Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Tắc 04 - Tắc 06

22/04/201106:16(Xem: 5507)
3. Tắc 04 - Tắc 06

BÍCHNHAM LỤC
Tác giả: Thiền sư Viên Ngộ - Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ
Tu viện Chân Không 1980

TẮC 4

ĐỨC SƠN MẮC ÁO VẤN ĐÁP

LỜI DẪN: Thanh thiên bạch nhật không được chỉ đông vẽ tây, thời tiết nhân duyên cần phải hợp bệnh cho thuốc. Hãy nói buông đi tốt, nắm đứng tốt, thử cử xem.

CÔNG ÁN: Đức Sơn đến Qui Sơn, mắc áo trên pháp đường, từ phía Đông đi qua phía Tây, từ phía Tây đi qua phía Đông, nhìn xem, nói: Không! Không! Liền đi ra. (Tuyết Đậu trước ngữ: Khám phá xong. Viên Ngộ: Lầm! Quả nhiên điểm!) Đức Sơn ra đến cửa lại nói: Cũng khôngđược lôi thôi. Liền đầy đủ oai nghi trở vào ra mắt. Qui Sơn ngồi yên. Đức Sơn đưa tọa cụ lên nói: Hòa thượng! Qui Sơn toan nắm cây phất tử. Đức Sơn liền hét, phủi áo đi ra. Tuyết Đậu trước ngữ: Khám phá xong. (Viên Ngộ: Lầm! Quả nhiên! Điểm!) Đức Sơn xây lưng với pháp đường, mang giàycỏ liền đi. Đến chiều, Qui Sơn hỏi Thủ tọa: Người mới đến khi nãy ở đâu? Thủ tọa thưa: Khi ấy ông xây lưng pháp đường mang giày cỏ đira.Qui Sơn bảo: Kẻ này về sau đến trên đảnh cô phong dựng chiếc am cỏ quởPhật mắng Tổ. Tuyết Đậu trước ngữ: Trên tuyết thêm sương. (Viên Ngộ: Lầm! Quả nhiên! Điểm!)

GIẢI THÍCH: Giáp Sơn (Viên Ngộ) hạ ba chữ “điểm”, các ông lại hội chăng? Có khi đem một cọng cỏ làm thân vàng trượng sáu, cókhi đem thân vàng trượng sáu làm một cọng cỏ. Đức Sơn xưa là Giảng sư ởTây Thục giảng kinh Kim Cang. Trong kinh nói: “Kim Cang Dụ Định trong Hậu Đắc Trí, phải ngàn kiếp học oai nghi Phật, muôn kiếp học tế hạnh Phật, sau mới thành Phật.” Thế mà những con ma phương Nam (Thiền sư) nói “tức tâm là Phật”, ông nổi giận gánh bộ kinh Kim Cang Sớ Sao đi hành cước, thẳng đến phương Nam phá bọn ma. Xem ông phát giận như thế, cũnglà kẻ mãnh lợi. Ban đầu ông đến Lễ Châu, trên đường gặp một bà già bánbánh, bèn để gánh kinh xuống, mua bánh điểm tâm. Bà già hỏi: Trong gánh đó là gì? Đức Sơn đáp: Kinh Kim Cang Sớ Sao. Bà già nói: Tôi có một câu hỏi, nếu Thầy đáp được cúng dường bánh điểm tâm, bằng đáp không được xin mời đi nơi khác mua. Đức Sơn bảo: Nên hỏi. Bà hỏi: Kinh Kim Cang nói “quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khảđắc”, Thượng tọa muốn điểm tâm nào? Đức Sơn lặng câm. Bà bèn chỉ đến tham vấn Long Đàm. Vừa tới cửa, Đức Sơn liền nói: Nghe danh Long Đàm đã lâu, hôm nay đi đến, Đàm (đầm) cũng chẳng thấy, Long (rồng) cũng chẳnghiện. Long Đàm ở trong nhà bước ra, nói: Ông đến gần Long Đàm. Đức Sơnđảnh lễ rồi lui. Một đêm, Đức Sơn vào thất đứng hầu, canh đã khuya, Long Đàm bảo: Sao chẳng xuống đi? Đức Sơn cúi đầu vén rèm bước ra, thấy ngoài trời tối đen, lại trở vào thưa: Ngoài trời tối đen. Long Đàm đốt cây đèn cầy trao cho Đức Sơn. Đức Sơn vừa nhận, Long Đàm liền thổi tắt. Đức Sơn bỗng nhiên đại ngộ, lễ bái. Long Đàm hỏi: Ông thấy cái gì mà lễ bái? Đức Sơn thưa: Từ đây về sau con không còn nghi đầu lưỡi của chư Hòa thượng. Hôm sau, Long Đàm thượng đường nói: Trong đây có kẻ răng như cây kiếm,miệng tợ chậu máu, đánh một gậy chẳng ngoái đầu, ngày kia hôm khác sẽ lên trên đảnh cô phong thành lập đạo của ta. Đức Sơn bèn đem bộ Sớ Saora trước pháp đường nổi lửa đốt, nói: Cùng chư huyền biện như một sợi lông ném trong hư không, tột chỗ khôn khéo của đời như một giọt nước nhỏ xuống hồ to. Sư liền thiêu sạch.

