Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are.
Tác giả: Jon Kabat-Zinn - Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên.
"Thiền tập áp dụng vào đời sống hằng ngày"
LỜI MỞ
Bạn có biết không? Nói cho cùng thì bất cứ một nơi nào bạn đến cũng sẽ là bây giờ và ở đây mà thôi. Trong giờ phút này bạn đang bận bịu với những vấn đề gì, thì chúng cũng đã là những việc bạn đã bận bịu trong quá khứ. Những gì bạn đang suy nghĩ ngay bây giờ là những gì đang ở trong tâm bạn. Bất cứ việc gì đã xảy ra thì nó đã xảy ra. Câu hỏi quan trọng là ta sẽ xử sự với chúng như thế nào. Nói một cách khác: "Bây giờ sao đây?"
Dù muốn dù không, ta chỉ duy có mỗi giây phút hiện tại này để sống mà thôi. Tuy vậy, ta lại cứ sống trong quên lãng, không nhớ rằng mình đang ở nơi đây, nơi ta đang có mặt, và đang sống trong hoàn cảnh ta đã có. Trong mỗi giây phút, chúng ta bắt gặp mình đứng trước một ngã tư đường của bây giờ và ở đây. Nhưng khi đám mây mờ của sự quên lãng che phủ giây phút hiện tại, chúng ta bị lạc lối. Và lúc ấy "Bây giờ sao đây?" thật sự trở thành một vấn đề.
Bị lạc lối, ở đây tôi muốn nói là khi ta tạm thời không còn tiếp xúc được với chính mình, cũng như với tất cả những tiềm năng của mình. Thay vì vậy, chúng ta lại bị rơi vào một trạng thái hành xử, quan sát và suy nghĩ như một người máy. Trong những giây phút ấy, ta cắt đứt sự liên lạc của mình với những gì sâu kín nhất trong nội tâm, mà chúng có thể đem lại cho ta những cơ hội rất lớn cho sự sáng tạo, học hỏi và phát triển. Và nếu không cẩn thận, những giây phút mờ mịt ấy có thể kéo dài ra và trở thành cuộc đời của mình.
Muốn thực sự tiếp xúc với thực tại, cho dù đó bất cứ là gì, chúng ta phải biết cách dừng lại trong kinh nghiệm của mình, lâu đủ để nó thấm sâu vào và lắng đọng xuống, lâu đủ để ta có thể thật sự cảm giác được giây phút hiện tại, thấy được nó một cách toàn vẹn, giữ nó trong tâm, để ta có thể biết và hiểu rõ ràng hơn. Chỉ chừng ấy, ta mới có thể chấp nhận được sự thật của giây phút này trong cuộc sống, để được học từ nó và rồi tiếp tục. Nhưng thay vì vậy, chúng ta thường bị ám ảnh bởi một quá khứ đã qua rồi hoặc một tương lai chưa tới. Chúng ta luôn đi tìm ở một nơi nào khác, với hy vọng rằng ở nơi đó mọi việc sẽ được tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, sẽ giống như ý ta muốn, hoặc sẽ được lại như xưa. Nhưng hầu hết chúng ta chỉ ý thức được một phần rất nhỏ của sự dằn co này, nếu ta có ý thức được chúng. Hơn nữa, chúng ta cũng chỉ có một ý thức nhỏ nhoi về những gì mình đang làm trong và đối với cuộc sống này, cũng như ảnh hưởng của chúng. Và tinh tế hơn nữa là ảnh hưởng của những ý nghĩ của ta trên những gì mình thấy và không thấy, những gì ta làm và không làm.
Ví dụ, chúng ta thường bị kẹt, một cách vô ý thức, vào sự giả định cho rằng những gì mình nghĩ - tư tưởng, ý kiến ta hằng nuôi dưỡng - là một chân lý tuyệt đối về những gì đang xảy ra ngoài kia cũng như ở trong tâm ta. Mà sự thật thì không bao giờ như vậy.
Chúng ta đã trả một giá rất đắt cho sự sai lầm cũng như cho cái giả định vô căn cứ ấy, khi ta đã cố ý xem thường tính cách nhiệm mầu của giây phút hiện tại. Hậu quả của chúng đã được tích lũy trong lặng lẽ và tô màu cho cuộc sống, trong khi chúng ta không hề hay biết hoặc có thể làm gì khác hơn được. Và có lẽ chúng ta cũng sẽ không bao giờ thật sự được là mình, không bao giờ có thể tiếp xúc được với tất cả những tiềm năng trong ta. Vì chúng ta thường hay tự khó chặt mình trong một ảo tuởng, rằng ta đã biết mình là ai, ta biết mình đang ở đâu và đang đi về đâu, rằng ta biết việc gì đang xảy ra. Trong khi sự thật ta đang bị liệm kín trong những ý nghĩ, mơ mộng, và những sự thúc đẩy, phần nhiều là về quá khứ hoặc tương lai, về những gì ta ưa thích hoặc ghét bỏ, chúng quay tít mù, che lấp kín con đường chúng ta đi và ngay cả mảnh đất ta đang đứng.
