Tác giả: Dương Tú Hạc
Dịch giả: HT Thích TríNghiêm
PHẦN III – NHƠN QUẢ
CHƯƠNG II
CHÚNG SANH
C. TÂM NGƯỜI
Tâm và vật bị có của tâm, bản tính vắng lặng, chẳng thấy nghe gì được cả. Tâm như trò huyển, do chúng sanh so đo chấp trước nên khởi ra vọng tưởng mà chịu mọi nỗi khổ vui. Công dụng của tâm như nước chảy, sanh diệt từng niệm một mà chẳng chút dừng. Tâm như gió mạnh trong một giây lát rất ngắn, hoa khắp mọi nơi. Nó cũng như đèn đuốc khi các duyên hòa hợp thời phát ra công dụng; như chớp sáng diện khí, chẳng đúng giây lát; nó xáu láu như con khỉ đột chuyền trên cây ngũ dục.
Lại cái tâm khéo léo như chàng họa sĩ, vẽ đủ màu sắc, đủ hình tượng. Và ngược lại nó vụng về mộc mạc như những kẻ đầy tớ, bị bọn phiền não sai sử như chong chóng.
Rồi nó cũng hung dữ như kẻ giặc cướp mà cướp hết các của công đức. Nó nhơ nhớp như bầy heo nái, ưa ăn các thứ tạp uế thậm tệ; và nó say đăm cũng như bầy ong mật trít trát trên những đóa hoa có khí vị.
Nhưng bản tính nó vẫn là phi khứ phi lai, nó giống như hư không chẳng hạn. Và bản tánh nó tuyệt nhiên không có những tướng sai biệt như: lớn nhỏ, khổ, vui hay là thượng, trung, hạ gì cả. Nhưng nó là thường trụ bất biến rất là thù thắng vậy.
Kinh Tâm Địa Quán
Tâm trôi theo cảnh giới, như đá nam châm hút sắt vậy.
Kinh Lăng Nghiêm
Các vị Bồ tát có đức tin tưởng phi thường: tin các pháp do nhơn duyên hòa hiệp mà sanh; tin không có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng kẻ trường thọ; tin không có kẻ tạo tác, kẻ lãnh lấy; tin không có cái ta và những vật bị có của cái ta. Với thế gian chẳng sợ hãi, chăm tu tinh tiến chỉ mong cầu thấu rõ cái tâm. Tâm là thế nào? Tham dục, sân nhuế, ngu si chăng? Hay hiện tại, quá khứ, vị lai chăng? Xét ra vị lai chưa đến, quá khứ đã khứ đã qua mất rồi, hiện tại chuyển biến luôn chẳng đứng yên. Tâm này chẳng ở trong, chẳng ở ngoài và cũng chẳng ở chặn giữa. Nó không sắc không hình cho đến không thể thấy nghe được; nó chỉ là nương nhơn duyên điên đảo và vọng tưởng mà sanh ra các tướng sai biệt ấy thôi.
Nầy Thiên nam tử! Vọng tâm ấy như trò huyển, do nhớ tưởng phân biệt mà sanh khởi các món nghiệp nhơn; nó cũng giống như dòng nước chảy, sanh diệt chẳng chút ngừng; như lửa trên đèn có các duyên hòa hiệp mới phát hiện; như điện khí một sát na cũng chẳng dừng; như hư không chỉ vì bị khách trần phiền não làm ngăn ngại; như con vượn chuyền nhảy mọi cảnh giới; như họa sĩ tự do vẽ vời mà không nhất định; như kẻ oan gia gây mọi điều khổ não; như con voi cuồng phá hoại tất cả căn lành. Nó còn như cá tham mồi nuốt câu; với nguy mà tưởng là an; như trong cảnh chiêm bảo, với trong cảnh không "ta" mà sanh lòng tưởng có cái ta; như con ruồi xanh, với món nhơ nhớp mà cho là thơm ngon.
Kinh Bảo Vũ
Trong cảnh chiêm bao, thật không có việc lành mà cho là lành, việc không đáng giận dữ mà giận dữ nổi lên, việc không đáng sợ mà run sợ. Chúng sanh ở trong ba cõi cũng như thế ấy. Vì cái mê vô minh nó còn ngủ trong lòng, cho nên chẳng đáng sân mà sân, chẳng đáng buồn mà buồn.
