Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Tắc 31 - Tắc 34

22/04/201106:16(Xem: 5141)
11. Tắc 31 - Tắc 34

BÍCHNHAM LỤC
Tác giả: Thiền sư Viên Ngộ - Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ
Tu viện Chân Không 1980

TẮC 31

MA CỐC CẦM GẬY NHIỄU GIƯỜNG

LỜI DẪN: Động thì bóng hiện, giác thì băng sanh. Nếu không động không giác chưa khỏi vào hang chồn hoang. Tin được đến,thấu được tột, không còn mảy tơ chướng ngại, như rồng gặp nước, tợ cọptựa núi. Buông đi thì ngói gạch sanh quang, nắm lại thì vàng ròng mất sắc, công án cổ nhân chưa khỏi phủ che. Hãy nói bình luận bên việc gì,thử cử xem?

CÔNG ÁN: Ma Cốc chống gậy đến Chương Kỉnh, đi nhiễu giường thiền ba vòng, dộng tích trượng một cái, đứng nghiễm nhiên. Chương Kỉnh nói: Phải! Phải! (Tuyết Đậu trước ngữ: Lầm!) Ma Cốc lại đến Nam Tuyền, đi nhiễu giường thiền ba vòng, dộng tích trượng một cái, đứng nghiễm nhiên. Nam Tuyền nói: Chẳng phải! Chẳng phải! (Tuyết Đậu trước ngữ: Lầm!) Ma Cốc nói: Chương Kỉnh nói phải, tại sao Hòa thượng nói chẳng phải? Nam Tuyền nói: Chương Kỉnh tức phải, còn ông chẳng phải, đây là bị phong lực chuyển, trọn thành bại hoại.

