Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển thứ 22

09/11/201115:28(Xem: 3160)
Quyển thứ 22

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Việt dịch: Tuệ Khai cư sĩ - Phan Rang

Quyển thứ 22

PHẨM THỨ HAI MƯƠI HAI :

BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÍ ĐỨC VƯƠNG

Phần thứ IV. - Lại nữa, này thiện nam tử ! Sao gọi là Đại Bồ tát tu Đại Niết Bàn thành tựu công đức thứ hai đầy đủ ? Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu Đại Niết Bàn thì cái xưa chẳng được mà nay được, cái xưa chẳng thấy mà nay thấy, cái xưa chẳng nghe mà nay nghe, cái xưa chẳng đến mà nay đến, cái xưa chẳng biết mà nay biết. Sao gọi là cái xưa chẳng được mà nay được ? Đó là thần thông, cái xưa chẳng được mà nay mới được. Thần thông có hai thứ, môt là nội, hai là ngoại. Cái gọi là ngoại thì cùng chung với ngoại đạo. Nội lại có hai, một là thần thông của Nhị thừa, hai là thần thông của Bồ tát. Thần thông sở đắc của Bồ tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn chẳng cùng chung với Thanh Văn, Bích Chi Phật. Sao gọi là chẳng cùng chung với Thanh Văn, Bích Chi Phật ? Sự tạo tác biến hóa thần thông của Nhị thừa là một tâm chỉ làm ra một, chẳng làm được nhiều. Bồ tát chẳng vậy, ở trong một tâm thì có thể hiện đầy đủ thân năm đưòng. Sở dĩ vì sao ? Vì do thế lực của Kinh Đại Niết Bàn như vậy. Đó gọi là cái xưa chẳng được mà nay được. Lại nữa, sao gọi là cái xưa chẳng được mà nay được? Đó là thân được tự tại, tâm được tự tại. Vì sao vậy ? Vì việc có thân tâm của tất cả phàm phu chẳng được tự tại mà hoặc tâm theo thân, hoặc thân theo tâm. Sao gọi là tâm theo thân ? Ví như người say thì rượu ở trong thân, bấy giờ thân động thì tâm cũng động theo. Cũng như thân lười thì tâm cũng lười theo. Đó gọi là tâm theo thân. Lại như, đứa trẻ con, thân nó trẻ nhỏ thì tâm cũng nhỏ theo, còn người lớn thì thân lớn nên tâm cũng lớn theo. Lại như có người, thân thể thô ráp, lòng thường suy nghĩ muốn được dầu mỡ thấm nhuần làm cho mềm mại. Đó gọi là tâm tùy theo thân. Sao gọi là thân tùy theo tâm. Đó là đi, lại, ngồi, nằm, tu hành Thí, Giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn. Thân người sầu não thì gầy còm, tiều tụy. Thân người hoan hỷ béo mập, tươi tốt. Thân thể người kinh sợ run rẩy, chao động. Người chuyên tâm nghe pháp thì thân tươi vui. Người buồn khổ thì nước mắt tuông rơi. Đó gọi là thân tùy theo tâm. Bồ tát chẳng vậy, ở trong thân tâm đều được tự tại. Đó gọi là cái xưa chẳng được mà nay được. Lại nữa, này thiện nam tử ! Thân tướng thị hiện của Đại Bồ tát giống như vi trần. Do thân vi trần này nên đều có thể đến khắp vô lượng vô biên những thế giới Phật nhiều như cát sông Hằng, không có sự ngăn ngại mà tâm thường định chỗ ban đầu chẳng di động. Đó gọi là tâm chẳng tùy theo thân. Đó cũng gọi là cái xưa chẳng đến mà nay có thể đến. Tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật.v.v... đã chẳng thể đến, còn Bồ tát thì có thể đến (đáo). Vậy nên gọi là cái xưa chẳng đến mà nay có thể đến. Tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật.v.v... tuy dùng thần thông nhưng chẳng thể biến thân nhỏ như vi trần đến khắp vô lượng những thế giới Phật nhiều như cát sông Hằng. Thân của Thanh Văn, Duyên Giác nếu khi động thì tâm cũng động theo. Bồ tát chẳng vậy, tâm tuy chẳng động nhưng thân thì không đâu chẳng đến. Đó gọi là tâm Bồ tát chẳng tùy theo thân. Lại nữa, này thiện nam tử ! Bồ tát hóa thân giống như ba ngàn đại thiên thế giới, rồi dùng thân lớn này vào một thân vi trần mà lòng Bồ tát ấy, bấy giờ cũng chẳng nhỏ theo. Thanh Văn, Duyên Giác tuy có thể hóa thân khiến cho lớn như ba ngàn đại thiên thế giới nhưng mà chẳng thể dùng thân lớn này vào thân vi trần. Ở trong việc này còn tự chẳng thể được, huống là có thể khiến cho tâm chẳng động theo. Đó gọi là tâm Bồ tát chẳng tùy theo thân. Lại nữa, này thiện nam tử ! Đại Bồ tát dùng một âm thanh có thể khiến cho chúng sinh của ba ngàn đại thiên thế giới đều nghe mà tâm chẳng nghĩ, làm cho âm thanh này khắp các thế giới, khiến cho điều các chúng sinh xưa chẳng nghe mà nay được nghe. Bồ tát này ban đầu cũng chẳng nói rằng, ta khiến cho chúng sinh, cái xưa chẳng nghe mà nay được nghe. Bồ tát, nếu nói rằng, nhân ta nói pháp nên khiến cho các chúng sinh chẳng nghe được nghe, thì phải biết người này nhất định chẳng thể được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì sao vậy ? Vì tất cả chúng sinh chẳng nghe ta là người nói. Như tâm này là tâm sinh tử thì tất cả Bồ tát tâm đó đã hết. Do nghĩa này nên thân tâm sở hữu của Đại Bồ tát chẳng theo đuổi nhau. Này thiện nam tử ! Thân tâm của tất cả phàm phu theo nhau. Bồ tát chẳng vậy, vì hóa độ chúng sinh nên tuy hiện thân nhỏ nhưng tâm cũng chẳng nhỏ. Vì sao vậy ? Vì tâm tính sở hữu của các Bồ tát... thường rộng lớn nên tuy hiện thân lớn nhưng tâm cũng chẳng lớn. Sao gọi là thân lớn ? Thân như ba ngàn đại thiên thế giới. Sao gọi là tâm nhỏ ? Làm hành động trẻ con. Do nghĩa này nên tâm chẳng tùy theo thân. Đại Bồ tát đã ở vô lượng atăngkỳ kiếp xa rượu chẳng uống mà tâm cũng động, lòng không bi khổ mà thân cũng chảy nước mắt, thật không kinh sợ mà thân cũng run lẩy bẩy. Do nghĩa này nên phải biết là, thân tâm của Bồ tát tự tại chẳng theo đuổi nhau. Đại Bồ tát chỉ hiện một thân mà các chúng sinh mỗi mỗi đều thấy khác. Lại nữa, này thiện nam tử! Sao gọi là Đại Bồ tát tu Đại Niết Bàn thì điều xưa chẳng nghe mà nay được nghe ? Đại Bồ tát trước tiên chọn lấy tướng của tiếng như là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng người, tiếng ốc, tiếng trống, tiếng tiêu, tiếng địch (sáo), tiếng ca, tiếng khóc.v.v.. mà tu tập. Do tu tập nên Bồ tát có thể nghe âm thanh của địa ngục sẵn có trong ba ngàn đại thiên thế giới. Bồ tát lại tu tập chuyển đổi được nhĩ căn khác, khác với tai của Thanh Văn, Duyên Giác và trời. Vì sao vậy ? Vì nhĩ căn thanh tịnh sở đắc của Nhị thừa nếu vương vào bốn đại tịnh diệu của sơ thiền thì chỉ nghe sơ thiền, chẳng nghe Nhị thiền cho đến Tứ thiền cũng lại như vậy. Họ tuy có thể cùng một lúc được nghe âm thanh sở hữu của ba ngàn đại thiên thế giới mà chẳng thể nghe được âm thanh của vô lượng vô biên hằng hà sa số thế giới. Do nghĩa này nên sở đắc của Bồ tát khác với nhĩ căn của Thanh Văn, Duyên Giác. Do sự khác này nên điều xưa chẳng nghe mà nay được nghe, tuy nghe âm thanh mà lòng bắt đầu không nghe tướng của âm thanh, chẳng tạo tác tướng có, tướng thường, tướng lạc, tướng ngã, tướng tịnh, tướng chủ, tướng y (nương), tướng tác, tướng nhân, tướng định, tướng quả. Do nghĩa này nên các Bồ tát.v.v... điều xưa chẳng nghe mà nay được nghe.

