Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển thứ 07

08/11/201115:28(Xem: 2513)
Quyển thứ 07

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ - Phan Rang

Quyển thứ bảy

PHẨM THỨ CHÍN: TÀ CHÁNH

PHẦN IX:

- Lúc bấy giờ, ngài Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Bốn thứ người như đã nói trên cần phải y chỉ sao?

Đức Phật dạy rằng :

- Đúng vậy ! Đúng vậy ! Này thiện nam tử ! Đúng như ta đã nói, cần phải y chỉ ! Vì sao vậy ? Vì có bốn loại ma. Những gì là bốn ? Đúng như lời nói của ma, các Kinh luật khác có thể thọ trì.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Như đức Phật đã nói, có bốn thứ ma thì như lời nói của ma và lời nói của đức Phật con làm sao mà phân biệt được ? Có những chúng sinh theo đuổi ma hạnh, lại có chúng sinh thuận theo lời dạy của đức Phật. Những bọn như vậy lại làm sao biết được ?

Đức Phật dạy rằng :

- Này Ca Diếp ! Sau khi ta vào Niết Bàn bảy trăm năm thì ma ba Tuần này dẫn dần sẽ hủy hoại, nhiễu loạn chánh pháp của ta. Ví như người thợ săn thân mặc pháp phục, Ma vương Ba Tuần cũng lại như vậy, hóa làm hình dáng Tỳ kheo, hình dáng Tỳ kheo ni, hình dáng Ưu bà tắc, hình dáng Ưu bà di. Vua ma cũng lại hóa làm thân Tu đà hoàn... cho đến hóa làm thân A la hán và sắc thân của đức Phật. Ma vương dùng hình tướng hữu lậu này hóa làm thân vô lậu mà hủy hoại chánh pháp của ta. Khi ma Ba Tuần này hủy hoại Chánh pháp thì sẽ nói lên rằng : “Đức Bồ tát khi xưa ở trên cõi trời Đâu Suất mất đi, hiện đến cung vua Bạch Tịnh tại thành Ca Tỳ La này, nương vào cái nhân ái dục hòa hợp của cha mẹ mà sinh ra, nuôi lớn thân này. Nếu nói rằng, có người sinh ra trong loài người mà được sự cung kính của đại chúng trời người các thế gian thì không có điều đó”. Lại nữa, ma còn nói rằng : “Thuở xưa đức Bồ tát khổ hạnh đủ thứ, bố thí đầu, mắt, não, tủy, đất nước, thành quách, vợ con nên hôm nay được thành Phật đạo. Do nhân duyên này nên được sự cung kính của những trời, người, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la già”. Nếu có Kinh luật nói lời nói này thì ông phải biết đó là lời nói của ma.

Này thiện nam tử ! Nếu có Kinh luật nói lời như vầy : “Đức Như Lai Chánh Giác thành Phật đã lâu, nay ngài phương tiện thị hiện là vì muốn độ thoát các chúng sinh. Ngài thị hiện có cha mẹ nương vào nhân ái dục hòa hợp mà sinh ra. Ngài thuận theo thế gian tạo tác sự thị hiện này”. Kinh luật nói như vậy thì ông phải biết, đó quả thật là lời nói của Như Lai. Nếu có người thuận theo lời nói của ma thì chính là quyến thuộc của ma. Nếu có người có thể thuận theo lời nói của Phật thì tức là Bồ tát.

Nếu có người nói rằng, Như Lai ra đời, ở mười phương diện, đều đi bảy bước. Không thể tin điều đó là lời nói của ma. Nếu có người lại nói rằng, Như Lai ra đời, ở mười phương diện đều đi bảy bước, đó là phương tiện thị hiện của Như Lai. Đó gọi là lời nói Kinh luật của Như Lai. Nếu có người thuận theo lời nói của ma thì chính là quyến thuộc của ma. Nếu người có thể thuận theo lời nói của Phật thì tức là Bồ tát. Nếu có người nói rằng, Bồ tát sinh ra rồi vua cha sai người đem đến miếu thờ trời, chư thiên thấy rồi đều sụp xuống lễ kính. Vậy nên gọi là Phật. Lại có người nạn vấn rằng, trời xuất hiện trước, Phật ở sau họ thì tại sao chư Thiên lễ kính đối với Phật ? Kẻ đặt ra vấn nạn đó thì ông phải biết đó tức là lời nói của ma Ba Tuần.