GIẢI THÍCH: Cổ nhân đi hành cước trải khắp tùng lâm, hẳn đem việc này làm niệm, cần biện rõ các vị lão Hòa thượng ngồi trêngiường gỗ là đủ mắt sáng hay không đủ mắt sáng. Cổ nhân một lời nói khế hợp liền ở, một lời không khế hợp liền đi. Xem Ma Cốc đến Chương Kỉnh,đi nhiễu giường thiền ba vòng, dộng tích trượng một cái, đứng nghiễm nhiên. Chương Kỉnh nói: Phải! Phải! Đao sát nhân, kiếm sống người, phải là bổn phận kẻ tác gia. Tuyết Đậu nói: Lầm! Rơi tại hai bên. Nếu ông đến hai bên hội là chẳng thấy ý Tuyết Đậu. Ma Cốc đứng nghiễm nhiên là vì việc gì? Tuyết Đậu vì sao lại nói lầm? Chỗ nào là chỗ lầm của Ma Cốc? Chương Kỉnh nói phải, chỗ nào là chỗ phải? Tuyết Đậu như ngồi đọc lời phán. Ma Cốc mang chữ “phải” đến yết kiến Nam Tuyền. Như trước đi nhiễu giường thiền ba vòng, dộng tích trượng một cái, đứng nghiễm nhiên. NamTuyền nói: Chẳng phải, chẳng phải! Đao sát nhân, kiếm sống người, phảilà bổn phận Tông sư. Tuyết Đậu nói: Lầm! Chương Kỉnh nói phải, phải, Nam Tuyền nói chẳng phải, chẳng phải, lại là đồng hay khác? Phần trước phải, taị sao lại lầm? Phần sau nói chẳng phải, tại sao cũng lầm? Nếu nhằm dưới câu nói của Chương Kỉnh tiến được, tự cứu cũng chưa xong. Nếu nhằm dưới câu nói của Nam Tuyền tiến được, đáng cùng Phật Tổ làm thầy. Tuy nhiên thế ấy, hàng Thiền tăng phải tự nhận mới được. Chớ nhằm miệng người biện biệt, Ma Cốc hỏi một loại, tại sao người nói phải, người nói chẳng phải? Nếu là người thông phương tác giả được đại giải thoát, ắt phải riêng có sanh nhai. Nếu là kẻ cơ cảnh chưa quên, quyết định mắc kẹt ở hai đầu này. Nếu cần biện rành cổ kim, ngồi cắt đầu lưỡi người trongthiên hạ, phải rõ hai cái lầm này mới được. Đến đoạn sau, Tuyết Đậu tụng cũng chỉ tụng hai cái lầm này. Tuyết Đậu cần nêu lên chỗ sống linh động, cho nên nói như thế. Nếu là kẻ trong da có máu, tự nhiên chẳng nhằm trong ngôn cú khởi giải hội, chẳng nhằm trên cọc cột lừa khởi đạo lý. Có người nói: Tuyết Đậu thay Ma Cốc hạ hai chữ lầm. Thế có gì giao thiệp.Đâu chẳng biết người xưa trước ngữ là khóa chặt cửa trọng yếu, bên nàycũng phải, bên kia cũng phải, cứu kính chẳng ở hai bên. Tạng chủ Khánhnói: “Chống tích trượng, nhiễu giường thiền, phải cùng chẳng phải đều lầm, kỳ thật cũng chẳng tại đây.” Ông đâu chẳng thấy, Vĩnh Gia đến TàoKhê yết kiến Lục Tổ, đi nhiễu giường thiền ba vòng, dộng tích trượng một cái, đứng nghiễm nhiên. Lục Tổ quở: Phàm người Sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, Đại đức từ phương nào đến mà sanh đại ngã mạn? Tại sao Lục Tổ lại nói kia sanh đại ngã mạn? Cái này chẳng nói phải, cũng chẳng nói không phải, phải cùng không phải đều là cọc cột lừa. Chỉ có Tuyết Đậu hạ hai chữ lầm, còn gần đôi chút. Ma Cốc nói: “Chương Kỉnh nói phải, tại sao Hòa thượng nói chẳng phải?” Lão này chẳng tiếc lông mày, ló đuôi chẳng ít. Nam Tuyền nói: “Chương Kỉnh thì phải,còn ông chẳng phải.” Nam Tuyền đáng gọi thấy thỏ thả chim ưng. Tạng chủ Khánh nói: Nam Tuyền dài dòng quá, chẳng phải thì thôi, lại còn nói thêm, “đây là bị phong lực chuyển, trọn thành bại hoại”. Kinh Viên Giác nói: “Nay thân ta đây do tứ đại hòa hợp, nên nói tóc lông, móng răng, da thịt, gân xương, tủy não bụi nhơ đều thuộc về đất, nước miếng máu mủ đều thuộc về nước, hơi ấm thuộc lửa, động chuyển thuộc gió. Tứ đại mỗi cáirời ra, thân vọng này ở chỗ nào?” Ma Cốc cầm tích trượng đi nhiễu giường thiền đã bị phong lực chuyển trọn thành bại hoại. Hãy nói cứu kính phát minh việc Tâm tông tại chỗ nào? Đến trong ấy phải là kẻ sắt thép đúc thành mới được.

Đâu chẳng thấy Tú tài Trương Chuyết tham vấn Thiền sư Trí Tạng ở Tây Đường, hỏi: Sơn hà đại địa là có hay không? Chư Phật bađời là có hay không? Trí Tạng đáp: Có. Trương Chuyết nói: Lầm! Trí Tạng hỏi: Ông từng tham kiến vị nào đến? Trương Chuyết nói: Tham kiến Hòa thượng Cảnh Sơn đến. Tôi có hỏi lời gì, Cảnh Sơn đều nói không. Trí Tạng bảo: Ông có quyến thuộc gì? Chuyết đáp: Có một vợ quê, hai con khờ. Trí Tạng lại hỏi: Cảnh Sơn có quyến thuộc gì? Chuyết đáp: Hòa thượng Cảnh Sơn là cổ Phật, chớ phỉ báng Ngài. Trí Tạng bảo: Đợi khi ông giống Cảnh Sơn sẽ nói tất cả không. Trương Chuyết cúi đầu lặng thinh.

