Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Tắc 10 - Tắc 12

22/04/201106:16(Xem: 5965)
5. Tắc 10 - Tắc 12

BÍCHNHAM LỤC
Tác giả: Thiền sư Viên Ngộ - Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ
Tu viện Chân Không 1980

TẮC 10

MỤC CHÂU KẺ CƯỚP RỖNG

LỜI DẪN: Thế ấy thế ấy, chẳng thế ấy chẳng thế ấy, nếu luận chiến thì mỗi mỗi ở chỗ chuyển, cho nên nói: Nếu hướng thượngchuyển liền được Thích-ca, Di-lặc, Văn-thù, Phổ Hiền, ngàn Thánh muôn Thánh, các bậc Tông sư khắp thiên hạ thảy đều nuốt hơi ngậm miệng. Nếuhướng hạ chuyển thì chim chóc mối kiến xuẩn động hàm linh mỗi mỗi đều phóng hào quang sáng, mỗi mỗi đều vách đứng vạn nhẫn. Nếu như chẳng thượng chẳng hạ, lại làm sao thương lượng? Có điều vin điều, không điều vin lệ, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Mục Châu hỏi vị Tăng: Vừa rời chỗ nào? Tăng liền hét! Mục Châu nói: Lão tăng bị một tiếng hét của ông. Tăng lại hét! Mục Châu nói: Ba hét bốn hét sau rồi làm gì? Tăng lặng câm. Mục Châu liền đánh, nói: Kẻ cướp rỗng này.

GIẢI THÍCH: Phàm là người dựng lập Tông giáo phải có con mắt của bổn phận Tông sư, có bổn phận Tông sư tác dụng. Mục Châu cơ phong dường như điện chớp, thích khám phá các tọa chủ. Bình thường Sư nói ra một lời, nửa câu giống như cả rừng gai góc, để chân tay đến không được. Sư vừa thấy Tăng đến liền nói: Thấy thành công án, tha ông ba mươi gậy. Có khi thấy Tăng, Sư gọi: Thượng tọa! Tăng xoay đầu lại. Sư bảo: Kẻ gánh bản. Sư dạy chúng: Chưa có chỗ vào phải được chỗ vào, đã được chỗvào không được cô phụ Lão tăng. Mục Châu vì người phần nhiều như thế.

Vị Tăng hỏi đây cũng khéo giũa gọt, song đầu rồng, đuôi rắn. Chính khi ấy, nếu không phải Mục Châu cũng bị y làm một trường bối rối. Như Mục Châu hỏi vừa rời chỗ nào, Tăng liền hét, hãy nói ý chỉ thế nào? Lão già này cũng không rối loạn, chậm rãi nói với y: Lão tăngbị một tiếng hét của ông. Dường như nhận thoại của y được một phần, lại dường như nghiệm y, nép thân qua một bên xem y thế nào. Vị Tăng này lại hét, giống thì giống, phải thì chưa phải. Bị lão già này xỏ lỗ mũi, bèn hỏi ba tiếng hét, bốn tiếng hét sau rồi làm gì. Quả nhiên vị Tăng này câm họng. Mục Châu liền đánh, bảo: Kẻ cướp rỗng này. Thật là nghiệm người đến chỗ chính xác, buông lời liền là tri âm. Tiếc thay vị Tăng này câm họng, nên bị Mục Châu nói kẻ cướp rỗng này. Nếu là quí vị, bị Mục Châu bảo ba tiếng hét bốn tiếng hét sau rồi làm gì, nên đáp thế nào đểkhỏi bị nói kẻ cướp rỗng này? Trong đây nếu là người biết sống chết, rành tốt xấu, chân đạp đến chỗ đất chân thật, nào quản ba tiếng hét bốn tiếng hét sau rồi làm gì. Bởi vị Tăng này câm họng, nên bị lão ấy cứ theo bản luận tội kết án. Nghe Tuyết Đậu tụng:

TỤNG:

Lưỡng hát dữ tam hát
Tác giả tri cơ biến
Nhược vị kỵ hổ đầu
Nhị câu thành hạt hán
Thùy hạt hán?
Niêm lai thiên hạ dữ nhân khan.