Đại Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Đức Vương thưa rằng :

- Như lời đức Phật nói, chẳng tạo tác tướng định, chẳng tạo tác tướng quả thì ý nghĩa này chẳng đúng vậy ! Vì sao vậy ? Vì đức Như Lai trước đã nói rằng, nếu ngươi chưa nghe được một câu, một chữ của Kinh Đại Niết Bàn này thì nhất định được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đức Như Lai hôm nay sao lại nói rằng, không định, không quả ? Nếu được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì tức là định tướng, tức là quả tướng thì sao mà nói rằng, không định, không quả ? Nghe tiếng ác thì sinh tâm ác. Sinh tâm ác thì đến tam đồ. Nếu đến tam đồ tức là định là quả thì sao nói rằng, không định không quả ?

Lúc bấy giờ, đức Như Lai khen rằng :

- Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Ông mới có thể hỏi câu hỏi này ! Nếu giả sử, các đức Phật nói rằng, các âm thanh có tướng định quả, thì chẳng phải là tướng của các đức Phật Thế Tôn mà là tướng ma vương, tướng sinh tử, tướng xa Niết Bàn. Vì sao vậy ? Vì phàm là sự diễn nói của tất cả các đức Phật thì không có tướng định, quả. Này thiện nam tử! Ví như trong lưỡi dao soi dáng mặt người, dựng đứng dao thì thấy mặt người dài, cầm ngang dao thì thấy mặt người rộng. Nếu có tướng định thì sao mà dựng đứng thì thấy dài, cầm ngang thì thấy rộng ? Do nghĩa này nên phàm sự diễn nói của các đức Phật Thế Tôn không có tướng định, quả. Này thiện nam tử ! Luận về Niết Bàn thì chân thật chẳng phải là kết quả của âm thanh. Nếu giả sử Niết Bàn là kết quả của âm thanh thì phải biết Niết Bàn chẳng phải là Thường pháp. Này thiện nam tử ! Ví như thế gian, từ nhân duyên sinh ra pháp, có nhân thì có quả, không nhân thì không quả. Nhân vô thường nên quả cũng vô thường. Sở dĩ vì sao ? Vì nhân cũng làm ra quả mà quả cũng làm ra nhân. Do nghĩa này nên tất cả các pháp không có định tướng. Nếu giả sử Niết Bàn từ nhân sinh ra mà nhân vô thường thì quả cũng vô thường. Nhưng Niết Bàn này chẳng từ nhân sinh ra nên thể của Niết Bàn này chẳng phải là quả. Vậy nên Niết Bàn này là thường. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên thể của Niết Bàn không định không quả. Này thiện nam tử ! Luận về Niết Bàn thì cũng có thể nói định, cũng có thể nói quả. Sao gọi là định ? Niết Bàn Thường - Lạc - Ngã - Tịnh là sở hữu của tất cả các đức Phật. Vậy nên là định. Niết Bàn không sinh, lão, hoại. Vậy nên là định. Nhất xiển đề, những kẻ phạm bốn trọng cấm, bài báng Phương Đẳng tạo tác tội ngũ nghịch mà trừ bỏ bản tâm thì nhất định được Niết Bàn. Vậy nên là định ! Này thiện nam tử ! Như lời ông nói, nếu người nghe ta nói một chữ, một câu của Đại Niết Bàn thì được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ông đối với nghĩa lời nói này còn chưa giải rõ. Ông hãy lắng nghe ! Ta sẽ vì ông lại phân biệt ! Này thiện nam tử ! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe một chữ, một câu của Kinh Đại Niết Bàn mà chẳng tác khởi tướng chữ, chẳng tác khởi tướng câu, chẳng tác khởi tướng nghe, chẳng tác khởi tướng Phật, chẳng tác khởi tướng nói... Nghĩa như vậy thì gọi là tướng Vô tướng. Do tướng vô tướng nên được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Như lời ông nói, nghe tiếng ác nên đến ba đường, thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy ? Vì chẳng phải do tiếng ác mà đến ba đường. Ông phải biết, kết quả này chính là do tâm ác. Sở dĩ vì sao ? Vì có thiện nam tử, thiện nữ nhân.v.v... tuy nghe tiếng ác nhưng tâm chẳng sinh ra ác. Vậy nên ông phải rằng, chẳng phải nhân tiếng ác mà sinh ra trong ba đường. Các chúng sinh nhân phiền não kết, tâm ác nhiều thêm nên sinh ba đường ác, chẳng phải nhân tiếng ác. Nếu tiếng có định tướng thì những người có nghe đều ứng sinh ra tâm ác, nhưng lại có người sinh, có không sinh. Vậy nên phải biết rằng, tiếng không có định tướng, tuy lại nhân vào đó nhưng chẳng sinh ra ác tâm.

- Thưa đức Thế Tôn ! Tiếng nếu không định thì vì sao điều Bồ tát xưa chẳng nghe mà nay được nghe ?

