hai cột chính nói lên ý nghĩa của tên Tu Viện do HT Thích Bảo Lạc đề tặng:

Quảng nhiếp hàm linh chân thật ngữ, chân thật ý, chân thật hành nghi
Đức khai phương tiện như thị văn, như thị tư, như thị tu trì.

Có nghĩa là:

Quảng phương tiện, khai môn Vô lậu học, Văn – tư – tu chân thật pháp nhiệm mầu;
Đức độ sanh, niệm đầu tịnh ba nghiệp, Thân – khẩu – ý ứng hiệp với hành nghi

Hai cột bên ngoài cùng cũng là hai câu đối viết bằng tiếng Việt do TT Thích Quảng Hiện ghi tặng Tu Viện Quảng Đức nhân dịp Ngài viếng thăm Úc Châu vào mùa An Cư năm 2000:


Quảng độ chúng sanh giữ trái tim son ngời Phật Pháp
Đức thương muôn loại đốt thân trí tuệ cứu quần sanh.

Tu Viện Quảng Đức do kiến trúc sư Nguyễn Kiển Thành thiết kế với sự cố vấn của TT Trụ Trì Thích Tâm Phương, kiến trúc tổng quát của Tu Viện được kiến lập theo kiểu chữ "Công" ( ), mang dáng dấp kiến trúc cổ kính Á Đông. Tu Viện gồm một tầng trệt, một tầng lầu, Tăng Xá và Bảo Tháo Tứ Ân. Tầng trệt là hội trường sinh hoạt, dung chứa khoảng 700 người, bên trái hội trường là quả Đại Hồng Chung cao 1m50, nặng 1000 kg, bên phải là trống Bát Nhã, trước giảng đường có hai câu đối nói lên ý nghĩa đạo hiệu của Thầy Trụ Trì:

Tâm Từ toả khắp, rời quê hương dốc cả tín tâm, xây nền Chánh Pháp
Phương thảo thơm xa, nơi Úc quốc, trút dâng chí nguyện phụng sự nhân sinh

Tầng lầu có sân thượng rộng khoảng 10m và hành lang chạy dọc theo 2 bên hông Chánh Điện; bên trong, Chánh điện thờ Phật là một tòa phạm vũ nguy nga, bề rộng 15m, dài 35m, có thể dung chứa 300 người. Công trình chạm khắc phù điêu ở đây có bao lam Cửu Long rất tinh xảo, đặc biệt trên hương án thờ Phật chạm khắc các ngôi chùa danh tiếng trong nước như chùa Một Cột ở miền Bắc, Tháp Linh Mụ Huế, Tháp Vĩnh Nghiêm ở Sàigòn

Bàn thờ Phật được thiết trí rất trang nghiêm, chính giữa thờ tôn tượng đồng Đức Phật Thích Ca thiền định trên tòa sen cao 2,50m, nặng khoảng 1,5 tấn, bên dưới là pho tượng Phật Ngọc cao 5 tấc; hai bên là hai tôn tượng Hộ Pháp Già Lam được mạ vàng. Hai bên có hai câu đối tiếng Việt nói ý nghĩa tên của Tu Viện:

Quảng Bá năm châu đèn trí tuệ sáng ngời Chánh Pháp truyền đi khắp xứ
Đức truyền bốn biển nước từ bi rưới mát đạo mầu trải rộng mười phương.

Sau điện Phật là Tổ Đường, thờ tôn tượng Bồ Đề Đạt Ma cao 1m20 cùng Chư Tôn Đức viên tịch gồm 200 hình ảnh slideshow trên màn hình vi tính, đứng đầu trong danh sách này là Tổ Sư Liễu Quán (1670-1742), Ngài quê ở Phú Yên ra Huế vào cuối thế kỷ 17 để tu tập và cuối cùng đắc pháp với Thiền Sư Tử Dung. Tổ Liễu Quán đã trở thành Sơ Tổ của Thiền Phái Lâm Tế Liễu Quán, trước khi viên tịch đã để lại bài kệ truyền pháp cho đời sau:

Thiệt tế đại đạo, tánh hải thanh trừng
Tâm nguyên quảng nhuận, đức bổn từ phong
Giới định phước huệ, thể dụng viên thông
Vĩnh siêu trí quả, mật khế thành công
Truyền trì diệu lý, diễn xướng chánh tông
Hạnh giải tương ưng, đạt ngộ chơn không.