DỊCH:

Hai hét cùng ba hét
Tác giả biết cơ biến
Nếu bảo cỡi đầu cọp
Cả hai thành mù hết
Ai kẻ mù?
Đem ra thiên hạ cho người xem.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu chẳng ngại có chỗ vì người. Nếu không phải là hàng tác gia thì chỉ hét hồ hét loạn thôi. Vì thế cổ nhân nói: Có khi một tiếng hét không có cái dụng của tiếng hét, có khi một tiếng hét có cái dụng của một tiếng hét, có khi một tiếng hét như sư tử ngồi xổm, có khi một tiếng hét như bảo kiếm Kim Cang Vương. Thiền sư Hưng Hóa nói: Ta thấy các ông ở bên đông lang hét, ở bên tây lang cũnghét, chớ có hét hồ hét loạn, dù cho hét đến Hưng Hóa bay bổng lên cõi trời Tam thập tam, rớt lại xuống đất chết ngất, đợi đến khi tỉnh lại, ta sẽ nói với các ông là chưa phải. Vì sao? Vì Hưng Hóa chưa từng nhằm trong màn trướng tía ném chơn châu cho các ông, các ông chỉ thích hét hồ hét loạn làm gì? Tổ Lâm Tế nói: Ta nghe các ông thảy học tiếng hét củata, ta hỏi các ông nhà Đông có vị Tăng đến, nhà Tây có vị Tăng đến, cảhai đồng thời hét, vậy tiếng hét nào là khách, tiếng hét nào là chủ? Nếu các ông phân chủ khách chẳng được, về sau không được bắt chước Lão tăng. Vì thế Tuyết Đậu tụng “tác giả biết cơ biến”. Vị Tăng này tuy bị Mục Châu thâu, song y có biết chỗ cơ biến. Hãy nói chỗ nào là chỗ vị Tăng này biết cơ biến? Thiền sư Trí ở Lộc Môn điểm vị Tăng này rằng: người biết pháp sợ. Nham Đầu nói: Nếu luận chiến thì mỗi mỗi đứng tại chỗ chuyển. Hòa thượng Tử Tâm ở Hoàng Long nói: Cùng thì biến, biến thì thông. Cái này là chỗ Tổ sư ngồi cắt đầu lưỡi người trong thiên hạ. Ông nếu biết cơ biến, nhắc đến liền biết chỗ rơi. Có một nhóm người nói: Đợi kia nói ba hét bốn hét làm gì, chỉ cần hét sắp dứt liền hét, hai chục đến ba chục hét, hét đến Di-lặc hạ sanh, gọi đó là cỡi đầu cọp. Nếu thấy biết như thế là chẳng biết Mục Châu. Cần thấy vị Tăng kia, rất xa vậy.Như người cỡi đầu cọp cần phải trong tay có đao, cũng biết chuyển biếnmới được. Tuyết Đậu nói nếu thấy biết thế ấy, “cả hai đều mù hết”. Tuyết Đậu giống như cầm cây Ỷ Thiên trường kiếm, oai phuông lẫm lẫm. Nếu hiểu được ý Tuyết Đậu, tự nhiên ngàn chỗ muôn chỗ đồng thời hiểu, liền thấyphần tụng sau của Tuyết Đậu chỉ là chú giải. Lại nói “ai kẻ mù”, thử nói khách mù hay chủ mù? Hay là chủ khách đồng thời mù chăng? “Đem ra thiên hạ cho người xem”, đây là chỗ sống, Tuyết Đậu một lúc tụng xong vậy. Lại nói “đem ra thiên hạ cho người xem”, hãy nói làm sao xem? Mở mắt xem hay nhắm mắt xem? Lại có người khỏi được chăng?

TẮC 11

HOÀNG BÁ BỌN ĂN HÈM

LỜI DẪN: Đại cơ Phật Tổ toàn nắm trong tay, mạng mạch nhân thiên nằm trong tiếng gọi, thảnh thơi một lời một câu kinh động quần chúng, một cơ một cảnh đập xích phá cùm, tiếp cơ hướng thượng nêu việc hướng thượng. Hãy nói người nào từng đến thế ấy, có biết chỗ rơi chăng, thử nêu xem?

CÔNG ÁN: Hoàng Bá dạy chúng: Cả thảy các ngươi đều là bọn ăn hèm, hành cước thế ấy chỗ nào có ngày nay? Lại biết trong nước Đại Đường có Thiền sư chăng? Có vị Tăng ra thưa: Chỉ như các nơi khuông đồ lãnh chúng lại là gì? Hoàng Bá bảo: Chẳng nói không thiền, chỉ là không Sư.

