Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

A Tỳ Đàm trong truyền thống Hữu Bộ (sách)

08/04/201315:57(Xem: 12283)
A Tỳ Đàm trong truyền thống Hữu Bộ (sách)

Buddha_7
A TỲ ĐÀM TRONG TRUYỀN THỐNG HỮU BỘ

JINTARO TAKAKUSU
Tỳ kheo Giác Nguyên
dịch Việt


---o0o---

Lời vào sách ^

Hữu Bộ là một trường phái Phật Giáo quan trọng. Nếu không kể Thượng Toạ Bộ (Theravada, Sthaviravada) thì Hữu Bộ là bộ phái Phật Giáo duy nhất có được một hệ thống giáo lý gần như nguyên thuỷ, căn bản và đồ sộ nhất mà nay vẫn còn giữ lại được phần lớn.

Cũng như trường hợp của Thượng Toạ Bộ, A Tỳ Đàm Tạng của Hữu Bộ được xem là một đề tài bàn cải lớn giữa các nhà học Phật xưa nay.

Nếu từng có duyên học hỏi A Tỳ Đàm của Thượng Toạ Bộ, chúng ta không thể không quan tâm tới vấn đề A Tỳ Đàm của Hữu Bộ. Bởi rõ ràng chỉ có Thượng Toạ Bộ và Hữu Bộ mới có đủ ba Tạng và dù mỗi Tạng có một giá trị riêng, không thể đem Tạng nào so sánh Tạng nào, nhưng nếu học Phật mà không để mắt tới A Tỳ Đàm Tạng thì chẳng thể nào dung thông được cái gọi là Pháp Nhũ Phật Thân. Khoan nói tới các khái niệm Đại, Tiểu, Đốn, Tiệm hay Thiền, Mật, Luật, Tịnh hoặc Tánh, Tướng, Thức, Không... Nếu đã mơ hồ yếu lý Tỳ Đàm (dù của Thượng Toạ Bộ hay Hữu Bộ) thì có đọc tụng suốt đời cũng khó mà hiểu được các kinh luận còn lại. Những Pháp Hoa, Lăng Già, Hoa Nghiêm, Duy Ma, Bát Nhã,... của hệ Phật Giáo Bắc truyền cũng đã chứng minh điều đó.

Thực ra bài biên khảo này chỉ là một thư tịch không hơn không kém. Người đọc chỉ có thể sử dụng như một chút gợi ý khi bước vào kho tàng kinh văn Phật Giáo mà thôi.

Ngoài một phần lớn các từ Hán Việt được phiên thiết trực tiếp từ các chữ Hán nguyên thủy trong bản Anh văn, còn có một phần nhỏ các chữ phiên âm theo giọng Bắc Bình không chú chữ Hán bên cạnh nên chúng tôi phải truy theo các tài liệu để chuyển sang Hán Việt.

Bản dịch dù gì cũng không thể toàn hảo, rất mong được chỉ dẫn và xin chân thành tri ân.

Houston, tuần lễ cuối cùng của thế kỷ 20.
Người dịch.

-ooOoo-

Sách tham khảo lúc dịch

1. Nguyên Thủy PG Tư Tưởng Luận by Kimura Taiken
2. Tiểu Thừa PG Tư Tưởng Luận by Kimura Taiken
(1. & 2. Bản dịch của HT Thích Quảng Độ, PHVQT ở California tái bản 1989)
3. Tự Điển Hán Việt - Thiều Chửu, tái bản tại Hoa Kỳ (không ghi năm tái bản)
4. Tự Điển Hán Việt - Trần Trọng San, Trần Trọng Tuyên (Bắc Đẩu - Canada 1997)
5. Tự Điển Hán Việt thông dụng - Tăng Hỷ Lạc Thiện (Saigon 1972)
6. Giúp đọc Nôm và Hán Việt - Anthony Trần văn Kiệm (Zieleks Company - USA - 1997)
7. Từ Điển Hán Việt - Ban Tu Thư Nghĩa Thục (VHTT - Hà Nội 1999)
8.Từ Điển Phật học Hán Việt - Phân viện NCPH (NXBKHXH - Hà Nội 1998)
9. Trung Hoa Sử Cương - Đào Duy Anh (Xuân Thu - Hoa Kỳ)
10. Tân Đại Tự Điển Anh Việt - Nguyễn văn Khôn (Tân Văn - Nhật Bản)
11. Buddhist Hybrid Sanskrit grammar and dictionary by F. Edgerton (Rinsen Book Co. Japan 1953)
12. History of Indian Buddhism... - Hirakawa Akira (University of Hawaii Press 1990)

