Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

134. Kinh Thích Vấn

06/06/201207:32(Xem: 7195)
134. Kinh Thích Vấn

KINH TRUNG A-HÀM
Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm
Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ
Sài gòn 2002

134. KINH THÍCH VẤN[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại phía Đông thành Vương xá, nước Ma-kiệt-đà, trong động đá Nhân-đà-la, trên núi Bệ-đà-đề, phía Bắc thôn Nại lâm[02].

Bấy giờ Thiên Vương Thích[03]nghe Phật du hóa tại phía Đông thành Vương xá, nước Ma-kiệt-đà, trong động Nhân-đà-la, trên núi Bệ-đà-đề, phía Bắc thôn Nại lâm. Khi ấy, ThiênVương Thích bảo Ngũ Kết nhạc tử[04] rằng:

“Ta nghe Đức Thế Tôn du hóa tại phía Đông thành Vương xá, nước Ma-kiệt-đà, trong động Nhân-đà-la, trên núi Bệ-đà-đề, phía Bắc thôn Nại lâm. Này Ngũ Kết, ngươi hãy cùng ta đến yết kiến Đức Thế Tôn”.

Ngũ Kết nhạc tử thưa rằng:

“Xin vâng.”

Rồi thì, Ngũ kết nhạc tử ôm đàn lưu ly[05]cùng đi theo Thiên Vương Thích. Chư Thiên ở Tam thập tam thiên nghe Thiên Vương Thích rất khát khao muốn gặp Phật, chư Thiên Tam thập tam thiên cũng theo hầu Thiên vương mà đi. Bấy giờ trong khoảnh khắc, nhanh như lực sĩ co duỗi cánh tay, Thiên Vương Thích cùng chư Thiên Tam thập tam và Ngũ Kết biến mất khỏi cõi trời Tam thập tam, đã hiện đến phía Đông thành Vương xá, nước Ma-kiệt-đà, trên núi Bệ-đà-đề, phía Bắc thôn Nại lâm, cách động đá không xa.

Lúc bấy giờ núi Bệ-đà-đề hào quang chiếu sáng rực rỡ như lửa cháy. Nhân dân ở chung quanh núi thấy vậy nghĩ rằng: “Núi Bệ-đà-đề bị lửa đốt cháy khắp nơi.”

Khi ấy Thiên Vương Thích sau khi đã đứng xuống tại một nơi, bảo rằng:

“Này Ngũ Kết, Đức Thế Tôn là như vậy. Ngài ở trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, thích ở trên sườn núi cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa, có đại oai đức; cùng với chư Thiên, ưa thích đời sống xa lánh,tĩnh tọa ấy, đời sống an ổn khoái lạc ấy. Chúng ta chưa thông báo trước, không nên tự tiện bước tới. Này Ngũ Kết, ngươi hãy đi đến thông báo trước, sau đó chúng ta mới bước tới.”

Ngũ kết thưa rằng:

“Xin vâng lời.”

Ngũ Kết sau khi vâng lời dạy của Thiên Vương Thích, liền ôm đàn lưu ly đi trước, đến động đá Nhân-đà-la, rồi nghĩ rằng: “Hãy ở nơi này, cách Phật không gần cũng không xa, để Phật biết được và nghe được âm thanh của ta.”.

Khi đã đến đứng ở nơi kia, Ngũ Kết gảy đàn và hát lên những bài tụng nói về tình yêu, nói về rồng, nói về Sa-môn, nói về A-la-hán[06]:

Hiền nương ơi[07]!
Ta kính lễ phụ mẫu nàng;
Mặt trăng và Đam-phù-lâu[08];
Đã sanh nàng thù diệu,
Gây hoan lạc lòng ta.
Như nóng cầu gió mát;
Như khát cầu nước lạnh;
Như vậy, ta yêu nàng,
Như La-hán yêu Pháp.
Như dòng nước, khó giữ!
Lụy tình cũng như vậy.
Đời đời mong sống chung,
Như cúng dường Vô Trước.
Ao nước trong, vừa mát;
Dưới đáy có cát vàng[09];
Như voi chúa[10] nóng bức,
Xuống ao tắm mặc tình.
Như voi bị móc câu
Lòng ta bị nàng khuất
Hành động nàng không hay
Yểu điệu, chưa được nàng.
Tâm ý ta hoàn toàn lệ thuộc,
Và phiền oan đã đốt cháy tim;
Và vì vậy không còn hoan lạc,
Như một người đi vào hang hùm.
Như Thích tử tư duy thiền tọa,
Hằng vui say trong sự nhất tâm.
Như Mâu-ni đạt thành giác ngộ [11];
Cũng diệu tịnh như ta được nàng.
Như niềm vui Đại thánh Mâu-ni[12]
Do chứng đắc viên toàn giác đạo.
Niềm vui ta cũng ở nơi kia,
Bằng khao khát được nàng hội tụ
Như người bệnh mong cầu phương dược;
Như đói ăn hoài niệm thức ăn;
Ơi Hiền nữ, mong lòng ta tắt,
Như nước rưới cho ngọn lửa tàn.
Nếu ta có hành vi tạo phước,
Như cúng dường La-hán chân nhân[13];
Thọ báo ấy tức thành tịnh diệu,
Ta mong cùng Hiền nữ sống chung.
Ta ước nguyện bên nàng vĩnh kiếp;
Không xa nàng sống lẻ đơn thân.
Và ta hẹn theo nàng được chết,
Không mong gì cách biệt ly sanh.
Ôi, Thiên đế cho tôi lời nguyện,
Bậc tôn cao Tam thập tam thiên!
Ôi Đại Thánh, trên đời tối thượng,
Biết cho tôi lời nguyện vững bền.
Kính lễ Đấng Hùng Lực,
Tối thượng giữa nhân gian,
Dứt trừ gai ái dục,
Con lạy Đấng Nhật Thân[14].

Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ tam-muội dậy, tán thán Ngũ Kết Nhạc tử:

“Lành thay! Lành thay! Ngũ Kết, giọng ca của ngươi cùng với tiếngđàn hòa điệu; tiếng đàn và giọng ca hòa điệu. Giọng ca không đi ngoài tiếng đàn; tiếng đàn không đi ngoài giọng ca. Này Ngũ Kết, ngươi nhớ lạingày xưa, ngươi có ca tụng bài kệ liên quan đến tình yêu, liên quan đếnrồng, liên quan đến Sa-môn, liên quan đến La-hán này chăng?”

Ngũ Kết thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, mong Đại Tiên Nhân[15] tự biết cho. Bạch Đại Tiên Nhân, ngày xưa, khi Thế Tôn mới chứng đắc giác đạo, ở tại Uất-bệ-la[16], bên bờ sông Ni-liên-thiền[17], dưới gốc cây A-xà-hòa-la-ni-câu-loại[18]. Bấy giờ con gái của Nhạc vương Đam-phù-lâu[19], tên là Hiền Nguyệt Sắc[20] và có một thiên thần tên là Kết, con trai của Ma-đâu-lệ, người đánh xe[21], yêu người con gái kia.

“Bạch Đại Tiên Nhân, vị ấy trong lúc đang yêu người con gái ấy, con cũng yêu người con gái ấy. Nhưng, bạch Đại Tiên Nhân, khi con yêu người con gái ấy mà cuối cùng không được. Bấy giờ con đứng sau người congái ấy mà ngâm bài kệ liên quan đến tình yêu, liên quan đến rồng, liên quan đến Sa-môn, liên quan đến La-hán này.

“Bạch Đại Tiên Nhân, khi con ngâm bài kệ này, người con gái ấy quay nhìn lại, hân hoan cười nụ và nói với con rằng: ‘Ngũ Kết, tôi chưa được thấy Phật Thế Tôn kia, nhưng tôi nghe từ các vị trời Tam thập tam nói rằng: ‘Đức Thế Tôn kia là Như Lai, là Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu’. Này Ngũ Kết, nếu anh đã từng nhiều lần ca ngợi Đức Thế Tôn, vậy anh có thể cùng với tôi đồng thờ kínhĐấng Đại Tiên Nhân’. Con chỉ gặp gỡ nàng được một lần duy nhất, từ đó về sau không còn thấy lại.”