Phàm là bậc Tông sư tác gia cần vì người mở niêm cởi trói nhổ đinh tháo chốt, không thể chỉ giữ một bên, đẩy bên trái liền xoay bên phải, đẩy bên phải liền xoay bên trái. Xem Ngưỡng Sơn đến chỗTrung Ấp tạ lễ thọ giới. Trung Ấp thấy đến, ở trên giường thiền vỗ taynói: Hòa thượng! Ngưỡng Sơn liền sang đứng bên đông, lại sang đứng bêntây, lại sang đứng ở giữa, nhiên hậu tạ giới xong, lại lùi ra sau đứng. Trung Ấp hỏi: Ở chỗ nào được tam-muội này? Ngưỡng Sơn thưa: Ở trên cáiấn Tào Khê gỡ được đem đến. Trung Ấp hỏi: Ông nói Tào Khê dùng tam-muội này tiếp người nào? Ngưỡng Sơn thưa: Tiếp Nhất Túc Giác. Ngưỡng Sơn hỏi lại Trung Ấp: Hòa thượng ở chỗ nào được tam-muội này? Trung Ấp nói: Taở chỗ Mã Tổ được tam-muội này.

Nói thoại thế ấy, há chẳng phải là kẻ cử một rõ ba, thấy gốc biết ngọn. Long Nha dạy chúng nói: “Phàm người tham học phải thấu qua Phật Tổ mới được. Hòa thượng Tân Phong nói: Thấy ngôn giáo của Tổ Phật như sanh oan gia, mới có phần tham học. Nếu thấu chẳng được bịPhật Tổ lừa.” Có vị Tăng ra hỏi: Tổ Phật lại có tâm lừa người sao? Long Nha đáp: “Ngươi nói sông hồ có tâm ngại người chăng?” Nói tiếp: “Sông hồ tuy không có tâm ngại người, chính vì thời nhân qua chẳng được, cho nên sông hồ trở thành ngại người, chẳng được nói sông hồ không ngại người.Tổ Phật tuy không có tâm lừa người, chính vì thời nhân thấu chẳng được, Tổ Phật trở thành lừa người, cũng chẳng được nói Tổ Phật không lừa người. Nếu thấu qua được Tổ Phật, người này tức qua Tổ Phật phải là thể nhận được ý Tổ Phật, mới cùng hàng cổ nhân hướng thượng đồng. Như chưa thấuđược, dù học Phật học Tổ đến muôn kiếp, cũng không có ngày đạt được.” Tăng hỏi: Làm sao khỏi bị Phật Tổ lừa? Long Nha đáp: Phải tự ngộ đi! Đến trong đây phải như thế mới được. Vì sao? Vì người phải vì cho tột, giết người phải thấy máu. Nam Tuyền, Tuyết Đậu là loại người này mới dám niêm lộng.

TỤNG:

Thử thố bỉ thố
Thiết kỵ niêm khước
Tứ hải lãng bình
Bách xuyên triều lạc.
Cổ sách phong cao thập nhị môn
Môn môn hữu lộ không tiêu tác.
Phi tiêu tác
Tác giả hảo cầu vô bệnh dược.

DỊCH:

Đây lầm kia lầm
Tối kỵ niêm lấy
Bốn biển sóng dừng
Trăm sông triều xuống.
Cổ sách phong cao mười hai cửa
Mỗi cửa có đường vào tịch mịch.
Chẳng tịch mịch
Tác giả thích cầu thuốc không bệnh.

GIẢI TỤNG: Bài tụng này giống hệt công án Đức Sơn đến yết kiến Qui Sơn. Trước đem công án lồng hai chuyển ngữ xỏ thành một xâu, nhiên hậu tụng ra. “Đây lầm kia lầm, tối kỵ niêm lấy”, ý Tuyết Đậu nóichỗ này một lầm, chỗ kia một lầm, tối kỵ niêm lấy, niêm lấy tức trái. Cần phải để hai chữ lầm như thế. “Bốn biển sóng dừng, trăm sông triều xuống”, quả là gió mát trăng trong. Nếu ông căn cứ hai chữ lầm hiểu được thì không còn việc gì, núi là núi, nước là nước, dài đó tự dài, ngắn đó tự ngắn, năm ngày một trận gió, mười ngày một cây mưa. Vì thế nói “bốnbiển sóng dừng, trăm sông triều xuống”. Phần dưới tụng về Ma Cốc cầm gậy, “cổ sách phong cao mười hai cửa”. Người xưa dùng roi làm sách (thúc tiến), nhà thiền lấy cây gậy làm sách (thúc tiến). Tây Vương Mẫu trên hồ DiêuTrì có mười hai cửa đỏ. Cổ sách tức là cây gậy, đầu gậy gió mát cao đến mười hai cửa đỏ. Chỗ Thiên tử và Đế Thích ở mỗi cái có mười hai cửa đỏ. Nếu người hiểu được hai chữ lầm thì trên đầu gậy sanh hào quang, cổ sách dùng cũng chẳng được. Người xưa nói: “Biết được cây gậy thì việc tham học một đời xong xuôi.” Lại nói: “chẳng phải tiêu hình giữ việc rỗng, gậy báu Như Lai còn dấu vết”, cùng một loại này vậy. Đến trong đây bảyđiên tám đảo, trong tất cả thời được đại tự đại. “Mỗi cửa có đường vàotịch mịch”, tuy có đường chỉ là tịch mịch. Đến đây Tuyết Đậu tự biết ló đuôi, lại vì ông đả phá. Tuy nhiên như thế, cũng có chỗ “chẳng tịch mịch”. Dù là tác giả khi không bệnh cũng nên trước tìm thuốc này uống mới được.