Sau khi nghe Qui Sơn giáo hóa hưng thạnh, Đức Sơn bèn thẳng đến Qui Sơn, tức là tác gia gặp nhau. Đến nơi, chiếc bị ông cũngchẳng cởi, đi thẳng đến pháp đường, đi từ đông qua tây, từ tây qua đông, nhìn xem nói: Không! Không! Liền đi ra. Thử nói ý ở chỗ nào? Có phải điên chăng? Nhiều người lầm hiểu cho là kiến lập, toàn không dính dáng. Xem ông thế ấy quả là kỳ đặc. Cho nên nói: Xuất chúng phải là kẻ anh linh, thắng địch chính là sư tử con. Thi Phật, nếu không con mắt như thế dù trải ngàn năm cũng chả làm gì. Đến trong ấy, phải hàng thông phươngtác gia mới thấy được. Phật pháp không có nhiều việc, ở đâu mang lắm tình kiến? Tại sao? Ấy là tâm họ rối rắm, sanh nhiều thứ nhọc nhằn. Dođó, Huyền Sa nói: “Giống như bóng trăng dưới đầm thu, tiếng chuông đêmlặng tùy gõ đánh tùy dộng mà không khuyết, chạm sóng mà không tan, đâyvẫn là việc bên bờ sanh tử.” Đến trong ấy cũng không được mất phải quấy, cũng không kỳ đặc huyền diệu. Đã không kỳ đặc huyền diệu, làm sao hiểuông ấy từ đông qua tây, từ tây qua đông? Hãy nói ý như thế nào? Ông già Qui Sơn cũng chẳng quản y. Nếu không phải Qui Sơn, ắt bị y bẻ gãy rồi.Xem lão tác gia Qui Sơn kia gặp nhau chỉ quản ngồi xem thành bại. Nếu không phải hiểu thấu lai phong, đâu thể làm như thế. Tuyết Đậu trước ngữ: Khám phá xong! Thật giống như cây cọc sắt. Trong chúng gọi đó là trướcngữ (lời qui thúc). Tuy nhiên tại hai bên, lại chẳng đứng hai bên. Tuyết Đậu nói khám phá xong, làm sao hiểu? Chỗ nào là chỗ khám phá? Thử nói,khám phá Đức Sơn hay khám phá Qui Sơn? Đức Sơn liền ra đến cửa, lại cần nhổ gốc, tự nói: Cũng chẳng được lôi thôi, cần cùng Qui Sơn vạch bày ngũ tạng tâm can, một trường pháp chiến. Lại đầy đủ oai nghi trở lại gặp nhau. Qui Sơn ngồi yên, Đức Sơn đưa tọa cụ lên nói: Hòa thượng! Qui Sơn toan nắm cây phất tử, Đức Sơn liền hét, phủi áo đi ra. Thật là kỳ đặc.Trong chúng đa số nói Qui Sơn sợ Đức Sơn, có gì dính dáng. Qui Sơn cũng chẳng vội vàng. Sở dĩ nói trí vượt hơn cầm thì bắt được cầm, trí vượt hơn thú thì bắt được thú, trí vượt hơn người thì bắt được người. Ngườitham được loại Thiền này, dù cả đại địa sum la vạn tượng, thiên đường,địa ngục, cỏ cây, người súc, đồng thời hét một tiếng cũng chẳng quản, lật ngược giường thiền, hét tan đại chúng cũng chẳng đoái, cao như trời, dầy như đất. Qui Sơn nếu không có thủ đoạn ngồi cắt lưỡi người trong thiên hạ, khi ấy nghiệm ông ta cũng rất khó. Nếu không phải là bậc thiện tri thức của một ngàn năm trăm người, đến trong ấy cũng khó rành rõ. Qui Sơn là người ngồi trong buồng the tính toán, mà thắng được kẻ địch bênngoài ngàn dặm. Đức Sơn xây lưng pháp đường mang giầy cỏ liền đi ra, hãy nói ý thế nào? Các ông nói Đức Sơn là thắng hay thua? Qui Sơn thế ấy là thắng hay thua? Tuyết Đậu trước ngữ: Khám phá xong. Quả là ông hạ thủ công phu thấy thấu chỗ tột cùng sâu sắc của cổ nhân, mới có cái kỳ đặcnhư thế. Nột Đường nói: “Tuyết Đậu đặt hai cái khám phá, chia làm ba đoạn phán xét mới rõ công án này. Giống như người bàng quan phán đoán hai người chiến đấu.” Qui Sơn từ từ đến chiều mới hỏi Thủ tọa: Người mới đến khi nãy ở đâu? Thủ tọa thưa: Khi ấy ông xây lưng pháp đường mang giày cỏ đi ra. Qui Sơn bảo: Kẻ này về sau lên đảnh ngọn cô phong dựng chiếc am cỏ quở Phật mắng Tổ. Hãy nói ý chỉ ông ta thế nào? Lão Qui Sơn không phải hảo tâm. Về sau Đức Sơn quở Phật, mắng Tổ, làm mưa làm gió,như xưa vẫn không ra khỏi hang ổ của Qui Sơn, bị lão này thấy thấu bình sanh chi tiết. Đến trong đó, nói Qui Sơn thọ ký cho y được chăng? Nói đầm to chứa núi, lý hay dẹp cọp được chăng? Nếu nói thế ấy, thật buồn cười không dính dáng. Tuyết Đậu biết chỗ rơi của công án, dám cùng đó phán đoán, lại nói: Trên tuyết thêm sương. Lập lại nêu ra cho người thấy. Nếu thấy được, nhận ông cùng Qui Sơn, Đức Sơn, Tuyết Đậu đồng tham. Nếu thấy chẳng được, tối kỵ chớ sanh tình giải.