Quyển sách bạn đang cầm trên tay, đây là nói về một sự tỉnh thức dậy từ những giấc mơ ấy, nhiều khi chúng lại trở thành những ác mộng. Không ý thức được rằng mình đang sống trong mộng, đạo Phật gọi đó là vô minh, hoặc thất niệm. Và ý thức được sự không biết đó, ta gọi là chánh niệm. Công phu đánh thức mình dậy từ những giấc mơ ấy chính là Thiền tập, một phương pháp thực tập có hệ thống, giúp ta phát triển sự tỉnh thức, một khả năng ý thức được giây phút hiện tại. Sự tỉnh thức này đi song đôi với tuệ giác, tức một cái thấy sâu sắc về nhân và quả, về tính cách liên hệ mật thiết của mọi vật với nhau, nó giúp ta không còn bị kẹt trong một thực tại ảo tưởng về những tạo vật do chính mình dựng lên. Muốn tìm được con đường đi cho mình, ta cần phải biết chú ý hơn đến giây phút hiện tại này. Ta chỉ có mỗi một giây phút này để sống, để phát triển, để cảm nhận và để thay đổi. Chúng ta cần phải trở nên thật cẩn thận và đề phòng sự lôi kéo rất mãnh liệt của hai hấp lực quá khứ và tương lai, cũng như cái thế giới mộng tưởng chúng dâng tặng ta trong cuộc sống.
Khi nói đến Thiền tập, điều quan trọng là bạn nên biết rằng đây không phải là một việc làm nào lạ kỳ hoặc bí ẩn hết, Nó không có nghĩa là bắt ta phải trở thành một người lạnh lùng, xa lạ, lãnh đạm, cuồng tín, huyền bí hoặc làm một triết gia. Thiền tập chỉ đơn giản có nghĩa là làm chính mình và thật sự biết được một chút gì về con người ấy. Đây là một ý thức rằng ta đang đi trên một con đường, cho dù mình có ưa thích hay không, và con đường ấy chính là cuộc đời của ta. Thiền tập có thể giúp ta thấy được con đường mà ta gọi là cuộc đời này nó có một phương hướng, luôn luôn khai mở trong từng giây phút một, và những gì đang xảy ra bây giờ sẽ ảnh hưởng đến những gì xảy ra kế tiếp.
Và nếu việc xảy ra trong giây phút này sẽ có tác dụng đến việc xảy ra trong giây phút kế, thỉnh thoảng ta cũng nên nhìn lại chung quanh mình một chút, để có thể tiếp xúc với chúng sâu sắc hơn, và từ đó có được một nhận thức rõ ràng về con đường cũng như phương hướng chúng ta đang theo, như vậy thì có hay hơn không? Được như vậy, có lẽ ta sẽ có được một vị thế tốt đẹp hơn để có thể tự định cho mình một con đường nào thật sự thích hợp - một con đường tâm linh, một con đường của tình thương, một con đường của chính ta. Bằng không, sự thúc đẩy, xung lực của sự vô ý thức trong giây phút này sẽ quyết định cho giây phút kế. Những ngày, tháng, năm của ta sẽ trôi qua như chiếc bóng mờ của một con ngựa thoáng bên ngoài cửa sổ, thời gian ấy ta không hề biết tới và cũng không dùng đến.
Chúng ta rất dễ rơi thẳng vào một con dốc trơn bị sương mù che kín, dẫn ngay vào huyệt mộ của mình. Hoặc là một giây phút tỉnh táo nào đó vào lúc cuối đời trên giường bệnh, ta chợt tỉnh thức dậy và hiểu rằng những gì mình tưởng là quan trọng, là lối sống trong những năm qua, thật ra chỉ là một phần nhỏ của sự thật dựa trên sự sợ hãi và vô minh, chúng chỉ là những ý niệm giới hạn của ta về sự sống, chứ không hề là chân lý hoặc thật sự là một con đường sống.
Không một ai có thể làm công việc đánh thức dùm ta được, mặc dù đôi khi gia đình, bè bạn cũng đã cố gắng hết sức để truyền thông với ta, giúp ta thấy sáng suốt hơn cũng như phá tan sự mù tối của mình. Nhưng cuối cùng thì sự tỉnh thức là việc của mỗi chúng ta chỉ có thể làm cho chính mình. Chung quy lại thì bất cứ nơi nào ta đến, chỉ có thể là bây giờ và ở đây. Đó chính là cuộc sống của chính ta đang khai mở.
Trọn cuộc đời, đức Phật đã đi truyền dạy một giáo lý sống tỉnh thức. Có lẽ đức Phật cũng có những hàng đệ tử lúc nào cũng mong ngài giúp họ đễ dàng tìm được một con đường cho họ. Vào lúc cuối đời, đức Phật cũng đã tóm tắt lại một lời này cho các đệ tử của ngài: "Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi".