-ooOoo-

A TỲ ĐÀM TRONG TRUYỀN THỐNG HỮU BỘ
JINTARO TAKAKUSU ^

Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ là một trong những bộ phái Phật Giáo xưa nhất (gồm ít nhất 18). Con số liệt kê này được đưa ra sớm lắm là cũng thế kỷ thứ tư Tây Lịch, theo như chúng ta đã căn cứ vào tập Dipavamsa. Giáo sư Rhys Davids trong Journal of the Royal Asiatic Society 1891 lại cho là sớm hơn thế và còn kết luận rằng vào thời A Dục chỉ có 7 bộ phái Phật Giáo mà trong số đó chỉ có khoảng một vài bộ phái thật sự hưng thịnh. Nói sao thì nói, con số 18 bộ phái vẫn cứ được Ngài Buddhaghosa (thế kỷ thứ năm) và sau đó là bộ Mahavamsa nhắc tới. Sau đây là một số tài liệu tham khảo:

1. Vua Valabhi-Guhasena (năm 559 Tây Lịch) trong lễ hiến cúng tịnh xá do công chúa Dudda kiến tạo có nhắc tới 18 bộ phái Phật Giáo. Điều này cũng trùng hợp với một ghi chép của Ngài Huyền Tráng về tình trạng hùng mạnh của các bộ phái "Tiểu Thừa" tại Valabhi.

2. Paramartha (499-569 Tây Lịch) từng nói rõ rằng Mã Minh (Asvaghosa) và Thiên Thân (Vasubandhu) đều là những vị bác lãm giáo lý 18 bộ phái Phật Giáo.

3. Tập Astadasanikaya, còn gọi là Samayabhedo-paracanacakra, được dịch (từ 557-662 Tây Lịch) và một tài liệu Tây Tạng tương đương (của Dharmakara) thì con số 18 đã được mặc nhiên chấp nhận như một cách tính nghiêm túc. Theo các tài liệu Trung Hoa thì tập Astadasanikaya trên đây còn nói rõ một chuyện khác là Thượng Toạ Bộ cùng Đại Chúng Bộ đã thoát thai hình thành từ 18 bộ phái kia nên nếu kể đủ thì có tới 20 bộ phái Phật Giáo!

4. Ngài Huyền Tráng (629-645 Tây Lịch) có nhắc tới con số 18 bộ phái dù thực ra Ngài chỉ có thể liệt kê được 7!

5. Ngài Nghĩa Tịnh (671-695 Tây Lịch) đã phân 18 bộ phái Phật Giáo thành 4 nhóm dưới ảnh hưởng của các bộ phái chủ lực: Mahasanghika, Sthavira, Sarvastivada và Sammitiya. Đồng thời còn ghi rõ địa bàn hoằng đạo của từng bộ phái.

Trong số 18 bộ phái, Hữu Bộ cứ là một vấn đề đặc biệt thú vị, thú vị ngay từ tên gọi và theo như những gì ta còn biết được hôm nay thì có lẽ tên gọi Hữu Bộ đã có từ thời Đức Phật và bộ phái này xem ra vốn đã có nhiều điểm mật thiết quan trọng với nguồn gốc của mình là Thượng Toạ Bộ ngay từ trước kỳ kiết tập thời vua A Dục mà theo các tài liệu Tây Tạng và Trung Hoa thì phải nói chính xác là bộ phái Tuyết Sơn, một nhánh nhỏ của Thượng Toạ Bộ. Hữu Bộ còn có một tên gọi khác là Nhân Thuyết Bộ (Hetuvada) cũng nhằm mục đích đối kháng nguồn gốc cũ.

Hữu Bộ phát triển mạnh ở Kashmir và tự hình thành một hệ thống giáo nghĩa tươm tất chặt chẽ vẫn được gọi là dòng Vebhasika-Luận Đại Tỳ Bà Sa (chú giải Luận Phát Trí của Ca Chiên Diên Tử) được biên soạn sau kỳ kiết tập của Phật Giáo Bắc Truyền dưới thời vua Kaniska đã tạo ra danh xưng Tỳ Bà Sư (Vaibhasika) cho các nhà Hữu Bộ, những người vẫn lấy Tỳ Bà Sa Luận làm bảo bối (Vibhasa - Vaibhasika). Kashmir đối với Hữu Bộ cũng hệt như Tích Lan đối với Thượng Toạ Bộ.