TỤNG:

Nhất khám phá
Nhị khám phá
Tuyết thượng gia sương tằng hiểm đọa
Phi Ký tướng quân nhập Lỗ đình
Tái đắc hoàn toàn năng kỷ cá
Cấp tẩu quá
Bất phóng quá
Cô phong đảnh thượng thảo lý tọa
Đốt!

DỊCH:

Một khám phá
Hai khám phá
Trên tuyết thêm sương từng hiểm đọa
Phi Ký tướng quân vào Lỗ đình
Về được hoàn toàn hay mấy kẻ
Chạy nhanh qua
Chẳng bỏ qua
Trên đảnh cô phong ngồi trong cỏ
Đốt!

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu tụng một trăm tắc công án, mỗi tắc mỗi tắc phải thắp hương niêm ra, vì thế mà thạnh hành ở đời. Sư đãhiểu văn chương lại thấu triệt công án, xem khắp chín chắn mới dám hạ bút. Tại sao như thế? Vì rắn rồng dễ biện, Thiền tăng khó lừa. Tuyết Đậu tham thấu công án này, chỗ đặc sắc chi tiết khúc mắc đặt ba câu, gom lại tụng ra “trên tuyết thêm sương từng hiểm đọa”. Đến như Đức Sơn giống ai? Giống Lý Quảng thiên tánh bắn giỏi, vua phong Phi Ký tướng quân, xông vào triều đình nước Lỗ, bị Đơn Vu bắt sống. Khi ấy Lý Quảng bị thương,quân giặc cột dây giữa hai con ngựa để Lý Quảng nằm chở đi. Lý Quảng giả bộ chết, liếc xem bên cạnh có người Hồ cỡi con ngựa giỏi. Lý Quảng vọtmình nhảy lên lưng ngựa, xô người Hồ té, giựt cung tên, quất ngựa chạyvề Nam, giương cung bắn lui những kẻ đuổi theo, nhờ đó được thoát nạn.Kẻ này có thủ đoạn như thế, nên trong chết được sống. Tuyết Đậu dẫn vào trong bài tụng để so sánh Đức Sơn tái yết kiến Qui Sơn, như trước bị Qui Sơn mà nhảy ra được. Xem người xưa thấy đến nói đến hành đến, dụng đến, quả là bậc anh linh, có tư cách giết người không nháy mắt, mới kham liền đó thành Phật. Có người liền đó thành Phật, tự nhiên có tư cách giết người không nháy mắt, mới có phần tự do tự tại. Hiện nay, có người hỏiđạo, sờ trên đầu dường như khí khái Thiền tăng, vừa đẩy nhè nhẹ thì lưng gãy đùi đứt bảy phần tám mảnh, lẫn lộn không có chút tương tục. Vì thếngười xưa nói tương tục cũng rất khó. Xem Đức Sơn, Qui Sơn như thế, hácó kiến giải lăng xăng? Trở lại hoàn toàn, có được mấy người? “Chạy nhanh qua”, Đức Sơn hét một tiếng liền đi ra. Giống như Lý Quảng bị bắt, sau thiết kế bắn một mũi tên giết một tướng Phiên, chạy ra khỏi triều đình nước Lỗ. Tuyết Đậu tụng đến đây rất có công phu Đức Sơn xây lưng pháp đường mang giầy cỏ đi ra, là nói lên được cái tiện nghi. Đâu biếtlão này như trước, chẳng cho người xuất đầu. Tuyết Đậu nói “chẳng bỏ qua”. Qui Sơn đến chiều hỏi Thủ tọa: Người mới đến khi nãy ở đâu? Thủ tọa thưa: Chính khi ấy xây lưng pháp đường mang giầy cỏ đi ra. Qui Sơnbảo: Kẻ này sau kia đến trên đảnh cô phong dựng chiếc am cỏ quở Phật mắng Tổ. Đâu từng bỏ qua, quả là kỳ đặc. Đến trong ấy vì sao Tuyết Đậunói “trên đảnh cô phong ngồi trong cỏ”? Lại hạ một tiếng hét. Hãy nói rơi tại chỗ nào? Lại tham ba mươi năm!

