Tác giả: Dương Tú Hạc
Dịch giả: HT Thích TríNghiêm
PHẦN II
NGÔN HÀNH
--- o0o ---
Chương III
LỢI THA
D. ĐẠO THẦY TRÒ
Kẻ Thiện tri thức nói lời đúng pháp, đúng như lời nói mà làm. Thế nào gọi là nói đúng pháp, và đúng như lời nói mà làm? Nghĩa là tự mình chẳng sát sanh, chẳng dạy người khác sát, cho đến tự mình tu chánh kiến và dạy người cũng tu chánh kiến; nếu ai được như vậy, mới được gọi là chơn chánh Thiện tri thức. Lại nữa tự tu đạo Bồ Đề và dạy người cũng tu Bồ Đề, vì nghĩa ấy nên gọi là Thiện tri thức. Hoặc là tự có thể tu hạnh tín, giới, bố thí, đa văn, trí huệ và cũng có thể dạy người tu hành tín, giới, bố thí, đa văn, trí huệ, vì những lẽ đó mà gọi là Thiện tri thức. Kẻ thiện tri thức cần phải có pháp lành. Pháp lành gì? Là việc mình tự chẳng cầu vui cho mình mà thường vì cầu vui cho chúng sanh. Khi thấy người có lỗi mình chẳng nên nói điều dở mà thường nói điều trọn lành. Bởi những nghĩa đó mà gọi là Thiện tri thức.
Kinh Niết Bàn
Nếu ai gần gủi Ác tri thức, đời nầy chẳng được tiếng tăm tốt, bởi vì gần gủi bạn bè xấu, đời sau sẽ đọa ngục A Tỳ. Ai mà gần gủi Thiện tri thức, hiện tại dầu chẳng được chúng lợi thế gian, đời sau sẽ được hết nhân khổ.
Kinh Phật Bổn Hạnh
Cần cầu kẻ Thiện tri thức, thân tâm đừng sanh mệt mỏi, thấy Thiện tri thức đừng sanh lòng nhàm chán; học hỏi với Thiện tri thức, đừng sợ khó nhọc; gần gủi Thiện tri thức đừng thối lui, cúng dường Thiện tri thức đừng cho gián đoạn; tùy thuận theo lời dạy dỗ của Thiện tri thức mà đừng chống trái; những công đức của Thiện tri thức, đừng sanh lòng nghi; khi Thiện tri thức diễn nói, phải quyết định mở cửa lòng xuất ly mà nghe; nhân thấy Thiện tri thức tùy thuận theo hạnh phiền não, đừng sanh lòng hiềm quái. Đối với Thiện tri thức phải lòng tin vững chắc đừng biến đổi. Tại sao? Vì Bồ tát nhờ Thiện tri thức mà được học hỏi các hạnh Bồ Tát. Do đó mới được thành tựu tất cả công đức của Bồ tát và được xuất sanh đại nguyện cùng là trí huệ quang minh rực rỡ. Và cũng nhờ đó mới được dẫn phát thiện căn Bồ tát và chứng được Đạo quả Như Lai bồ đề, để nhiếp lấy hạnh mầu nhiệm và sức tự tại cùng là xuất sanh sức đại từ đại bi của Bồ tát vậy.
Nầy Thiện nam tử! Bồ tát nhờ sự giúp đỡ của Thiện tri thức mà chẳng sa đọa ác thú; nương nhờ sự thành tựu của Thiện tri thức mà được tự tại thọ sanh; nương nhờ sức mạnh của Thiện tri thức mà phá tan nghiệp báo; nhờ mặc áo giáp nhẫn nhục của Thiện tri thức mà chẳng bị một lời nói xấu ác; và nương nhờ sự sanh trưởng của Thiện tri thức mà tiêu diệt được các tội lỗi kiêu mạn vậy.
Kinh Hoa Nghiêm
Đức Phật dạy: kẻ nào biết ơn thầy, khi có thầy thì lo phụng sự; khi vắng thầy thời lo suy nghĩ những lời thầy đã dạy bảo; giống như kẻ hiếu tử nghĩ nhớ cha mẹ, và như người đói khát nhớ nghĩ đến việc uống ăn.
Kinh Trang Tâm
Là kẻ Sư trưởng cần lấy 5 điều mà đối xử với đệ tử:
Tùy thuận theo phép điều ngự
Dạy những điều mà trò chưa biết
Tùy theo sự nghe biết của trò mà khiến cho hiểu thấu căn lành
Chỉ kẻ hiền lành cho trò kết bạn
Đem hết chỗ hiểu biết của mình mà dạy trao cho trò không nên lẫn tiếc
Kinh Trường A Hàm
Thầy dạy đệ tử có 5 điều:
Khiến trò mau hiểu
Dạy trò giỏi hơn đệ tử của kẻ khác
Phải dạy trò biết rồi nhớ mãi chẳng quên
Phải giải nói các điều nghi nan cho trò hiểu rõ
Muốn khiến trí huệ của trò cao hơn mình
Kinh Lục Phương Lễ
Hay khiến học hay dạy bảo, khiến học siêng năng đem về đạo lành, cho trò làm với kẻ hiền hữu. Ấy là năm điều mà thầy đối với trò vậy.