Luận Tỳ Bà Sa đã thất truyền nguyên tác nhưng dựa vào những gì còn sót lại hoặc phần khôi phục được, ta vẫn có thể tìm thấy những điểm đồng của nó ở các tập Atthakatha hệ Pali (theo một vài nhà thì Atthakatha có niên đại khoảng thế kỷ thứ năm). Có thể nói Hữu Bộ đã tự xác định mình qua Luận Tỳ Bà Sa, một bộ luận mà đến cả Thiên Thân cũng đã dày công tham cứu và từng mạnh dạn gọi là cẩm nang của những nhà tư tưởng. Theo Paramartha (499-569), vào thế kỷ thứ năm, Phật Giáo và Sớ Luận đã từng có một cuộc tranh luận quy mô mà vấn đề được đem ra bàn cãi chính là Luận Tỳ Bà Sa. Chúng ta còn biết thêm rằng Sankaracarya (thế kỷ thứ tám) có nhắc tới các nhà Hữu Bộ và Madhvacarya (thế kỷ 14) còn kể dòng Vaibhasika như một trong 4 bộ phái Phật Giáo mà ông được biết. Vậy ít nhất chúng ta vẫn còn có thể theo dấu Hữu Bộ tại Ấn Độ cho đến thế kỷ 14.

Cơ sở truyền bá của Hữu Bộ có thể nói là lớn rộng nhất trong số các bộ phái mà hôm nay ta còn có đủ tài liệu kê cứu được. Ngài Pháp Hiển (399-414) kể rằng trong thời Ngài, Hữu Bộ phát triển mạnh ở cả Pataliputra lẫn Trung Hoa. Ngài Huyền Tráng còn ghi rõ là Hữu Bộ hùng cứ Kasgar, Udyana cùng vài khu vực ở biên giới Bắc Ấn, Matipura, Kanoj và vùng lân cận Rajagrha, kể cả Ba Tư.

Nghĩa Tịnh (671-695) còn cặn kẽ hơn cả Huyền Tráng, Ngài kể rành rọt từng địa bàn xương thịnh của Hữu Bộ: Magadha (trung tâm điểm phát triển), Lata (Gujarat), Sindhu, Nam Ấn, Đông Ấn (chia sẻ với các bộ phái Phật Giáo khác), Sumatra, Java, Champa (Lâm Ấp ở Việt Nam), một số tỉnh ở Trung Hoa (miền Đông, Tây, Nam) và Trung Á (đặc biệt các nhánh nhỏ của Hữu Bộ đều rất phát triển ở khu vực này). Hữu Bộ lớn mạnh chính vì sở hữu một kho tàng kinh điển đồ sộ, một bộ Tam Tạng chứa tới 300.000 thính tiết (Sloka). Đó là theo ý Nghĩa Tịnh. Và dù điều này có đúng hay không, nhìn vào đại tạng Hán văn ta sẽ thấy ngay rằng Hữu Bộ đã có riêng một Luật Tạng và Tỳ Đàm Tạng. Bài viết này chính là để bàn về Tỳ Đàm Tạng của Hữu Bộ.

Có điều là trước hết chúng ta có lẽ nên làm sáng tỏ tên gọi Hữu Bộ. Hy vọng khi giải mã được danh xưng này nhiều vấn đề tồn nghi cũng sẽ được giải quyết.

THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ ^

Tên gọi cũ của Hữu Bộ theo Trung Hoa thế kỷ thứ tư trở đi là Tát Bà Đa. Tên gọi này phỏng theo chữ chú âm của các vị Pháp Hiển, Chân Đế, Huyền Tráng và cả Nghĩa Tịnh. Chữ Tát Bà Đa được giả định là hình thức ký âm của một chữ gốc không hẳn là Sanskrit. Nhưng suy cho cùng, ta chỉ có thể gượng theo Watters (trong một cuốn sách về Huyền Tráng) để tạm cho chữ gốc đó là Sarvata. Mà rõ ràng là chưa bao giờ có một chứng cứ nào về tên gọi đó cả. Trước mắt, ta chỉ có thể áng chừng Tát Bà Đa là phiên âm của chữ Sabbatthi bên Pali hoặc một phương ngữ nào đó tương đương. Bởi rõ ràng chữ Tát Bà Đa nếu được xem là hình thức phiên thiết của Sarvasti thì quả là không ổn. Còn việc Huyền Tráng, Nghĩa Tịnh có dùng chữ Tát Bà Đa, dù đó là chữ ký âm không chính xác, thì cũng không có gì lạ. Bởi có thể các vị làm vậy chỉ vì muốn có chút tôn trọng đối với lớp dịch giả đời trước đã sử dụng lối phiên âm đó mà thôi.

