- 01. Chút tâm sự để mở đầu buổi Hội Luận
- 02. Vận dụng bài học lịch sử cận đại về hoằng pháp của các cư sĩ tiền bối
- 03. Thật tâm, Thâm tâm và Bồ Đề tâm là ba sức bật Hoằng Pháp
- 04. Nghiệp Hoằng pháp: Hãy giữ linh hồn cho nhau!
- 05. Cư sĩ và việc hoằng pháp
- 06. Phật tử là người Hoằng Pháp
- 07. Đúc kết buổi “Hội luận Đuốc Tuệ 2011”
- 08. Người Cư sĩ gương mẫu
- 09. Vấn đề đào tạo Cư sĩ Hoằng pháp
- 10. Đào tạo Giáo thọ sư tại Mỹ
- 11. Hải ngoại và Dòng Sinh mệnh Phật giáo
- 12. Người Cư sĩ Phật giáo
- 13. Người Cư sĩ phải làm gì để Truyền bá Phật giáo trong Thế kỷ 21
- 14. Tu học để hoằng pháp
- 15. Đem Phật pháp đến cho giới trẻ
- 16. Tăng đoàn của Đức Phật buổi sơ khai và Vài ý nghĩ về Hoằng pháp
ĐÓNG GÓP CỦA CƯ SĨ
TRONG VIỆC HOẰNG PHÁP TẠI HẢI NGOẠI
(Kỷ Yếu Hội Luận 2011, Hội Phật Học Đuốc Tuệ)
THẬT TÂM, THÂM TÂM & BỒ ĐỀ TÂM LÀ BA SỨC BẬT HOẰNG PHÁPNguyên Lượng Nguyễn Phước Trí
Đạo Phật là đạo Giác ngộ, Từ Bi và Bình đẳng. Giác ngộ không dành riêng cho giới xuất gia hay tại gia, trí thức hay không trí thức, tất cả mọi người có tu theo giáo pháp của Phật đều sẽ thành Phật. Kinh Pháp Bảo Đàn đã kể chuyện hai nhân vật kiệt xuất: Ngài Thần Tú và ngài Huệ Năng. Ngài Thần Tú là vị pháp sư, vị Giáo thọ dạy đại chúng tại chùa Đông Thiền ở huyện Huỳnh Mai. Còn ngài Hụê Năng là người không biết chữ, giữ vai trò giả gạo tại nhà trú. Thế mà rốt cuộc, ngài Hụê Năng cũng chứng ngộ và được truyền tâm ấn thành Tổ thứ sáu của Thiền tôn Trung hoa.
Trong kinh Tịnh Danh, Ngài Bồ Tát Văn Thù tượng trưng cho giới xuất gia còn Ngài Duy Ma Cật tượng trưng cho giới cư sĩ. Hai giới này tương thông ứng hiện với nhau đưa đến sự cao cả tuyệt vời của đạo Phật. Đem Chánh pháp thể hiện vào tận hang cùng của cuộc sống xã hội, tiếp cận với mọi giai tầng chúng sinh, không phân biệt già, trẻ, trí thức hay không trí thức, giàu có hay bần cùng … mà tạo nên một xã hội tuy phức tạp mà vẫn thanh bình an lạc qua tình thương bao dung của trí tuệ và bình đẳng.
Đạo Phật phát triển từ ba cơ sở “tình thương, trí tuệ và bình đẳng”, mà giới xuất gia là phên dậu giữ vững giềng mối tinh thần. Còn giới cư sĩ tại gia thì vun bồi thể chất của đạo, cùng nhau, hai giới đã truyền thức giáo pháp của Phật hơn 2500 năm nay. Sự truyền thức này, không bị dao động hay bị đóng khung trong môi trường nào, dù môi trường đó thanh tịnh hay ố nhiễm hôi tanh trong cuộc sống ta bà. Đạo Phật đã và sẽ còn phát triển qua giáo lý sáng ngời như “Tứ Diệu Đế, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Bát Chánh Đạo”. Giáo lý thuần khiết được thể hiện bằng hình ảnh Hoa Sen sống trong bùn nhưng không hôi tanh mùi bùn.