Nếu có Kinh nói rằng, Phật đến miếu thờ trời thì chư Thiên, Ma Ê Thủ La, Đại Phạm Thiên vương, Thích Đề Hoàn Nhân.v.v... đều chắp tay cung kính làm lễ dưới chân Phật. Kinh luật nói như vậy thì chính là lời nói của Phật. Nếu có người thuận theo lời nói của ma thì chính là quyến thuộc của ma. Nếu người có thể thuận theo lời nói của Phật thì tức là Bồ tát. Nếu có Kinh luật nói rằng, Bồ tát khi làm thái tử, vì dục tâm nên khắp bốn phương tìm hỏi vợ, ở tại thâm cung tự vui sướng hưởng thụ lạc. Kinh luật như vậy là lời nói của ma Ba Tuần.

Nếu có nói rằng, Bồ tát từ lâu đã lìa bỏ dục tâm, vợ con, quyến thuộc... cho đến chẳng hưởng thụ năm dục thượng diệu của trời Ba mươi ba như nhổ bỏ nước bọt, huống gì là sự ham muốn của loài người. Ngài cạo bỏ râu tóc xuất gia tu đạo. Kinh luật nói như vậy thì chính là lời nói của Phật. Nếu có người thuận theo Kinh luật của ma thì chính là quyến thuộc của ma. Nếu có người thuận theo Kinh luật của Phật thì tức là Bồ tát.

Nếu có người nói rằng, đức Phật ở tinh xá Kỳ Đà (Hoàn) tại nước Xá Vệ, cho phép các Tỳ kheo nhận nuôi nô tỳ, người sai khiến, trâu dê, voi ngựa, lừa la, gà heo, mèo chó, vàng bạc, lưu ly, trân châu, pha lê, xa cừ, mã não, san hô, hỗ phách, kha cụ, bích ngọc, nồi chõ bằng đồng bằng sắt, mâm đồng lớn nhỏ... những vật cần dùng, cày ruộng, gieo trồng, buôn bán, trao đổi, tíchtrữ lúa gạo... Mọi việc như vậy, do đức Phật từ bi, thương xót chúng sinh nên đều cho phép gom chứa. Kinh luật nói như vậy đều chính là ma nói.

Nếu có người nói rằng, đức Phật ở chỗ sở trụ của quỉ Na Lê Lâu tại tinh xá Kỳ Đà nước Xá Vệ, bấy giờ đức Như Lai, nhân Bà la môn tự là Cổ Đê Đức và vua Ba Tư Nặc, nói rằng : “Này Tỳ kheo ! Chẳng nên nhận nuôi chứa vàng bạc, lưu ly, pha lê, trân châu, xa cừ, mã não, san hô, hỗ phách, kha cụ, bích ngọc, nô tỳ, người sai khiến, đồng nam, đồng nữ, trâu dê, voi ngựa, lừa la, heo gà, mèo chó.v.v... nồi chõ bằng đồng bằng sắt, mâm đồng lớn nhỏ, đủ loại tạp sắc giường nằm, trải ngoại cụ, đồ cần dùng trong cuộc sống. Nào là nhà cửa, cày ruộng, gieo trồng, buôn bán, trao đổi, tự tay làm ra đồ ăn, tự mài dũa, tự đâm giã, chú thuật sữa trị thân, phương pháp điều phục chim ưng, ngước xem tinh tú (xem bói toán), đoán vận đầy vơi, xem tướng nam nữ, giải mộng kiết hung, là nam, là nữ, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, sáu mươi tư khả năng, lại có mười tám thứ chú thuật mê hoặc người, đủ thứ nghề khéo. Hoặc nói vô lượng việc tục của thế gian, tung rải hương bột, hương xoa, hương xông, đủ loại vòng hoa cài tóc, phương thuật sửa trị tóc, gian ngụy, dua nịnh quanh co, tham lợi không chán, ưa thích náo nhiệt, nói năng cười giỡn, ham thích thịt cá, hòa hợp độc dược, trị yểm dầu thơm, nắm giữ bảo cái và cả giày da, chế tạo quạt, tủ, hòm, đủ thứ hình vẽ, gom chứa lúa gạo, đậu mì lớn nhỏ và những quả trái, gần gũi quốc vương, con vua, đại thần và các nữ nhân lớn tiếng cả cười hoặc lại lặng thinh, ở trong các pháp sinh ra nhiều nghi hoặc, nhiều lời dối nói dài ngắn, đẹp xấu, hoặc thiện hay chẳng thiện, ưa mặc áo đẹp... đủ thứ những điều bất tịnh như vậy. Ở trước thí chủ, thân mình tự khen, du hành ra vào những chỗ bất tịnh như là quán rượu, nhà dâm nữ, sòng bài bạc... Những người như vậy ta nay chẳng cho phép ở trong hàng Tỳ kheo, cần phải ngưng tu đạo trở về làm người sai việc của thế tục, ví như cỏ lồng vực, bông kê đều diệt, không còn. Ông phải biết sự cấm chế của Kinh luật này.v.v... đều chính là lời nói của Như Lai vậy. Nếu có người thuận theo lời nói của ma thì chính là quyến thuộc của ma. Nếu có người thuận theo lời nói của đức Phật thì tức là Bồ tát.

Nếu có người nói rằng, đức Bồ tát muốn cúng dường thiên thần nên vào miếu thờ trời như là nơi thờ trời Phạm, trời Đại Tự Tại, trời Vi Đà, trời Ca chiên diên... Sở dĩ vào đó là vì ngài muốn điều phục chư thiên. Nếu chẳng nói vậy thì không có điều đó. Nếu nói rằng, Bồ tát chẳng thể vào với tà luận ngoại đạo, biết được uy nghi, văn chương, kỹ nghệ của tà luận ấy, cùng với kẻ sai khiến đấu tranh chẳng hòa hợp, chẳng được sự cung kính của nam, nữ, quốc vương, đại thần. Lại nữa ngài cũng chẳng biết hòa hợp các thảo dược, vì chẳng biết nên mới gọi là Như Lai. Như những người biết ấy thì chính là bọn tà kiến. Lại nữa, Như Lai đối với kẻ oán, người thân lòng luôn bình đẳng. Như người dùng dao cắt và người dùng hương xoa thân. Đối với hai người này ngài chẳng sinh ra lòng tăng thêm hay lòng giảm bớt. Ngài chỉ ở mực giữa nên gọi Như Lai. Kinh luật nói như vậy thì ông phải biết đó là lời nói của ma.

Nếu có người nói rằng, đức Bồ tát thị hiện như vậy, vào trong pháp ngoại học, miếu thờ trời, xuất gia tu đạo, thị hiện biết những uy nghi, lễ tiết ấy, có thể giải được tất cả văn chương, kỹ nghệ, thị hiện thư đương (nhà đọc sách), chỗ kỹ xão, có thể giỏi hòa hợp với những kẻ sai khiến đấu tranh. Ở trong các đại chúng, đồng nam, đồng nữ, phi hậu của hậu cung, nhân dân, trưởng giả, Bà la môn, quốc vương, đại thần và kẻ bần cùng.v.v... thì ngài là tối tôn, tối thượng. Ngài lại được sự cung kính của những người đó. Ngài cũng có thể thị hiện những việc như vậy. Ngài tuy ở với các kiến nhưng chẳng sinh ra ái tâm, giống như hoa sen chẳng thọ trần cấu. Vì độ tất cả các chúng sinh nên ngài giỏi làm đủ thứ phương tiện như vậy để thuận theo pháp của thế gian. Kinh luật nói như vậy thì ông phải biết đó tức là lời nói của Như Lai. Nếu có người thuận theo lời nói của ma thì chính là quyến thuộc của ma. Nếu người thuận theo lời nói của Phật thì đó là Đại Bồ tát. Nếu có người nói rằng, đức Như Lai vì ta mà giải nói Kinh luật. Nếu tội nặng nhẹ trong ác pháp và thâu lan già mà tính ấy đều nặng thì trong Luật chúng ta nhất định chẳng là thế. Ta từ lâu đã nhận thọ pháp như vậy mà các ông chẳng tin thì ta sao phải tự bỏ luật của mình theo luật các ông vậy ? Luật vốn có của ông là lời nói của ma. Kinh luật của chúng ta chính là đức Phật đã chế ra. Đức Như Lai trước đã nói chín bộ pháp ấn. Chín ấn như vậy ấn chứng Kinh luật của ta mà bắt đầu chẳng nghe có một chữ, một câu của Kinh điển Phương Đẳng. Đức Như Lai đã nói vô lượng Kinh luật mà chỗ nào có nói đến Kinh Phương Đẳng vậy? Như vậy trong Phương Đẳng chưa từng nghe có tên mười bộ Kinh. Như trong ấy có thì phải biết, nhất định là sự tạo tác của ông Điều Đạt (Đề Bà Đạt Đa). Người ác Điều Đạt vì muốn tiêu diệt thiện pháp nên tạo ra Kinh Phương Đẳng, chúng ta chẳng tin. Như vậy Kinh Phương Đẳng chính là lời nói của ma. Vì sao vậy ? Vì phá hoại Phật pháp, tranh nhau phải, trái. Lời nói như vầy : trong Kinh của ông có, trong Kinh của ta không. Trong Kinh luật của ta đức Như Lai nói rằng, sau khi ta (Phật) Niết Bàn, ở đời ác sẽ có Kinh luật bất chính như là Kinh điển Đại Thừa Phương Đẳng, ở đời vị lai sẽ có những ác Tỳ kheo như vậy. Ta lại nói rằng, qua chín bộ Kinh có Kinh điển Phương Đẳng. Nếu có người có thể rõ biết nghĩa của Kinh ấy thì phải biết, người đó rõ biết chân chánh Kinh luật, xa lìa tất cả vật bất tịnh, thanh tịnh vi diệu giống như vầng trăng tròn đầy. Nếu có người nói rằng, Như Lai tuy vì mỗi một bộ Kinh luật diễn nói nghĩa vị nhiều như cát sông Hằng nhưng trong Luật của ta không có thì phải biết là không. Như điều ấy có thì tại sao đức Như Lai, ở trong luật của ta mà không giải nói. Vậy nên ta nay chẳng thể tín thọ. Ông phải biết là người này bị đắc tội. Người này lại nói rằng, Kinh luật như vậy ta phải thọ trì. Vì sao vậy ? Vì Kinh sẽ vì ta tạo tác cái nhân thiện pháp tri túc, thiểu dục, trừ phiền não, trí tuệ, Niết Bàn. Người nói như vậy thì chẳng phải là đệ tử của ta (đức Phật).

Nếu có người nói rằng, đức Như Lai vì muốn độ chúng sinh nên nói Kinh Phương Đẳng thì phải biết người này thật là đệ tử của ta. Nếu có người chẳng thọ Kinh Phương Đẳng thì phải biết người này chẳng phải là đệ tử của ta, chẳng vì Phật pháp mà xuất gia, tức là đệ tử của tà kiến ngoại đạo. Kinh luật nói như vậy chính là lời nói của Phật, nếu chẳng như vậy tức là lời nói của ma. Nếu có người thuận theo lời nói của ma thì đó là quyến thuộc của ma. Nếu có người thuận theo lời nói của Phật thì tức là Bồ tát.

Lại nữa, này thiện nam tử ! Nếu có người nói rằng, đức Như Lai chẳng được sự thành tựu của vô lượng công đức, vô thường, biến dị mà do được không pháp nên tuyên nói vô ngã, chẳng thuận theo thế gian. Kinh luật như vậy gọi là lời nói của ma.

Nếu có người nói rằng, Như Lai Chánh Giác chẳng thể nghĩ bàn, cũng được sự thành tựu của vô lượng atăngkỳ công đức. Vậy nên Như Lai thường trụ, không có biến dị. Kinh luật nói như vậy chính là lời nói của Phật. Nếu có người thuận theo lời nói của ma thì đó là quyến thuộc của ma. Nếu có người thuận theo lời nói của Phật thì tức là Bồ tát.

Lại nữa, có người nói rằng, hoặc có Tỳ kheo thật chẳng hủy phạm tội Ba la di mà mọi người đều cho là phạm Ba la di như chặt cây Đa la thọ, nhưng Tỳ kheo này thật ra không có phạm điều gì. Vì sao vậy ? Vì ta thường nói rằng, bốn Ba la di nếu phạm một tội thì giống như chẻ đá, chẳng thể hợp trở lại được. Nếu có người tự nói được pháp hơn người thì gọi là phạm Ba la di. Vì sao vậy ? Vì thật không có sở đắc mà trá hiện tướng được. Người như vậy là thoái mất nhân pháp (pháp của loài người). Đó gọi là Ba la di. Chẳng hạn như, hoặc có vị Tỳ kheo thiểu dục, tri túc, trì giới thanh tịnh, trụ ở chỗ không nhàn mà nếu vua, đại thần thấy vị Tỳ kheo này lòng phát sinh ý niệm cho rằng đã được A la hán, liền ở trước vị ấy khen ngợi, cung kính lễ bái. Họ lại nói rằng : “Như vậy đại sư bỏ thân này rồi thì sẽ được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Vị Tỳ kheo nghe rồi liền bạch với vua rằng : “Tôi thật chưa được đạo quả Samôn, nhà vua chớ nói là tôi đã được đạo quả. Nguyện xin địa vương chớ vì tôi nói pháp chẳng tri túc. Người chẳng tri túc là thậm chí được người cho là được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đều mặc nhiên nhận lấy. Tôi nay nếu sẽ mặc nhiên nhận lấy thì sẽ bị sự quở trách của chư Phật. Hạnh tri túc của chư Phật khen ngợi. Vậy nên tôi muốn trọn đời vui sướng phụng tu tri túc. Lại nữa, tri túc thì tôi nhất định tự biết mình chưa được đạo quả. Nhà vua xưng là tôi được, tôi nay chẳng nhận lấy nên gọi là tri túc”. Vị vua đáp rằng : “Đại sư quả thật đã được quả A la hán như đức Phật không khác”. Bấy giờ vị vua ấy đều tuyên cáo khắp trong ngoài nhân dân và hậu phi trong cung khiến cho họ đều biết vị Tỳ kheo được quả diệu môn. Vậy nên đều khiến cho tất cả người nghe, lòng sinh tin kính, cúng dường tôn trọng. Như vậy vị Tỳ kheo này chân thật là người tịnh tu phạm hạnh. Do nhân duyên này khiến cho khắp mọi người được phước đức lớn mà vị Tỳ kheo này chẳng hủy phạm tội Ba la di. Vì sao vậy ? Vì người ta tự sinh lòng hoan hỉ trước mà khen ngợi cúng dường. Như vậy vị Tỳ kheo sẽ có tội gì ? Nếu có người nói rằng, người đó đắc tội thì phải biết Kinh này là lời nói của ma.

