Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

208. Kinh Tiễn Mao (II)

06/06/201207:32(Xem: 7178)
208. Kinh Tiễn Mao (II)

KINH TRUNG A-HÀM
Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm
Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ
Sài gòn 2002

208. KINH TIỄN MAO (II)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, ở Trúc lâm vườn Ca-lan-đa cùng đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, an cưmùa mưa.

Bấy giờ, trải qua đêm, lúc vừa sáng, Thế Tôn mang y cầm bát vào thành Vương xá để khất thực. Khất thực xong, thu dọn y bát, rửa chân tay, Ngài khoác ni-sư-đàn trên vai và đi đến vườn Dị học, trong rừng Khổng tước. Tại rừng Khổng tước, trong vườn Dị học, bấy giờ có một ngườiDị học tên là Tiễn Mao là một danh đức, bậc tông chủ, được mọi người tôn làm thầy, có tiếng tăm lớn, mọi người kính trọng, thống lãnh đồ chúng đông đảo, được năm trăm vị dị học tôn trọng. Vị này ở giữa một đạichúng đang ồn ào, nhiễu loạn, nói năng lớn tiếng, bàn luận đủ mọi vấn đề súc sanh, tức là vấn đề vua chúa, về giặc, về việc đấu tranh, việc ănuống, về y phục, về đàn bà, về con gái, về dâm nữ, về thế gian, về đồngtrống, về dưới biển và việc nước, việc dân. Những người ấy cùng nhau nhómhọp ngồi bàn luận về những vấn đề như súc sanh vậy.

Dị học Tiễn Mao thấy Phật từ xa đến, dặn đồ chúng của mình rằng: ”Này các ông, hãy ngồi im lặng. Người đang đến kia là Sa-môn Cù-đàm, đồ chúng của ông ấy im lặng, thường ưa sự im lặng, khen ngợi sự im lặng. Ông ấy nếu thấy chúng ta im lặng, có thể đến thăm.

Dị học Tiễn Mao dặn đồ chúng im lặng, chính mình cũng im lặng mà ngồi.

Thế Tôn đi đến chỗ Dị học Tiễn Mao. Dị học Tiễn Mao liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:

“Kính chào Sa-môn Cù-đàm, Sa-môn Cù-đàm đã lâu không đến đây, mời Ngài ngồi xuống chỗ này.”

Thế Tôn liền ngồi xuống chỗ ngồi Tiễn Mao đã trải sẵn. Dị học Tiễn Mao và Thế Tôn, sau khi cùng nhau chào hỏi, rồi lui ngồi một bên.

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, các ông vừa bàn luận những gì? Do việc gì mà cùng nhau ngồi họp ở đây? Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này, vấn đề này không hay ho gì. Sa-môn Cù-đàm muốn nghe vấn đề này để sau này nghe cũng không khó gì.”

Thế Tôn hỏi như vậy ba lần rằng:

“Ưu-đà-di, vừa bàn luận những gì? Do việc gì mà nhóm họp ngồi đây?”

Dị học Tiễn Mao cũng đáp lại ba lần rằng:

“Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này, nó không hay ho gì, Sa-môn Cù-đàm nếu muốn nghe, sau này nghe cũng không khó. Nhưng nếu Sa-môn Cù-đàm ba lần muốn nghe, nay tôi phải nói.[02]

“Bạch Cù-đàm, tôi có sách lự, có tư duy; trụ trong trạng thái sách lự, trụ trong trạng thái tư duy, có trí tuệ, có biện tài, khi nghe có người nói: ‘Thật sự có Tát-vân-nhiên, [03]thấy tất cả, biết tất cả, không cái gì không biết, không cái gì không thấy. Tôi liền vấn sự vị ấy, nhưng vị ấy không biết. Bạch Cù-đàm, tôi nghĩ như vầy, ‘Đây là những ai?’.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ưu-đà-di, ông có sách lự, có tư duy; trụ trong trạng thái sách lự, trụ trong trạng thái tư duy, có trí tuệ, có biện tài, nhưng ai nói, ‘Thật sự có Tát-vân-nhiên, biết tất cả, thấy tất cả, không có gì không biết, không có gì không thấy’ nhưng khi ông đến vấn sự, thì vị ấy không biết?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, đó là Bất-lan Ca-diếp. Vì sao? Bạch Cù-đàm, vì Bất-lan Ca-diếp tự cho là thật có Tát-vân-nhiên, biết tất cả, thấy tất cả, không gì không biết, không gì không thấy. Tôi có sách lự, có tư duy,trụ trong sách lự, trụ trong tư duy có trí tuệ, có biện tài; tôi đến vấn sự. Nhưng vị ấy không biết. Bạch Cù-đàm, vậy nên tôi nghĩ thế này, ‘Đây là những ai?’