Bấy giờ Thiên Vương Thích nghĩ rằng: “Ngũ Kết nhạc tử đã làm cho Thế Tôn ra khỏi thiền định, thông báo ta với Đức Thiện Thệ.” Rồi thì, Thiên Vương Thích nói:

“Ngũ Kết, ngươi hãy đến nơi ấy, thay mặt ta đảnh lễ sát chân Phậtmà thăm hỏi Đức Thế Tôn rằng: ‘Thánh thể có khỏe mạnh, an ổn khoái lạc,không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng? Bạch Đại TiênNhân, Thiên Vương Thích và chư Thiên ở Tam thập tam muốn đến yết kiến Thế Tôn’.”

Ngũ kết thưa:

“Xin vâng.”

Khi đó, Ngũ Kết bỏ đàn lưu ly xuống, chắp tay hướng về Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn! Kính Đại Tiên Nhân! Thiên Vương Thích xin cúi đầu dưới chân Phật, thăm hỏi Thế Tôn rằng: ‘Thánh thể có khỏe mạnh, an ổn khoái lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng? Bạch Đại Tiên Nhân, Thiên Vương Thích và chư Thiên ở Tam thập tam muốn đến yết kiến Thế Tôn’.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Ngũ Kết, mong cho Thiên Vương Thích được an ổn khoái lạc. Chư Thiên, loài người, A-tu-la, Kiền-thát-bà, La-sát và tất cả các loài chúng sanh khác đều được an ổn, khoái lạc. Này Ngũ Kết, Thiên Vương Thích có muốn đến yết kiến Ta, vậy xin cứ tùy ý.”

Ngũ Kết nghe Phật dạy xong, khéo léo thọ trì, đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra, trở về đến chỗ Thiên Vương Thích thưa rằng:

“Tâu Thiên vương, tôi đã bạch với Thế Tôn. Thế Tôn nay đang đợi Thiên vương. Mong Thiên vương nên tự biết thời.”

Bấy giờ, Thiên Vương Thích cùng chư Thiên Tam thập tam và Ngũ kếtnhạc tử đi đến chỗ Phật. Khi ấy, Thiên Vương Thích cúi đầu sát chân Phật, ba lần tự xưng danh tánh rằng:

“Bạch Đại Tiên Nhân! Con là Thiên Vương Thích! Con là Thiên Vương Thích!”

Đức Thế Tôn bảo:

“Quả thật vậy! Quả thật vậy. Này Câu-dực[22], ngươi chính là Thiên Vương Thích.”

Thiên Vương Thích ba lần tự xưng danh tánh, đảnh lễ chân Phật rồi đứng sang một bên. Khi ấy, Thiên Vương Thích thưa rằng:

“Bạch Đại Tiên Nhân, con nên ngồi cách Thế Tôn xa hay gần?”Đức Thế Tôn dạy:

“Ngươi hãy ngồi gần ta. Vì sao? Vì người có hàng chư Thiên quyến thuộc đông vậy.”

Rồi Thiên Vương Thích đảnh lễ chân Phật và ngồi sang một bên. ChưThiên Tam thập tam và Ngũ Kết nhạc tử cũng đảnh lễ chân Phật rồi ngồi sang một bên. Lúc ấy động Nhân-đà-la bỗng nhiên rộng lớn. Vì sao? Vì do oai thần của Phật và oai đức của chư Thiên vậy.

Thiên Vương Thích sau khi ngồi xuống, thưa rằng:

“Bạch Đại Tiên Nhân, đã từ lâu con muốn đến yết kiến Thế Tôn, muốn thưa hỏi về giáo pháp. Bạch Đại Tiên Nhân, xưa kia, một thời Đức Thế Tôn du hóa tại nước Xá-vệ, trong một vách đá[23]. Bạch Đại Tiên Nhân, lúc đó con có việc riêng, cùng với chư Thiên Tam thập tam đi xe ngàn voi[24] đến nhà của đại vương Bệ-Sa-môn[25]; Bệ-sa-môn đại vương gia có người thiếp tên là Bàn-xà-na[26].

“Lúc bấy giờ Thế Tôn đang nhập định, im lặng tịch nhiên. Người thiếp kia chắp tay đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn. Bạch Đại Tiên Nhân, con nói với Bàn-xà-na rằng: ‘Này hiền muội, nay không phải lúc ta đến yết kiến Thế Tôn. Thế Tôn đang nhập định. Nếu khi nào Thế Tôn xuất định,hiền muội hãy thay mặt ta đảnh lễ Thế Tôn và hỏi thăm Thánh thể của ThếTôn có khỏe mạnh, an ổn, khoái lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường không nói như vầy: ‘Bạch Đại Tiên Nhân, Thiên Vương Thích đảnh lễ chân Phật và thăm hỏi rằng: ‘Thế Tôn có khỏe mạnh, an ổn, khoái lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường không?’ Bạch Đại Tiên Nhân, cô em ấy có thay mặt con đảnh lễ chân Phật và thăm hỏi Thế Tôn, Thế Tôn có nhớ chăng?”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Câu-dực, cô em ấy có thay mặt ngươi đảnh lễ và cũng nói lại ýngươi muốn thăm hỏi. Ta có nhớ việc ấy. Này Câu-dực, khi người đi, Ta nghe tiếng xe lăn mà xuất định.”

“Bạch Thế Tôn, ngày xưa con có nghe rằng, khi Đức Như Lai, Bậc VôSở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu xuất hiện ở đời thì thiên chúng được hưng thịnh mà A-tu-la bị giảm thiểu.

“Bạch Đại Tiên Nhân, chính mắt con trông thấy Tỳ-kheo đệ tử Thế Tôn theo Phật tu hành phạm hạnh, xả dục, ly dục. Khi thân hoại mạng chung được đến cõi an lành, sanh lên trời.

“Bạch Đại Tiên Nhân, Thích nữ Cù-tỳ[27]là đệ tử của Thế Tôn cũng theo Thế Tôn tu tập phạm hạnh, ghê tởm thân nữ, ái lạc thân nam, chuyển thân nữ thành thân nam, xả dục, ly dục, khi thân hoại mạng chung được sanh đến cõi Tam thập tam thiên làm con của con. Nàng đã thọ sanh rồi, chư Thiên thảy đều biết, Cù-bà thiên tử[28], có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần.

“Bạch Đại Tiên Nhân, con lại thấy có ba vị Tỳ-kheo đệ tử Thế Tôn cũng theo Thế Tôn tu tập phạm hạnh, nhưng không xả ly dục, khi thân hoạimạng chung chúng sanh vào trong Kỹ nhạc cung[29]thấp kém. Họ đã thọ sanh rồi, ngày ngày đến Tam thập tam thiên cùng chưThiên hầu hạ Cù-bà thiên tử. Thiên tử thấy chúng liền nói bài kệ:

