Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần [02]

17/04/201313:05(Xem: 6635)
Phần [02]

A TỲ ÐÀM TRONG TRUYỀN THỐNG HỮU BỘ

JINTARO TAKAKUSU
Tỳ kheo Giác Nguyên
dịch Việt


---o0o---

[02]

TÚC LUẬN SANGITIPARYAYA

Tác giả: MahaKausthila (theo Yasomitsa và Bu-ston); Sariputra (theo các tài liệu Trung Hoa)

Là tập Túc Luận thứ nhất trong 6 tập Túc Luận. Luận này có cách trình bày nội dung giống hệt tập Puggalapannatti của tạng A Tỳ Ðàm Pali. Phương pháp được dùng ở đây cũng giống Anguttaranikaya bên Pali. Nghĩa là các vấn đề giáo lý được xếp nhóm theo số lượng pháp môn, từ ít đến nhiều. Ðồng thời có lẽ đây chính là hình thức mô phỏng Kinh Phúng Tụng (Sangitisutta) của Dighanikaya - Pali nên được gọi là Luận Sangitiparyaya.

Về tác giả tạo luận thì Yasomitsa và Bu-ston đều bảo là Mahakausthila, nhưng các tài liệu Hán văn thì cho rằng tác giả luận này là ngài Sariputra. Hai ngài Mahakausthila và Sariputra đều là những cao đồ của đức Phật. Bất luận Sangitiparyaya có đúng là tác phẩm của một trong hai vị hay không thì tập Túc Luận này vẫn cứ là một cổ thư có tầm vóc. Trong 7 tập A Tỳ Ðàm Hữu Bộ, ngoại trừ tập Dharmaskandha mà luận này thường trích dẫn, đối với các tập luận còn lại hoàn toàn không có chứng minh nào là đã có trước Sangitiparyaya. Một tài liệu ngoại sử về Sangitiparyaya có kể lại rằng ngài Xá Lợi Phất (Sariputra) vì có chút âu lo từ sự cố chư Tăng ở Pava 1nên quyết định hợp sức các bạn đồng tu thực hiện một công trình trùng thuật Phật ngôn nhằm mục đích ngăn chận những bất hòa về giáo lý có thể xảy ra trong tương lai khi đức Phật không còn nữa.

Duyên sự trên đây được nhắc lại một cách ngắn gọn vào phần đầu của mỗi chương. Và ở cuối Luận Sangitiparyaya đức Phật đã ngợi khen ngài Sariputsa khéo kiết tập lời Phật để dạy chúng Tăng. Phật còn dạy chúng Tăng học hỏi kỹ lưỡng tập Luận Sangitiparyaya của ngài Sariputra !

Rất có thể ngài Mahakausthila 2 đã biên soạn bộ luận này sau kỳ kiết tập thứ nhì tại Vesali nhằm giải quyết lỗi lầm của nhóm Tỳ Kheo Vajji nhưng sau đó ngài Mahakausthila đã gán tên ngài Xá Lợi Phất vào tác phẩm vì trong đó ngài Xá Lợi Phất đóng vai trò một người nói chuyện.

A TỲ ÐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC LUẬN

Tổng lượng: 12 phẩm, 20 chương, 326 trang
Tác giả: Sariputra
Dịch giả bản Hán: Huyền Tráng (660-663)

NỘI DUNG

1. Phẩm Duyên Khởi

Trước hết là phần dẫn nhập kể về nhũng sự kiện khiến ngài Xá Lợi Phất tạo luận để sưu tập Phật ngôn như cuộc tranh cãi của chư Tăng ở Pava chẳng hạn. Bắt đầu mỗi phẩm, ngài Xá Lợi Phất luôn nói: "Chúng ta hãy đoàn kết nhau để kiết tập Pháp Luật ngay khi bậc Ðạo sư còn trụ thế nhằm tránh những bất đồng về giáo lý khi ngài không còn nữa. Chư hiền giả huynh đệ hãy sống theo lý tưởng Phạm hạnh để Pháp Luật có thể lưu truyền đến mai hậu, đem lại phúc lạc cho chúng sinh".

2. Phẩm Nhất Pháp

Tất cả chúng sinh sống nhờ vật thực,...

3. Phẩm Nhị Pháp

Danh Pháp và Sắc Pháp; Phép nhập định và xuất định. Ngài Huyền Tráng thêm ở cuối phẩm rằng: Phẩm này là quan điểm riêng của Hữu Bộ.