GIẢI THÍCH: Hoàng Bá thân cao bảy thước (2,80m), trên trán có hạt châu tròn, thiên tánh hội thiền. Sư đi dạo Thiên Thai, trên đường gặp một vị Tăng cùng bàn luận vui cười như người quen cũ, nhìn kỹ là người đã chết, có chút ít tướng lạ. Hai người đồng đi, gặp dòng suối nước tràn chảy mạnh, Sư chống gậy lột nón đứng lại, vị Tăng kia thúc Sư đồng qua. Sư bảo: Mời qua trước. Vị Tăng kia liền vén áo bước trên sóng đi qua, như bước trên đất bằng. Qua rồi, vị Tăng gọi: Qua đây! Qua đây! Sư quở: Cái này tự biết, gã tự liễu này! nếu tôi sớm biết làm quái, sẽchặt bắp đùi huynh. Vị Tăng kia khen: Thật là pháp khí Đại thừa. Nói xong nhìn lại chẳng thấy ông. Sư ban đầu đến Bá Trượng, Bá Trượng hỏi:Vòi vọi rỡ rỡ từ chỗ nào đến? Sư thưa: Vòi vọi rỡ rỡ từ Lãnh Trung đến. Bá Trượng hỏi: Đến vì việc gì? Sư thưa: Chẳng vì việc khác. Bá Trượng thầm nhận đó. Hôm khác, Sư đến từ Bá Trượng, Bá Trượng hỏi: Định đi đâu? Sư thưa: Đến Giang Tây lễ bái Mã đại sư. Bá Trượng bảo: Mã đại sư tịchrồi. Ông hãy nói Hoàng Bá hỏi thế ấy là biết mà hỏi hay không biết mà hỏi? Sư thưa: Con mơ ước đến lễ bái mà phước duyên cạn mỏng không đượcyết kiến. Chẳng biết bình thường Ngài có lời dạy gì, mong được nghe nhắc lại? Bá Trượng nhắc lại nhân duyên tái tham vấn Mã Tổ: Mã Tổ thấy ta đến liền dựng đứng cây phất tử, ta hỏi: Tức đây dùng lìa đây dùng? Mã Tổ bèn treo cây phất tử ở góc giường thiền. Giây lâu Mã Tổ hỏi ta: Ngươi về sau đập hai miếng da, vì người thế nào? Ta lấy cây phất tử dựng đứng. Mã Tổ hỏi: Tức đây dùng lìa đây dùng? Ta đem cây phất tử máng ở góc giường thiền. Mã Tổ chấn chỉnh oai nghi hét một tiếng, ta khi ấy đến ba ngày lỗ tai còn điếc. Hoàng Bá bất chợt hoảng hốt le lưỡi. Bá Trượng bảo: Ngươi về sau kế thừa Mã Tổ chăng? Sư thưa: Chẳng phải thế, ngày nay nghe thầy nhắc lại, được thấy Mã đại sư đại cơ đại dụng, nếu kế thừa Mã đại sư về sau mất hết con cháu của con. Bá Trượng bảo: Đúng thế! Đúng thế! Thấy bằng thầy kém thầy nửa đức, trí vượt hơn thầy mới kham truyền thụ. Chỗthấy của ngươi hiện nay quả là có tác dụng vượt hơn thầy. Quí vị hãy nói, Hoàng Bá hỏi thế ấy là biết mà cố hỏi hay không biết mà hỏi? Cần phải thân thấy chỗ hành lý trong nhà cha con họ mới được. Một hôm, Hoàng Bálại hỏi Bá Trượng: Tông thừa về trước làm sao chỉ dạy? Bá Trượng im lặng giây lâu. Hoàng Bá thưa: Không thể khiến người sau đoạn tuyệt. Bá Trượng nói: Toan bảo ngươi là một cá nhân. Bèn đứng dậy đi vào phương trượng.

Hoàng Bá cùng Tướng quốc Bùi Hưu là bạn phương ngoại. Bùi Hưu trấn Uyển Lăng thỉnh Sư đến quận đường, đem quyển sách ông viết trao cho Sư xem. Sư tiếp nhận rồi để dưới tòa, bỏ qua không giở ra xem, im lặng giây lâu hỏi: Hội chăng? Bùi Hưu thưa: Chẳng hội. Hoàng Bá nói: Nếu thế ấy hội được vẫn còn chút ít sơ sài, nếu bày trên giấy mực thì chỗ nào lại có Tông của ta. Bùi Hưu bèn làm bài tụng tán thán:

TỤNG:

Tự tùng Đại sĩ truyền tâm ấn
Ngạch hữu viên châu thất xích thân
Quải tích thập niên thê Thục thủy
Phù bôi kim nhật độ Chương Tân
Bát thiên long tượng tùy cao bộ
Vạn lý hương hoa kết thắng nhân
Nghĩ dục sự Sư vi đệ tử
Bất tri tương pháp phó hà nhân.

DỊCH:

Kể từ Đại sĩ truyền tâm ấn
Chiếc thân bảy thước trán minh châu
Chống gậy mười năm nương đất Thục
Hôm nay cỡi sóng sang Chương Tân
Tám ngàn long tượng theo chân bước
Muôn dặm hương hoa kết thắng nhân
Lòng muốn thờ thầy làm đệ tử
Chẳng biết pháp gì gởi cho người.

Sư cũng không có vẻ vui nói:

Tâm như đại hải vô biên tế
Khẩu thổ hồng liên dưỡng bệnh thân
Tự hữu nhất song vô sự thủ
Bất tằng chi ấp đẳng nhàn nhân.

DỊCH:

Tâm như bể cả không ngằn mé
Miệng nhả sen hồng nuôi bệnh thân
Sẵn có một đôi tay không việc
Chẳng từng kính vái kẻ ưa nhàn.

Sau khi Sư trụ trì cơ phong cao vót, Lâm Tế ở trong hội, Mục Châu làm Thủ tọa. Mục Châu hỏi Lâm Tế: Thượng tọa ở đây đã lâu sao chẳng đến hỏi thoại? Lâm Tế thưa: Bảo tôi hỏi thoại gì mới được? Thủ tọa bảo: Sao không hỏi thế nào là đại ý Phật pháp? Lâm Tế liền đi hỏi,ba phen bị đánh đuổi ra. Lâm Tế đến từ giã Thủ tọa: Nhờ Thủ tọa dạy baphen đến hỏi đều bị đánh đuổi ra, e nhân duyên không phải ở đây, tạm thời xin xuống núi. Thủ tọa bảo: Ông muốn đi nên đến từ giã Hòa thượngrồi sẽ đi. Thủ tọa đến trước bạch Hoàng Bá: Thượng tọa đến hỏi thoại thật là ít có, sao Hòa thượng không đục đẽo khiến thành cội cây to chemát người sau? Hoàng Bá nói: Ta đã biết! Lâm Tế đến từ giã, Hoàng Bá bảo: Ông không nên đi nơi khác, hãy thẳng đến bến Cao An yết kiến Đại Ngu. Lâm Tế đến Đại Ngu thuật lại lời hỏi trước, chẳng biết con lỗi tại chỗ nào? Đại Ngu nói: Hoàng Bá thật tâm lão bà tha thiết vì ông triệt khốn, lại hỏi có lỗi không lỗi. Lâm Tế bỗng nhiên đại ngộ, nói: Phật pháp Hoàng Bá rất ít. Đại Ngu nắm đứng bảo: Ông vừa rồi nói có lỗi không lỗi, giờ đây nói Phật pháp Hoàng Bá rất ít. Lâm Tế nhằm hông Đại Ngu thoi ba cái. Đại Ngu buông ra bảo: Thầy ông là Hoàng Bá, không can gì việc của ta.

