Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

18. Kiên nhẫn

04/02/201213:08(Xem: 9180)
18. Kiên nhẫn
NƠI ẤY LÀ BÂY GIỜ VÀ Ở ĐÂY
Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are.
Tác giả: Jon Kabat-Zinn - Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên.
"Thiền tập áp dụng vào đời sống hằng ngày"

PHẦN MỘT
SỰ NHIỆM MẦU CỦA GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

18.- KIÊN NHẪN

Có những thái độ và đức tánh đặc biệt có khả năng hỗ trợ cho sự tu tập của ta, và tạo nên một mảnh đất phì nhiêu cho hạt giống chánh niệm đơm bông kết trái. Khi ta khai phát những phẩm tính này, là ta đang thực sự canh tác mảnh đất tâm để nó có thể trở thành một nguồn mạch của từ bi, trí tuệ và những hành động chân chính trong cuộc sống.

Những đức tính nội tâm có khả năng bảo trợ sự thiền tập của ta, không thể nào bị áp đặt, ép buộc hoặc tuân theo như một đạo luật. Chúng chỉ có thể được nuôi dưỡng và phát triển mà thôi. Và việc ấy chỉ xảy ra khi nào ta đạt đến một giai đoạn mà ta thôi không còn muốn đóng góp vào khổ đau, cũng như sự bối rối của chính mình, và có lẽ là của kẻ khác nữa. Chung quy nó có nghĩa là hành động sao cho có luân lý, đạo đức - và đối với nhiều người, đây có thể là một ý niệm rất nguy hại.

Có một lần tôi nghe trên máy phát thanh, một người nào đó định nghĩa luân lý như là "sự phục tùng theo những điều không ai bắt buộc được". Cũng hay đó chứ! Bạn làm vì một lý do nội tại, chứ không phải vì ai đó kiểm soát bạn, hoặc vì bạn sẽ bị trừng phạt nếu không tuân theo, hay bị bắt gặp. Bạn hành động theo lương tri của chính mình. Nó là một tiếng nói sâu xa phát xuất từ trong ta, cũng tương tự như một mảnh đất tâm đang được vun xới cho sự trồng trọt chánh niệm. Bạn sẽ không thể nào có được sự hòa hợp nếu bạn không tuân theo những hành động đạo đức. Chúng cũng như là những hàng rào ngăn chận không cho các con dê vào ăn hết những mầm non trong vườn của bạn.

Tôi thấy một trong những đức tính đạo đức căn bản này là sự kiên nhẫn. Nếu bạn nuôi dưỡng đức kiên nhẫn, thì nhất định bạn sẽ nuôi dưỡng chánh niệm, và sự thiền tập của bạn cũng sẽ từ đó dần dà trở nên thâm sâu hơn và già dặn hơn. Dù sao đi nữa, trong giây phút hiện tại này, nếu bạn thật sự không cố gắng đi về đâu hết, kiên nhẫn sẽ tự lo liệu lấy chính nó. Đức kiên nhẫn nhắc nhở với ta rằng sự việc sẽ khai triển theo đúng thời điểm của nó. Ta không bao giờ có thể hối thúc bốn mùa được. Xuân đến thì cỏ xanh lại mọc. Sự vội vã thường không ích lợi gì cho ai, mà nhiều khi lại còn gây nên nhiều khổ đau - cho chính ta, đôi khi là cho những người sống quanh ta.

Kiên nhẫn lúc nào cũng là một liều thuốc chữa cho căn bệnh bất an, bồn chồn và nóng nảy. Nếu bạn nhìn xuyên qua mặt ngoài của sự bất an, bạn sẽ thấy được nằm bên dưới, dù có tinh tế hay không, là một sự nóng giận. Đó là một loại năng lượng mạnh phát xuất từ việc không muốn thực tại như nó là, và ta đổ lỗi ấy cho một người nào đó (thường là tự trách mình), hoặc một vật nào đó. Nhưng kiên nhẫn cũng không có nghĩa là ta sẽ không còn có thể vội vã được nữa, những lúc cần thiết. Thật ra ta vẫn có thể vội vã một cách kiên trì, trong chánh niệm và hành động mau mắn, vì ta chọn như thế.

Dưới cái nhìn của kiên nhẫn, thì cái này xảy ra vì cái kia xảy ra. Không có bất cứ một sự việc nào có thể tồn tại riêng rẽ hay biệt lập. Không có một nguyên nhân gốc rễ nào là tuyệt đối, cuối cùng, hoặc chịu trách nhiệm hoàn toàn hết. Giả sử có một người nào đó dùng cây đánh bạn một cái, bạn sẽ không nổi giận với cây gậy hoặc cánh tay ấy, mà là bạn tức giận với người có cánh tay đó. Nhưng nếu bạn nhìn sâu hơn một chút, bạn sẽ không thể nào tìm thấy một nguyên nhân thỏa đáng cho cơn giận của mình, cho dù ở nơi người kia, vì sự thật anh ta không hề có ý thức về hành động của mình, cho nên chỉ mù quáng trong lúc đó mà thôi. Vậy thì chúng ta nên đổ lỗi và trừng phạt ai đây? Có lẽ ta nên trút cơn giận của mình lên cha mẹ của người ấy chăng, vì có thể anh ta đã phải chịu sự hành hạ của họ lúc còn bé thơ? Hay là ta nên trách cứ thế giới này vì đã không có tình thương? Nhưng thế giới này là gì đây? Có phải chăng trong đó có cả bạn và tôi? Bạn có bao giờ nhận thấy rằng mình cũng có những cơn giận như thế không, và trong một vài trường hợp nó có những khuynh hướng rất bạo động, đôi khi có thể là giết người được?