Pháp nhãn Ưu-bà-di[30],
Tôi vốn tên Cù-tì,
Phụng kính Phật và pháp,
Tịnh ý thờ Tăng-già.
Tôi đã nhờ ân Phật,
Thích tử phước đức lớn,
Diệu sanh Tam thập tam,
Thiên tử, mọi người biết.
Biết người vốn Tỳ-kheo,
Sanh làm thần kỹ nhạc;
Chắp tay đứng trước mặt
Cù-bà nói kệ cho.
Vốn con Đức Cù-đàm;
Khi tôi ở nhân gian,
Nhà ta các ngươi đến;
Ẩm thực tôi cúng dường.
Ngươi vốn cùng bậc Thánh
Hành vô thượng phạm hạnh;
Nay lại để người sai,
Thường nhật kính phụng trời.
Xưa tôi hầu hạ người,
Cùng nghe Thánh diệu pháp.
Được tín, thành tựu giới;
Khéo sanh cõi trời này.
Người vốn được thờ phụng,
Hành vô thượng phạm hạnh.
Nay lại để người sai
Thường nhật kính phụng trời.
Mặt mày người là gì?
Phật pháp đã thọ trì,
Quay lưng, không hướng Pháp,
Pháp nội tâm chứng tri[31],
Thánh nhãn đã dạy rõ[32].
Tôi xưa hầu các vị;
Nay nhạc thần thấp kém;
Tự theo phi pháp hành,
Tự sanh chỗ phi pháp.
Ta sống đời tại gia;
Nay xem thắng đức ta,
Chuyển nữ thành thiên tử,
Thọ ngũ dục tự do.
Con Cù-đàm bị mắng,
Buồn nản, khen Cù-đàm[33]:
Ta[34] nay hãy tiến hành;
Thiên tử nói thật đúng.
Hai trong số cần hành,
Nhớ pháp luật Cù-đàm,
Biết dục là tai họa,
Bèn xả ly dục tham.
Chúng bị dục trói chặt,
Tức xả ly được liền.
Như voi bứt dây xích,
Vượt Tam thập tam thiên.
Nhân-đà-la, Thiên, Phạm,
Tất cả đều đến nhóm.
Họ liền vượt chỗ ngồi,
Hùng mãnh xả trần dục.
Đế Thích thấy chúng phiền[35];
Thắng Thiên[36], trời trên trời.
Chúng vốn sanh hạ tiện,
Nay vượt Tam tam thiên.
Ưu phiền, rồi tấm tắc[37].
Cù-bà nói sau hết:
Loài người có Đại Giác,
Đấng Mâu-ni thắng dục[38].
Con Ngài do lãng quên,
Bị quở trách, lại được.
Một trong ba vị kia
Sanh trong thần kỹ nhạc.
Hai vị chánh đạo thành
Tại trời, vui định căn.
Ngươi nói pháp như vầy;
Đệ tử không mê hoặc,
Vượt lậu, đoạn tà nghi,
Lễ Phật, thắng phục căn[39].
Bởi vì tỏ các pháp,
Hai vị được tiến thăng.
Từ chỗ tiến thăng ấy
Sanh lên trời Phạm thiên.
Chúng con biết pháp ấy
Nên đến đây, Đại Tiên!”

Bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Vị Quỷ[40]này không bao giờ dua nịnh, dối trá, không huyễn hoặc, chất trực. Nếu có hỏi tất là muốn biết, chứ không phải muốn xúc nhiễu. Những điều vị này muốn hỏi cũng vậy. Ta hãy nói A-tỳ-đàm thậm thâm.”

Đức Thế Tôn biết như thế rồi, Ngài liền nói bài kệ cho Thiên Vương Thích:

Vì an lạc đời này,
Và an lạc đời sau,
Câu-dực tùy ý hỏi,
Theo những điều sở thích.
Điều này hay điều kia,
Ta quyết đoán hết thảy.
Thế Tôn đã nghe cho
Nhật Thiên cầu đạo nghĩa,
Tại nước Ma-kiệt-đà
Hiền Bà-sa-bà hỏi[41].

Bấy giờ Thiên Vương Thích thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, các loại trời, người, A-tu-la, Kiền-đạt-hòa, La-sát và các chủng loại khác[42], mỗi mỗi có bao nhiêu kết sử[43]?”

Đức Thế Tôn nghe xong, đáp:

“Này Câu-dực, các loại trời, người, A-tu-la, Kiền đạt hòa, La-sátvà các chủng loại khác, mỗi mỗi đều có hai kết là bỏn sẻn và ganh tị[44]. Mỗi chủng loại ấy đều nghĩ rằng: ‘Mong sao ta không gậy[45], không kết, không oán, không nhuế, không tranh, không đấu, không khổ, sống trong an lạc[46].’ Chúng tuy nghĩ như vậy, nhưng vẫn có gậy, có kết, có oán, có nhuế, có tranh, có đấu, có khổ mà không sống trong sự an lạc.”

Thiên Vương Thích nghe thế, thưa rằng:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên Nhân, các loài trời, người, A-tu-la, Kiềnđạt hòa, La-sát và các chủng loại khác, mỗi mỗi đều có hai kiết sử. Chúng nghĩ rằng: ‘Mong sao ta không gậy, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, không đấu, không khổ, mà sống trong sự an lạc’. Chúngtuy nghĩ như vậy, nhưng vẫn có gậy, có kết, có oán, có nhuế, có tranh, có đấu, có khổ mà không sống trong sự an lạc. Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên Nhân. Đúng như pháp mà Phật đã nói, con đã biết. Con đã đoạn trừ nghi hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên Vương Thích sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phụng hành; rồi lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên Nhân, bỏn sẻn, ganh tị do nhân gì duyên gì, từ đâusanh ra, do đâu mà có? Lại do nhân gì, duyên gì mà không có bỏn sẻn và ganh tị?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Câu-dực, bỏn sẻn và ganh tị nhân nơi yêu và không yêu[47],duyên nơi yêu và không yêu; từ nơi yêu và không yêu sanh ra; do yêu và không yêu mà có. Nếu không có yêu, và không yêu thì không có bỏn sẻn và ganh tị vậy.”

Thiên Vương Thích nghe xong, thưa rằng:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên Nhân. Bỏn sẻn và ganh tị nhân nơi yêu và không yêu, duyên nơi yêu và không yêu; từ nơi yêu và không yêu sanh ra; do yêu và không yêu mà có. Nếu không có yêu, và không yêu thì không có bỏn sẻn và ganh tị. Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạchThiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên Nhân. Đúng như pháp mà Phật đã nói, con đã biết. Con đã đoạn trừ nghi hoặc, không còn do dự, do nghenhững điều Phật dạy.”

Thiên Vương Thích sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

Thiên Vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên Nhân, yêu và không yêu là do nhân gì, duyên gì, từđâu phát sanh, do đâu mà có? Lại do nhân nào mà không có yêu và không yêu?”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Câu-dực, yêu và không yêu là nhân nơi dục và duyên nơi dục mà phát sanh, do dục mà có[48]. Nếu vô dục thì không có yêu và không yêu vậy.”

Thiên Vương Thích nghe xong, thưa rằng:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thậït sự như vậy, bạch Đại Tiên Nhân! Yêu và không yêu là nhân nơi dục và duyên nơi dục mà phát sanh, do dục mà có. Nếu vô dục thì không có yêuvà không yêu vậy. Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên Nhân! Đúng như pháp mà Phật đãnói, con đã biết. Con đã đoạn trừ nghi hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên Vương Thích sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thiên Vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên Nhân, dục là do nhân gì, duyên gì, từ đâu mà sanh, do đâu mà có; do nhân nào không có dục?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Câu-dực, dục là do nhân niệm[49] và duyên nơi niệm, từ nơi niệm mà phát sanh; do niệm mà có; nếu không có suy niệm thì không có dục.”

Thiên Vương Thích nghe thế thưa rằng:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên Nhân, dục là do nhân niệm và duyên nơi niệm, từ nơi niệm mà phát sanh; do niệm mà có; nếu không có suy niệm thìkhông có dục. Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên Nhân! Đúng như pháp mà Phật đãnói, con đã biết. Con đã đoạn nghi, trừ hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên Vương Thích sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thiên Vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên Nhân, niệm là do nhân gì, duyên gì, từ đâu mà sanh, do đâu mà có. Lại do nhân nào không có suy niệm?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Câu-dực, niệm là nhân nơi tư và duyên nơi tư, từ nơi tư mà phát sanh, do tư mà có[50]. Nếu không có tư thì không có niệm.

