Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

187. Kinh Thuyết Trí

06/06/201207:32(Xem: 6941)
187. Kinh Thuyết Trí

KINH TRUNG A-HÀM
Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm
Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ
Sài gòn 2002

187. KINH THUYẾT TRÍ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu các Tỳ-kheo nào đến trước các ngươi nói lên trí mà mình đã chứng đắc, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Các ngươi nghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành[02].

“Sau khi đã khen vị ấy là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, các ngươi nên hỏi Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói năm thủ uẩn[03], thọ[04],tưởng, hành và thức. Này Hiền giả, làm sao biết, làm sao thấy năm thủ uẩn này để được biết là không còn chấp thủ, mà dứt sạch các lậu, tâm giải thoát[05]?’

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết được rằng phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp lại như vầy, ‘Này chư Hiền, sắc thủ uẩn là không hiệu quả[06],là không hư, không đáng ham muốn, không bằng hữu, cũng không thể dựa, là pháp biến dịch. Tôi biết như vậy. Nếu đối với sắc thủ uẩn mà có tham dục, có ô nhiễm, có đắm trước, có trói buộc; sự đắm trước, sự trói buộc,sự sai sử này mà bị tận trừ, ly dục, diệt, tịch tĩnh, do đó biết là không còn chấp thủ, dứt sạch các lậu, tâm giải thoát. Cũng như vậy, thọ,tưởng, hành, thức thủ uẩn là không hiệu quả, là không hư, là không đángham muốn, không bằng hữu, cũng không thể dựa, là pháp biến dịch. Tôi biết như vậy. Nếu đối với thức thủ uẩn mà có thamdục, có ô nhiễm, có đắm trước, có trói buộc; sự đắm trước, sự trói buộc, sự sai sử này mà tận trừ, ly dục, diệt, tịch tĩnh, do đó biết là không còn chấp thủ, dứt sạch các lậu, tâm giải thoát. Này chư Hiền, đối với năm thủ uẩn, tôi biết như vậy, thấy như vậy, được rõ biết là không còn chấp thủ, dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát’.

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết được rằng phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp lại như vậy. Và các ngươi sau khi nghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Khi đã khen là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, lại hỏi Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả,Thế Tôn đã nói bốn loại thức ăn[07],chúng sanh nhờ đó mà được tồn tại và được trưởng dưỡng. Những gì là bốn? Một là đoàn thực hoặc thô hoặc tế. Hai là xúc thực. Ba là ý niệm thực. Bốn là thức thực’.

“‘Này Hiền giả, làm sao biết, làm sao thấy được bốn loại thực nàyđể rõ biết là không còn chấp thủ, đã dứt sạch các lậu, tâm giải thoát?’

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết được phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, đối với đoàn thực, ý tôi không coi trọng, không coi rẻ, không đam mê, không ràng buộc, không nhiễm, không đắm, được giải thoát, giải thoát một cách rốt ráo, tâm không còn điên đảo; biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Cũng như vậy, đối với xúc thực, ý niệm thực và thức thực, ý tôi không coi trọng, không coi rẻ, không đam mê, không ràng buộc, không nhiễm, không đắm, được giải thoát, giải thoát một cách rốt ráo, tâm không còn điên đảo; biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này chư Hiền, tôi biết như vậy, tôithấy như vậy đối với bốn loại thực này, rõ biết không còn chấp thủ, dứt sạch các lậu, tâm giải thoát’.

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu, biết mình phạm hạnh đã vững nên nhưpháp mà đáp như vậy. Các ngươi nghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, lại hỏi Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, Đức Thế Tôn đã nói bốn loại tuyên thuyết[08]. Những gì là bốn?

Một là thấy thì nói là thấy.

Hai là nghe thì nói là nghe.

Ba là hay thì nói là hay.

Bốn là biết thì nói là biết.’

“‘Này Hiền giả, làm sao biết, làm sao thấy bốn loại tuyên thuyết này để rõ được mình không còn chấp thủ, đã dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát?’