- Này thiện nam tử ! Tiếng không định tưởng. Điều xưa chẳng nghe mà khiến cho các Bồ tát nay được nghe. Do nghĩa này nên ta nói lời này, điều xưa chẳng nghe mà nay được nghe. Này thiện nam tử ! Sao gọi là cái xưa chẳng thấy mà nay được thấy ? Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu tập Kinh Đại Niết Bàn vi diệu thì trước tiên chọn lấy tướng ánh sáng như là ánh sáng mặt trời, mặt trăng, tinh tú, lửa sân nhà (đình liệu) đèn, đuốc, hỏa châu, dược thảo.v.v... Do tu tập nên được nhãn căn khác, khác với sở đắc của Thanh Văn, Duyên Giác. Những gì là khác ? Thiên nhãn thanh tịnh sở đắc của hàng Nhị thừa, nếu nương vào Nhãn căn bốn đại của Dục giới thì chẳng thấy sơ thiền, nếu nương sơ thiền thì chẳng thấy đất cõi trên, thậm chí mắt mình còn chẳng thể thấy, như muốn thấy nhiều, đến cùng cực ba ngàn đại thiên thế giới. Đại Bồ tát chẳng tu thiên nhãn, thấy sắc thân đẹp đều là tướng xương. Bồ tát tuy thấy sắc tướng của hằng hà sa số thế giới ở phương khác nhưng chẳng tác khởi sắc tướng, chẳng tác khởi thường tướng, hữu tướng, vật tướng, danh tự tướng, tướng tạo tác nhân duyên.v.v.. Chẳng tác khởi tướng thấy, chẳng nói rằng, tướng mắt vi diệu thanh tịnh mà chỉ thấy tướng nhân duyên chẳng phải nhân duyên. Sao gọi là nhân duyên ? Sắc là duyên của mắt. Nếu giả sử sắc này chẳng phải nhân duyên thì tất cả phàm phu chẳng ứng sinh ra tướng thấy sắc. Do nghĩa này nên sắc gọi là nhân duyên. Chẳng phải nhân duyên là Đại Bồ tát tuy lại thấy sắc nhưng chẳng sinh ra sắc tướng. Vậy nên chẳng phải là duyên. Do nghĩa này nên thiên nhãn thanh tịnh sở đắc của Bồ tát khác với sở đắc của Thanh Văn, Duyên Giác. Do sự khác này nên cùng một lúc thấy khắp các đức Phật hiện tại của mười phương thế giới. Đó gọi là điều xưa Bồ tát chẳng thấy mà nay được thấy. Do sự khác này nên có thể thấy vi trần, cái mà Thanh Văn, Duyên Giác chẳng thể thấy. Do sự khác này nên tuy thấy nhưng mắt mình đầu tiên không thấy tướng, thấy tướng vô thường, thấy thân phàm phu tràn đầy ba mươi sáu vật bất tịnh như xem quả A ma lạc trong lòng bàn tay. Do nghĩa này nên nói điều xưa chẳng thấy mà nay được thấy. Nếu thấy sắc tướng sở hữu của chúng sinh thì biết căn người ấy đại thừa hay tiểu thừa. Nếu chạm vào áo cũng biết các căn sai biệt thiện, ác của người đó. Do nghĩa này nên nói, điều xưa chẳng biết mà nay được biết. Do sự biết này nên điều xưa chẳng biết mà nay được biết. Do sự biết này nên điều xưa chẳng thấy mà nay được thấy. Lại nữa, này thiện nam tử ! Sao gọi là điều xưa Bồ tát chẳng biết mà nay được biết ? Đại Bồ tát tuy biết lòng của phàm phu tham, sân, si nhưng ban đầu chẳng tác khởi tướng tâm và tâm số, chẳng tác khởi tướng chúng sinh và cả tướng vật, tu Đệ nhất nghĩa rốt ráo không tướng. Vì sao vậy ? Vì tất cả Bồ tát thường khéo tu tập tướng không tính. Do tu tập “không” nên điều xưa chẳng biết mà nay được biết. Sao gọi là biết ? Biết không có ngã, không có ngã sở, biết các chúng sinh đều có Phật tính. Do Phật tính nên Nhất xiển đề.v.v... lìa bỏ bản tâm thì đều sẽ được thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Những điều này đều là điều chẳng thể biết của Thanh Văn, Duyên Giác. Do nghĩa này nên nói, điều xưa chẳng biết mà nay được biết. Lại nữa, này thiện nam tử ! Sao gọi là điều xưa chẳng biết mà nay được biết ? Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu, nghĩ đến đời sống, dòng họ, cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, bạn bè, oán ghét của tất cả chúng sinh đời quá khứ. Ở trong một niệm được trí khác lạ, khác với trí tuệ của Thanh Văn, Duyên Giác. Sao gọi là khác ? Trí tuệ sở hữu của Thanh Văn, Duyên Giác nghĩ đến dòng họ, cha mẹ... cho đến kẻ oán ghét của chúng sinh sở hữu trong đời quá khứ mà tác khởi tướng chủng tính.... cho đến tướng oán ghét. Bồ tát chẳng vậy, tuy nghĩ đến dòng họ, cha mẹ... cho đến kẻ oán ghét ở đời quá khứ nhưng nhất định chẳng sinh ra tướng dòng họ, tướng cha mẹ... tướng oán ghét.v.v... thường tác khởi pháp tướng, tướng không tịch. Đó gọi là điều xưa Bồ tát chẳng biết mà nay được biết. Lại nữa, này thiện nam tử! Sao gọi là điều xưa chẳng biết mà nay được biết ? Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu được trí Tha Tâm (trí biết tâm người khác) khác với sở đắc của Thanh Văn, Duyên Giác. Sao gọi là khác ? Khi Thanh Văn, Duyên Giác dùng một niệm trí để biết lòng người thì chẳng thể biết tâm của địa ngục, súc sinh, ngã quỉ và trời. Bồ tát chẳng vậy, ở trong một niệm biết khắp lòng của chúng sinh trong sáu đường. Đó gọi là điều xưa Bồ tát chẳng biết mà nay được biết. Lại nữa, này thiện nam tử ! Lại có sự biết khác. Đại Bồ tát ở trong một tâm, biết từ tâm đầu tiên của Tu đà hoàn, rồi lần lượt đến mười sáu tâm. Do nghĩa này nên nói, điều xưa chẳng biết mà nay được biết. Đó là Bồ tát tu Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ hai.

Lại nữa, này thiện nam tử ! Sao gọi là Đại Bồ tát tu Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ ba ? Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu Đại Niết Bàn bỏ Từ được Từ (Từ Bi), khi được Từ chẳng Từ nhân duyên. Sao gọi là bỏ Từ được Từ ? Này thiện nam tử ! Từ là gọi thế đế. Đại Bồ tát bỏ Từ thế đế, được đệ nhất nghĩa từ. Đệ nhất nghĩa Từ chẳng từ duyên mà được. Lại nữa, sao gọi là bỏ Từ được Từ ? Từ nếu có thể bỏ thì gọi là Từ phàm phu. Từ nếu có thể được thì tức là Từ không duyên của Bồ tát. Bỏ Từ nhất xiển đề, Từ phạm trọng cấm, Từ bài báng Phương Đẳng, Từ tạo ngũ nghịch để được Từ lân mẫn, được Từ Như Lai, Từ Thế Tôn, Từ không nhân duyên. Sao lại gọi là bỏ Từ được Từ. Bỏ Từ của bọn Huỳnh môn, Từ của người không căn, người hai căn, người nữ, Từ của đồ tể, thợ săn, người nuôi dưỡng gà, heo.v.v... cũng bỏ Từ của Thanh Văn, Bích Chi Phật để được Từ không nhân duyên của những Bồ tát. Hành giả chẳng thấy Từ của mình, chẳng thấy từ của người khác, chẳng thấy trì giới, chẳng thấy phá giới. Tuy tự thấy “bi” nhưng chẳng thấy chúng sinh. Tuy có khổ thọ nhưng chẳng thấy người thọ. Vì sao vậy ? Vì do tu Đệ nhất chân thật nghĩa. Đó gọi là Bồ tát tu Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ ba.