4. Phẩm Tam Pháp

Ba Bất thiện căn, 3 Thiện căn, 3 Chánh tư duy, 3 Tà tư duy, 3 ác hành, 3 giới (dhatu), 3 hạng người (pudgala), 3 hạng trưởng thượng (kể theo tuổi, theo quy ước xã hội và theo tinh thần Chánh Pháp)...

Pháp Uẩn Luận được nhắc tới ở chương 3. Cuối các chương 3, 4, 5 có ghi rõ là của riêng Hữu Bộ.

5. Phẩm Tứ Pháp

Bốn Thánh đế, 4 Sa Môn quả, 4 hạng người, 4 thuyết ngữ, 4 Chánh Cần, 4 Vô Lượng Tâm, 4 Niệm Xứ và 14 bộ tứ khác.

Pháp Uẩn Luận được nhắc tới ở phẩm 7. Cuối các phẩm từ 6-10 đều được Ngài Huyền Tráng ghi chú là của riêng Hữu Bộ.

6. Phẩm Ngũ Pháp

Năm uẩn, năm thủ uẩn, năm pháp bỏn xẻn, Ngũ Lực, Ngũ Quyền, năm Tịnh Cư Thiên, Ngũ Thú, Năm Triền và 16 bộ ngũ khác.

Cuối các phẩm từ 11-14 được ghi là của riêng Hữu Bộ.

7. Phẩm Lục Pháp

6 Thức thân, 6 xúc thân, 6 tưởng thân, 6 thọ thân, 6 giới, 6 thông, 6 pháp vô thượng, và 13 bộ lục khác.

Pháp Uẩn Luận được nhắc tới ở phẩm 15. Cuối phẩm thứ 15 có ghi là của riêng Hữu Bộ.

8. Phẩm Thất Pháp

7 Giác chi, 7 hạng người, 7 Tiềm miên, 7 Thánh sản, 7 pháp Diệt Tránh và 8 bộ thất khác.

Cuối hai phẩm 16, 17 có ghi là của riêng Hữu Bộ.

9. Phẩm Bát Pháp

Tám thánh đạo, 8 hạng người, 8 phép thí, bát giải thoát, 8 thắng xứ, 8 thế gian pháp và 4 bộ bát khác.

10. Phẩm Cửu Pháp

9 Hữu tịnh cư, 9 Triền pháp.

11. Phẩm Thập Pháp

10 án xứ hoàn tịnh, 10 pháp vô học. Cuối phẩm 19 được ghi là của riêng Hữu Bộ.

12. Phẩm Khuyến Thị

Tới đây thì đức Phật lên tiếng tán dương ngài Xá Lợi Phất, xác định nội dung tập luận này chính là lời Phật và khuyên chư Tăng nên theo đó thọ trì và hoằng dương. Cuối phẩm 20 có ghi là chương này của riêng Hữu Bộ.

-ooOoo-

PRAKARANAPADA (ÐỆ NHỊ TÚC LUẬN)

Theo các tài liệu Trung Hoa thì đây là tập Túc Luận thứ hai trong 6 Túc Luận. Có tới hai bản dịch Hán văn cho tập Túc Luận này và đều được dịch từ cùng một nguyên tác. Ngài Huyền Tráng ghi rằng tập Túc Luận này đã được ngài Vasumitra biên soạn tại một tu viện ở Puskaravati (Peukelautis). Ðiều này chứng tỏ rằng tập Túc Luận vốn đã nổi tiếng trong giới học Phật từ thời các nhà du tăng Trung Hoa. Nhan đề nguyên thủy của tập luận phải là Abhidharmaprakarana nhưng từ lúc bị xếp vào vị trí Túc Luận thì tên gọi trên đổi thành Prakaranapada. Chữ Prakarana qua các tài liệu Trung Hoa có nghĩa là "Loại, Thứ".

Sau đây là những dị biệt giữa hai bản dịch được nêu ra đây để chúng ta so sánh. Trước hết là về tên gọi, tác giả và dịch giả của hai bản Hán văn mà chúng ta sẽ tạm gọi là bản A và bản B.

- Ở bản A nhan đề bản dịch là CHÚNG SỰ PHÂN A TỲ ÐÀM LUẬN, được giả định là từ tên gốc Abhidharmasastraprakarana, tổng lượng có 8 phẩm, 12 chương, 229 trang - Tác giả là Thế Hữu (sanh sau ngày Phật tịch khoảng 300 năm), dịch giả là Câu Na Bạt Ðà La (Gunabhadra) và Bồ Ðề Da Xá (Bodhiyasa) từ Trung Ấn (435-443).

- Ở bản B, nhan đề tập luận là A TỲ ÐẠT MA PHẨM LOẠI TÚC LUẬN, được giả định là từ tên gốc Abhidharmaprakaranapadasastsa, tổng lượng có 8 phẩm, 18 chương, 294 trang - Tác giả là Thế Hữu (Vasumitra), dịch giả là Huyền Tráng (659 Tây Lịch).

1. Phẩm Phân Biệt Ngũ Pháp (Ngài Huyền Tráng dịch Phẩm Biện Ngũ Sự)

Bàn về Sắc, Tâm, tâm sở, tâm bất tương ưng hành, vô vi pháp.

Ðầu bản dịch A, Gunabhadra có ghi rằng ông đã cùng Bồ Ðề Da Xá phiên dịch luận này từ một nguyên tác Hồ văn. Hồ văn đây không rõ là kinh điển của Ấn Ðộ hay là luận được viết bằng một phương ngữ nào đó ở vùng Trung Á mà người Trung Quốc xưa vẫn gọi chung là người Hồ, để chỉ những người từ phía Tây lại như Ấn Ðộ cùng các xứ Tây vực.

2. Phẩm Phân Biệt Trí (Ngài Huyền Tráng dịch là Phẩm Biện Chư Trí)

Bàn về mười loại trí: Pháp trí, Loại trí (Anvayajnana), Tha Tâm trí, Thế Tục trí (Samvrtijnana), Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Ðạo trí, Tận trí, Vô sinh trí.

Ngài Huyền Tráng thêm rằng phẩm này là của riêng Hữu Bộ.

3. Phẩm Phân Biệt Chư Nhập (Ngài H. Tráng dịch là Phẩm Biện Chư Xứ)

Bàn về 12 nội ngoại xứ.

4. Phẩm Phân Biệt Thất Sự (Ngài H. Tráng dịch là Phẩm Biện Thất Sự)

Bàn về 7 vấn đề lớn của giáo lý A Tỳ Ðàm: 18 giới, 12 xứ, 5 uẩn, 10 đại địa pháp, 10 thiện đại địa pháp, 10 phiền não đại địa, 10 tuỳ phiền não. Song song theo đó là 6 giới, 5 xúc, 5 phiền não, 5 kiến, 5 quyền, 5 pháp, 6 thức thân, 6 xúc thân, 6 thọ thân, 6 tưởng thân, 6 tư thân, 6 ái thân và 5 thủ uẩn.

Ngài Huyền Tráng bảo phẩm này là của riêng Hữu Bộ.

5. Phẩm Phân Biệt Chư Sử (Ngài H. Tráng dịch là Phẩm Biện Tuỳ Miên)

Bàn về 98 Tuỳ Miên: 36 của Dục giới, 31 của Sắc giới và 31 của Vô Sắc giới. Ngài Huyền Tráng bảo phẩm này là của riêng Hữu Bộ.

6. Phẩm Phân Biệt Nhiếp (Ngài H. Tráng dịch là Phẩm Biện Nhiếp Ðẳng)

Bàn về các pháp Ứng tri (Neyyadhamma), các pháp Vô lậu, các pháp Sở Thức, Sở Thông Ðạt. Ngài Huyền Tráng bảo phẩm này là của riêng Hữu Bộ.

7. Phẩm Thiên Vấn Luận (Ngài H. Tráng dịch là Phẩm Biện Thiên Vấn)

Bàn về các điều học, Sa Môn quả, hạnh tri túc của bậc Thánh, 4 chánh cần, 4 thần túc, 4 niệm xứ, 4 thánh đế, 4 thiền, 4 vô lượng tâm, các giác chi, các quyền, các xứ, các uẩn, các giới... Ngài Huyền Tráng bảo phẩm này là của riêng Hữu Bộ.

8. Phẩm Nhiếp Trạch (Ngài H. Tráng dịch là Phẩm Biện Quyết Trạch)

Chỉ điểm lại một số vấn đề đã được trình bày ở trước. Ngài Huyền Tráng ghi rằng phẩm này là của riêng Hữu Bộ.

-ooOoo-

A TỲ ÐẠT MA THỨC THÂN TÚC LUẬN - VIJNANAKAYA(của DEVASARMA)

Theo nguồn tài liệu Trung Hoa thì đây là tập Túc Luận được xếp ở vị trí thứ ba trong 6 Túc Luận, và tác giả (ngài Devasarma) chỉ cách sau ngày Phật tịch khoảng 100 năm. Mặc dù trong trọn tập luận không hề có một chứng minh nào để tỏ rằng nó đã ra đời trước Phát Trí Luận của Ca Chiên Diên Tử, một tác phẩm có niên đại khoảng 300 năm sau Phật Lịch. Ngài Huyền Tráng chỉ ghi rằng tập luận này được Devasarma biên soạn tại Pi-Sho-Ka (Visoka) gần Sravasti (Savatthi).

NỘI DUNG A TỲ ÐẠT MA THỨC THÂN TÚC LUẬN

Tổng lượng: 6 uẩn (cuốn), 12 chương, 310 trang.
Tác giả: La Hán Ðề Bà Thiết Ma (Devasarma), 100 năm sau Phật Lịch.
Dịch giả: Huyền Tráng (649 Tây Lịch)

1. Mục Kiền Liên Uẩn

Những ý kiến của ngài Mục Kiền Liên về các hạng người, các quyền, tâm pháp, phiền não, các thức, giác chi. Ðược ghi là của riêng Hữu Bộ.

2. Bổ Ðặc Già La Uẩn

8 hạng người, 6 thức thân, 4 niệm xứ,... Những vấn đề liên quan giữa cái gọi là Người và Không (Sunya). Ðược ghi là của riêng Hữu Bộ.

3. Nhân Duyên Uẩn

Mười và Mười lăm trường hợp ý thức, Thức thân quá khứ,... Ðược ghi là của riêng Hữu Bộ, từ chương 4-5.

4. Sở Duyên Duyên Uẩn

Về các tư duy thiện ác... Cuối các chương 7-10 được ghi là của riêng Hữu Bộ.

5. Tạp Uẩn

Bàn về 6 thức thân, về hai trường hợp giải thoát của tâm thức (bằng tri kiến và bằng công phu tu tập), về 18 giới,...

6. Thành Tựu Uẩn (Samanvagama)

Bàn về quả vị Hữu Học, Vô Học, về sự viên mãn và khiếm khuyết của tâm.

-ooOoo-

GIỚI THÂN TÚC LUẬN - DHATUKAYA

Tác giả: Purna (theo Yasomitra và Bu-Ston)
Vasumitra (theo các tài liệu Trung Hoa)

Ðứng vị trí thứ tư trong 6 Túc Luận. Nguyên thuỷ, có thể Túc Luận này có đến hai hoặc ba phần. Theo Khuy Cơ (học trò của ngài Huyền Tráng), phần lớn nhất có 6000 thính tiết, phần thứ hai gồm 900 thính tiết và phần nhỏ nhất có 500 thính tiết. Bản dịch của ngài Huyền Tráng là phần hai nói trên, có 830 thính tiết thôi. Tên như vậy là do trong đó bàn đến tất cả những vấn đề liên quan Tâm Pháp mà Hữu Bộ tách riêng ra một phần để gọi chung là Giới Pháp (Dhatu).

Dù nhan đề của luận là Dhatukaya như Yasomitra đã cung cấp trong chú giải Câu Xá nhưng tôi (Takakushu) vẫn nghĩ rằng tên gọi thật sự của nó phải giống như trong Tibeto-Chinese Catalogue đã ghi là Dhatukayapada (Ta Tu Chia Ya Fa Ta) để từ đó có tên Hán văn là Giới Thân Túc Luận.

NỘI DUNG GIỚI THÂN TÚC LUẬN

Tổng lượng: 2 khanda, 16 phẩm, 2 chương, 43 trang
Tác giả: Thế Hữu (300 năm sau Phật Lịch)
Dịch giả: Huyền Tráng (663 Tây Lịch).

Theo Khuy Cơ, bản dịch này được ngài Huyền Tráng hoàn tất vào mùng bốn tháng 6 âm lịch, năm thứ ba triều Long Sóc (năm 663 Tây Lịch).

A. PHẨM BỔN SỰ

1) Thập Ðại Ðịa Pháp: Thọ, Tưởng, Tư, Xúc, Tác ý, Dục, Thắng giải, Niệm, Tam Ma Ðề (Ðịnh), Trí.

2) Thập Ðại Phiền Não Ðịa Pháp: Vô minh, Phóng dật, Giãi đãi (Kusita), Bất tín, Thất niệm, Tâm loạn (Vikkhepa), Bất chánh tri (Asampajanna), Phi lý tác ý, Tà giải thoát, Ðiệu cử (Uddhacca).

3) Tiểu Phiền Não Ðịa Pháp: Niệm (Kodha), Phúc (Makkha), Khan (Macchariya), Tật, Não, Hại, Hận, Cuống, Huyên (Satheyya), Kiêu.

4) Ngũ Phiền Não: Dục tham, Sắc tham, Vô sắc tham, Sân, Nghi.

5) Ngũ Kiến: Thân kiến, Quá thủ (Antagraha), Tà kiến, Kiến thủ (Ditthiparamasa), Giới cấm thủ.

6) Ngũ Pháp: Tầm, Tứ, Thức, Vô tàm, Vô Quý, 5 xúc, 5 căn, 6 căn, cùng các pháp quan hệ.

B. PHẨM PHÂN BIỆT

Bàn về những tương quan giữa 88 vấn đề giáo lý thông qua 16 nhóm pháp nghĩa. Bắt đầu từ 5 thọ, 6 thức, vô tàm, vô quý (hai bất thiện địa). Ba nhóm này tạo thành một phần riêng.

Khuy Cơ, học trò ngài Huyền Tráng, từng phụ chú rằng: "Giới Thân Luận là quan điểm của riêng Hữu Bộ, là một trong 6 Túc Luận bổ sung Phát Trí Luận. Ân sư Huyền Tráng đã dịch xong Túc Luận này ngày 4 tháng 6 âm lịch, năm thứ ba triều Long Sóc nhà Ðường tại viện Yu Hua. Nguyên tác đầy đủ của Giới Thân Luận có 6000 thính tiết. Sau đó, nhận thấy nguyên tác quá rườm rà nên một học giả đã thu ngắn thành hai bản khác nhau. Bản lớn có 900 thính tiết và bản nhỏ chỉ có 500 thính tiết. Bản dịch này bao gồm 830 thính tiết. Tác giả Luận này là ngài Thế Hữu... Khuy Cơ tôi nhìn thấy chiếc thuyền Phật pháp đang chìm nhanh giữa đời nên ghi vội những điều liên quan bản dịch này theo chỗ biết được, để tránh mai một".

-ooOoo-

PHÁP UẨN LUẬN -DHARMASKANDHA

Tác giả: - Arya Sariputra (theo Yasomitra và Bu-Ston); - Mahamaudgalyayana (theo tài liệu Trung Hoa)

Là tập Túc Luận thứ năm trong sáu Túc Luận của Hữu Bộ. Dầu bị xếp vào hàng Túc Luận nhưng nội dung mọi mặt không hề thua kém Phát Trí Luận. Có lẽ do không đi quá sâu vào các vấn đề siêu hình như Túc Luận thứ sáu nên Pháp Uẩn Luận đã giải quyết tất cả những giáo lý trọng điểm của Hữu Bộ. Tầm quan trọng của Pháp Uẩn Luận đã được chư vị tác giả của các Túc Luận kia lưu tâm. Chẳng hạn tác giả của Sangitiparyaya (túc luận thứ nhất). Còn về tác giả của Pháp Uẩn Luận thì đến nay ta vẫn chưa xác định là ngài Sariputra hay ngài Mahamaudhalyayana.

Còn bản Tạng văn của Pháp Uẩn Luận trong Kanjur Mdo... xưa nay vẫn được xem là cùng một bản với nguyên tác mà ngài Huyền Tráng sử dụng nhưng đem so ra thì lại là một bộ luận hoàn toàn xa lạ.

A TỲ ÐẠT MA PHÁP UẨN TÚC LUẬN

Tổng lượng: 21 phẩm, 10 chương, 232 trang
Tác giả: Ma Ha Mục Kiền Liên
Dịch giả: Huyền Tráng (dịch năm 659)

Phẩm 1: Học Xứ

Bàn về ngũ giới,...

Phẩm 2: Dự Lưu Chi

Bàn về quả vị Tu Ðà Hườn... Ðược ghi là riêng của Hữu Bộ.