TẮC 32

THƯỢNG TỌA ĐỊNH ĐỨNG SỮNG

LỜI DẪN: Mười phương ngồi dứt, ngàn mắt liền mở, một câu đứt dòng, muôn cơ dứt bặt, lại có đồng sanh đồng tử chăng? Hiện thành công án xếp đặt chẳng được, sắn bìm của cổ nhân, thử mời cử xem?

CÔNG ÁN: Thượng tọa Định hỏi Lâm Tế: Thế nào là đại ý Phật pháp? Lâm Tế bước xuống giường thiền, nắm đứng cho một tát tai, liền xô ra. Thượng tọa Định đứng sửng sốt. Vị Tăng đứng bên cạnh bảo: Thượng tọa Định sao chẳng lễ bái. Thượng tọa Định vừa lễ bái, bỗng nhiên đại ngộ.

GIẢI THÍCH: Xem kia thế ấy, thẳng ra thẳng vào, thẳng qua thẳng lại mới là Lâm Tế chánh tông, có tác dụng thế ấy. Nếu thấu được có thể đổi trời làm đất, tự được thọ dụng. Thượng tọa Định là loại này, bị Lâm Tế một chưởng, lễ bái đứng dậy liền biết chỗ rơi. Sư là người miền Bắc, rất thật thà ngay thẳng, sau khi đã được lại chẳng xuất sư. Sau này, Sư toàn dùng cơ của Lâm Tế, quả là xuất sắc.

Một hôm, Sư đi trên đường gặp Nham Đầu, Tuyết Phong, Khâm Sơn ba người. Nham Đầu hỏi: Ở đâu lại? Sư đáp: Lâm Tế lại. Nham Đầu hỏi: Hòa thượng mạnh khỏe? Sư nói: Đã qui tịch. Nham Đầu nói: Ba ngườichúng tôi tìm đến lễ bái, mà phước duyên cạn mỏng, lại nghe qui tịch, chẳng biết Hòa thượng lúc bình sanh có những ngôn cú gì, xin Thượng tọa nhắc lại vài tắc xem? Sư liền nhắc: “Một hôm Lâm Tế dạy chúng: Trên khối thịt đỏ, có một chân nhân không ngôi vị thường từ diện môn các ông ra vào, người chưa chứng cứ hãy xem, xem! Có vị Tăng ra hỏi: Thế nào là chân nhân không ngôi vị? Lâm Tế liền nắm đứng bảo: Nói, nói! Vị Tăng suy nghĩ. Lâm Tế liền xô ra, nói: Chân nhân không ngôi vị là cục cứt khô gì! Liền trở về phương trượng.” Nham Đầu bất giác le lưỡi. Khâm Sơn nói: Sao chẳng nói phi chân nhân không ngôi vị? Thượng tọa Định nắm đứng bảo: Chân nhân không ngôi vị cùng phi chân nhân không ngôi vị cách nhau nhiều ít, nói mau! Nói mau! Khâm Sơn không nói được mặt biến sắc. Nham Đầu, Tuyết Phong lại gần lễ bái thưa: Vị Tăng này mới học không biết phải quấy, xúc não Thượng tọa, cúi mong từ bi tha thứ. Sư nói: Nếu chẳng phải hai thầy già này xin, sẽ giết con quỉ đái dầm này.