Kinh Thiện Sanh Tử
Đệ tử kính phụng sư trưởng cũng có 5 điều:
Phải hầu hạ
Lễ kính cúng dường
Tôn trọng trên đầu cổ
Những lời thầy dạy bảo phải cung kính tùy thuận, chớ không được chống trái
Khi đi theo thầy nghe được điều gì hay, khéo nhớ giữ gìn, chớ bỏ lãng quên
Kinh Thiện Sanh Tử
Đệ tử thờ thầy phải có 5 điều:
Kính mến là khó gặp
Phải nhớ ơn thầy
Nghe theo lời dạy
Nghĩ nhớ chẳng nhàm
Khi đi theo sau hầu hạ phải khen ngợi điều hay của Người
Kinh Lục Phương Lễ
Lóng nghe cho chắc, ưa học hỏi, siêng làm việc, không phạm lỗi, cúng dường thầy. Ấy là năm điều đệ tử thờ thầy vậy.
Kinh Thiện Sanh Tử
Phàm là kẻ đệ tử, mỗi khi thấy thầy tức thì đứng dậy.
Luật Căn Bổn Tỳ Na Da
Đệ tử theo thầy đi, chân chẳng nên đạp nơi bóng thầy.
Kinh Sa Di Giới Luật
Đệ tử, khi tham học với thầy phải tránh 6 chỗ:
Chẳng nên đứng trước mặt
Chẳng nên đứng sau lưng
Chẳng nên đứng quá xa
Chẳng nên đứng quá gần
Chẳng nên đứng chỗ cao hơn chỗ thầy
Chẳng nên đứng hướng trên gió
Luật Thiện Kiến Tỳ Bà Ta
Phật dạy: đứa ác muốn hại kẻ hiền, như ngửa miệng lên trời khạc nhổ, khạc chẳng đến mà rơi lại nơi mình. Lại như kẻ đứng đầu gió lấy chân quấy bụi, bụi chẳng đến người mà đã dơ thân mình. Người hiền không thể hủy hoại lại diệt mình.
Có người nghe Phật giữ Đạo, tu Đại nhơn từ, họ cố ý đến mắng Phật, Phật làm thinh không phản ứng. Họ mắng đã rồi thôi.
Phật hỏi: ngươi đem lễ vật cho người ta, người ta không nhận lễ vật ấy trở về ngươi chớ sao? Người kia đáp: phải. Phật nói: khi nãy ngươi mắng Ta mà Ta không nhận, ngươi tự đem họa ấy về nơi thân người: giống như vang ứng theo tiếng, như bóng hiện theo hình, quyết không sai một mảy. Ngươi cẩn thận chớ làm ác.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương
A Nan thưa Phật rằng: người đời và đệ tử Phật khinh rẻ bực Thầy và họ đem ác tâm đến bậc Thầy và người đạo đức thì tội ấy thế nào?
Phật bảo A Nan rằng: là con người thời phải ưa mến đức của người khác và vui mừng điều lành của họ, chẳng nên ganh tị. Còn như đem ác tâm đến bậc Thầy và người đạo đức thì cũng như đem ác tâm đến Phật không khác chi cả. Ví phỏng đem cái cung nặng một vạn tạ bắn vào thân mình chừng có đau hay không? A Nan thưa: thật đau lắm đau lắm. Phật nói: người có ác ý đem đến người đạo đức cùng là bậc Thầy hãy còn đau hơn gấp mấy lần cái mũi tên kia bắn vào thân minh.
Là kẻ đệ tử chẳng nên khinh dễ bậc Thầy và đem ác ý đến kẻ đạo đức. Người có đạo đức phải xem họ như Phật chớ chẳng nên ganh tị hủy báng. Người có giới đức cảm động đến các Thiên long qủy thần không một vị nào chẳng cung kính.
Thà lao mình vào đống lửa, cẩn thận chớ nên ganh tị và hủy báng kẻ thiện nhơn, tội ấy chẳng phải nhỏ nhen, cho nên phải cẩn thận lắm.
Kinh A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung
Đệ tử có 5 việc mới nên quở mắng:
Bất tín
Biếng nhác
Ác khẩu
Tâm không biết xấu hổ
Gần gũi ác tri thức
Phật nói: chỉ phạm một trong năm món vừa kể trên cũng nên quở mắng.
Có Tỳ kheo thưa Phật rằng: quở mắng cách nào? Phật đáp: có 5 pháp:
Chẳng nói năng với hắn
Chẳng dạy trao gì hết
Cho thọ dụng chẳng đồng đều
Chẳng dạy cho việc lành
Chẳng cho ở chung một nhà
Trong 5 pháp nầy tùy theo trường hợp mà dạy quở.
Luật Hữu Bộ Căn Bổn Tỳ Nại Da
A Nan thưa Phật rằng: bực Thầy có quyền la mắng đệ tử, tội nhỏ cho là to, chừng như Thầy có lỗi hay không?
Phật đáp: không nên không nên! Đạo nghĩa Thầy trò phải lấy đạo cảm hóa tự nhiên, phải cùng nhau có lòng tin cậy thân hậu; xem trò như mình, việc chi mình chẳng muốn làm, đừng trách sao trò không làm. Phải lấy đạo đức rộng dạy: kính trọng, lễ phép cho trò, phải thuận hòa trung tiết, không nên đem lòng oán trách kiện cáo cùng nhau. Kẻ đệ tử cùng Thầy hai bên đều chân thành: bực Thầy cho ra bực Thầy, kẻ làm trò cho đáng kẻ làm trò thì mới được.
Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung