Tác giả: Dương Tú Hạc
Dịch giả: HT Thích TríNghiêm
PHẦN III – NHƠN QUẢ
CHƯƠNG II
CHÚNG SANH
D. TỘI ÁC
Tâm là nguồn tội ác, hình là rừng ác tội.
Kinh Bát Đại Nhân Giác
Cái tâm nó lanh lẹ nhẹ nhàng động chuyển, khó nắm bắt, khó điều phục; nó rông chạy lung tung như con voi đại ác; nó thoạt qua mau chóng từng mỗi niệm như chớp sáng điện khí; nó nhảy vọt rộn ràng chẳng đứng yên như con vượn khỉ. A? là cội gốc của tất cả các điều tội ác vậy.
Kinh Niết Bàn
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là mụ làm mai mối cho kẻ giặc vào cướp đoạt của báu nhà mình.
Kinh Lăng Nghiêm
Nước hay hiện bóng, nếu đem đổ vào vò, rồi lấy vải bịt miệng vò lại, mới lấy lửa đốt cho thật nóng, nước trong vò sôi vọt. Chúng sanh đem mặt đến soi vào, chắc chẳng thấy bóng hình gì cả. Cũng giống như thế, nơi tâm vốn sẵn có ba món độc, nó sôi vọt ở trong, rồi năm món ngăn che là: tham dục, giận dữ, ngủ nghỉ, loạn động và nghi ngờ, nó bịt che bên ngoài thì làm sao mà thấy được Đạo.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương
Nữ sắc là cùm xiềng gông tròng của thế gian, với kẻ phàm phu say sưa đắm đuối, không thể tự thoát được.
Kinh Nhựt Minh Bồ Tát
Phật dạy: Người mà chạy theo tình dục, tìm cầu thanh danh, khi thanh danh vừa ló mùi, thời cái thân đã chết mất rồi vậy. Lo tham thanh danh thế gian mà chẳng học Đạo, uổng công nhọc sức như trầm hương đốt lửa, thiên hạ chưa kịp nghe ngửi mùi thơm, mà nén hương đã tiêu thành tro mất rồi, là vì lửa làm nguy hiểm cho thân ở sát một bên sau lưng vậy.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương
Bị các nỗi khổ là bởi lòng tham dục làm gốc, nếu dứt tham dục, thời khổ không nương vào đâu mà tồn tại.
Kinh Pháp Hoa
Giận dữ là cội gốc làm mất các pháp lành, là nhơn đọa ác đạo, là kẻ oan gia của pháp vui, là đứa giặc cướp của lòng lành vậy.
Luận Trí Độ
Tấm thân như đất, lòng lành như lúa, lòng ác như cỏ. Cỏ bẩn chẳng trừ, lúa chẳng thành gạo. Người chẳng trừ ác, thời chẳng đặng Đạo. Người mạ giận dữ, là đất sanh cỏ. Lòng lành như điện, nó đến thì sáng, nó đi thì tối. Tà niệm như mây che chẳng thấy trời; đã khởi lòng ác làm gì thấy Đạo.
Kinh Tam Huệ
Tội lỗi rất lớn đối với đạo pháp chính là giận dữ. Các Bồ tát đến với các Bồ tát khác, nêu khởi lòng giận dữ, tức là đã mở xong trăm vạn cửa ngăn che. Đã có chỗ gọi: ngăn che chẳng cho thấy đạo Bồ đề, ngăn che chẳng cho nghe chánh pháp, ngăn che cho sanh về thế giới bất tịnh, ngăn che cho sanh về các ác thú, ngăn che bị nhiều tật bịnh, ngăn che bị nhiều hủy báng, ngăn che ôm lòng mất chánh niệm, ngăn che thiếu khuyết trí huệ, ngăn che gần ác tri thức, ngăn che ưa học tiểu thừa pháp, ngăn che chẳng đặng tin kính kẻ đại oai đức, ngăn che chẳng muốn cùng ở với người chánh kiến, và ngăn che chẳng đặng trừ sạch các nghiệp tội lỗi.
Kinh Hoa Nghiêm
Lòng giận dữ độc hại hơn lửa dữ, thường phải đề phòng chớ cho nổi lên. Kẻ giặc cướp của công đức, chẳng ai bằng giận dữ.
Kinh Di Giáo
Một niệm khởi lửa giận, có thể đốt cháy gốc lành nhiều vô lượng kiếp.
Kinh Đại Nhựt
Thà sanh khởi trăm ngàn lòng tham, chớ khởi một cơn giận dữ; vì cái mà làm tổn hại lòng đại từ chẳng gì hơn bằng giận dữ.
Kinh Quyết Định Tì Ni
Kẻ phàm phu bị trăm món dục trói buộc, nghĩa là thân lẫn tâm bị ma ba tuần tự do dẫn đi như bọn thợ săn bắt được con khỉ, rồi trói lại thay nhau gánh đem về nhà.