“Ma-tức-ca-lợi Cù-xá-lợi Tử, Bà-nhã Bệ-la-trì Tử, Ni-kiền Thân Tử, Ba-phù Ca-chiên, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi, các vị này cũng vậy. Bạch Cù-đàm, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi tự cho thật sự có Tát-vân-nhiên, biết tất cả thấy tất cả, không cái gì không biết, không cái gì không thấy. Tôi có sách lự, có tư duy, trú trong sách lự, trú trong tư duy, cótrí tuệ, có biện tài, tôi đến vấn sự những vị ấy không biết. Bạch Cù-đàm, vậy nên tôi khởi ý nghĩ rằng, ‘Đây là những ai?’

“Bạch Cù-đàm, vậy nên tôi lại suy nghĩ, ‘Như vậy ta phải đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi những việc quá khứ. Sa-môn Cù-đàm ắt có thể đáp những việc quá khứ của ta. Ta phải đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, hỏi những việcvị lai, Sa-môn Cù-đàm ắt sẽ đáp những việc vị lai của ta. Lại nữa, ta tùy những việc mà hỏi cùng Sa-môn Cù-đàm, ắt Sa-môn Cù-đàm cũng tùy mà trả lời những việc ta hỏi.”

Thế Tôn đáp rằng:

“Ưu-đà-di! Thôi! Thôi, ông luôn luôn có dị kiến, dị nhẫn, dị lạc,dị dục, dị ý, nên không thấu triệt ý nghĩa những điều Ta nói. Ưu-đà-di,Ta có đệ tử, có nhân, có duyên, nhớ được vô lượng đời sống về trước, trong quá khứ, nghĩa là một đời, hai đời, trăm đời, ngàn đời, thành kiếp, bại kiếp, vô lượng thành bại kiếp, ăn uống như vậy, thọ khổ vui như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, chết như vậy, từ đây sanh tửra kia, từ kia sanh tử ra đây. Ta sanh tại đây, họ như vậy, tên như vậy, sống như vậy, ăn uống như vậy, thọ khổ lạc như vậy, sống lâu như vậy, trú lâu như vậy, thọ chung như vậy. Vị ấy đến hỏi ta việc quá khứ, Ta đáp việc quá khứ cho vị ấy. Ta cũng đến hỏi việc quá khứ, vị ấy cũng đáp việc quá khứ cho Ta. Ta tùy theo sự việc đó mà hỏi, vị đó cũng tùytheo việc Ta hỏi mà đáp.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử thanh tịnh thiên nhãn, vượt quá người thường, thấy chúng sanh này, khi sanh khi chết, sắc đẹp sắc xấu, sắc diệu hay bất diệu, qua lại chỗ thiện hay bất thiện, tùy theo sự thọ nghiệp của chúng mà thấy đúng như thật. Nếu chúng sanh này thành tựu thân ác hạnh, thành tựu khẩu và ý ác hạnh, vu báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, người ấy do nhân duyên này, khi thân hoại mạngchung ắt đến chỗ dữ, sanh vào trong địa ngục. Nếu chúng sanh này thành tựu thân diệu hạnh, thành tựu khẩu và ý diệu hạnh, không vu báng Thánh nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến; người ấy do nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung ắt sanh lên chỗ thiện, được sanh lên trời.Người đó đến hỏi Ta việc vị lai, Ta đáp việc vị lai cho họ; ta cũnghỏi việc vị lai nơi họ, họ cũng đáp việc vị lai cho ta; ta tùy theo việc người ấy hỏi mà đáp, người ấy cũng tùy theo việc ta hỏi mà đáp.”