Phẩm 3: Chứng Tịnh (aveccapasada - bất động tín)

Bàn về sự tịnh tín đối với Tam Bảo và học giới, tiêu chuẩn của một thánh nhân.

Phẩm 4: Sa Môn Quả

Bàn về 4 tầng thánh quả.

Phẩm 5: Thông Hành

Khả năng điều phối cảm thọ khổ lạc.

Phẩm 6: Thánh Chủng

Bàn về 4 hạng đệ tử Phật. Ðược ghi là của riêng Hữu Bộ.

Phẩm 7: Chánh Thắng

Bàn về 4 chánh cần.

Phẩm 8: Thần Túc

Bàn về 4 yếu tố chứng đạt Thần Túc: Ðịnh, Cần, Ức Niệm và Bất Dục (achanda). Ðược ghi là của riêng Hữu Bộ.

Phẩm 9: Niệm Trụ

Bàn về 4 Niệm Xứ. Ðược ghi là của riêng Hữu Bộ.

Phẩm 10: Thánh Ðế

Gồm một bài tổng thuyết về Kinh Chuyển Pháp Luân.

Phẩm 11: Tịnh Lự

Bàn về pháp môn thiền chỉ. Ðược ghi là của riêng Hữu Bộ.

Phẩm 12: Vô Lượng

Bàn về 4 Vô lượng tâm. Ðược ghi là của riêng Hữu Bộ.

Phẩm 13: Vô Sắc

Bàn về 4 tầng thiền Vô sắc.

Phẩm 14: Tu Ðịnh

Bàn chi tiết về việc nâng cao các tầng thiền chứng.

Phẩm 15: Giác Chi

Bàn về 7 Giác chi. Ðược ghi là của riêng Hữu Bộ.

Phẩm 16: Tạp Sự

Bàn rộng về Tâm Pháp.

Phẩm 17: Căn

Bàn về 22 Quyền.

Phẩm 18: Xứ

Bàn về 12 xứ.

Phẩm 19: Uẩn

Bàn về 5 uẩn.

Phẩm 20: Ða Giới

Bàn về 6 Giới, 18 Giới, 62 Giới. Ðược ghi là của riêng Hữu Bộ.

Phẩm 21: Duyên Khởi

Bàn về 12 Duyên sinh. Ðược ghi là của riêng Hữu Bộ.

Tĩnh Mại (664 Tây Lịch) có để lại một ghi chú như sau:

"Pháp Uẩn Luận là phần quan trọng nhất trong các tác phẩm A Tỳ Ðàm và cũng là khởi nguyên của hệ thống giáo lý Hữu Bộ. Bộ luận này do ngài Ðại Mục Liên biên soạn. Hữu Bộ là trường phái dẫn đầu của mọi trường phái Phật Giáo và sở hữu một di sản kinh điển đồ sộ từ Phát Trí Luận, Tỳ Bà Sa Luận, Thuận Chánh Lý Luận, Hiển Chân Tôn Luận. Tam Tạng pháp sư Huyền Tráng đã dịch hoàn tất Pháp Uẩn Luận ngày mười bốn tháng chín âm lịch nhằm năm thứ tư triều Hiển Khánh nhà Ðường tại Hoằng Pháp Uyển, chùa Từ Ân, kinh đô Trường An. Sa Môn Thích Quang chấp bút, Tĩnh Mại chỉnh văn, Trí Thông thẩm định bản dịch".

-ooOoo-

PRAJNAPTISASTRA

Tác giả: Ðại Mục Liên (theo Yasomitra và Bu-Ston) - Khuyết danh (theo Tibeto-Chinese Catalogue)

Theo các tài liệu Trung Hoa, đây là tập Túc Luận thứ sáu trong 6 Túc Luận của Hữu Bộ. Nhưng trong kho tàng kinh văn Trung Hoa, tập luận này cứ là một vấn đề tồn nghi. Trước hết, mãi đến thế kỷ mười một luận này vẫn chưa được dịch sang Hán văn và tên tuổi của tác giả cũng không được xác định rõ ràng. Luận có 14 phẩm (hoặc gọi là Môn) nhưng phẩm đầu tiên (phẩm Thế Gian Thi Thiết) đã thất lạc, chỉ được nhắc tới trong chú giải. Còn nguyên tác Sanskrit của chánh luận thì nay cũng không còn. Có điều là cả bản chú giải kia cũng không có trong kinh điển Hán văn. Riêng đối với tôi (Takakushu), vấn đề nguyên tác thật sự của Luận này hoàn toàn đáng ngờ. Dù nhiều lần Wassilief đã cố gắng xem Amrtasastra như là một đồng bản của Prajnaptisastra. Và không hề có một cơ sở nào chứng minh rằng Luận này là của Hữu Bộ như ở trường hợp các Túc Luận kia. Nhưng sao cũng mặc, chúng ta phải tạm thời chấp nhận Prajnaptisastra là một Túc Luận của Hữu Bộ trong khi vẫn chưa tìm ra một chứng cứ phản biện.