Lại có vị Tỳ kheo nói Kinh điển thậm thâm mật tạng của đức Phật, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Do tính ấy nên đoạn được vô lượng ức những phiền não kết, liền được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trừ Nhất xiển đề. Nếu vua, đại thần nói như vầy : “Này Tỳ kheo ! Ông sẽ làm Phật hay chẳng làm Phật vậy ? Ông có Phật tính không ?” Vị Tỳ kheo đáp rằng : “Ta nay trong thân nhất định có Phật tính ! Còn thành hay chẳng thành thì chưa có thể phán xét được”. Nhà vua nói rằng : “Thưa đại đức ! Như người chẳng làm Nhất xiển đề ấy thì ắt thành không nghi hoặc ?” Vị Tỳ kheo nói rằng : “Người ấy quả thật như nhà vua nói. Người này tuy nói nhất định có Phật tính mà cũng lại chẳng phạm tội Ba la di”. Lại có vị Tỳ kheo khi vừa xuất gia đã suy nghĩ rằng : “Ta nay nhất định thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Người như vậy tuy chưa được thành đạo quả Vô thượng nhưng đã làm được phước vô lượng vô biên chẳng thể xưng kể. Giả sử có người sẽ nói rằng, người này phạm Ba la di, thì tất cả Tỳ kheo không ai chẳng phạm cả. Vì sao vậy ? Vì ta ở tám mươi ức kiếp thuở xưa thường lìa khỏi tất cả vật bất tịnh, thiểu dục, tri túc, uy nghi thành tựu, giỏi tu pháp tạng vô thượng của Như Lai cũng tự nhất định biết bản thân có Phật tính. Vậy nên ta nay được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, được gọi là Phật, có Đại Từ Bi. Kinh luật như vậy là lời nói của Phật. Nếu có người chẳng thể thuận theo đó thì tức là quyến thuộc của ma. Nếu người có thể thuận theo thì chính là Đại Bồ tát.

Lại có người nói rằng, không có bốn Ba la di, mười ba tăng tàn, hai bất định pháp, ba mươi xả đọa, chín mươi mốt pháp đọa, bốn pháp sám hối, mọi pháp đa học, bảy diệt tránh (tranh cãi), không Thâu-lan-già, năm tội nghịch và Nhất xiển đề.v.v... Nếu có Tỳ kheo phạm những điều như vậy thì đọa vào địa ngục, còn người ngoại đạo đều nên sinh lên trời. Vì sao vậy ? Vì những kẻ ngoại đạo không có giới (cấm) để phạm. Đây là đức Như Lai thị hiện khủng bố con người nên nói ra giới ấy thôi. Nếu nói rằng, đức Phật dạy : “Các Tỳ kheo của ta, nếu muốn hành dâm thì nên bỏ pháp phục, mặc quần áo thế tục, rồi nhiên hậu mới hành dâm. Lại nên sinh ý niệm là nhân duyên dâm dục chẳng phải tội lỗi của ta”. Đức Như Lai tại thế cũng có Tỳ kheo quen làm dâm dục vẫn được Chánh giải thoát, hoặc sau khi mạng chung sinh lên cõi trời. Xưa nay có người làm những việc đó chứ chẳng phải riêng một mình ta làm, hoặc phạm bốn trọng cấm, hoặc phạm năm giới, hoặc làm tất cả luật nghi bất tịnh. Do vậy mà được đầy đủ giải thoát chân chánh. Đức Như Lai tuy nói phạm Đột-kiết-la thì đọa tại địa ngục tám trăm vạn năm tính theo năm tháng của trời Đao Lợi. Đó cũng là đức Như Lai thị hiện khủng bố con người thôi. Nói rằng, từ Ba-la-di đến Đột-kiết-la nặng nhẹ không sai khác chỉ là các luật sư dối đặt ra lời nói này. Nói rằng, đó chính là Phật chế ra thì nhất định phải biết rằng, chẳng phải là lời nói của Phật. Lời nói như vậy chính là Kinh luật của ma. Nếu lại nói rằng, ở trong các giới, nếu phạm giới nhỏ thậm chí rất nhỏ (vi tế) thì phải chịu khổ báo không có giới hạn. Biết như vậy rồi, phòng hộ thân mình như con rùa giấu sáu chi thể. Nếu có vị luật sư lại nói rằng, phàm đã phạm giới đều không có tội báo. Người như vậy chẳng nên thân cận, như đức Phật đã nói :

Một pháp nếu (nói) qua Đó là vọng ngữ

Chẳng thấy đời sau Không ác (gì) chẳng tạo.