Về chữ gốc Sarvastivada, hai vị Huyền Tráng - Nghĩa Tịnh đã dịch là Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Trường phái Phật Giáo chủ trương mọi thứ đều có thật). Riêng Nghĩa Tịnh còn muốn tạo ra một tên gọi kiêu kỳ hơn bằng cách phiên âm trực tiếp chữ Sanskrit thành A-Ly-Da-Mộ-La-Tát-Bà-A-Tư-Để-Bà... Ni Già Da (Thánh căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ) - Aryamula-sarvastivadanikaya.

Chữ phiên âm của Nghĩa Tịnh tuyệt không còn chỗ phàn nàn để từ đó ta có thể xác định rằng Hữu Bộ chính là bộ phái đứng đầu bộ phái Phật Giáo mà Sankara đã nhắc tới trong tập chú giải của ông về Vedantasutra của Badarayana. Kể theo thứ tự của Sankara là Sarvastivavadina (còn gọi Vaibhasika), Vijnanastitvavadina - Duy Thức Tông (hay còn gọi Yogacara - Du Già Tông), Sarvasunyatvavadina - Không Tông (còn gọi Madhyamika - Trung Quán Tông). Cả tập Bhamati của Vacaspatimisra cũng có nhắc tới duyên do của tên gọi Hữu Bộ. Và ở cả hai tài liệu trên đây, hai cách gọi Sarvastivadina cùng Sarvastivada được coi như một. Bộ Mahavyutpatti cũng đồng quan điểm Nghĩa Tịnh khi giải thích tên gọi Hữu Bộ và xác định rằng Aryamulasarvastivada là Hữu Bộ chánh tông, còn Mulasarvastivada chỉ là một chi phái Hữu Bộ.

Vậy là chúng ta đã có thể tạm yên lòng với tên gọi Sanskrit của Hữu Bộ. Vấn đề tiếp theo là 7 tập A Tỳ Đàm của Hữu Bộ.

Hữu Bộ cũng có 7 bộ A Tỳ Đàm như Thượng Toạ Bộ và điều hết sức đặc biệt là tên sách của đôi bên cũng có những trùng hợp. Đây là cả một vấn đề cho chúng ta mất thời giờ nghiên cứu. Dù trong chuyên san J.R.A.S. tháng 01 năm 1905 tôi đã góp ý rằng tạng A Tỳ Đàm của hai bộ phái này không hề có quan hệ nhau. Bởi đối với các nhà Hữu Bộ, tạng A Tỳ Đàm chỉ tập trung vào một bộ căn bản, các bộ còn lại được xem như phần bổ sung. Trong khi đó bên Thượng Toạ Bộ không phải vậy, gần như không bộ phận nào trong tạng A Tỳ Đàm của họ là chính hay phụ.

Bộ A Tỳ Đàm căn bản của Hữu Bộ chính là Luận Phát Trí(Jnanaprasthana)do Katyayaniputra biên soạn, 6 tập A Tỳ Đàm còn lại được gọi là Túc Luận, bổ sung cho Thân Luận Phát Trí mà thôi. Mối quan hệ này cũng giống như 6 Vedanga đối với ba bộ Veda vậy.