Tu Viện Quảng Đức là đệ tử truyền thừa theo Thiền phái này. Bên trên bàn thờ Tổ là bức hoành phi viết 4 chữ Hán “ Truyền đăng tục diệm傳 燈 續 焰“.Hai bên là câu đối khắc trên bảng gỗ do Hòa Thượng Thích Huyền Tôn gởi tặng:

Quảng đại Tâm, pháp giới tùy duyên quy diệu dụng
Đức lưu Phương, Tăng già nhập thế hiển chơn như.


Có nghĩa là:

Tâm lớn bao la, cõi pháp giới theo duyên quay về nơi diệu dụng
Đức tỏa muôn phương, bậc Tăng già nhập thế bày tỏ lẽ Chơn Như

Đối diện bàn thờ Tổ là Án thờ hình Bồ Tát Quảng Đức cao 1m20, hai bên có hai câu đối tiếng Việt nói lên ý nghĩa tri ân và báo ân:

Ơn Tam Bảo Sư Môn Phụ Mẫu Trọn Đời Luôn Ghi Nhớ
Nghĩa Chúng Sanh Dân Việt Tổ Quốc Suốt Kiếp Nguyện Đáp Đền.

Hai bên là hai bàn thờ Hương Linh quá vãng ký tự tại Tu Viện. Từ năm 2008 Tu Viện đã thiết kế màn hình vi tính để trên 1000 hình chư Hương Linh hiển thị 24 trên 24 giờ.

Nhìn từ bên ngoài của Tu Viện, các mái ngói đều uốn cong theo kiểu chùa Á Đông, giữa đỉnh nóc có bánh xe pháp luân và các góc chạm hình đầu rồng và phượng.

Ngoài vườn chùa có các tượng đài lộ thiên như Phật Thích Ca Thuyết Pháp, Phật Thích Ca Thiền Định, Phật Thích Ca Nhập Niết Bàn, Phật A Di Đà phóng quang, tượng đài Phật Di Lặc, Bồ Tát Quan Âm lộ thiên, 18 pho tượng A La Hán, đặc biệt có Phật tích Vườn Lộc Uyển với Đức Phật lăn chuyển bánh xe Chánh Pháp cùng năm anh em Ngài Kiều Trần Như.

Nhìn chung, nhờ kết hợp tinh hoa kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố của phong cách kiến trúc phương Tây, Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne, Úc Châu đã trở thành một trong những danh lam của Phật Giáo Việt Nam ở Hải Ngoại nói chung và nói riêng tại Úc Châu.

Melbourne, viết kỷ niệm 20 năm xây dựng Tu Viện Quảng Đức
Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng

ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ & DỊCH GIẢ

quangduc-05
Dịch giả TT. Thích Nguyên Tạng & Tác giả Paul Croucher
(hình chụp vào dịp lễ Phật Đản năm 2007 tại Tu Viện Quảng Đức)


Tác giả Paul Croucher, sinh năm 1961, sinh trưởng ở Sydney, lần đầu tiên tiếp xúc với sách Phật Giáo và Lão Giáo trong thời gian làm việc ở một tiệm sách vào năm 1979. Tuy chú tâm vào Thiền học nhưng các vị Thầy đầu tiên của ông lại là Lạt Ma Tây Tạng, đó là Lạt Ma Geshe Nyawang Leyden và Lạt Ma Yeshe. Năm 1983, ông viếng thăm Nhật Bản, Thái Lan, và những nơi có người Tây Tạng lưu vong ở miền Bắc Ấn Độ. Từ năm 1984, ông nghiên cứu lịch sử Á Châu và học tiếng Nhật ở đại học Monash (Melbourne). Những quan tâm khác của ông là chơi bóng squash, đi dã ngoại và đọc sách của Henry David Thoreau (1817-1862), một nhà văn Mỹ thuộc phái tự nhiên. Hiện tại ông đang sống tại Melbourne và viết luận án tiến sĩ về lịch sử Thiền Tông.