“Do niệm có dục, do dục có yêu và không yêu. Do yêu và không yêu có bỏn sẻn và ganh tị. Do bỏn sẻn và ganh tị mà sanh ra dao, gậy, đấu tranh, thù nghịch, dua nịnh, dối trá, nói láo, nói hai lưỡi, trong tâm sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện. Như vậy, toàn khối lớn khổ đau này phát sanh.

“Nếu không có tư thì không có niệm. Nếu không có niệm thì không có dục. Nếu không có dục thì không có yêu và không yêu. Nếu không có yêuvà không yêu thì không có bỏn sẻn và ganh tị. Nếu không có bỏn sẻn và ganh tị thì không có dao gậy, đấu tranh, thì nghịch, dua nịnh, dối trá, nói láo, nói hai lưỡi, trong tâm không sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện. Như vậy, toàn khối lớn đau khổ này tiêu diệt”.

Thiên Vương Thích nghe xong, thưa rằng:

“Con đã hiểu, bạch Thế Tôn! Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ! Con đã hiểu, bạch Đại Tiên Nhân. Niệm là nhân nơi tư và duyên nơi tư, từ nơi tưmà phát sanh, do tư mà có. Nếu không có tư thì không có niệm.

“Do niệm có dục, do dục có yêu và không yêu. Do yêu và không yêu có bỏn sẻn và ganh tị. Do bỏn sẻn và ganh tị mà sanh ra dao, gậy, đấu tranh, thù nghịch, dua nịnh, dối trá, nói láo, nói hai lưỡi, trong tâm sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện. Như vậy, toàn khối lớn khổ đau này phát sanh.

“Nếu không có tư thì không có niệm. Nếu không có niệm thì không có dục. Nếu không có dục thì không có yêu và không yêu. Nếu không có yêuvà không yêu thì không có bỏn sẻn và ganh tị. Nếu không có bỏn sẻn và ganh tị thì không có dao gậy, đấu tranh, thì nghịch, dua nịnh, dối trá, nói láo, nói hai lưỡi, trong tâm không sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện. Như vậy, toàn khối lớn đau khổ này tiêu diệt.

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên Nhân! Đúng như pháp mà Phật đã nói, con đã biết. Con đã đoạn nghi, trừ hoặc, không còn do dự, do nghe những điềuPhật dạy.”

Thiên Vương Thích sau khi nghe xong những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thiên Vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên Nhân, thế nào là con đường tiêu diệt hý luận[51]. Tỳ-kheo thực hành như thế nào để hướng đến con đường tiêu diệt hý luận?”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Này Câu-dực, con đường tiêu diệt hý luận là Thánh đạo tám chi. Đó là, chánh kiến, chánh tư duy, cho đến chánh định. Này Câu-dực, đó là con đường tiêu diệt hý luận. Tỳ-kheo thực hành như vậy để hướng đến con đường tiêu diệt hý luận.”

Thiên Vương Thích nghe dạy xong, thưa rằng:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên Nhân, con đường tiêu diệt hý luận là Thánh đạo tám chi. Đó là, chánh kiến, chánh tư duy, cho đến chánh định. Này Câu-dực, đó là con đường tiêu diệt hý luận. Tỳ-kheo thực hành như vậy để hướng đến con đường tiêu diệt hý luận. Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên Nhân! Đúng như pháp mà Đức Phật đã dạy, con đã rõ. Con đã đoạn trừ nghi hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy”.

Thiên Vương Thích sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thiên Vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên Nhân, một Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận phải đoạn bao nhiêu pháp và hành bao nhiêu pháp?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Câu-dực, Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận phải đoạn ba pháp và tu hành ba pháp. Thế nào là ba? Một là niệm, hai là ngôn, ba là cầu[52].

“Này Câu-dực, niệm ấy Ta nói có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu niệm mà không nên hành thì Ta liền đoạn trừ. Nếu niệm nên hànhthì Ta biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu niệm kia vậy. Ngôn cũng như thế.

“Này Câu-dực, cầu ấy Ta nói cũng có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu cầu mà không nên hành thì Ta liền đoạn. Nếu cầu mà nên hành thì Ta biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí, để thành tựu cầu kiavậy.”

Thiên Vương Thích nghe xong, thưa:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn! Thật sự như vậy, bạch Thiện Thệ! Thật sự như vậy, bạch Đại Tiên Nhân! Tỳ-kheo không hướng đến con đường tiêu diệt hý luận, đoạn ba pháp, tu hành ba pháp. Thế nào là ba? Một là niệm, hai là ngôn, ba là cầu.

Đại Tiên Nhân đã nói, niệm có hai loại nên hành và không nên hành. Nếu niệm tăng trưởng pháp ác bất thiện và giảm tổn thiện pháp thì Đại Tiên Nhân liền đoạn trừ. Nếu niệm giảm tổn pháp ác bất thiện và tăngtrưởng thiện pháp thì Đại Tiên Nhân biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu niệm kia vậy. Ngôn cũng như vậy. Đại Tiên Nhân đã nói cầu cũng có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu cầu tăng trưởng pháp ác bất thiện và tổn giảm thiện pháp thì Đại Tiên Nhân liền đoạn trừ. Nếu cầu mà giảm tổn pháp ác bất thiện và tăng trưởng thiện pháp thìĐại Tiên Nhân biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu cầu kia vậy.

“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên Nhân! Đúng như pháp Phật đã nói, con đã biết. Conđã đoạn trừ nghi hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên Vương Thích sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thiên Vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên Nhân, Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận, có bao nhiêu pháp; để thủ hộ Tùng giải thoát[53],hành bao nhiêu pháp?

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Câu-dực, Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận có sáu pháp; để thủ hộ tùng giải thoát hành sáu pháp. Sáu pháp ấy là gì? Đólà, mắt thấy sắc, tai nghe thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc, ý biết pháp.

“Này Câu-dực, mắt thấy sắc ấy, Ta nói có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu mắt thấy sắc không nên hành thì Ta liền đoạn trừ. Nếu mắt sắc nên hành thì Ta biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu mắt vậy.

“Cũng như thế, đối với tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc và ý biết pháp ấy, Ta nói cũng có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu ý biết pháp không nên hành thì Ta liền đoạn trừ. nếu ý biết pháp nên hành thì Ta biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu ý vậy.”

Thiên Vương Thích nghe xong, thưa:

“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên Nhân! Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận có sáu pháp; để thủ hộ Tùng giải thoát hành sáu pháp. Sáu pháp ấy là gì? Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc, ý biết pháp. Đại Tiên Nhân đã nói, mắt thấy sắc có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu mắt thấy mà tăng trưởng pháp ác bất thiện và làm tổn giảm thiện pháp thì Đại Tiên Nhân liền đoạn trừ. Nếu mắt thấy sắc làm tổn giảm pháp ác bất thiện và làm tăng trưởng thiện pháp thì Đại Tiên Nhân biết lúc nào nên hành vậy. Có niệm, có trí để thành tựu mắt vậy. Cũng như thế, đối với tai nghe tiếng, mũi ngửi hương,lưỡi nếm vị, thân biết xúc, ý biết pháp cũng có hai loại, nên hành và khôngnên hành. Nếu ý biết pháp làm tăng trưởng pháp ác bất thiện và giảm tổn thiện pháp thì Đại Tiên Nhân liền đoạn trừ. Nếu ý biết pháp làm tổn giảm pháp ác bất thiện và tăng trưởng thiện pháp thì Đại Tiên Nhân biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu ý vậy. Đúng như vậy, bạchThế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên Nhân! Đúng như pháp Phật đã nói, con đã biết. Con đã đoạn nghi, trừ hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên Vương Thích sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thiên Vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên Nhân, vị Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận, khi thân mạng tồn tại trong một khoảnh khắc, phải đoạn bao nhiêu pháp và tu hành bao nhiêu pháp?”

Đức Thế Tôn dạy:

“Này Câu-dực, Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận, khi thân mạng tồn tại trong một khoảnh khắc, lại cũng phải đoạn ba pháp và tu hành ba pháp. Ba pháp ấy là gì? Một là hỷ, hai là ưu và ba là xả[54].

