Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

213. Kinh Pháp Trang Nghiêm

06/06/201207:32(Xem: 7099)
213. Kinh Pháp Trang Nghiêm

KINH TRUNG A-HÀM
Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm
Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ
Sài gòn 2002

213.KINH PHÁP TRANG NGHIÊM[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Phật du hóa giữa những người họ Thích, trú trong một đô ấp của Thích gia tên là Di-lũ-ly [02].

Bấy giờ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la và Trường Tác [03] vì có những việc cần làm nên cùng đi đến một thị trấn tên gọi là Thành [04]. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, đến một khu vườn nơi ấy, nhìn thấy những gốc cây vắng vẻ, không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, thích hợp cho sự tĩnh tọa. Sau khi nhìn thấy như vậy, nghĩ nhớ Đức Thế Tôn, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói rằng:

“Này Trường Tác, ở đây, những gốc cây này vắng vẻ, không có tiếngđộng, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, thích hợp cho sự tĩnh tọa. Tại chỗ này ta đã nhiều lần đến thăm viếng Đức Thế Tôn. Này Trường Tác, Đức Thế Tôn hiện giờ đang ở đâu? Ta muốn đến thăm.”

Trường Tác trả lời:

“Tôi nghe nói Đức Thích Tôn đang du hóa giữa những người họ Thích, trú trong một đô ấp của Thích gia, tên gọi là Di-lũ-ly.”

Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la lại hỏi:

“Này Trường Tác, Di-lũ-ly, đô ấp của Thích gia cách đây bao xa?”

“Trường Tác đáp:

“Tâu Thiên vương, cách đây ba cu-lô-xá [05].”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói:

“Này Trường Tác, ngươi hãy ra lệnh cho sửa soạn xa giá. Ta muốn đến chỗ Thế Tôn.”

Trường Tác vâng lời cho sửa soạn xa giá, rồi tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, xa giá đã sửa soạn xong, xin vâng ý Thiên vương.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bèn lên xe, dong khỏi thành ngoài đi đến Di-lũ-ly, đô ấp của Thích gia.

Bấy giờ, ngoài cổng Di-lũ-ly, một số đông các Tỳ-kheo đang đi kinh hành trên một khoảng đất trống. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đến nơi các Tỳ-kheo hỏi rằng:

“Thưa các Tôn giả, Đức Thế Tôn hiện đang nghỉ mát ban ngày ở đâu?”

Các Tỳ-kheo trả lời rằng:

“Đại vương, ngôi nhà lớn hướng Đông kia, với cửa sổ mở và cửa lớnđóng ấy, Đức Thế Tôn hiện đang nghỉ mát ban ngày tại đó. Đại vương nếu muốn đến thăm, có thể đi đến nơi đó, đến nơi hãy đứng bên ngoài, rồi tằng hắng và gõ cửa. Đức Thế Tôn nghe tất sẽ mở cửa.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bèn xuống xe.

Khi một vị Sát-lợi Đảnh Sanh xuất hiện để cai trị nhân dân, và ban hành giáo lệnh cho cõi đất, thì có năm nghi trượng. Đó là kiếm, lọng, tràng hoa, phất cán ngọc và giày thêu. Vua cởi bỏ tất cả trao cho Trường Tác. Trường Tác nghĩ rằng:

“Thiên vương nay tất chỉ đi vào một mình. Chúng ta nên đứng ở đây mà đợi vậy.”

Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la với đám tùy tùng vây quanh bướctới ngôi nhà hướng Đông kia. Đến nơi, vua đứng ngoài tằng hắng và gõ cửa. Đức Thế Tôn nghe rồi, bèn ra mở cửa. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đi vào trong nhà đến trước Đức Phật cúi đầu lễ sát chân, rồi ba lần tự xưng tên họ.

“Con là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, con là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la!”

Đức Thế Tôn đáp:

“Như vậy, Đại vương, ngài là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la. Ngài là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la!”