Vậy nên chẳng nên gần gũi người này. Trong Phật pháp của ta thanh tịnh như vậy, huống là có người phạm tội Thâu-lan-già, hoặc phạm Tăng-tàn và Ba-la-di mà chẳng phải tội sao ? Vậy nên cần phải tự phòng hộ những pháp như vậy một cách sâu sắc. nếu chẳng thủ hộ thì lại lấy pháp gì gọi là cấm giới. Ta, ở trong Kinh, cũng nói có phạm bốn Ba-la-di... cho đến tội vi tế, Đột-kiết-la.v.v... nên cần phải khổ trị. Chúng sinh nếu chẳng hộ trì cấm giới thì làm sao sẽ được thấy Phật tính. Tất cả chúng sinh tuy có Phật tính nhưng cần phải nhân trì giới, rồi nhiên hậu mới thấy được. Nhân thấy được Phật tính mới được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong chín bộ Kinh không có Kinh Phương Đẳng. Vậy nên chẳng nói có Phật tính vậy. Kinh tuy chẳng nói nhưng phải biết thật sự là có. Nếu nói được lời nói này thì phải biết người đó chân thật là đệ tử của ta.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Như trên đã nói, tất cả chúng sinh đều có Phật tính mà trong chín bộ Kinh đã chưa từng nghe nói, như vậy lời nói có ấy thì sao chẳng phạm Ba-la-di vậy ?

Đức Phật dạy rằng :

- Này thiện nam tử ! Đúng như lời nói của ông ! Quả thật chẳng hủy phạm tội Ba-la-di ! Này thiện nam tử ! Ví như có người nói rằng, biển cả chỉ có bảy báu, không có tám thứ thì người nói đó không có tội. Nếu có người nói rằng, trong chín bộ Kinh không có Phật tính thì cũng lại không tội. Vì sao vậy ? Vì ở trong biển đại trí Đại Thừa, ta nói có Phật tính. Người của Nhị thừa đã chẳng thấy biết được Phật tính nên nói không thì không có tội vậy. Cảnh giới như vậy là sự hiểu biết của chư Phật, chẳng phải là sự biết được của Thanh văn, Duyên Giác. Này thiện nam tử ! Nếu người chẳng nghe tạng bí mật thậm thâm của Như Lai thì làm sao sẽ biết có Phật tính vậy ? Cái gì gọi là tạng bí mật ? Đó là Kinh điển Đại Thừa Phương Đẳng. Này thiện nam tử ! Có các ngoại đạo, hoặc nói Ngã thường còn, hoặc nói Ngã đoạn mất. Như Lai chẳng vậy, cũng nói có Ngã, cũng nói không Ngã. Đó gọi là trung đạo. Nếu có người nói rằng, đức Phật nói trung đạo, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, bị phiền não che phủ nên chẳng biết, chẳng thấy. Vậy nên cần phải siêng tu phương tiện đoạn hoại phiền não. Nếu có người có thể nói lời như vậy thì phải biết là người đó chẳng phạm bốn trọng cấm. Nếu có người chẳng nói lời như vậy thì đó gọi là phạm Ba-la-di. Nếu có người nói rằng, ta đã thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì sao vậy ? Vì ta có Phật tính mà có Phật tính thì nhất định sẽ thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì nhân duyên đó nên ta nay đã được thành tựu Bồ đề. Ông phải biết người đó gọi là phạm tội Ba-la-di. Vì sao vậy ? Vì tuy có Phật tính nhưng vì chưa tu tập các phương tiện tốt. Vậy nên chưa thấy, do chưa thấy nên chẳng thể được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Do ý nghĩa này nên Phật pháp thậm thâm chẳng thể nghĩ bàn.

Ngài Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Có vị vua hỏi rằng, sao gọi là Tỳ kheo rơi vào pháp quá nhân (qua người) ?