“Tỳ-kheo các lậu đã dứt sạch, biết được mình phạm hạnh đã vững, nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, đối với sự thấy nói thấy, tôi không coi trọng, không coi rẻ, không đam mê, không ràng buộc, không nhiễm, không đắm, được giải thoát, giải thoát một cách rốt ráo, tâm không còn điên đảo; biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này chưHiền, tôi biết như vậy, thấy như vậy đối với bốn loại tuyên thuyết này,tôi biết rõ mình đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giảithoát’. Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu, tự biết phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vậy. Các ngươi sau khi nghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, lại hỏi Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả,Thế Tôn đã nói pháp sáu nội xứ[09],mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ. Này Hiền giả, làm sao biết, làm sao thấy được sáu nội xứ này để biết rõ là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát?’

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu, tự biết phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, đối với mắt và thức con mắt, pháp được biết bởi thức con mắt, tôi đều biết. Sau khi biết hai pháp, này chư Hiền, nếu đối với mắt và thức con mắt, pháp được biết bởi thức con mắt mà ái lạc đã dứt sạch; do dứt sạch, ly dục, diệt, tịch tĩnh mà tôi biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát. Cũng như vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và ý thức, pháp biết bởi ý thức, tôi đều biết. Sau khi biết hai pháp, này chư Hiền, nếu đối với ý và ý thức, pháp được biết bởi ý thức, mà ái lạc đã dứt sạch; do dứt sạch, ly dục, diệt, tịch tĩnh mà đã biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát. Này chư Hiền, tôi biết như vậy,thấynhư vậy, đối với nội lục xứ được biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát’. Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết mình phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vậy. Các ngươi sau khinghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi nên hỏi vị Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, Thế Tôn nói sáu giới, là: địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới và thức giới. Này Hiền giả, làm sao biết, làm sao thấy sáu giới này để rõ biết mình đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát?’

“Tỳ-kheo đã dứt sạch phiền não, biết được mình phạm hạnh đã vững,nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, tôi không thấy rằng địa giới là sở thuộc của tôi. Tôi không phải là sở thuộc của địa giới. Địa giới chẳng phải là thần ngã. Nhưng ba thủ[10] nương địa giới mà trụ và các kết sử[11]dựa vào đó mà sanh. Chúng bị diệt sạch, ly dục, diệt, tịch tĩnh, do đó mà biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát.Cũng như vậy, thủy, hỏa, phong, không và thức giới chẳng phải sở thuộc của tôi. Tôi không phải sở thuộc của thức giới. Thức giới chẳng phải là thần ngã. Nhưng ba thủ nương địa giới mà trụ và các kết sử dựa vào đó màsanh. Chúng bị diệt sạch, lydục, diệt, tịch tĩnh, do đó mà biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát. Này chư Hiền, tôi biết như vậy, thấy như vậy đối với sáu giới ấy, rõ biết mình đã dứt sạch các lậu, không cònchấp thủ, tâm được giải thoát’. Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết mình phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vậy. Các ngươi sau khinghe rồi nên khen ngợi là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen ngợi là đúng và hoan hỷ rồi nên hỏi vị Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, làm sao biết, làm sao thấy bên trong thân cùng với thức này[12] và tất cả các tướng bên ngoài, ngã, ngã tác và kết sử mạn, thảy đều đuợc đoạn tri[13],nhổ tuyệt cội gốc của chúng, không còn tái sanh nữa?’ Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết mình phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, thuở xưa, khi tôi chưa xuất gia học đạo đã nhàm tởm sự sanh, già, bệnh, chết, khóc than, khốn khổ, sầu muộn, bi ai; tôi muốnđoạn trừ khối khổ đau to lớn này. Này chư Hiền! Sau khi đã nhàm tởm ghêsợ, tôi quán sát, tại gia là đời sống hẹp hòi, là chốn trần lao bụi bặm. Xuất gia họcđạo là đời sống rộng rãi bao la. Nay ta sống đời tại gia bị xiềng xích quấn chặt, không thể trọn đời tịnh tu phạm hạnh. Vậy ta hãy vứt bỏ các tài sản nhỏ và lớn, từ giã thân tộc ít hay nhiều rồi cạo bỏ râu tóc,mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo.Này chư Hiền! Sau đó, tôi vứt bỏ tài sản nhỏ và lớn, từ giã thân tộc íthay nhiều, rồi cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo.