Chính vì vậy William James đã nói “Sự khám phá vĩ đại nhất của thời đại chúng ta chính là việc con người có thể thay đổi cuộc sống của mình, chính bằng cách thay đổi thái độ sống”. Trên cơ sở đó, người xuất gia và cư sĩ tại gia muốn chuyển hóa con người, chuyển hóa xã hội đi đến chổ toàn thiện, thì hai thành phần này phải giữ vững tâm mình qua ba sự chân thật của tâm đó là: “Thật Tâm, Thâm Tâm, và Bồ Đề Tâm”. Đem tâm chân thật đối xử với mọi người sẽ tạo cho mình, và người có sức sống mãnh liệt vững chãi, đi đến thành công. Niềm tin chân thật qua ba tâm tạo cho xã hội có sức sống tuyệt vời qua ý nghĩa của người hành đạo và xây dựng đạo. Tuy đời sống xã hội lúc nào cũng có mặt phải và mặt trái, mặt trái lúc nào cũng tiêu biểu cho sự đối phó, sự đối phó một cách mảnh liệt, cho nên người đời có câu “nói thật mích lòng” nhưng người thật tâm xây dựng đời sống an lành cho xã hội, cho mọi người, thì đâu có ngại gian nguy, khổ nạn. Vì lẽ ấy “chữ tu và chữ tù” tuy có chung một vần nhưng không bị sự đảo điên của xã hội làm trở ngại tâm chân thật của người thật, đó là tâm xây dựng đạo và đời. Có trải rộng lòng thương qua sự gạn lọc cùa tâm hiểu biết thì mới chắc chắn đem lại thành công cho đại chúng. Như vậy, đứng trước đối tượng quần chúng, đem ba tâm chân thật làm nền tảng để ứng xử với cuộc đời và với tha nhân.
Trước hết, người xuất gia và người cư sĩ thấy rõ bốn vấn đề: 1) Hãy nói những điều quần chúng muốn nói. 2) Hãy quan sát đối tượng có hiểu được hay không hiểu được và hiểu đúng mới nói. 3) Phải ứng với thời kỳ nào? 4) Phải ứng với quốc độ nào? Sự hiểu biết qua tầm nhìn quần chúng (đối tượng) không dành riêng cho thành phần xuất gia, vì người cư sĩ có thể đóng vai trò của người xuất gia để làm Phât sự. Người cư sĩ cũng có thể là pháp sư hoằng truyền giáo pháp của Phật, cũng có thể kiến lập đạo tràng cho người cư sĩ cùng tu, cùng học. Nhìn về quá khứ, vào thế kỷ 19-20 tại Việt Nam, ở miền trung, mỗi tỉnh, mỗi quận, mỗi xã đều có trường Bồ Đề dạy cho tuổi thiếu niên về đời và đạo. Lại có các khuôn hội để người cư sĩ cùng nhau đến học hỏi giáo lý và tu luyện bản thân. Tại miền Nam có chùa Xá Lợi là trụ sở chính của người cư sĩ.
Trong lãnh vực kiến lập đạo tràng và gìn giữ đạo tràng, đặc biệt tại Việt Nam, người cư sĩ đóng vai trò hành đạo để hoằng truyền đạo pháp của Đức Phật một cách thiết thực, được thông qua và tương ứng hỗ trợ tinh thần của giới xuất gia. Vậy thử đặt câu hỏi vào thời kỳ này tại đất nước Hoa Kỳ này, người cư sĩ có thể đóng vai trò hoằng truyền giáo pháp của Phật được không?
Thomas Jefferson đã nói “Không một quyền lực nào có thể ngăn cản được một người có thái độ đúng, tinh thần đúng, đạt được mục đích của mình, và không gì trên đời có thể giúp một người có thái độ tinh thần không đúng đạt được thành công”.
Kinh Pháp Hoa phẩm thứ 10 (“Pháp Sư”) và phẩm thứ 19 (“Pháp sư Công đức”) đã xác định rõ vai trò của vị pháp sư hoằng truyền giáo pháp của Đức Phật gồm “Thọ trì, đọc tụng, thư trả và diển thuyết”. Người nào thực hành được một trong các điều nêu trên đều là pháp sư. Vậy người cư sĩ kiến lập đạo tràng giử vững đạo tràng, tạo cho người cư sĩ khác có nơi tu, có nơi nghe pháp, có nơi nương tựa thì điều này có nên thực hiện không? Nhất là tại đất nước Hoa Kỳ này.
Nhìn tại Quận Cam (Orange County) nói riêng và các tiểu bang nói chung, đã có các đạo tràng xây dựng, các nơi ấy không có hình bóng của người xuất gia thì sao? Chúng ta nên ý thức rằng “Đời không đạo, đời không đứng vững - Đạo không đời, đạo ngã nghiêng” để nhìn một cách thiết thực rằng từ ngàn xưa đến nay, có ngôi chùa nào, có tịnh xá nào xây dựng lên, mà nơi ấy không có bàn tay đóng góp của hàng cư sĩ.
Sức mạnh của Đạo pháp là ở ngay giới cư sĩ và được tương ứng với sự lảnh đạo tinh thần của giới xuất gia. Hai phần trên được đồng nhất thì chắc chắn giềng mối đạo sẽ vững vàng phát triển.