Một hôm Hoàng Bá nói: “Đại sư Pháp Dung ở núi Ngưu Đầu nói ngang nói dọc vẫn chưa biết cây chốt cửa hướng thượng.” Bấy giờ, dưới hội Thạch Đầu, Mã Tổ, Thiền tăng đông vầy nói thiền nói đạo, tại sao Sư lại nói như thế? Sở dĩ dạy chúng: “Cả thảy các ông đều là kẻ ănhèm, đi hành cước thế ấy chỉ khiến cho người ta cười, chỉ thấy tám trăm, một ngàn người liền ra đi, không thể cam chịu sự ồn náo. Trong đây thảy đều dung dị như các ông thì làm gì lại có việc ngày nay?” Thời Đường ưa mắng người bằng câu “kẻ ăn hèm”. Nhiều người nói Hoàng Bá mắng người ta. Kẻ mắt sáng tự thấy chỗ rơi của Sư. Đại ý thả một lưỡi câu để nhử người hỏi. Trong chúng có Thiền khách không tiếc thân mạng, liền hiểu như thế ra chúng hỏi: Hiện nay các nơi khuông đồ lãnh chúng lại là sao? Cũng nên cho một tát. Lão này quả nhiên bối rối liền ló đuôi, nói: Chẳng nói không thiền chỉ là không Sư. Hãy nói ý tại chỗ nào? Tông chỉ của Sư từtrước có khi bắt, có khi thả, có khi giết, có khi tha, có khi buông, có khi giữ. Dám hỏi quí vị: Thế nào Sư ở trong thiền? Sơn tăng nói thế ấyđã là khắp đầu chìm ngấm rồi. Lỗ mũi quí vị ở chỗ nào? Giây lâu nói: Xỏ qua rồi.

TỤNG:

Lẫm lẫm cô phong bất tự khoa
Đoan cư hoàng hải định Long xà
Đại Trung thiên tử tằng khinh xúc
Tam độ thân tao lộng trảo nha.

DỊCH:

Lẫm lẫm cô phong chẳng tự khoe
Ngồi yên biển cả định Long xà
Đại Trung thiên tử từng bị tát
Ba trận thân đùa nanh vuốt nhe.

GIẢI TỤNG: Bài tụng này của Tuyết Đậu dường như bài chân tán Hoàng Bá. Song chúng ta không hiểu theo chân tán thì dưới câuliền có chỗ xuất thân. Nói rõ ràng rằng “lẫm lẫm cô phong chẳng tự khoe”, Hoàng Bá dạy chúng thế ấy, chẳng phải tranh thắng người thua mình, tự trình tự khoe. Nếu hội được tin tức này, mặc tình bảy dọc tám ngang, có khi đứng một mình trên ngọn cô phong, có khi nằm ngang giữa chốn thànhthị, đâu thể riêng giữ một góc. Càng xả càng chẳng hết, càng tìm càng chẳng thấy, càng gánh gồng càng chìm lịm. Người xưa nói: “Không cánh khắp thiên hạ, có danh truyền thế gian.” Tận tình buông hết Phật pháp,đạo lý huyền diệu kỳ đặc, buông sạch không còn chút gì, tự nhiên xúc xứ hiện thành. Tuyết Đậu nói “ngồi yên biển cả định long xà”, là rồng là rắn vào cửa đều nghiệm được, gọi là định long xà nhãn, cầm hổ hủy cơ (con mắt định rồng rắn, máy bắt cọp tê giác). Tuyết Đậu lại nói “định long xà chừ mắt nào chánh, cầm hổ hủy chừ cơ chẳng toàn”. Hai câu “ĐạiTrung thiên tử từng bị tát, ba trận thân đùa nanh vuốt nhe”, Hoàng Bá đâu phải chỉ hiện nay thủ đoạn ác, mà từ trước đến giờ là thế. Đại Trung thiên tử theo truyện Tục Hàm Thông chép: Vua Đường Hiến Tông có hai người con là Mục Tông và Tuyên Tông. Tuyên Tông tức là Đại Trung, mới mười ba tuổi mà rất thông minh, thích ngồi kiết-già. Khi Mục Tông đangtại vị, nhân bãi triều sớm, Đại Trung đùa, lên long sàng ngồi, làm thếquần thần kính bái. Đại thần xem thấy cho đó là tâm phong, bèn tâu lênMục Tông. Mục Tông thấy vỗ về khen: Em ta là bậc anh tài của Tông tổ ta. Niên hiệu Trường Khánh thứ tư (824), Mục Tông băng hà. Mục Tông có ba người con là Kỉnh Tông, Văn Tông và Võ Tông. Kỉnh Tông nối vua cha được hai năm, nội thần mưu thay đổi. Văn Tông lên ngôi mười bốn năm, kế Võ Tông lên ngôi. Võ Tông gọi Đại Trung là si nô. Một hôm, Võ Tông hận Đại Trung ngày xưa lên long sàng của cha mình ngồi, bèn lôi ra đánh đến chết đem bỏ trong vườn, dùng nước nhơ rưới lên được tỉnh trở lại. Sau khi tỉnh, Đại Trung lén trốn vào hội của Thiền sư Chí Nhàn ở Hương Nghiêm,cạo tóc làm Sa-di. Chưa thọ giới Cụ túc, theo Chí Nhàn du phương đến Lô Sơn. Nhân Chí Nhàn làm thơ đề Bộc Bố (Nước trên núi chảy xuống như tấmvải treo):

Xuyên vân thấu thạch bất từ lao
Địa viễn phương tri xuất xứ cao.

