Tác giả: Dương Tú Hạc
Dịch giả: HT Thích TríNghiêm
PHẦN III – NHƠN QUẢ
CHƯƠNG III
PHẬT ĐÀ
C. CỨU TẾ
Đức Phật năng lấy pháp tự trừ mê, cũng khiến người trừ mê; tự được thiền định, cũng khiến người được thiền định; tự qua bờ bên kia, cũng khiến người qua bờ bên kia; tự giải thoát, cũng khiến người được giải thoát; và tự được diệt độ, cũng khiến người được diệt độ.
Kinh Trường A Hàm
Đức Phật hỏi ông thầy tập voi về phương pháp điều phục con voi có mấy thứ?
Thầy tập voi đáp: Thưa Ngài có 3 thứ là:
Lấy móc sắt móc nơi miệng, rồi xỏ dây cột dắt
Giảm ăn thường khiến nó đói ốm
Lấy gậy đánh cho thật đau
Nhờ cái móc móc miệng, mới chế được cái miệng dữ; nhờ chẳng cho ăn nhiều mới chế được cái thân hung bạo; nhờ đánh đập, mới chế phục được cái tâm hung hăng.
Đức Phật bảo với ông thầy voi rằng: Ta cũng có 3 pháp như vậy, để mà điều phục mọi chúng sanh, và cũng tự điều phục mình nữa, khiến cho được đạo vô vi:
Lấy tâm chí thành mà chế ngự lỗi nơi miệng
Lấy lòng trong lành, mà chế phục cái thân cang cường
Lấy trí huệ diệt ngu si
Ai mà đủ ba món nầy, thời độ được mọi người xa lìa ba ác đạo.
Kinh Pháp Cú Thí Dụ
Đức Phật bảo Phạm thiên Tư ích: Này Tư Ích! Nếu ai hay biết Phật dùng năm sức mà nói pháp, thì kẻ ấy mới có thể làm Phật sự.
Tư Ích thưa: Bạch Thế Tôn! Phật dùng năm món sức là thứ gì?
Phật dạy: 1. Lời nói, 2. Tùy nghi, 3. Phương tiện, 4. Pháp môn, 5. Đại bi.
Lời nói: Là nói các pháp ba đời quá khứ, vị lai và hiện tại; nói pháp thế gian và xuất thế gian; nói pháp có tội không tội; nói pháp hữu lậu vô lậu; nói pháp hữu vi vô vi; nói pháp sanh tử Niết bàn. Nhưng các pháp ấy không thể nói mà phải nói. Nếu khi biết như thế, tuy có tất cả lời nói, mà với các pháp ấy không tham đắm, vì không tham đắm nên tài biện luận không bị ngăn ngại, vì các lời nói ấy chẳng phá hoại được pháp tánh của các pháp, là vì lời nói chẳng phải pháp tánh vậy.
Tùy nghi: Là cầu pháp nói tịnh pháp mà tịnh pháp nói cấu pháp; vì kẻ chấp trước nơi lời nói, nên thật ngữ nói hư vọng; vì kẻ ngạo mạn quá nặng, nên hư vọng nói thật ngữ; vì muốn diệt các chấp điên đảo phiền não nên nói có Niết bàn; vì muốn diệt cái chấp các pháp bất sanh, bất diệt và vô thường, nên nói không có Niết bàn; tùy theo pháp thế gian, nói có chúng sanh; tùy theo pháp xuất thế gian, nói không có chúng sanh.
Phương tiện: Phật vì chúng sanh nói bố thí được đại phước, trì giới được lên trời, nhẫn nhục được quả báo thân tốt đẹp tinh tấn được các công đức, thiền định được pháp vui, trí huệ được bỏ các phiền não, đa văn được thêm lớn trí huệ, tu thập thiện hưởng phước người trời; từ bi hỷ xả, được làm Phạm thiên; thiền định được như thật trí huệ; trí huệ được đạo quả; bậc "học" được bậc vô học, bậc Phật mới được vô thượng trí huệ; Niết bàn diệt tất cả phiền não. Nhưng Như Lai vô ngã tướng, vô nhơn tướng, vô chúng sanh và vô thọ giả các tướng. Cũng không bố thí cùng tham lam, không trì giới cùng phá giới, không nhẫn nhục cùng giận dữ; không tinh tấn cùng biếng lười, không thiền định cùng tán loạn, không trí huệ và quả trí huệ. Không có tất cả các tướng mà thường nói pháp, là đều vì tất cả chúng sanh mới phương tiện mà nói pháp vậy.