Dịch giả TT. Thích Nguyên Tạng : sinh năm 1967 tại Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang. Xuất gia năm 1980 tại Chùa An Dưỡng, Nha Trang, thọ giới Sa Di năm 1985 và thọ giới Cụ Túc Giới năm 1988. Từng theo học và tốt nghiệp Trường Cơ Bản Phật Học Vĩnh Nghiêm năm 1992, Trường Đại Học Sư Phạm (ngành ngoại ngữ Anh) năm 1995 và Trường Cao Cấp Phật Học năm 1997, sau khi đến Úc định cư vào năm 1998, Thầy đã học và lấy bằng Cử Nhân Xã Hội Học tại Đại Học Latrobe năm 2006, Thầy được Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan tấn phong lên giáo phẩm Thượng Tọa vào ngày 17-7-2009 trong khóa An Cư Kiết Hạ tổ chức tại Chùa Pháp Bảo, Sydney. Từ năm 1998, Thầy là Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức (Trụ Trì là TT Thích Tâm Phương), vào mùa Phật Đản năm 1999, Thầy đã cho mở và làm chủ biên Trang Nhà Điện Tử Quảng Đức: [www.quangduc.com]. Thầy cũng là một tác giả và dịch giả của nhiều tài liệu liên quan đến Phật Giáo Quốc Tế, các chủ đề khác như Lịch Sử, Chết & Tái Sinh…

PHƯƠNG DANH PHẬT TỬ
PHÁT TÂM ẤN TỐNG SÁCH

Phật tử tại Úc Châu:Chùa Bồ Đề (Tỳ Kheo Ni Nhật Liên):$100; Cụ Bạch Vân: $50; Cụ Đức Ngọc: $50; Cụ Thanh Hảo:$50; Cụ Diệu Mỹ & Đồng Ngọc Minh:$100; Nguyên Như:$100; Quảng Minh & Thiện Hải: $100; Tiệm Vàng Kim Châu Adelaide (Thiện An - Thiện Lạc): $500; Tiệm Vải Đông Kinh Adelaide: $1000; Hoàng Lan, Jordan, Nhất Tâm, An Lạc: $200; Nhã An - Micheal:$100; Quảng Minh Ngộ - Quảng Diệu Tâm:$100; Nguyên Hằng: Hữu Thu & Hữu Pháp: $100; Tạ Thanh Dinh: $50; Thanh Phi - Thu Nhiên - Minh Tường: $100; Đức Nghiêm:$100;Bách Dũng - Diệu Trí:$100; Bách Toàn - Diệu Hiếu:$100; Quảng Nguyên Hoa - Quảng Tâm Duyên:$100; Quảng Ý - Quảng Tuệ Thiện:$100; Nguyên Hoa: $30; Minh Đăng: $50; Nguyên Đà: $50; Nguyên Thảo: $100; Quảng Hạnh: $100; Quảng Niệm:$100, Hồng Hạnh: $100; Diệu Phước: $100; Liên Huệ: $50; Nguyên Nhật Thảo: $50; Thiện Bảo: $10; Chân Mỹ Hiền - Chân Mỹ Lương: $20; Chúc Ngân: $100; Tâm Từ - Diệu Thanh: $50; Quảng Niệm: $50; Thục Hà - Nguyên Giác: $50; Cụ Hiếu Thiện Nguyễn Khắc Nhân, Cụ Diệu Hoàng Trần Thị Khuê, Thu Lan Nguyên Khôi, Thu Thảo Diệu Thơm: $500; Nguyên Trâm: $100; Nguyên Hỷ: $20; Tâm An: $50; Quảng Minh Thạnh: $50; Như Thiện: $20; Huệ Ngọc: $50; Huệ Hoa: $50; Nguyên Thiện Bảo: $50; Nguyên Thiện Hạnh: $50; Thu: $30; Nguyên Cần - Nguyên Bửu: $100; Nguyên Nhật Diệu và các bạn: $100; Quảng Hương - Quảng Tịnh: $100; Huỳnh Hữu Thành - Hồng Thị Lến: $50; Hồ Văn Tri - Huỳnh Thị Hải: $50; Quảng Giác - Hồ Trọng Hiếu: $50; Linh Nguyễn: $30; Hương: $20; Diệu Phúc: $50; Liên Minh: $50; Quảng Từ Trí: $50; Quảng Từ Đức: $50 Quảng Từ Tâm: $50;Quảng Từ Thịnh:$50; Cụ Bà Thiện Tâm Nguyễn Thị Lịnh:$260; Tony Thạch-Sophie-Michael-Elva:$500; Quảng Pháp Đăng:$100; Quảng Tịnh Duyên:$100; Diệu Hòa:$100; Diệu Ánh:$100;Long Tuyền:$100; Bảo Diệu Nguyện:$100; Phật tử tại Việt Nam:Phật tửChùa Thiên Long (Sư Diệu Trang-Sư Tâm Vân):$100; Phật tử Chùa Tăng Phúc (Sư Cô Đồng Hòa):$100; Phật tử Chùa Đại Phước (TT Tâm Niệm):$100; Cụ Tâm Thái: $50,Diệu Đại: $30; Quảng Đại - Quảng Khánh: $100; Quảng Tuệ Hương - Quảng Trí Đức:$50; Phúc Hải - Diệu Nguyệt: $20; Vĩnh Minh - Đức Tạng: $20; Đức Lân - Diệu Hậu: $20; Tâm Minh - Chánh Hòa:$20; Diệu Hoa - Diệu Bảo: $20; Phúc Bách: $20; Thanh Nhàn Kim Lan:$100; Diệu Chính Lê Thị Yên Bình: $100; Minh Huệ Quảng Diệu Ngộ: $20; Phật tử tại Mỹ(Cúng dường TT Nguyên Tạng trong chuyến hoằng Pháp Mỹ Quốc 2012): Las Vegas: Phước Ngọc: $300; Chùa Liên Hoa: $200; Santa Ana: Chùa Phật Tổ (HT Thiện Long): $500; Chùa Xá Lợi (Ni Trưởng Như Nguyện) :$500; Ni Sư Nhật Nhan:$100; Chùa Duy Mãn (TT Trung Duệ-ĐĐ Minh Chánh):$500; Trung Tâm Huấn Luyện Quảng Ðức: $400; Ðạo Tràng Liên Trì (Thanh Hiền-Thiện Đạt): $400; Ðạo Tràng Ngọc Sáng (Quảng Hương - Quảng Peter): $420; Quảng Hoa Duyên: $50; Trung Tâm Mây Từ (Kathy Chơn Tịnh Diệu): $1000; San Jose: Niệm Phật Đường Fremont (HT Thái Siêu): $700; Thiện Trí: $1000; Ðạo Tràng Thanh Lương (NS Minh Huệ): $400; Ðồng Từ: $400; Tịnh Thất Hòa Bình (SC Hạnh Trì): $200; Tâm Minh Nhựt - Diệu Ngộ: $200;Quảng Trí Chánh - Quảng Tuệ Dung: $200; Houston: Chùa Trúc Lâm (Sư Chú Thiện Phẩm): $800; Chùa Viên Thông (Ni Sư Thanh Lương):$500; Diệu Tịnh - Liên Hoa - Bảo Vương - Bảo Lân: $1000; Liên Ðài - Oanh Vũ: $320; Minh Hạnh -Diệu Phúc - Minh Huy - Diệu Hoàng: $100; Thiện Thủy - Diệu Bảo: $100; Ðức Minh: $50; Oklahoma: Thiền Viện Chánh Pháp (TT Thông Triết): $1,100; Bạch Liên: $200; Tánh Ðịnh, Diệu Tuyết & Ðồng Ðức: $100; Diệu Vân: $50; Phương Thảo + Hưng: $50; Quang Phước: $50; Diệu Ngọc: $100; Tâm Ðại Xã: $150; Minh Lý - Diệu Châu: $100; Nguyên Phúc, Edward and Joanna Goodwin: $1000; ông bà Bác Sĩ Thanh Long:$400; Diệu Đạo - Diệu Liên: $100...

Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm Phật Tịnh Độ
Trên đền bốn ơn nặng,
Dưới cứu khổ ba đường
Nếu có người thấy nghe
Đều phát lòng Bồ Đề,
Hết một báo thân này,
Sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue, accrued from this work, adorn the Buddha's pureland, repay the four great kindnesses above, and relieve the suffering of those on the three paths below, may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma, the Land of Ultimate Bliss

Nam Mô A Di Đà Phật

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ÚC ĐẠI LỢI
HISTORY OF BUDDHISM IN AUSTRALIA

Tác giả : Paul Croucher
Dịch giả :TT Thích Nguyên Tạng
Đánh máy vi tính : Minh Trí - Quốc Phong
Sửa bản in : Thanh Phi - Nhị Tường
Trình bày nội dung : Quảng Thiện Trí
Trình bày bìa : Quảng Tuệ Duyên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com