“Này chư Hiền! Sau khi tôi xuất gia học đạo, từ bỏ của cải họ hàng rồi, thọ lãnh cấm giới mà Tỳ-kheo phải tu tập, thủ hộ Tùng giải thoát, tôi lại cẩn thận thu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy tội nhỏ nhiệm cũng thường ôm lòng lo sợ, nhớ kỹ điều cốt yếu đã học.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ sát sanh, xa lìa sát sanh, xả bỏ kiếm gậy, biết hổ, biết thẹn, nuôi lòng từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến loài côn trùng. Đối với tâm sát sanh, tôi đã tịnh trừ.

“Tôi từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho; chỉ lấycủa đã cho, thích của đã cho, thường thích bố thí, vui vẻ không cầu mong sự đáp lại. Đối với tâm ưa lấy của không cho, tôi đã tịnh trừ

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ sự phi phạm hạnh, tránh xa phi phạm hạnh, siêng năng tu phạm hạnh, tinh tấn với diệu hạnh, thanh tịnh không ôuế, từ bỏ dục vọng, dứt trừ dâm dục. Đối với tâm phi phạm hạnh, tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói điều chânthật, ưa điều chân thật, dựa trên sự chân thật không sai chạy. Tất cả lời nói của tôi đều đáng tin cậy, không lừa dối thế gian. Đối với tâm nói láo, tôi đã dứt trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, tu hạnh không nói hai lưỡi, không phá hoại người khác, không nghe lời ngườinày đem nói với người kia để phá hoại người này, không nghe lời người kia đem nói với người này để phá hoại người kia; người ly gián tôi làm cho hòa hợp, người đã sống hòa hợp, tôi làm cho họ hoan hỷ, không chia phe đảng, không thích phe đảng, không khen ngợi phe đảng. Đối với tâm nói hai lưỡi, tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ lời nói thô ác, tránh xa lời nói thô ác,giọng điệu thô bỉ, lớn tiếng, nghịch tai, người nghe không ưa không mến, khiến họ khổ não không định tâm. Tôi đoạn trừ lời nói như vậy. Nếu có lời nói êm dịu, nhẹ nhàng, thuận tai, thông cảm đến tâm, làm cho người nghe vui vẻ, mến chuộng, sung sướng, tiếng nói rõ ràng, không làm cho người khác sợ, trái lại họ được định tâm, tôi nói lời nói như vậy. Đối với tâm nói lời độc ác, tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ lời nói thêu dệt, tránh xa lời nói thêu dệt, nói đúng lúc, nói chân thật, nói đúng pháp, nói đúng nghĩa, nói về tịch tĩnh, ưa nói về tịch tĩnh, hợp thời, hợp lý, khéo dạy, khéo la mắng. Đối với tâm nói thêu dệt, tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ buôn bán, tránh xa sự buôn bán, xả bỏ thói cân lường và đấu hộc, cũng không nhận hàng hóa, không chèn ép người, không mong gian lận, không vì lợi nhỏ mà lấn lướt người. Đối với sự sinh hoạt buôn bán, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận đàn bà góa, con gái thơ, tránh xa việc nhận đàn bà góa, con gái thơ. Đối với việc nhận đàn bà góa, con gái thơ, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận nô tỳ, tránh xa việc nhận nô tỳ. Đối với việc nhận nô tỳ, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận voi, ngựa, bò, dê; tránh xa việc nhận voi, ngựa, bò, dê. Đối với việc nhận voi, ngựa, trâu, dê, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận gà, heo; tránh xa việc nhận gà, heo. Đối với việc nhận gà, heo, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận ruộng nương, hàng quán; tránhxa việc nhận ruộng nương, hàng quán. Đối với việc nhận ruộng nương, hàng quán, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận lúa giống, lúa mạch, đậu; tránh xa việc nhận lúa giống, lúa mạch, đậu. Đối với việc nhận lúa giống, lúa mạch, đậu, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ rượu, tránh xa rượu. Đối với việc uống rượu, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không dùng giường cao, rộng lớn; tránh xa giường cao, rộng lớn. Đối với việc dùng giường cao, rộng lớn, tâm tôiđã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không trang sức vòng hoa, chuỗi ngọc, hương liệu, dầu thơm; tránh xa không trang sức vòng hoa, ngọc ngà, hươngthoa, phấn sáp. Đối với việc trang sức vòng hoa, chuỗi ngọc, hương thoa, phấn sáp, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không ca múa, xướng hát và đi xem nghe; tránh xa sự ca múa, xướng hát và đi xem nghe. Đối với sự ca múa, xướng hát và đi xem nghe, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận vàng bạc, tránh xa việc nhận vàng bạc. Đối với việc nhận vàng bạc, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ sự ăn quá ngọ, tránh xa sự ăn quá ngọ, ăn đúng ngọ, không ăn ban đêm, không ăn phi thời, học ăn đúng thời. Đối với sự ăn quá ngọ, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới này, thân lại tu hành sự tri túc, áo cốt để che thân, ăn cốt đủ để nuôi thân. Tôi đến chỗ nào mang theo y bát, không có luyến tiếc, ví như chim nhạn cùng với hai cánhbay liệng trong không theo hai cánh, tôi cũng như vậy.