Lại nữa, này thiện nam tử ! Sao gọi là Đại Bồ tát tu Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ tư? Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ tư thì có mười việc. Những gì là mười ? Một là rễ (căn) sâu khó có thể nhổ bật. Hai là tự thân sinh quyết định tưởng. Ba là chẳng quan sát phước điền và chẳng phải phước điền. Bốn là tu cõi Phật thanh tịnh. Năm là diệt trừ “hữu dư”. Sáu là đoạn trừ nghiệp duyên. Bảy là tu thân thanh tịnh. Tám là rõ biết các duyên. Chín là lìa các oán địch. Mười là đoạn trừ nhị biên. Sao gọi là rễ sâu khó nhổ bật. Cái gọi là rễ (căn) tức là gọi chẳng phóng dật. Chẳng phóng dật là căn gì ? Đó là căn của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Những căn bản thiện của tất cả chư Phật đều là chẳng phóng dật. Chẳng phóng dật nên các thiện căn khác đắp đổi thêm lớn. Do nó có thể làm tăng trưởng các thiện căn nên ở trong các thiện, là tối thù thắng. Này thiện nam tử ! Như trong các dấu chân thì dấu chân voi là trên hết. Pháp chẳng phóng dật cũng lại như vậy, đối với các thiện pháp là tối thù thắng. Này thiện nam tử ! Như trong các ánh sáng thì ánh sáng mặt trời là trên hết. Pháp chẳng phóng dật cũng lại như vậy, đối với các thiện pháp là tối thù thắng. Này thiện nam tử ! Như trong các vì vua thì vua Chuyển Luân Thánh là tối đệ nhất. Pháp chẳng phóng dật cũng lại như vậy, đối với các pháp thiện là tối đệ nhất. Này thiện nam tử ! Như trong các dòng chảy thì bốn dòng sông là trên hết. Pháp chẳng phóng dật cũng lại như vậy, đối với các pháp thiện là trên hết. Này thiện nam tử ! Như trong các núi thì núi vua Tu Di là tối đệ nhất. Pháp chẳng phóng dật cũng lại như vậy, đối với các pháp thiện là tối đệ nhất. Này thiện nam tử ! Như trong loài hoa sinh trong nước thì hoa sen xanh là trên hết. Pháp chẳng phóng dật cũng lại như vậy, đối với các pháp thiện là trên hết. Này thiện nam tử ! Như trong loài hoa sinh trên đất thì hoa Bà Lợi Sư là tối thượng. Pháp chẳng phóng dật cũng lại như vậy, đối với các pháp thiện là tối thượng. Này thiện nam tử ! Như trong các loài thú thì sư tử là trên hết. Pháp chẳng phóng dật cũng lại như vậy, đối với các thiện pháp là tối thượng. Này thiện nam tử ! Như trong loài chim bay thì vua chim cánh vàng là tối thượng. Pháp chẳng phóng dật cũng lại như vậy, đối với các thiện pháp là tối thượng. Này thiện nam tử ! Như trong loài thân lớn thì vua A tu la La Hầu là tối thượng. Pháp chẳng phóng dật cũng lại như vậy, đối với các thiện pháp là tối thượng. Này thiện nam tử ! Như trong tất cả chúng sinh, hoặc loài hai chân, bốn chân, nhiều chân hay không không chân thì Như Lai là trên hết. Pháp chẳng phóng dật cũng lại như vậy, ở trong các thiện pháp là tối thượng. Này thiện nam tử ! Như trong các chúng thì Phật, Tăng là trên. Pháp chẳng phóng dật cũng lại như vậy, ở trong các thiện pháp là tối thượng. Này thiện nam tử ! Như trong Phật pháp thì pháp Đại Niết Bàn này là tối thượng. Pháp chẳng phóng dật cũng lại như vậy, đối với các pháp thiện, là tối thượng. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên rễ (căn) chẳng phóng dật thâm sâu, bền chắc khó bứng lên được. Sao gọi là chẳng phóng dật mà được tăng trưởng? Như là tín căn, giới căn, thí căn, tuệ căn, nhẫn căn, văn (nghe) căn, tấn căn, niệm căn, định căn, thiện tri thức căn... Những căn như vậy mà chẳng phóng dật thì được tăng trưởng. Do chúng tăng trưởng nên thâm sâu bền chắc khó bứng lên được. Do nghĩa này nên gọi là Đại Bồ tát tu Đại Niết Bàn thì căn thâm sâu khó bứng lên được.

Sao gọi là đối với thân tạo tác quyết định tưởng? Đối với tự thân đã sinh tâm quyết định rằng: “Thân này của ta hôm nay ở đời vị lai, nhất định sẽ làm pháp khí Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tâm cũng như vậy, chẳng tác khởi nhỏ hẹp, chẳng tác khởi biến dị, chẳng tác khởi tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật, chẳng tác khởi tâm ma và tâm tự lạc, tâm ưa sinh tử. Ta luôn vì chúng sinh cầu tâm Từ Bi”. Đó gọi là Bồ tát, ở trong tự thân, sinh ra tâm quyết định “Ta ở đời vị lai sẽ làm pháp khí Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Do nghĩa này nên Đại Bồ tát tu Đại Niết Bàn thì ở trong tự thân sinh ra quyết định tưởng.

Sao gọi là Bồ tát chẳng quán phước điền (ruộng phước) và chẳng phải phước điền ? Sao gọi là phước điền? Kẻ ngoại đạo trì giới... lên đến các đức Phật thì đó gọi là phước điền. Nếu có người nghĩ rằng, những bọn như vậy là chân phước điền thì phải biết tâm này là hẹp hòi, hèn yếu. Đại Bồ tát đều quán tất cả vô lượng chúng sinh không chẳng phải phước điền. Vì sao vậy ? Vì do khéo tu tập niệm xứ khác. Có niệm xứ khác khéo tu tập là : quán các chúng sinh không có trì giới và cả hủy giới, thường quán lời nói của các đức Phật Thế Tôn. Thí tuy có bốn thứ nhưng đều được quả báo thanh tịnh. Những gì là bốn ? Một là thí chủ thanh tịnh, người thọ thí bất tịnh. Hai là thí chủ bất tịnh, người thọ thí thanh tịnh. Ba là người thí, kẻ thọ thí đều thanh tịnh. Bốn là cả hai đều bất tịnh. Sao gọi là thí chủ thanh tịnh, người thọ thí bất tịnh ? Thí chủ có đủ giới, đa văn, trí tuệ, biết có huệ thí và cả quả báo. Kẻ thọ thí phá giới, chuyên chấp trước tà kiến, không huệ thí, không quả báo. Đó gọi là thí chủ thanh tịnh, người thọ thí bất tịnh. Sao gọi là người thọ thí thanh tịnh, thí chủ bất tịnh ? Thí chủ phá giới, chuyên chấp trước tà kiến, nói rằng không huệ thí và cả quả báo. Kẻ thọ thí trì giới, đa văn, trí tuệ, biết có huệ thí và quả báo thí. Đó gọi là thí chủ bất tịnh, người thọ thí thanh tịnh. Sao gọi là người thí, kẻ thọ đều thanh tịnh ? Người thí, kẻ thọ đều có trì giới, đa văn, trí tuệ, biết có huệ thí và quả báo thí. Đó gọi là kẻ thí, người thọ cả hai đều thanh tịnh. Sao gọi là cả hai đều bất tịnh ? Người thí, kẻ thọ đều phá giới, tà kiến và nói rằng, không có thí và quả báo thí. Nếu như vậy thì sao lại gọi rằng, được tịnh quả báo ? Do không thí, không quả báo nên gọi là thanh tịnh. Này thiện nam tử ! Nếu có người chẳng thấy bố thí và quả báo thí thì phải biết người này chẳng gọi phá giới, chuyên chấp trước tà kiến. Nếu nương vào Thanh Văn mà nói rằng, chẳng thấy bố thí và quả báo thí thì đó gọi là phá giới, tà kiến. Nếu y vào Kinh Đại Niết Bàn như vậy mà chẳng thấy huệ thí và quả báo thí thì đó gọi là trì giới, chánh kiến. Đại Bồ tát có niệm xứ khác để tu tập nên chẳng thấy chúng sinh trì giới, phá giới, người thí, kẻ thọ và quả báo thí. Vậy nên được gọi là trì giới, chánh kiến. Do nghĩa này nên Đại Bồ tát chẳng quán phước điền và chẳng phải phước điền.