Pháp môn: Là mắt tai mũi lưỡi thân ý sáu căn, với sắc thanh hương vị xúc pháp sáu cảnh, đều là cửa giải thoát. Tại sao thế? Vì là sáu căn sáu cảnh kỳ thiệt là: không, vô ngã, vô ngã sở, không, vô tướng, vô tác, vô sanh, vô diệt, vô sở lai, vô sở Khứ, vô thối, vô khởi, là vì pháp tánh thanh tịnh mà Ta phương tiện dùng văn tự để chỉ vẽ mà thôi.
Đại bi: Là Phật dùng 32 đại bi cứu độ chúng sanh:
Tất cả các pháp vô ngã mà chúng sanh chẳng tin chẳng biết, Ta nơi ấy mà sanh khởi lòng đại bi
Tất cả chúng sanh, thật không mà tin có, khởi đại bi
Tất cả pháp, không thọ mạng mà tin có, khởi đại bi
Tất cả pháp, không tướng người mà tin có, khởi đại bi
Tất cả pháp, không bị có mà tin có, khởi đại bi
Tất cả pháp, không trụ mà tin có, khởi đại bi
Tất cả pháp, không chỗ về mà tin có, khởi đại bi
Tất cả pháp, không phải vật bị có của ta mà tin có, khởi đại bi
Tất cả pháp, không sở thuộc về ai mà tin có, khởi đại bi
Tất cả pháp, không có tướng khá lấy mà tin có, khởi đại bi
Tất cả pháp, không sanh mà tin có, khởi đại bi
Tất cả pháp, chẳng thối sanh mà tin có, khởi đại bi
Tất cả pháp, không dơ mà chấp dơ, nên khởi đại bi
Tất cả pháp, lìa nhiễm mà cho có nhiễm, khởi đại bi
Tất cả pháp, lìa sân mà cho có sân, khởi đại bi
Tất cả pháp, lìa si mà cho có si, khởi đại bi
Tất cả pháp không chỗ đến, mà tin có đến, nên khởi đại bi
Tất cả pháp không chỗ đi, mà tin có đi, khởi đại bi
Tất cả pháp không khởi, mà tin có khởi, khởi đại bi
Tất cả pháp không hí luận mà tin có, khởi đại bi
Tất cả pháp vô tướng mà tin có, khởi đại bi
Tất cả pháp vô tác mà tin có, khởi đại bi
Thế gian thường khởi giận dữ, tranh dành, khởi đại bi
Thế gian khởi niệm tà kiến, làm tà hạnh, khởi đại bi
Thế gian tham ăn không nhàm, cướp giựt lẫn nhau, khởi đại bi
Chúng sanh đối với sản nghiệp vợ con v.v… mến chấp chắc cứng, nên khởi lòng đại bi
Chúng sanh tham đắm với cái thân, nên khởi đại bi
Chúng sanh ưa dối gạt, làm tà mạng, nên khởi đại bi
Chúng sanh vui ở nhà bất tịnh, nên khởi đại bi
Chúng sanh lười biếng tu hạnh chánh giải thoát, khởi đại bi
Chúng sanh bỏ trí huệ cao tột, mà cầu mong trí huệ Thanh văn, Duyên giác, nên khởi đại bi
Tất cả pháp không diệt, mà tin có diệt, nên khởi đại bi
Nếu có Bồ tát nào sanh khởi lòng đại bi như thế là đấng Đại Phước Điền vậy.
Kinh Phạm Thiên Tư Ích Sở Vấn
Phật dùng một âm diễn nói pháp, tùy các loài chúng sanh đều được hiểu.
Kinh Duy Ma
Tiếng Như Lai mầu nhiệm, vang dội nghe mười phương.
Luận Trí Độ
Có lời hỏi: Pháp mà đức Phật đã chứng chỉ có một, nhưng cớ chi lại hiện cõi nước vô lượng, giáo hóa chúng sanh vô lượng, diễn tiếng nói vô lượng và hiện thân vô lượng vậy?
Đáp: Ví như tánh đất chỉ có một, chúng sanh ở rải rác, đất không nghĩ là đồng hay là khác. Lại như tánh lửa cũng chỉ có một, mà hay đốt mọi vật, lửa không phân biệt chi hết. Và như nước ở biển cả chỉ có một, mà hiện ngàn vạn hình sóng mòi, nước không phân biệt. Lại cũng như tánh gió chỉ có một mà thổi tất cả vật, gió cũng không có nghĩ thổi riêng từng vật nào. Và như vầng thái dương không bị mây mù, thì soi khắp mười phương mà tánh chói sáng chẳng sai khác.
Pháp của các đức Phật cũng in như vậy.
Kinh Hoa Nghiêm