“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới thân này và cực tri túc, rồi lại thủ hộ các căn, thường niệm sự khép kín, niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ niệm tâm mà được thành tựu, hằng mướn khởi ý. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ sắc tướng, không đắm sắc vị; vì sự phẫn tránh[14] mà thủ hộ căn con mắt, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia[15],nên thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, khi ý biết phápkhông chấp thủ pháp tướng, không đắm pháp vị; vì sự phẫn tránh mà thủ hộ ý căn, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia, nên thủ hộ ý căn.

“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới thân này và cực tri túc, Thánh thủ hộ các căn, lại biết rõ chân chánh sự ra vào, khéo quán sát phân biệt sự co, duỗi, cúi, ngước, nghi dung chững chạc, khéo đắp Tăng-già-lê và mang các y bát; đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ, nói năng thảy đều biết rõ chân chánh.

“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới thân này và cực tri túc, và cũng thành tựu Thánh thủ hộ các căn, chân chánh biết sự ra vào, rồi lại sống cô độc tại nơi xa vắng, ở trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, những nơi trống vắng yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đến trong rừng, hoặc giữa bãi tha ma. Tôi sau khi ởtrong rừng vắng, hoặc đến gốc cây, những chỗ không nhàn yên tĩnh, trải ni-sư-đàn, ngồi xếp kiết già, chánh thân chánh nguyện, hướng niệm nội tâm[16],đoạn trừ tâm tham lam, không có não hại, thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác mà không khởi tâm tham lam muốn khiến về mình. Tôi đối với tham lam, tâm được tịnh trừ. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thùy miên, trạohối, đoạn trừ nghi hoặc, đối với các thiện pháp không còn do dự. Tôiđối với sự nghi hoặc, tâm đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi đã đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ôuế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, cho đến, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ.