DỊCH:

Phủng mây soi đá biết nhọc nào
Xa tít mới hay xuất xứ cao.

Chí Nhàn ngâm hai câu này rồi, ngẫm nghĩ mãi cố ý câu cho y thổ lộ xem ngữ mạch thế nào. Đại Trung tiếp:

Khê giản khởi năng lưu đắc trụ
Chung qui đại hải tác ba đào.

DỊCH:

Khe suối tài gì ngăn được đứng
Trọn về bể cả dấy ba đào.

Chí Nhàn biết không phải người tầm thường, chỉ thầm biết thôi, sau đến trong hội Diêm Quan thỉnh Đại Trung làm thư ký, Hoàng Bá làm Thủ tọa. Một hôm, Hoàng Bá đi lễ Phật, Đại Trung thấy hỏi: Chẳng cầu Phật, chẳng cầu Pháp, chẳng cầu Tăng, vậy lễ bái để cầu cái gì? Hoàng Bá đáp: Chẳng cầu Phật, chẳng cầu Pháp, chẳng cầu Tăng, thường lễ như thế. Đại Trung bảo: Dùng lễ làm gì? Hoàng Bá liền tát tai. Đại Trung nói: Quá thô! Hoàng Bá nói: Trong đây còn gì nói thô nói tế. Hoàng Bá lại tát tai. Sau Đại Trung lên ngôi vua, ban Hoàng Bá hiệu “Thô hạnh Sa-môn”. Tướng quốc Bùi Hưu ở triều tâu xin ban hiệu là: Đoạn Tế Thiền sư. Tuyết Đậu biết rõ huyết mạch xuất xứ ấy nên ứng dụng rất khéo. Hiện nay có người đùa nanh vuốt chăng? Liền đánh.

TẮC 12

ĐỘNG SƠN BA CÂN GAI

LỜI DẪN: Đao giết người kiếm tha người là phong qui từ thượng cổ, cũng là chỗ khu yếu của hiện nay. Nếu luận về giết thì không chạm đến mảy lông, nếu luận về tha thì tan thân mất mạng. Vì thếnói: “Con đường hướng thượng ngàn Thánh chẳng truyền, học giả nhọc hình như khỉ bắt bóng.” Hãy nói đã là chẳng truyền, vì sao lại có rất nhiềucông án sắn bìm? Người đủ mắt sáng thử nói xem!

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Động Sơn Thủ Sơ: Thế nào là Phật? Động Sơn đáp: Ba cân gai.

GIẢI THÍCH: Công án này nhiều người hiểu lầm, hẳn là khó nhai gặm, không có chỗ cho ông mở miệng. Tại sao? Vì nhạt nhẽo không có mùi vị. Người xưa đã lắm lần đáp câu hỏi Phật, hoặc nói ở trong điện, hoặc nói ba mươi hai tướng, hoặc nói trong rừng dưới núi tre trúc tươi. Động Sơn đáp ba cân gai, quả là cắt đứt đầu lưỡi người xưa. Nhiều người khởi hiểu câu này, khi ấy Động Sơn đang cân gai trong kho, Tăng hỏi nên đáp như thế, hoặc nói Động Sơn hỏi Đông đáp Tây, hoặc nói ông là Phật lại đi hỏi Phật, nên Động Sơn đi quanh đáp cho. Gã chết nói chỉ ba cângai này là Phật. Thật hoàn toàn không dính dáng. Nếu ông dưới câu của Động Sơn hiểu như thế, tham vấn đến Phật Di-lặc ra đời cũng chưa mộng thấy. Tại sao? Vì ngôn ngữ chỉ là món đồ chở đạo. Sao chẳng biết ý củacổ nhân, chỉ chăm vào trong câu tìm cầu có gì chân thật. Người xưa nói: Đạo vốn không lời, nhân lời hiển đạo, thấy đạo phải quên lời. Nếu đến đây trả lại ta cơ đệ nhất mới được. Chỉ câu “ba cân gai” giống như conđường Trường An giở chân lên để chân xuống đều là phải. Câu nói này sovới câu “bánh hồ” của Vân Môn cũng đồng một loại, quả là khó hội. Ngũ Tổ tiên sư tụng:

TỤNG:

Tiện mại đảm bản hán
Thiếp bình ma tam cân
Thiên bách niên thệ hóa
Vô xứ trước hồn thân.