Sao gọi là đất nước Phật thanh tịnh ? Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu vì Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì độ chúng sinh nên lìa khỏi tâm giết hại. Rồi đem thiện căn này nguyện cùng chung với tất cả chúng sinh. Nguyện cho các chúng sinh được thọ mạng lâu dài, có thế lực lớn, được đại thần thông. Do sức của nhân duyên thệ nguyện này nên ở đời vị lai, khi thành Phật thì tất cả chúng sinh sở hữu của đất nước được thọ mạng lâu dài, có đại thế lực, được đại thần thông. Lại nữa, này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu vì Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì độ chúng sinh nên lìa khỏi tâm trộm cắp. Rồi đem thiện căn này nguyện cùng chung với tất cả chúng sinh. Nguyện cho sở hữu đất đai của đất nước chư Phật thuần là bảy báu, chúng sinh giàu có đầy đủ, sở dục thỏa lòng mình. Do lực của nhân duyên thệ nguyện này nên ở đời vị lai, khi thành Phật thì đất nước sở đắc thuần là bảy báu, chúng sinh giàu có đầy đủ, sở dục thỏa lòng mình. Lại nữa, này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu vì Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì độ chúng sinh nên lìa khỏi tâm dâm dục. Rồi đem thiện căn này nguyện cùng chung với tất cả chúng sinh. Nguyện cho chúng sinh sở hữu của các cõi Phật không có tâm tham dục, sân nhuế, ngu si, cũng không có hoạn nạn đói khát khổ não. Do lực của nhân duyên thệ nguyện này nên ở đời vị lai, khi thành Phật thì chúng sinh trong đất nước mình xa lìa tâm tham dâm, sân nhuế, ngu si và tất cả không có đói khát khổ não. Lại nữa, này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu vì Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì độ chúng sinh nên lìa khỏi tâm vọng ngữ. Rồi đem thiện căn này nguyện cùng chung với tất cả chúng sinh. Nguyện cho các cõi Phật thường có rừng sum suê cây trái, hương hoa, chúng sinh sở hữu được âm thanh vi diệu. Do lực của nhân duyên thệ nguyện này nên vào đời vị lai, khi thành Phật thì đất nước sở hữu thường có rừng sum suê cây trái, hương hoa. Chúng sinh trong cõi ấy đều được âm thanh thượng diệu thanh tịnh. Lại nữa, này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu vì Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì độ chúng sinh nên xa lìa nói hai lưỡi. Rồi đem thiện căn này nguyện cùng chung với tất cả chúng sinh. Nguyện cho chúng sinh sở hữu của các cõi Phật thường chung hòa hợp giảng nói chánh pháp. Do lực của nhân duyên thệ nguyện này nên khi thành Phật thì tất cả chúng sinh sở hữu của đất nước mình đều chung hòa hợp giảng luận pháp yếu. Lại nữa, này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu vì Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì độ chúng sinh nên xa lìa ác khẩu. Rồi đem thiện căn này nguyện cùng chung với tất cả chúng sinh. Nguyện cho đất của các cõi Phật bằng phẳng như bàn tay, không cát đá, gai góc ác nhọn... Chúng sinh sở hữu của những cõi ấy, lòng bình đẳng. Do lực nhân duyên của thệ nguyện này nên vào đời vị lai, khi thành Phật thì đất đai của đất nước sở đắc bằng phẳng như bàn tay, không có cát đá, gai gọc nhọn ác và chúng sinh sở hữu thì lòng họ bình đẳng. Lại nữa, này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu vì Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì độ chúng sinh nên lìa khỏi lời nói vô nghĩa. Rồi đem thiện căn này nguyện cùng chung với tất cả chúng sinh. Nguyện cho chúng sinh sở hữu của các cõi Phật không có khổ não. Do lực của nhân duyên thệ nguyện này nên vào đời vị lai, khi thành Phật thì tất cả chúng sinh sở hữu của đất nước không có khổ não. Lại nữa, này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu vì Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì độ chúng sinh nên xa lìa tham tật (tham lam ganh ghét). Đem thiện căn này nguyện cùng chung với tất cả chúng sinh. Nguyện cho tất cả chúng sinh của các cõi Phật không có tham tật, não hại, tà kiến. Do lực của nhân duyên thệ nguyện này nên vào đời vị lai, khi thành Phật thì tất cả chúng sinh sở hữu của đất nước đều không tham tật, não hại, tà kiến. Lại nữa, này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu vì Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì độ chúng sinh nên xa lìa não hại. Rồi đem thiện căn này nguyện cùng chung với tất cả chúng sinh. Nguyện cho sở hữu của các cõi Phật đều chung tu tập đại từ đại bi; được địa vị nhất tử. Do lực của nhân duyên thệ nguyện này nên vào đời vị lai, khi thành Phật thì tất cả chúng sinh sở hữu của thế giới đều chung tu tập đại từ đại bi, được địa vị nhất tử. Lại nữa, này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu vì Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì độ chúng sinh nên xa lìa tà kiến. Rồi đem thiện căn này nguyện cùng chung với tất cả chúng sinh. Nguyện cho chúng sinh sở hữu của các cõi Phật đều được Ma Ha Bát Nhã Balamật. Do lực của nhân duyên thệ nguyện này nên vào đời vị lai, khi thành Phật thì chúng sinh của thế giới đều được thọ trì Ma Ha Bát Nhã Balamật. Đó gọi là Bồ tát tu tịnh Phật thổ.

Sao gọi là Đại Bồ tát diệt trừ hữu dư? Hữu dư có ba, một là phiền não dư báo, hai là dư nghiệp, ba là dư hữu. Này thiện nam tử ! Sao gọi là phiền não dư báo? Nếu có chúng sinh quen gần tham dục mà quả báo này thành thục thì đọa vào địa ngục. Từ địa ngục ra thì thọ thân súc sinh như là bồ câu, chim sẻ, uyên ương, anh vũ, kỳ bà kỳ bà, chim Xá lợi dà, thanh tước, cá, rùa, khỉ, nai... Nếu được thân người thì thọ hình dáng huỳnh môn, nữ nhân, người hai căn hay không căn, dâm nữ. Nếu được xuất gia thì phạm giới nặng đầu tiên. Đó gọi là dư báo. Lại nữa, này thiện nam tử ! Nếu có chúng sinh đem lòng ân trọng quen gần sân nhuế. Quả báo này thành thục nên rơi vào địa ngục. Từ địa ngục ra thọ thân súc sinh như là rắn độc đủ bốn thứ độc : thấy độc, chạm độc, cắn độc, lìa hơi độc, hoặc là sư tử, cọp, sói, gấu, mèo, chồn, chim ưng, diều hâu.v.v... Nếu được thân người thì đầy đủ mười sáu những luật nghi ác. Nếu được xuất gia thì phạm trọng giới thứ hai. Đó gọi là dư báo. Lại nữa, này thiện nam tử ! Nếu có người tu tập ngu si thì khi quả báo này thành thục, rơi vào địa ngục. Từ địa ngục ra, thọ thân súc sinh như là voi, heo, trâu, dê, trâu nước, rận, bọ chét, nhặng, kiến.v.v.. Nếu được thân người thì điếc, mù, câm, ngọng, tàn phế, lưng gù... các căn chẳng đủ, chẳng thể thọ pháp. Nếu được xuất gia thì các căn ám độn, ưa phạm trọng giới... cho đến tội thấp hèn. Đó gọi là dư báo. Lại nữa, này thiện nam tử ! Nếu có người tu tập kiêu mạn thì khi quả báo thành thục, rơi vào địa ngục. Từ địa ngục ra, thọ thân súc sinh như là trùng phân, lạc đà, lừa, chó, ngựa. Nếu sinh ra trong loài người thì thọ thân nô tỳ, nghèo cùng, ăn xin. Hoặc được xuất gia thì thường bị sự khinh miệt của chúng sinh và phá giới thứ tư. Đó gọi là dư báo. Những điều như vậy.v.v... gọi là phiền não dư báo. Những dư báo như vậy, Đại Bồ tát nhờ tu tập Kinh Đại Niết Bàn nên đều được trừ diệt. Sao gọi là dư nghiệp ? Đó là gọi nghiệp của tất cả phàm phu, nghiệp của tất cả Thanh Văn, người Tu đà hoàn thọ bảy hữu nghiệp, người Tư đà hàm thọ hai hữu nghiệp, người A na hàm thọ sắc hữu nghiệp. Đó gọi là dư nghiệp. Những dư nghiệp như vậy, Đại Bồ tát nhờ khả năng tu tập Kinh Đại Niết Bàn nên đều được đoạn trừ. Sao gọi là dư hữu ? A la hán được quả A la hán, Bích Chi Phật được quả Bích Chi Phật, không nghiệp không kết mà chuyển thành hai quả. Đó gọi là dư hữu. Ba thứ pháp hữu dư này, Đại Bồ tát tu tập kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn nên được diệt trừ. Đó gọi là Đại Bồ tát diệt trừ hữu dư.