TẮC 5

TUYẾT PHONG LÚA GẠO

LỜI DẪN: Đại phàm phù thụ tông giáo phải là kẻ anh linh, có tư cách giết người không ngó lại, mới đáng liền đó thành Phật. Vì thế chiếu dụng đồng thời, cuộn buông cùng xướng, lý sự chẳng hai, quyền thật đồng hành. Nhảy qua một mức là dựng lập nghĩa môn thứ hai, liền đó chặt đứt sắn bìm, kẻ hậu học sơ cơ khó mà nương tựa. Hôm qua việc thế ấy, bất đắc dĩ, ngày nay lại thế ấy, tội lỗi đầy trời. Nếu làkẻ mắt sáng, một điểm dối y chẳng được. Kia chưa được thế, nằm ngang trong hang cọp chẳng khỏi tan thân mất mạng. Thử cử xem?

CÔNG ÁN: Tuyết Phong dạy chúng: Cả quả đất nắm lại lớn bằng hạt lúa hạt gạo, ném đến trước mặt, chẳng hiểu, thùng sơn, đánh trống phổ thỉnh xem.

GIẢI THÍCH: Trường Khánh hỏi Vân Môn: Tuyết Phong nói thế ấy lại có chỗ xuất đầu chẳng được chăng? Vân Môn đáp: Có. Trường Khánh hỏi: Làm thế nào? Vân Môn đáp: Không thể thảy làm kiến giải dã hồ tinh. Tuyết Phong nói trên đôi chẳng đủ, dưới đôi có dư, tôi lại vì ông làm sắn bìm. Sư cầm cây gậy đưa lên nói: Lại thấy Tuyết Phong chăng? Dốt! Lệnh vua hơi nghiêm, không cho cướp giựt người đi chợ. Đại Qui Triết nói: Ta lại cho ông trên đất thêm bùn. Sư cầm cây gậy đưa lên nói: Xem! Xem! Tuyết Phong đến trước mặt các ông đi ỉa. Dốt! Vì sao cứt thúi cũng chẳng biết?

Tuyết Phong dạy chúng: “Cả quả đất nắm lại lớn bằng hạt lúa hạt gạo.” Cổ nhân tiếp vật lợi sanh có chỗ kỳ đặc, chỉ là chẳng ngại gian lao. Sư ba phen lên Đầu Tử, chín lần đến Động Sơn, mang thùng thông muỗng gỗ, đến nơi làm trưởng trai phạn, cũng chỉ vì thấu thoát việc này. Khi đến Động Sơn, Sư làm trưởng trai phạn. Một hôm, Động Sơnhỏi: Làm gì? Tuyết Phong đáp: Đãi gạo. Động Sơn hỏi: Đãi cát bỏ gạo hay đãi gạo bỏ cát? Tuyết Phong đáp: Cát gạo đồng thời bỏ. Động Sơn hỏi: Đại chúng lấy gì ăn? Tuyết Phong liền úp chậu lại. Động Sơn bảo: Duyên ngươi ở Đức Sơn, liền chỉ đường đến yết kiến. Vừa tới Đức Sơn, Tuyết Phong hỏi: Việc trong tông thừa từ trước, con lại có phần chăng? Đức Sơn đánh một gậy, hỏi: Nói cái gì? Nhân đây Tuyết Phong có tỉnh. Sau ở Ngao Sơntrở tuyết, Sư nói với Nham Đầu: Tôi khi ở Đức Sơn, ngay lúc ăn gậy nhưthùng lủng đáy. Nham Đầu quát bảo: Ông chẳng thấy nói “từ cửa vào chẳng phải của báu trong nhà”, nên trong hông ngực mình lưu xuất, che trời che đất, mới có ít phần tương ưng. Tuyết Phong bỗng nhiên đại ngộ, lễ bái nói: Sư huynh! Ngày nay mới là thành đạo ở Ngao Sơn.

Người nay chỉ nói: Cổ nhân chuyên môn khuyên dạy người sau y theo qui củ. Nói thế là chê bai cổ nhân, gọi là tội xuất Phật thân huyết. Người xưa không có cẩu thả như người nay, há dùng mộtlời nửa câu để thỏa mãn bình sanh sao? Vì phù thụ Tông giáo, tiếp nối thọ mạng Phật, nên nói một lời nửa câu, tự nhiên ngồi cắt đầu lưỡi người trong thiên hạ, không có đường cho ông để ý, không có chỗ khởi tình giải dính đạo lý. Xem lời dạy này của Tuyết Phong, biết Sư đã từng gặp bậc tác gia, nên mới có lối rèn luyện tác gia. Phàm nói ra một lời nửa câu, không phải tâm cơ ý thức suy nghĩ, ở trong hang quỉ tìm kế sống, hẳn là siêu quần bạt tụy, ngồi đoạn cổ kim, chẳng cho nghĩ nghị. Chỗ dùng củaSư trọn là như thế.