Chánh niệm là một thực tập có liên quan đến sự chú ý và tỉnh thức, đó là những nhân tính rất phổ thông của loài người. Nhưng trong xã hội này, chúng ta lại hay xem thường những khả năng ấy, không nghĩ đến chuyện phát triển chúng một cách có hệ thống để phục vụ cho sự tự hiểu cũng như tuệ giác của chúng ta. Thiền tập là một quá trình giúp ta làm sâu sắc thêm sự chú ý cũng như chánh niệm của mình, tôi luyện chúng và đem áp dụng vào những sự việc cụ thể trong đời sống hàng ngày.
Mục đích của quyển sách này là để mời gọi đọc giả ý thức rằng, qua các kinh nghiệm trực tiếp bằng sự chú ý đến những việc đa số chúng ta thường bỏ qua, có một lý do thật sự để chúng ta đem sự thực tập chánh niệm thể nhập vào cơ cấu đời sống của mình.
Nhưng không phải tôi nói rằng chánh niệm là một liều thuốc tiên có công năng, chữa trị bá bệnh, giải quyết hết mọi khó khăn của cuộc sống. Không hề là vậy. Tôi không biết là thật sự có một giải pháp kỳ diệu nào không, thật sự tôi cũng không muốn đi tìm. Một cuộc sống toàn vẹn phải được vẽ bằng những đường nét rộng lớn. Có nhiều con đường dẫn đến sự hiểu biết và tuệ giác. Mỗi người chúng ta có những nhu cầu riêng cần được xử lý và đeo đuổi trong cuộc hành trình của đời mình. Mỗi người chúng ta phải tự vạch lấy con đường đi và nó phải thích hợp với sự sẵn sàng của chính mình.
Lẽ dĩ nhiên bạn phải sẵn sàng cho sự thực tập thiền quán. Bạn phải biết đến với nó vào đúng lúc trong đời mình, ở một thời điểm bạn đã sẵn sàng biết thật sự lắng nghe giọng nói, con tim và hơi thở của mình - biết có mặt với chúng, không cần phải đi đâu hoặc cải tiến hay thay đổi bất cứ một việc gì hết. Nó là một công phu tu tập.
Quyển sách này mở những cánh cửa đơn sơ để giúp ta bước vào và tiếp xúc với bản chất của thiền tập chánh niệm, cũng như những ứng dụng cụ thể của nó. Nó đặc biệt giúp ích cho những ai cảm thấy không thích hợp với những chương trình được ấn định có quy củ, không bị thích trực tiếp hướng dẫn, nhưng tò mò muốn tìm hiểu về chánh niệm và sự áp dụng của nó. Trong sách, tôi thỉnh thoảng có đóng góp những lời nhắn nhủ và gợi ý cho sự thực tập.
Và cùng một lúc, quyển sách này cũng cung cấp cho những ai đã và đang thực tập thiền quán, muốn mở rộng, đào sâu và củng cố ước vọng muốn sống một cuộc đời tỉnh thức và minh triết. Nơi đây, trong những chương ngắn, tôi đặt trong tâm vào tinh thần của chánh niệm, trong cả hai lãnh vực: sự tu tập nghiêm túc theo quy củ và sự cố gắng đem phương pháp thực tập áp dụng vào mọi phương diện của cuộc sống. Mỗi chương là một cái nhìn lướt qua trên một mặt nhỏ của viên kim cương chánh niệm có muôn ngàn mặt. Đôi khi chúng có vẻ tương tự như nhau, nhưng mỗi mặt đều có một nét đặc thù và hoàn cảnh khác biệt.
Sự khám phá viên kim cương của chánh niệm này được dâng tặng cho những ai muốn tìm cho mình một con đường đi đến sự giải thoát và minh triết trong đời sống. Nó chỉ đòi hỏi một sự cương quyết, muốn nhìn sâu sắc vào giây phút hiện tại, cho dù đó là bất cứ một hoàn cảnh gì, với lòng từ ái đối với chính mình, và sự cởi mở đối với những gì có thể xảy ra.
Phần một giới thiệu lý do căn bản và nền tảng của việc thực tập cũng như phát huy chánh niệm trong đời sống cá nhân. Nó thách thức đọc giả hãy kinh nghiệm, thử áp dụng chánh niệm vào đời sống của mình qua nhiều phương cách khác nhau. Phần hai giới thiệu một vài phương diện căn bản của một sự tu tập nghiêm túc. Tu tập nghiêm túc ở đây nói về những khi ta bỏ ra một thời gian nhất định, khi ta ngưng hết mọi sinh hoạt thường ngày với mục đích thực hành những phương pháp thiền tập để phát huy chánh niệm và định lực. Nhiều chương trong phần ba của quyển sách được chấm dứt bằng những bài thực tập, chúng gợi ý cho đọc giả những phương cách đem ứng dụng chánh niệm vào đời sống hằng ngày.