Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

39. Kinh Úc-Già Trưởng Giả (II)

19/03/201214:32(Xem: 6965)
39. Kinh Úc-Già Trưởng Giả (II)

KINH TRUNG A-HÀM
Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm
Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ
Sài gòn 2002

39. KINH ÚC-GIÀ TRƯỞNG GIẢ (II)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời sau khi Phật nhập Niết-bàn không bao lâu, có một số đôngTỳ-kheo thượng tôn trưởng lão du hóa tại Bệ-xá-li, ở bên dòng sông Di hầu, tại ngôi lầu cao.

Bấy giờ Trưởng giả Úc-già[02]tổ chức đại bố thí như sau: Đãi ăn cho những khách từ phương xa đến, đãi ăn cho các hành khách, các bệnh nhân và các người nuôi bệnh; thường dọn cháo, thường dọn cơm, cung cấp cho người trông nom tăng viện; thườngmời đại chúng gồm hai mươi vị Tỳ-kheo đến thọ thực, cứ mỗi năm ngày đềucó mời chúng Tỳ-kheo đến ăn. Ông tổ chức đại bố thí như vậy.

Trên biển lại còn có một chiếc tàu buồm lớn chở đầy hàng hóa trở về, giá trị đến trăm ngàn, vừa bị chìm mất.

Số đông Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão nghe Trưởng giả Úc-già tổ chức đại bố thí như sau: Đãi ăn cho những khách từ phương xa đến, đãi ăncho các hành khách, các bệnh nhân và các người nuôi bệnh; thường dọn cháo, thường dọn cơm, cung cấp cho người trông nom tăng viện; thường mờiđại chúng gồm hai mươi vị Tỳ-kheo đến thọ thực, cứ mỗi năm ngày đều có mời chúng Tỳ-kheo đến ăn.

Các vị ấy nghe rồi bàn luận với nhau rằng:

“Này chư Hiền, vị nào có thể đến nói với với Trưởng giả Úc-già rằng: ‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết’?”

Rồi các vị ấy nghĩ như vầy: “Tôn giả A-nan là thị giả của Phật, nhận được sự chỉ giáo của Đức Thế Tôn; được Phật và các vị đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả A-nan có thể đến nói với Trưởng giả Úc-già rằng: ‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết’.”

“– Này chư Hiền, chúng ta nên cùng nhau đến Tôn giả A-nan trình bày sự việc như thế.” Bấy giờ số đông Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão đi đến chỗ Tôn giả A-nan, cùng nhau chào hỏi, rồi ngồi sang một bên thưa rằng:

“Thưa Hiền giả A-nan, ngài có biết không? Trưởng giả Úc-già tổ chức đại bố thí như sau: đãi ăn cho những khách từ phương xa đến, đãi ăncho các hành khách, các bệnh nhân và các người nuôi bệnh; thường dọn cháo, thường dọn cơm, cung cấp cho người trông nom tăng viện; thường mờiđại chúng gồm hai mươi vị Tỳ-kheo đến thọ thực, cứ mỗi năm ngày đều có mời chúng Tỳ-kheo đến ăn. Ông tổ chức đại bố thí như vậy. Trên biển lại còn có một chiếc tàu buồm lớn chở đầy hàng hóa trở về, giá trị đến trăm ngàn, vừa bị chìm mất. Chúng tôi cùng bàn luận với nhau như thế này: vị nào có thể đến nói với với Trưởng giả Úc-già rằng ‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết’? Lại nghĩ như vầy: Tôn giả A-nan là thị giả của Phật, nhận được sự chỉ giáo của ĐứcThế Tôn; được Phật và các vị đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả A-nan có thể đến nói với Trưởng giả Úc-già rằng ‘Này Trưởng giả, nênthôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết’. Này Hiền giả A-nan, ngài có thể đến bảo với Trưởng giả Úc-già rằng ‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết Trưởng giả’.”

Tôn giả A-nan thưa với các Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão rằng:

“Thưa các Tôn giả, Trưởng giả Úc-già tính tình nghiêm nghị; nếu tôi tự tiện nói thì biết đâu làm Trưởng giả không vui. Thưa các ngài, tôi đại diện cho ai để nói đây?”