Phải biết rằng ngoài tâm chẳng có cảnh chi sai khác, chỉ có chút mê tĩnh mà vọng thấy nhiễm cảnh mà thôi. Cho đến ngoài tâm không có tướng địa ngục, khi mà ác nghiệp thành tựu thời mới thấy có chịu khổ vậy thôi.
Luận Trí Độ
Đức Phật dạy đại chúng: Cảnh chẳng phải khổ mà cho là khổ, ngược lại cảnh khổ mà cho là vui. Lạc là cảnh giới Như Lai mà kẻ nào chẳng biết là điên đảo số một.
Trong vô thường mà cho là thường, ngược lại thường cho là vô thường. Thường là cảnh giới Như Lai mà kẻ nào chẳng biết là điên đảo số hai.
Trong chơn ngã mà cho là vô ngã, ngược lại trong vô ngã cho là ngã. Ngã là Phật tính mà kẻ nào hiểu trái lẽ là điên đảo số ba.
Trong bất tịnh mà cho là tịnh, ngược lại trong tịnh cho là bất tịnh. Tịnh cũng là Phật tính, vậy là điên đảo số bốn.
Kinh Niết Bàn
Có một người mê, chỉ đông là tây, chỉ tây là đông, nam bắc cũng thế, người đời mê muội cũng giống như thế. Đời có ba hạng người: một cuồng, hai si, ba bị bệnh gió. Những người này, tay cầm chiếc gươm, ý muốn chém đông mà lại chém tây, muốn chém nam mà lại chém bắc.
Người bài báng chánh pháp cũng giống như vậy: cho chánh pháp là tà pháp, ngược lại cho tà pháp là chánh pháp; cho pháp thường trú là vô thường, mà cho pháp vô thường là thường trú; cho lạc pháp là khổ, mà cho khổ pháp là lạc; cho bất tịnh là tịnh, mà cho tịnh là bất tịnh. Cho bậy như thế là kẻ đã bị mất tánh bình thường. Cho nên ta dùng mọi phương tiện: với chỗ tối tăm soi ánh sáng rực rỡ; vì muốn đắt dẫn ra, nên mở thông cửa ngỏ; vì kẻ ngu si mở ánh sáng trí huệ; vì kẻ lạc đường, chỉ cho biết nẻo chánh đạo; vì muốn độ cho qua, ban cho cầu, thuyền.
Muốn khiến cho tất cả chúng sanh đem lòng từ bi mà đối đãi lẫn nhau, như cha mẹ anh em chị em vậy.
Kinh Thập Trụ
Ngài Văn Thù Bồ tát thưa với đức Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, vì sao gọi là tâm địa? Xin Thế Tôn vì các chúng sanh diễn nói để: với kẻ chưa lìa khổ khiến lìa; chưa phát tâm Bồ đề khiến phát, và chưa chứng được quả Bồ đề khiến chứng.
Đức Phật khen: Văn Thù! Ngươi là mẹ đẻ trí huệ thật, vì muốn dắt dẫn những kẻ mới phát tâm Bồ đề mà hỏi nghĩa này, Ta sẽ vì chúng sanh mà nói: Tâm địa là Pháp rất thù thắng của mười phương Như Lai; là pháp đốn ngộ của tất cả phàm phu; là nơi điện ngọc để hưởng vui pháp lạc; là kho tàng bảo ngọc tặng vật lợi ích cho chúng sanh; là nguồn gốc sanh công đức của chư Phật. Và còn công năng tiêu trừ ác nghiệp cho tất cả chúng sanh; độ qua hiểm nạn sanh tử, làm im sóng mòi nơi biển khổ; làm cạn khô biển lão bệnh tử; đem đuốc đại trí soi sáng trên con đường dài sanh tử tối tăm. Mà nó cũng là pháp vô thượng, và ngọn cờ thù thắng nhất của chư Phật vậy; giống như bậc Đại thánh quốc vương tùy thời trị nước mới được đại thái bình an vui, tất nhiên kẻ nào trái lệnh là bị giết.
Ba cõi đều lấy tâm làm chủ. Kẻ nào hay quán sát tâm là có thể chứng được cứu cánh Niết bàn, mà chẳng quán được bị trầm luân khổ ải.