Dị học Tiễn Mao bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu như vậy, tôi càng trở thành không biết, không thấy, càng trở thành ngu si, rớt vào ngu si. Nghĩa là vì Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Ưu-đà-di! Thôi! Thôi! Ông luôn luôn dị kiến, dị nhân, dị lạc, dị dục và dị ý, nên không thấu triệt ý nghĩa những điều ta nói. Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, có nhân có duyên, nhớ được vô lượng đời sống về trước trong quá khứ, nghĩa là một đời, hai đời, trăm đời, ngàn đời, thành kiếp, bại kiếp, vô lượng thành kiếp, vô lượng bại kiếp, ăn uống như vậy, thọ khổ vui như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, mạng chung như vậy, từ đây sanh tử ra kia, từ kia sanh tử ra đây, ta sanh tạiđây, họ như vậy, tên như vậy, sống lâu như vậy, ăn uống như vậy, thọ khổ lạc như vậy, trú lâu như vậy, mạng chung như vậy. Vị ấy đến hỏi ta việcquá khứ, ta đáp việc quá khứ cho vị ấy; ta cũng đến hỏi vị ấy việc quá khứ, vị ấy cũng đáp việc quá khứ cho ta. Ta theo sự việc người đó hỏi mà đáp, người đó cũng tùy theo sự việc ta hỏi mà đáp. Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử thanh tịnh thiên nhãn, vượt quá người thường, thấychúng sanh này khi sanh khi tử, sắc đẹp sắc xấu, sắc diệu hay bất diệu,qua lại chỗ thiện hay chỗ bất thiện, tùy theo sự tạo nghiệp của chúng sanh này mà thấy như thật. Nếu chúng sanh này thành tựu thân ác hạnh, thành tựu khẩu, ý ác hạnh, vu báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệptà kiến, người ấy do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung, ắt đến chỗ ác, sanh trong địa ngục. Nếu chúng sanh này thành tựu thân diệu hạnh, khẩu, ý diệu hạnh, không vu báng Thánh nhân, chánh kiến, thành tựunghiệp chánh kiến, người ấy do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung ắt sanh lên chỗ thiện, được sanh lên trời. Người đó đến hỏi ta việc vị lai, ta đáp việc vị lai cho họ. Ta cũng hỏi việc vị lai nơi vị ấy, vị ấy cũng đáp việc vị lai cho ta. Ta tùy theo việc người ấy hỏi mà đáp, người ấy cũng tùy việc ta hỏi mà đáp’.

“Bạch Cù-đàm, tôi đối với đời sống này làm những gì đã làm, được những gì đã được, nhưng vẫn không thể nhớ huống gì có thể nhớ được sự việc trong vô lượng đời sống về trước, có nhân có duyên sao? Bạch Cù-đàm, tôi còn không thể thấy con quỷ Phiêu phong[04]thì làm gì mà được thiên nhãn thanh tịnh vượt qua người thường, thấy chúng sanh này khi chết, khi sống, sắc tốt, sắc xấu, đẹp hoặc không đẹp,đưa đến chỗ thiện hoặc chỗ bất thiện tùy sự tạo nghiệp của chúng sanh này, thấy đó như thật.

“Bạch Cù-đàm, tôi lại nghĩ như vầy, ‘Nếu Sa-môn Cù-đàm hỏi ta vấn đề theo Thầy học pháp, hoặc giả có thể đáp khiến Ngài vừa ý.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ông theo Thầy học những pháp gì?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, người đó nói, ‘Sắc vượt quá sắc, sắc kia tối thắng, sắc kia tối thượng.[05]“