Sao gọi là Bồ tát tu thanh tịnh thân? Đại Bồ tát tu giới bất sát có năm thứ tâm là hạ, trung, thượng, thượng trung và thượng thượng... cho đến tu Chánh kiến cũng lại như vậy. Năm mươi thứ tâm này gọi là tâm sơ phát (tâm phát đầu tiên). Đầy đủ quyết định thành năm mươi tâm thì gọi là mãn túc (đủ đầy). Một trăm như vậy gọi là một trăm phước đức. Đầy đủ một trăm phước đức thì thành được một tướng. Cứ như vậy đắp đổi thành tựu đầy đủ ba mươi hai tướng thì gọi thân thanh tịnh. Sở dĩ vì sao lại tu tám mươi vẻ đẹp ? Đời có chúng sinh thờ tám mươi vị thần. Những gì là tám mươi ? Đó là mười hai mặt trời, mười hai đại thiên, năm vì tinh tú lớn là sao Bắc Đẩu, sao Mã thiên, sao Hành Đạo thiên, sao Bà La Đọa Bạt Xà thiên, sao Công Đức thiên, hai mươi tám vì sao, Địa thiên, Phong thiên, Thủy thiên, Hỏa thiên, Phạm thiên, Lâu Đà thiên, Nhân Đề thiên, Câu Ma La thiên, Bát Tý thiên, Ma Ê Thủ La thiên, Bán Xà La thiên, Quỷ Tử Mẫu thiên, Tứ Thiên Vương thiên, Tạo Trú thiên, Bà Tẩu thiên, (18 trời). Đó gọi là tám mươi. Bồ tát vì chúng sinh này tu tám mươi vẻ đẹp để tự trang nghiêm. Đó gọi là thân Bồ tát thanh tịnh. Vì sao vậy ? Vì tám mươi trời đó được sự tín phục của tất cả chúng sinh. Vậy nên Bồ tát tu tám mươi vẻ đẹp mà thân ấy chẳng động khiến cho chúng sinh theo sự tin ấy, mỗi mỗi đều được thấy. Thấy rồi họ đều tôn kính và phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do nghĩa này nên Đại Bồ tát tu thân thanh tịnh. Này thiện nam tử ! Ví như có người muốn thỉnh vị vua lớn thì cần phải trang nghiêm nhà cửa sở hữu cho cực kỳ thanh tịnh, bày biện đủ thứ trăm món ăn ngon lành, rồi nhiên hậu mới thỉnh vua đến. Đại Bồ tát cũng lại như vậy, muốn thỉnh vua Pháp Luân Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì trước phải sửa thân cho cực kỳ thanh tịnh, rồi vua pháp Vô thượng mới sẽ đến ở đó. Do nghĩa này nên Đại Bồ tát cần phải tu thân thanh tịnh. Này thiện nam tử ! Ví như có người muốn uống cam lộ thì trước phải tịnh thân. Đại Bồ tát cũng lại như vậy, muốn uống pháp vị cam lộ Vô thượng Bát Nhã Balamật thì cần phải trước dùng tám mươi vẻ đẹp mà thanh tịnh thân ấy. Này thiện nam tử! Ví như bảo khí bằng vàng bạc tốt đẹp đựng nước sạch thì trong ngoài đều sạch. Thân thanh tịnh ấy của Đại Bồ tát cũng lại như vậy, đựng nước Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì trong ngoài đều thanh tịnh. Này thiện nam tử ! Như áo lụa trắng Ba la nại dễ chịu nhuộm màu. Vì sao vậy ? Vì tính bạch tịnh vậy. Đại Bồ tát cũng lại như vậy, do thân thanh tịnh nên mau chóng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do nghĩa này nên Đại Bồ tát tu thân thanh tịnh. Sao gọi là Đại Bồ tát rõ biết các duyên? Đại Bồ tát chẳng thấy sắc tướng, chẳng thấy sắc duyên, chẳng thấy sắc thể, chẳng thấy sắc sinh, chẳng thấy sắc diệt, chẳng thấy một tướng, chẳng thấy dị tướng (tướng khác), chẳng thấy người thấy, chẳng thấy tướng mạo, chẳng thấy người thọ. Vì sao vậy? Vì rõ nhân duyên vậy. Như sắc, tất cả pháp cũng như vậy. Đó gọi là Bồ tát rõ biết các duyên.

Sao gọi là Bồ tát loại các oán địch ? Tất cả phiền não là oán của Bồ tát nên đại Bồ tát thường xa lìa. Đó gọi là Bồ tát hoại các oán địch. Bồ tát ngũ trụ nhìn thấy các phiền não chẳng gọi là oán địch. Sở dĩ vì sao ? Vì nhân phiền não nên Bồ tát có sinh, do có sinh nên có thể đắp đổi giáo hóa chúng sinh. Do nghĩa này nên chẳng gọi là oán. Những gì là oán? Đó là người bài báng Kinh Phương Đẳng Bồ tát tùy theo chỗ sinh ra, chẳng sợ địa ngục, súc sinh, ngạ quỹ mà chỉ sợ người bài báng Phương Đẳng như vậy. Tất cả Bồ tát có tám thứ ma gọi là oán gia, xa lìa tám ma này gọi là lìa khỏi oán gia. Đó gọi là Bồ tát lìa các oán địch.

Sao gọi là Bồ tát xa lìa nhị biên ? Nói nhị biên là gọi hai mươi lăm cõi hữu và ái phiền não. Bồ tát thường lìa khỏi hai mươi lăm cõi hữu và ái phiền não thì đó gọi là Bồ tát lìa nhị biên. Đó gọi là Đại Bồ tát tu Đại Niết bàn thành tựu đầy đủ công đức theo thứ tự.

Lúc bấy giờ, Đại Bồ tát Quanh Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch rằng :

- Như lời đức Phật nói, nếu có Bồ tát tu tập Kinh Đại Niết Bàn thì đều tạo tác mười việc công đức. Như vậy thì sao đức Như Lai chỉ tu chín việc mà chẳng tu tịnh thổ (Cõi thanh tịnh) ?