“Này Câu-dực, hỷ ấy Ta nói có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu hỷ mà không nên hành thì Ta liền đoạn trừ. Nếu hỷ nên hành thìTa biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu hỷ vậy. Ưu cũng như thế.

“Này Câu-dực, xả ấy Ta nói cũng có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu xả mà không nên hành thì Ta liền đoạn trừ. nếu xả nên hànhthì Ta biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu xả vậy.”

Thiên Vương Thích nghe xong, thưa:

“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên Nhân! Tỳ-kheo hướng đến con đường tiêu diệt hý luận, khi thân mạng tồn tại trong một khoảnh khắc phải đoạn trừ ba pháp và thực hành ba pháp. Ba pháp ấy là gì? Một là hỷ, hai là ưu, ba là xả. Đại Tiên Nhân đã nói hỷ có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu hỷ làm tăng trưởng pháp ác bất thiện và giảm tổn thiện pháp thì liền đoạn trừ. Nếu hỷ làm giảm tổn pháp ác bất thiện và tăng trưởng thiện pháp thìbiết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu hỷ vậy. Ưu cũng nhưthế. Đại Tiên Nhân đã nói xả cũng có hai loại, nên hành và không nên hành. Nếu xả làm tăng trưởng pháp ác bất thiện và giảm tổn thiện pháp thì liền đoạn trừ. Nếu xả làm tổn giảm pháp ác bất thiện và trăngtrưởng thiện pháp thì biết lúc nào nên hành, có niệm, có trí để thành tựu xả vậy. Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên Nhân! Đúng như pháp Phật đã nói, con đãbiết. Con đã đoạn nghi trừ hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên Vương Thích sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thiên Vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên Nhân, tất cả Sa-môn, Phạm chí đều đồng một thuyết,đồng một mong cầu, đồng một sở thích, đồng một an lạc, đồng một ý hướngchăng?[55]“

Đức Phật dạy:

“Này Câu-dực, tất cả Sa-môn, Phạm chí không đồng một thuyết, không đồng một mong cầu, không đồng một sở thích, không đồng một an lạc,không đồng một ý hướng.”

Thiên Vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên Nhân, tất cả Sa-môn, Phạm chí vì lý do gì mà khôngđồng một thuyết, không đồng một mong cầu, không đồng một sở thích, không đồng một an lạc, không đồng một ý hướng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Câu-dực, thế giới này có nhiều chủng loại giới, có vô lượng giới[56].Vị ấy tùy theo một giới được biết đến, rồi nhân giới đó tùy khả năng của mình mà nói một chiều rằng ‘Đây là chân thật, ngoài ra đều hư dối’. Này Câu-dực, cho nên tất cả Sa-môn, Phạm chí không đồng một thuyết, không đồng một mong cầu, không đồng một sở thích, không đồng một an lạc,không đồng một ý hướng vậy.”

Thiên Vương Thích nghe xong, thưa:

“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên Nhân! Thế giới này có nhiều chủng loại giới, có vô lượng giới. Vị ấy tùy theo một giới được biết đến, rồi ở nơi giới đó tùy khả năng của mình mà nói một chiều rằng ‘Đây là chân thật, ngoài ra đều hư vọng’. Bạch Đại Tiên Nhân, vì thế mà tất cả Sa-môn, Phạm chí không đồng một thuyết, không đồng một mong cầu, không đồng một sở thích,không đồng một an lạc, không đồng một ý hướng vậy. Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên Nhân!Đúng như pháp Phật đã nói, con đã biết. Con đã đoạn trừ nghi hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy”.

Thiên Vương Thích sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

Thiên Vương Thích lại hỏi:

“Bạch Đại Tiên Nhân, tất cả Sa-môn, Phạm chí đều đạt đến cứu cánh, cứu cánh bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh, thành tựu cứu cánh phạm hạnh chăng[57]?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Câu-dực, không hẳn tất cả Sa-môn, Phạm chí đều đạt đến cứu cánh, cứu cánh bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh, thành tựu cứu cánh phạm hạnh.”

Thiên Vương Thích, thưa:

“Bạch Đại Tiên Nhân, vì lý do gì mà không hẳn tất cả Sa-môn, Phạmchí đều đạt đến cứu cánh, cứu cánh phạm bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh, thành tựu cứu cánh phạm hạnh?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Câu-dực, nếu có Sa-môn, Phạm chí đối với vô thượng ái tận, không toàn vẹn chân chánh tâm giải thoát[58], kẻ ấy không đạt đến cứu cánh, không cứu cánh bạch tịnh, không cứu cánh phạm hạnh, không thành tựu cứu cánh phạm hạnh.

“Này Câu-dực, nếu có Sa-môn, Phạm chí đối với vô thượng ái tận toàn vẹn chân chánh tâm giải thoát, kẻ ấy đạt đến cứu cánh, cứu cánh bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh, thành tựu cứu cánh phạm hạnh.”

Thiên Vương Thích, thưa:

“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên Nhân, nếu có Sa-môn, Phạm chí đối với vô thượng ái tận không hoàn toàn chân chánh tâm giải thoát, kẻ ấy không đạt đến cứu cánh, không cứu cánh bạch tịnh, không cứu cánh phạm hạnh, không thành tựu cứu cánh phạm hạnh.

‘Bạch Đại Tiên Nhân, nếu có Sa-môn, Phạm chí đối với vô thượng áitận toàn vẹn chân chánh tâm giải thoát, kẻ ấy đạt đến cứu cánh, cứu cánh bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh, thành tựu cứu cánh phạm hạnh. Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Đúng như vậy, bạch Thiện Thệ! Đúng như vậy, bạch Đại Tiên Nhân! Đúng như pháp Phật đã nói, con đã biết, con đã đoạn nghi,trừ hoặc, không còn do dự, do nghe những điều Phật dạy.”

Thiên Vương Thích sau khi nghe những điều Phật nói, hoan hỷ phụng hành.

Thiên Vương Thích lại nói:

“Bạch Đại Tiên Nhân, con lâu nay bị gai nhọn nghi hoặc, ngày nay được Thế Tôn nhổ ra. Vì sao? Vì Như Lai là Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác vậy.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Câu-dực, ngươi nhớ lại ngày xưa ngươi đã từng hỏi các Sa-môn, Phạm chí việc như thế chăng?”

Thiên Vương Thích đáp:

“Bạch Thế Tôn, mong Đại Tiên Nhân tự biết cho. Bạch Đại Tiên Nhân, chư Thiên Tam thập tam tập họp tại Pháp đường, đều ôm lòng sầu não, thường than thở rằng ‘Chúng ta nếu gặp được Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, quyết sẽ đến yết kiến’. Bạch Đại Tiên Nhân, nhưng chúng con không gặp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, bèn thụ hưởng đầy đủ công đức của ngũ dục[59].

“Bạch Đại Tiên Nhân, chúng con phóng dật. Sau khi sống phóng dật,vị thiên tử có đại oai đức, ngay nơi chỗ cực diệu mà mạng chung. Bạch Đại Tiên Nhân, khi con thấy vị thiên tử đại oai đức ngay nơi chỗ cực diệu mà mạng chung bèn chán nản hết sức, lông tóc đều dựng ngược ‘Mong ta không ở nơi này mà mạng chung nhanh chóng’.

“Bạch Đại Tiên Nhân, con do sự chán này, sự ưu não này, nên thấy Sa-môn, Phạm chí nào sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, thích ở trên sườn núi cao, vắng bặt không có tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa; sau khi thấy vị ấy ưathích nơi xa vắng, tĩnh tọa, sống an ổn khoái lạc, con cho rằng đây là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, liền đến yết kiến.

“Vị ấy không biết con, nên hỏi rằng: ‘Ông là ai?’

“Lúc đó con đáp rằng ‘Bạch Đại Tiên Nhân, con là Thiên Vương Thích. Bạch Đại Tiên Nhân, con là Thiên Vương Thích’.