Tâm như chốn đại địa hay sanh trưởng ngũ cốc, nghĩa là hay sanh quả vị Bồ tát và Phật, cho nên gọi là tam giới duy tâm. Do đó nên gọi tâm là địa. Hễ ai gần gũi bạn lành nghe Pháp môn tâm địa, đúng như lý mà quán sát, đúng như pháp mà tu hành là có thể chứng được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác vậy.
Kinh Tâm Địa Quán
Ta thấy chúng sanh đều ở trong cảnh phiền não tham dục, sân nhuế và ngu si v.v… đầy đủ Phật trí, Phật nhãn, Phật thân đồ sộ chẳng lay động. Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh tuy ở trong phiền não mà thường đâu có ô nhiễm Như Lai tạng, đức tướng đầy đủ như Ta không khác. Ví như Chơn kim sa vào trong bất tịnh, chìm ngấm chẳng nổi, trải qua nhiều năm chẳng ai hay biết mà chất chơn kim kia không hề hư hoại, duy người có thiên nhãn mới thấy biết nơi ấy có hòn chơn kim báu quý vô giá.
Chúng sanh vốn sẵn có Phật tánh chứ chẳng phải từ nơi nào khác đem đến. Thí như có người trong chiếc áo đang mặc sẵn có viên ngọc như ý mà tự chẳng hay biết gì cả. Lại như bảo vật nă? sẵn trong kho tàng của mình mà chẳng tự biết để đến nổi phải bôn tẩu tìm cầu từng miếng ăn nuôi sống hằng ngày.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm
Tất cả chúng sanh quyết định sẽ được tâm Đại trí, cho nên Ta nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Kinh Niết Bàn
Tâm tánh của tất cả chúng sanh vốn thanh tịnh, các phiền não không thể làm ô uế được, in như hư không, không khi nào bị thứ gì làm nhơ bẩn.
Kinh Đại Tập
Cái thanh tịnh của tâm tánh giống như mặt trăng nằm dưới đáy nước.
Kinh Bảo Tích
Tâm mà xa lìa được những đục vẩn, thời ta nói tâm ấy là Phật đó.
Kinh Nhập Lăng Già
Bồ tát ngoài việc giác ngộ tự tâm thì chẳng còn ngộ gì nữa. Tại sao thế? Vì giác ngộ tự tâm tức là đã giác ngộ tâm của tất cả chúng sanh vậy. Nếu tâm mình được thanh tịnh thì tất cả tâm của chúng sanh cũng đều được thanh tịnh; vì thể tánh của tâm mình tức là thể tánh của tâm tất cả chúng sanh vậy. Cho nên tự tâm mình xa lìa nhơ bẩn: tham, sân, si thời tâm của tất cả chúng sanh cũng đều được xa lìa nhơ bẩn: tham, sân, si vậy. Được như thế mới gọi là kẻ nhất thế trí giác.
Kinh Đại Trang Nghiêm Pháp Môn
Này Bảo Tích: "Vì Bồ tát muốn nhiêu ích chúng sanh nên mới nói tịnh pháp, vì nói tịnh pháp nên trí huệ tịnh, trí huệ tịnh nên tâm mới tịnh; vì tâm tịnh nên tất cả công đức được tịnh, vì công đức tịnh nên cõi nước mới được thanh tịnh vậy."
Cho nên muốn được cõi nước thanh tịnh, thời trước phải tịnh tâm; do tâm tịnh nên Phật độ cũng thanh tịnh theo.
Bấy giờ ngài Xá Lợi Phất sanh lòng nghi thưa với Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Bồ tát tâm tịnh thời cõi Phật cũng tịnh như lời Thế Tôn vừa dạy. Thế thì khi Thế Tôn còn là địa vị Bồ tát tâm ý chẳng tịnh hay sao mà cõi Ta bà đây bất tịnh như thế này?
Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Kìa mặt trời mặt trăng có thanh tịnh sáng chói không? Mà sao những kẻ mù chẳng thấy; vậy thì lỗi do mặt trời trăng hay lỗi bởi kẻ mù?
Xá Lợi Phất thưa: Chẳng phải mặt trời trăng chẳng cho người thấy, mà lỗi do người mù không thể thấy được.
Phật kết: Thế thì cõi Ta bà này tuy là thanh tịnh mà bọn các ngươi chẳng thấy đó thôi, là vì con mắt trí tuệ của các ngươi chưa mở được.
Kinh Duy Ma