Sau ba lần tự xưng tên họ, vua Ba-tư-nặc đảnh lễ dưới chân Phật và lui ngồi một bên. Đức Thế Tôn hỏi:

“Đại vương, Đại vương thấy Ta có những nghĩa lợi nào mà tự hạ mình đảnh lễ dưới chân và cúng dường cung kính như vậy?”

Vua Ba-tư-nặc thưa:

“Bạch Thế Tôn, con có sự loại suy về pháp[06]đốivới Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật khéo thú hướng [07].’

“Bạch Thế Tôn, khi con ngồi trên đô tọa [08],con nhìn thấy mẹ tranh chấp với con, con tranh chấp với mẹ; cha tranh chấp với con, con tranh chấp với cha; cho đến anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc tranh chấp lẫn nhau. Trong khi tranh chấp, mẹ nói con xấu, con nói mẹ xấu, cha con, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc nói xấu lẫn nhau. Người thân thích trong nhà còn như thế, huống nữa là người ngoài. Còn ở đây, con thấy chúng Tỳ-kheo, đệ tử của Thế Tôn theo Thế Tôntu hành phạm hạnh. Hoặc nếu có Tỳ-kheo nào gây ra ít nhiều tranh chấp, xả giới bỏ đạo cũng không nói xấu Phật, không nói xấu pháp, không nói xấu chúng Tăng, mà chỉ tự chê trách rằng, ‘Tôi xấu xa, thiếu đức hạnh. Tại sao như vậy? Vì tôi không thể theo Thế Tôn trọn đời tuhành phạm hạnh’. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Bạch Thế Tôn, lại nữa, con thấy một Sa-môn Phạm chí khác đã ít nhiều học hành phạm hạnh, hoặc chín tháng, hoặc mười tháng, nhưng lại xảbỏ để theo sắc phục trước kia, rồi lại bị nhiễm ô bởi dục vọng, nhiễm dục, dính trước dục, bị dục trói chặt, kiêu ngạo, chấp thủ, thâm nhập, sống hoan lạc trong sự hành dục mà không thấy tai họa, không thấy xuất yếu. Bạch Thế Tôn, con thấy ở đây chúng Tỳ-kheo đệ tử của Thế Tôn tự nguyện trọn đời tu tập phạm hạnh, cho đến ức số. Ngoài đây ra con không thấy ở đâu có phạm hạnh thanh tịnh như vậy, như mái nhà của Thế Tôn. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp của Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí thân thể gầy còm tiều tụy, tướng mạo xấu xí, thân nổi vẩy trắng [09]không ai muốn nhìn. Con tự nghĩ rằng, ‘Các Tôn giả này vì sao thân thể lại gầy còm, tiều tụy, tướng mạo xấu xí, thân nổi vẩy trắng, không ai muốn nhìn. Các Tôn giả này ắt không tu phạm hạnh, hoặc vì bệnh hoạn hay lén lút làm việc xấu xa, cho nên các Tôn giả này thân hình gầy còm, tiềutụy, hình sắc xấu xa, mình nổi vẩy trắng không ai muốn nhìn’. Con đến hỏi họ, ‘Các Tôn giả vì sao thân hình tiều tụy gầy còm, tướng mạo xấu xí, mình nổi vẩy trắng, không ai muốn nhìn? Có phải các Tôn giả không thích tu hành phạm hạnh chăng? Hoặc vì bệnh hoạn hay lén lút làm việc xấu xa, cho nên các Tôn giả thân thể gầy còm tiều tụy?’Những vị ấy đáp, ‘Đại vương, đây là bệnh trắng! Đại vương, đây là bệnh trắng [10]’.