Một hôm, Sư bảo chúng: Núi Nam có con rắn to, tất cả các ông cần phải khéo xem! Lăng đạo giả đứng dậy nói: Thế thì trong nhà hôm nay ắt có người tan thân mất mạng. Sư lại nói: Cả quả đất là con mắt của Sa-môn, các ông đi ỉa chỗ nào? Sư lại nói: Nhà Vọng Châu cùng ông thấy nhau rồi, núi Ô Thạch cùng ông thấy nhau rồi, trước Tăng đường cùng ông thấy nhau rồi.

Bảo Phước hỏi Nga Hồ: Trước Tăng đường hãy gác lại, thế nào là nhà Vọng Châu, núi Ô Thạch thấy nhau? Nga Hồ đi nhanh về phương trượng.

Sư thường cử những lời loại này dạy chúng, như nói: “Cả quả đất nắm lại lớn bằng hạt lúa hạt gạo.” Lúc này có thể dùng tình thức tính toán được chăng? Phải là đập tan lồng lưới, được mất, phải quấy đồng thời buông sạch, thong dong tự tại, tự nhiên thoát được vòngvẽ, mới thấy được chỗ dùng của người. Hãy nói Tuyết Phong ý tại chỗ nào? Người phần nhiều khởi tình giải nói: Tâm là chủ vạn vật, cả quả đất đồng thời trong tay ta. Thật tức cười không dính dáng. Đến trong ấy phải làkẻ chân thật, vừa nghe cử ra liền tột xương tận tủy, thấy được thấu, chẳng rơi vào tình từ ý tưởng. Nếu là kẻ bản sắc Thiền tăng hành cước,thấy ông ta như thế đã là lôi thôi, mới xứng vì người rồi vậy. Xem Tuyết Đậu tụng:

TỤNG:

Ngưu đầu một,
Mã đầu hồi,
Tào Khê cảnh lý tuyệt trần ai
Đả cổ khán lai quân bất kiến,
Bách hoa xuân chí vị thùy khai?

DỊCH:

Đầu trâu mất,
Đầu ngựa về,
Trong vắt Tào Khê gương chẳng nhơ
Đánh trống đến xem, anh chẳng thấy,
Trăm hoa xuân đến nở vì ai?

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu tự nhiên thấy cổ nhân, chỉ tiêu mạng mạch kia bằng một lần vạch ra, liền vì đó tụng “đầu trâu mất, đầungựa về”. Thử nói luận về việc gì? Nếu thấy được thấu, như sáng ăn cháo, trưa ăn cơm, chỉ là tầm thường. Tuyết Đậu từ bi ngay đầu dùng một chùyđập nát, một câu cắt đứt, chỉ là quá ư cao vót, như chọi đá nháng lửa,dường làn điện chớp, chẳng bày mũi nhọn, không có chỗ cho ông gá nương. Hãy nói nhằm vào ý căn dò tìm được chăng? Hai câu này đồng thời nói hết rồi. Đến câu thứ ba, Tuyết Đậu lại khai một mạch lược bày chút ít phong qui, sớm đã rơi vào cỏ. Câu thứ tư thẳng bon rơi vào cỏ. Nếu nhắm trênlời sanh lời, trên câu sanh câu, trên ý sanh ý, khởi hiểu khởi hội, chẳng những làm lụy Lão tăng mà cũng cô phụ Tuyết Đậu. Người xưa câu tuy như thế, ý chẳng như thế, trọn không tạo đạo lý để trói buộc người. Câu “trong vắt Tào Khê gương chẳng nhơ”, nhiều người nói tâm lặng liền là gương. Thật tức cười không dính dáng. Chỉ quản khởi so sánh đạo lý, biết bao giờ liễu ngộ. Cái này là bổn phận thuyết thoại, Sơn tăng chẳng dámkhông y bổn phận. Hai câu “đầu trâu mất, đầu ngựa về”, Tuyết Đậu nói rõ ràng rồi. Chính vì người chẳng thấy, cho nên Tuyết Đậu lại lôi thôi tụng ra “đánh trống đến xem anh chẳng thấy”. Kẻ si lại thấy chăng? Lại vì ông nói “trăm hoa xuân đến nở vì ai”. Có thể nói nở toang cửa nẻo, vì ông một lúc chữ “bát” mở rồi. Kịp khi xuân đến, nơi hang sâu khe vắng chỗ không người, trăm hoa vẫn đua nở, ông thử nói nở vì ai?

TẮC 6

VÂN MÔN MỖI NGÀY ĐỀU LÀ NGÀY TỐT

CÔNG ÁN: Vân Môn dạy: Ngày mười lăm về trước chẳng hỏi ông, ngày mười lăm về sau nói cho một câu xem? Sư tự đáp thế: Mỗi ngày đều là ngày tốt.