“Vị ấy lại hỏi ‘Ta từng thấy Thích và cũng thấy chủng tánh Thích.Vì lý do gì gọi là Thích? Vì lý do gì gọi là chủng tánh Thích?’

“Con liền đáp rằng ‘Bạch Đại Tiên Nhân, nếu có ai đến hỏi con việc như vậy, con liền tùy khả năng, tùy sức[60] mà trả lời, cho nên được gọi là Thích’.

“Vị ấy lại hỏi ‘Chúng ta nếu tùy theo việc mà hỏi Thích, Thích cũng tùy việc mà đáp lại ta’.

“Vị ấy hỏi việc con, nhưng con không hỏi việc vị ấy. Vị ấy quy mạng con, nhưng con không quy mạng vị ấy.

“Bạch Đại Tiên Nhân, từ nơi Sa-môn Phạm chí kia, hoàn toàn không được oai nghi giáo pháp, huống nữa lại được hỏi như vậy sao?”

Lúc ấy, Thiên Vương Thích nói bài tụng:

Thích[61] đi qua, đi qua;
Thích hay nói như thế.
Ý tưởng niệm lìa xa;
Trừ nghi, các do dự;
Từ lâu đi trong đời,
Tìm cầu Đức Như Lai.
Thấy Sa-môn, Phạm chí
Tĩnh tọa nơi xa xôi
Cho là Chánh Đẳng Giác;
Đến phụng cúng, lạy thờ:
‘Làm sao được thăng tấn’.
Như vậy con hỏi Ngài
Đã hỏi, không được đáp,
Thánh đạo và đạo tích.
Thế Tôn nay vì con,
Nếu ý có sở nghi,
Sở niệm và sở tư,
Và sở hành của ý;
Biết tâm ẩn và hiện,
Thánh Nhãn nói cho hay.
Tôn Phật là Đạo Sư,
Tôn Vô trước Mâu-ni,
Tôn Bậc Đoạn kết sử,
Độ mình và độ người.
Đệ nhất trong hàng giác ngộ;
Tối thượng ngự trong hàng Điều ngự;
Tối diệu tịch trong hàng Tịch tĩnh;
Đấng Đại Tiên, độ mình, độ người.
Nên con lễ Đại Hùng;
Cúi lạy Tối Thượng Nhân;
Đoạn tuyệt gai ái dục;
Kính lạy Đấng Nhật Thân.

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại hỏi rằng:

“Này Câu-dực, ông có nhớ ngày xưa, được xả ly như vậy, được hoan hỷ[62] như vậy, nghĩa là do nơi Ta mà đạy được pháp hỷ chăng?”Thiên Vương Thích thưa:

“Bạch Thế Tôn, mong Đại Tiên Nhân tự biết cho.

“Bạch Đại Tiên Nhân, một thời xưa, chư Thiên và A-tu-la chiến đấuvới nhau. Bạch Đại Tiên Nhân, khi chư Thiên và A-tu-la chiến đấu với nhau, con nghĩ rằng ‘Mong chư Thiên thắng, phá vỡ A-tu-la. Thực phẩm củachư Thiên và thực phẩm của A-tu-la hãy để tất cả cho Tam thập tam thiênthọ thực’.

“Bạch Đại Tiên Nhân, khi chư Thiên đánh nhau với A-tu-la, chư Thiên đắc thắng, phá vỡ chúng A-tu-la. Thực phẩm của chư Thiên và thực phẩm của A-tu-la, tất cả đều được chư Thiên Tam thập tam thọ thực.

“Bạch Đại Tiên Nhân, bây giờ có ly, có hỷ, nhưng xen lẫn dao gậy,kết oán, đấu tranh, thù nghịch, không được thần thông, không được giác đạo, không được Niết-bàn.

“Bạch Đại Tiên Nhân, ngày nay được ly, được hỷ, không xen lẫn daogậy, kết oán, đấu tranh, thù nghịch, được thần thông, được giác đạo và được Niết-bàn.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Câu-dực, do đâu ngươi được ly được hỷ? Do nơi Ta mà được pháp hỷ chăng?

“Thiên Vương Thích đáp rằng:

“Bạch Đại Tiên Nhân, con nghĩ rằng ‘Ta mạng chung ở đây, sanh nơinhân gian. Ở đó nếu có dòng họ rất giàu sang, tiền của vô số, sản nghiệp, súc mục không thể tính được. Phong hô thực ấp các thứ đầy đủ, hoặc là chủng tộc Sát-lợi trưởng giả, chủng tộc Phạm chí trưởng giả và các chủng tộc khác, rất là giàu sang, của cải vô số, sản nghiệp, súc mụckhông thể tính được. Phong hô thực ấp các thứ đầy đủ. Sau khi sanh vào chủng tộc như thế, thành tựu các căn, có tín tâm đối với pháp luật mà Đức Như Lai giảng thuyết. Sau khi có tín tâm, liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo và họctrí. Sau khi học trí, nếu thành đạt trí, liền chứng đắc cứu cánh trí, đạt đến biên tế cứu cánh. Nếu sau khi học trí mà không được cứu cánh họctrí và sau khi học trí thì có chư Thiên nào đó có đại phước hựu, có sắc tượng uy nguy, chói sáng rực rỡ, rất có oai lực, an ổn khoái lạc, sống mãi trong cung, sanh nơi tối thượng. Ta sanh trong đó”.

Bấy giờ Thiên Vương Thích nói bài tụng:

Xả ly thân Thiên thần,
Sanh xuống nơi nhân gian;
Thác thai không ngu muội,
Tùy sở thích hân hoan.
Thành thân đã hoàn mãn,
Chất trực, tu Thánh đạo,
Hành phạm hạnh trọn đủ
Sống vui đời xin ăn.

“Và sau khi học trí, nếu được trí, liền chứng đắc cứu cánh trí, đạt đến biên tế cứu cánh. Nếu học trí và sau khi học trí rồi mà được trínhưng không chứng đắc cứu cánh trí, đã thành vị trời tối thượng diệu, chư Thiên đều nghe danh, đó là Sắc cứu cánh thiên, sẽ sanh vào đó. Bạch Đại Tiên Nhân, con mong sẽ chứng đắc A-na-hàm. Bạch Đại Tiên Nhân, con nay đã chứng đắc Tu-đà-hoàn.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Câu-dực, ngươi do đâu mà được sai giáng[63] rất tốt đẹp, cực cao, cực rộng này, để có thể tự nói là đã chứng đắc Tu-đà-hoàn?”

Bấy giờ Thiên Vương Thích dùng bài kệ đáp:

Không còn tôn ai khác
Ngoài cảnh giới Thế Tôn.
Chứng Vô thượng sai giáng,
Cõi này thật chưa từng.
Đại Tiên, con ngồi đây,
Ngay với thân trời này
Con liền được tăng thọ
Chính mắt thấy như vầy.

Khi nói pháp này, Thiên Vương Thích xa lìa trần cấu, pháp nhãn của các pháp phát sanh. Tám vạn chư Thiên cũng được xa lìa trần cấu, pháp nhãn của các pháp phát sanh. Khi ấy Thiên Vương Thích thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn trừ nghi hoặc, không còn tôn ai khác, không còn do ai khác, không còn do dự, đã an trụ trên quả chứng, đối với giáo pháp của Phật mà chứng đắc vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nay xin tự quy Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Ngưỡng mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con tự quy y cho đến khi mạng chung.”

Bấy giờ Thiên Vương Thích ngợi khen Ngũ kết nhạc tử rằng:

“Lành thay! Lành thay! Ngũ Kết, ngươi đã giúp ích cho ta rất nhiều. Lý do vì sao? Do ngươi mà Phật xuất định, bởi ngươi trước hết khiến Thế Tôn từ định ra, khiến ta sau đó mới yết kiến được Thế Tôn. NàyNgũ Kết! Sau khi từ đây trở về, ta đem Hiền Nguyệt Sắc, con gái của Nhạc vương Đam-phù-lâu gã cho ngươi và đem bổn quốc của Nhạc vương ấy trao cho ngươi, phong tặng ngươi làm vua kỹ nhạc[64].”

Bấy giờ Thiên Vương Thích bảo chư Thiên Tam thập tam rằng:

“Các ngươi hãy lại đây! Nếu trước kia chúng ta vốn là Phạm thiên,sống trên cõi Phạm thiên, thường ba lần cung kính, lễ sự Phạm thiên vương thì các vị ấy nay tất cả đều cung kính lễ sự Thế Tôn. Lý do vì sao? Vì Thế Tôn là Phạm thiên, là vị Phạm thiên sẽ tạo hóa những bậc tốitôn, những chúng sanh đã sanh, những chúng sanh đã có và sẽ có, những gì Phạm thiên biết, Ngài đều biết hết, những gì Phạm thiên có thể thấy, Ngài đều thấy hết.”

Rồi Thiên Vương Thích, chư Thiên cõi Tam thập tam, Ngũ Kết nhạc tử, nếu trước kia từng là Phạm thiên, sống trên cõi Phạm thiên, ba lần cung kính, lễ sự Pham thiên, thì nay họ thảy đều hướng sự cung kính, lễ sự ấy đến Đức Thế Tôn, cúi đầu trước Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.

Bấy giờ, Thiên Vương Thích, chư Thiên Tam Tập Tam và Ngũ Kết nhạctử lại lần nữa cung kính lễ sự Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật, nhiễuquanh ba vòng rồi bỗng nhiên biến mất khỏi chỗ đó, không thấy nữa.

Bấy giờ Phạm thiên với sắc tượng nguy nguy, sáng chói rực rỡ, vàolúc trời gần sáng, đi đến chỗ Phật, cúi đầu sát chân Phật, rồi đứng sang một bên, dùng kệ bạch Thế Tôn:

Do gây nhiều thiện ích
Do lợi nghĩa, là “trời”.
Hiền giả ở Ma-kiệt,
Bà-sa-bà hỏi han.

“Khi Đại Tiên Nhân nói pháp này, Thiên Vương Thích xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp khác phát sanh và tám vạn chư Thiên cũng xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp phát sanh.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Phạm thiên rằng:

“Quả như vậy! Quả như vậy! Đúng như Phạm thiên đã nói:

Do gây nhiều thiện ích
Do lợi nghĩa, là “trời”.
Hiền giả ở Ma-kiệt,
Bà-sa-bà hỏi han.

“Này Phạm thiên, khi Ta nói pháp, Thiên Vương Thích xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp phát sanh và tám vạn chư Thiên cũng xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp phát sanh.”