“Bạch Thế Tôn, con thấy chúng Tỳ-kheo đệ tử của Thế Tôn, sống hânhoan đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu [11]sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng [12],tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh. Thấy vậy, con nghĩ rằng, ‘Các Tôn giả này vì sao được hân hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi hình thể tịnh, khiết, vô vi, vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng? Tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh? Các Tôn giả hoặc đã đạt đến lydục, hoặc chứng đắc tăng thượng tâm, đối với hiện pháp lạc trụ [13]chứngđạt dễ dàng không khó. Cho nên các Tôn giả này mới được hân hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh, khiết, vô vi, vô cầu, sống đờitịnh hạnh, ăn uống như loài nai rằng, tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh. Nếu sống trong dục lạc mà được hân hoan, đoan chánh, thì chính ta phải được đời sống hân hoan đoan chánh ấy. Vì sao? Vì ta hưởng thụ năm thứ diệu dục, một cách dễ dàng không khó. Nhưng các Tôn giả này đạt đến sự ly dục, chứng đắc tăng thượng tâm, đối với hiện pháp lạc trú thành tựu dễ dàng không khó. Vì vậy cho nên các Tôn giả này sống hân hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng, tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn, do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí thông minh trí tuệ, tự xưng mình thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục cường dịch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp,mọi người ai cũng đều nghe biết, đi đến nơi nào thảy đều đả phá tông chủ của người mà tự lập luận điểm của mình, và nói rằng, ‘Chúng ta hãy đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, mà hỏi ông những điều như vầy, như vầy. Nếu ông trả lời được như thế này, thì ta vặn hỏi thế kia. Nếu ông không trả lời được thì ta cũng vặn hỏi rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn du hóa tại làng nọ,vị này liền tìm đến, nhưng khi gặp Phật thì lại chẳng dám hỏi lời nào huống nữa là vấn nạn. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn.Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai Bậc Vô Sở Trước, ĐẳngChánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí, thông minh trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục cường địch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp,mọi người đều nghe biết, đi đến chỗ nào thảy đều đả phá tông chỉ người khác mà tự lập luận điểm của mình. Và nói rằng, ‘Chúng ta hãy đi đến chỗSa-môn Cù-đàm để hỏi ông những điều như vầy như vầy. Nếu ông trả lời được thế này, ta lại vặn hỏi ông cách kia. Nếu ông trả lời không được, ta cũng vặn hỏi rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn du hóa tại làng nọ, vị này liền đến tìm hỏi, được Thế Tôn trả lời rõ ràng. Nghe xong Sa-môn Phạm chí này vui mừng hớn hở, cúi đầu lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó,con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí khác, thông minh trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục cường địch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp, mọi người đều nghe biết, đi đến nơi nào thảy đều đả phá chủ trươngtông chỉ của người mà tự lập luận điểm của mình và nói rằng, ‘Chúng ta hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi ông những điều như vầy, như vầy. Nếuông trả lời được như thế này, ta lại vặn hỏi ông cách khác. Nếu ông không trả lời được, ta cũng vặn hỏi ông rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn du hóa tại làng nọ, vị này liền đến hỏi, được Thế Tôn trả lời rõ ràng. Nghexong, Sa-môn Phạm chí này liền vui mừng phấn khởi, liền tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo; được Thế Tôn thọ nhận làm Ưu-bà-tắc; trọnđời quy y cho đến tận mạng. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó, con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện; chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí khác thông minh trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục được cường địch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp mọi người đều nghe biết, đi đến nơi nào thảy đều đả phá chủ trương tông chỉ của người mà lập luận điểm của mình mà nói rằng, ”Chúng ta hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi ông những điều như vầy, như vầy. Nếu ông trả lời được như thế này, ta lại vặn hỏi ông cách kia. Nếu ông trả lời không được, ta cũng vặn hỏi ông rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn du hóa tại làng nọ, vị này liền tìm đến hỏi, được Thế Tôn trả lời rõ ràng. Nghe xong, Sa-môn Phạm chí này vui mừng phấn khởi bèn theo Thế Tôn cầu xin xuất gia thọ giới Cụ túc, đắc pháp Tỳ-kheo. Thế Tôn bèn độ chovà truyền trao giới Cụ túc, đắc pháp Tỳ-kheo. Khi các Tôn giả ấy xuất gia học đạo, thọ giới Cụ túc, đắc pháp Tỳ-kheo rồi, sống cô độc mộtnơi xa vắng, tâm không buông lung, tinh cần tu tập. Vị ấy sau khi sống cô độc tại một nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tinh cần tu tập, đạt đến mục đích mà một thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, là duy chỉ để thành tựu vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự thân chứng ngộ an trú, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Khi các Tôn giả ấy biết pháp rồi, cho đến chứng đắc A-la-hán; chứng đắc A-la-hán rồi, bèn nói rằng, ‘Này chư Hiền, trước kia tôi gần bị suyvong gần bị hủy diệt. Vì sao vậy? Trước kia tôi không phải là Sa-môntự xưng là Sa-môn; không phải phạm hạnh tự xưng phạm hạnh, không phải A-la-hán tự xưng A-la-hán. Bấy giờ chúng ta mới thực sự là Sa-môn, thực sự là phạm hạnh, thực sự là A-la-hán’. Đó là sự loại suy về pháp của conđối với Thế Tôn. Do đó, con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của ThếTôn thật là khéo thú hướng’.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con tự do trong quốc thổ của mình, muốn giết kẻ không lỗi lầm thì ra lệnh giết, muốn giết kẻ có lỗi lầm ra lệnh giết; nhưng khi con ngồi trên đô tọa, con vẫn không được tự do mà nói như vầy, ‘Các khanh hãy giữ im. Không ai hỏi việc nơi các khanh, mà chính là hỏi việc nơi ta. Các khanh không thể quyết đoán việc này, chỉ có ta mới có thể quyết đoán việc này’. Nhưng ở trong đó vẫn có người bàncãi việc khác, không đợi người trước nói xong. Con đã nhiều lần thấy Thế Tôn thuyết pháp với đại chúng vây quanh. Bấy giờ có một người ngủ gật mà ngáy, thấy gây tiếng động, một người khác bèn nói rằng, ‘Ngài chớcó ngáy gây tiếng động. Ngài không muốn nghe pháp được Thế Tôn nói như cam lồ chăng?’ Người ấy nghe rồi tức thì im lặng. Con nghĩ rằng, ‘NhưLai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, là Bậc Điều Ngự đại chúng. Thật kỳ diệu thay! Thật hy hữu thay! Vì sao vậy? Vì Ngài không cần dùng dao, dùng gậy, nhưng tất cả đều đúng như pháp mà được an ổn khoái lạc’. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, hai viên thần tá Tiên Dư và Túc Cựu[14]được con ban phát tiền tài, và con thường khen ngợi họ; đời sống họ do nơi con. Nhưng con không thể khiến cho hai vị thần tá này hạ ý cung kính, cúng dường, phụng sự con như họ hạ ý cung kính tôn trọng cúng dường phụng sự Thế Tôn. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật làkhéo thú hướng.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, thuở xưa trong lúc xuất chinh, ngủ đêm trong một ngôi nhà nhỏ, con muốn thử hai viên thần tá Tiên Dư và Túc Cựukhi ngủ quay đầu về phía nào, quay về phía con hay quay về phía Thế Tônở. Rồi hai vị thần tá Tiên Dư và Túc Cựu, vào lúc đầu hôm, ngồi kiết già im lặng tĩnh tọa. Đến nửa hôm nọ nằm ngủ, đầu hướng về phía mà họ biết Thế Tôn đang ở, còn chân thì quay về phía con. Thấy thế con suy nghĩ, ‘Hai viên thần tá Tiên Dư và Túc Cựu này không quan tâm đến sự thùthắng trước mắt, cho nên họ không hạ ý cung kính tôn trọng cúng dường phụng sự ta như hạ ý cung kính tôn trọng, cúng dường phụng sự Thế Tôn’. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, giảng dạy thậtlà toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con là quốc vương, Thế Tôn cũng là Pháp vương. Con thuộc dòng Sát-lợi, Thế Tôn cũng thuộc dòng Sát-lợi. Con là người nước Câu-tát-la, Thế Tôn cũng người nước Câu-tát-la. Con đã tám mươi tuổi, Thế Tôn cũng tám mươi tuổi. Con có thể trọn đời hạ ý cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự Thế Tôn.

