Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

20. Không phê phán

04/02/201213:08(Xem: 8664)
20. Không phê phán
NƠI ẤY LÀ BÂY GIỜ VÀ Ở ĐÂY
Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are.
Tác giả: Jon Kabat-Zinn - Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên.
"Thiền tập áp dụng vào đời sống hằng ngày"

PHẦN MỘT
SỰ NHIỆM MẦU CỦA GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

20.- KHÔNG PHÊ PHÁN

Bạn không cần phải hành thiền lâu dài mới nhận ra rằng, một phần của tâm ta lúc nào cũng đánh giá những kinh nghiệm của mình, so sánh chúng với kinh nghiệm của kẻ khác, hoặc so đọ với những kỳ vọng và tiêu chuẩn mà ta đã tự đặt ra. Nguyên nhân thường là vì những nỗi sợ của mình. Sợ rằng mình không xứng đáng, rằng sẽ có việc không may xảy ra, rằng những gì tốt đẹp không tồn tại lâu, rằng người khác sẽ làm mình khổ đau, rằng ta không đạt được những gì mình muốn, rằng chỉ có ta mới là người biết, rằng chỉ có mình ta là không biết gì hết. Chúng ta có khuynh hướng nhìn sự vật qua một cặp kính màu: sự việc tốt hoặc xấu, hoặc chúng có phù hợp với niềm tin và triết lý của mình không. Nếu tốt thì ta ưa thích, nếu xấu thì ta ghét bỏ. Và nếu không tốt cũng không xấu, thì ta không có một cảm xúc nào đặc biệt hết, và có lẽ cũng chẳng thèm để ý đến.

Khi ta an trú trong tĩnh lặng, những tư tưởng phê phán trong ta sẽ phát hiện ra rõ rệt như là những tiếng còi báo hiệu sương mù ở ven biển. Tôi không ưa cái đau ở chân... Cái này chán quá... Tôi thích cảm giác tĩnh lặng này... Hôm qua tôi ngồi thiền thật tốt, nhưng hôm nay thì tệ quá... Cái này không hợp với tôi... Tôi không giỏi ngồi thiền cho lắm... Thật ra tôi không giỏi chút nào hết... Những loại tư tưởng này đã từng chế ngự và trì kéo tâm ta xuống. Nó cũng tương tự như ta đang đội một thúng đá trên đầu vậy. Bạn nghĩ xem, nếu ta có thể bỏ nó xuống thì sung sướng biết chừng nào! Và bạn hãy tưởng tượng, nếu chúng ta biết dừng sự phê phán của mình lại, và để cho mỗi giây phút được như nó là, không cần phán đoán nó là "tốt" hoặc "xấu", ta sẽ cảm thấy như thế nào! Đó mới thật sự là tĩnh lặng, là chân giải thoát.

Thiền tập có nghĩa là nuôi dưỡng và phát triển một thái độ không phê phán những gì đang khởi lên trong tâm, bất cứ là một sự việc gì. Thiếu thái độ ấy không có nghĩa là sự phê phán không còn nữa. Lẽ dĩ nhiên nó sẽ vẫn còn đó, vì bản tánh của tâm ý là hay so sánh, phê phán và đánh giá. Nhưng khi nó có mặt, ta sẽ không cố gắng ngăn chận hoặc làm lơ nó, hơn bất cứ một tư tưởng nào khác có mặt trong tâm mình.

Con đường của thiền tập là chỉ đơn giản chứng kiến bất cứ một sự việc gì khởi lên trong tâm và thân, nhận diện nó bằng một tâm bình thản, không theo đuổi cũng không ghét bỏ. Ta cũng ý thức được rằng, sự phán đoán của ta không thể nào tránh được, và ý tưởng về kinh nghiệm thì rất giới hạn. Điều ta muốn có được trong thiền tập là tiếp xúc trực tiếp với kinh nghiệm của mình. Cho dù đó là một hơi thở vào, hơi thở ra, một cảm giác hoặc cảm thọ, một âm thanh, một sự thôi thúc, một tư tưởng, một ý niệm, hoặc một ý nghĩ phê phán. Và ta luôn luôn tỉnh thức, biết rằng mình rất có thể bị kẹt vào việc đi phê phán chính sự phê phán ấy, hoặc dán cho chúng nhản hiệu là tốt hay xấu.

Trong khi ý nghĩ của ta hay tô màu lên mọi kinh nghiệm, những ý nghĩ ấy lại thường không được mấy chính xác. Lắm khi chúng chỉ là ý kiến cá nhân, là những phản ứng và thiên kiến dựa trên một kiến thức giới hạn và chịu nhiều ảnh hưởng bởi những điều kiện trong quá khứ. Bao giờ cũng vậy, khi không nhận thức được chúng, những tư tưởng ấy có thể ngăn trở không cho ta thấy rõ được thực tại chung quanh. Chúng ta bị mắc kẹt trong sự suy nghĩ, tưởng rằng ta thật sự biết những gì mình đang nhìn, đang cảm nhận, và đem tâm phán đoán khéo léo áp đặt lên mọi việc ta tiếp xúc. Chỉ cần ta ý thức được tập quán cố hữu này và theo dõi nó mỗi khi nó có mặt, có thể giúp ta phát triển một thái độ chấp thuận và tiếp nhận mà không phê phán, vô cùng rộng lớn.

Nhưng bạn nên nhớ rằng, một thái độ không phê phán không có nghĩa là ta sẽ không còn biết xử sự hoặc hành động có trách nhiệm trong xã hội nữa, hoặc là để mặc ai làm gì cũng được. Nó chỉ đơn giản có nghĩa là chúng ta biết hành xử sáng suốt hơn trong cuộc sống, ta trở nên quân bình hơn, hữu hiệu hơn và có đạo đức hơn trong mọi sinh hoạt. Vì ta ý thức được rằng, mình đang đắm chìm trong dòng sông thất niệm, của sự ưa thích và ghét bỏ, chúng ngăn che ta với thế giới và bản chất thanh tịnh của mình. Tâm thức ưa ghét ấy có thể cư trú thường trực trong ta, và nó cung cấp nguyện liệu cho những hành động si mê của ta một cách vô ý thức, trong mọi lãnh vực của sự sống. Khi ta có thể nhận diện và gọi tên những hạt giống tham lam trong tâm, dù chúng tinh tế đến đâu - lúc nào cũng muốn theo đuổi sự vật và kết quả mình mong mỏi - và những hạt giống của sân hận, ghét bỏ, trốn tránh những gì mình không ưa thích - nó sẽ giúp ta dừng lại trong một khoảnh khắc và tự nhắc nhở rằng, những năng lực nguy hại ấy đang thực sự có mặt nơi ta. Ta có thể nói rằng chúng là những vi khuẩn, độc tố rất nguy hiểm, ngăn trở không cho ta nhìn thấy rõ được thực tại cũng như xử dụng hết chân tiềm lực của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]