DỊCH:

Kẻ hèn gánh bảng bán
Đo lường ba cân gai
Trăm ngàn năm mắc kẹt
Không chỗ để thân an.

Ông chỉ nhồi đập cho tình trần ý tưởng so lường được mất phải quấy một lúc hết sạch, tự nhiên hội được.

TỤNG:

Kim ô cấp
Ngọc thố tốc
Thiện ứng hà tằng hữu khinh xúc
Triển sự đầu cơ kiến Động Sơn
Ba miết manh qui nhập không cốc.
Hoa thốc thốc, cẩm thốc thốc
Nam địa trúc hề Bắc địa mộc
Nhân tư Trường Khánh Lục đại phu
Giải đạo hiệp tiếu bất hiệp khấp.
Di!

DỊCH:

Mặt trời chóng
Mặt trăng gấp
Khéo ứng đâu từng có khinh xúc
Triển sự đầu cơ thấy Động Sơn
Què trạnh, rùa mù vào hang trống.
Hoa nhóm nhóm, gấm nhóm nhóm
Tre đất Nam chừ cây đất Bắc
Nhân nhớ Trường Khánh Lục đại phu
Khéo nói nên cười chẳng nên khóc.
Chao!

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu thấy được thấu nên ngay nơi đầu nói “mặt trời chóng, mặt trăng gấp”, cùng Động Sơn “ba cân gai” không có hai thứ. Mặt trời mọc, mặt trăng lặn, ngày ngày như thế. Người nhiều tình giải chỉ nói mặt trời là con mắt tả, mặt trăng là con mắt hữu, vừa hỏi đến liền trừng mắt nói ở trong đây. Thật không có gì dính dáng. Nếu hiểu thế ấy thì một tông Tổ Đạt-ma mất sạch. Vì thế nói, thả câu bốn biển chỉ câu rồng to, cách ngoại máy huyền vì tầm tri kỷ. Tuyết Đậu làngười ra khỏi ấm giới há khởi loại kiến giải này. Tuyết Đậu nhè nhẹ gõcửa, chọi cây bày hiện chút ít cho ông thấy, liền hạ chú cước nói “khéo ứng đâu từng có khinh xúc”. Động Sơn chẳng dám khinh thường đáp vị Tăng này, như chuông chịu đóng, như hang nhận vang, lớn nhỏ tùy ứng không dám khinh xúc. Tuyết Đậu đồng thời bày hiện tâm can ngũ tạng trình cho cácông rồi. Tuyết Đậu có bài tụng “Tĩnh Nhi Thiện Ứng” rằng:

TỤNG:

Đổ diện tương trình
Bất tại đa đoan
Long xà dị biện
Nạp tử nan man.
Kim chùy ảnh động
Bảo kiếm quang hàn
Trực hạ lai dã
Cấp trước nhãn khan.

DỊCH:

Tĩnh Mà Khéo Ứng

Thấy mặt trình nhau
Chẳng tại đa đoan
Rắn rồng dễ biện
Thiền tăng khó lừa.
Chùy vàng bóng động
Kiếm báu quang hàn
Ngay đây thẳng lại
Để mắt chóng xem.