Lại một hôm, Sư ở Trấn Châu đi thọ trai về đến cây cầu, gặp ba vị Tọa chủ (Trụ trì), một vị hỏi: Thế nào là chỗ sâu của sông Thiền đến tột đáy? Sư nắm đứng toan ném xuống cầu, hai vị Tọa chủkia vội kêu cứu: Thôi! Thôi! Y xúc phạm đến Thượng tọa, mong từ bi thathứ. Sư nói: Nếu không phải hai Tọa chủ xin, cho y xuống tột đáy. Xem thủ đoạn của Sư, toàn là tác dụng của Lâm Tế. Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:

Đoạn Tế toàn cơ kế hậu tung
Trì lai hà tất tại thung dung
Cự Linh đài thủ vô đa tử
Phân phá Hoa Sơn thiên vạn trùng.

DỊCH:

Đoạn Tế toàn cơ noi dấu sau
Mang về nào hẳn tại thong dong
Tay mạnh Cự Linh nào mấy kẻ
Chẻ vỡ Hoa Sơn lớp muôn ngàn.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu tụng “Đoạn Tế toàn cơ noi dấu sau, mang về nào hẳn tại thong dong”, đại cơ đại dụng của Hoàng Bá chỉriêng Lâm Tế kế thừa dấu vết. Nắm được đem ra không cho nghĩ nghị, nếulà do dự liền rơi vào ấm giới. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Như ta ấn ngón tay thì hải ấn phát quang, ông vừa dấy tâm thì trần lao khởi trước.” Hai câu “tay mạnh Cự Linh nào mấy kẻ, đập vỡ Hoa Sơn mảnh muôn ngàn”, thần Cự Linh có thần lực lớn, lấy tay chẻ xuống ngọn núi Thái Hoa, nước phun lên chảy vào sông Hoàng Hà. Thượng tọa Định nghi tình như đất chồng núi chứa, bị một chưởng của Lâm Tế liền được ngói bể, băng tiêu.

TẮC 33

TRẦN THÁO ĐỦ MỘT CON MẮT

LỜI DẪN: Đông Tây chẳng biện, Nam Bắc chẳng phân, từ sáng đến chiều từ chiều đến sáng, lại nói y ngủ gật chăng? Có khi mắt như sao băng, lại nói y tỉnh tỉnh chăng? Có khi gọi Nam làm Bắc, lại nói là có tâm hay vô tâm, là đạo nhân hay thường nhân? Nếu nhằm trong ấy thấu được mới biết chỗ rơi, mới biết cổ nhân thế ấy chẳng thế ấy. Hãy nói là thời tiết gì, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Thượng thơ Trần Tháo đến tham vấn Tư Phước. Tư Phước thấy lại, liền vẽ một vòng tròn. Tháo nói: Đệ tử lại thế ấy, sớm đã chẳng được tiện, huống là lại vẽ một vòng tròn. Tư Phước liền đóng cửa phương trượng. (Tuyết Đậu nói: Trần Tháo chỉ đủ một con mắt.)

GIẢI THÍCH: Thượng thơ Trần Tháo cùng Bùi Hưu, Lý Cao là đồng thời. Thấy Tăng đến, ông trước thỉnh thọ trai, kế cúng ba trămtiền, sau khám biện. Một hôm, Vân Môn đến tham kiến nhau, ông hỏi: Sách Nho thì chẳng hỏi, Tam thừa mười hai phần giáo tự có tọa chủ, thế nào là việc hành cước trong nhà thiền? Vân Môn hỏi: Thượng thơ từng hỏi bao nhiêu người rồi? Tháo nói: Chính nay hỏi Thượng tọa. Vân Môn bảo: Chính nay hãy gác lại, thế nào là giáo ý? Tháo nói: Quyển vàng trục đỏ. Vân Môn bảo: Cái này là văn tự ngữ ngôn, thế nào là giáo ý? Tháo nói: Miệng muốn bàn mà lời mất, tâm muốn duyên mà lự quên. Vân Môn bảo: Miệng muốn bàn mà lời mất là đối hữu ngôn, tâm muốn duyên mà lự quên là đối vọng tưởng, thế nào là giáo ý? Tháo câm họng. Vân Môn hỏi: Nghe nói Thượng thơ xem kinh Pháp Hoa phải chăng? Tháo nói: Phải. Vân Môn bảo: Trong kinh nói “tất cả trị sanh sản nghiệp đều cùng thật tướng chẳng trái nhau”, hãy nói Phi phi tưởng thiên hiện nay có bao nhiêu người thối vị? Tháo lại câm họng. Vân Môn bảo: Thượng thơ chớ có thô xuất, Thiền tăngném hết ba kinh năm luận vào tùng lâm mười năm hai mươi năm còn chưa được gì, Thượng thơ lại làm sao được hội? Trần Tháo lễ bái, nói: Tôi tội lỗi.