Đức Phật dạy rằng :

- Này thiện nam tử ! Ta, vào thuở xưa, cũng thường tu đủ mười việc như vậy. Tất cả Bồ tát và các đức Như Lai không ai chẳng tu đủ mười việc như vậy. Nếu giả sử thế giới bất tịnh mà tràn đầy các đức Phật Thế Tôn xuất hiện trong đó thì không có việc này. Này thiện nam tử ! Ông nay cho rằng, các đức Phật xuất hiện ở thế giới bất tịnh. Ông phải biết tấm lòng này chẳng tốt, hẹp hòi, hèn yếu. Ông nay phải biết, Ta thật chẳng xuất hiện ở cõi Diêm Phù Đề. Ví như có người nói rằng, cõi này độc nhất có mặt trời, mặt trăng, thế giới phương khác không có mặt trời, mặt trăng. Lời nói như vậy không có nghĩa lý. Nếu có Bồ tát phát ngôn như vầy: “Thế giới Phật này uế ác bất tịnh, cõi Phật phương khác thanh tịnh trang nghiêm thì cũng lại như vậy”. Này thiện nam tử ! Phương Tây, cách thế giới Ta bà này độ ba mươi hai lần cát sông Hằng những cõi Phật, tại đó có thế giới tên là Vô Thắng. Cõi đó vì sao tên là Vô Thắng ? Vì việc trang nghiêm sở hữu của cõi ấy đều bình đẳng, không có sai biệt giống như thế giới An Lạc ở phương Tây, cũng như thế giới Mãn Nguyệt ở phương Đông. Ta ở cõi Vô Thắng đó xuất hiện ở đời. Vì hóa độ chúng sinh nên ta ở trong cõi Diêm Phù Đề này thị hiện chuyển bánh xe pháp. Chẳng phải chỉ độc một mình thân ta, ở trong cõi này, thị hiện chuyển pháp luân. Tất cả các đức Phật cũng ở trong cõi này mà chuyển bánh xe pháp. Do nghĩa này nên các đức Phật Thế Tôn chẳng phải chẳng tu hành mười việc như vậy. Này thiện nam tử ! Bồ tát Từ Thị do thệ nguyện nên đời đương lai sẽ khiến cho thế giới này thanh tịnh trang nghiêm. Do nghĩa này nên tất cả thế giới sở hữu của chư Phật không đâu chẳng nghiêm tịnh.

Lại nữa, này Thiện nam tử ! Sao gọi là Đại Bồ tát tu Kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu thành tựu đầy đủ công đức thứ năm? Này thiện nam tử ! Đại Bồ tát tu Kinh Đại Niết bàn thành tựu đầy công đức thứ năm thì có năm việc. Những gì là năm ? Một là các căn đầy đủ, hai là chẳng sinh ra ở vùng biên địa, ba là chư Thiên ái niệm, bốn là thường được sự cung kính của trời, ma, samôn, sát lợi, Bàlamôn.v.v..., năm là được trí túc mạng. Bồ tát do lực của nhân duyên Đại Niết Bàn này nên đầy đủ năm việc công đức như vậy.

Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch rằng :

- Như lời đức Phật nói, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân tu bố thí thì được thành tựu đầy đủ năm việc công đức, thì sao hôm nay Ngài nói rằng : Nhân Đại Niết Bàn được năm việc này ?

Đức Phật dạy rằng :

- Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Việc như vậy, ý nghĩa của nó đều khác. Hôm nay ta sẽ vì ông phân biệt, giải nói. Bố thí được năm việc là chẳng định, chẳng thường, chẳng tịnh, chẳng thắng và chẳng khác. Đó chẳng phải là vô lậu, chẳng thể lợi ích, an lạc, thương xót tất cả chúng sinh. Nếu nương vào Kinh Đại Niết Bàn như vậy thì năm việc sở đắc là định, là thường, là tịnh, là thắng là khác. Đó là vô lậu có thể lợi ích, an lạc, thương xót tất cả chúng sinh. Này thiện nam tử ! Luận về bố thí thì được lìa khỏi đói khát. Kinh Đại Niết Bàn có thể khiến cho chúng sinh đều được lìa khỏi bệnh khát ái (khao khát ái dục) của hai mươi lăm cõi hữu. Nhân duyên bố thí khiến cho sinh tử nối tiếp nhau. Kinh Đại Niết Bàn có khiến cho sinh tử đoạn trừ, chẳng nối tiếp nhau. Nhân sinh tử nên chịu pháp phàm phu, nhân đại Niết Bàn được làm Bồ tát. Nhân duyên bố thí có thể đoạn trừ tất cả bần cùng khổ não, Kinh Đại Niết Bàn có thể đoạn trừ tất cả sự nghèo thiện pháp. Nhân duyên bố thí có phân biệt, có quả báo, nhân duyên Đại Niết Bàn được Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, không phân biệt, không quả báo. Đều gọi là Đại Bồ tát tu Kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu thành tựu đầy đủ công đức thứ năm.