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, sắc là gì?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu sắc nào không có sắc khác tối thượng hơn, tối diệu hơn là tối thắng hơn; vậy sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Ưu-đà-di, cũng như có người nói như vầy, ‘Nếu trong nước có người con gái rất đẹp, ta muốn được người con gái đó’. Nếu có người hỏi người đó như vầy, ‘Ông biết trong nước có người con gái rất đẹp, nhưng có biết tên gì, họ gì, sanh sống như thế nào? Là cao hay thấp, thô hay tế, trắng hay đen, hoặc không trắng không đen, là con gái Sát-đế-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc?’ Người đó đáp, ‘Tôi không biết’. Người kia lại hòi, ‘Ông không biết, không thấy trong nước có người con gái rất đẹp, tên họ như vậy, sanh sống như vậy, dài, ngắn, thô, tế, trắng, đen, khôngtrắng không đen, con gái Sát-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc, mà lại nói như vầy,‘Ta muốn được người con gái đó được ư’?’

“Cũng vậy, Ưu-đà-di, ông nói như vầy, ‘Người đó nói sắc vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thắng. Nhưng khi hỏi sắc đó thì ông lại không biết.”

Dị học Tiễn Mao thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, cũng như tinh vàng tử ma là thứ cực diệu, người thợvàng khéo mài dũa, sửa sang khiến cho trong suốt, nhờ dùng tấm lụa trắng đem giữa nắng, sắc của nó cực diệu, ánh sáng chiếu sáng lấp lánh. Cũng vậy, bạch Cù-đàm, tôi nói, ‘Sắc đó vượt hơn sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng’.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Ưu-đà-di, nay Ta hỏi ông, tùy theo chỗ hiểu mà đáp. Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Vàng ròng tử ma nhờ dùng lụa trắng, để giữa nắng mà sắc của nó cực diệu chiếu sáng lấp lánh, và ánh sáng con đom đóm trong đêm tối chiếu sáng lấp lánh, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượïng, tốithắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng con đom đóm đối với ánh sáng của vàng ròng tử ma thì ánh sáng đom đóm tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng lấp lánh của đom đóm trong đêm tối và ánh sáng lấp lánh của đèn dầu trong đêm tối, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng đèn dầu đối với ánh sáng đom đóm, thì ánh sáng đèn dầu tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng đèn dầu trong đêm tối và lửa đống cây lớn trong đêm tối, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng lửa cây lớn đối với ánh sáng đốt đèn dầu thì ánh sáng lửa đống cây lớn tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ý ông thế nào? Ánh sáng chiếu của lửa đống cây lớn, trong đêm tối và ánh sáng chiếu của sao Thái bạch vào buổi sáng, trời không u ám, hai ánh sáng ấy, ánh sáng nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của saoThái bạch đối với ánh sáng của lửa đống cây lớn, thì ánh sáng của sao Thái bạch tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của sao Thái bạch vào buổi sáng trời không u ám và ánh sáng tỏa chiếu của mặt trăng nửa đêm không u ám, trong ánh sáng ấy, cái nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của mặt trăng đối với ánh sáng của sao Thái bạch thì ánh sáng của mặt trăng tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của mặt trăng nửa đêm trời không u ám, và ánh sáng chiếu tỏa của mặt trời vào mùa thu,đứng ngay giữa bầu trời trong suốt, không u ám, trong hai ánh sáng ấy cái nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng mặt trời so với ánh sáng mặt trăng thì ánh sáng mặt trời tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Này Ưu-đà-di, có rất nhiều chư Thiên; mà nay ánh sáng của mặt trời và ánh sáng của mặt trăng này, tuy có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ánh sáng đó cũng không bằng ánh sáng của chư Thiên. Ta ngày xưa đã cùng với chư Thiên tụ tập luận sự, nhưng những điều ta nói đều vừa ý chư Thiên ấy, tuy vậy Ta không nói: ‘Sắc vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng’. Này Ưu-đà-di, còn ông đối với ánh lửa đom đóm, lửa sâu bọ, sắc rất tệ, rất xấu mà nói ‘Sắc đó vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng,’ và khi được hỏi lại không biết.”