Laị một hôm, ông cùng quan liêu lên lầu, trông thấy một số Tăng đi đến. Một vị quan nói: Đến đó đều là Thiền tăng. Tháo bảo: Chẳng phải. Vị quan hỏi: Sao biết chẳng phải? Tháo bảo: Đợi đến gần vìông khám phá. Chúng Tăng đến trước lầu, Tháo gọi to: Thượng tọa! ChúngTăng ngước đầu nhìn. Tháo bảo quan liêu: Tôi nói mà chẳng tin. Chỉ có một mình Vân Môn, ông khám phá chẳng được, vì kia đã tham kiến Mục Châu rồi.

Một hôm, ông đến tham kiến Tư Phước. Tư Phước thấy ông lại, liền vẽ một vòng tròn. Tư Phước là tôn túc dưới dòng Qui Ngưỡng, bình thường thích lấy cảnh tiếp người, thấy Trần Tháo liền vẽ một vòngtròn. Đâu ngờ Trần Tháo là hàng tác gia chẳng bị người lừa, khéo tự kiểm điểm nói: “đệ tử đến thế ấy, sớm đã chẳng tiện, đâu kham lại vẽ một vòng tròn”. Tư Phước đóng cửa phương trượng. Loại công án này gọi là “tronglời biện đích, trong câu tàng cơ”. Tuyết Đậu nói: Trần Tháo đủ một conmắt. Tuyết Đậu đáng gọi là có con mắt trên đảnh. Hãy nói ý tại chỗ nào? Cũng khéo cho một vòng tròn. Nếu thảy thế ấy thì nhà Thiền làm sao vì người? Tôi thử hỏi ông, khi ấy nếu các ông là Trần Tháo nên thốt ra những lời gì khỏi bị Tuyết Đậu nói chỉ đủ một con mắt? Vì thế, Tuyết Đậu lật ngược, tụng ra:

TỤNG:

Đoàn đoàn châu nhiễu ngọc san san
Mã tải lư đà thượng thiết thoàn
Phân phó hải sơn vô sự khách
Điếu ngao thời hạ nhất khuyên loan.

DỊCH:

Tròn tròn châu nhiễu ngọc san san
Ngựa chở lừa lôi đến thiết thoàn
Giao gởi núi sông khách vô sự
Câu ngao nên thả một vòng tròn.

Tuyết Đậu lại nói: Thiền tăng khắp xứ khó nhảy khỏi.