Tại Quận Cam có Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo, có Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County, có Hội Phật Học Đuốc Tụê và nhiều đạo tràng khác v.v. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương Đức Phật dạy rằng: “Tự thắng mình là chiến công oanh liệt”. Thật vậy, nếu chúng ta làm việc toàn nhờ may mắn thì việc làm đó sẽ không còn ý nghĩa, chúng ta không có cơ hội trải dài kinh nghiệm qua trí óc khôn ngoan, tìm tòi và trưởng thành trong cuộc sống. Ví dụ: Làm người hội trưởng của Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County không chỉ đơn thuần thi hành chức vụ mà còn kiêm thêm nhiệm vụ làm người tài xế trong hai mươi năm qua, để chuyên chở hội viên đến đạo tràng tu tập và sinh hoạt mỗi tối thứ sáu hàng tuần. Chính nhờ kiên trì theo đuổi công việc thiết thực ba tâm “Thật tâm, Thâm tâm, và Bồ đề tâm” mới thấy rõ rằng mọi người đi đến chùa tối thứ sáu là mỗi vị Phật, vì người ấy tạo cho thân tâm thanh tịnh, đó chính là thể hiện tâm Phật vậy. Như vậy, làm tài xế chở các vì Phật đến chùa phước đức biết dường nào. Hội Phật Học Đuốc Tuệ suốt 9 năm qua đã cung thỉnh chư Tôn Đức về thuyết pháp, tại hội trường này, hội trường nọ, gây quỹ tạo ít tiền để ấn tống CD phát không cho thính giả. Nhiệm vụ ấy, nếu không kiên trì thực hiện qua tâm chân thật làm sao giữ vững thính giả đến nghe pháp ngày hôm nay. Như vậy Hội Phật Học Đuốc Tuệ đã thả mồi cho chim ăn một cách thiết thực, và no đủ. Tuy nhiên còn chỗ nghỉ ngơi và luyện tu chưa có, xem như chim chưa có lồng để tạo điều kiện an tâm. Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County cũng vậy, 20 năm kiến lập đạo tràng, tuy đạo tràng rất bền vững, nhưng sự bền vững ấy cũng nhờ cậy các chùa “làm cái lồng cho hội”, không tự làm chủ và hoàn toàn bị lệ thuộc. Vậy chúng ta hãy nghĩ về sự kiến lập đạo tràng, xây dựng tổ ấm cho đàn chim ???
Chúng ta hãy bắt đầu từ chính bản thân đi đến thành công. Nhưng mức độ thành công cũng phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ và giao thiệp của chúng ta. Nói cách khác, “chúng ta khó thành công vượt bực chỉ bằng vào riêng rẽ nỗ lực của chúng ta”.
Zing Zigher đã nói “Một người sẽ đạt được điều mong mưốn khi người đó sẵn sàng giúp người khác đạt được mong muốn của họ”. Hãy tự tin để vượt qua mọi thử thách. Hoạt động đúng suy nghĩ, đúng tinh thần thì sẽ đem đến sự thành công một cách chân thật. Hãy dũng cảm đương đầu với những khó khăn, chúng sẽ hoàn toàn tan biến ngay nơi ta.
Đức Phật lúc nào cũng trang trải tình thương cho mọi chúng sanh. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Như Lai Thọ Lượng, Ngài đã nói: Ta hằng nghĩ thế này - Lấy gì cho chúng sanh -Được vào huệ vô thường - Mau thành tựu Phật thân. Ngài đã trang trải tình thương đến chúng ta. Chúng ta hãy tiếp nhận lấy và chuyển tải lòng thương chân thật đó đến mọi người. Năm trăm người con của các vị trưởng giả tại thành Tỳ Xá Ly đem năm trăm cây lọng cúng dường lên Đức Phật, kết hợp thành cây lọng lớn để kiến lập đạo tràng, khiến mười phương chư Phật đều hiện rõ bên trong, biến thành một đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh.
Hãy tự mình thấp đuốc lên mà đi, đi đến làng người, đi đến từng người con Phật, không ngại khó khăn, chông gai. Thanh sắt trui qua ngọn lửa sẽ trở thành thanh kiếm chặt đứt mọi khó khăn phiền não. Cửa chùa luôn mở rộng, nhưng chúng ta phải vươn lên để tự chủ, không bị lệ thuộc vào nơi nào.
Thời đại Lý Trần, quốc sư Phù Vân đã dạy: Trong non không có Phật, Phật ở trong lòng người hướng về Phật, Đức Phật hiện hữu ngay ở đó. Như vậy, chúng ta hiểu và thực hành theo đạo qua tuệ giác, khi ta sáng suốt nhìn thấy sự vật đúng như thật thì đó là nhiệm vụ của người cư sĩ, tiếp nối hộ trợ chương trình Hoằng Pháp của hàng xuất gia, chúng ta hãy tỉnh táo, sáng suốt, ở vì trí nào cũng thành tựu làm lợi ích cho đạo.
Thái độ sống là tất cả, nếu biết thay đổi cách suy nghĩ, chúng ta có thể thay đổi được cuộc đời, đem đời vào đạo qua sự dấn thân phục vụ đạo pháp. Việc hỗ trợ hoằng pháp thành công tùy thuộc vào ý chí và trí tuệ chúng ta. Hãy nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ để làm tròn nhiệm vụ của người cư sĩ.
Nguyên Lượng Nguyễn Phước Trí