Dị học Tiễn Mao thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, con xin hối lỗi về lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con xin hối lỗi về lời nói này.” [06]

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao mà nói như vầy, ‘Bạch Thế Tôn, con xin hối lỗi về lời nói đó, bạch Thiện Thệ, con xin hối lỗi về lời nói đó?’.”

Dị học Tiễn Mao đáp:

“Bạch Cù-đàm, con nói như vầy, ‘Sắc kia vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng’. Sa-môn Cù-đàm nay khéo tra xét tôi, khéo dạy dỗ và khéo quở trách, khiến sự hư vọng của tôi không còn nữa. Bạch Cù-đàm, vậy nên con nói như vầy. ‘Bạch Thế Tôn, con xin hối lỗi về lời nói này. Bạch Thiện thệ con xin hối lỗi về lời nói này’.”

Dị học Tiễn Mao lại thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, ‘Đời sau tuyệt đối lạc [07], có một đạo tích để chứng đắc [08] thế giới tuyệt đối lạc.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, thế nào gọi là hậu thế tuyệt đối lạc? Thế nào là có một đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, giả sử có một người xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa trộm cắp tà dâm, nói láo; cho đến, xa lìa tà kiến được chánh kiến. Bạch Cù-đàm, đó gọi là đời sau tuyệt đối lạc, đó gọi là chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc.”

Thế Tôn lại bảo rằng:

“Ưu-đà-di, nay Ta hỏi ông, theo sự hiểu biết mà đáp. Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ thế nào? Nếu có một người xa lìa sát sanh, đoạn trừsát sanh, người ấy là tuyệt đối lạc, hay là hỗn tạp khổ [09]?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, là hỗn tạp khổ.”

“Nếu có một người xa lìa trộm cắp, tà dâm, nói láo, cho đến xa lìa tà kiến có chánh kiến, người ấy là tuyệt đối lạc, hay là hỗn tạp khổ?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“BaÏch Cù-đàm, là hỗn tạp khổ.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, há không phải rằng hỗn tạp khổ lạc như vậy là đạo tích chứng đắc thế giới?”

Dị học Tiễn Mao đáp:

“Bạch Cù-đàm, hỗn tạp khổ lạc như vậy là đạo tích chứng đắc thế giới vậy.”

Dị học Tiễn Mao lại thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con hối lỗi lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con hối lỗi lời nói này.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ông nghĩ thế nào mà nói như vầy, ‘Bạch Thế Tôn, con hối lỗi lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con hối lỗi lời nói này?’

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, con vừa nói, ‘Đời sau tuyệt đối lạc, có một đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc’. Nay Sa-môn Cù-đàm khéo tra xét con, khéo dạy dỗ và khéo quở trách, khiến cho sự hư vọng của con không còn nữa. Bạch Cù-đàm, do đó con nói như vầy, ‘Bạch Thế Tôn, con hối lỗi lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con hối lỗi lời nói này’.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Ưu-đà-di, đời quả có tuyệt đối lạc, có một đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc.”

Dị học Tiễn Mao hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, thế nào là đời quả có tuyệt đối lạc? Thế nào là có một đạo tích chứng đắc tuyệt đối lạc?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Ưu-đà-di, nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Chúng Hựu; người ấy đoạn trừ năm triền cái, là thứ làm tâm tạp uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp; có giác, có quán, hỷ lạc do ly dục sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, về kiến vậy. Vị ấy giác quán đã dứt, nội tâm tịch tĩnh, không giác,không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, và về kiến vậy. Vị đóly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân giác lạc, điềumà bậc Thánh nói là được Thánh xả, có niệm, an trú lạc, chứng Tam thiềnthành tựu an trú, cùng với chư Thiên tương đồng về giới, về tâm vàvề kiến vậy. Ưu-đà-di, đó gọi là thế giới tuyệt đối lạc.”

Dị học Tiễn Mao hỏi:

“Bạch Cù-đàm, Trong đời, tuyệt đối lạc chỉ cùng cực là thế chăng?”

Thế Tôn nói:

“Trong đời, tuyệt đối lạc không chỉ cùng cực là thế. Ưu-đà-di, còn có đạo tích nữa chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc.”