GIẢI TỤNG: Hai câu “tròn tròn châu nhiễu ngọc san san, ngựa chở lừa lôi đến thiết thoàn”, Tuyết Đậu ngay đầu tụng ra, chỉ tụng cái tướng vòng tròn. Nếu hội được giống như cọp mọc sừng, cái nàyphải như thùng lủng đáy, bộ máy dừng, được mất phải quấy một lúc buônghết, lại chẳng cần hội đạo lý, cũng chẳng được khởi hội huyền diệu, cứu kính phải làm sao hội? Cái này phải là “ngựa chở lừa lôi đến thiết thoàn”, trong ấy xem mới được. Chỗ khác thì không thể giao gởi, phải đem “giaogởi núi sông khách vô sự”. Nếu ông trong lòng còn đôi chút việc thì thừa đương không được. Trong đây phải là người hữu sự vô sự, nghịch tình thuận cảnh, hoặc Phật hoặc Tổ không làm gì được y, người này mới đáng thừa đương. Nếu có Thiền nên tham, có phàm Thánh tình lượng, quyết định thừa đương nó không được. Thừa đương được rồi làm sao hội? Kia nói “câu ngao nên thả một vòng tròn”, câu ngao phải thả lưỡi câu mới được. Vì thế, Phong Huyệt nói: “Quen câu kình nghê ngâm đồng rộng, lại than ếch nhảytrên cát bùn.” Lại nói: “Ngao to chớ đội ba núi chạy, tôi muốn dạo chơi chót đảnh bồng.” Tuyết Đậu lại nói: Thiền tăng khắp xứ khó nhảy khỏi. Nếu là ngao to trọn không khởi kiến giải Thiền tăng, nếu là Thiền tăngtrọn không khởi kiến giải ngao to.

TẮC 34

NGƯỠNG SƠN CHẲNG TỪNG DẠO NÚI

CÔNG ÁN: Ngưỡng Sơn hỏi Tăng: Vừa rời chỗ nào? Tăng thưa: Lô Sơn. Ngưỡng Sơn hỏi: Từng dạo Ngũ Lão Phong chăng? Tăng thưa: Chẳng từng đến. Ngưỡng Sơn nói: Xà-lê chẳng từng dạo núi. (Vân Môn nói: Lời này vì cớ từ bi nên nói rơi trong cỏ.)

GIẢI THÍCH: Nghiệm người đến chỗ đoan đích, thốt lời liền là tri âm. Cổ nhân nói: không lường Đại nhân nhằm trong ngữ mạch chuyển đi. Nếu là đủ con mắt ở đảnh môn, nhắc đến liền biết chỗ rơi. Xem kia một hỏi một đáp, rõ ràng phân minh, vì sao Vân Môn lại nói lời nàyvì cớ từ bi nên nói rơi trong cỏ? Cổ nhân đến trong ấy như gương sáng tại đài, minh châu trong tay, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán, một con ruồi cũng không qua được. Hãy nói thế nào là cỏ từ bi nên nói trong cỏ? Cũng quả là hiểm hóc. Đến điền địa này phải là một cá nhân mới có thể nắm bắt. Vân Môn niêm rằng: Vị Tăng này chính từ Lô Sơn đến, vì sao laị nói “Xà-lê chẳng từng dạo núi”? Qui Sơn một hôm hỏi Ngưỡng Sơn: Có Tăng các nơi đến, con đem cái gì nghiệm họ? Ngưỡng Sơn thưa: Con có chỗ nghiệm. Qui Sơn bảo: Con thử nêu xem? Ngưỡng Sơn thưa: Con bình thườngthấy Tăng đến chỉ dựng cây phất tử lên, nhằm y nói “các nơi lại có cáinày chăng”, đợi y có nói, chỉ nhằm y bảo “cái này thì gác lại, cái ấy thế nào”. Qui Sơn bảo: Đây là nanh vuốt của người hướng thượng. Há chẳng thấy Mã Tổ hỏi Bá Trượng: Ở chỗ nào đến? Bá Trượng thưa: Dưới núi đến.Mã Tổ hỏi: Trên đường gặp được một người chăng? Bá Trượng thưa: Chẳng từng gặp. Mã Tổ hỏi: Vì sao chẳng từng gặp? Bá Trượng thưa: Nếu gặp được tức trình lên Hòa thượng. Mã Tổ hỏi: Ở đâu được tin tức này? Bá Trượngthưa: Con tội lỗi. Mã Tổ nói: Lại là Lão tăng tội lỗi. Ngưỡng Sơn hỏi Tăng chính giống loại này. Khi ấy đợi hỏi “từng đến Ngũ Lão Phong chăng”, vị Tăng này nếu là người cụ nhãn chỉ đáp “việc họa”, trở lại đáp “chẳng từng đến”. Tăng này đã chẳng phải tác gia, Ngưỡng Sơn sao chẳng cứ lệnh mà hành, khỏi thấy phần sau có nhiều sắn bìm. Ngưỡng Sơn lại nói “Xà-lê chẳng từng dạo núi”. Vì thế Vân Môn nói “lời này vì cớ từ bi nên nói rơi trong cỏ”. Nếu là lời ra khỏi cỏ thì chẳng thế ấy.