GIẢI THÍCH: Vân Môn ban đầu tham vấn Mục Châu, Mục Châu đối đáp nhanh như điện xoay, thật là khó nương gá. Sư bình thườngtiếp người vừa vào cửa liền nắm đứng bảo: Nói! Nói! Khởi suy nghĩ liềnbị xô ra, nói: Cây dùi cùn thời Tần. Vân Môn yết kiến đến ba phen, mớigõ cửa, Mục Châu hỏi: Ai? Vân Môn thưa: Văn Yển. Vừa mở cửa liền chạy ùa vào. Mục Châu nắm đứng bảo: Nói! Nói! Vân Môn suy nghĩ liền bị xô ra, Vân Môn một chân còn trong ngạch cửa, Mục Châu đóng ập cửa lại, nghiềndập bàn chân Vân Môn. Vân Môn đau quá la to, bỗng nhiên đại ngộ. Sau này ngữ mạch tiếp người của Vân Môn một lối mẫu mực của Mục Châu. Vân Môn ởnhà Thượng thơ Trần Tháo ba năm, Mục Châu chỉ đến hội Tuyết Phong. Đếnnơi, Sư liền ra chúng hỏi: Thế nào là Phật? Tuyết Phong bảo: Chớ nói mớ! Vân Môn lễ bái, ở lại ba năm. Một hôm, Tuyết Phong hỏi: Chỗ thấy của con thế nào? Vân Môn thưa: Chỗ thấy của con cùng chư Thánh không đổi dời một sợi tóc mảy tơ.

Thiền sư Linh Thọ hai mươi năm không mời chức Thủ tọa, thường nói: Thủ tọa của ta sanh. Lại nói: Thủ tọa của ta chăn trâu. Lại nói: Thủ tọa của ta đi hành cước. Bỗng một hôm đánh chuông sai chúng ra trước tam quan đón Thủ tọa. Quả thật Vân Môn đến, liền thỉnh vào liêu Thủ tọa nghỉ ngơi. Người thời ấy gọi Linh Thọ là Thiền sư Tri Thánh, bởi dự biết trước việc quá khứ vị lai. Quảng chúa là Lưu vương sắp cử binh, đích thân đến viện thỉnh Sư quyết định tốt xấu. Linh Thọ đã biết trước, vui vẻ ngồi tịch. Quảng chúa tức giận hỏi thị giả: Hòa thượng bệnh lúcnào? Thị giả đáp: Thầy không hề có bệnh, có một phong thư bảo Hầu vương đến trao. Quảng chúa mở bì thấy một tấm thiếp viết: Con mắt người trờilà Thủ tọa trong chùa. Quảng chúa hiểu ý liền dừng binh, thỉnh Vân Mônxuất thế trụ Linh Thọ. Về sau mới trụ Vân Môn. Sư khai đường thuyết pháp có Cúc thường thị đến hỏi: Trái Linh Thọ chín chưa? Sư đáp: Trong năm nào được tin nó sống? Ông lại dẫn nhân duyên Lưu vương xưa là người khách bán hương… Sau Lưu vương phong thụy Linh Thọ là Tri Thánh Thiền Sư. Linh Thọ đời đời chẳng mất thần thông. Vân Môn có ba đời làm vua nên mất thần thông. Lưu vương mời Vân Môn cùng một số tôn túc vào nội cung nhập hạ, các vị đều cho người trong nội cung thưa hỏi và thuyết pháp, chỉ có Vân Môn không nói cũng không người thân cận. Có vị Trực điện viết một bài kệ dán trên vách điện Ngọc Bích:

Đại trí tu hành thủy thị thiền
Thiền môn nghi mặc bất nghi huyên
Vạn ban xảo thuyết tranh như thật
Du khước Vân Môn tổng bất ngôn.

DỊCH:

Đại trí tu hành mới là thiền
Cửa thiền nên lặng chớ nên huyên
Muôn điều khéo nói đâu như thật
Chỉ có Vân Môn thảy ngồi yên.

Về sau Sư trụ trì Vân Môn bình thường thuyết pháp thích nói thiền ba chữ: Cố, Giám, Di. Lại nói thiền một chữ, như vị Tăng đến hỏi: Giết cha giết mẹ đến trước Phật sám hối, giết Phật Tổ đến chỗnào sám hối? Vân Môn đáp: Lộ (bày). Lại hỏi: Thế nào là chánh pháp nhãn tạng? Vân Môn đáp: Phổ (khắp). Quả là không cho nghĩ nghị, đến chỗ bằng phẳng, lại hay mắng người. Nếu hạ một câu nói, giống hệt cây cọc sắt. Về sau xuất phát được bốn vị hiền triết: Động Sơn Sơ, Trí Môn Khoan, Đức Sơn Mật, Huơng Lâm Viễn đều là bậc đại Tông sư. Hương Lâm làm thị giả mười tám năm, khi tiếp ông Sư thường gọi: Thị giả Viễn! Viễn đáp: Dạ! Sư nói: Là cái gì? Như thế đến mười tám năm, một hôm Viễn đại ngộ. Vân Môn nói: Từ nay về sau ta không còn kêu ngươi. Vân Môn bình thường tiếp người hay dùng thủ đoạn của Mục Châu, thật là khó bề gá nương, có lối rèn luyện tháo chốt nhổ đinh. Tuyết Đậu nói: “Tôi mến Thiều Dương (VânMôn) máy mới định, một đời vì người nhổ đinh tháo chốt.”