Dị học Tiễn Mao hỏi:

“Bạch Cù-đàm, thế nào là có đạo tích nữa chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc?”

Thế Tôn đáp:

“Ưu-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp; có giác, có quán, hỷ lạc do ly dục sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, về kiến vậy. Vị ấy giác quán đã dứt, nội tâm tịch tĩnh, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, và về kiến vậy. Vị đó ly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân giác lạc, điều mà bậc Thánh nói là được Thánhxả, có niệm, an trú lạc, chứng Tam thiền thành tựu an trú, cùng với chưThiên tương đồng về giới, về tâm và về kiến vậy. Ưu-đà-di, đó gọi là thế giới tuyệt đối lạc.”

Dị học Tiễn Mao hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, phải chăng đệ tử của Sa-môn Cù-đàm vì thế giới tuyệt đối lạc, và vì đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc ấy mà theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh chăng?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Đệ tử của Ta không phải chỉ vì thế giới tuyệt đối lạc và vì chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc ấy mà theo học phạm hạnh. Nhưng còn có sự tối thắng, tối diệu, tối thượng khác để chứng đắc nữa.”

Bấy giờ cả đại chúng này cùng lớn tiếng nói:

“Cái ấy là tối thượng, tối diệu, tối thắng; vì để chứng đắc cái ấy mà đệ tử Sa-môn Cù-đàm theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh.”

Sau khi làm cho đại chúng của mình im lặng rồi, Phạm chí Tiễn Mao lại thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, cái gì là tối thượng, tối diệu, tối thắng, vì để chứng đắc như vậy, mà đệ tử Sa-môn Cù-đàm theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Ưu-đà-di, Tỳ-kheo diệt lạc, diệt khổ, và ưu, hỷ đã có từ trước cũng diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Ưu-đà-di, đó gọi là tối thượng tối diệu, tối thắng, vìđể chứng đắc như vậy mà đệ tử Ta theo học phạm hạnh.”

Bấy giờ Dị học Tiễn Mao liền từ chỗ ngồi đứng dậy, muốn cúi đầu sát chân Phật. Ngay lúc đó các đệ tử dị học phạm hạnh của Dị học Tiễn Mao thưa với Dị học Tiễn Mao rằng: “Tôn giả nay đáng làm bậc Thầy mà muốn làm đệ tử Sa-môn Cù-đàm ư? Khi nào Tôn giả không đáng làm Thầy, rồihãy làm đệ tử Sa-môn Cù-đàm vậy.”

Đó là các đệ tử của Dị học Tiễn Mao là chướng ngại cho Dị học Tiễn Mao đối với sự tu học phạm hạnh.

Phật thuyết như vậy. Dị học Tiễn Mao sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: M.79. Cūḷa-Sakuludāyi-sutta.
[02] Toàn cả đoạn trên, giống Kinh208.
[03] Tát-vân-nhiên 薩 云 然; Pāli: sabaññu, hoặc âm là tá-bà-nhã: vị Nhất thiết trí; người hay đấng Toàn trí.
[04] Phiêu phong quỷ 飄 風 鬼; Pāli: Pamsupisācaka, “quỷ bùn”, môt loại tì-xá-xà.
[05]Pāli: ayaṃ paramo vaṇṇo ayaṃ paramo vaṇṇo ti, ”sắc này là tối thượng, sắc này là tối thượng”. Sắc (vaṇṇa) ở đây có nghĩa màu sắc hay màu da.
[06] Thế Tôn, hối quá thử thuyết. Pāli: acchidaṃ Bhagavā kathaṃ, Thế Tôn đã cắt đứt vấn đề.
[07] Hậu thế nhất hướng lạc 後 世 一向 樂. Pāli: ekantasukho loko, thế giới nhất hướng lạc.
[08] Pāli: atthi ākāravatī paṭipadā... sacchikiriyāyāti, có đường lối có cơ sở để thực chứng bản thân.
[09] Tạp khổ 雜 苦. Pāli: sukhadukkhī, vừa sướng vừa khổ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com