Các Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão trả lời rằng:

“Hiền giả nên xưng là chúng Tỳ-kheo bảo như vậy. Sau khi ngài xưng là chúng Tỳ-kheo bảo vậy, ông ấy sẽ không còn nói gì nữa.”

Tôn giả A-nan liền im lặng nhận lời các vị Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão. Bấy giờ các Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão biết Tôn giả A-nanim lặng nhận lời rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi quanh Tôn giả A-nan rồi ai về chỗ ấy. Sau khi đêm qua vào lúc hừng sáng, Tôn giả A-nan khoácy, cầm bát đi đến nhà Trưởng giả Úc-già. Trưởng giả Úc-già thấy Tôn giảA-nan từ xa đi lại, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo chắp tay hướng về Tôn giả A-nan thưa rằng:

“Kính chào Tôn giả A-nan, Tôn giả từ lâu không đến đây. Mời ngồi lên giường này.”

Tôn giả A-nan liền ngồi lên giường ấy. Trưởng giả Úc-già đảnh lễ dưới chân Tôn giả A-nan, rồi ngồi sang một bên. Tôn giả A-nan bảo rằng:

“Trưởng giả có biết không? Trưởng giả đã tổ chức đại bố thí như sau: đãi ăn cho những khách từ phương xa đến, đãi ăn cho các hành khách,các bệnh nhân và các người nuôi bệnh; thường dọn cháo, thường dọn cơm, cung cấp cho người trông nom tăng viện; thường mời đại chúng gồm hai mươi vị Tỳ-kheo đến thọ thực, cứ mỗi năm ngày đều có mời chúng Tỳ-kheo đến ăn. Trưởng giả tổ chức đại bố thí như vậy. Trên biển lại còn có một chiếc tàu buồm lớn chở đầy hàng hóa trở về, giá trị đến trăm ngàn, vừa bị chìm mất. Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết.”

Trưởng giả thưa rằng:

“Bạch Tôn giả A-nan, đây là lời nói của ai vậy?”

Tôn giả A-nan đáp rằng:

“Này Trưởng giả, tôi truyền lại lời của chúng Tỳ-kheo.”

Trưởng giả thưa rằng:

“Nếu Tôn giả A-nan truyền lại lời của chúng Tỳ-kheo, thì không cógì phải luận. Còn nếu tự mình nói như vậy thì có thể làm cho con rất không được vừa lòng. Bạch Tôn giả A-nan, nếu con có thí xả như thế, có huệ thí như thế, dù tất cả tài vật đều khô cạn, cũng chỉ làm cho con mãnnguyện thôi. Giống như ý nguyện của Chuyển luân vương vậy.

Tôn giả A-nan hỏi rằng:

“Này Trưởng giả, thế nào là ý nguyện của Chuyển luân vương?”

Trưởng giả đáp:

“Bạch Tôn giả A-nan, người nghèo trong thôn nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta trở nên giàu nhất trong thôn’. Đó là ý nguyện của người ấy. Ngườigiàu trong thôn nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta trở nên giàu nhất trong ấp’.Đó là ý nguyện của người đó. Người giàu trong ấp suy nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta giàu nhất trong thành’. Đó là ý nguyện của người ấy. Người giàu trong thành nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được chức tông chánh trong thành’. Đó là ý nguyện của người ấy. Vị tông chánh trong thành nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được quan quốc tướng. Đó là ý nguyện của người ấy. Quan quốc tướng suy nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được vị tiểu vương’. Đó là ý nguyện của người ấy. Vị tiểu vương suy nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được Chuyển luân vương’. Đó là ý nguyện của người ấy.Vị Chuyển luân vương suy nghĩ như vầy: ‘Mong sao ta làm được điều màmột thiện nam tử[03]có thể làm, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo để thành tựu phạm hạnh vô thượng, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là ý nguyện Chuyển luân vương.

“Bạch Tôn giả A-nan, nếu con có thí xả như thế, có huệ thí như thế, dù cho tất cả tài vật đều khô cạn, cũng chỉ làm cho con mãn nguyện thôi, như thế là ý nguyện của vị Chuyển luân vương. Bạch Tôn giả A-nan, con có pháp ấy.”