Này thiện nam tử ! Sao gọi là Bồ tát tu Kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu thành tựu đầy đủ công đức thứ sáu ? Đại Bồ tát tu Đại Niết Bàn được Kim Cương tam muội. Bồ tát an trụ trong tam muội này đều có thể phá tan tất cả các pháp, thấy tất cả pháp đều là Vô thường, đều là động tướng, nhân duyên của khủng bố, bệnh khổ, trộm cướp, từng niệm từng niệm diệt hoại không có chân thật, tất cả đều là cảnh giới của ma, không thể thấy tướng. Đại Bồ tát trụ ở tam muội này, tuy bố thí cho chúng sinh nhưng thậm chí chẳng thấy một chúng sinh thật. Vì chúng sinh nên tinh cần tu tập Thi Balamật (trì giới độ vô cực)... cho đến tu tập Bát nhã Balamật cũng lại như vậy, nếu Bồ tát thấy có một chúng sinh chẳng thể rốt ráo thành tựu đầy đủ Đàn Balamật cho đến Bát nhã Balamật. Này thiện nam tử ! Ví như chỗ mô phỏng theo Kim cương. Không gì chẳng tan nát mà chính Kim cương không có gẫy tổn. Kim cương tam muội cũng lại như vậy, pháp không theo không gì chẳng tan nát mà chính tam muội không có gẫy tổn. Này thiện nam tử ! Như trong các báu Kim cương là tối thắng. Kim cương tam muội sở đắc của Bồ tát cũng lại như vậy, đối với các tam muội là tối đệ nhất. Vì sao vậy ? Vì đại Bồ tát tu tam muội này thì tất cả tam muội đều đến qui thuộc. Này thiện nam tử ! Như các tiểu vương đều đến qui thuộc Chuyển luân Thánh vương. Tất cả tam muội cũng lại như vậy đều đến qui thuộc Kim cương tam muội. Này thiện nam tử ! Ví như có người là oán thù của nước, là sự chán ghét tai họa của người. Nếu có người giết hắn thì tất cả người đời không ai chẳng xưng tán công đức người này. Kim cương tam muội cũng lại như vậy, Bồ tát tu tập có thể hoại oán địch của tất cả chúng sinh. Vậy nên thường được tôn kính của tất cả tam muội. Này thiện nam tử! Ví như có người mà sức rất mạnh mẽ không ai đương cự được. Nhưng lại có người mà sức có thể hàng phục được người đó thì phải biết người này được đời khen ngợi. Kim cương tam muội cũng lại như vậy, sức có thể tiêu diệt, hàng phục pháp khó hàng phục. Do nghĩa này nên tất cả tam muội đều đến qui thuộc. Này thiện nam tử ! Ví như có người tắm ở tại biển lớn thì phải biết người này đã sử dụng nước của những dòng sông, dòng suối và ao. Đại Bồ tát cũng lại như vậy, tu tập Kim cương tam muội như vậy thì phải biết là đã tu tập tất cả các tam muội còn lại. Này thiện nam tử ! Như trong núi Hương Sơn có một dòng nước suối tên là A nậu đạt. Suối ấy đầy đủ nước tám vị. Có người uống nước suối ấy thì không có các bệnh khổ. Kim cương tam muội cũng lại như vậy, đủ tám chánh đạo mà Bồ tát tu tập thì đoạn trừ những trọng bệnh ghẻ lở phiền não. Này thiện nam tử ! Như người cúng dường trời Ma ê thủ la thì phải biết người này đã là cúng dường tất cả chư thiên. Kim cương tam muội cũng lại như vậy, nếu có người tu tập thì phải biết người này đã tu tập tất cả các tam muội còn lại. Này thiện nam tử ! Nếu có Bồ tát an trụ ở Kim cương tam muội như vậy thì thấy tất cả pháp không có chướng ngại như xem quả Amalặc ở trong lòng bàn tay. Bồ tát tuy lại được thấy như vậy nhưng nhất định chẳng tác khởi tư tưởng thấy tất cả pháp. Này thiện nam tử ! Ví như có người ngồi ngã tư đường thấy các chúng sinh đi, lại, ngồi, nằm. Kim cương tam muội cũng lại như vậy, thấy tất cả pháp sinh, diệt, hiện ra, mất đi. Này thiện nam tử ! Ví như núi cao, có người leo lên đó, trông xa các phương đều tỏ rõ. Núi định Kim cương cũng lại như vậy, Bồ tát leo lên đó xa trông các pháp, không pháp nào chẳng sáng tỏ. Này thiện nam tử ! Ví như tháng mùa Xuân trời tuông mưa ngọt. Những giọt mưa ấy đan xen không chỗ trống, người mắt sáng thấy chúng rõ ràng. Bồ tát cũng vậy, được mắt thanh tịnh Kim cương định, thấy từ xa những thế giới sở hữu của phương Đông. Trong số ấy, hoặc có đất nước thành hay hoại... tất cả đều thấy rõ ràng không ngăn ngại... cho đến mười phương cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Như núi Do Càn Đà, khi bảy mặt trời đồng thời xuất hiện thì cây cối, rừng rậm sở hữu của núi ấy, tất cả đều cháy hết. Bồ tát tu tập Kim cương tam muội cũng lại như vậy, tất cả rừng rậm phiền não sở hữu tức thời tiêu diệt. Này thiện nam tử! Ví như Kim cương tuy có thể diệt phá tất cả vật nhưng nhất định chẳng sinh ra ý niệm : “Ta có thể diệt phá”. Kim cương tam muội cũng lại như vậy, Bồ tát tu rồi có thể phá phiền não nhưng nhất định chẳng sinh ý niệm : “Ta có thể hoại tan kết sử”. Này thiện nam tử ! Ví như đại địa có thể trì giữ vạn vật, nhưng nhất định chẳng sinh ý niệm : “Sức ta có thể trì giữ”. Lửa cũng chẳng nghĩ : “Ta có thể đốt cháy vật”. Nước cũng chẳng nghĩ : “Ta có thể thấm nhuần”. Gió cũng chẳng nghĩ : “Ta có thể lay động vật”. Không cũng chẳng nghĩ : “Ta có thể dung thọ hết”. Niết bàn cũng lại chẳng sinh ra ý nghĩ rằng : “Ta khiến cho chúng sinh được diệt độ”. Kim Cương tam muội cũng lại như vậy, tuy có thể diệt trừ tất cả phiền não mà đầu tiên không có lòng nói rằng : “Ta có thể diệt”. Nếu có Bồ tát an trụ ở Kim Cương tam muội như vậy thì ở trong một niệm, biến thân Phật mà số ấy không lường, đầy khắp hằng hà sa số thế giới chư Phật trong mười phương. Bồ tát này tuy làm sự biến hóa này nhưng tâm Bồ tát ấy đầu tiên không có tư tưởng kiêu mạn. Vì sao vậy ? Vì Bồ tát thường nghĩ: “Ai có định này thì có thể làm sự biến hóa đó ? Chỉ có Bồ tát an trụ ở Kim Cương tam muội như vậy mới có thể làm vậy”. Đại Bồ tát an trụ ở Kim Cương tam muội như vậy thì ở trong một niệm, đi đến khắp mười phương hằng hà sa số thế giới của chư Phật, rồi trở lại chỗ cũ của mình. Bồ tát tuy có lực này nhưng cũng chẳng nghĩ rằng : “Ta có thể như vậy”. Vì sao vậy ? Vì do lực của nhân duyên tam muội vậy. Đại Bồ tát an trụ ở Kim Cương tam muội như vậy thì ở trong một niệm, có thể đoạn trừ phiền não sở hữu của chúng sinh trong mười phương hằng hà sa số thế giới mà tâm đầu tiên không có tư tưởng đoạn trừ phiền não của các chúng sinh. Vì sao vậy ? Vì do lực của nhân duyên tam muội này vậy. Bồ tát trụ ở Kim Cương tam muội này thì dùng một âm thanh sở hữu diễn nói mà tất cả chúng sinh tùy theo chủng loại đều được giải rõ, thị hiện một sắc mà tất cả chúng sinh mỗi mỗi đều thấy đủ thứ sắc tướng, an trụ một chỗ thân chẳng di dịch mà có thể khiến cho chúng sinh tùy theo phương diện của mình, mỗi mỗi đều thấy, diễn nói một pháp hoặc là giới hay nhập thì tất cả chúng sinh đều tùy theo sự lý giải của mình mà được nghe hết. Bồ tát an trụ ở tam muội như vậy, tuy thấy chúng sinh mà tâm ban đầu không có tướng chúng sinh, tuy thấy nam nữ mà không tướng nam nữ, tuy thấy sắc pháp mà không có tướng sắc... cho đến thấy thức cũng không tướng thức, tuy thấy ngày đêm mà không tướng ngày đêm, tuy thấy tất cả mà không có tướng tất cả, tuy thấy các kết của tất cả phiền não mà cũng không có tướng của tất cả phiền não, tuy thấy tám Thánh đạo mà không tướng Thánh đạo, tuy thấy Bồ Đề mà không tướng Bồ Đề, tuy thấy Niết bàn mà không tướng Niết Bàn. Vì sao vậy ? Này thiện nam tử ! Vì tất cả các pháp vốn không có tướng vậy. Bồ tát do lực của tam muội này nên thấy tất cả pháp như vốn không tướng. Vì sao gọi là Kim Cương tam muội ? Này thiện nam tử ! Ví như Kim Cương ở tại trong ngày thì màu sắc chẳng định. Kim Cương tam muội cũng lại như vậy, ở tại đại chúng thì sắc cũng chẳng định. Vậy nên gọi là Kim Cương tam muội. Này thiện nam tử ! Ví như Kim Cương thì tất cả người đời chẳng thể đánh giá (bình giá). Kim Cương tam muội cũng lại như vậy, công đức sở hữu của tam muội này thì tất cả người, trời chẳng thể đánh giá, đo lường. Vậy nên lại gọi là Kim Cương tam muội. Này thiện nam tử ! Ví như người nghèo được báu Kim Cương thì được xa lìa bần cùng khốn khổ, ác quỷ tà độc. Đại Bồ tát cũng lại như vậy, được tam muội này thì có thể xa lìa phiền não, các khổ, các ma tà độc. Vậy nên lại gọi là Kim Cương tam muội. Đó gọi là Bồ tát tu Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ sáu.

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

- Quyển thứ hai mươi hai hết -


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com