Sư buông câu hỏi, hỏi chúng: Ngày mười lăm về trước chẳng hỏi ông, ngày mười lăm về sau nói cho một câu xem? Quả thật ngồidứt thiên sai, không thông phàm thánh. Tự đáp thay: Mỗi ngày đều là ngày tốt. Câu “ngày mười lăm về trước” là ngồi dứt thiên sai, câu “ngày mười lăm về sau” cũng ngồi dứt thiên sai, không nói ngày mai là mười sáu. Người sau chỉ quản theo lời sanh hiểu, có dính dáng chút nào. Vân Môn lập tông phong ấy ắt là có chỗ vì người. Hỏi xong liền tự đáp thay: Mỗi ngày đều là ngày tốt. Câu này thông suốt cổ kim, từ trước đến sau đồngthời ngồi dứt. Sơn tăng nói thoại như thế cũng là theo lời sanh hiểu, người giết không bằng tự giết, vừa khởi đạo lý là rơi hầm rớt hố. Vân Môn trong một câu đều đầy đủ ba câu, bởi vì tông chỉ của Ngài như thế.Nói một câu cần thiết phải qui tông, nếu không như thế tức là đỗ soạn.Việc này không cho nhiều luận thuyết. Song người chưa thấu phải cần như thế, nếu người đã thấu liền thấy ý chỉ cổ nhân. Hãy xem Tuyết Đậu làm sắn bìm:

TỤNG:

Khứ khước nhất
Niêm đắc thất
Thượng hạ tứ duy vô đẳng thất
Từ hành đạp đoạn lưu thủy thanh
Túng quan tả xuất phi cầm tích.
Thảo nhung nhung
Yên mịch mịch
Không Sanh nham bạn hoa lan tịch
Đờn chỉ kham bi Thuấn-nhã-đa
Mạc động trước
Động trước tam thập bổng.

DỊCH:

Bỏ đi một
Nắm được bảy
Trên dưới bốn phương không đồng bậc
Thong dong đạp bặt tiếng suối reo
Phỏng xem vẽ được chim bay dấu.
Cỏ xanh rì
Khói trắng bạc
Không Sanh bên núi hoa rơi loạn
Khảy tay làm thảm thần hư không
Chớ động đến
Động đến ăn ba mươi gậy.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu tụng cổ tài tình như thế, ngay đầu dùng bảo kiếm Kim Cang Vương hươi một cái, nhiên hậu lược bày chútít phong qui. Tuy nhiên như thế, cứu kính không có hai thứ hiểu. Hai câu “bỏ đi một, nắm được bảy”, đa số người hiểu theo lối tính số, bảo: bỏ đi một là việc ngày mười lăm về trước. Tuyết Đậu thẳng nơi đầu hạ hai câuấn phá xong, lại bày cho người thấy “bỏ đi một, nắm được bảy”. Tối kỵ nhằm trong ngôn cú tạo kế sống. Vì sao? Vì bánh in đâu có nước. Người ta phần nhiều rơi vào ý thức, cần phải nhằm về trước khi ngữ cú chưa sanhhội lấy, mới được đại dụng hiện tiền tự nhiên thấy được. Vì thế, đức Thích-ca sau khi thành đạo, ở nước Ma-kiệt-đề hai mươi mốt ngày, Ngài suy nghĩ thế này: “Các pháp tướng tịch diệt, không thể dùng lời nói, ta đành không thuyết pháp, chóng vào Niết-bàn.” Đến trong ấy tìm chỗ mở miệng không được. Do sức phương tiện, Phật vì năm thầy Tỳ-kheo nói, cho đến ba trăm sáu mươi hội. Giáo lý một đời đức Phật chỉ là phương tiện.Vì thế nói, cởi áo trân bảo, mặc áo nhơ xấu. Bất đắc dĩ nhằm trong nghĩa môn thứ hai, cái chỗ cạn hẹp mà dẫn dụ các con. Nếu nhằm trên chỗ toànvẹn dạy người, thì cả quả đất không có một người nửa người. Hãy nói thế nào là đệ nhất cú? Đến trong ấy, Tuyết Đậu bày chút ít ý cho người thấy. Ông chỉ trên chẳng thấy có chư Phật, dưới chẳng thấy có chúng sanh, ngoài chẳng thấy có núi sông, quả đất, trong chẳng thấy có kiến văn giác tri, giống hệt người chết rồi sống lại, dài ngắn, tốt xấu nhồi thành một khối, mỗi mỗi đem lại cũng không có thấy khác. Nhiên hậu ứng dụng không mất thích đáng, mới thấy được chỗ Tuyết Đậu nói: “bỏ đi một, nắm được bảy, trên dưới bốn bên không đồng bậc”. Nếu nơi câu này thấu được, liền là trên dưới bốn bên không đồng bậc, sum la vạn tượng cỏ cây người súcrõ ràng toàn bày gia phong của chính mình. Vì thế nói:

TỤNG:

Vạn tượng chi trung độc lộ thân
Duy nhân tự khẳng nãi phương thân
Tích niên mậu hướng đồ trung mích
Kim nhật khán lai hỏa lí băng.