“Này chư Hiền, tôi đã đắc định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, an trú vững vàng, được bất động tâm, hướng đến chứng ngộ Trí lậu tận thông. Này chư Hiền, tôi biết như thật rằng, ‘Đây là Khổ’, biết như thật: ‘Đây là Khổ tập’, biết như thật: ‘Đâylà Khổ diệt’, và biết như thật: ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Biết như thật, ‘Đây là lậu’, ‘Đây là lậu tập’, ‘Đây là lậu diệt’, và ‘Đây là lậu diệt đạo’. Biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoáthữu lậu và vô minh lậu. Khi đã giải thoát liền biết mình đã giải thoát và biết một cách như thật rằng, ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điềucần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này chư Hiền, tôi biết như vậy, thấy như vậy đối với bên trong thân cùng với thức này vàtất cả các tướng bên ngoài, ngã, ngã tác và kết sử mạn, thảy đều được đoạn tri, nhổ tuyệt cội gốc của chúng, không còn tái sanh nữa’. Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và tự biết phạm hạnh đã vững ấy nên như phápmà đáp như vậy. Các ngươi sau khi nghe rồi, nên khen ngợi là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen ngợi là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, nên nói vớivị Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, khi Hiền giả vừa nói, chúng tôi đã đẹp lòng, đã hoan hỷ, nhưng chúng tôi muốn theo Hiền giả để tăng tiếncàng tăng tiến, mong cầu trí tuệ và ứng đối biện tài. Vì vậy chúng tôi hỏi Hiền giả, rồi lại hỏi nữa’.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán quyển 49. Tương đương Pāli M.112 Chabbisodhana-suttaṃ.
[02] Bản Pāli: n’eva abhinanditabbaṃ nappatikkositabbaṃ, không hoan hỷ cũng không phản đối.
[03] Hán: thạnh ấm 盛 陰.
[04] Nguyên Hán: giác 覺.
[05]Lậu tận tâm giải thoát 無 漏 心 解 脫. Pāli: anupādāya āsavehi cittaṃ vimuttaṃ, sau khi không chấp thủ, do vô lậu mà tâm được giải thoát.
[06] Vô quả 無 果. Pāli: abala, không có thế lực. Hình như theo bản Hán, aphala, thay vì abala.
[07]Tứ thực: đoàn thực thô tế, cánh lạc, ý niệm, thức; 四 食 糰 食 麤 細 更 樂 意 念 識. Thức ăn vo nắm tức vật chất, thức ăn do xúc chạm, thức ăn do ý niệm và thức ăn do thức. Bản Pāli không đề cập. Tham khảo, S. II. pp.11-12, 98, M. I. p. 261: cattāro āhārā... kabaliṃkāro āhāro oḷāriko vā sukhume vā, phasso dutiyo, manosañcetanā tatiyā, viññāṇaṃ catutthaṃ.
[08]Tứ thuyết: kiến, văn, thức (giác), tri 見 聞 識 知. Pāli: cattaro vohārā...diṭṭhe diṭṭhavāditā, sute sutavāditā, mute mutavāditā, viññāte viññātavāditā, bốn ngôn thuyết: đối với cái được thấy thì nói là cái được thấy, cái được nghe nói là cái được nghe, cái được cảm nói là cái được cảm, cái được nhận thức nói là cái được nhận thức.
[09] Hán: nội lục xứ 內 六 處.
[10] Tamthọ 三 受, ba bản Tống-Nguyên-Minh chép là “hai thọ”, ở đây thọ được hiểulà thủ, hay chấp thủ và có hai: dục thủ, kiến thủ. Hay ba thủ, thêm ngãngữ thủ.
[11] Trong để bản: thức sử 識 使; Tống-Nguyên-Minh: chư sử 諸 使. Sử, trong bản Pāli: anusaya: tùy miên.
[12] Thâncọng hữu thức 身 共 有 識, hay hữu thức thân, thân tồn tại cùng với thức, hay là sở y cho thức hoạt động. Pāli: saviññāṇaka kāya.
[13] Đoạntri 斷 知, có lẽ là đoạn biến tri. Phát Trí 2 (Đại 26, trang 924 c), “Thếnào là đoạn biến tri? Các tham đã vĩnh viễn bị đoạn trừ, sân và si vĩnhviễn bị đoạn trừ. Tất cả phiền não vĩnh viễn bị đoạn trừ”. Pāli: susamāhata. Nguyên đoạn này, Pāli: imasmiṃ ca-saviññāṇake kāye bahiddhā ca-sabbanimittesu ahaṃkāra-mamaṃkāra-mānānusayā susamūhatā, ở trong các thân câu hữu với thức này và trong tất cả, tướng bên ngoài, mà hoàn toànđoạn tuyệt ngã kiến, ngã sở kiến và mạn tùy miên.
[14] Vịphẫn tránh cố 謂 忿 諍 故; vì sự phẫn nộ và tranh cãi. Pāli: yatvādhikaraṇam enam…, do nguyên nhân gì mà… Trong bản Hán, adhikaraṇa, nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi.
[15] Thú hướng bỉ cố 趣 向 彼 故; Pāli: (akusalā dhammā) anvāssaveyyṃ, (các pháp bất thiện) có thể khởi lên (trôi chảy vào tâm).
[16] Chánhthân chánh nguyện phản niệm bất hướng 正 身 正 願 反 念 不 向. Pāli: ujuṃ kāyaṃpaṇidhāya, parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā, giữ thân ngay thẳng; dựng chánh niệm để trước mặt. Trong bản Pāli, paṇidhāya, “đặt để” trong bản Hán hiểu là paṇidhāna, “ước nguyện”.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567