Đức Phật thuyết như vậy. Thiên Vương Thích, chư Thiên Tam thập tam, Ngũ Kết nhạc tử và Đại phạm thiên, sau khi nghe Phật dạy xong, hoanhỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] BảnHán, quyển. Tương đương Pāli D. 21 Sakkapañha-sutta. Hán, biệt dịch No.1(14). Trường A-hàm kinh số 14 “Thích Đề-hoàn Nhân Vấn”; No.15 Phật Thuyết Đế Thích Sở Vấn Kinh, Tống Pháp Hiền dịch; Tham chiếu No.203 Tạp Bảo Tạng Kinh kinh số 73 “Đế Thích Vấn Sự Duyên Kinh”, Nguyên Ngụy, Cát-ca-dạ & Đàm-vô-sấm dịch (Đại 4, tr. 476).
[02] Ma-kiệt-đà摩 竭 陀; Pāli: Magadha. Vương xá thành 王 舍 城; Pāli: Rājagaha. Nại lâm 奈 林; No.1(14) Am-bà, Pāli: Ambasasaiḍa. Nhân-đà-la thạch thất 因 陀 羅 石 室; No.1(14) Nhân-đà-sa-la khốt (quật); Pāli: Indasāla-gūha. Bệ-đà-đề 鞞 陀 提; No.1(14) Ty-đà sơn; Pāli: Vediyaka.
[03] Thiên Vương Thích 天 王 釋 hay Thiên Đế Thích 天 帝 釋; Pāli: Sakka devānam inda.
[04] NgũKết nhạc tử 五 結 樂 子; cũng thường gọi là Ngũ Kế 五 髻 (năm chỏm); No.14 gọi là Chấp nhạc thần Ban-giá-dực. No.15: Ngũ Kết Càn-thát-bà vương tử. Sở dĩ có tên như vậy vì khi thọ sanh nhân gian, lúc còn nhỏ, vị này thắtnăm cái búi tóc trên đầu. Pāli: Pañcasikha Gandhabbaputta, một vị Càn-thát-bà (Gandhabba) xử dụng cây huyền cầm.
[05] Lưu ly cầm 琉 璃 琴. Pāli: Beluvapaṇḍuvīṇā: một nhạc khí nguyên là của Māra.
[06] Dụctương ưng kệ, Long tương ưng kệ, Sa-môn tương ưng kệ, A-la-ha tương ưngkệ 欲, 龍, 沙 門, 阿 羅 訶 相 應 偈. Pāli: buddhūpasaṃhitā dhammūpasaṃhitā saṅghūpasaṃhitā arahantūpasaṃhitā kāmūpasaṃhitā, nói về Phật, về Pháp, về Tăng, về A-la-hán, về dục.
[07] Hán: Hiền 賢. No.1(14) Bạt-đà; Pāli: Bhaddā, con gái của Timbaru, Chấp nhạc Thiên vương.
[08] Hán: nguyệt cập Đam-phù-lâu 月 及 耽 浮 樓.Pāli: (…) Timbaraṃ Suriyavaccase, (cha nàng) Timbara, (và nàng thì) rực rỡ như mặt trời.
[09] Hán:kim túc sa 金 粟 沙. Pāli: kiñjakkha, tơ sen hay nhụy sen.
[10] Hán: long tượng 龍 象.
[11] Pāli: amataṃ muni jigīsāno, (như) tu sĩ khát vọng sự bất tử (hay cam lộ).
[12] Các từ Mâu-ni ở đây chỉ chung các ẩn sĩ, hay tu sĩ; không chỉ riêng Đức Thích-ca Mâu-ni. Xem thêm chú thích trên.
[13] Trong nguyên bản: cúng dường chư Vô trước.
[14]Nhật chi thân 日 之 親. Pāli: Ādicca-bandhu, bà con của mặt trời, chỉ Đức Thích Tôn; theo truyền thuyết, dòng họ Thích xuất thân từ Mặt trời.
[15] Đại Tiên Nhân 大 仙 人. Pāli: Mahesi. Chỉ Phật.
[16] Uất-bệ-la 鬱 鞞 羅. Pāli: Uruvela, tên thôn; phía Nam Bồ-đề đạo tràng.
[17] Ni-liên-thiền hà 尼 連 禪 河. Pāli: Nerañjarā, chi lưu của sông Hằng, cách chỗ Phật thành đạo khoảng một dặm.
[18] A-xà-hòa-la-ni-câu-loại 阿 闍 惒 羅 尼 拘 類. Pāli: Ajapāla-Nigrodha, tức cây bồ-đề.
[19] Đam-phù-lâu Nhạc vương 耽 浮 樓 樂 王. Pāli: Timbaru-Gandhabba-rāja, Thần âm nhạc (vua Càn-thát-bà) tên là Timbaru.
[20] Hiền Nguyệt Sắc 賢 月 色. Pāli: Bhaddā Suriya-vaccasā, nàng Bhaddā lộng lẫy như mật trời.
[21]Thiên danh Kết Ma-đâu-lệ ngự xa tử 天 名 結 摩 兜 麗 御 車 子. No.1(14): Thi-hán-đà, Thiên đại tướng tử; Pāli: Sikkhaṇḍī nāma Mātalissa saṭthāhakassa putto, Sikkhandi, vốn là con trai của thần đánh xe Mātali.
[22] Câu-dực 拘 翼, cũng gọi la Kiêu-thi-ca. Pāli: Kosiya, biệt danh của Thiên Đế Thích.
[23]Thạch nham 石 巖. Pāli: Salaḷāgāra, ngôi nhà (agāra) có những cây salaḷa (loại cây tỏa mùi thơm) ở trước cửa (bản hán đọc là Sela-lagāra?). No.1(14): tại ngôi nhà của một người Bà-la-môn.
[24] Thiên tượng xa 千 象 車. No.1(14): thiên bức hảo xa, cỗ xe báu có bánh xe nghìn căm.
[25] Bệ-sa-môn 鞞 沙 門, hoặc Tì-sa-môn. Pāli: Vessavaṇa, Đa Văn Thiên vương, đứng đầu trong Tứ đại Thiên vương.
[26]Bàn-xà-na 槃 闍 那. Pāli: Bhuñjatī (Diệu Tý).
[27] Cù-tỳ Thích nữ 瞿 毗 釋 女. Pāli: Gopikā nāma Sakya-dhitā.
[28] Cù-bà thiên tử 瞿 婆 天 子. Pāli: Gopako devaputto.
[29] Kỹ nhạc cung 伎 樂 宫. Pāli: Gandhabbakāya, đội viên đội âm nhạc của Thiên Đế Thích.
[30]Nguyên Hán: dữ nhãn Ưu-bà-di 與 眼 優 婆 夷. Pāli: upāsikā cakkhumato ahosi,tôi vốn là Ưu-bà-di, vị nữ đệ tử của Bậc Hữu Nhãn, tức Đức Phật.
[31]Nguyên Hán: phản bối bất hướng pháp 反 背 不 向 法, Pháp quay vào nội tâm chứ không hướng ra bên ngoài. Pāli: paccattaṃ veditabbo hi dhammo.
[32]Nguyên Hán: thị nhãn giác thiện thuyết 是 眼 覺 善 說. Pāli: sudesito cakkhumatānubuddho, pháp ấy được khéo thuyết bởi Đấng Giác Ngộ có mắt.
[33]Pāli: te coditā Gotama-sāvakena saṃvegam āpāduṃ samecca Gopakaṃ, “họ bịmắng vì là đệ tử của Gotama, cuối cùng, đồng ý với Gopaka (và nói như sau)…”
[34] Ta, lời của những Thiên tử bị Cù-bà mắng.
[35] Pāli: Te disvā samvegam (...), (Đế Thích) sau khi thấy chư Thiên hiện diện ưu phiền (vì họ bị vượt qua ngay tại chỗ).
[36] Thắng thiên 勝 天, chỉ cho Thiên Đế Thích. Pāli: Devabhibhū.
[37]Diệu tức ngôn 妙 息 言 (những lời trầm lắng). Pāli: vaco nisamma, suy nghĩsâu xa về những lời (khiển trách). Trong bản Hán, đọc là nisama (diệu tức, hoàn toàn lắng xuống), thay vì nisamma (tư duy sâu xa).
[38] Nguyên Hán: tri dục 知 欲. Pāli: kāmābhibhū, vị đã chiến thắng dục vọng.
[39]Thắng phục căn 勝 伏 根. Pāli: buddhaṃ namassāma jinaṃ janidṃ, “chúng con lễ Phật, Đấng Chiến Thắng muôn loài”. Trong bản Hán, Janinda, Thiên đế của sanh loại, được hiểu là: jana (sanh loại) = jita: bị chinh phục, và inda (Thiên đế) = indriya: căn (quan năng hay giác quan).
[40]Hán: thử quỷ 此 鬼. Pāli: ayaṃ yakkho, con quỷ Dạ-xoa này. Yakkha (Dạ-xoa), Thiên Đế Thích cũng thường được gọi như vậy. Yakkha đôi khi làmột mỹ từ cũng được dùng để tán Phật, như M.56 (tr.386) (....) buddhasa(....) anupalittassa āhuneyya yakkhassa, Đức Phật (....) vị Yakkha vô nhiễm, ứng cúng.
[41]Bà-sa-bà 婆 娑 婆. Pāli: Vāsava, một tên khác của Thiên Đế Thích. Xem cht. 21, kinh 131.
[42] Chủng chủng thân 種 種 身. Pāli: Putthukāyā, phàm phu thân.
[43] Kết 結. Pāli: saṃyojana, chỉ phiền não trói buộc.
[44]Xan và tật 慳 嫉. Pāli: issā-macchariya. Trong bản Pāli, Sakka hỏi do kiết sử gì (kiṃ samyojanā) mà chúng sanh gây hận thù (savera). Phật trả lời như vậy. Hai bản kia cũng tương tợ bản Pāli. Có lẽ bản Hán này dịch sát, vì câu hỏi của Thiên Đế Thích phiếm định.
[45] Hán: vô trượng 無 丈. Pāli: adaiḍā, không chiến tranh, gây hấn nhau.
[46] Trong các bản kia, Thiên Đế Thích đã hỏi tương tợ như vậy.
[47] Ái bất ái 愛 不 愛. Pāli: Piyāppiya, khả ái và không khả ái, yêu và ghét.
[48] Pāli: chanda: ham muốn.
[49]Niệm 念, cũng thường nói là tầm 尋. Pāli: vitakka. No.1(14) Ái do tưởng sanh; Pāli: chando (... ) vitakkanidāno , dục có nguyên nhân là tầm 尋, tức tầm cầu hay suy nghĩ tìm tòi.
[50] Tư 思. Bản Pāli: papañca-saññā-saṅkhā, hý luận vọng tưởng.
[51]Diệt hý đạo tích 滅 戲 道 跡. Pāli: papañca-saññā-saṅkhā-nirodha-gāmini- patipadā, thực hành hay tu tập dẫn đến chỗ diệt trừ hý luận vọng tưởng.
[52]Niệm, ngôn, cầu 念 言 求; No.1(14): khẩu, tưởng, cầu 口 想 求. Pāli không đề cập và thay bằng somanassa, domanassa, upekkha, hỷ, ưu và xả. Ba pháp này trong bản Hán được trả lời cho câu hỏi khác ở sau. Xem cht.54 dưới.
[53] Tức Biệt giải thoát (luật nghi), hay Ba-la-đề-mộc-xoa.
[54] Pāli: somanassa, domanassa, upekkha, xem cht.52 trên.
[55]Đồng nhất thuyết, đồng nhất dục, đồng nhất ái, đồng nhất lạc, đồng nhấtý 同 一 說, 同 一 欲, 同 一愛, 同 一 樂, 同 一 意. Pāli: ekantavādā ekantasīlā ekantachandā ekanta-ajjhosānā ti? Đồng một chủ thuyết, đồng một giới đúc, đồng một ước muốn, đồng một chí hướng.
[56] Pāli: anekadhātu-nānādhātu, vô số giới loại sai biệt.
[57]Pāli: accantaniṭṭhā accantayogakkhemī accantabrahmacārī accantapariyosānā ti? “Đồng một cứu cánh, đồng một an ổn, đồng một phạm hạnh, đồng một mục đích”.
[58] Pāli: taṇhāsaṃkhaya-vimutta, ái tận giải thoát, hay giải thoát do diệt tận khát ái.
[59] Ngũ dục công đức. Pañca kāma-guṇā, năm phẩm chất, hay đặc tính, của dục.
[60] Tùy sở năng, tùy kỳ lực. Định nghĩa từ sakka, mà nghĩa đen là “khả năng”.
[61] Tức Thiên Đế Thích.
[62] Hán: đắc ly đắc hỷ. Pāli: veda-paṭilābha, somanassa-paṭilābha, có được cảm giác phấn khích, hoan hỷ.
[63]Sai giáng 差 降, ở đây có lẽ chỉ sự lần lượt chuyển sanh.
[64] Tức phong làm Càn-thát-bà vương.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]