Đức Đạt Lai Lạt Ma không hề biểu lộ sự tức giận đối với người Trung Hoa, mặc dù trong nhiều năm qua chính sách của chánh quyền Trung Hoa là muốn diệt chủng dân tộc Tây Tạng của ông. Họ cố gắng đồng hóa những tín ngưỡng, văn hóa, tục lệ, tất cả những gì mà người Tây Tạng yêu quý nhất, và muốn thâu gồm luôn mảnh đất thân yêu mà họ đang sinh sống. Khi lên lãnh giải thưởng thế giới Nobel về hòa bình, trả lời cho một ký giả hỏi rằng vì sao ngài không thù ghét người Trung Hoa, đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: "Họ đã cướp hết tất cả những gì chúng tôi có, không lẽ tôi lại để cho họ lấy luôn sự an lạc của mình hay sao?"

Thái độ ấy tự nó là một biểu lộ rất đặc thù của hòa bình - niềm an lạc trong nội tâm, ý thức được những gì thật sự là chính yếu - và sự an lạc bên ngoài, hiện thân của tuệ giác ấy trong sự sống và hành động. An lạc và thái độ sẵn lòng kiên nhẫn trước một sự khiêu khích và khổ đau to tát như thế, chỉ có thể phát xuất ở một tâm từ bao la, một tình thương không chỉ giới hạn cho những người thân, mà cho luôn cả những ai, vì si mê, đã gây cho ta và những người ta yêu nhiều khổ đau.

Mức độ vô ngã của tâm từ dựa trên những gì mà đức Phật gọi là chánh niệm và chánh kiến. Nhưng việc ấy không phải tự nhiên mà có. Nó cần phải được tu tập và khai triển. Bạn nên nhớ rằng, không phải tánh giận sẽ không bao giờ khởi lên nữa, nhưng ta có thể xử dụng nó, kiểm soát nó, và dùng năng lượng ấy để nuôi dưỡng cho tính kiên nhẫn, từ bi, hòa hài và tuệ giác trong ta, và còn có lẽ trong kẻ khác nữa.

Trong thiền tập, chúng ta phát triển tánh kiên nhẫn mỗi khi ta dừng lại và ngồi xuống theo dõi hơi thở của mình. Và hành động ấy sẽ mời gọi ta biết cởi mở hơn, biết tiếp xúc hơn, kiên nhẫn hơn với giây phút hiện tại, và giây phút này tự nhiên sẽ kéo dài sang những thời gian khác trong cuộc sống. Chúng ta ý thức được rằng, mọi việc sẽ khai mở theo đúng tự tánh của nó. Vì vậy ta cũng phải biết cho phép sự sống của mình khai mở theo cùng một lối ấy. Ta không cần phải để cho những lo âu và tham muốn về một tương lai nào đó thống trị phẩm chất của giây phút hiện tại này, cho dù thực tại có là khổ đau chăng nữa. Khi nào ta cần phải xô đẩy, hãy cứ xô đẩy. Khi nào ta cần phải lôi kéo, hãy cứ lôi kéo. Nhưng chúng ta cũng biết khi nào mình không cần phải xô đẩy, và khi nào không cần phải lôi kéo.

Chung quy là chúng ta cố gắng đem lại sự quân bình cho giây phút hiện tại, biết rằng tuệ giác nằm trong sự kiên nhẫn, biết rằng những gì sắp đến sẽ được định doạt bởi con người của ta trong giờ phút hiện tại này. Nhớ được những điều ấy sẽ giúp ích cho ta rất nhiều, nhất là những khi ta cảm thấy bất an trong sự tu tập của mình, hoặc khi ta trở nên nản lòng, buồn chán và tức giận trong cuộc sống.

Thục năng trọc dĩ chỉ,
Tĩnh chi từ thanh.
Thục dĩ an dĩ cửu,
Động chi từ sanh.

Ai hay nhờ tịnh mà đục hóa trong,
Ai hay nhờ động mà đứng lại đi.
Lão Tử, Đạo Đức Kinh.

Tôi hiện hữu như vậy đủ rồi,
Dù không một ai khác biết.
Tôi vẫn ngồi đây mãn nguyện,
Và dù mọi người ai cũng biết.
Tôi vẫn ngồi đây mãn nguyện,
Có một thế giới đang biết, và đối với tôi.
Nó vĩ đại vô cùng, vì đó là Tôi,
Và dù tôi có trở về với chính mình.
Ngày hôm nay,
Hay trong ngàn, triệu năm đi qua,
Tôi sẽ hân hoan nhận lãnh nó bây giờ.
Và với cùng một niềm vui,
Vì tôi có thể đợi chờ.
Walt Whitman, Leaves of Grass.

Thực tập: Hãy quan sát sự bất an và giận dữ mỗi khi chúng khởi lên. Bạn hãy thử tập một cái nhìn mới, thấy được rằng sự việc sẽ khai mở theo đúng thời điểm của nó. Việc này rất hữu ích, nhất là những khi bạn cảm thấy căng thẳng, kẹt lối hoặc bối rối trong công việc bạn cần làm hay muốn làm. Biết rằng khó, nhưng bạn cố gắng đừng thúc dục dòng sông trong lúc ấy, mà nên lắng nghe nó cho thật cẩn trọng. Nó muốn nói gì với bạn? Nó khuyên bạn phải làm gì? Nếu không cảm thấy gì hết, bạn hãy tiếp tục thở trong chánh niệm, để cho sự việc như chúng là, buông hết cho sự kiên nhẫn và tiếp tục lắng nghe. Nếu dòng sông khuyên bạn làm gì, bạn hãy thi hành, nhưng phải nhớ là làm trong chánh niệm. Rồi sau đó, dừng lại, kiên nhẫn chờ đợi và lại lắng nghe.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]