TỤNG:

Xuất thảo nhập thảo
Thùy giải tầm thảo
Bạch vân trùng trùng
Hồng nhật cảo cảo
Tả cố vô hà
Hữu hễ dĩ lão
Quân bất kiến Hàn Sơn tử
Hành thái tảo
Thập niên qui bất đắc
Vong khước lại thời đạo.

DỊCH:

Ra cỏ vào cỏ
Ai biết tầm thảo
Mây trắng hàng hàng
Trời hồng rỡ rỡ
Xem trái không tỳ
Liếc phải đã lão
Anh chẳng thấy Hàn Sơn tử
Đi quá sớm
Mười năm về chẳng được
Quên mất đường quay lại.

GIẢI TỤNG: Hai câu “ra cỏ vào cỏ, ai biết tầm thảo”, Tuyết Đậu đã biết chỗ rơi của kia. Đến trong đó một tay đưa lên một tay đè xuống nói “mây trắng hàng hàng, trời hồng rỡ rỡ”, giống như “cỏ xanh xanh, mây xám xám”. Đến trong này không một mảy tơ thuộc phàm, không một mảy tơ thuộc Thánh, khắp cõi chẳng từng giấu, mỗi mỗi che đậy chẳng được. Thế nên nói “cảnh giới vô tâm”, lạnh chẳng nghe lạnh, nóng chẳng nghe nóng, hoàn toàn là cửa đại giải thoát. Hai câu “xem trái không tỳ, liếc phải đã lão”, ý giống câu chuyện Hòa thượng Lại Toản ở ẩn Hành Sơn trong thất đá, vua Đường Túc Tông nghe danh Sư, sai sứ đến triệu thỉnh. Sứ giả đến thất nói to: Thiên tử có chiếu, Tôn giả nên đứng dậy lễ tạ ơn. Sư vói tay vạch trong đống un mò được một củ khoai nướng lột ăn, nước mũichảy lòng thòng, mà không đáp lời sứ. Sứ giả cười nói: Xin khuyên Tôn giả lau nước mũi. Sư nói: Tôi đâu rảnh vì người tục lau nước mũi. Trọnkhông đi, sứ giả trở về tâu Vua, Vua kính phục và tán thán. Giống như loại này, trong veo veo, trắng tinh tinh, không chịu người xử phân, hẳn là nắm được định như sắt thép đúc thành. Đến như Hòa thượng Thiện Đạo bị sa thải, sau chẳng trở lại làm Tăng, người đời gọi là Cư sĩ thất đá, mỗi khi giã gạo chày đạp, Sư quên giở chân. Có vị Tăng hỏi Lâm Tế: Cư sĩ thất đá quên giở chân là ý chỉ thế nào? Lâm Tế đáp: Chìm lịm hầm sâu. Pháp Nhãn làm bài tụng Viên Thành Thật Tánh rằng: “Lý tột quên tình vị, làm sao có dụ bằng. Đến nơi trăng đêm lạnh, hồn nhiên rơi trước khe. Trái chín vượn rất quí, núi dài tợ quên đường. Ngước đầu nắng mờ nhạt,nguyên là ở phuơng Tây.” Tuyết Đậu nói: “Anh chẳng thấy Hàn Sơn tử, điquá sớm, mười năm về chẳng được, quên mất đường quay lại.” Thi Hàn Sơntử: “Muốn được chỗ an thân, Hàn Sơn đáng bền giữ, gió nhẹ thổi tùng dày, gần nghe tiếng càng thích. Có người tóc điểm sương, ngâm nga đọc HuỳnhLão, mười năm về chẳng được, quên mất đường quay lại.” Vĩnh Gia nói: “Tâm là căn pháp là trần, hai thứ ví như vết trên gương, tỳ vết hết rồi sáng mới hiện, tâm pháp đều quên tánh tức chân.” Đến trong đây như si tợ ngốc mới thấy công án này. Nếu chẳng đến điền địa ấy, chỉ ở trong lời nói chạy, có ngày nào được xong.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com