Ở bản liệt kê nhan đề từng tập A Tỳ Đàm của Hữu Bộ sau đây, trước hết tôi muốn nhân đó xác định chúng thuộc giáo nghĩa "Tiểu Thừa" và đồng thời cũng muốn làm cái chuyện công bằng đối với các dịch giả Trung Hoa, Tây Tạng đã ra công khôi phục tên sách bằng chữ Sanskrit một cách chính xác. Nhiều học giả đã không tin tưởng họ, do đó tôi nghĩ những giải thích sau đây là rất cần thiết:

A- Thông báo sớm nhất về sự tồn tại và nhan đề của 7 tập A Tỳ Đàm Hữu Bộ chính là từ một bản dịch Pháp Văn của Burnouf về bộ Abhidharmakosavakhya của Yasomitsa được ông ghép trong cuốn Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ. Được biết ông M. Sylvain Levi đang có công trình nghiên cứu bộ sách trên đây, tôi đã đến nhờ cậy và được ông cung cấp cho toàn bộ tác phẩm của Yasomitra. Thế rồi từ tài liệu cơ sở này, tôi đã khôi phục lại nhan đề của bẩy tập A Tỳ Đàm Hữu Bộ. Trong chú giải Câu Xá, Karika III, Yasomitra đã ghi rõ:

-"Jnanaprasthanasya Aryakatyayaniputrah Karta Prakaranapadasya sthaviravasumitrah vijnanakayasya sthaviradevasarma dharmaskandhasya Aryasariputrah prajnaptisastrasya aryamaudgalyayanah dhatukayasya purnah sangitiparyayasya maha kausthilah"

Thế đã rõ, nhan đề của từng tập A Tỳ Đàm là gì, tác giả là những ai, thuộc bộ phái PG nào, ta không còn chi bàn cải nữa. Về chuyện nội dung chính, phụ của 7 tập A Tỳ Đàm Hữu Bộ, tôi sẽ nói tới ở phần sau.

B- Trở lại với các dịch giả Tây Tạng, chúng ta có thể tìm đọc trong bộ Phật Giáo Sử của Taranatha để xác định sự tồn tại của 7 tập A Tỳ Đàm Hữu Bộ. Wassilief còn thêm vào bản ghi chú của ông những nhan đề Sanskrit lấy từ một công trình của Buston, một đại dịch giả Tây Tạng đầu thế kỷ 14. Tiến sĩ Fedor H. Stcherbatskoi ở S. Petersburg đã giúp tôi nhiều tài liệu của Buston bằng Anh văn nhờ ông đang đứng lo ấn hành các công trình của dịch giả này. Có thể nói đây là một thư mục do tôi độïc quyền có được bởi vì cả Taranatha và các dịch giả Tây Tạng khác đều không để lại nhan đề Tạng Ngữ của 7 tập A Tỳ Đàm Hữu Bộ.

C- Tiếp đến là các tài liệu Trung Hoa, những cơ sở đã từng nhắc tới 7 tập A Tỳ Đàm Hữu Bộ. Sớm nhất trong số đó có lẽ là cuốn 28 trong bản dịch Hán Văn Phát Trí Luận. Qua đó, Bát Kiến Độ (Astagrantha) tức Phát Trí Luận được xác định là Thân Luận và 6 tập A Tỳ Đàm còn lại là Túc Luận. Tổng cộng cả 7 tập chứa tới một triệu chữ. Tài liệu thứ hai là tập chú giải của Long Thọ về bộ Ma Ha Bát Nhã (Đại Trí Độ Luận - được dịch từ 402-405 Tây Lịch). Trong đó, Long Thọ có nhắc tới một tên sách Bát Kiền Độ A Tỳ Đàm song song với cái gọi là Lục Phân A Tỳ Đàm. Qua nhiều chứng cứ, ta có thể tin chắc rằng Bát Kiền Độ A Tỳ Đàm mà Long Thọ nói tới kia chính là Phát Trí Luận của Ca Chiên Diên Tử. Và tuy Long Thọ không nói rõ lắm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể suy luận rằng cái gọi là Lục Phân A Tỳ Đàm kia không gì khác hơn là 6 tập A Tỳ Đàm còn lại. Tới đây thì có lẽ ta phải quay lại các tài liệu của Huyền Trang, người đã dịch gần hết 7 tập A Tỳ Đàm Hữu Bộ. Trong tập Phật Quốc Ký, Huyền Tráng không hề xem 7 tập A Tỳ Đàm Hữu Bộ là Luận Tạng hay một bộ phận văn học A Tỳ Đàm. Qua nội dung chung của tập hồi ký này ta thấy ông chỉ coi chúng như những tác phẩm nổi tiếng. Về sau, hai đệ tử của Huyền Tráng là Phổ Quang và Khuy Cơ đều có nhắc tới 7 tập A Tỳ Đàm Hữu Bộ (Phổ Quang trong tập chú thích Câu Xá và Khuy Cơ thì trong bìa sách bản dịch Hán Văn Dhatukaya). Tôi không muốn nói thêm là hai vị này đã tiếp thu điều đó từ sư phụ của mình hay Ngài Huyền Tráng đã học hỏi như vậy từ Nalanda hoặc tự mình nghiên cứu ở Yasomitra chẳng hạn. Bởi có đọc chú giải của Yasomitr a về Câu Xá thì không còn gì để nói nữa. Điều nên ghi nhận thêm là thứ tự các tập A Tỳ Đàm kể theo các tài liệu Hán văn, Sanskrit và Tây Tạng đều không thống nhất nhau.