Tôn giả A-nan khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả A-nan, khi con đến chúng viên, nếu trước hết mà gặp một vị Tỳ-kheo nào, con liền đảnh lễ. Nếu vị Tỳ-kheo ấy kinh hành, thì con cũngkinh hành. Nếu vị ấy ngồi, con cũng ngồi theo một bên, ngồi rồi nghe pháp. Vị Tôn giả ấy thuyết pháp cho con nghe; con cũng thuyết pháp cho vị Tôn giả ấy nghe. Vị Tôn giả ấy vấn sự con, con cũng vấn sự vị Tôn giảấy. Vị Tôn giả ấy trả lời câu hỏi của con, con cũng trả lời vị Tôn giả ấy. Con nhớ chưa từng có lần nào con khinh mạn các vị Tỳ-kheo thượng tôntrưởng lão, trung hay hạ. Bạch Tôn giả A-nan, con có pháp ấy.”

Tôn giả A-nan khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả A-nan, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả A-nan, khi con ở giữa chúng Tỳ-kheo, hành sự bố thí, thì có chư Thiên trụ giữa hư không bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, đây làvị A-la-hán, đây là vị Hướng A-la-hán, đây là vị A-na-hàm, đây là vị Hướng A-na-hàm, đây là vị Tư-đà-hàm, đây là vị Hướng Tư-đà-hàm, đây là vị Tu-đà-hoàn, đây là vị Hướng Tu-đà-hoàn. Vị này tinh tấn, vị này khôngtinh tấn’. Bạch Tôn giả, khi con cúng thí cho đại chúng Tỳ-kheo, con nhớ chưa từng có ý phân biệt. Bạch Tôn giả A-nan, con có pháp ấy.”

Tôn giả A-nan khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả A-nan, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả, khi con hành sự bố thí ở trong chúng Tỳ-kheo, có chư Thiên trên hư không bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, có Đức Như Lai, Vô SởTrước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, và Thánh chúng của Như Lai khéo thú hướng’. Bạch Tôn giả, con không do vi trời kia mà có tín, không do vị trời kia mà dục lạc, không nghe theo vị kia, nhưng con tự có tịnh trí để biết Đức Như Lai, Vôâ Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, và Thánh chúng của Như Lai khéo thú hướng. Bạch Tôn giả, con có pháp ấy.”

Tôn giả A-nan khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

“Bạch Tôn giả A-nan, con không phải chỉ có pháp này mà thôi. Lại nữa, bạch Tôn giả A-nan, con ly dục, ly ác bất thiện pháp, v.v..., cho đến, thành tựu và an trụ[01]. Bạch Tôn giả A-nan, con có pháp ấy.”

Tôn giả A-nan khen rằng:

“Này Trưởng giả, nếu ông có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu.”

Rồi thì, Trưởng giả Úc-già liền thưa với Tôn giả A-nan rằng:

“Tôn giả A-nan, mời ở lại đây thọ thực.”

Tôn giả A-nan im lặng nhận lời mời của Trưởng giả Úc-già. Sau khibiết Tôn giả A-nan đã im lặng nhận lời, Trưởng giả Úc-già liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự mình múc nước rửa tay, rồi đem tất cả rất nhiều món ăncứng và mềm rất mỹ diệu tinh khiết, ngon lành, tự tay hầu sớt, để cho Tôn giả ăn được no đủ. Ăn xong, dọn cất đồ đạc và dùng nước rồi, lấy mộtgiường nhỏ ngồi riêng để nghe pháp.

Tôn giả A-nan thuyết pháp cho Trưởng giả, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiẹân thuyết pháp cho ông,khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Tôn giả A-nan thuyết pháp như vậy. Trưởng giả Úc-già sau khi nghe Tôn giả A-nan thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Không thấy Pāli tương đương. Xem cht.1, Kinh số 38trên.
[02] Có lẽ Pāli: Ugga-gahapi Vesālika, gia chủ Ugga, người Vesāli.
[03] Hán: tộc tánh tử 族 姓 子. Pāli: kulaputta.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567