Đức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng :

- Nếu có Tỳ kheo vì lợi dưỡng, vì ăn uống mà làm những việc dua nịnh, gian ngụy, dối trá để làm sao khiến cho những người thế gian nhất định phải biết ta (vị Tỳ kheo) là chân khất sĩ. Do nhân duyên đó khiến cho ta được nhiều lợi dưỡng, danh dự. Vị Tỳ kheo nhiều ngu si như vậy nên mãi mãi (đêm dài) thường nghĩ : “Ta thật chưa được bốn quả Samôn, phải làm sao khiến cho những người thế gian cho là ta đã được. Lại phải làm sao khiến cho những Ưu bà tắc, Ưu bà di.v.v... đều cùng chỉ ta mà nói như vầy, người phước đức này quả thật là thánh nhân”. Vị Tỳ kheo này suy nghĩ như vậy mà chuyên vì cầu lợi, chẳng phải vì cầu pháp. Ông ấy đi, lại, vào, ra, tiến, dừng an tường, nắm giữ y bát chẳng mất uy nghi, ngồi riêng một mình ở chỗ không nhàn như là bậc A la hán, khiến cho người thế gian đều nói lên rằng, Tỳ kheo như vậy là tốt lành đệ nhất, tinh cần khổ hạnh, tu pháp Tịch Diệt - vị Tỳ kheo ấy nghĩ - Do nhân duyên này, ta sẽ được nhiều môn đồ, đệ tử, mọi người cũng sẽ đem đến nhiều cúng dường, quần áo, đồ ăn, thức uống, ngọa cụ (đồ nằm) y dược (thuốc thang), khiến cho nhiều nữ nhân kính trọng, ái niệm... Nếu có Tỳ kheo và Tỳ kheo ni làm những việc như vậy thì rơi vào pháp quá nhân. Lại có Tỳ kheo vì muốn kiến lập Chánh pháp vô thượng, trụ ở chỗ không nhàn, chẳng phải A la hán mà muốn khiến cho mọi người gọi là A la hán, là Tỳ kheo tốt, là Tỳ kheo thiện, là Tỳ kheo tịch tịnh, khiến cho vô lượng người sinh ra lòng tin. Do nhân duyên này, vị Tỳ kheo ấy nghĩ rằng, ta được vô lượng các Tỳ kheo lấy làm quyến thuộc. Nhân đó được dạy bảo Tỳ kheo phá giới và Ưu bà tắc đều khiến cho họ trì giới. Do nhân duyên kiến lập chánh pháp này nên dương sáng đại nghĩa vô thượng của Như Lai, mở bày pháp hóa Đại Thừa Phương Đẳng, độ thoát tất cả vô lượng chúng sinh, khéo giải nghĩa khinh trọng, Kinh luật đã nói của Như Lai. Lại nói rằng, ta nay cũng có Phật tính, có Kinh gọi là Như Lai Bí Tạng. Ở trong Kinh đó ta sẽ nhất định được thành Phật đạo, có thể hết vô lượng ức phiền não kết, rộng vì vô lượng những Ưu bà tắc nói rằng : “Các ông đều có Phật tính hết. Ta cùng với các ông đều sẽ an trụ ở đất đạo của Như Lai, thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, diệt hết vô lượng ức những phiền não kết. Người nói lời nói đó là người chẳng gọi là rơi vào pháp Quá nhân mà gọi là Bồ tát. Nếu nói rằng, có người phạm Đột-kiết-la thì đọa vào trong địa ngục tám trăm vạn năm tính theo năm tháng ngày trên trời Đao Lợi, chịu các tội báo, huống gì là phạm tội Thâu-lan-già ? Trong Đại Thừa này, nếu có Tỳ kheo phạm Thâu-lan-già thì chẳng nên thân cận. Những gì gọi là tội Thâu-lan-già trong Kinh Đại Thừa ? - Nếu có ông trưởng giả tạo lập Phật tự, đem những hoa mạn (vòng hoa cài tóc) dùng cúng dường Phật. Có vị Tỳ kheo thấy sợi tơ trong xâu hoa, chẳng hỏi liền lấy thì gọi là Thâu-lan-già, hoặc biết hay chẳng biết cũng phạm như vậy. Nếu do lòng tham mà phá hoại tháp thờ Phật thì phạm Thâu-lan-già Người như vậy chẳng nên thân cận. Nếu vua, đại thần thấy Tháp mục nát, vì muốn tu bổ cúng dường xá lợi mà ở trong tháp này hoặc được đồ trân bảo liền đem gởi cho vị Tỳ kheo. Vị Tỳ kheo được gởi rồi liền tự tại mà dùng. Tỳ kheo như vậy gọi là bất tịnh, dấy khởi nhiều đấu tranh, hàng ưu bà tắc tốt chẳng nên gần gũi cúng dường cung kính. Tỳ kheo như vậy gọi là không căn, gọi là hai căn, gọi là bất định căn. Người bất định căn là khi muốn tham nữ thì thân tức là nữ, khi muốn tham nam thì thân tức là nam. Tỳ kheo như vậy gọi là ác căn, chẳng gọi là nam, chẳng gọi là nữ, chẳng gọi là xuất gia, chẳng gọi là tại gia. Tỳ kheo như vậy chẳng nên thân cận cúng dường cung kính. Pháp Samôn ở trong Phật pháp thì nên sinh lòng bi che chở nuôi dưỡng chúng sinh, thậm chí con kiến cũng thí cho vô úy, đó là Pháp Samôn. Xa lìa uống rượu... cho đến ngữi mùi thơm, đó là Pháp Samôn. Chẳng được nói dối, thậm chí cả trong giấc mơ chẳng nghĩ đến nói dối, đó là Pháp Samôn. Chẳng sinh ra lòng dục thậm chí cả trong mơ cũng lại như vậy, đó là Pháp Samôn.