Một tài liệu quan trọng khác mà ta không thể bỏ qua đó là Đại Tỳ Bà Sa, bộ chú giải của Phát Trí Luận mà cũng là công trình dẫn đạo cho Câu Xá Luận sau này. Luận Tỳ Bà Sa đã xác định rất rõ ngôi thứ chánh phụ giữa 7 tập A Tỳ Đàm Hữu Bộ. Như vậy rõ ràng 7 tập A Tỳ Đàm Hữu Bộ đã ra đời trước cả Tỳ Bà Sa, một công trình của cả 500 hiền giả, vào khoảng 400-500 năm sau ngày Phật tịch. Nhan đề của 7 tập A Tỳ Đàm đã được dịch sang chữ Hán đầy đủ trong bản dịch Tỳ Bà Sa Hán văn (xem biểu đồ). Các nhan đề phiên âm thì trích từ Chí Nguyên Pháp Bảo Khám Đồng Tổng Lục (hay gọi tắt là Chí Nguyên Lục) biên soạn từ 1264-1294. Đây là một công trình đối chiếu kinh điển Hán văn và kinh điển Kanjur của Tạng văn được thực hiện dưới chiếu lệnh của Hốt Tất Liệt để thẩm định lại 1440 bộ kinh của đôi bên. Công việc đòi hỏi đến sự hợp tác của 28 nhà học giả chuyên môn đến từ các quốc gia như Tây Tạng, Ấn Độ, Turfan, Wuigur, Mông Cổ và cả Trung Hoa. Mỗi bộ kinh Hán văn được đem so sánh với một bộ kinh Tây Tạng tương đương. Những trường hợp không tương đồng đều được ghi lại cẩn thận. Mọi trục trặc đều được đem ra bàn thảo. Chẳng hạn các tựa đề Hán Ngữ đã được hội đồng soạn giả khôi phục lại nguyên dạng Sanskrit. Dù có thể không tuyệt đối chính xác nhưng ít gì cũng đưa ra được một hệ thống ký âm khả dĩ dùng được. Gần như họ đã tận dụng triệt để khả năng Ngữ âm tiếng Hán đương thời để làm chuyện đó.

Cuối cùng thì công trình đó cũng đã hoàn tất để hôm nay các nhà học giả như Stanslas Julien và Bunyiu Nanjio mới có được tài liệu cho việc khôi phục các từ ngữ Sanskrit còn dấu kín trong các dạng phiên âm. Tôi đã từng gọi, ở đâu đó, tập danh mục này là Danh mục Hán-Tạng (Tibeto-Chinese Cataloque).

Như vậy chỉ từ việc đi tìm lại tên gọi chính xác bằng chữ Sanskrit cho các tập A Tỳ Đàm, chúng ta lại có cơ hội xác định điểm đồng nhất giữa kinh điển Sanskrit với kinh điển Hán văn. Bởi nói chính xác thì trong Chí Nguyên Lục có xác định 7 tập A Tỳ Đàm Hữu Bộ có tương ứng với nhiều bộ kinh Tây Tạng dù không hề kể những bộ kinh đó là thuộc tạng Kanjur hay tạng Tanjur.

Viện dẫn đủ mọi nguồn tài liệu minh chứng, chúng ta lúc này có thể công tâm kết luận chủ quyền của Hữu Bộ đối với 7 tập A Tỳ Đàm trong nội dung một Thân Luận và sáu Túc Luận. Chúng ta cũng xác định cả sức ảnh hưởng hùng hậu của chúng từ Kashmir ngày xưa đến tận Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản và Ấn Độ suốt mấy chục thế kỷ nay.

Trong phần nghiên cứu sau đây, chúng ta sẽ nương theo các nguồn tài liệu của Trung Hoa và Nhật Bản.


---o0o---

Source : BuddhaSasana Home Page

---o0o---

Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567