DỊCH:

Ở trong hiện tượng riêng bày thân
Chỉ người tự nhận mới là gần
Năm xưa lầm nhắm trên đường kiếm
Nay mới nhìn ra lò lửa băng.

Trên trời dưới trời chỉ ta hơn hết, người đời đa số chạy theo ngọn chẳng tìm gốc. Nếu trước được gốc, tự nhiên gió thổi cỏnghiêng, nước đọng thành hồ. “Thong dong đạp bặt tiếng suối reo”, hànhđộng thư thả mà tiếng nước chảy ào ào cũng ưng đạp bặt. “Phỏng xem vẽ được chim bay dấu”, phóng mắt nhìn xem dù là dấu chim bay duờng như cũng vẽ ra được. Đến trong đây, vạc dầu lò lửa thổi liền tắt, cây kiếm núi đao hét cũng tan, chẳng phải là việc khó. Tuyết Đậu đến đây, vì lòng từ bi, ngại người ngồi trong cảnh giới vô sự, lại nói: “Cỏ xanh rì, khói trắng bạc.” Sở dĩ che lấp đi, liền được cỏ xanh rì, khói trắng bạc. Hãy nói là cảnh giới của người nào? Bảo là “mỗi ngày đều là ngày tốt” đượcchăng? Đáng tức cười không dính dáng. Chính là “thong dong đạp bặt tiếng suối reo” cũng chẳng phải, “phỏng xem vẽ được chim bay dấu” cũng chẳngphải, “cỏ xanh rì” cũng chẳng phải, “khói trắng bạc” cũng chẳng phải. Tuy tất cả đều chẳng phải, chính là “Không Sanh bên núi hoa rơi loạn”.Cần phải chuyển qua bên kia mới được. Đâu chẳng thấy Tôn giả Tu-bồ-đề ngồi yên trong núi, chư thiên mưa hoa tán thán. Tôn giả hỏi: Trong không mưa hoa tán thán là người nào? Chư thiên thưa: Tôi là thiên Đế Thích. Tôn giả hỏi: Tại sao ông tán thán? Thiên thưa: Tôi trọng Tôn giả nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa hay. Tôn giả bảo: Tôi đối với Bát-nhã chưa từng nói một chữ, ông vì sao tán thán? Thiên thưa: Tôn giả không nói, tôi khôngnghe, không nói không nghe là chân Bát-nhã. Thiên Đế Thích lại mưa hoakhắp đất. Tuyết Đậu cũng đã làm tụng:

TỤNG:

Vũ quá vân ngưng hiểu bán khai
Sổ phong như họa bích thôi ngôi
Không Sanh bất giải nham trung tọa
Nhạ đắc thiên hoa động địa lai.

DỊCH:

Mưa tạnh mây ngưng sáng nửa trời
Vẽ ra mấy ngọn núi chập chùng
Không Sanh chẳng hiểu ngồi trong núi
Liền được thiên hoa tán khắp nơi.

Thiên Đế đã mýa hoa khắp đất, đến trong ấy lại ẩn núp chỗ nào? Tuyết Đậu lại nói:

TỤNG:

Ngã khủng đào chi đào bất đắc
Đại phương chi ngoại giai sung tắc
Mang mang nhiễu nhiễu tri hà cùng
Bát diện thanh phong nặc y ngắc.

DỊCH:

Tôi ngại trốn đi trốn chẳng được
Bên ngoài đại phương đều đầy ngất
Lăng xăng rối rắm biết sao cùng?
Tám hướng gió lành thầm mặc áo.

Dù được lột trần toàn thong dong trọn không có mảy may lỗi lầm cũng chưa là cực tắc. Vả lại cứu kính thế nào mới phải? Nên xem tiếp văn sau, “khảy tay làm thảm thần Hư không”. Tiếng Phạn Thuấn-nhã-đa, phương này dịch thần Hư không. Lấy hư không làm thể, không thân xúc chạm, hào quang Phật soi mới hiện được thân. Nếu lúc ông giống như thần Hư không, thì Tuyết Đậu chính nên khảy móng tay buồn thảm. Tuyết Đậu lại nói “chớ động đến”. Khi động đến thì sao? Ngày sáng trờitrong, mở mắt ngủ khò.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com