Ngài Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Nếu có vị Tỳ kheo nằm mơ thấy hành dâm dục thì đó có phạm giới không ?

Đức Phật dạy rằng :

- Chẳng phạm vậy ! Nên đối với dâm dục phát sinh xú uế tưởng... cho đến chẳng phát sinh một ý niệm tịnh tưởng, xa lìa ái tưởng phiền não của nữ nhân. Nếu trong mơ thấy mình hành dâm thì khi thức dậy nên sinh hối hận. Khi Tỳ kheo xin ăn, nhận đồ cúng dường thì nên tưởng như là đời đói phải ăn thịt con. Nếu phát sinh dâm dục thì nên mau lìa bỏ. Pháp môn như vậy thì phải biết chính là Kinh luật của Phật đã nói. Nếu có người thuận theo lời nói của ma thì chính là quyến thuộc của ma. Nếu người có thể thuận theo lời Phật dạy thì đó gọi là Bồ tát. Nếu có người nói rằng, đức Phật cho phép Tỳ kheo luôn kiễng một chân, lặng yên chẳng nói, gieo xuống vực, lao vào lửa, tự rơi từ núi cao, chẳng tránh hiểm nạn, uống độc, nhịn ăn, nằm trên đất tro, tự trói chân tay, giết hại chúng sinh, phương đạo chú thuật, con của Chiên đà la, không căn, hai căn và bất định căn, thân căn chẳng đủ... Những bọn như vậy đức Như Lai đều cho phép xuất gia làm đạo thì đó gọi là ma nói. Đức Phật trước đã cho phép ăn năm thứ vị của trâu (?) và cả dầu, mật, mặc áo Kiều xa gia, mang giày da.v.v... Trừ ngoài những thứ đó, nếu có người nói rằng, đức Phật cho phép mặc áo Ma ha lăng già, tất cả hạt giống đều cho phép tích trữ, những hệ thuộc của cỏ cây đều có thọ mạng. Đức Phật nói thế rồi liền vào Niết Bàn. Nếu có Kinh luật nói lời nói đó thì phải biết chính là lời nói của ma. Ta cũng chẳng cho phép luôn kiễng lên một chân. Nếu vì phép nên cho phép đi, đứng, ngồi, nằm. Ta lại cũng chẳng cho phép uống độc, nhịn ăn, năm thứ lửa nóng nướng thân, trói buộc chân tay, giết hại chúng sinh, phương đạo chú thuật, kha cụ, ngà voi dùng làm giày da, tích trữ hạt giống, cỏ cây có mạng sống, mặc Ma ha lăng già. Nếu nói rằng, đức Thế Tôn nói lời như vậy thì phải biết đó là quyến thuộc của ngoại đạo, chẳng phải là đệ tử của ta. Ta chỉ cho phép ăn năm thứ vị của trâu và dầu, mật.v.v..., cho phép mang giày da, mặc áo Kiều-xà-gia. Ta nói bốn đại không có thọ mạng. Nếu có Kinh luật nói những việc đó thì đó gọi là Phật nói. Nếu có người thuận theo lời dạy thì phải biết đó là đệ tử chân chính của ta. Nếu có người chẳng thuận theo lời dạy của Phật thì đó là quyến thuộc của ma. Nếu có người tùy thuận Kinh luật của Phật thì phải biết người đó là Đại Bồ tát. Này thiện nam tử ! Tướng sai khác của lời ma, lời Phật, hôm nay ta đã vì ngươi rộng rãi tuyên nói, phân biệt rồi !

Ngài Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Hôm nay con mới biết được tướng sai khác của lời ma, lời Phật. Nhân đó con được vào nghĩa sâu của Phật pháp.

Đức Phật khen ngài Ca Diếp rằng :

- Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Ông có thể phân biệt hiểu rõ như vậy thì đó gọi là thông tuệ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com