Động Sơn ban đầu đến tham vấn Vân Môn, Vân Môn hỏi: Vừa rời chỗ nào? Động Sơn thưa: Tra Độ. Vân Môn hỏi: Mùa hạ ở đâu? Động Sơn thưa: Chùa Báo Từ ở Hồ Nam. Vân Môn hỏi: Rời chỗ kia lúc nào? ĐộngSơn thưa: Ngày hai mươi lăm tháng tám. Vân Môn bảo: Tha ông ba gậy, đến nhà tham thiền đi. Chiều lại, Sư vào thất thân cận hỏi: Con lỗi tại chỗ nào? Vân Môn bảo: Cái túi cơm, Giang Tây Hồ Nam là thế ấy. Động Sơn ngay câu này bỗng nhiên đại ngộ thưa: Con ngày khác đến chỗ không có hơi người, dựng một chiếc am, chẳng chứa một hạt gạo, chẳng trồng một cọngrau, thường tiếp đãi thiện tri thức mười phương qua lại, trọn vì họ nhổ đinh tháo chốt, lột chiếc mũ thịt mỡ, cổi chiếc áo hôi thúi, khiến mọingười sạch sẽ thong dong, làm một người vô sự. Vân Môn bảo: Thân bằng cây dừa mà mở được cái miệng to thế. Động Sơn liền từ tạ ra đi. Chỗ đương thời Sư ngộ liền đó chóng thoát, há đồng với tiểu kiến. Sau này Sư xuất thế ứng cơ, câu “ba cân gai”, các nơi chỉ hiểu là lời đáp Phật. Như hỏi: thế nào là Phật, đáp: trong rừng dưới núi tre trúc tươi, hoặc đáp: đồng tử Bính Đinh đến xin lửa. Thế là chỉ quản trên chữ Phật làm đạo lý. Tuyết Đậu nói nếu thế ấy khởi triển sự đầu cơ hiểu, giống như “què trạnh rùa mù vào hang trống”, biết ngày tháng năm nào tìm được đường ra. Câu“hoa nhóm nhóm, gấm nhóm nhóm” đây là vị Tăng hỏi Hòa thượng Trí Môn: Động Sơn nói ba cân gai là ý chỉ thế nào? Trí Môn đáp: Hoa nhóm nhóm, gấmnhóm nhóm, hiểu chăng? Tăng thưa: Chẳng hiểu. Trí Môn nói: Tre đất Nam chừ cây đất Bắc. Vị Tăng trở về thưa lại với Động Sơn. Động Sơn nói: Ta chẳng vì ngươi nói, ta vì đại chúng nói. Liền thượng đườngnói: Nói không bày việc, lời chẳng hợp cơ, nương lời là mất, kẹt câu là mê. Tuyết Đậu muốn phá tình kiến người, cố ý dẫn làm nhất quán tụng ra. Người sau lại chuyển sanh tình kiến nói, gai là đồ hiếu phục, trúc là hiếu trượng, nên nói “tre đất Nam chừ cây đất Bắc”. Hoa nhóm nhóm, gấmnhóm nhóm là trước đầu quan tài vẽ hoa cỏ. Lại biết hổ thẹn chăng? Đâuchẳng biết “tre đất Nam chừ cây đất Bắc” cùng “ba cân gai” giống như tiếng kêu Cha với Ba vậy. Người xưa đáp một chuyển ngữ quyết là ý chẳng thế ấy. Như Tuyết Đậu nói “mặt trời chóng mặt trăng gấp” đại để là mộtloại nói rộng ra, chỉ là vàng thau khó biện, tôm tép khó phân. Tuyết Đậu tâm lão bà tha thiết cốt phá nghi tình cho ông, lại dẫn người chết. “Nhân nhớ Trường Khánh Lục đại phu, khéo nói nên cười chẳng nên khóc.”Nếu luận về tụng của Sư chỉ ba câu đầu đồng thời tụng xong. Ta hỏi ông, trọn vẹn chỉ là ba cân gai, tại sao Tuyết Đậu lại có nhiều sắn bìm? Chẳng qua vì quá từ bi nên như thế. Lục Hoàn đại phu làm Quán sát sử ởTuyên Châu đến tham vấn Nam Tuyền. Khi Nam Tuyền tịch, nghe sắp đi chôn, ông vào chùa tế xong liền cười ha hả. Viện chủ bảo: Tiên sư cùng Đại phu có nghĩa thầy trò sao chẳng khóc? Đại phu bảo: Nói được thì khóc. Việnchủ lặng câm. Đại phu khóc to nói: Trời xanh! Trời xanh! Tiên sư cách đời xa vậy! Sau này Trường Khánh nghe, bèn nói: Đại phu nên cười chẳngnên khóc. Tuyết Đậu mượn ý này đại để nói: nếu ông khởi loại tình giảinày, chính nên cười chớ có khóc. Phải là phải, rốt sau có một chữ thậtquái gở, nói “chao”, Tuyết Đậu rửa được sạch chăng?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com