-ooOoo-

THI THIẾT LUẬN

Tổng lượng: 14 phẩm (môn), 7 chương, 55 trang
Tác giả: Khuyết danh
Dịch giả: Pháp Hộ (Dharmaraksa) đến từ Ma Kiệt Ðà năm 1004, cùng các dịch giả khác.

1. Phẩm (môn) Ðối Pháp Ðại Luận Thế Gian Thi Thiết:

Phẩm này đã mất trọn vẹn, ta chỉ còn lại một ghi chú như sau: "Phẩm Thế Gian Thi Thiết chỉ còn trong phần chú giải, phần chánh luận thì không còn nguyên tác Sanskrit". Và bản chú giải kia nói gì về phẩm này ta cũng không được biết.

Tuy nhiên, có một điều khả dĩ giả định là Phẩm Thế Gian Thi Thiết đề cập về các vấn đề thế giới quan như vị trí núi Tu Di cùng các đại dương, về sự vận hành của nhật nguyệt chẳng hạn. Bởi trong kho tàng kinh văn chữ Hán có một luận (mã số No. 1297) nhan đề Li Shi A Pi Tan Lun (4 chữ sau là A Tỳ Ðàm Luận) và Nanjio đã cố khôi phục lại nguyên dạng Phạn văn là Lokasthiti-abhidharmasastra, trong đó nội dung bàn về các vấn đề thế giới quan mà lẽ ra nếu phẩm này còn giữ được cũng giống như vậy.

2. Phẩm Nhân Thi Thiết (Karanaprajnapti)

Bàn về thất báu của Chuyển luân vương (xe báu, ngựa báu...)

3. Như trên:

Ngoài các món báu, còn bàn thêm về 32 hảo tướng, việc có 1000 hoàng tử,...

4. Như trên:

Nhắc chuyện Bồ Tát sinh lên Ðâu Suất Thiên rồi giáng sinh.

5. Như trên:

Xác định Bồ Tát là đệ nhất hữu tình, nói về Niết Bàn,...

6. Như trên:

Bàn rộng về 32 hảo tướng của Phật và Chuyển luân vương, về pháp tánh của chư Bồ Tát,...

7. Như trên:

Giáo lý của đức Phật đối với Tham, Sân, Si cùng con đường vượt thoát phiền não.

8. Như trên:

Ý nghĩa tập khởi của Khát Ái đối với đời sống, sự khác biệt giữa thân người sống và xác người chết,...

9. Như trên:

Bàn về Hôn Thụy, Kiêu Mạn, Não Hại, Ða ngôn, Lộng ngữ, Thối thất thiền định và duyên do của chúng,...

10. Như trên:

Núi Tu Di và chiều cao của các ngọn đại sơn khác.

11. Như trên:

Những khác biệt về tâm linh giữa chư Phật với các đệ tử.

12. Như trên:

Bàn sâu về các đại dương.

13. Như trên:

Sự sai biệt giữa các loài chúng sinh.

14. Như trên:

8 nhân khiến trời mưa,...


1Theo truyền thống kinh điển Pali thì sự cố ở Pava chỉ là việc giáo chủ phái Ni Kiền Tử qua đời, đồ chúng chia rẽ. Và ngài Xá Lợi Phất nhân đó thuyết giảng Kinh Phúng Tụng (G.Nguyên) - xem Dighanikaya tập IV

2Nếu bảo ngài Mahakausthila này là cao đồ của đức Phật thì xem ra vô lý vì từ kỳ kiết tập thứ nhất đến kỳ kiết tập thứ hai ít nhất cũng trăm năm. Trong khi đó từ thời Phật tại thế, ngài Mahakausthila đã là một trưởng lão cao niên. (G.Nguyên)

---o0o---

---o0o---

Source : BuddhaSasana Home Page

---o0o---

Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]