Kinh Niết Bàn
Xưa có con rắn, đầu đuôi tranh hơn với nhau. Cái đầu bảo: ta có tai nghe, mắt thấy, miệng ăn, khi đi tất nhiên ta đi trước, còn ngươi đâu có những tài ấy mà hơn ta được, cho nên ta chắc chắn hơn ngươi vậy. Đuôi cãi lại: tuy vậy mà nếu ta chẳng cho ngươi đi thời ngươi không thể đi được. Rồi nó đem đuôi quấn vào cây ba vòng, nằm luôn ba ngày chẳng buông thả, cái đầu muốn đi kiếm ăn mà chẳng đi được, đói gần hụt hơi. Tính bề không xong, bắt đắc dĩ mà bảo rằng: thôi ta thua, ngươi hơn ta nên thả thân ra.
Cái đuôi mới chịu thả thân. Đầu bảo: ngươi đã hơn ta, ngươi phải đi trước. Cái đuôi thắng trận sung sướng vút vắt đi trước, thì chẳng bao lâu bị sa xuống hầm lửa mà chết thui mất.
Đức Phật dạy: cái thí dụ này, ví cho những chúng sanh ngu muội, tranh chấp nhơn ngã rồi đôi bên đều sanh giận dữ mà cùng nhau đọa vào tam đồ ác đạo vậy.
Kinh Tạp Thí Dụ
Những chúng sanh tự buông lung tham năm món dục nên mới hiện thành cảnh giới bất tịnh. Tại sao? Vì chúng sanh ngu si mê hoặc, bị nữ sắc làm mờ ám tâm trí mà phải chìm đắm, như chiếc áo trắng dễ ăn màu nhuộm. Như con trùng nằm trong đống phẩn, cho phẩn là ngon; như kẻ phạm tội bị nhiều hình ngục xiềng trói; như đứa mù dắt đứa đui dễ bị sa hầm sụp hố. Tổn hại căn lành, mất các pháp bảo, xa lìa giới hương, thương hại huệ mạng. Những chúng sanh như thế là vì ngu si, nên bị tham dục làm mù quáng mê mờ, còn bị nó sai khiến đủ thứ như đứa đầy tớ là khác.
Kinh Hoa Nghiêm
Thí như con sư tử khi bị đánh bắn, thì nó tìm kẻ ác hại mà trả thù. Lại như con chó đại cũng bị đánh đập mà chẳng biết tìm trả thù. Sư tử dụ cho người trí, biết tìm gốc mà diệt trừ phiền não. Chó dại dụ cho ngoại đạo lấy năm thứ lửa mà đốt thân, chẳng biết bản tâm vậy.
Những kẻ phàm phu phần nhiều mê mờ chơn đạo, chẳng biết quan sát thân tâm vô ngã, chỉ chuyên tập khổ hạnh cho là Đạo, rồi cũng vọng hành như ngoại đạo tà pháp lầm chấp trái với chơn đạo, chỉ gây nên ác pháp mà thôi.
Luận Đại Trang Nghiêm Kinh
Kẻ ngủ không được cho đêm là dài, người biếng nhác cho đạo là xa. Đứa ngu ở trong sanh tử mới lâu dài thật.
Kinh Pháp Cú
Người ngu si luống uổng đêm dài, giống như gỗ đá chạm trổ thành tượng, hình tuy giống người mà đâu có hiểu biết.
Kinh Bảo Tích
Phật dạy: Người ngu trong đời, chỉ thấy người ta ác mà chẳng biết mình ác, rồi cũng chỉ thấy cái lành của mình, mà chẳng thấy điều lành của người. Còn thêm nữa: tự cho mình là trí mà thiên hạ đều ngu; mình ở trong chỗ sáng, thiên hạ ở chỗ tối. Như thế thật quá ư mê muội mà chẳng tự biết.
Những kẻ ngu si chỉ thấy kiêu ngạo của người, mà chẳng tự biết cái kiêu ngạo nơi mình. Hễ kẻ nào tự biết mình lỗi là kẻ ấy có thể cùng bàn luận điều lành với họ được. Mà kẻ nào chỉ thấy cái hay của mình, thời không thể nói chuyện phải với họ được.
Kinh Pháp Luật Tam Muội
Nếu học hỏi được chút ít mà đã đem khoe khoan với người, ấy là kẻ mù cầm đuốc soi đường cho người ta mà tự mình chẳng thấy gì cả.
Kinh Pháp Cú
Đứa ngu phụng sự kẻ minh trí trọn đời, mà tự mình chẳng biết được chút chơn chánh đạo pháp gì cả. In như ăn rồi uống rượu cả ngày mà chẳng biết mặn lạt gì hết.
Kẻ trí phụng sự bậc Thánh hiền trong giây lát thì liền nhận rõ được chơn pháp. In như chót lưỡi chạm đến vật ăn liền biết cay ngọt.
Người trí tìm được một câu diễn ra thành trăm ý nghĩa. Mà đứa ngu tụng một ngàn bài chẳng hiểu nghĩa một câu. Tự biết mình là người ngu trong giới người ngu thì sẽ được điều lành. Mà người ngu tự xưng mình là kẻ trí, ấy là đứa ngu chánh tông trong bọn người ngu vậy.
Kinh Xuất Diệu