“Bạch Thế Tôn, hôm nay có nhiều công việc, con xin phép lui về.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Đại vương, mong Đại vương tự biết đúng thời.”

Rồi thì Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, sau khi nghe những lời Phật dạy, khéo léo ghi nhớ, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra về.

Lúc đó ngài A-nan cầm quạt đứng hầu sau Phật. Thế Tôn bảo:

“A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào đang sống ở rừng Di-lũ-ly này, hãy tập họp tất cả về giảng đường.”

Rồi thì, Tôn giả A-nan sau khi vâng lời Phật dạy, tập họp tất cả Tỳ-kheo đang sống trong rừng Di-lũ-ly tất cả cùng vào giảng đường. Rồi trở lại bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, những Tỳ-kheo tại rừng Di-lũ-ly này, tất cả đều đã tụ tập tại giảng đường này rồi, mong Thế Tôn tự biết thời.”

Bấy giờ Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đi đến giảng đường. Đến nơi Ngài trải chỗ ngồi trước đại chúng và nói:

“Này các Tỳ-kheo, hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đã đứng trước Ta nói kinh ‘Pháp Trang Nghiêm’ [15]xong, liền đứng dậy cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ta, nhiễu quanh ba vòng rồi lui về. Này các Tỳ-kheo, các ngươi nên thọ trì kinh Pháp Trang Nghiêm đó, hãy khéo léo tụng đọc. Vì sao vậy? Này các Tỳ-kheo, vì kinh Pháp Trang Nghiêm này là như pháp, là như nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, dẫn đến trí tuệ, dẫn đến giác ngộ, dẫn đến Niết-bàn. Nếu một thiệnnam tử đã chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, hãy nên thọ trì, hãy khéo léo tụng tập kinh Pháp Trang Nghiêm này.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.89. Dhammacetiya-suttaṃ.
[02] Di-lũ-ly 彌 婁 離. Pāli: Medaḷumpa.
[03] Trường Tác 長 作. Pāli: Dīghakāryāṇa, viên đại tướng tổng chỉ huy của vua Pasenadi.
[04] Ấp danh thành 邑 名 成. Pāli: Naṅgaraka.
[05]Câu-lũ-xá 拘 婁 舍, hay câu-lô-xá, số đo dài năm trăm cung, hay khoảng cách tiếng rống của một con bò. Bản Pāli: ba yojana, do-tuần.
[06]Pháp tĩnh 法 靖 (bản Tống: 靜); Pāli: Dhammanvaya, tổng tướng của pháp, loại cú của pháp, mục đích thứ tự của pháp. Đây chỉ sự suy diễn dựa trênnhững chứng nghiệm thực tế.
[07] Pāli:svākkhato bhagavato dhammo suppaṭipanno sāvakasaṅgho, Pháp được Thế Tônkhéo thuyết, Tăng đệ tử của Thế Tôn khéo thực hành.
[08] Đô tọa 都 坐. Pāli: atthakaraṇa, công đường, pháp đình, chỗ xử kiện.
[09] Bạch pháo 白 皰.
[10] Bạch bệnh 白 病. Pāli: bandhukarogo, bệnh truyền nhiễm, (bệnh hoàng đản hay hoàng đậu?).
[11] Vô vi vô cầu 無 為 無 求. Pāli: appossukka pannaloma, thoải mái vô tư.
[12] Hộ tha thế, thực như lộc: paradavutte migabhūtena (...) sống do sự hỗ trợ của người khác, (...) như loài nai.
[13] Tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trụ: chỉ cho sự chứng đắc bốn tĩnh lự.
[14] Tiên Dư, Túc Cựu 仙 餘 宿 舊. Pāli: Isidatta, Purāṇa.
[15]Pháp trang nghiêm 法 莊 嚴. Pāli: dhammacetiya, linh miếu Pháp, tháp thờ phụng Chánh pháp.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com